34.
Vỉa:
“Tối ba mươi, khép cánh kiền khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một, lỏng then tạo hoá, mở toang ra cho Thiếu nữ rước xuân vào.”¹
Nói:
Kể từ lúc kề cận mê dược, trộm bén xuân quang, cơ thể bản chức cứ có cảm giác quái lạ. Có lẽ cũng một phần vì Phúc Quý. Bản chức ngứa ngái, đòi hỏi muốn trải nghiệm lại lần nữa chuyện diễn ra trong đêm ấy. Mỗi lần nhìn thấy thằng giặc, bản chức lại khó chịu, ngượng nghịu lắp bắp chẳng nói được gì mà cũng chẳng dám nhìn thẳng vào y. Đã đành xảy ra chuyện xấu hổ và ngại ngùng thì chính tên đó cũng khó xử, cũng không dám nhìn thằng bản chức. Nhưng ở y là bởi vì cảm giác tội lỗi nhiều hơn, còn cảm giác ở bản chức lại khác hẳn. Bản chức thấy mình muốn gần gũi tên giặc, dù một phần rất lớn trong lòng cũng khó chịu, không thể chấp nhận nổi. Cứ thế, bản chức như bị chia làm hai thái cực, không biết cái nào mới là mình. Có lẽ ở lâu trong Phúc Quý, bản chức và nó bắt đầu hoà vào nhau mất rồi, bản thân cũng có bệnh giống nó mất rồi. Thế là bản chức không nhịn nổi nữa, giả vờ như Phúc Quý xuất hiện và đến đòi hỏi tên giặc. Chẳng ngờ thằng ấy lại nhìn ra tất thảy! Nếu bản chức diễn chắc chắn không ai nhận ra, song le thằng đấy không rõ vì sao lại để ý khủng khiếp như thế, không gì qua mắt được nó. Hoặc chỉ bởi vì trong mắt nó Phúc Quý đã là một loại tín ngưỡng, nên nó chỉ cần liếc một phát là phát hiện ra ngay, không để bị lừa dễ dàng. Bị nó bắt chẹt, mỗ nhục nhã không biết giấu mặt vào đâu, đến nước có thể tự cắn lưỡi mà chết, song thân xác này còn chẳng phải của mỗ, mỗ đâu thể quyết định chuyện sống hay chết của nó. Nhưng rồi thằng giặc vẫn chấp nhận lên giường, giao hoan một lần nữa. Rồi nó bảo rằng bản chức không hề tồn tại, bản chức vẫn chỉ là Phúc Quý mà thôi. Có lẽ là thật vậy chăng?
Phúc Quý chỉ bị điên, rồi bệnh tật khiến nó tạo ra bản chức, như một triệu chứng của bệnh mà thôi. Nếu bản chức không có thật thì chuyện vừa tốt mà cũng vừa xấu, tốt là đã không có thật thì còn sợ gì nữa, nhưng xấu là vì bản chức sợ, chẳng biết khi Phúc Quý tỉnh lại mình sẽ bị tống đi đâu. Có lẽ mình sẽ trở thành hư vô mất. Một thứ không có thật ngay từ đầu thì vĩnh viễn không thể có thật được. Song le, muốn chữa trị bệnh tâm thần không đơn giản, không phải lúc nào cũng thành công. Bản chức có thể yên tâm là nếu Phúc Quý không thể tỉnh táo, bản chức có thể ở đây cho đến khi thân xác nó thối rữa dưới mồ. Tuy vậy, cái việc nhận ra mình không hề có thật quá đáng sợ, làm bản chức đau đớn vô cùng!
Biết được chuyện cứ cách vài năm bố Phúc Quý sẽ làm lễ tẩy rửa bảo quản nghi trượng, thể thức sa hoa nghe đến choáng váng cả đầu, bản chức lấy làm bất ngờ thích thú nhưng cũng lo lắng. Mỗi lần như vậy, theo lệ Phúc Quý sẽ bị buộc phải trang điểm xinh đẹp như kép hát, múa may quay cuồng và diễn như bản thân bị bản chức nhập thật. Đó là một buổi lên đồng, với tinh thần làm cho có lễ, bởi vì bản chức đã ở trong người thằng bé nên tục này phải làm, xem như đã có sự cho phép của bản chức để người ngoài động vào nghi trượng. Việc ấy, một lần nữa lại đến từ lời xúi giục quàng xiêng của bọn thầy bói thầy cốt điên rồ, song bố vẫn rất tin và bắt Phúc Quý làm theo răm rắp. Thằng bé không chịu, bố lại đày đoạ buộc cho bằng được. Mỗi lần đến lễ, Phúc Quý lại sợ hãi, muốn chạy trốn. Song thuở đời, ai lại chạy trốn khỏi gia đình dòng họ mình cho thành, mọi người sinh ra đều bị ràng buộc vào những điều không thể lựa chọn, gia đình thì dù có tốt xấu gì vẫn mãi là gia đình. Bản chức rất ghét bị điểm mày tô son, đánh mắt vấn tóc các thứ, trông gớm ghiếc và đồng bóng không chịu nổi. Phúc Quý bị đối xử không khác nào phụ nữ vậy. Dù nói thằng bé mắc bệnh thích đàn ông song le nó không thích trở thành đàn bà, thế nên nó rất ghét cái tục này. Bố thì nghĩ do con mình ương bướng, xưa nay trẻ trong nhà hay ngỗ nghịch chống lại lề thói, ấy là sự thường thiên hạ, bố nghĩ do trẻ con khờ dại ngốc nghếch nên muốn nổi loạn thế thôi. Đâu biết rằng mọi thứ càng ngoáy sâu thêm thù hận trong lòng con trai mình. Đến khi con trai bỏ nhà ra đi, bố vẫn chưa tỉnh ngộ, chỉ sợ mỗi việc mất mặt với cha chú họ hàng và hàng xóm.
Mấy bận mọi người cũng ra lời khuyên giải, xong ý bố Phúc Quý đã quyết. Dù thằng bé đang điên điên dại dại thì vẫn làm, bởi vì đây là dịp duy nhất dòng trọ Trương Phúc trở thành nhân vật chính, bố được đem bảo vật ra khoe, bố không thể đánh mất những thời khắc huy hoàng hiếm hoi ấy của một cái dòng họ suy vong đến nay đã mất tăm trong xã hội. Bố đã vướng phải những cái vinh quang phú quý ảo, đã bị những cái khoảnh khắc rực rỡ của gia môn dòng tộc đưa đi.
Bác chức nghe người này người kia kể chuyện, chuyện cũ đã qua lâu nên mỗi người kể một phách. Bản chức phải tốn công ngồi ngẫm nghĩ, chắt lọc lại điểm chung giữa chúng để rõ thực hư. Đại thể là hai mươi mấy năm trước, bố Phúc Quý được hiệu triệu của ai đó, hay được ai đó xúi bậy, đã quyết định dọn cả nhà về Thanh Hoá. Thanh Hoá là đất tổ của dòng họ Trương Phúc. Những tưởng chỉ đơn giản là chim về tổ, nước nhớ nguồn, song thực chất trong lòng tên Trường này lại ấp ủ một kế hoạch điên khùng. Nó đã được xúi rằng, để cảnh nhà ngày càng hưng thịnh, trở lại với thời vàng son xa lắc của tham quan Trương Phúc … thì phải đưa cả vong linh của cụ Trương phúc …, là ta, về nhà. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, thằng Trường tin vào lời ấy, bệnh mê tín của nó dâng lên, nó tin rằng nếu có thể giữ được hồn phách của ông cụ dòng họ mình thì số mình sẽ được biến cải, sẽ được phất lên và cảnh nhà sẽ huy hoàng. Làm người nhưng không biết tự thân cố gắng mà chỉ thích rước ma quỷ vào nhà để thờ, đó là cái ngu dại của chúng ta. Song le, bị tham vọng che mờ mắt, bố Phúc Quý quyết định sẽ làm thế thật. Đến đây, bản chức mới nhận ra, dù chính Phúc Quý luôn mồm bảo mình sẽ tìm cách vượt qua bản chức để có thể phá bỏ nghi trượng, nhưng kẻ nuôi tham vọng vượt qua bản chức nhất lại là gã Trường lớn mật và điên rồ kia. Không chỉ Phúc Quý lớn lên với thái độ ghét bỏ chướng mắt với nghi trượng, đây là nỗi đau thế hệ kéo dài từ thời cha ông. Ai cũng muốn vượt qua bản chức nhưng không ai làm được, ai cũng nuôi tham vọng ấy nhưng chỉ nuôi ngấm ngầm, mỗi Phúc Quý vô tâm đơn giản mới nói ra miệng. Rồi đó, bố thằng bé làm thật.
Trong sử chép rõ rành rành gian thần Trương Phúc … bị giải ra Thăng Long trị tội đã chết trên đường đi, mãi mãi không đến được Thăng Long. Chết dọc đường thì thật khó để xác định, nếu chết ngay Thăng Long thì có lẽ còn dễ. Thế là bố lục tung gia phả lên, mới nhận ra một bí mật bị dòng họ này chôn giấu, đấy là ông cụ Trương Phúc … không hề chết trên đường đi. Cái xác được đưa về Thăng Long không phải của bản chức, trò lộng giả thành chân này quá mức đơn giản. Trương Phúc … sống bao nhiêu năm với bọn sài lang, đấu trí đấu dũng chuyện triều chính với bao nhiêu keo kế, từ từ leo lên địa vị Phó Vương, chưa kể còn là kẻ giàu có nức tiếng, chẳng lẽ không nảy ra mưu mẹo nào để thoát chết hay sao? Trong đoàn lính áp giải ấy, chẳng lẽ không mua chuộc được ai hay sao?
Bố nhận ra bí mật đã bị cất giấu quá lâu ấy, rồi biết được bản chức những năm cuối đời đã sống lẩn lút ở đâu. Bố liền đưa gia đình mình trở về đất tổ, lập đàn cúng bái để dùng thân xác con trai làm bình chứa, để ông cụ ngự vào. Phúc Quý sống mười mấy năm ở đất Thanh Hoá mà chẳng biết được sự thật, cho đến ngày nó bị bắt ngồi lên nghi trượng, đoàn rồng rắn quay lại đất kinh kỳ. Thằng bé từ đó cũng trở nên ngổ nghịch, ghét bỏ bố mẹ, thù hận với gia tộc. Bản chức nghe mà than ngắn thở dài, đâu thể ngờ vì một niềm tin mù quáng mà người ta lại làm ra bao nhiêu chuyện, gây ra bao nhiêu rạn nứt. Để rồi rốt cuộc bản chức quả thực vẫn luôn luôn nằm trong Phúc Quý, đợi thời cơ thằng bé sụp đổ tận cùng để nhảy phóc ra. Đó là mọi chuyện, giải thích vì sao mọi người lại đi đến tình cảnh như hôm nay. Bố rất hối hận, bởi vì nhận ra mọi lễ nghi điên rồ mình làm đều chẳng nhận lại kết quả gì, đời mình quả có tốt hơn nhưng ấy là cái tốt hơn khi con người ta cố gắng sống và tích góp, cố gắng phát triển để ngày càng tiến đến thành công, chứ chẳng có ma quỷ hay thần Phật nào hô biến ra đống vàng đống bạc cho hốc cả. Chuyện không thành tựu, lại thêm sự thù nghịch của con trai mình, lại thêm chuyện vợ ngoại tình, lại phải gồng gánh bảo vật gia tộc và lễ lạc thể thức của dòng họ, lại cố giữ trong ấm ngoài yên, giữ mặt mũi với người quen họ hàng. Mọi thứ kéo bố đi, ngày càng trở thành người đàn ông cô độc và độc đoán. Bị ép quá, đến mức bố cũng không còn bình thường nữa, bố đã… bố đã…
Mọi thứ sụp đổ như lẽ dĩ ngẫu, mọi thứ tan tành như vòng tuần hoàn, mọi thứ trở về với cái hư vô, cái không có thật. Lúc nào cũng vậy, bản chức luôn đánh mất nghi trượng. Song le có một sự thật, có một sự thật cần phải nói. Phúc Quý và bố phải được biết sự thật ấy, ngay từ lần đầu được tận mắt nhìn thấy lại nghi trượng, vào cái ngày bố đưa bản chức đến xem cỗ nghi trượng trưng trong nhà thờ tổ, bản chức đã ngờ ngờ rồi, những lần sau lại xem tiếp, xem tiếp, bản chức mới càng thêm chắc chắn. Nẫu phải biết một sự thật!
Vãn trò:
“Sầu ôm nặng hãy chồng làm gối,
Muộn chứa đầy hãy thổi làm cơm.
Mượn hoa mượn rượu giải buồn,
Sầu làm rượu nhạt, muộn dồn hoa ôi.”²
—
¹ “Câu đối Tết: Tối ba mươi – Sáng mồng một”, tác giả Hồ Xuân Hương.
² Trích “Chinh Phụ ngâm khúc”, tác giả Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích diễn Nôm.
Bình luận
Chưa có bình luận