25.
Vỉa:
“Ai làm cho khói lên giời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt ly?
Ai làm cho Nam-Bắc phân kỳ,
Cho sa hàng lệ đầm đìa tấm thương!”¹
Nói:
Én bay về. Năm nay không khí mùa xuân đến sớm hơn mọi năm, song le cảnh đời vẫn tiêu điều, hoang hoải, não nề ruột gan. Ít ra năm nay bản chức đã có cỗ nghi trượng, dạo khắp kinh thành, cũng xem như đem chút tưng bừng về cho các nhà các hộ. Mọi người trong triều đều bảo Tết năm này không thể được như những cái Tết khác. Mất mùa đói kém kéo dài ròng rã, lại cộng thêm sưu cao thuế nặng, nên dân tình có vẻ khốn đốn lắm. Bản chức nghĩ, khung cảnh càng chán chường thì mình lại càng nên khuấy động. Bản chức hỏi Chúa thượng có muốn xem tuồng chèo hay không, Chúa có vẻ thích lắm, nên bản chức cho người tìm những gánh hát tốt nhất khắp phương Nam, đưa họ về kinh thành để mở phường chơi xuân. Lâu lắm rồi bản chức không có dịp nghe hát, lại không có gánh hát nào trong triều gãi ngứa được sở thích âm ỉ trong lòng, nếu nhân dịp này mà kiếm ra được nhân tài còn lưu lạc trong nhân gian thì tốt quá.
Bản chức lệnh cho các phủ huyện đi tìm phường hát, bảo dạy họ học chút lễ nghi để không bị thất thố trước Hoàng triều, rồi đưa họ vào cung. Mọi người răm rắp tuân lệnh, trong khi đó bản chức bắt đầu xắn tay sắp xếp công việc. Bấy giờ, có người trong triều bảo với bản chức:
“Ông là quan mà chỉ biết tổ chức lễ hội tiệc tùng cho vua ăn chơi hưởng lạc, không đưa ra được kế sách gì để phát triển đời sống dân chúng. Thế chẳng phải là đáng khinh lắm ru?”
Bản chức chỉ cười, bảo, “Tài của tôi là tài tổ chức hội hè, phục vụ lễ lạc cho triều đình. Tôi biết mình không có tài kinh bang tế thế, không có tài phục hưng xã tắc, mà chỉ có chút tài giúp Chúa thượng vui lòng. Tôi đang phát huy tài nghệ của mình. Còn ông? Nếu ông nghĩ bản thân có tài an định, giúp Chúa xây dựng cơ đồ bá nghiệp, có kế sách gì hay thì cứ vậy mà phát huy, cứ bẩm báo lên Chúa thượng xem qua.”
Lão ấy tắt ngang không cãi lại được. Bởi chưng trong triều này làm gì có ai có thực tài làm bậc lương đống xây dựng quốc gia, thời đại bây giờ vắng bóng anh hùng, bản chức cũng chỉ đang phát huy sở trường. Nếu có ai có sở trường kinh bang tế thế thì cứ làm, bản chức nào có cấm cản. Chỉ có bản chức mới biết cách làm vui lòng Chúa thượng sau những mệt mỏi của người, những kẻ khác thì còn tổ làm Người mệt thêm.
Một hôm, bản chức đang nghênh ngang ngoài đường thì có một gã mình gầy đét như bộ xương, người ngợm xộc xệch, chạy đến trước kiệu bản chức. Bản chức cho người hỏi hắn rốt cuộc có chuyện gì, hắn mới bảo ban đầu nhìn đoàn rước lộng lẫy huy hoàng, nên cứ tưởng tiên giáng trần, Phật hạ thế, định đến để khóc lóc cảnh mình. Bản chức nghĩ thầm, có khi hắn chỉ nói vậy để xóc xỉa bản chức, giờ đây ai mở miệng ra khen, bản chức cũng có cảm giác đối phương không thật lòng, chẳng xu nịnh thì cũng là mỉa mai. Theo lẽ thì không ai dám chạy ra ngán đường bản chức, dân chúng hai bên thấy đoàn rước đi qua đều cúi đầu, không bái lạy như kiệu Chúa nhưng cũng chẳng ai dám trừng mắt nhìn lom lom, chắc sợ bị móc mắt chừng nào không hay. Kẻ có thể to gan lớn mật xộc xộc chặn đường, rồi còn luyên thuyên như thế, khiến bản chức tò mò rốt cuộc hắn ta muốn gì, đang ấp ủ lời gì cần phải nói với bản chức đây.
“Thế mày là ai? Có chuyện gì mà mày lại cần tìm tiên Phật để kể lể? Làm như thế gian đã không còn luật lệ, vua quan trên đầu đã chết hết rồi đấy phỏng? Để ông nói cho mày biết! Hãy xem, có ai đi cúng dường rồi sau đó thật sự đã yên lòng mà sống không, chỉ có kẻ làm ác mới tìm đến Phật đường mong cầu được thú tội và tỏ sự hối hận muốn chuộc tội. Phật đã giúp được ai nào?”
“Dạ, quan ông dạy phải. Do con quẫn trí quá. Dạ, con là Dúi, một kép của gánh ông Nhơn, vốn người Long Hồ, được ông Chưởng cho đưa cả gánh vào Phú Xuân, bảo là gia nhập phường chơi xuân của Chúa.”
“Long Hồ cơ à, xa xôi thế?”
“Dạ, nhưng con không muốn diễn trong kinh thành hay nội phủ, con chỉ muốn ở quê hát cho bà con mình nghe.”
“Mày nói nghe mới nực cười, từ Long Hồ được ra đây lại sướng chứ sao?” Bản chức thắc mắc.
Tên Dúi lắc đầu, “Con chỉ muốn rày đây mai đó với gánh, hát cho vài người nghe, không mơ cao sang được hầu Chúa thượng.”
Bản chức thở dài, ngán ngẩm kẻ nghĩ ngắn chỉ thấy được cái trước mắt, “Đã đành ẩn dật cũng là đức. Nhưng mày chỉ là phường hát xướng, cần gì xem trọng mấy điều ấy.”
“Không phải ạ, con chỉ không muốn diễn cho bọn vua chúa ngu ngốc, không muốn diễn cho ông Trương Tần Cối ức hiếp bá tánh.”
“Trương Tần Cối là ai nữa đấy, tên nào nghe lạ hoắc thế.”
“Thưa…” Dúi ngập ngừng, “Là ông Quốc Phó.”
“Hắn đâu phải Trương Tần Cối.”
“Dạ, ai cũng gọi như vậy, lâu ngày thành quen đi.”
Một tên lính nắm đốc gươm sáng choang định kéo ra, bản chức ngả người trên kiệu, liếc mắt ngụ ý tên ấy đừng vội động thủ.
“Sao lại gọi như vậy?” Bản chức hỏi tiếp.
“Còn lý do nào nữa ạ, vì chưng hắn có thua gì Tần Cối thời Tống.”
Bản chức nhướn mày. Tiếng rút binh khí soàn soạt vang lên xung quanh bản chức. Tất cả lính tráng mặt hầm hầm nhìn tên Dúi. Bản chức bảo người hạ kiệu cho mình xuống, rồi bước đến trước mặt hắn ta.
“Ngẩng mặt lên cho ông xem nào.”
Y ngẩng lên, mắt trợn trừng nhìn bản chức. Bản chức hơi cúi xuống. Đây chỉ là một kép hát bình thường, do thù hận việc bị bắt phải vào hầu nên mới đâm ghét bỏ chăng, chẳng biết mấy kẻ thế này đã trải qua những gì. Có lẽ bọn Chưởng dinh đã tróc nã bắt ép khiếp quá, biến việc được vào hầu Chúa trở thành việc bắt buộc phải phục vụ, nên mới gây ra điều tiếng không hay.
“Ai ra lệnh cho mày đến nói với ông những lời ấy?” Bản chức hỏi.
“Vậy ai ra lệnh cho ông bắt chúng tôi phải phục vụ múa hát?”
Vừa nãy, xung quanh hai bên đường còn đông đúc, giờ đã lặng ngắt như tờ. Ánh gươm ánh kiếm sáng trưng lạnh lùng, lại càng làm không khí giữa cả hai căng thẳng hơn. Bản chức nhìn ra nhiều điều từ hắn. Đào kép được bắt lại, học lễ nghĩa và đem lên kinh, có người thì xem đây là cơ hội sung sướng để trổ tài trước vua quan, song le, có người lại thấy lễ lạc giữa lúc bá tánh cùng quẫn thế này là tàn nhẫn. Nẫu thừa biết để lập phường xuân, dân chúng đã phải chịu thêm nhiều các loại thuế khoá, từng hạt cơm con hát ăn đều là tiền xương máu của dân chúng, gánh hát ăn mà trợn trạo, nuốt không trôi nổi, chẳng khác nào ăn thịt người. Nhưng ấy chỉ là những kẻ nghĩ quá nhiều, còn đối với phường đơn giản thì chỉ cần có cái ăn bỏ miệng là mừng rồi.
“Ông thừa biết mấy năm nay bọn giặc cỏ hoành hành, nhưng không ngờ chúng lại tưởng đem một tên kép không sợ sống chết đến chọc ngoáy là sẽ khiến ông tức tối. Lũ giặc thật ngu ngốc biết bao!”
“Cứ đợi mà xem, ông Phó Vương, cứ đợi mà xem. Tôi biết những anh hùng hào kiệt lần này rất khác, họ rất khác. Họ không đơn giản đâu.” Hắn gằm ghè.
“Ông cũng thấy nẫu rất khác.” Bản chức đồng ý với hắn, “Khác đến mức khiến ông có hơi sợ đấy. Nhưng làm người ai mà chẳng sợ, bản chức cũng sợ rắn rết, sợ bị trâu húc, voi giày y như sợ bọn giặc thôi.”
Kiệu rời đi, ba tên lính nhanh chóng đè nghiến hắn xuống. Bản chức không nhìn, cũng không cần nhìn cũng biết phía sau mình xảy ra chuyện gì. Có lẽ tên Dúi vẫn còn chằm chằm nhìn tấm lưng bản chức lắc lư trên kiệu khi rời đi. Bản chức nghe Dúi cất tiếng, hát lời cuối, cái gì mà Nam-Bắc phân kỳ gì đó, nhưng chưa kịp nghe trọn vẹn thì đã bị một tiếng hộc lớn phát lên ngăn lại, rồi tiếng hét. Cuối cùng là im lặng bao trùm tất cả.
Song le, đúng là quả báo đến sớm, tên Dúi vừa bị cắt lưỡi ở đầu đường thì đến cuối đường bản chức đã bị một toán lính triều đình bắt lại. Chúng xông đến dàn trận trước kiệu, không cho đoàn nghi trượng qua. Bản chức những tưởng mình bị bắt vì cắt lưỡi lương dân, nhưng lưỡi lương dân là chuyện nhỏ, không đáng bắt. Bản chức bị bắt vì chuyện tài trời hơn.
“Mời Phó Vương xuống kiệu đi theo chúng thần vào phủ gặp Chúa.” Một kẻ trong bọn mặc giáp phục bái trước bản chức rồi ra lệnh.
“Có chuyện gì thế?” Bản chức hỏi lại, kiệu từ từ hạ xuống.
“Phó Vương đã gây ra chuyện gì, ắt đã tự biết.”
“Trời ạ còn cả thế nữa, trả lời như không trả lời thì ban đầu đừng mở miệng ra trả lời làm gì, cho người ta bảo mình tỏ vẻ hách dịch cửa quyền. Ông đây làm nhiều chuyện lắm, bỗng dưng mày nói ông tự biết thì làm sao biết là cái nào?”
“Nội tả Chưởng cơ Bộ doanh bắt được phong thư của Phó Vương gửi cho bọn giặc Tây Sơn, Ngài ấy đã trình lên Chúa thượng. Cả triều nghi ngờ là Phó Vương có qua lại với lũ giặc, nên cho vời ông đến để đối chất.”
Lạ thật, suýt thì bản chức còn tưởng mình đúng là có gửi gì cho đám giặc cỏ kia rồi. Song le, chuyện oái oăm điên rồ như thế sao có thể là thật. Bỗng nhiên bản chức nghĩ, cả triều thần chẳng thể nào hồ đồ vậy được.
“Rồi có ai tin không?” Bản chức lúc này đã rời kiệu, bị vài tên đến vây lấy, trong lúc đó vẫn hỏi tên lính cầm đầu.
“Tất cả đều có trình tự xét đoán, điều tra rồi khắc rõ. Còn Phó Vương có hay không thì chỉ mình ông biết!”
“Ấy là mọi người đâm ra lú lẫn cả rồi, trò trẻ con thế này mà cũng nghĩ được.” Bản chức lắc đầu, đấu đá cái kiểu này chẳng biết là có thật muốn hại bản chức không hay chỉ cố tình giở trò trêu đùa như giữa một đám con nít với nhau.
Bản chức lệnh cho đám phu, lính lác quay kiệu về, có lẽ từ đây hết được nghênh ngang rồi. Đằng xa, tên Dúi với khuôn miệng đầy máu, cười ha hả, phun ra đoạn lưỡi đứt lìa trông như con đỉa. Hắn vừa cười vừa trỏ ngón tay thẳng vào bản chức, như người đi xem hát. Mặt hắn đầy những máu, điên điên dại dại, ú ớ không nghe ra được gì. Trông có gớm chết không? Bản chức rùng mình, không phải bị doạ cho sợ, mà là vì cảm giác kể từ khi hai ông Nguyễn Cư Trinh và Nguyễn Quang Tiền chết, thế giới này chỉ còn thừa lại những cái đầu ngớ ngẩn điên rồ.
Vãn trò:
“Kìa Vương Khải, Thạch Sùng,
Đừng tính lạng, suy đồng, chi mãi mãi.
Có nhiều ít cứ tiêu là lãi,
Số phong lưu trời lại dành cho.
Làm chi giữ lấy bo bo.”²
—
¹ Trích “Hát tạp (lối phong dao), Bài 29: Ai làm cho khói lên giời”, tác giả Tản Đà.
² Trích “Của đời người thế”, tác giả Nguyễn Văn Giai.
Bình luận
Chưa có bình luận