24.



24.


Vỉa:

“Mồi phú quý nhử làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh,

Giấc Nam Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.”¹


Nói:

Sáng nào mở mắt ra cũng thấy bọn người hầu rầm rập đem đủ thứ vào phủ đệ, hỏi ra mới biết là đồ thiên hạ biếu cho, kèm theo vài lời van lơn xin bản chức xét tình xét lý mà cắt cử gì đó. Sống đến giờ mới thấy quả thực càng có quyền lực thì càng có bạn bè, nhiều bạn “tâm giao”, nhiều kẻ xu nịnh hòng lo lót thứ này thứ khác, người đến kẻ đi ào ào như nước lũ. Bản chức bảo bọn hầu đừng nhận nữa. Cứ ai đến đưa gì cũng nhận, rồi biết chỗ đâu cắt cử cho hết. Bọn hầu thưa:

“Không phải ạ, thưa ông, họ bảo đây là tấm lòng, tấm lòng thôi. Họ không biếu để xin xỏ gì cả, họ chỉ tặng vì quý ông, cho có lễ thôi. Họ nói vậy đấy, sao còn từ chối được!”

“Của biếu là của lo, của cho là của nợ, có ai điên mà cho không người khác nào? Cái lũ này… Ta cũng chỉ có một cái miệng, làm như cứ biếu tặng là sẽ ăn hết ấy!”

“Cứ nhận cho họ vui ông ạ.”

“Họ vui thật không thì còn tuỳ.” Bản chức thở dài, tiện tay với lấy một hộp nhung, bên trong là viên ngọc gì đó, chất ngọc chẳng bỏ bèm. Cái bọn dân quê này cứ ngốc nghếch thế nào.

Bản chức bảo tên hầu đến, tâm sự, “Mày biết không, bé ăn trộm gà, già ăn trộm trâu, lâu lâu làm giặc. Ban đầu chỉ là lỗi nhỏ mà không diệt trừ, ắt tương lai sẽ nhận lấy hậu quả lớn. Hồi Võ vương còn tại thế, Người bảo muốn mở tiệc ca hát, ta đồng ý chuẩn bị cho Người. Rồi cứ tiệc tùng thế, đến lúc nhìn lại thì thấy sai sai, triều chính bê trễ cả, ta không biết nói đường nào, chỉ biết cúc cung chiều ý Người. Chiều mãi chiều mãi. Nhìn lại thấy tội mình đã chất cao như núi, bị người đời ghét bỏ, không quay đầu được nữa rồi, thế là ta đành lo chuyện tương lai, chừa đường lui cho mình, nghĩa là lại tìm kiếm quyền lực, rồi lại kiếm thêm quyền lực để nếu quyền lực kia sụp xuống thì vẫn còn quyền lực này. Vậy đấy, nó cứ trượt dài trượt dài, ta nói mày nghe, không dừng được đâu, đã không dừng được nữa rồi…”

“Quốc Phó lâm li làm gì, thế ông mạnh nhất.”

“Phải, thế ta mạnh nhất.”

Hai người kình với ta trong triều là ông Nguyễn Cư Trinh và ông Nguyễn Quang Tiền đã cưỡi hạc về với tiên đế cả rồi, bản chức còn không ngờ họ rụng nụ nhanh như vậy. Giờ chỉ còn mỗi bản chức “tác oai tác quái”, song le nhìn thì thấy vậy, chứ trong triều chính làm gì có chuyện một tay mình thâu tóm, vẫn còn những bọn khác ngấm ngầm kình với mình. Cái bọn im hơi lặng tiếng ủ mưu ấy mới đáng sợ, chứ như ông Cư Trinh với ông Quang Tiền thì mình còn nể phục e dè, tiếc thay hai ông chết sớm quá, chưa kịp đấu nhau gì cả. Lúc gần chết, mấy ông còn than thở bảo bản thân số kiếp ngắn ngủi, vận mệnh dân tộc lại được sắp đặt cho rơi vào tay bản chức đây. Bản chức biết mấy ông ra đi cũng đầy gánh nặng lo lắng cho giang sơn xã tắc, chẳng yên lòng đâu, dù bản chức bảo mình sẽ cố thay mấy ông lo cho Chúa, nhưng có lẽ mấy lời này lại càng khiến các ông tức tối hơn. Bản chức lại lỡ chọc tức nẫu.

“Thôi được rồi, chuẩn bị đi, nay làm lễ nhận kiệu đấy!” Bản chức nhắc tụi hầu, để chúng nhớ lát nữa là cả cỗ nghi trượng sẽ được bọn thầy thợ khiêng về phủ, phải có lễ rửa, tẩy trần trước khi dùng.

Bản chức cũng rất hồi hộp. Đã đợi quá lâu rồi, bao nhiêu tiền bạc chỉ đổ vào món đồ ấy, cứ như cái bụng không đáy vậy, đổ bao nhiêu hết tất bấy nhiêu. Số tiền bỏ ra làm đồ nghi trượng đã không thể tính toán được thành con số, bởi vì tiền cứ nhúc nhắc, lúc này thế này lúc kia thế khác suốt bao nhiêu lâu nay, kêu đến thì lại xì tiền ra, chẳng buồn biết là đã bao nhiêu nữa. Bản chức chỉ bảo tụi thợ rằng nhận tiền thì cứ nhận, song le nếu ra thành phẩm không ứng với số tiền bỏ ra thì cả bọn cứ liệu hồn, chúng nào dám qua mặt một tên tham quan, chơi trò bòn rút của tham quan chẳng khác nào đánh trống qua cửa nhà sấm, nên đều lúi húi bảo sẽ làm việc hết mình, không dám xài phí một đồng nào. Nghe hứa cũng xuôi tai đấy, nhưng để xem tận mắt mới biết.

“Dạ, tụi con vẫn cố để lo tươm tất.”

Hốt nhiên, một gã hầu chạy vào, quỳ xuống bẩm báo, “Thưa ông, tin người ta đưa tới, Ngài Nguyễn Phúc Dục đã qua đời ở nhà riêng rồi ạ!”

“Chết rồi?” Bản chức ngạc nhiên quá, sao người ta dễ chết thế nhỉ? Cứ tức giận lên là chết sạch thế này thì giết người dễ quá chừng!

“Dạ, nghe bảo Ngài ấy đã bệnh suốt cả tháng nay, hôm qua lên cơn mê sảng, sáng người nhà kiểm tra thì thấy Ngài đã cưỡi hạc đi rồi.”

“Mong là hạc chứ không phải một đám vịt trời.” Bản chức phất tay, “Chết được là tốt, không cần phải bỏ thêm công sức điều tra, xét xử, làm tốn thời gian của các Bộ, thế là ông Nguyễn Phúc Dục đã sợ tội đâm ra bệnh chết rồi đấy. Thôi, bọn bây lựa ra vài thước vải tốt một chút, cả vài món có giá trị đem làm đồ phúng điếu của ta qua chỗ nẫu đi, gửi lời thương tiếc của ta đến nẫu. Khổ thân, suýt đã là thông gia với nhau, bây giờ từ hỷ sự lại thành tang sự, bởi vậy cứ ra đứng nắng rồi trách trời không râm, người què quặt cứ thích bẻ nạng chống trời thôi…”

Lát sau, nghe tiếng đám phu thợ và bà con bá tánh nhốn nháo ngoài sân, bản chức biết là hàng đã đến chỗ. Bản chức bước ra, thấy nhiều bọc vải đỏ khổng lồ, tất cả đều được đậy lại để mang đến phủ đệ. Chính vì cứ che che giấu giấu như vậy, lòng người mới thèm khát được moi móc, phá tung ra. Như kẻ giả vờ hiền lương nhưng trong bóng tối làm chuyện phản trắc, người ta sẽ thèm kéo ra, điều tra cho thoả trí tò mò, còn người mua quan bán chức công khai như bản chức thì ai cũng biết cả, đến mức người ta cũng nhờn, chửi mỏi miệng rồi cũng bớt chửi lại, nghe chửi mòn tai rồi thấy cũng thường thường bậc trung.

“Bẩm ông, tụi con đem kỳ quan nghi trượng đến. Chúc quan ông đời đời thịnh đạt, bước đi vững vàng trên cỗ nghi trượng này!” Đám người quỳ rạp xuống.

Bản chức gật đầu, bảo bọn nẫu đứng lên. Cả đám bắt đầu kéo vải phủ xuống cho bản chức kiểm tra từng món từng phần. Bản chức bảo bọn hầu cứ mở rộng cửa để người dân bám bên ngoài có thể ngóng vào xem cùng mình, chắc họ còn tò mò hơn chính bản chức, muốn xem thử rốt cuộc cái món đồ gây ồn ào suốt bao nhiêu năm qua sẽ trông như thế nào. Nếu nghi trượng lộng lẫy, huy hoàng, thì con dân có dịp để trầm trồ bàn tán, có khi là chủ đề bàn tán cả tháng cả năm, để khuây khoả. Còn nếu nghi trượng xấu xí, lố lăng, quê mùa, lại càng tốt, nẫu sẽ càng bàn tán nhiều hơn, rồi cười cợt, mai mỉa, trào tếu, là chuyện cười trên bàn nhậu của con dân trăm họ.

Song le, bản chức chưa kịp ồ oà, những kẻ nhốn nháo xung quanh đã reo lên tở mở, pháo rền còn chẳng to được đến thế. Tiếng reo dậy động của bọn chúng làm bản chức giật mình, xong xụi lơ chẳng muốn reo nữa, dù thật ra bản chức mới là người phải reo lên hân hoan vào lúc này mới hợp nhẽ. Bọn chúng làm ta mất hứng dễ sợ!

Bản chức đủng đỉnh nhìn qua một lượt, kiểm tra tất thảy, mùi gỗ mới thơm tho, đồ nào đồ nấy đều mới tinh cả. Chưa nói gì đến kiệu ngồi, hàng đồ trang hoàng xung quanh đã bề thế hiếm ai bằng, có khi hơn của Chúa thượng, chỉ tìm cách khéo léo sao cho không chọn trúng vật liệu và hình tượng quá phận, còn lại nếu nói về độ tỉ mỉ và hoành tráng, nghi trượng này đúng là kỳ quan ở đời. Quạt lông công, lộng tầng tầng, cờ lớp lớp, đến cả quần áo phu khiên cũng được thiết kế riêng, binh khí trấn áp thiên hạ, trông xa chắc dễ bị lầm tưởng là kiệu vua đến. Còn kiệu chính thì không cần phải nói thêm gì nữa, nói rằng nó không phải là kiệu chắc cũng có người tin. Những đường chạm khắc tinh xảo, ngả màu gụ vừa bóng hới vừa thâm trầm, xà cừ cẩn từng mảng từng lớp đều có tính toán kỹ lưỡng, cho không quá đâm vào mắt thiên hạ, mà ngược lại rất biết tiết chế và nhấn nhá phù hợp. Ngọc ngà khảm đây đó, vàng phủ ở đầu các đòn khiêng, hình sư tử ngậm châu, con nào cũng uy vũ. Khí tiếc là không được chạm dáng rồng, còn lại những lân, những quy, những điểu thì đầy đủ cả.

Bản chức rất ưng ý, bảo các thợ là sẽ có trọng thưởng thêm. Bấy giờ dân chúng đã ùa đến gần lắm, như muốn chạm vào món đồ, song le chẳng ai dám vì biết cái gì chạm vào thì lính quan sẽ chặt ngay cái đó. Tụi thợ thầy thở phào nhẹ nhõm. Nẫu hẳn tự hào về thành phẩm lắm, có lẽ cả đời chẳng mấy khi nhận một nhiệm vụ đến mức này. Có thể nẫu lo lắng vì sợ thế vẫn chưa thoả mãn được khách, nên thấy bản chức hài lòng vậy nẫu cũng yên tâm. Thế là chính nẫu cũng có thể hất mặt lên tự giới thiệu tên họ của bản thân được rồi.

Bản chức sai đám lính nhà xua dân đi, không cho nhìn nữa. Thứ gì nhìn lâu cũng sẽ trở nên phàm phu, bình thường, phải ngấp nghé cho nẫu thấy in ít, nẫu biết một thì sẽ đồn thành trăm, chứ biết trăm sẽ chỉ đồn một thôi. Bản chức đến chạm tay, vuốt ve từng món một trong cả bộ, lấy làm tâm đắc vô cùng. Vậy là sắp tới vào mỗi dịp trọng đại, ta đã có thứ để tỏ rõ khí thế của bản thân.

Có điều, bản chức thừa biết vẫn còn tiếng rì rầm xung quanh, rằng dân chúng đang nạn lụt đói kén khắp nơi, vậy mà Quốc Phó lại siết chặt thuế khoá, vơ vét về phần mình để trang hoàng cuộc sống riêng. Bọn chúng ơ hờ, cám cảnh, song le chẳng sao, chẳng sao. Bàn tay sờ lên lớp gỗ bóng của bản chức run lẩy bẩy.


Vãn trò:

“Hỏi giang sơn mấy kẻ anh hùng,

Tri ngã giả, bất tri ngã giả.

Người có biết ta, hay chăng tá,

Chẳng biết ta, ta vẫn là ta.”²


¹ Trích “Cung oán ngâm khúc”, tác giả Ôn Như Hầu.

² Trích “Ngao du thoả chí”, tác giả Nguyễn Công Trứ.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout