23.
Vỉa:
“Rắp môi nói đã rành câu nói hớt,
Hớt đâu có hớt: chua như chanh, cay như ớt, dẻo như xôi.
Lại pha thêm nửa ngọt nửa bùi.
Góp khôn, dại, hờn, vui, vào một tiệc.”¹
Nói:
Bản chức thấy trà hôm nay có mùi lạ, không phải là loại trong nhà thường uống. Không phải là kém hơn, cũng không hẳn là tốt hơn, chỉ là loại trà này cho bản chức một cảm giác thân thuộc đến rùng mình, như lấy tro lửa nhân gian mà ướp ra hương ra vị. Bản chức hỏi tên hầu:
“Hôm nay trà được thay mới à?”
“Dạ, quan bà bảo con dùng loại này. Quan bà dùng qua thấy rất thích nên cho rằng ông cũng sẽ thích.” Người hầu trả lời, giọng ngọt xớt, có lẽ nó cũng nhìn thấy nét hài lòng trên mặt bản chức.
“Đúng là thích thật, cảm giác hương vị rất thô mộc, không giống những loại trà thượng hạng, hương bay ngào ngạt thường dùng trong phủ. Tuy nói dân dã mà lại không đơn giản, ngược lại hậu vị còn khá tinh tế, phường trà này cũng dụng tâm trong lúc ướp đấy. Nhưng có vẻ không hợp không khí trong phủ ta.”
“Con nghĩ lâu lâu đổi vị, thưởng thức đồ mới cũng thú chứ sao.”
“Con người ta dễ sa vào cái bẫy mới mẻ này lắm!” Bản chức bật cười, “Bà ấy được ai biếu à?”
“Dạ, không giấu gì ông, là của ông Lại bộ thượng thư đem biếu. Ông ấy bảo mình được quan ông cất nhắc với Chúa cho vào triều làm chức to, song le chưa có dịp đáp đền ân lớn.”
“Ông Cư Trinh à… Chuyện này chắc đáng được chép vào sách chí dị…”
Bản chức nhìn chun trà trên tay, ngẫm xem liệu trong trà có pha thuốc xổ không, nhưng chắc tay ấy không cược lớn đến vậy. Ông Cư Trinh luôn ghét bản chức ra mặt, lúc nào trong triều bàn chính sự cũng chặn miệng bản chức mà mắng ra rả, một chữ bảo bản chức chuyên quyền, hai chữ bảo bản chức ủ mưu cướp ngôi, toàn là mấy lời kết tội lớn bằng trời. Vậy cũng phải nhắc đến ông Nguyễn Quang Tiền, cùng được phục chức cùng đợt với Cư Trinh, cả hai đều nhờ bản chức nói giúp cả, và lâu lâu cũng song kiếm hợp bích chõ vào kháy bản chức một cái. Cũng may ông Quang Tiền uyên thâm văn chương chứ chính sự không có tiếng nói mấy, nên bản chức với ông ta không can hệ nhiều. Hai tay này cả đời ngứa mắt bản chức không chừa ngày nào, khí nữa thà tự móc mắt mình ra chứ không thèm nhìn bản chức lấy một cái.
Nay ông Cư Trinh đem trà qua biếu, gặp Tào Tháo xem chừng đã vứt chun xuống đất từ lúc mới nghe rồi. Nhắc mới nhớ, bản chức cất nhắc ông ấy chỉ là để yên lòng trên, đẹp lòng dưới, chứ cũng không phải muốn tốt gì cho đối phương, thế nên ông ấy không đáp lại cũng bỏ quá cho, không tính toán. Có lẽ ông ta cũng sực nhớ ra cái ân này, rồi thấy lời bữa trước mắng sa sả vào mặt bản chức nghe vong ân bội nghĩa quá nên đem nước nôi qua nịnh nọt chăng?
“À không, không phải, làm gì có chuyện tốt đẹp như vậy!”
“Dạ?” Đứa hầu nghe không rõ bản chức lèm bèm cái gì nên hỏi lại.
“Không, ta không nói với ngươi.” Bản chức phất tay. “Ông Lại có nhắn nhủ gì nữa không, ngoài trà ra còn gì nữa?”
“Còn chứ ạ, chỉ tặng trà thôi thì sao gọi là báo ân. Ngoài ra ông ấy còn cho người đem đến vài cuốn sách quý của Khổng, Lão, Trang, đủ cả… Nhưng ông Lại cũng biết tính toán lắm, chẳng lấy lòng mỗi ông đâu, ông Lại lấy lòng cả quan bà cơ. Nên có lẽ ông chưa được biết ông Lại tặng gì, đó đều là đồ của đàn bà cả. Bên nẫu tặng quan bà một chuỗi ngọc, một tượng Quan Âm cũng đúc bằng ngọc và một bộ khánh. Quan bà là người thích Phật pháp nên ưng ý lắm.”
“Trời ạ, tiếng là tặng ta mà rốt cuộc toàn tặng cho bà ấy đấy. Cái tên này cứ như có ý đồ gì với vợ kẻ thù vậy.” Bản chức thấy cũng hài hước thật.
“Có ý thì tặng thơ, tặng trâm tặng quạt, vải vóc, son phấn hay trang sức, nói chung là mấy món trăng gió hơn. Chứ tặng pháp bảo thì không phải đâu.” Người hầu cũng bật cười và xua tay.
“Đúng rồi, tặng pháp bảo là để nhắc mình tu tập đấy. Tặng trà bình dân là để nhắc ta giữ những hứng thú giản dị, tặng sách là nhắc ta rèn luyện tâm tính, tặng pháp bảo là để nhắc ta lấy Tĩnh và Không làm trọng. Có lẽ y thấy ta từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ tâm tính đến tướng mạo đều phải cần sửa đổi.”
Kẻ hầu vội quỳ xuống, rối rít, “Chỉ là mấy món đồ thôi, quan bộ Lại là người chính trực thẳng thắn, có gì nói đó, chắc không gửi ý xách mé vào đồ đạc làm gì, lại làm hỏng sự trong sáng của bản thân đi.”
“Mày nói vậy chẳng khác nào cũng đang nói luôn bản chức cũng hỏng sự trong sáng, bản chức cũng gửi danh dự vào cỗ nghi trượng đang được các thợ làm đấy thôi!”
“Ôi, làm gì có ạ? Con chỉ thấy, việc chỉ gà mắng chó là việc của kẻ tiểu nhân. Ông Lại là người bộc trực, chắc không có chuyện học đòi nói năng ngụ ý.”
“Phải, phải.” Bản chức gật đầu, người hầu trong phủ càng lúc càng dẻo mỏ, nhắm kéo mỏ chúng ra đúc bánh giầy được rồi, “Thôi mày lui ra đi, hôm nay ta có hẹn đến xưởng xem bọn thợ đã làm việc đến đâu rồi.”
“Dạ, con sẽ bảo người xếp đặt ngay.” Nói vậy rồi gã hầu lui ra.
Bản chức thở dài, ông Lại này hơn bản chức ở chỗ có nhiều công trạng, có thể xem là bậc công thần khai quốc, cùng Chúa Nguyễn đời trước Nam tiến xây dựng cơ đồ. Bản chức thì có công trạng gì đâu, thành ra bị vặn vào là cứ nín bặt. Dù bản chức thực có công đưa Định vương lên ngôi, thì tình nghĩa ân huệ cũng chỉ đến bấy, không bì lại nẫu được. Thôi thì mềm nắn rắn buông, lùi một bước trước đi vậy.
Sắp sửa một chút, bản chức chuẩn bị để đến xưởng xem thế nào. Người được tuyển để gia công, thiết kế, chế tác cỗ nghi trượng của bản chức đều là những tay lành nghề nhất, giỏi nhất, có người bản chức còn phải mời từ những vùng xa xôi đến, lo toan đủ thứ để nẫu yên tâm mà chuyên chú làm việc. Chỉ có một cái kiệu ngồi mà dụng công đến mức ấy thì người khác có bảo bản chức hoá điên hoá cuồng cũng dễ hiểu. Hôm trước, lúc ngồi cùng ông Cư Trinh, ông ta mạo muội hỏi bản chức, rốt cuộc cái kiệu này có gì tốt đẹp mà để bản chức phải phí công sức, lao tâm khổ tứ vì nó đến thế. Bản chức bật cười và kể với hắn:
“Để tôi nói với ông sự thật nhé! Thật ra ban đầu tôi không định đến mức này đâu.”
“Ơ hay, thế tại sao Quốc Phó lại biến nó thành như thế?” Cư Trinh trố mắt, hỏi lại.
“Ban đầu tôi chỉ muốn làm một cái kiệu bình thường. Hồi mới nảy ra ý tưởng, tôi còn chưa phải là Quốc Phó, chỉ là một tên quan lại hầu bên Chúa, tôi đâu có định tỏ ra xênh xang giàu có làm gì. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, tin tức tôi đi đặt một cái kiệu đắt tiền bị đồn ra ngoài, một đồn mười, mười đồn trăm. Từ việc đặt kiệu đẹp, người ta bắt đầu đoán già đoán non là tôi đang làm một cái kiệu lộng lẫy nhất thiên hạ, để tỏ rõ sự ngông nghênh như từ trước đến nay người ta ấn định lên tôi, họ nghĩ tôi muốn để cả thiên hạ phải trố mắt. Dân chúng đồn thổi tôi đang tạo ra một thứ trác tuyệt, kỳ quan, ly kỳ, sánh với trời đất Hoá Công. Người ta đã đồn vậy rồi, ta chẳng lẽ lại đi đính chính là mình chỉ làm một cái kiểu bình thường, vậy thì mặt mũi để đâu nữa nào, dù sao mình cũng nổi tiếng là giàu có. Thế là tôi yêu cầu bọn thợ làm đẹp hơn nữa, để xứng với kỳ vọng của người khác. Song le, nẫu vẫn không dừng lại, nẫu bắt đầu nghi hoặc, chống mắt chờ xem liệu cái kiệu có được đẹp như lời đồn không, nẫu chờ để có dịp cười vào mặt tôi. Nếu cái kiệu đó quá bình thường, hoặc có đắt đỏ loá mắt thật nhưng không đủ phi thường, họ cũng sẽ đem ra mà bỉu bai cười cợt. Chính vậy đấy! Nên tôi không thể để bị chê cười, tôi lại yêu cầu tạo ra một món khiếp đảm hơn nữa, nâng tiêu chuẩn lên nữa, để bọn chúng không có dịp mà đắc ý. Cứ thế, thành ra như hôm nay, cả thiên hạ chờ đợi thành quả xem tôi xấu mặt ra sao, tôi cũng nơm nớp lo sợ bị xấu mặt với dân chúng, nên mới càng đòi hỏi. Cái này đẩy cái kia, đến lúc nhìn lại, đã hết đường quay đầu.”
“Ồ, nghe buồn cười thật! Ấy là Quốc Phó đã rơi vào cái bẫy danh dự.” Ông Lại mỉa mai.
“Phải. Ông Quang Tiền lúc mới nghe cũng nói y như ông.” Bản chức đồng ý, “Nhưng cũng vì bọn dân đen cả thôi, nẫu đã tự biến những đồn thổi và dối trá của mình thành sự thật. Ban đầu chỉ là tin đồn, càng đồn thì càng đẩy mọi thứ trở thành thật. Ông nghĩ đúng không nào?”
“Ông đần lắm.” Lão ta lắc đầu, phất tay. “Ông chỉ thấy bản thân là trung tâm mà chẳng thấy những thứ khác. Những việc ông làm, xét đến cùng đều chỉ là những vòng luẩn quẩn của sự ngu dốt, mộng mị và lầm lạc.”
“Cây cả đón gió lớn.”
“Chẳng biết phải là cây cả hay không, hay chỉ là loài tầm gửi quấn thân cây, hút dưỡng khí nuôi mình để rồi cây chủ thì chết rục chỉ còn cái xác khô, mình thì bị người đời nhổ bỏ trừ hại.”
Bản chức đe, “Lời này ông nói với tôi thì không sao, nhưng đến tai Chúa thì sẽ có chuyện.”
Hắn bĩu môi, “Ông nghĩ tôi là loại người gì tá? Còn lời nguy hiểm nào mà tôi không dám nói thẳng thừng ra chứ!”
Người như ông Cư Trinh và Quang Tiền đúng là đáng quý đáng trọng thật, tiếc thay lại chẳng về phe mà chọn kình địch với bản chức. Bản chức cũng nhiều lần tới lui dụ dỗ cả hai, nhưng chỉ cần nói chuyện một lát là lại đến cây cối với chả tầm gửi, đến gió lớn với chả nhổ cỏ trừ hại, biết là ý hai ông đã quyết, bản chức cũng không tốn công sức thêm nữa.
Từ dạo ấy, bản chức và Cư Trinh chỉ gặp nhau trên triều, chửi mắng nhau um lên, chứ không tha thiết gì qua lại bên ngoài. Ông ta mấy lần đe bản chức cứ xem chừng cái cỗ nghi trượng, chúng là những món đồ ma quỷ đấy. Bản chức biết nhưng vẫn lờ đi.
Kiểm tra thấy tiến độ hoàn thiện của cỗ nghi trượng rất tốt, giờ nó đã thành hình thành dáng, sự lộng lẫy choáng ngợp đã manh nha phô bày. Những tên ông cả thợ thuyền trông rất tự hào khi dẫn bản chức đi xem từng món một, bản chức cũng góp ý cho chúng đôi chỗ, lại dặn dò không được xảy ra sai sót. Bản chức nghĩ, chẳng biết mình tốn công sức làm bao nhiêu năm, đến khi hoàn thành có thể ngồi lên được bao nhiêu lần, di chuyển được bao nhiêu dặm. Có khi còn chẳng bỏ bèm gì so với lúc chờ đợi, giống như một người nuôi chí lớn và tham vọng thì lâu, nhưng khi đạt được thành tựu, ngồi lên được ngai vàng vài năm thì lăn đùng ra chết vậy. Nói “bả hư danh” chắc là có ý đó, lúc đói thì ăn ngấu nghiến, chưa kịp no đã giãy trên đất, sùi bọt mép. Kiểu gì mà chẳng xong một đời!
Vãn trò:
“Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quý ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?”²
—
¹ Trích “Nói hớt”, tác giả Dương Khuê.
² Trích “Văn tế thập loại chúng sinh”, tác giả Nguyễn Du.
Bình luận
Thời
Cấu trúc phần này đỉnh thật í