40.
Chúng con tìm được hai tấm ảnh chụp hồi Phúc Quý và Liam tham gia đoàn cắm trại trong rừng. Một tấm chụp lúc khởi hành, ánh nắng chan hoà, mọi thành viên tụ lại trước chiếc xe trung chuyển, người ngồi người đứng làm kiểu. Một tấm được chụp trong đêm cắm trại, tuy chụp vào ban đêm nhưng vẫn có thể nhìn rõ từng người trong ánh lửa trại hắt lên. Con và Phúc Quý cố đoán xem ai là quản trò, ai là ông người Pháp, ai là ai trong câu chuyện Phúc Quý đã kể. Con thử tạo dựng lại khung cảnh ấy trong đầu mình nhưng vẫn không nên hình nên dáng, chỉ có thể nắm bắt được những cảm giác. Ngược lại, có vẻ Phúc Quý đã nhớ được gì đó, em cố gắng đuổi bắt nó, cả ngày thừ người ra cố mà nhớ, nhưng từng mảnh vụn vẫn không thể ghép lại với nhau thành bức tranh hoàn chỉnh. Con bảo em cứ từ từ, không có gì phải gấp cả.
Ngoài ra, con cũng tích cực kể cho Phúc Quý nghe những kỷ niệm ngày xưa của hai đứa, hồi mẹ em ấy còn sống, còn có những người hàng xóm, bè bạn. Con tham gia vào cuộc đời em không nhiều lắm, vì thế cũng không biết rõ điều gì mới là quan trọng với em, song thiết nghĩ cứ kể hết ra từng thứ một, chắc chắn sẽ đến lúc có thứ giúp kéo em quay lại. Con kể em nghe cái lần em chơi trốn tìm dưới nước với tụi con nít ở Thanh Hoá. Khi em hụp xuống dòng nước, trốn thật kỹ để không bị phát hiện, đến mức suýt thì ngoi lên không kịp, sặc nước rồi nằm ngửa ra thở hồng hộc. May là khi đó con đã kéo được em lên. Con hỏi em vì sao lại chơi trò nguy hiểm như vậy, em chỉ trả lời là mình rất thích cảm giác lẩn trốn. Trò trốn tìm dưới nước này đã được em nhắc qua trong thư gửi bác, vụ em bị ma bắt vào bụi tre, bị cho ăn đất cũng đã được bà Thìn kể lại.
Con bỗng nghĩ, đời Phúc Quý dường như cứ bị một thế lực nào đó quấy nhiễu, em ấy xoay vòng trong đường ranh giữa các cõi. Ma da kéo, ma trong bụi tre bắt, tổ tiên nhập xác… Dường như có thứ gì đó luôn chực chờ, khi em lệch hướng thì nó sẽ ngay lập tức trổ lên, tiếm quyền. Con hỏi đã em về chuyện đó, nhưng em sừng sộ quát mắng như vừa bị đụng trúng một cái vải ngược, và lần đầu tiên kể từ mấy tháng nay, em dùng lại ngôi xưng của ma quỷ:
“Ý mày muốn nói ông là loài yêu ma quỷ quái, đã ngụ trong người Phúc Quý từ lâu và luôn tìm cách bắt nó chứ gì?”
Khi nhìn thấy một bức tượng Phật bị bỏ hoang, làm sao chúng ta biết Phật có ở trong bức tượng ấy hay không, hay đã có thứ khác trú ngụ vào nó rồi? Làm sao ta biết mình đã triệu tổ tiên về hay đã mở cửa rước ma quỷ vào nhà suốt bao nhiêu lâu nay?
Con nhớ Phúc Quý dù đang ở gần em ấy, nói như thế thật vô trách nhiệm, chẳng khác nào đang nói con yêu Phúc Quý trong ký ức chứ không yêu em ở hiện tại. Vậy thì đâu phải là yêu. Nhưng con không biết phải làm sao nữa, Phúc Quý bây giờ đã khác trước khủng khiếp, chẳng biết đến khi nào con mới được thấy lại em bình thường của ngày xưa.
“Cụ không phải Phúc Quý, cụ không bao giờ được như em ấy đâu. Cụ chỉ là Phúc Quý bị điên thôi. Cụ phải trả lại thân xác cho em ấy đi!”
Phúc Quý lồng lên, nhào đến chỗ con. Em đưa tay bấu lấy cổ con và áp con vào tường. Mắt em long lên sòng sọc, man dại và điên cuồng. Con rụng rời tay chân, ngay cả hành động đưa tay gạt em ra để thoát cũng không làm được. Phúc Quý không siết cổ, chỉ đặt tay lên ngay chỗ yết hầu con như đe doạ.
“Trả lời đi, tại sao mày lại nghĩ vậy? Mày cũng biết đúng không nào! Mày cũng biết cỗ nghi trượng đó…”
“Con biết…” Con khó nhọc lắm mới trả lời được.
Khi ông cụ bị giải về Thăng Long, ông đã nhanh tay sai người nhà tháo rời tất cả bộ phận của cỗ nghi trượng ra rồi gửi cho bạn bè người quen tản mát khắp nơi. Đến đời sau, con cháu mới bắt đầu thu thập lại từng chút một và tiến hành phục dựng toàn bộ.
Nhưng đó chỉ là câu chuyện do những người đời trước kể lại. Có lẽ sự thật là họ đã không thể tìm thấy toàn bộ bộ phận của cỗ nghi trượng. Chúng đã thất lạc trong nhân gian cả rồi. Có lẽ họ đã không thể phục dựng lại gì cả, họ chỉ bỏ một số tiền lớn để tạo ra một cỗ nghi trượng khác, rồi kể câu chuyện mình đã tốn công thu thập được tất cả các phần và ráp vào nhau.
Hoặc kinh khủng hơn, thật ra cổ nghi trượng của vị tham quan ấy không hề được rã ra, nó đã không kịp thoát thân. Nó đã bị dân chúng quần thảo, phá huỷ tan nát sau khi ông cụ ngã ngựa. Con cháu đời sau chỉ có thể cố gắng phục dựng lại cho tốt nhất có thể, rồi dựng ra một giai thoại, bảo rằng đây là cỗ nghi trượng của một tham quan được bảo tồn nguyên vẹn đến hôm nay.
Bố con là chuyên gia, bố con nhìn là có thể đoán biết tuổi thọ và bản chất của một món bảo vật. Bố của con đã nhận ra bản chất thật của cỗ nghi trượng. Nhưng ông ấy đã im lặng, bởi vì đây là nghề của ông ấy. Vật quý vẫn còn tồn tại thì ông mới có việc để làm. Miễn người ta còn thờ đồ cổ, bố vẫn còn cái nghề để kiếm chác. Vì thế bố con con đã không vạch trần, cứ để yên cho mọi người tôn thờ cái thứ hàng giả ấy mãi.
Con nhìn thẳng vào cơn điên của Phúc Quý, hỏi, “Cụ cũng nhìn ra đúng không? Nếu cụ là ông cụ thật, thì ngay lần đầu được bác Trường dẫn đi xem lại nghi trượng, cụ đã thừa biết đó không phải đồ thật!”
“Tao biết cả!” Phúc Quý gằn giọng, “Đó là hậu quả của việc để người ngoài sống lẫn lộn trong nhà mình, bố con tụi bây đã cố xây dựng và duy trì những cái giả dối cho đến khi chúng ăn mòn những cái chân thật!”
Bàn tay Phúc Quý bắt đầu siết lại. Con quơ quào nắm lấy cổ tay em, rên khẽ trong lúc đường thở nghẹt dần:
“Phúc Quý, anh xin lỗi…”
Chúng ta đã thờ cái giả dối suốt cả cuộc đời mình. Không chỉ cuộc đời mình, chúng ta đã thờ cái giả dối suốt bao nhiêu thế hệ.
Hồ Chí Minh, 23.01.2025
–HẾT–
Bình luận
Chưa có bình luận