20.
Phúc Quý lăng xăng khắp nhà. Thằng bé hơ hải, lục tìm. Ban đầu nó còn cố thể hiện rằng mình không hề tìm kiếm gì cả, không có gì bị mất cả. Nhưng bởi vì quá lo lắng, nó không thể cứ tiếp tục im lặng được, phải hỏi tôi:
“Bác có mở tủ đồ của con không ạ?”
Tôi vờ ngạc nhiên, lắc đầu, “Không, tôi mở tủ đồ của cậu làm gì chứ? Đồ của tôi luôn được xếp trong vali.”
Phúc Quý nhíu mày, xoáy ánh mắt vào tôi và giây phút đó tôi nhận ra bản thân nói dối quá tệ. Tôi là người ngủ trong phòng của nó, nó thì ngủ ở ngoài phòng khách, tôi đã ở đây suốt mấy ngày rồi. Khả năng tôi mở cái cửa tủ trong phòng cao hơn là không mở, lẽ ra tôi phải bảo mình có mở nhưng không lục tìm gì cả, chỉ mở để xem còn chỗ để tôi xếp đồ vào hay không. Nói chung, có lẽ tôi bảo mình có mở tủ nhưng không biết gì về khẩu súng sẽ tốt hơn.
Chưa kể, dáng vẻ ngập ngừng bối rối đã tố giác tôi. Tôi hiếm khi phải nói dối, mấy năm gần đây cũng chẳng có lý do gì đặc biệt để cần diễn xuất trước mặt ai đó. Tôi là một diễn viên tồi. Phú Quý bước đến gần tôi hơn.
“Thật không bác?”
Tôi run cầm cập, lắc lắc đầu, “Thật… tôi không chạm vào thứ gì cả. Có chuyện gì sao?”
Phúc Quý lại càng dồn đuổi, “Con có cất một thứ trong ngăn tủ, bây giờ nó mất đâu rồi. Thứ đó rất quan trọng, nếu bác có lấy thì cho con xin lại nhé!”
“Không… Khoan đã, tôi không biết gì cả, không lấy gì của cậu cả.”
Tôi toát cả mồ hôi hột. Phúc Quý lúc ấy trông như một người khác, nó như đã biến thành một con quỷ đáng sợ. Thứ đáng sợ không phải là một con vật hung hãn, mà là một con vật luôn luôn hiền lành nay lại bắt đầu bộc lộ bản tính hung hãn. Nó nắm hai bên cánh tay tôi, bấu những đầu ngón tay nó vào thịt tôi. Cơ thể tôi bị nó kìm chặt, không thể run rẩy được nữa, tôi chết cứng ở đó.
“Phúc Quý, tôi đau quá… Có chuyện gì vậy?” Tôi mếu máo như sắp khóc, nhất quyết chối bay chối biến, cố giãy lên thoát khỏi bàn tay nó nhưng không thể.
“Con đã khoá cái ngăn tủ đó lại, nghĩa là bác ‘cố tình’ tìm chìa khoá và mở nó ra. Con không ngốc mà để thứ đó hớ hênh, con đã khoá tủ lại. Con nghĩ nếu bác thấy nó khoá thì sẽ không mở ra làm gì. Bác đã ‘cố tình’ lấy chìa khoá của con để mở nó ra. Bác nghĩ bản thân là ai vậy?”
Tôi là ai? Tôi là mẹ nó, tất nhiên tôi có đủ lý do để lấy chìa khoá, mở tủ đồ ra và kiểm tra vật dụng cá nhân của con trai mình rồi.
“Bác trả cho con được chứ? Thứ đó rất quan trọng và không thể để một người như bác giữ nó được. Chúng ta có hiểu lầm gì đó rồi, bác trả cho con và con sẽ giải thích rõ về nó cho bác nghe, nhé?”
Nó đang ra lệnh, đang đe doạ, đang điều khiển. Tôi tưởng tượng nó có thể giết tôi ngay tại căn nhà này. Có lẽ nếu tôi trao khẩu súng ra, nó sẽ dùng món đồ ấy bắn tôi mà không chần chừ gì. Tối nay là Giáng sinh rồi, Chúa ơi, tối nay là Giáng sinh rồi.
“Được, được…” Tôi không thể chịu nổi nữa, “Tôi sẽ trả cho cậu, bỏ tôi ra, làm ơn!”
Và tôi nghĩ, chỉ ngay tối nay thôi là Giáng sinh rồi, tôi phải làm gì để bảo vệ mùa Giáng sinh này nhỉ? Thế là mọi thứ trượt đi, trượt đi, theo lực đẩy vô hình của tình huống.
Tôi chĩa súng về phía Phúc Quý, ban đầu với ý định hù doạ và không nghĩ là trong súng có đạn, Phúc Quý nhào đến giật lấy vì nó thừa biết nếu không mở chốt an toàn thì không có viên đạn nào có thể bay ra được.
“Bác điên rồi!” Nó hét lên, khẩu súng vừa giật được trên tay tôi khua khoắng trong không khí.
“Bây giờ thì cậu bảo tôi điên? Cậu giấu súng trong nhà, định làm chuyện gì đó mà có Chúa biết, rồi giờ lại bảo tôi điên?” Tôi đấm ngực mình thùm thụp, quá đỗi tức giận và bất lực. Thậm chí điều này còn tệ hơn việc tôi nhìn thấy Liam trong phòng thăm thân nhân, còn tồi tệ hơn cái ngày tôi nhìn thấy đứa con gái bé bỏng tắt lịm trên tay mình. Tệ hơn cả hai điều ấy cộng lại. Bởi vì nỗi đau sẽ phát triển theo cấp số cộng, nỗi đau không được tính bằng các đơn vị riêng biệt, không phải đau rồi lại hết đau rồi lại đau tiếp, mà nỗi đau sẽ cộng dồn.
Phúc Quý mở khoá an toàn và chĩa nòng súng vào tôi, lúc đó tôi không hề biết là nó chỉ muốn khống chế mình để tranh thủ giải thích cho ra lẽ.
Tôi chỉ đau đớn rồi tự nghĩ lung tung: tại sao Việt Nam lại không tin vào Đức? Tại sao Việt Nam từng bị chia cắt bởi một dòng sông, Đức từng bị chia cắt bởi một bức tường, ấy thế mà Việt Nam lại chọn từ bỏ? Đừng từ bỏ, đừng sám hối!
Không còn biết đến sợ hãi nữa, tôi nhào về phía thằng bé. Động tác này làm khẩu súng nảy cò, nhưng tôi tưởng là do Phú Quý đã chủ ý bóp cò để giết tôi.
Đường đạn lệch hướng, bắn lên trần nhà. Kể từ tiếng súng đó trở đi, cả ngôi nhà không còn âm thanh, bên tai tôi ù đặc, chỉ toàn những tiếng rít kéo dài như tivi bị mất sóng. Tôi giật được khẩu súng, đến lượt tôi bóp cò. Tất nhiên tôi không được đào tạo, không biết phải dùng nó thế nào, khẩu súng giật nảy, viên đạn chỉ sượt qua vai Phúc Quý, đâm vào cửa kính, bay ra ngoài.
Phúc Quý hét lên một tiếng, ôm lấy bên vai đầy máu. Nhưng tôi không nghe được tiếng hét của nó, hai âm thanh súng nổ vừa rồi đã làm màng nhĩ tôi tê dại. Tôi cũng hét lên, và cũng không nghe được tiếng hét của chính mình.
Tôi vứt khẩu súng xuống sàn. Phúc Quý ngã ra đất. Những hàng xóm xung quanh liệu đã nghe động? Có thể họ sắp báo cảnh sát, có thể họ sẽ xông vào căn nhà này, căn nhà này còn chẳng hề thuộc về chúng tôi. Tôi đã mơ ước gì vậy chứ? Tôi chạy đến chỗ nó, chật vật kéo nó ngồi vào một cái ghế.
Hối hả, tôi chạy đi lấy dây thừng (dây thừng? Giờ ngẫm lại tôi mới thắc mắc là dây thừng ở đâu ra, phải mất vài phút để tôi nhớ là chính mình đã tính đến việc trói Phú Quý vào ghế từ trước đó rồi, tôi đã tính đến chuyện sẽ bắt cóc Phú Quý từ lâu rồi). Tôi trói nó vào ghế, trong lúc nó đờ đẫn vì mất máu, nó lắp bắp gì đó nhưng bên tai tôi chỉ nghe thấy chuỗi âm thanh xì xào. Cuối cùng phải để tôi nhét một miếng giẻ vào miệng thì nó mới chịu im.
Thả cả cơ thể mệt lữ xuống sàn, tôi nhìn thằng bé giãy giụa. Âm thanh của thế giới vẫn chưa quay về, tôi chỉ nghe mỗi tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực. Chúng tôi thế là có thể yên tâm đón Giáng sinh cùng nhau rồi. Tôi bật cười, sặc sụa. Phúc Quý rũ ra, bất tỉnh. Đến khi đó tôi mới nghĩ đến việc cầm máu cho thằng bé.
Tôi cứ ngỡ mình đã thành công ngăn chặn một Giáng sinh đẫm máu, nhưng không. Tối đến, đúng đêm lễ Giáng sinh, tôi cùng Phú Quý thưởng thức bánh quy mới ra lò, cùng ăn gà nướng. Mọi thứ đang rất vui vẻ, không khí rất ấm cúng. Cứ như là mơ vậy, anh tưởng tượng được không? Nhạc Mozart, pháo giấy, tivi chiếu cảnh dàn đồng ca hát mừng Chúa.
Mọi thứ bị cắt ngang bởi một bản tin báo rằng ở ga tàu điện ngầm vừa xảy ra vụ xả súng thứ hai. Nạn nhân lần này là một cậu chàng tóc vàng xinh xắn, mang nửa dòng máu Do Thái, và một cặp vợ chồng, người vợ người Mã Lai còn người chồng là một tay quản lý thành đạt. Kẻ giết người là một ai đó, quá nhiều ai đó, nhưng tất nhiên là không phải Phú Quý rồi. Cảnh báo nguy hiểm chính thức của chính phủ rốt cuộc cũng đã được ban hành, yêu cầu người dân ở yên trong nhà cho đến khi họ lần ra được một điều gì đó.
Tôi đờ người trước tivi, sao lại như thế? Chẳng phải tôi, nữ điệp viên đại diện cho công lý, đã thành công giam kẻ chủ tế ở đây rồi sao? Gã chủ tế đang ăn tiệc Giáng sinh với tôi, trên một cái ghế với tay chân bị trói, vẫn còn ở đó cơ mà!
Tôi chạy đến chỗ thằng bé, nhận ra nó đã cắn chặt cái giẻ trong miệng đến mức bật máu, đôi môi khô khốc nứt nẻ. Phải rồi, từ sáng đến giờ tôi đã cho nó ăn uống gì đâu, chắc thằng bé cần ăn gì đó. Tôi tháo cái giẻ ra.
Rũ rượi, đau đớn, Phúc Quý hét lên với khuôn miệng đầy máu, phun xuống sàn cả một cái răng gãy.
Giữa buổi tiệc Giáng sinh của tôi, nó nói:
“Đồ tâm thần! Con mụ tâm thần! Lẽ ra tao đã có thể ngăn cản chuyện ấy lại, lẽ ra tao đã có thể cứu được bọn họ! Mày đã phá hỏng tất cả với cái tâm lý điên khùng của mày!”
Câu chuyện này được kể từ góc nhìn của tôi, một kẻ không-bình-thường. Và đó là một sự lựa chọn sai lầm. Một nhầm lẫn tai hại.
Bình luận
Chưa có bình luận