36.
Vỉa:
“Trăm trận xông pha, đèn trước gió,
Ngàn năm công nghiệp, bọt ngoài sông.”¹
Nói:
Nghi trượng tan nát thực ra cũng không tan nát, bố Phúc Quý có đập vỡ nó hay không đập vỡ nó thì kết quả vẫn như nhau. Bọn nẫu đã chơi đùa với ma quỷ, trách sao không rước việc dữ vào thân? Đời này ma quỷ đầy rẫy, làm chuyện điên rồ tất phải lãnh hậu quả. Phúc Quý vậy là đã thành người ma lẫn lộn, đành bấm bụng chấp nhận một kế sách đau đớn. Bản chức cùng với tên giặc quyết tâm dựng một vở diễn, vở diễn này sẽ kéo dài đến hết đời. Ngay từ đầu, mọi người đã sống trong một vở trò, vậy thì có diễn thêm thì có làm sao?
Bản chức nhớ lại ngày mình gặp ba anh em nhà Tây Sơn. Không kể người anh cả oai phong giỏi giang, rất có tài điều binh khiển tướng đã đành, đến hai người em cũng đều là bậc tráng sĩ thông minh cả. Lấy lời tâng bốc mà tặng cho bọn giặc thì chẳng ra thể thống gì, nên bản chức không bày tỏ ra miệng, nhưng trong lòng thì cảm khái mãi. Nếu ba anh em ấy mà về cùng một phe với mình, có lẽ mình đã không đến nông nỗi này, đáng tiếc thế trời lại dàn xếp cho hai phe kình địch nhau, ấy là cái mà bản chức thấy tiếc nhất. Vào cái ngày nhác thấy ba người anh em bọn họ, thế chân vạc vững như sắt như đồng, lòng bản chức đã dậy nên cơn cồn cào. Cả ba tên giặc có một thứ gì đó hãi hùng, khủng khiếp lắm. Không phải vì tướng mạo – bản chức đã nhìn những kẻ lưng hùm vai gấu đến nhàm, không có gì phải bất ngờ – nhưng trông cách nói năng và khí tiết của chúng, bản chức đã ngờ ngợ những chuyện chẳng lành. Tên cả thế vững như non cao, tên thứ thâm trầm như nước sâu làm mòn đá, tên út lại ôn hoà khí độ như mây trắng. Tay giữ chun trà của bản chức run lẩy bẩy, bản chức ngờ ngợ ba tên này rồi sẽ làm được điều gì đó, nếu gặp đúng thời để bật lên. Tối đến, bản chức nằm mơ thấy một con cá chép từ trong lạch nhỏ bơi ra suối lớn hoá thành rồng đen, một con mèo vàng leo lên xà nhà bắt chuột hoá thành kỳ lân, một con chim sẻ tung cánh lên bầu không rồi hoá thành chim hạc. Còn chính bản chức là con thạch sùng trốn trong một khe đá, hoá thành rùa rụt cổ. Bàng hoàng, bản chức tỉnh dậy, thấy quanh mình vàng bạc chất cao như núi, mà bàn tay chụp lấy thinh không, bỗng chốc chẳng còn nắm lại được gì nữa. Bản chức nhiều lần tâu với Chúa rằng phải dẹp yên bọn giặc Tây Sơn càng sớm càng tốt, nếu không diệt trừ chúng ngay từ trứng nước, chắc chắn hậu hoạ về sau sẽ lớn vô cùng. Song le, biết thì biết vậy nhưng Chúa cũng chẳng làm được gì, cử bao nhiêu quân đi bình định vẫn đều cáo thua chạy về tan tác cả. Trong khi đó, Trịnh Sâm đã lăm le tiến vào Nam…
Bản chức sai người đi gặp Hoàng Ngũ Phúc, hy vọng có thể nào dàn xếp với ông ấy hay chăng? Song le, thư chưa được hồi âm thì sự đã rồi, ông ta cũng chẳng quan tâm gì đến những lời van lơn ngu xuẩn của mỗ. Mọi thứ không dừng ở đó. Ngày bản chức bị đóng cũi đem bêu, rồi giải về kinh cho Chúa Trịnh trị tội, một kế sách khác của bản chức đã thành công. Trong một đêm tối trời, có kẻ trong đám lính mặc đồ đen từ đầu đến chân, lặng lẽ phá cũi, giải thoát bản chức, rồi thế chỗ mình vào. Bản chức chưa hiểu chuyện gì, được giải thoát thì nhanh chóng chạy biến đi ngay, rồi bôi mặt cải trang thành người khác, quay về quê cha đất tổ ở Thanh Hoá. Về sau này, bản chức nhận được tin gian thần Trương Phúc … đã chết trên đường áp giải về Thăng Long. Dân chúng tức giận khôn kể, nẫu cho rằng bản chức chết sớm như thế thì thật là tốt số, lẽ ra bản chức phải bị hành hạ đau đớn bằng tất cả mọi nhục hình tồn tại trên đời. Chết rồi đem cái xác ra để xử thì có xử được gì? Bao nhiêu năm sung sướng, hành hạ trăm ngàn dân đen con đỏ, chỉ trả lại bằng một cái chết đơn giản. Bản chức run rẩy cả người, biết rằng mình đã thoát được tình cảnh kinh hoàng trong gang tấc. Bây giờ cứ lầm lũi giấu mình mà sống hết một đời, vào núi cao khe sâu lẩn lút để vượt tai mắt thiên hạ. Mãi về sau này, cá chép quả thật đã hoá dáng rồng, mèo nhà quả thật đã hoá kỳ lân, chim sẻ quả thật đã hoá bóng hạc. Anh hùng đã thành anh hùng. Bản chức cũng đã biến thành con rùa rụt cổ rồi. Bản chức lắc đầu, buồn bã không thôi, các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong thế là đi cả rồi, lầu son gác tía tan tác cả rồi. Thời thế thay đổi, mọi thứ đã biến chuyển. Cái thân tham quan gian tướng của bản chức cũng nên chết là vừa, còn ôm mộng cải biến làm gì…
Tết Nguyên Đán đến, trong ngoài lặng ngắt như tờ. Mọi người vẫn chưa hoàn hồn sau cơn nguy biến. Bố than vắng thở dài khi người đến dọn dẹp đống tàn vụn của cỗ nghi trượng. Những gì quý giá gom góp lại được thì gom góp, dẫu chỉ còn đống vụn nhưng ngọc ngà châu báu dùng được vẫn nhiều. Bố để lại, cho cất vào một hộc tủ tinh xảo, xem như đó là những gì còn lại của một gia tộc đến thời mạt vận. Bản chức nghĩ mình không cần kể cho bố tất cả mọi thứ, cứ giữ riêng các bí mật trong lòng, để không hành hạ bố thêm nữa. Vẫn còn một việc phải làm, đó là cùng với con quỷ dạ xoa qua bên trời Tây, ít ra thì Phúc Quý cũng nên có mặt ở công đường nghe phán xử cho tội ác của người tình cũ. Thằng giặc bảo mình cũng muốn đi theo. Thế là cả ba quyết định sẽ cùng đi.
Bản chức từ giờ được ở chung với tên giặc, giúp Phúc Quý trả lại nghĩa tình năm nào. Mọi thứ quay lại như trước dù tất nhiên chẳng có gì như trước cả. Bản chức kể cho tên giặc nghe rất nhiều chuyện, để y cùng mình nhớ lại chuyện kiếp trước, sợ lỡ đâu một ngày nào đó Phúc Quý tỉnh trí và quay về, bản chức sẽ biến mất vào hư không, khi đó ít ra vẫn còn y nhớ câu chuyện đời của bản chức. Y lắng nghe bản chức kể, cả hai thân thiết như cặp đôi son rỗi. Những người khác không hề nhận ra vở diễn của cả hai, vẫn tin là Phúc Quý đã trở về toàn vẹn còn ông cụ của dòng họ thì đã biến mất. Những chuyện về sau không cần phải kể ở đây.
Còn lại một ít điều muốn nói, bản chức xin phép lạm quyền mà dông dài một chút. Chuyện nhà đã thế, bố Phúc Quý cũng thối ruột thối gan, bản chức nhìn mà tự ngẫm lại mình, thấy rất đồng cảm. Trong cuộc đời bố chỉ có mỗi cỗ nghi trượng trong nhà là quan trọng, là mặt mũi, thế mà giờ chính tay bố đã phá huỷ nó, không khác gì cảm giác phá huỷ cuộc đời mình. Ấy là bị vướng vào cái tật thờ đồ đạc lên tầm thần thánh, phong quyền lực cho những thứ vô tri. Chẳng khác gì bản chức ngày xưa cả. Có lẽ con người muôn đời sẽ luôn vướng vào cái tật xấu ấy, nên ta hãy lấy đó làm răn! Dòng dõi Trương Phúc đến đây xem như tắc tị, chỉ cầu mong sau khi ở bên nhau, bố và con quỷ dạ xoa kia sẽ sinh ra được một thằng cu quý tử, có như thế xem như an ủi được tổ tiên. Song, mơ ước gì cái chuyện nối dõi tông đường. Không cần nối dõi tông đường nữa, không cần sống giùm những người đã chết nữa.
Tên quái vật vẫn thường hay đến trong những giấc mộng của Phúc Quý, song tần suất đã ít hơn trước, nó không còn xồng xộc bạo liệt mà chỉ ghé đến, mủ mỉ buồn bã và khóc cho số kiếp của mình. Trên tay nó vẫn cầm cái vật kim loại thuôn dài lạnh lẽo, song không còn lăm le giết người nữa. Có lẽ Phúc Quý và nó đã tìm ra điểm hoà hoãn, không còn mâu thuẫn trong tâm trí, cả hai đã bằng một cách nào đó cởi trói cho nhau. Chuyện này bản chức cũng vừa mừng cho Phúc Quý mà cũng mừng cho chính mình.
Việc sống nương gá trong cơ thể con cháu làm bản chức bức bối không thể chịu nổi. Nhất là cuộc đời này không thuộc về mình mà buộc phải diễn như thuộc về mình. Song le, đó lại là thứ mà bản chức phải tập, thế hệ cũ phải tập để làm quen với thế hệ mới. Bản chức phải học cách cùng ăn cùng uống với những người giúp việc trong nhà, phải hoà hoãn với cha con giặc phương Bắc, phải làm quen với những ngạ quỷ ở trời Tây, vân vân, bao nhiêu thứ như thế. Bản chức cố gắng để diễn cho ra một Phúc Quý hiền lành, thư sinh, trong sáng và từ ái, thân thiện với hết thảy mọi người. Vai diễn này là vai diễn cuộc đời, lốt tuồng có thật, thế nên không được phép để sơ suất, không thể diễn hỏng để mà diễn lại được. Bản chức tìm cách đồng nhất mình với thằng bé, sống cuộc đời của nó và trở thành nó, dù trong lòng có muốn hay không thì đấy cũng là xu hướng thời thế phải chấp nhận. Nước Nam phải khác, nước Nam không thể cứ mãi bị ám bởi tổ tiên, bởi những ràng buộc của những thời đã qua, không thể mãi sống trong quá khứ và bị ám ảnh bởi quá khứ được. Chính cái quá khứ ấy phải chấp nhận hiện tại, quá khứ phải biến thành hiện tại, không có lựa chọn nào khác.
Tết đến rồi, bản chức và mọi người sắm sửa đồ đạc, nhà cửa đã trang hoàng đâu ra đó, xem như có chút không khí mới mẻ. Đời sống chắc chắn sẽ khác, chắc chắn phải khác. Con người phải tươi mới và để quá khứ lại đằng sau. Mọi người trong họ hàng và dòng tộc đến chúc mừng Phúc Quý đã thoát khỏi bệnh dữ, lấy lại thần trí tỉnh táo, từ giờ mọi tai ách đã được xoá bỏ, hận thù được hoá giải. Còn bản chức, bản chức diễn đúng theo những sắp xếp như thế, gật gù cảm ơn và chúc Tết các hậu duệ dòng họ Trương Phúc.
Vãn trò:
“Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai;
Thế Xuân Thu, thế Chiến Quốc, chuyện thời thế, thế thời phải thế.”²
—
¹ Trích “Vịnh Kiều – Kiều trầm mình”, tác giả Chu Mạnh Trinh.
² Hai vế đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm.
Bình luận
Chưa có bình luận