Giống, hay không giống?



Lớp 12 Chuột, là lớp của Gạo, đã quyết định lập đội cùng thi với lớp 11 Sóc, là lớp của Viên Hoà. Cuộc thi kéo dài suốt từ những tháng đầu năm học, đi qua cả kỳ thi cuối kì đầy cam go. Mới đó mà năm mười hai của Gạo, ngót nghét đã trôi qua gần nửa chặng đường.

Nhờ tính cách hoà đồng lại năng nổ, chăm làm, Viên Hoà nhanh chóng chiếm được cảm tình của tất cả các thành viên lớp Gạo. Ai cũng quý mến Viên Hoà và mọi người đã dần dần quen với sự có mặt của em mỗi lần chuông reo chuyển tiết. Viên Hoà rất hay đến gặp Hà để thảo luận về nội dung cuộc thi. Nhờ sự tích cực hoạt động từ hai bạn lớp trưởng, liên minh “Sóc - Chuột” đã xuất sắc vượt qua các đối thủ cạnh tranh để lọt vào vòng chung kết. Khác với những vòng trước, chỉ cần đưa ra ý tưởng, ở lượt chung kết này, tụi nó phải hoàn thiện một sản phẩm có thể đem vào sử dụng luôn. Đây quả thực là một thử thách khó, nhưng được thử sức mình thì ai mà chẳng ham! Cứ nhìn gương mặt bừng bừng khí thế của Hà, Gạo cũng dư hiểu lòng quyết tâm bên trong cô bạn lớn tới cỡ nào.

- Gạo, cái em Viên Hoà í giống Gạo thiệt hen!

- Hả, tao với Viên Hoà giống nhau á?

- Ùa, chứ còn sao nữa! Cái cảm giác mang lại cho người khác nguồn năng lượng tích cực nè, lúc nào cũng cười toe toét nữa, rồi thì siêu siêu siêu tốt bụng luôn!

Được Hà khen như thế, Gạo cũng thấy hơi lâng lâng. Lúc này tụi nó đang tận dụng giờ sinh hoạt lớp để lên danh sách những vật liệu cần chuẩn bị. Gạo ngượng ngùng gãi đầu, cái mũi nhỏ phồng to khoái chí, cô bé chép miệng giả vờ khiêm tốn:

- Hà cứ nói quá thôi, làm sao mà…

- Làm sao mà giống được.

Là giọng của Nếp. Cậu chàng ngắt lời Gạo trong khi đôi mắt vẫn không rời khỏi tấm giấy ghi chú trên bàn. Trước ánh nhìn ngạc nhiên như chờ câu giải thích từ hai bạn nữ, Nếp chỉ bình thản cất tiếng:

- Không giống một chút nào cả.

Rồi Nếp ngẩng đầu lên, cậu mỉm cười với Hà đang ngơ ngác. Nhưng khi dừng lại chạm mắt Gạo, nụ cười đẹp đẽ đã biết mất hoàn toàn. Nếp nói:

- Viên Hoà không phải là quả bóng nước căng phồng, em ấy tự biết cách thoát hơi.

Cái cách Hà nhìn Nếp càng thêm phần ngờ nghệch. Hà không hiểu Nếp nói gì. Nhưng Gạo dường như đã nhận ra ẩn ý đằng sau câu nhận xét tưởng chừng hết sức dở hơi và vô nghĩa của cậu bạn. Có lẽ Nếp đã đúng. Sau khoảng thời gian dài tiếp xúc với Viên Hoà, Gạo cũng dần dần thấy được rằng em ấy rất giỏi trong việc bộc lộ cảm xúc cá nhân. Viên Hoà biết mình thích gì, hiểu mình muốn gì và hoàn toàn chẳng gặp bất cứ trở ngại nào khi phải bày tỏ chúng. Giống như cái lần em đề nghị cho Gạo mượn áo khoác, rồi còn cùng Gạo đi tìm chỗ mua bánh bông lan, hay cái lần Viên Hoà nhờ Gạo chỉ cho cách chọn lớp lập đội sau khi thẳng thắn thừa nhận nỗi buồn và cảm giác bất lực của bản thân. Viên Hoà luôn biết cách nói ra mọi điều mình nghĩ, trọn vẹn, không giấu giếm. Ấy là điểm đáng quý nhất ở em. Còn Gạo, qua ánh mắt tĩnh lặng Nếp đặt trên người mình, Gạo đoán Nếp đang muốn mắng Gạo là một đứa dối lòng, hâm dở.

- Nè, thôi, mình đừng nói cái đó nữa nha? Còn cả núi việc cần làm đây này!

Hà cắt ngang mạch suy nghĩ của Gạo bằng một lời nói nửa than thở, nửa thăm dò. Tuy Hà không biết rõ tình hình, nhưng cô bé cũng lờ mờ hiểu được bản thân vừa chọc vào một vấn đề khá nhạy cảm. Cắn nhẹ nắp bút bi, Hà cố tỏ ra tự nhiên hết mức có thể để hỏi ý hai bạn:

- Dùng giấy vụn hay dùng bao ni lông để thiết kế thì tiết kiệm chi phí hơn nhỉ? Với cả, tụi mình nên vạch rõ ngay từ đầu là sản phẩm mà tụi mình tạo ra sẽ mang đến những lợi ích thiết thực gì cho môi trường.

Càng bắt tay vào làm, Gạo mới càng nhận thấy, hoá ra môi trường có nhiều vấn đề cần phải quan tâm đến vậy. Báo động đỏ từ nguồn nước, nguồn không khí và cả mặt đất chúng ta đặt chân lên mỗi ngày. Những loại hình ô nhiễm ít được nhắc tới như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng cũng đang gây ra rất nhiều tác động tiêu cực cho hệ sinh thái. Chẳng phải tự nhiên mà những năm gần đây, nạn cháy rừng tăng cao đáng kể. Đứng trước lời kêu gọi bảo vệ hành tinh xanh, những kiến thức về việc tái tạo môi trường sống đã được đem đi tuyên truyền rộng rãi, tạo nên một làn sóng cho thế hệ trẻ thi nhau hưởng ứng.

Tuy vậy, cái gì cũng bao gồm những mặt lợi và mặt hại của riêng nó. Phong trào sống xanh nổi lên, mang đến lượng người ủng hộ đông đảo, nhưng đồng thời cũng đang bị thổi phồng như một cách để người ta a dua, thể hiện mình. Những cuộc thi về môi trường được tổ chức, nhưng một phần trong số chúng chỉ mang tính tượng trưng, hời hợt; những người tham gia cũng cứ giữ khư khư thái độ đối phó, tham gia cho có lệ, cho bằng bạn bằng bè, cho thiên hạ biết ta đây cũng chịu lo nghĩ vì cộng đồng chứ chưa thực sự tiếp thu kiến thức với một tinh thần học hỏi đúng mực. Đơn cử như vấn nạn chung của những cuộc thi làm đồ tái chế là các thí sinh không tái chế đồ mới từ đồ cũ, mà lại cố tình đi làm hư hại đồ mới, biến chúng thành đồ cũ rồi từ đó thiết kế nên sản phẩm tái chế của mình. Thay vì thu gom giấy vụn, họ xé phăng những tờ giấy trắng tinh tươm. Thay vì nhặt nhạnh bao ni lông đã qua sử dụng, họ ra hẳn ngoài hàng mua cả xấp bao mới về dùng. Đối với những hành vi đáng chê trách này, Đoàn trường THPT Rừng Ươm rất quyết liệt bài trừ. Quy định chung về những vật liệu được phép sử dụng trong cuộc thi tái chế được văn phòng Đoàn kiểm tra cực kì gắt gao. Hôm qua, lớp Gạo vừa gửi một bao nguyên vật liệu to tướng lên cho cán bộ đoàn xét duyệt. Bây giờ cô bé đang khệ nệ bưng nó sang chỗ Viên Hoà để bàn giao.

- Ủa, xem ai quen quen vậy nè?

Ngô Đồng đi tập bóng rổ về, gặp Gạo ở giữa hành lang thì lớn tiếng trêu chọc. Nhưng những lời chòng ghẹo đã nhỏ dần khi Ngô Đồng bắt đầu để ý đến cái bọc bự chảng Gạo xách trên tay. Cậu chàng tốt bụng đề nghị:

- Đâu nào, cái gì nặng quá thì đưa anh đây cầm cho!

Và Ngô Đồng cũng chẳng thèm quan tâm câu trả lời của Gạo, cậu chàng cứ thế đoạt lấy bọc đồ, thong dong:

- Uầy, nhệ hều! Thế mà trông mày ôm nhìn khó khăn quá thể! Gạo là cái đồ yếu như sên!

Như bình thường, Gạo đáng lẽ đã gân cổ cãi lại ngay. Nhưng hôm nay thời gian không cho phép, Gạo chỉ kịp khịt mũi đe doạ Ngô Đồng đúng một lần sau khi lướt mắt qua chiếc đồng hồ đeo tay. Trong lúc đôi chân hớt hải chạy về phía phòng giáo viên, cô bé ngoái cổ ngó theo Ngô Đồng bị bỏ lại đằng sau, hét vang câu dặn dò:

- Mang nó cho Viên Hoà giúp tao nhé! Tao phải xuống gặp cô Địa để xin nộp bổ sung bài tập bị thiếu đây!

Ngô Đồng ngẩn tò te nhìn bóng cô bạn khuất dần, chán nản quay gót đi tìm Viên Hoà. Nhưng bất ngờ là cuộc nói chuyện với Viên Hoà cũng không đến mức tẻ nhạt. Ngược lại, tâm trạng hụt hẫng vì bị bỏ rơi của Ngô Đồng đã nhanh chóng được lấp đầy chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Viên Hoà có một lối nói chuyện rất duyên, làm cho Ngô Đồng cứ bị cuốn theo mãi.

- À, cảm ơn em bữa trước đã giúp anh tìm đồ nha! Mà sao tự dưng em có mặt ở đó đúng lúc quá vậy?

- Ơ, anh khách sáo thế làm gì! Em chỉ tình cờ đi ngang qua thôi, xong thì em nghe thấy tiếng động bên trong nhà kho nên tò mò mở cửa ấy mà. Tụi bạn em đồn chỗ í nhiều ma, nên lúc đấy em cũng hồi hộp lắm! Hoá ra chẳng phải ma cỏ gì sất, chỉ có mỗi anh Ngô Đồng, hì!

- Hồi hộp là sợ hay là háo hức? - Ngô Đồng đùa.

- Cả hai anh ạ, nhưng mà sợ nhiều hơn! - Viên Hoà cũng hóm hỉnh đáp lời.

- Sợ mà vẫn mở cửa đi vào á? Kì khôi thiệt! Em giống y như Gạo! Hay là bạn nữ nào cũng như thế hả ta? Có đợt Gạo nó coi phim ma, rõ là sợ phát khiếp mà vẫn lì cứ một hai nằng nặc đòi phải xem cho hết, anh tắt ti vi thì chẳng chịu đâu!

- Vậy ạ? Em cũng khoái phim ma lắm, nhưng mấy lúc xem chỉ dám mở một mắt thôi! 

- …

Tụi nó nói hoài, nói mãi mà vẫn còn chưa nói hết những chuyện trên trời dưới bể. Viên Hoà nhờ Ngô Đồng chở về nhà, trên đường đi, màn tán gẫu vẫn tiếp tục sôi nổi. Chủ đề đã bắt đầu xoáy vào những việc cá nhân hơn. Chuyện gia đình của Viên Hoà, chuyện tập bóng rổ của Ngô Đồng, rồi thì đủ thứ linh tinh lặt vặt khác. Cuộc vui chỉ tạm dừng khi chiếc xe đạp thể thao tấp vào trước cổng nhà Viên Hoà và tụi nó tạm biệt nhau, hẹn một ngày mới ở trường.

2

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout