PHẦN 5. CỞI LỐT TUỒNG
37.
Khi tấm rèm sân khấu hạ xuống, cả khán phòng vỗ tay cuồng nhiệt, có khán giả quá khích còn đưa ngón tay lên miệng huýt sáo. Các hàng ghế khán giả chật ních người. Con không ngờ rằng ngày nay người ta còn đi xem kịch nói nhiều đến thế, có lẽ bởi vì đây là buổi công diễn đầu tiên. Mắt bác Bertina long lanh, khuôn mặt phấn khởi nở ra. Bác gái bảo đây là lần đầu tiên bác xem một vở kịch… thú vị như vậy. “Thú vị” là từ nhẹ nhàng của “điên rồ”. Vở kịch ba người chúng con vừa xem, đúng như quảng cáo, là một vở kịch mà không ai ngờ rằng nó sẽ như thế. Đạo diễn sân khấu đã khéo léo thu vén hai loại hình nghệ thuật: hát nói và kịch nói, trong cùng một vở diễn. Tất nhiên vì thế mà nó sẽ có nhiều phân đoạn khó xem hơn các vở kịch bình thường một chút. Tuy nhiên, bên cạnh tính thể nghiệm về hình thức thì lớp lang câu chuyện vẫn đầy đủ và dễ theo dõi. Hình thức có lạ nhưng nội dung thì không quá khó hiểu.
Khác với mọi người, Phúc Quý bên cạnh con lại ngồi đờ đẫn ra, mắt nhìn chòng chọc sân khấu và các diễn viên đang bước ra chào. Đôi mắt em ấy như bị gắn vào một điểm lơ lửng không hình thù ở giữa sân khấu đầy người. Con nghĩ, có lẽ đây nên là biểu hiện sau khi kết thúc một vở kịch mới đúng: không phải là những tràng vỗ tay, những cơn reo hào hứng, những cú bật khoa trương khỏi ghế vì háo hức mà là cảm giác đờ đẫn chết lặng của khán giả. Phải mất một lúc, Phúc Quý mới thoát khỏi những câu hỏi, những rối ren chồng chéo và những chấn động đột ngột, em ấy đưa tay lên vỗ vài cái theo mọi người. Con biết, đó mới là phản ứng thành công nhất mà một vở kịch có thể tạo ra, nếu những người viết và dàn dựng vở này biết được có một khán giả đã phản ứng như em ấy, chắc là họ sẽ vui lắm.
“Phúc Quý, em thấy thế nào?”
Phúc Quý đã mất hết hoàn toàn khái niệm về kịch nói, dù trước đây em là sinh viên khoa Nghệ thuật của McGill hẳn hoi. Giờ đây trong đầu em ấy chỉ có những thể loại rất truyền thống, đặc biệt là tuồng Huế, không có tí gì ký ức về một thể loại du nhập vào Việt Nam rất trễ như kịch nói. Tuy vậy, nói em không cảm thấy gì cũng không đúng, thật ra bởi vì là vở kịch nói “đầu tiên” được xem, nên Phúc Quý là người bị chấn động mãnh liệt nhất. Đối với con và bác Bertina thì ngược lại, những phần hát nói của các diễn viên lại rất mới mẻ và hơi khó cảm nhận – phần lớn đến từ lượng từ vựng tiếng Việt hơi vượt thường thức trong những đoạn ấy. Dù có dòng phụ đề tiếng Anh lớn chạy bên trên, nhưng phụ đề chắc chắn không thể truyền tải cho bác Bertina đầy đủ tinh thần của những đoạn hát nói được.
Phúc Quý xoay qua, hình như đang chật vật kiếm cách để diễn đạt cảm nhận của bản thân nên mãi sau mới nói:
“Em thấy rất lạ. Tác phẩm này… kỳ quá…”
Con cũng bật cười, đồng ý, “Phải, anh cũng thấy nó lạ quá, anh từng xem kịch nói vài lần rồi nên cũng hiểu thể loại này là thế nào. Nhưng vở vừa rồi… anh có cảm giác nó cứ làm anh bất an thế nào trong suốt các hồi. Để rồi bùm một phát, nó vả mặt mình để mình sực tỉnh khỏi cơn mộng, trong khi cơn mộng ấy chính nó là người đưa mình vào chứ ai!”
“Kịch nói là thế này à?” Phúc Quý hỏi lại.
“Không, không.” Con vội lắc đầu, “Xin lỗi em, lần đầu tiên em đi xem mà anh lỡ chọn một vở hơi kỳ! Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nó vẫn là một vở kịch đấy, với tất cả mọi thứ mà người ta tìm kiếm ở một vở kịch.”
“Em thấy nó đáng sợ…” Phúc Quý thỏ thẻ.
“Anh cũng vậy.” Đoạn, con nghiêng đầu hỏi bác gái, “Còn bác Bertina, bác thấy vở này thế nào?”
Trái ngược với Phúc Quý đầy dư âm xáo động, Bertina, có lẽ với kinh nghiệm nghệ thuật dày dặn của bác ấy, lại như vừa được kích thích mạnh mẽ. Bác hào hứng nói, hai tay siết lại:
“Chúa ơi, sao nó lại thế này? Không nói đến việc thể nghiệm hình thức nhé – thực ra mấy đoạn hát hò tôi chẳng hiểu gì – chỉ tạm bàn về nội dung và thông điệp thôi, sao lại có một vở kịch thế này?”
Con hiểu đó là cách bác ấy khen một tác phẩm nghệ thuật.
“Tôi phải đi tìm đạo diễn sân khấu và biên kịch, tôi muốn nói chuyện với họ, như những người đồng nghiệp. Chúa ơi! Còn hơn cả những gì tôi có thể tưởng tượng ra, mọi thứ… điên thật đấy!”
“Được, chúng ta lên chụp hình rồi chào hỏi dàn diễn viên và ê kíp nhé!” Con đứng dậy, dắt họ lên sân khấu. Trên đó, mọi người đang tụm lại chúc mừng sự thành công của vở diễn, những bó hoa được trao, những chữ ký được nghí ngoáy, những bức ảnh được chụp.
Bác gái cuối cùng cũng bắt được đạo diễn và biên kịch, bác mong muốn có thể gặp riêng nói chuyện với họ, vì thế sau khi buổi diễn kết thúc chỉ có con với Phúc Quý quay về trước. Thật ra Phúc Quý vẫn chưa hết thất thần sau cơn chấn động, nói chuyện với con mà chỉ nhìn đi đâu đâu, lâu lâu lại hỏi tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia. Chính con cũng không thực sự nắm bắt được bao nhiêu, thế nên cũng không thể trả lời em ấy hết được.
Dạo này Phúc Quý hỏi con rất nhiều, y như hồi xưa, cứ như mọi thứ đã thật sự trở về như xưa vậy bác ạ! Ngày xưa cũng thế, em ấy thắc mắc nước Trung Quốc thế nào, ở đâu, nước Trung Quốc như thế nào, người Trung Quốc thế nào. Phúc Quý ham học hỏi khủng khiếp, mỗi khi bắt được một từ khoá nào đó, em ấy sẽ hỏi và bung rộng câu hỏi ấy qua những vấn đề có liên quan. Giờ đây, em ấy đang làm quen với một thế giới đã trở nên mới mẻ, em ấy cũng sẽ hỏi rất nhiều. Con tưởng như mình đã sống lại một lần nữa những năm tháng cũ, nhưng trong một hình hài lớn hơn.
Lần đầu hai đứa tụi con gặp nhau, Phúc Quý lén lút không dám nhìn thẳng con. Lẽ ra nếu giống như các đợt trước, bố con sẽ dắt theo người đệ tử của ông, nhưng lần này ông lại dẫn theo một đứa hoàn toàn khác. Đứa trẻ ấy có vẻ lầm lì hơn, nhỏ hơn những người trước, chỉ lớn hơn Phúc Quý hai ba tuổi. Đối với những đứa trẻ bốn năm tuổi, hai ba tuổi là sự cách biệt là rất nhiều, rất nhiều. Chúng con gặp nhau hồi nhà mình còn ở Thanh Hoá, có lẽ vì vậy mà trong trí nhớ của con, ngôi nhà của bác ở Thanh Hoá thật đẹp. Dù ngôi nhà ở Hà Nội thì bề thế hơn, nhiều gian nhiều phần hơn, chia ra các khu có kế hoạch và chức năng riêng cực kỳ rõ ràng. Ngôi nhà hồi ở Thanh Hoá thì chỉ đơn giản là một ngôi nhà, nhưng có lẽ chính vì như thế mà con yêu quý nó hơn hẳn.
Con đến ở một cách lặng lẽ, nói những khi cần nói và làm những khi cần làm. Hồi đó nhà bác còn quen một người Ba Tàu, không phải người Trung Quốc gốc mà cũng có tí dính líu, nên người đó qua lại dịch cho hai bên. Song, chuyện diễn ra không dễ dàng như con đang kể lại đây, chuyện diễn ra khó khăn hơn. Chính vì thế hai bố con con khi đó chứ như hai bức tượng trong nhà, chỉ im lặng vì nói chuyện không ai hiểu, cần gì thì làm đó thôi. Con lặng lẽ như một cái bóng, đi đi lại lại. Phúc Quý cũng lờ con như một cái bóng, hồi ấy em còn nhát người lạ. Rồi chẳng biết bằng cách nào, hay chỉ đơn giản là vì cuộc sống nó phải thế, con và Phúc Quý bằng đầu chơi cùng nhau dù chẳng hiểu nhau. Bây giờ nhớ lại, con cũng tự thắc mắc là làm sao có thể như thế được nhỉ: hai đứa trẻ chơi chung mà không nói chuyện với nhau? Chúng con đã vượt qua những khoảng cách vô hình kỳ quái ngăn cản hai con người ở hai đất nước bằng cách nào? Có lẽ đấy chỉ là một may mắn mà thôi!
“Phúc Quý” là từ tiếng Việt đầu tiên con nói. Lúc đó con còn chưa có ý định sẽ học tiếng Việt, con chỉ gọi Phúc Quý vì đó là tên em, dùng để hô gọi thế thôi. Có lẽ chúng con tiếp xúc với nhau hồi đó chỉ bằng những hô hoán, những khua tay múa chân, những chỉ chỉ trỏ trỏ như hai con khỉ. Nhưng rồi hai năm sau, con quay trở lại và bắt đầu nói tiếng Việt, chào Phúc Quý bằng những từ tiếng Việt mà mình bập bẹ được, lúc ấy ý định của con chỉ muốn để cố tình làm em ấy bất ngờ thôi. Khi nghe con nói, Phúc Quý vui lắm, em ấy bất ngờ thật, vẻ bất ngờ long lanh, bừng sáng.
“Anh Quang học tiếng Việt hả? Anh nói nữa cho em nghe đi!” Em ấy reo lên.
Con không nghĩ mình sẽ đạt được một điều như thế, em ấy sẽ có biểu cảm như thế, nhưng chính lúc ấy, con đã quyết tâm học tiếng Việt đàng hoàng. Không có ai bắt buộc, Phúc Quý cũng không hy vọng gì, nhưng con ngỡ như lúc ấy mình có rất nhiều lý do để học. Con tự nghĩ ra nhiều lý do để chứng minh tính cấp thiết để học tiếng Việt, dù lý do thật sự chỉ có một thôi. Từ đó, con ngỡ như mình đã bước vào thế giới khác. Con yêu em ấy từ bao giờ nhỉ? Con không biết, không có một bước ngoặc hay một sự kiện cụ thể nào đáng chú ý và làm thay đổi mọi thứ cả. Tất cả đều âm thầm, thế giới này được xây dựng từ những điều âm thầm.
Song, mọi thứ thay đổi hoàn toàn vào cái năm ấy, trong cảnh tượng hãi hùng và kỳ quái. Khi bác nhận ra rằng chỉ “âm thầm” bỏ tiền và thời gian để bảo trì đồ cổ là không đáng. Bác lẽ ra phải được Nhà nước hay các bên chức trách hỗ trợ tiền, song bác không muốn cống bảo vật này cho các bảo tàng mà chỉ muốn giữ nó như của riêng. Bác hay bật cười bảo, nếu để các nhà nghiên cứu bảo trì, chẳng biết họ sẽ sơn phết lên cái bộ nghi trượng này thành cái gì. Bác không tin tưởng họ, bác chỉ tin chính mình. Nhưng cứ im lặng mà làm cũng thiệt thòi quá. Bác muốn một cái gì đó bùng nổ vào mỗi dịp, để mình trở thành trung tâm của sự chú ý, tất cả mọi người trong dòng họ phải tề tựu về. Hương hoả cha ông cần phải được bén lửa để bùng lên một lần nữa. Thế là bác được xúi cho những trò điên rồ, mụ mị.
Những ngày ấy thật hãi hùng, con nhìn Phúc Quý khóc khi bị đặt ngồi lên kiệu, được gánh đi, quẫy đạp rồi bị giữ lại, bị trói lại. Đám rước kèn trống lung linh nhưng thật tối tăm. Mang tiếng là đưa ông cụ ra Hà Nội nhưng thật ra bác và mọi người chỉ đủ kinh phí để dựng một đoạn gọi là – cái “đoạn gọi là” ấy sao mà kinh khủng. Chúng ta đều bị xiềng vào những niềm tin cổ quái, mãi mãi không thoát ra được những bóng tối của cơn lầm lạc và của niềm hiếu danh. Hồi còn nhỏ, Phúc Quý từng bảo với con là em muốn ngồi lên cỗ kiệu ấy một lần, nhưng khi lớn và mong muốn trở thành thật, em lại bị doạ cho sợ chết đi sống lại. Kiệu sang quý tròng trành, mặc cho thằng bé được gánh đi đang khóc đỏ kè mặt mày. Từng phu gánh kiệu vào vị trí, nhấc hai thanh đòn lên vai, nhún nhảy.
Đoàn người ấy đã gánh bóng tối đi hết dòng lịch sử.
Bình luận
Chưa có bình luận