15.



15.


Trong những buổi trao đổi cùng chuyên viên tâm lý, tôi hay kể cho chị ấy nghe về một giấc mơ kỳ quái của mình. Nó không phải kiểu giấc mơ ám lấy tâm trí, không phải không thoát ra được, mà là kiểu giấc mơ đến rất hiếm hoi, nhưng vẫn đủ ấn tượng. Giấc mơ ấy sẽ nảy ra những khi tôi không ngờ nhất, mỗi năm chỉ từ một đến hai lần, nhưng trải dài suốt từ hồi Liam ra đời đến nay. Tôi không biết nó đã kết thúc chưa, bởi vì mỗi khi tôi tin rằng nó đã thôi không đeo đẳng theo mình thì nó lại đến.

Trong giấc mơ ấy, tôi nhìn thấy Jesus giáng thế từ trên bầu trời. Tôi không biết vì sao mình có thể chắc chắn đó là Người, tất cả chỉ là một niềm tin hiển nhiên trong mơ. Song, vấn đề là Jesus trong giấc mơ của tôi lại là một phụ nữ, mặc áo trắng, đầu đội khăn, mắt một mí. Không phải Đức Mẹ Maria, trong mơ tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đó là Đức Mẹ, mà cứ chắc chắn là Jesus, chỉ thay đổi giới tính và diện mạo đôi chút. Tôi đã tra thử trên mạng, rốt cuộc vì sao tôi lại mơ thấy Jesus là một người đàn ông, có phải tôi đã để cho một tia suy nghĩ báng bổ nào len lỏi vào trong đầu mình một cách vô thức hay không?

Sau này, thông qua một buổi giao lưu văn hoá Đông-Tây, tôi đã được biết về Bồ tát Quán Thế Âm. Ngay thời khắc bắt gặp hình ảnh vị Phật ấy, tôi lập tức hiểu ra từ trước đến nay mình đã mơ thấy điều gì. Tôi đã nhìn thấy Jesus nhưng với diện mạo phụ nữ, giống như quan niệm của những Phật tử về Bồ tát. Bồ tát là vị Phật có vô lượng kiếp với vô lượng dáng hình, Người vừa là nam vừa là nữ, có lúc Người sẽ chọn dung mạo của nam giới, có lúc sẽ chọn hiện thế với dung mạo của nữ giới. Tôi đặt câu hỏi vì sao lại vậy. Có một người giải đáp rằng, đặc điểm này xuất phát từ nhiều lý do, có thể là để dễ phổ độ chúng sinh hơn: khi chọn vẻ ngoài là phụ nữ, Bồ tát sẽ dễ tiếp cận chúng sinh và độ hoá cho họ. Tuỳ vào đối tượng cần cảm hoá mà Người lựa chọn vẻ ngoài khác nhau, còn nguyên hình của Bồ tát là Bồ tát – vì không có người trần mắt thịt nào từng nhìn thấy chân diện của Người nên không thể trả lời được.

Tôi tưởng tượng Bồ tát có một cái tủ đựng “hình dáng”, giống tủ quần áo của chúng ta. Mỗi lần xuất hiện ở đâu, Người sẽ chọn một diện mạo phù hợp cho mình. Có lẽ thân thể chúng ta cũng vậy chăng, chúng ta là những linh hồn và xác thân chỉ là quần áo? Vậy thì tại sao một bộ quần áo lại quan trọng?

Tất cả những tranh ảnh, tượng thờ, phù điêu đều là những hoá thân. Chúng ta đang thờ những hoá thân và với thân xác phàm tục, chúng ta cũng chỉ có thể chạm vào Bồ tát bằng cách ấy.

Tôi dần lý giải được vì sao mình lại mơ thấy Jesus là phụ nữ. Giống như những hoá thân của Bồ tát, đó là cách Jesus đến với tôi. Giấc mơ ấy xuất phát từ cảm giác ghét bỏ của tôi dành cho đàn ông. Tôi không thể nào tôn thờ, sùng bái, cầu nguyện với một người đàn ông được. Với những gì đã xảy ra, những gì Poppy đã làm năm tôi mười sáu tuổi, rồi những phản bội, thất vọng phía sau, chúng khiến tôi không thể nào chịu đựng nổi đàn ông nữa. Nếu tôi đã thù ghét đàn ông đến vậy, sao tôi có thể cầu khấn một người đàn ông cứu rỗi mình, sao tôi có thể tin rằng có một người đàn ông yêu mình vô điều kiện và muốn quay về với vòng tay của ông ta, trong một hạnh phúc vĩnh cửu ở thế giới bên kia?

Vậy là tôi đã biến Jesus thành phụ nữ, để có thể tiếp tục tin tưởng, cầu nguyện và yêu kính. Chúa của tôi là một người phụ nữ. Đó là cách tôi thoát ra, cũng là cách Chúa tìm đến với tôi.

Tôi trao đổi tất cả những suy nghĩ này cho chuyên gia của mình. Chị ấy có lẽ đã lỡ để bản thân bị chìm sâu vào những biểu tượng tôi liệt kê – như đã nói, tôi là một tiểu thuyết gia ăn khách mà – nên phản ứng sau đó có hơi chậm chạp một chút. Chị bối rối, gật đầu, bảo rằng tôi thật sự có tài trong việc phân tích tâm lý. Nhưng không, tôi quá rơi vào Freud rồi, thật ngốc! Đừng tin Freud, Chúa ơi, sao ai tìm đến chị cũng đều tin vào Freud cả vậy, cái tên ngu ngốc đó, thằng cha gia trưởng, ngớ ngẩn, thù ghét phụ nữ đó!

Song, ngay lập tức chị thẳng người, nghiêm trang lại, chính chị cũng hơi kích động đôi chút. Nói chung là vậy đó, nào là giấc mơ nói lên rất nhiều điều về con người, các biểu tượng, tầng sâu vô thức, ý niệm, tinh thần… Chúng ta nên tìm cách hoà giải với thế giới này hơn là cố tin rằng mình có bệnh vì A vì B vì C.

Tôi đã kể lại giấc mơ ấy, cả chuyện về người chuyên viên tham vấn của tôi với Phúc Quý, lúc cả hai trên xe về nhà.

Khi tôi bước ra khỏi căn phòng, Phúc Quý đứng dậy và đến gần tôi, môi mấp máy có lẽ muốn hỏi tôi tình hình thế nào, nhưng rồi thằng bé đã không hỏi. Thằng bé nhìn khuôn mặt vừa mới khóc xong của tôi, có lẽ trong lòng nó thất vọng, hai vai nó chùng xuống và tôi cảm giác như đã nghe thấy tiếng thở dài khe khẽ của nó. Nếu nói, có lẽ nó sẽ nói, “Con đã bảo là bác đừng khóc rồi mà”. Nhưng nó không nói gì cả.

Anh có cần nghe tất cả những gì đã xảy ra trong căn phòng ấy không? Nếu cần thì tôi sẽ kể lại cho anh chi tiết ở một dịp khác, khi chúng ta có cơ hội gặp nhau, dù sao tôi viết bức thư này cũng là vì mục đích muốn gặp anh thôi. Chỉ sợ lúc gặp nhau rồi, tôi muốn kể lại toàn bộ thì phải cần một phiên dịch viên mất.

Nhưng không có gì đáng để kể đâu anh ạ, nếu đây là một cuốn tiểu thuyết do tôi viết thì biên tập viên của tôi sẽ cắt cảnh đó đi, vì chẳng có gì thật sự đã xảy ra khi hai mẹ con tôi gặp nhau cả.

Liam cũng chỉ nói mỗi câu đó thôi, câu nói đã vạch trần bản chất của tôi. Rằng tôi là một phụ nữ như thế, một người mẹ như thế, một con người như thế. Tôi cố diễn như thể mình đau đớn lắm trong khi tôi có tư cách gì để đau đớn: tư cách một người mẹ không có, tư cách một người bất hạnh không có, tư cách một người có liên quan cũng không nốt. Năm năm trời tôi không tham gia vào bất kỳ một khoảnh khắc nào đáng nói của Liam, rồi đùng một cái tôi xuất hiện và “bày đặt tỏ ra thất vọng”, như thể tôi có hy vọng, từng hy vọng. Trong tất cả mọi người, tôi là kẻ không xứng đáng để thất vọng nhất.

Sau câu nói của con trai, tôi bật khóc. Cả hai mẹ con đều đặt ống nghe xuống. Không còn bất kỳ câu nào sau câu ấy nữa. Tôi ở bên này thế giới, Liam ở bên kia thế giới, cách nhau một tấm kính. Tôi khóc, Liam nhìn tôi khóc với khuôn mặt vô cảm. Hai mẹ con tôi chỉ bị ngăn bằng một lớp kính, dù ruột thịt vẫn bị cách một lớp kính, ai đã xây những bức tường để ngăn cách chúng ta? Tại sao số phận tôi lại bị ngăn với con trai mình bằng một bức tường quái ác như vậy. Trên đời có quá nhiều bức tường, làm sao tôi có thể vượt qua đó, ôm lấy Liam, chạm vào con. Làm sao để khiến bức tường này sụp đổ?

Nhưng tôi phải được biết chứ, tôi phải được biết vì sao Liam lại là Liam của bây giờ, trong khi vẫn còn những Liam khác. Không thể cứ bảo “vì những tổn thương quá khứ”, “vì trải qua nhiều đau khổ”, “vì mẹ”, “vì bố”, “vì phương pháp giáo dục”, “vì ký ức chấn thương liên quan đến bạo lực”. Phúc Quý sẽ không nghe đâu, Phúc Quý đã bảo rồi, anh cũng biết, đừng lấy cái khổ ra doạ nhau, đừng lấy quá khứ ra để xin xỏ lòng thương hại, đừng cố lấy quá khứ để giải thích cho hiện tại, đó là những điều Freud đã làm và ông đã khiến chúng ta tin vào điều ấy. Với Phúc Quý, đau khổ không phải một lý do.

Do vậy, tôi cần hỏi cho ra một lý do khác, để khi gặp Phúc Quý còn có cái để nói với thằng bé. Nhưng tất cả dừng lại ở đó, cảnh phim dừng ở đó, tiếng khóc của tôi là âm thanh duy nhất. Tôi còn nghĩ, mình cần gì đến tận vài chục phút để thăm Liam chứ, cần gì nhiều thời gian đến vậy khi cả hai chẳng nói gì với nhau mà chỉ nhìn nhau.

Những nhân viên bảo an có vẻ đã quá quen với trường hợp như thế này, trông họ chẳng bất ngờ tí nào. Tôi bảo với Phúc Quý là mình và Liam không trò chuyện được gì cả, thằng bé cũng gật đầu, xem như đã hiểu và không hỏi thêm nữa. Chúng tôi bắt taxi quay trở về.

Mỗi lần ở trên những chuyến xe kín bưng như đang ở trong một chiếc quan tài, tôi luôn nhớ lại ngày hôm đó, khoảnh khắc nhìn thấy đứa con gái năm tuổi, nước da xanh tái, nằm trong chiếc quan tài nhỏ, với khăn liệm và hoa bày xung quanh. Cho đến khi quan tài đóng lại, được hạ xuống mồ, tôi cứ nghe tiếng con bé hét lên kêu cứu, nó không muốn mắc kẹt trong một cái hộp bé tí. Lẽ ra chúng tôi nên chọn cách hoả thiêu. Ở phương Đông, có lẽ các anh chuộng việc chôn cất hơn vì cảm giác con người khi ấy vẫn là con người, dù đã chết, còn hoả thiêu thì cảm giác như con người không còn là con người nữa. Nhưng tôi thì khác, tôi nghĩ hoả thiêu và rải xác người đã khuất đi đâu đó là cách ta giải phóng họ, tránh việc nhốt họ vào trong một cái hộp, như trò bắt con dế bỏ vào hộp diêm.

Tôi cũng không thể quên cảnh tượng đêm đó mình bước vào phòng con trai, thấy Liam tấn công em gái nó. Hai đứa không cùng cha, Liam là kết quả của một vụ cưỡng hiếp, tôi với hắn đã li dị nhau khi thằng bé được năm tuổi, còn em gái nó là của tôi và người chồng sau. Liam đã giết em gái cùng mẹ khác cha của mình, dù chúng ta đều thừa biết đó chỉ là một vụ tai nạn, nhưng mọi thứ đã xảy ra như thế.

Con bé an nghỉ (an nghỉ?) được vài năm thì Liam đến sống với ông bà ở Hamburg, chuyện này Phúc Quý đã kể với anh rồi. Tôi và chồng sau cũng không thể sống cùng được nữa. Tôi không biết trong lòng anh ấy, liệu có chút nghi ngờ nào rằng Liam đã cố ý giết con gái của anh ấy và tôi, đứa em gái có một nửa huyết thống với thằng bé, hay không? Điều đáng sợ của mối nghi ngờ đó là người nghi ngờ sẽ không bao giờ nói ra, vì thế nghi vấn sẽ không bao giờ được giải quyết. Làm sao một câu hỏi có thể được trả lời nếu người ta không hỏi?

“Lúc nghe Liam kể, con và mọi người đã bàng hoàng đến mức không biết nói gì.” Phúc Quý chia sẻ với tôi, thằng bé nhắc đến buổi cắm trại, lần đầu tiên nó và Liam gặp nhau.

“Phải, cứ như một cơn ác mộng vậy. Cậu tưởng tượng được không, oái oăm đến mức cứ như một cơn ác mộng.” Tôi đồng ý.

“Liam đã tự tay mình giết em gái anh ấy, đó sẽ là một nỗi ám ảnh không bao giờ chấm dứt được.” Phúc Quý thở dài. “Con không hiểu bằng cách nào người ta vượt qua được sự kiện ấy. Một đứa trẻ mới tám tuổi và một đứa trẻ mới năm tuổi. Làm sao có thể vượt qua được?”

“Chúng tôi không hề vượt qua được.” Tôi nhún vai.

Tôi cũng sẽ không thể quên bộ dạng của Liam mà mình vừa gặp: một người đàn ông tàn tạ, đầu tóc rối bù và đôi mắt gườm gườm như của loài thú săn mồi. Thật may khi Phúc Quý được giữ ở bên ngoài, thật may khi con trai anh chưa bao giờ có ý định sẽ vào gặp Liam. Hãy để Phúc Quý giữ lại những hình ảnh khác, dù những hình ảnh ấy cũng đã bị vấy bẩn, tan tác.

Tối đến, Phúc Quý không dám ngủ. Nó trằn trọc, kể cho tôi nghe về chuỗi giấc mơ của mình:

“Ở giấc mơ đầu tiên, gã Ethan hôn con ngấu nghiến và bắt con dùng miệng phục vụ hắn, giấc mơ thứ hai hắn bắt đầu đưa ngón tay vào trong người con để mở cơ thể con ra, giấc mơ thứ ba hắn liếm láp khắp người con, giấc mơ thứ tư, thứ năm, thứ sáu… Tất cả đang tiến dần đến cái màn quyết định. Con sợ đêm nay hắn sẽ làm được thứ hắn muốn. Hắn sẽ tiến vào được bên trong con, sẽ xâm lược được con…”

“Ý cậu là chiếm đoạt?”

Ai lại dùng từ “invade¹” để chỉ việc ấy nhỉ? Thằng bé có hơi bối rối với tiếng Anh, tuy vậy khi ngẫm ra thì tôi thấy lựa chọn từ ngữ này cũng không tệ.

“À vâng, chiếm hữu, khai thác, sử dụng…” Phúc Quý gật đầu, liệt kê thêm một số từ khác nữa.

“Được rồi, tôi sẽ canh chừng giấc ngủ cho cậu, được chứ? Tôi sẽ hát ru những bài hát tiếng Đức cho cậu nghe, nhé! Đừng sợ, được chứ, tôi sẽ kể cho cậu câu chuyện về xúc xích gan và xúc xích huyết.”

Phúc Quý gật đầu. Ít nhất thì nó tin tưởng vào tôi. Hôm qua, cách làm này đã có hiệu quả. Tôi không biết gã Ethan đó là người như thế nào, có lẽ cũng chẳng cần phải biết. Nhưng hy vọng tôi có thể làm gì đó để ngăn cản bóng ma của gã.

Đáng tiếc, như anh đã biết, tôi không thành công cho lắm.

¹ invade (v): 1. xâm lược/ 2. lan toả, tràn vào.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout