21.
Ngoài đường, xe cảnh sát tấp nập. Mỗi lần nghe tiếng còi hụ chạy qua, cùng ánh đỏ quét ngang căn phòng, tôi lại vô thức giật bắn người. Tôi đóng hết rèm cửa lại, nhốt mình và Phúc Quý trong một chiếc hộp. Đây không phải là câu chuyện về mùa Giáng sinh an lành, còn lâu mới phải. Đây là một câu chuyện kiểu khác.
Phúc Quý bắt đầu có dấu hiệu bất thường, như thể hồn nó đã lìa khỏi xác và bây giờ bên trong nó trống rỗng, bởi vì trống rỗng nên ai muốn rót thứ gì vào cũng được. Tôi cố hát ru cho nó nghe, ru nó ngủ, để nó bình tĩnh, nhưng cách đó đã hết tác dụng rồi. Lẽ ra tôi có thể im lặng để làm mẹ nó, nhưng giờ đến cả vai một người mẹ tôi cũng không diễn được. Tôi đã gieo một dấu chấm hết vào cuộc đời mình.
Khi biết bạn bè bị chiêu dụ tham gia một tổ chức tôn giáo nổi loạn, Phúc Quý đã tìm cách trà trộn vào giữa họ. Kế hoạch của cậu là trở thành chủ tế, nhận khẩu súng và ngay thời điểm “buổi lễ” diễn ra, cậu sẽ báo cảnh sát bắt những người có liên quan lại một lượt. Sẽ không ai phải chết và thậm chí còn có cơ may lần tìm được những tổ chức bí mật nào đó.
Mọi thứ sẽ diễn ra như vậy, nếu không có tôi, một mụ điên.
Đây cũng không phải một câu chuyện hình sự, kể về một cậu thanh niên thành công triệt phá đường dây tôn giáo tội phạm hay tổ chức ngầm. Còn lâu mới phải. Đây là câu chuyện về một cỗ nghi trượng.
Tôi đã thử đến lay Phúc Quý dậy, nó không chịu dậy, tôi sợ nó chết nhưng nó cũng không chết. Thằng bé mơ mơ hồ hồ đi trên thành một bức tường, không biết sẽ ngã qua bên này hay ngã qua bên kia.
“Phúc Quý, cậu nghe tôi nói không, dậy đi nào!”
Đôi mắt thằng bé lim dim nhưng nhất quyết không chịu mở ra, giống như hai mi mắt nó đã hoá đá, không nhấc lên nổi. Tôi cởi trói, cốt để cho nó có cơ hội nhào đến tấn công mình. Thà như thế, tôi còn biết nó sống. Nhưng cả việc tấn công trả thù tôi nó cũng không buồn làm. Nó chỉ ngồi rũ trên cái ghế như một món đồ chơi bị đứt dây thiều.
“Phúc Quý, cậu muốn tôi làm gì tôi cũng sẽ làm, cậu muốn tôi đi chết tôi cũng sẽ chết để chuộc tội, để sám hối! Cậu làm ơn đừng im lặng mãi như vậy!’
Đến đó, nó mới chịu nói một câu, câu đó vẫn là: “Đừng sám hối!”
Tôi gạt qua một bên, mừng quá, vừa cười vừa khóc, lại đưa tay lắc mạnh nó:
“Này Phúc Quý, nhìn tôi đi! Chúng ta có thể… tôi không biết nữa… chúng ta có thể vượt qua! Tôi đã cởi trói cho cậu rồi này, đứng dậy đi!”
Con trai anh ngẩng lên, liếc nhìn tôi, đôi mắt nó trợn trừng. Nó sắp bay đến giết tôi chăng? Nhưng không, nó chỉ nhìn.
Sau một lúc, nó lèm bèm thứ tiếng gì đó, loay hoay chốc lát tôi mới ngờ ngợ nó đang nói tiếng Việt thì phải. Lần đầu tiên tôi nghe nó nói tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của nó.
“Khoan đã, cậu nói gì vậy? Nói tiếng Anh cho tôi hiểu với được không?”
Một tràng tiếng Việt khác xổ ra, bay vào mặt tôi. Tôi rối rít, vẫn chẳng hiểu nó đang nói gì. Đột nhiên, tông giọng thằng bé đột ngột vút cao, bay bổng, nói mà như hát, không biết là đang hát hay đang nói. Ngũ quan trên mặt con anh hết bạnh ra rồi nhíu lại, lên tông hạ giọng một cách hết sức khoa trương, biểu cảm cũng khoa trương.
Sao nó lại hát nhỉ?
Hết cách, tôi đành bật phần mềm dịch thuật lên, mở loa kê gần miệng nó. Tôi không chắc phần mềm này có thu được chính xác và phiên dịch rõ từng câu từng chữ qua tiếng Anh hay không, nhưng ít nhất dựa vào đó tôi có thể nắm được nội dung điều mà Phúc Quý muốn nói. Tôi sẽ chép lại bằng tiếng Việt, đúng như những gì phần mềm đã nghe ra:
“Quân bây đâu, mau đưa khăn áo cho tao, sắm sửa cho tao để vào hầu Chúa!”
Rồi thằng bé hát ê a:
“Khăn lược đội đầu,
Lược ngà búi tóc, giầy tàu, bước khoan khoan.
Trong tay ngọc thật, nhẫn vàng,
Tráp vuông điếu sứ vẻ vang trong đời.
Trong tráp cũng lắm thức chơi,
Bao diêm, thuốc lá, bạc hà chấn phong.
Màn nằm đôi giải kim tòng
Thông, mai, cúc, trúc, hoá rồng loạn vân.
Chơi cho nổi tiếng phong trần…”¹
Rồi, thằng bé còn bắt tôi chui xuống ghế nó ngồi, khiêng cái ghế lên, cõng nó đi khắp nhà. Tôi không khiêng cái ghế và nó nổi. Nó nhào đến tát vào mặt tôi:
“Cha chả! Phận trâu chó dám cãi lệnh quan ông, tao cho cả dòng nhà bây ăn oản!”
Tôi sợ quá, thấy nó trèo xuống rồi, tôi mới khúm núm khênh cái ghế trống trên lưng, bò bốn chân như chó. Nếu chỉ vác mỗi cái ghế thì tôi vẫn vác được, không có vấn đề. Nhưng tôi sợ hãi. Phúc Quý điên rồi, điên thật rồi! Dù bất hạnh đến mấy, tôi cũng chưa từng thấy kẻ điên, chưa từng đối phó với kẻ điên. Phúc Quý ôm bụng cười khả ố, vỗ tay.
“Đi đi, xênh xang quần áo lược là, đi đi, nghênh ngang bên vai hòm sự nghiệp, đi đi, lần dò hưởng hết thảy giang san!”
Hãi hùng, tôi nhìn khuôn mặt ngoác ra, tươi rói, hớn hở như trẻ được tặng đồ chơi mới của Phúc Quý. Tôi nhận ra, hình như có ai đang nhập vào nó, nó đã trở thành “kẻ nào đó”. Tôi vác nghi trượng trên đầu, khom khom cúi cúi đi vòng quanh nhà cho nó xem. Đến khi chịu không nổi, tôi ném cổ nghi trượng vào tường. Kiệu vàng vỡ nát. Mặt thằng bé bí xị, hát rằng:
“Mỗ đây là đấng tu mi nước Nam. Đứng trong trời đất, thấy gạch ngói đổ vỡ mà phồng mang trợn má! Thấy bất bình mà nghĩ chuyện anh hùng cái thế! Đoái trông giang san suy vong mà cảm khái thời vận mấy hồi điên đảo!”
Tôi tiến đến, tát Phúc Quý một bạt tai. Thằng bé lạng đi, đâm đầu vào tường. Lòng bàn tay tôi bỏng rát.
Nhảy đến chỗ nó, nắm cổ áo kéo giật nó dậy, tôi hét:
“Mày là ai, mày là ai? Trả Phúc Quý lại cho tao!”
Nó lại bật cười khằng khặc dù vừa bị ăn tát, tở mở trả lời, giọng ngân nga:
“Phúc cũng mặc, Quý thời cũng mặc!”
Tôi sụp xuống. Tôi biết mình không còn cách nào để đem Phúc Quý trở về được nữa.
Chuyện là vậy đấy! Con trai anh bị điên rồi, tôi sẽ đưa nó về Việt Nam. Tôi muốn trả nó về cho anh. Anh là bố nó, chắc anh sẽ biết cách để chữa trị cho nó. Tôi không chịu nổi nữa! Anh hiểu không, con anh bị điên rồi, nó cần phải về Việt Nam! Tôi sẽ đưa nó về Việt Nam ngay, hy vọng tôi sẽ được anh chào đón, xin anh!
Ngay cả bây giờ, khi tôi đang kể lại cho anh tất cả mọi chuyện, thằng bé vẫn không ngừng nhảy múa khắp nhà, lúc thì bay lên ghế lên bàn, lúc thì nhảy đông đổng. Vừa nhảy múa, Phúc Quý vừa hát:
“Phúc cũng mặc, Quý thời cũng mặc!”
–HẾT PHẦN 2–
—
¹ Trích đoạn được rút từ vở “Tô Trương kết nghĩa” (không rõ tác giả), dẫn từ giáo trình “Hề chèo” của tác giả Hà Văn Cầu.
Bình luận
Chưa có bình luận