22.



PHẦN 3. LẮNG NGHE SẤM NGỮ


22.


Vỉa:

“Anh đi lẽo đẽo đường trường,

Công danh chẳng thấy, chỉ thấy những thương cùng sầu.

Lại đây ăn một miếng trầu,

Kẻo mai tuyết nhuốm trên đầu hoa râm.”¹


Nói:

Kẻ “Chúa hụt” mời bản chức đến gặp mặt trong nội phủ. Bản chức biết thừa y triệu mình chẳng có ý gì tốt đẹp, coi mòi là còn khúc mắc nên muốn nói ra cho hết, sợ lúc chết rồi lại không nói được, phải ôm bụng tức xuống mồ đây! Người chết thì xem như đèn tắt, nghĩa tử là nghĩa tận, bản chức đây cũng muốn đến để xem một người yếu thế còn có gì để nói với mình. Lúc khoẻ không tính toán thắng nổi, bây giờ nằm bệnh liệt giường chẳng lẽ lại Phượng Hoàng tái sinh từ tro tàn hay sao? Khăn áo đay nịt đâu ra đấy, bản chức đi kiệu thường để vào nội phủ. Sở dĩ bản chức nói kiệu thường là để phân biệt với cái cỗ nghi trượng bề thế nổi tiếng của mình – vẫn chưa xong đâu vào đâu, các thợ các thầy bảo rằng tầm năm mùa én về nữa mới có cơ xong được, song le mình cứ phân biệt vậy, vì nó chưa xong mà đã nổi tiếng khắp trong ngoài thành Phú Xuân, dân đen con đỏ ai cũng biết cả.

Bản chức thừa nhận mình cũng không mấy khôn khéo khi quyết tâm làm một món đồ gây ồn ào như thế, trong khi chỉ vừa ngấp nghé chức Quốc Phó. Song le, thẳng thừng mà nói thì không làm bây giờ, còn phải đợi tới khi nào? Làm một món đồ như vậy tốn hàng chục năm cũng có, bắt đầu từ giờ, đợi đến khi thành Quốc Phó là vừa kịp.

Vừa ra đến ngoài, đã có tên lính nhà đem giải một mụ đàn bà đến trước mặt bản chức. Vừa bước chân ra cửa đã gặp đàn bà, chẳng biết là cái điềm run rủi gì đây? Bản chức trừng mắt với tên lính:

“Mày làm gì đấy? Quan ông chỉ vừa mới ăn mặc sạch sẽ xong mà đã đến gây chuyện?”

Tên lính có vẻ cũng hiểu tội, run rẩy chắp tay:

“Ông tha cho con, là con không khéo. Nhưng mụ già này, mụ ấy chửi quan đông đổng ngoài đường, nhắm bề mụ bị điên rồi, quan ông cứ lệnh cắt sạch lưỡi mụ cho xong.”

“Mày ăn nói hay đấy, xem ông là cái gì?” Bản chức xoay nhìn mụ già, thật ra mụ không già lắm, trạc ngoại tứ tuần thôi, song le cái vẻ nhếch nhác, xấu xí làm người ta thấy gọi là con mụ già đỡ ngượng miệng hơn. “Thế mụ nói gì ta mà khiến mày dựng ngược lông tóc lên thế?”

Hắn lắp bắp, “Thưa ông… Con không dám lặp lại…”

“Còn cả thế nữa? Cứ nói cho xong nào, ta có rỗi đâu!”

“Dạ, mụ nói quan ông là tên tham quan ô lại, là sâu mọt của đất nước.” Rúm ró như chó rách, hắn nói líu ríu mà không nhìn lên, tỏ ý lời này không phải mình nói.

Tưởng gì phức tạp, mụ mà nói bản chức là bậc lương thần lương đống mới đáng giật mình chứ!

“Mụ còn nói, quan ông chẳng xứng gì với tổ tiên của mình. Quan ông chỉ biết nhận của tổ tiên, chỉ được cái gốc to, chẳng có công trạng mà vẫn hứng hết ân sủng của cửu trùng.”

“Ồ, còn cả thế nữa!” Bản chức bất ngờ khi một con mụ điên lại rành rọt gia thế của bản chức đến thế. Bản chức bất ngờ không phải vì bị chửi, mà vì lâu lắm rồi mới có người đem mình so sánh với các bậc cha chú khi xưa, làm bản chức bỗng dưng nhớ họ quá chừng.

“Chẳng phải sao?” Mụ ta động rồ, léo nhéo, chửi thẳng mặt bản chức, “Cụ Trương Công Gia còn có công ngăn quân Trịnh ngấp nghé bờ cõi của Chúa Nguyễn. Tới cụ Trương Phúc Phấn cũng cùng bố lập nhiều công đức, diệt được phường phản trắc Nguyễn Khắc Liệt. Hai cụ Trương Phúc Hùng và Trương Phúc Cương nối nghiệp tổ tông mà thành công thần cả. Cụ Trương Phúc Phan là thân sinh mi cũng rạng danh không thua kém, còn ra tay trừ khử được hải phỉ. Đến đời mi, mi xem mình đã làm được gì?”

Bản chức nghĩ ngợi, xoa cằm rồi đáp, “Ta có công đưa chúa Định vương lên ngôi chăng?”

“Mi chỉ giỏi bẻ vành bẻ néo, vẻ vẹo lời ngay. Ai biết ngươi đã dùng thủ thuật gì để đưa Ngài ấy lên ngôi. Ngài ấy chỉ mới là đứa trẻ 12 tuổi, đức Võ vương là ai mà lại đưa giang sơn mình vào tay một đứa trẻ!”

“Ồ, bản chức lẽ ra có thể tha cho bà, nhưng đụng đến Chúa thượng và đức Võ vương thì ta cũng thúc thủ, quyền ta bé hơn Chúa nên chẳng thể cứu được bà.” Bản chức cười khẩy.

“Mi chỉ được có cái kiệu đẹp!”

Bản chức giật mình, quả đúng vậy chăng? Vì không có tài cán nào, không thể làm anh hùng cái thế, không thể bẻ quế cung trăng, cũng không thể văn ôn võ lược, nên bản chức mới chọn làm một cái kiệu, xem như đã bằng với bậc cha chú khi xưa? Ngẫm ra những cha những chú ấy cũng ngớ ngẩn thật: xông pha trận mạc, liều chết hy sinh, thí mạng sa trường bao nhiêu lần, ấy thế mà không nghĩ việc làm một thứ gì để rạng danh dòng tộc. Bản chức chỉ là đang để lại di sản, cho thế hệ sau có cái mà tự hào đấy thôi. Chứ công trạng biên sách, thử hỏi bao nhiêu kẻ ngồi đọc những sách ấy, dân mình bao nhiêu kẻ được học hành tử tế để biết con chữ mà đọc ra được tài nghệ của cha ông. Chưa kể, biết đọc thì đã sao? Đã đọc được đến cái danh sách công trạng của họ Trương Phúc mà mụ điên kia vừa kể chưa? Thiết nghĩ để lại cỗ nghi trượng này, người không đọc sách cũng sẽ thấy nó đẹp, cũng sẽ ngưỡng mộ mà trầm trồ, vậy chẳng phải là việc để lưu danh muôn thuở, cách để lưu truyền danh tiếng muôn đời à?

“Chuyện ta làm kiệu mà các người cũng bàn tán gớm thật, đúng là kỳ quặc…”

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, người xưa nói cấm có sai. Vinh quang của dòng tộc ông đã truyền đời lâu đến thế rồi, tất cả đều bị ông phá hỏng cả.”

“Để rồi xem…” Bản chức nhướng mày, “Mụ nghĩ mụ là kỳ nhân chắc mà đòi chơi trò sấm ngữ?”

“Ta là công chúa Tiên Dung đây!” Bà ta khua khoắng, vỗ ngực xưng danh.

“Ừ, thôi đem công chúa Tiên Dung đi cắt lưỡi đi, những lời này để Chúa thượng nghe thấy lại làm Ngài sinh ra nghĩ nhiều. Ngài còn nhỏ tuổi, chỉ nên nghe lời khuyên bảo của một số đại thần quan trọng.”

Người dưới vâng dạ, rồi lôi mụ đi, mụ ta hét inh ỏi, tiếp tục kể lại những công thần kiệt xuất của dòng họ bản chức. Đến trong đầu bản chức còn nhớ nhớ quên quên họ, mà mụ này thì nhớ như in tất cả, chẳng biết kẻ nào đã dạy mụ thuộc làu như thế, không phải là không đáng khen cho sự mưu mô và kiên nhẫn. Giết được mụ ta rồi, chẳng biết sẽ còn bao nhiêu người như mụ.

Mới sáng sớm, bước ra đến cửa lại phải động tay động chân, giết chóc máu me, thật chẳng ra làm sao. Bản chức ngai ngái trong lòng, tự hỏi hôm nay sẽ còn có những sự vụ gì nữa đây.

Phu đưa bản chức đến phủ đệ, qua mấy lược cổng, tiến vào trong. Hỏi lính hầu mới biết nay vị Chúa hụt đã được cho về nhà riêng vì bỗng đâu sóng gió bất kỳ khiến y lăn đùng ra bệnh nặng, hẳn là uất ức dồn nén lâu ngày nên trổ ra hại thân. Có lẽ bản chức nên đến khuyên giải y vài câu.

Định bụng làm chuyện tốt đẹp là thế, nhưng vừa bước vào gian ở, cúi đầu bái cái giường, thì người nằm trên giường đã phồng mang trợn má, liếc mắt thù nghịch với bản chức. Mặt lầm lầm, môi lầm rầm, mắt lăm lăm.

“Công tử nên nghĩ thoáng lên, ở đời mưu sự không thành là chuyện thường tình, đâu phải lúc nào điều chúng ta tính toán cũng sẽ được vận mệnh cho y đúc như vậy. Thân thể Vương tôn là quan trọng nhất, Người làm gì cũng nên chú ý sức khoẻ.” Bản chức ngồi xuống cái ghế hạ nhân đem đến cạnh giường, an ủi y.

“Mày còn có mặt mũi nói những lời đó, mặt mày dày như mặt thớt!” Chúa hụt xỉa xói bản chức, ngón tay chỉ thẳng mặt bản chức run lên lẩy bẩy. Bản chức sợ y tức giận quá độ, thổ huyết chết tại đây thì mình lại mang hoạ. “Sự nghiệp các đời Chúa Nguyễn thế là bị một tay mày phá hỏng, bao nhiêu đời xây dựng lại lụm bại dưới tay một tiểu nhân như mày, thật đáng hổ thẹn!”

“Phải, chuyện đáng hổ thẹn thật.” Bản chức bật cười, “Đừng trách thần, đừng trách thần.”

Cơ thể xanh xám, gầy yếu, giọng nói khàn đặc này từng là công tử được Võ vương trọng dụng, tin tưởng nhất. Nhớ hồi nào, những năm còn mồ ma Võ vương, Ngài đã để y tham gia chính sự rồi từ đó rèn luyện và học tập, dự định nuôi dưỡng hết lòng để đứa con này có thể kế tục mình, làm một vị vua tốt. Cái dự định của Võ vương quá rõ ràng, ai nhìn vào cũng thấy, ai cũng đoán ra được lòng Thiên tử. Quả thật, nếu y lên ngôi đúng theo mong muốn của cha mình, với những cắt đặt và chuẩn bị đầy đủ, chắc có thể nối dài được sự nghiệp của dòng họ Nguyễn. Tất cả có thể tốt đẹp như vậy, có điều đấy là tốt đẹp cho người khác, không phải tốt đẹp cho bản chức.

“Công tử đừng trách thần, nếu Người lên ngôi thì kẻ đầu rơi khỏi cổ trước tiên, cái đầu lăn lông lốc như quả dừa khô, rồi xác bị đem cho chó ăn, chẳng phải chính là thần hay sao?” Bản chức giải thích với y, “Thần đã vô cùng sợ hãi, vô cùng hãi hùng. Suy đến cùng, công tử có bao giờ ưa được thần, lúc nào cũng hằm hè, doạ nạt, công khai đối đầu với thần. Thần phải bảo vệ mạng hèn mạng mọn của mình chứ! Đó là bài học, có lẽ là bài học cuối cùng của Người đấy: Ghét ai thì nên giấu trong lòng, cứ thẳng ruột ngựa, yêu ghét rõ ràng, bánh chưng ra góc, nhất định sẽ đến lúc tự mình gieo thù nghịch, hạt thù nghịch sẽ mọc lên cây thù nghịch, thân cây quá lớn sẽ cản đường bản thân.”

“Mày…” Đôi mắt đỏ ngầu trừng trợn, hằn tơ máu, “Súc sinh! Sao trên đời lại có một kẻ vô liêm sỉ như mày chứ…”

“Ồ, trên đời có cả rổ đấy thôi, chỉ là bọn chúng không có nhiều điều kiện để vô liêm sỉ đến cùng như thần.” Bản chức lắc đầu.

“Mày nghĩ bản thân sẽ mãi mãi đắc ý như hôm nay à? Đợi đấy, tao đã nhìn được rồi, tương lai đang đợi mày đến để tính sổ…”

Bản chức gật đầu, chống tay đứng dậy, “Ai mà chẳng biết, thần nghe quá nhiều lời doạ nạt rồi, khi nãy còn có một mụ điên đến tận cửa nhà thần mà hô bóng gió sấm ngữ. Nẫu làm như thần không biết hậu quả hay sao ấy! Ai mà chẳng thừa biết hậu quả, nhưng nước đưa đến đâu thì thuyền xuôi đến đấy, giữ mạng được bao lâu thì giữ. Người nói thần không để người lên ngôi thì tương lai thần sẽ không yên ổn, vậy nếu Người lên ngôi, thì thử hỏi tương lai thần có yên ổn không? Kiểu gì cũng không yên ổn, bắt thần chọn thì tất nhiên thần sẽ chọn sống lâu hơn một chút, để kéo dài thời gian mà còn tính toán kế sách.”

“Nói thì hay đấy…” Y khinh thị, “Trong lòng mày cũng vững vàng như cách mày nói thì đã tốt!”

Câu này lại là một bất ngờ ngoài dự kiến, cảm giác như gã Chúa hụt đang soi thấu lòng dạ bản chức, biết rằng bản chức cũng sợ trợn trạo cả lên. Song le, bản chức chỉ hành lễ rồi rời đi, không đáp lại.

“Mày cứ chờ đó, chờ đó con ạ… Mày xem cả lịch sử dân tộc này, có kẻ nào phản phúc mà nên người không?”

Có tiếng đồ đạc rơi vỡ. Hình như y đã tức tối mà với tay đẩy ngã cái ghế bản chức vừa ngồi. Hạ nhân lo lắng chạy vào trong. Bản chức thở dài, lên kiệu ra về.


Vãn trò:

“Mở then mây quăng giả bức hồng tiên,

Mời khách hẵng ngồi yên trong cõi tục.

Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc,

Ăn trộm đào quen học thói ngày xưa.

Trần gian đầy mãi không chừa!”²


¹ Ca dao khuyết danh.

² Trích “Giời mắng”, tác giả Tản Đà.


0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout