30.
Vỉa:
“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái;
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.”¹
Nói:
Sáng nọ, có hai người phương Bắc đến, một người tuổi đã ngoài ngũ tuần, một người còn đương độ tráng niên. Nẫu bảo đến để lau dọn và sửa chữa định kỳ cho cỗ nghi trượng của bản chức. Ấy mới biết là cỗ nghi trượng của bản chức vẫn còn nguyên vẹn, có lẽ sau binh loạn thì các phần đã được tụ họp về một chỗ, châu về Hợp Phố, rồi kháp lại, bảo dưỡng định kỳ. Người đàn ông lớn tuổi nói tiếng của dân phương Bắc xí xô xí xào, con trai y thì nói được tiếng Việt. Hai thằng giặc cứ vậy bước vào, được bố Phúc Quý tiếp đón ân cần, phân ngôi chủ khách mà tiếp đãi. Tên thanh niên thân hình to cao như gấu, so với Phúc Quý đúng là một lính tráng một văn sĩ, y nhìn Phúc Quý chằm chằm, say đắm, trong mắt có tình ý. Gớm chết! Ra là y mắc bệnh đó, Phúc Quý cũng mắc bệnh đó nốt. Phúc Quý mắc bệnh đó thì không được, nó là huyết mạch cuối cùng của dòng Trương Phúc, chẳng lẽ dòng tộc lại đứt đoạn vì nó hay sao. Bản chức hằm hè nhìn tên giặc, hắn tưởng trong mắt bản chức cũng có tình ý với hắn, bèn lân la gần gũi. Đúng là gớm chết! Hắn cứ tiến đến thì bản chức cứ lui dần, có lẽ đến một lúc phải thủ dao trong người để giết hắn. Nhưng phụ tử họ là khách của bố, không thể giết cũng không thể đuổi đi, nẫu vượt vạn dặm đến đây là để dọn dẹp lau chùi cho cả cỗ nghi trượng, vậy thì lại càng là khách quý, không được phép thất thố. Song le, tên thanh niên coi mòi vẫn còn vấn vương Phúc Quý, dù biết tổ tiên thằng bé đang ngự trong người thằng bé chứ có còn là Phúc Quý thật nữa đâu. Y thấy người quen bị như vậy, cứ không ngớt thở than, trách đủ thứ tai nghiệt trần gian, trách Phúc Quý lường gạt tình cảm của mình. Chuyện giữa hai đứa là chuyện gì bản chức không rõ, cũng không quan tâm. Cái đáng quan tâm là tay nghề của hai kẻ này có đủ khả năng để được phép động vào kiệu vàng kiệu bạc của quan ông hay không, hay cứ xớ rớ rồi làm hỏng việc cả. Song le, được bố tin tưởng và đảm bảo rằng nẫu đã làm nhiều lần và lần nào cũng hoàn thành tốt đẹp, bản chức đành giao niềm tin nơi nẫu, hy vọng nẫu có thể giúp bảo quản cổ vật của gia tộc.
Biết bảo vật vẫn nguyên lành, bản chức nói với bố dẫn mình đi xem, bố đồng ý và đưa bản chức đến gian thờ chính, nơi bày cả nghi trượng và thờ cúng tổ tiên các đời. Phải nói đến ban thờ trước, sắp xếp cũng không quá tệ, từ cao xuống thấp đâu ra đó, trướng rủ màn che, đồ cúng bái, điếu đèn, lư hương, hoa trái đều đầy đủ, không khí rất trang trọng và linh thiêng. Bố bảo đây là mặt mũi của dòng họ nên phải giữ cho đàng hoàng. Trên cao còn có một bức hoạ vẽ bản chức, không giống bản chức tí nào, có lẽ những bức hoạ trong phủ đệ mà bản chức đặt hàng các hoạ nô đã không còn lưu giữ được đến hôm nay, nên đành phải đắp điếm bằng những bức minh hoạ lạc quẻ với đời thật. Còn về cỗ nghi trượng mới đáng nói, bản chức vừa nhìn thấy nó đã chạy ùa đến, song le lại đụng phải một vách ngăn trong suốt, không thể chạm vào. Tuy nhiên, nhìn bên ngoài, xem ra mọi thứ chẳng còn đẹp như xưa nữa, chẳng lộng lẫy và tươi mới như cái hồi bản chức còn dùng. Ngẫm lại, bản chức đợi cả gần chục năm để đám thợ chế tác xong, nhưng số lần được ngồi lên nó, nghênh ngang phố thị lại chẳng bỏ bèm gì, còn chưa đến được năm năm. Bản chức tiếc nuối lắm, giờ muốn trèo lên ngồi ngay nhưng không được. Ấy là sự ngu ngốc ở đời, tự hỏi chẳng biết bản thân làm ra cả cỗ kiệu to lớn cao sang hiển hách thế để cho ai, cho thiên hạ chứ không phải cho chính mình, để người khác trố mắt chứ bản thân nào có hưởng được chút hương khói? Trông bề ngoài đà khác xưa của nó, bản chức rầu rĩ cảm khái mãi, nước mắt ngắn dài, bi luỵ chẳng hiểu sao lại đến nông nỗi này. Bố an ủi rằng đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, đồ tốt đến mấy thì dáng vẻ cũng không thể bằng được như xưa, mà có khi sự cũ kỹ, thâm niên ấy mới là chỗ đáng quý của đồ cổ. Hoặc có lẽ là do bản chức quá hy vọng và hình ảnh cỗ nghi trượng ở đời trước, nó đã bị phóng đại quá mức so với thực tế, chứ bố Phúc Quý đã tốn công tốn sức duy trì bảo dưỡng, không thể nào nó lại xuống cấp được. Song le, bản chức vẫn không ngớt thê lương, buồn rũ đi mấy hôm, có lúc còn lăn ra ốm nặng, nghĩ đời mình rốt cuộc cũng chẳng có nghĩa lý gì, lật sách ra ngẫm việc xưa thời nay, thấy mọi thứ thật không còn giá trị nữa, người sống ở đời cũng chỉ đến bấy. Một hồi thanh cao, cũng một hồi vần vũ, đà lại quay về một hồi hèn mọn. Thế là cơm chẳng buồn ăn, nước chẳng thiết uống nữa, làm bố rối rít chẳng biết chuyện chi. Người nhà khuyên nhủ đủ lời, mới nguôi ngoai được đôi chút, song tủi phận mình mà thấy đời con người lẩn quẩn mãi, rốt cuộc thành một nắm tro, thành một tượng nhân, thành một ngẫu tượng, chết đi chẳng hưởng được gì. Thử hỏi đến bản chức đã hưởng được một ít mà còn như vậy, không biết người khác cả đời không thấy hưởng thì khi chết còn tủi nhục biết bao.
Một hôm nọ có hai người bạn của Phúc Quý ghé thăm, bản chức chẳng biết cả hai là ai, chỉ thấy một người tiểu thư khuê các dung mạo đoan trang diễm lệ, tính tình hết mực dịu dàng đằm thắm, đi cùng với chồng. Lâu nay không nhìn thấy các cô gái trẻ, chỉ quanh quẩn những bà cụ già hoặc lớn tuổi, giờ được thấy chút xuân sắc căng tràn nhựa sống, bản chức vui như thấy xuân về, hoa nở. Lòng bản chức lâng lâng khi nàng tỏ ra gần gũi thân thiết với mình, dù quả tình chỉ là thân thiết với Phúc Quý song le xem như bản chức được hưởng sái đôi chút. Nói một lát, nàng ta lại cảm phận cho bè bạn mà nước mắt ngắn dài, buồn buồn tủi tủi mà khóc thương bi luỵ. Chồng nàng bên cạnh nói lời phải chăng khuyên nhủ, xung quanh cũng góp lời giúp nàng được khuây khoả. Nước mắt của bậc nhi nữ hoa nhường nguyệt thẹn đúng là động lòng người, làm cho bản chức đây cũng phải ngẩn ngơ, nhớ ra cả đời mình đi đâu cũng đều thấy đấng mày râu lưng hùm vai gấu, những gã từ tri thức giáo điều và giữ bổn phận đứng đắn cho đến những phường thô kệch, binh đao hỗn độn, lông lá râu ria, hay phường vá áo túi cơm, ít khi nào thấy tiểu thư khuê các, một phần vì đã là Quốc Phó, cũng có tuổi so với thiên hạ. Không ngờ Phúc Quý lại có nghĩa tình giao du với một người con gái xinh đẹp tuyệt trần thế này. Chỉ tiếc là nàng đã có chồng, nghe bảo hồi xưa gia đình đã ưng nàng làm con dâu của họ Trương Phúc, hiềm nỗi cảnh Phúc Quý đã thế nên bản chức cũng để vuột mất một mối có tầm, người như nàng này làm dâu cho dòng họ ta cũng xứng đáng chứ sao. Tên chồng kia trông có vẻ cũng chỉ là người đơn giản, bình thường, không mơ mộng cao sang hay nuôi chí lập thân gì, nếu Phúc Quý không vướng này nọ thì có khi đã khác rồi đấy. Lấy lại tinh thần, hai vợ chồng họ xin vào cúng mẹ Phúc Quý, còn lại bản chức và tên giặc phương Bắc. Sơ sẩy chốc lát, cả hai lại xảy ra hiềm khích. Vì nói chuyện cứ xung khắc với nhau, nên dẫn đến mâu thuẫn, bản chức biết tên ấy vẫn còn vấn vương Phúc Quý nhưng cầu mà không được, mới ấm ức mà trút giận lên mình nên căm tức hắn lắm. Lũ phương Bắc cứ như vậy, cứ ngó nghiêng và thấy cái gì ưng ý là lại gom về mình, còn nếu cầu mà không được thì phải phá cho nát ra, để không ai có thể chiếm được nữa, cái lối của chúng đã là như thế suốt bao nhiêu năm nay rồi, bản chức đâu còn lạ gì. Tựu chung vẫn là không nên đến gần tên ấy quá thì hơn.
Một tối khác, bản chức lại mơ thấy việc lạ. Có một gã cũng tóc ánh kim mắt xanh trông phát khiếp như mụ âm binh, cầm một thanh kim khí thuôn thuôn dài dài, phá cửa xông vào chỗ bản chức. Hắn ta đè bản chức xuống mà hôn hít, bản chức biết đây không phải là giấc mơ của mình mà là giấc mơ của Phúc Quý, bản chức sẽ không bao giờ mơ thấy cảnh tượng loại này. Tên đó là giống yêu ma quấy phá nên vạm vỡ gấp mấy lần Phúc Quý, bản chức không thể dùng sức đánh thắng được nó, quáng quàng kêu hét trong đêm, khi bố Phúc Quý đến thì nó vụt biến mất tăm, như hoà vào đêm tối. Bố sợ hãi, hỏi có chuyện gì, bác chức bèn kể lại đầu đuôi, chỉ vào chỗ cửa nhà nơi tên yêu ma vừa đến, bảo rằng hắn muốn làm chuyện bậy bạ, suýt chút nữa đã làm được rồi, hắn còn biết nói cả tiếng Việt, song le nói những gì thì bản chức cũng không hiểu đầu đuôi lắm. Rồi mọi thứ dần mơ hồ, rúm ró và sợ hãi, gió đêm thổi u u, tăng thêm phần huyễn hoặc quỷ quái cho xung quanh, bản chức lại gào lại thét. Bố luống cuống đi tìm con quỷ diện sim la kia, đưa nó đến gặp bản chức. Khi cả hai quay lại, có âm thanh êm dịu của loài âm binh đưa bản chức vào cơn đấu dịu thoải mái, nhanh chóng chuyển đổi tâm tính, không còn sợ hãi, mọi thứ chợt tan biến đi hết, bản chức dễ dàng đi vào giấc ngủ, lần này không còn mơ thấy gì đáng sợ nữa. Có lẽ con quỷ đã đọc một loại bùa phép nhằm đuổi tà ma sách nhiễu, giữ yên mộng đẹp cho bản chức. Dù vậy, mấy hôm nay mộng dữ ngày càng nhiều, khiến bản chức căng thẳng khó chịu, đêm ngủ không yên giấc và ngày cứ gật gà gật gù, chẳng biết là đang mơ hay tỉnh. Âu cũng là trạng thái đáng sợ, nguy hiểm quá chừng!
Vãn trò:
“Than rằng nhân ngãi, cựu tình tôi đâu,
Con cá rô nằm vũng chân trâu,
Để cho năm bảy cần câu châu vào!”²
—
¹ Trích “Câu đối dán nơi nhà dạy học”, tác giả Cao Bá Quát.
² Trích chèo “Kim Nham”.
–HẾT PHẦN 3–
Bình luận
Chưa có bình luận