19.
Và tôi sẽ kể cho anh nghe cách tôi vừa chạy vừa vắt óc suy nghĩ, vừa cố sắp xếp lại mạch thông tin, vừa sợ hãi, vừa thở hồng hộc, vừa cố lừa bản thân rằng trời đông ở Canada không hề lạnh, vừa thuyết phục mình rằng hiện tại thì đây là điều quan trọng nhất chứ không phải việc con trai mình là kẻ sát nhân, vừa tìm cách giải thích ý nghĩa của khẩu súng nằm trong ngăn tủ. Phải về sau này tôi mới biết là trong khẩu súng ấy đã chứa đầy đủ đạn dược. Nhìn bên ngoài tất nhiên một người phụ nữ như tôi không thể biết được, nhưng chỉ cần bắt gặp một khẩu súng thật cũng đã đủ làm tôi hốt hoảng, chạy khỏi nhà.
Tôi chạy hối hả trong trời tuyết, không khí rất lạnh nhưng mồ hôi trên người tôi đổ nườm nượp. Tôi nhớ lại xem Phúc Quý đã nói địa chỉ nhà của Mimi ở đâu, nếu có cơ may tôi sẽ tìm thấy nó ở nhà của đôi vợ chồng trẻ kia và hỏi nó về chuyện khẩu súng. Tôi tra đường đến ga tàu điện ngầm, nhắm thẳng hướng ấy mà chạy, qua những thân người trốn trong áo gió nên trông chẳng còn giống người nữa. Tôi mặc kệ, chỉ tiếp tục chạy, qua những cửa hàng bày bán đồ Giáng sinh.
Tôi có linh cảm mình sắp mất Phú Quý, tôi sẽ lại thất bại lần nữa với “đứa con” này. Tôi đã thất bại với hai đứa con ruột, giờ đây không thể để mình thất bại thêm nữa.
Tôi nhớ lại mình đã thành công khi một đêm nọ, lúc tôi và Poppy làm tình và như thường lệ, hắn trèo lên người tôi hòng chứng minh bản lĩnh, tôi chợt nhận ra Poppy thực chất đã ốm yếu đến mức nào. Rượu và thuốc lá làm hắn bệ rạc đi, và biết đâu còn có cả cần cỏ gì đó với đám bạn mà tôi chẳng hề biết (chúng tôi là vợ chồng kiểu gì vậy nhỉ?). Tôi điểm qua mấy năm gần đây, quả thực Poppy đã bắt đầu “sám hối”, hắn ân hận chuyện trót lỡ ngày xưa – hắn bảo rằng vì bị tôi hớp hồn và muốn chiếm lấy tôi càng nhanh càng tốt, hắn bảo như thể ban ơn, rằng, “Có thằng nào cưỡng hiếp xong rồi quay lại cưới em đâu chứ, anh làm vậy chứng tỏ anh rất yêu em và đó không tính là cưỡng hiếp” – và hắn trở thành một kẻ biết quay đầu, hối cải, thậm chí là nhún nhường, trân trọng vợ.
Những điều đó không chứng minh rằng hắn yêu tôi, mà chứng minh rằng hắn biết rõ bản thân đang ngày một ốm yếu dần do cứ đâm đầu lao xuống con dốc sa đoạ. Cả lúc hắn làm tình, tôi cũng cảm nhận được đôi chân run rẩy của hắn, thấy rõ cơ thể hắn đã chật vật hơn trước. Còn tôi, có lẽ nhờ lòng thù hận, lại càng lúc càng khoẻ mạnh lấn át cả hắn.
Nhận ra điều ấy, tôi quyết định lấn át hắn thật. Đến lượt tôi đè nghiến hắn xuống, đến lượt tôi cưỡng hiếp hắn, một cách thô bạo, bạo lực. Tôi hành hạ cơ thể hắn. Trong sự bàng hoàng của Poppy, tôi nhận ra một điều thú vị, rằng nếu một người phụ nữ bị cưỡng hiếp gặp khó khăn để lên tiếng vạch trần tội ác bao nhiêu, thì việc ấy đối với một người đàn ông bị cưỡng hiếp cũng khó khăn bấy nhiêu. Poppy không thể cầu cứu ai cả, một đám bạn sẽ tỏ thái độ gì khi một tên đàn ông bảo với chúng là mình bị vợ cưỡng hiếp? Phải, họ sẽ bật cười và trêu chọc. Poppy không dại mà làm chuyện mất mặt như thế.
Đến một hôm, Poppy cầu xin tôi đừng tát hắn, đừng đấm hắn, đừng bóp cổ hắn khi đang ở trên người hắn nữa. Anh nghĩ sao về điều này cũng được, nhưng đấy là cách tôi trả thù. Tôi còn lấy dao kề vào cổ Poppy, miết nhẹ, đủ để cổ con mồi rỉ ra một dòng chất lỏng đỏ tươi, trong khi chân tay hắn bị trói chặt với bốn góc giường. Poppy chính thức bật khóc nức nở. Hắn cầu xin sự tha thứ.
Và tôi, với con dao lăm lăm trên tay, đã nói ra điều mà mấy mươi năm sau Phúc Quý đã nói với tôi, nhưng với một thái độ khác hẳn:
“Đừng sám hối, Poppy, quá muộn rồi! Mày không cần phải sám hối nữa!”
Đó là cách chúng tôi ly hôn. Hai năm sau ly hôn, Poppy chết trong một tai nạn giao thông trên đường cao tốc, với cơ thể đầy mùi cần sa. Xin lấy lại cách nói của Phúc Quý: câu chuyện về Poppy kết thúc ở đó.
Nhưng tôi đã không tìm thấy Phúc Quý ở nhà của vợ chồng Mimi. Tôi tìm thấy nó ở một quán đồ uống bên trong nhà ga, cùng với một cậu chàng tóc vàng và một cặp vợ chồng. Tôi đã được thấy ảnh họ trong album ảnh của Phúc Quý, nên đoán được lờ mờ họ là ai, cậu con trai tóc vàng có lẽ là Adam và hai vợ chồng kia có lẽ chính là vợ chồng Mimi.
Và tôi sẽ kể cho anh tôi đã nghe bọn họ bàn tính với nhau chuyện gì, khi tôi đứng đó, phía sau một góc tường (lại là tường?). Tôi như đã hoá thân thành một điệp viên thứ thiệt, một nữ điệp viên mặc đồ bó sát, di chuyển lặng lẽ như loài mèo đen, tiếp cận đối tượng mà không để bị phát hiện và vân vân. Khi đó, các khẩu súng đã được tập hợp lại bằng một đầu mối, một âm mưu to lớn. Mọi thứ đã được gieo nhỏ giọt, tích tụ thành một cốc nước, những giọt nước sắp sóng sánh khỏi cốc, tràn ra ngoài.
Tôi biết rằng cái tên Ethan, cái tên người Mỹ, không chỉ đã bắn chết ba người ở ga tàu. Ethan có một câu chuyện khác bên cạnh câu chuyện hắn ta là kẻ xả súng hàng loạt. Cả ba người bị bắn chết kia cũng nằm ở một câu chuyện khác. Trong câu chuyện này có một nhóm bốn người thuộc cùng một giáo phái – hay một tổ chức bạo động cực đoan nhỉ? Tôi sẽ tìm hiểu sao. Trong nhóm bốn người đó, sẽ có một người được gọi là chủ tế, người chủ tế sẽ cầm súng ra một toa tàu, bắn chết ba người cùng nhóm. Cả đám bọn họ thuộc một giáo phái lớn hơn, niềm tin dẫn dắt và tâm lý không bình thường đã khiến họ tin rằng cả đám sẽ cùng nắm tay lên Thiên đường sau khi thực hiện “buổi lễ” ấy.
Tôi nhớ Phúc Quý từng giải thích với mình:
“Thật ra sau này con mới hiểu, rằng Việt Nam là đất nước không chỉ có truyền thống thờ anh hùng, thờ cái thiện mà họ còn thờ cả ác thần, thậm chí thờ cả giặc ngoại xâm đã chết trên đất của mình. Nước con có miếu thờ Mã Viện, Sầm Nghi Đống, Phạm Nhan… Thờ tự không phải là nể vì, không phải để tôn vinh, mà đôi khi còn để xoa dịu. Họ tin người chết đều linh thiêng, người tốt linh theo kiểu tốt, như ban phát cuộc sống ấm no hạnh phúc, người xấu linh theo kiểu xấu, như ác oai tác quái gieo hoạ khắp nơi. Từ đó, con thấy việc nhà mình thờ một ông tham quan cũng là lẽ thường.”
Trong câu nói chứa rất nhiều từ ngữ khó phiên ra tiếng Anh, Phúc Quý đã rất cố gắng truyền tải và tôi cũng hiểu sơ sơ. Nhưng tóm lại là vậy, nó xem cỗ nghi trượng của nhà mình là một ban thờ cái ác, thờ ác thần.
Ở nước chúng tôi cũng có các tập tục giống như vậy. Tập tục mang hình nộm búp bê rồi nhảy múa – cái tập tục ám lấy gia đình tôi khủng khiếp – có lẽ cũng là một tục thờ ác thần chăng?
Chủ đề mà bốn người đang ngồi một bàn kia nói đến cũng là một niềm tin tương tự, dù chẳng hiểu vì lý do gì một đám sinh viên, học viên mà lại có thể bị dụ dỗ. Có lẽ chính bởi vì là sinh viên, học viên nên mới dễ bị dụ dỗ hơn người thường. Bởi chỉ có đám ấy mới quan tâm về lý tưởng, về tu tập, về ý chí, ý niệm, triết học, tôn giáo thánh thần. Người chật vật mưu sinh chỉ quan tâm đến tiền.
Tôi lại nhớ đến Ethan, dù chưa gặp bao giờ, chỉ có mỗi Phúc Quý từng gặp nhiều lần trong mơ. Song, có lẽ tôi có liên kết gì đó với Ethan chăng, bằng việc hát ru để xua đuổi hắn khỏi những giấc mơ của con trai anh?
Đây là lý do vì sao một người đàn ông cầm súng ra toa tàu và giết những người khác. Vì hắn ta đã bị thao túng, bị những tổ chức ngầm lựa chọn và tiếp cận trong lúc đang đau khổ về cuộc đời mình. Phúc Quý đã trở thành người tiếp theo rơi vào tầm ngắm của cái giáo phái ấy, nó bị những người nó tin là bạn bè của mình thao túng. Và họ chính là nhóm bốn người tiếp theo, Phúc Quý được chọn là người chủ tế của buổi lễ này, ba người còn lại gồm Adam và hai vợ chồng Mimi sẽ thực hiện bổn phận như ba nạn nhân kia. Cuối cùng, theo đúng kế hoạch thì cả đám sẽ nắm tay nhau lên Thiên đường vĩnh cửu. Trong lúc tôi vẫn sống ở đây với Phúc Quý, vẫn sinh hoạt bình thường, thì giữa điểm mù, có một câu chuyện khác vẫn đang vận động mà tôi không hề biết. Tôi đã bị rơi vào câu chuyện kiểu gì thế này?
Theo đúng lịch trình, buổi lễ sẽ diễn ra vào đêm Giáng sinh sắp tới, chỉ còn hai ngày nữa thôi. Một Giáng sinh hoàn hảo mà tôi dựng lên trong đầu thế là tan biến ráo rọi. Tôi che miệng để kiềm tiếng hét, chân tay tôi bủn rủn, sắp có một vụ xả súng nữa sắp diễn ra rồi! Biết ngay là vụ của tên Ethan kia không bình thường chút nào mà, lẽ ra chúng ta phải biết không thể có một vụ xả súng diễn ra với những lý do đơn giản. Mọi bạo động đều gắn với những âm mưu. Mọi ngẫu tượng đều là đại diện cho một điều to lớn hơn.
Một vụ xả súng nữa, Chúa ơi. Cố gắng kiềm cơn run rẩy, tôi chậm rãi rời đi. Có khả năng cái quán này cũng chẳng được bình thường, sẽ chẳng có một nhóm bạo động nào ngồi bàn kế hoạch lồ lộ trong một quán nước như thế – hoặc chỉ đơn giản họ nghĩ là không có bà mẹ khốn khổ nào sẽ đi nghe lén câu chuyện của họ. Chắc chắn quán nước này cũng không bình thường, tôi phải trốn ngay. Tim tôi đập dồn trong lồng ngực, da thịt tôi lạnh toát còn hơn cả khi bước ngoài trời đông của Canada. Tôi cố diễn vẻ bình tĩnh và rời khỏi khu vực ga tàu điện ngầm như một người bình thường.
Chạy đi, chạy đi, xúc xích gan, chạy khỏi ngôi nhà của xúc xích huyết đi! Xúc xích huyết đang muốn giết cậu đấy! Tôi nghe lời khuyên đến từ miền hư vô, chạy khỏi bốn người bọn họ.
Bốn con người quanh một cái bàn: ở các nước phương Đông thì đó là một bàn chơi mạt chược, nhưng ở các nước phương Tây thì đó là một cuộc họp giữa các phần tử bạo động. Khi đã đi được đủ xa, thật ra là xa đến mức không thể xa hơn nữa, tôi dựa vào một bờ tường, thở hồng hộc, nước mắt muốn trào ra nhưng trời lạnh đến mức không thể khóc nổi, chỉ có đôi con ngươi rát bỏng.
Ký ức tôi diễu qua chập chờn, đậu xuống những đêm dài tăm tối, đậu xuống cái đêm tôi trói tay chân Poppy vào bốn góc giường còn mình thì lăm lăm con dao. Đừng sám hối!
Bình luận
Chưa có bình luận