12.
Quan điểm cá nhân thôi nhé, anh đừng chê cười. Thật ra không chỉ người phương Đông cảm thấy xa lạ với người phương Tây, mà người phương Tây đôi khi cũng cảm thấy xa lạ với người phương Đông. Chúng tôi có cảm giác người phương Đông là các dạng sống quá kín kẽ, quá thu mình, khép nép, có khi còn vô cảm nữa. Chúng tôi thường bảo nhau khuôn mặt người Châu Á y hệt những chiếc mặt nạ, nhìn vào chẳng biết là vui hay buồn vì truyền thống đã bắt các anh phải ém nhẹm hết những cảm xúc cá nhân vào bên trong, chỉ trưng ra vẻ khiêm cung, kính cẩn và hoà nhã thường thấy. Tất cả đều kiềm chế, đều bị phủ lên một lớp màn của sự bí ẩn. Phải, người Phương Đông quá mức bí ẩn với chúng tôi.
Đôi mắt đen tuyền, mái tóc đen tuyền, cơ thể nhỏ nhắn, những đặc điểm ấy làm các anh trông kín đáo, như được bọc trong một cái kén tằm. Nhưng bởi vì quá bí ẩn nên người Châu Á trở nên cực kỳ quyến rũ trong mắt chúng tôi, một sự quyến rũ khó giải thích, mơ hồ như thứ ma dược thần thánh, huyền hoặc, kỳ bí, không thể chạm đến.
Lần đầu đối diện với con trai anh, cảm giác ấy lại ùa về trong tôi. Đôi mắt đen, mái tóc đen, cơ thể nhỏ nhắn. Mọi đặc điểm của một người phương Đông, chủng Mongoloid, đều được tô đậm trên cơ thể nó. Anh có biết anh có một đứa con trai “lạ lùng” đến mức nào không, lạ lùng theo nghĩa cuốn hút. Trông nó thật kỳ bí, như một viên ngọc quý tối màu ẩn mình trong đá, hay như một người con trai hiện về trong giấc mộng không có thật rồi lại biến mất khi ta tỉnh dậy. Từ thằng bé, tôi hiểu vì sao văn chương phương Đông các anh lại thích viết về các thần tích ấy. Tôi thoáng rùng mình, sợ hãi khi đứng trước thằng bé.
Thằng bé tự giới thiệu mình là Darwin.
Tôi bảo, “Đó là tên tự đặt để tiện sử dụng ở nước ngoài, đúng không?”
“Vâng.” Thằng bé gật đầu.
“Tôi muốn biết tên thật của cậu.” Tôi giải thích, “Hiện nay, các văn bản, tài liệu đã có một bước thay đổi mới. Ngoài những ngôn ngữ quá khó viết như chữ Trung Quốc, Nhật Bản, Ả Rập cần phải phiên ra Latin, những ngôn ngữ ngay từ ban đầu đã là ký tự Latin rồi thì vẫn nên giữ nguyên toàn bộ. Tại sao phải viết tên ông vua ‘Lý Thái Tổ’ thành ‘Ly Thai To’, trong khi giữ lại dấu thì có mất mát gì đâu? Tương tự với dấu trong tiếng Pháp. Ôi Chúa ơi, tôi nói lan man gì thế này? Nói chung là tôi muốn gọi cậu bằng tên thật của cậu, không phải cái tên Darwin kia!”
“Tên tôi là Trương Phúc Quý. Gọi Quý là được, Phúc Quý cũng được.”
“Phúc Quý.” Tôi đặt tay lên đầu mình, đây là hành động tự phát mỗi khi tôi cần tập trung để nhớ ra gì đó. “Tên nghe quen thế nhỉ? À đúng rồi, Phúc Quý, nhân vật chính trong tiểu thuyết Sống của Dư Hoa đúng không?”
Có lẽ thằng bé cũng biết, nó là sinh viên chuyên ngành nghiên cứu nghệ thuật, chắc đã có dịp đọc qua tác phẩm ấy.
Trông Phúc Quý chẳng vui lắm khi có cái tên trùng với tên nhân vật trong một tiểu thuyết bi đát, mà còn là nhân vật có số phận kinh hoàng đến mức lần đầu đọc tôi đã rụng rời hết chân tay.
Phúc Quý, đứa con hoang đàng, kẻ lầm đường lỡ bước đã đẩy cả gia tộc mình vào cảnh suy tàn. Phúc Quý, kẻ còn sống duy nhất trong câu chuyện mà ai cũng lũ lượt chết. Phúc Quý, người sống sót, sống mãi, sống dai dẳng, mòn mỏi. Còn nhớ, hồi vừa đọc xong cuốn tiểu thuyết ngăn ngắn ấy, tôi đã cố gắng loại nó khỏi đầu mình ngay lập tức. Tôi đọc sách là để tìm cảm hứng sáng tác, học hỏi từ các bạn bè đồng nghiệp, để rút ra một điều gì đó hữu ích cho công việc của mình. Tôi không muốn viết ra một cuốn sách như cuốn sách ấy.
Khi tôi và Phúc Quý đứng trước nhà, đối diện nhau, cả hai vẫn chưa biết đối phương là ai. Tôi nhìn và đoán Phúc Quý là người ở gần đây, bởi vì thằng bé đi tay không như một người đang đi dạo (ai lại đi dạo giữa mùa đông?), còn thằng bé thì đoán tôi là khách du lịch đang tìm khách sạn, vì dáng vẻ tay xách nách mang lỉnh kỉnh vali túi xách và trên màn hình điện thoại tôi đang cầm vẫn còn giao diện của Google Map. Ước gì bỗng nhiên có một luồng điện nào đó, một thần giao cách cảm nào đó xẹt đến và cả hai chúng tôi nhận ra nhau là ai, để khỏi phải giới thiệu từ đầu. Với cả hai, việc giới thiệu bản thân thật khó khăn biết bao nhiêu.
Song rốt cuộc lại không có, may mắn ấy không đến, cả hai vẫn phải giới thiệu. Tôi bối rối hỏi cậu ta:
“Đây có phải nhà của Liam không nhỉ?”
Phúc Quý trợn mắt, không ngờ đôi mắt một mí bé tí ấy có thể mở to được như thế. Thằng bé hỏi tôi:
“Bác là gì của Liam?”
Tôi là gì của Liam? Một quá khứ cần phải trốn chạy? Một bóng hình không muốn đối diện? Một nỗi thất vọng tụ lại thành khối? Một nỗi đau và tổn thương quá lớn không thể chữa lành? Một vết thương không thể khép miệng? Hay một người mẹ đã bỏ cuộc?
“Tôi là… mẹ của Liam…” Chúa ơi, sao tôi lại run rẩy với danh xưng này thế nhỉ!
Thằng bé bước tới một bước như muốn nhìn tôi cho thật kỹ, rồi nói như reo lên. Reo lên?
“Bác chính là người phụ nữ đó!”
“Người phụ nữ đó”? Liam đã kể về tôi như thế nào, tôi đã xuất hiện trong câu chuyện của Liam như thế nào? Qua lời nói của nó, tôi đã trở thành thứ gì? Chúng ta là ai trong câu chuyện của những người khác? Hàng nghìn bữa ăn, hàng nghìn nụ hôn, hàng nghìn nụ cười, hàng nghìn giọt nước mắt, hàng nghìn mơ ước, hàng nghìn cái ôm, hàng nghìn đêm kể chuyện cổ tích trước khi ngủ, hàng nghìn cuộc nắm tay đi dạo, hàng nghìn lời “con yêu mẹ” và “mẹ yêu con”. Sau tất cả, chúng ta trở thành đôi ba từ trong câu chuyện của người khác, thành một kẻ đã thất bại, đã mắc sai lầm, đã bỏ cuộc.
Anh tưởng tượng được không, một ngày mùa thu tôi đưa Liam đến trường mẫu giáo. Thằng bé đeo cặp, vẫy tay tạm biệt tôi, bé bỏng như một thiên thần. Nó mỉm cười, trong nụ cười có sự hoang mang bối rối khi sắp bước vào một thế giới mới mang tên “Trường học”, nhưng nó vẫn ngoan ngoãn bước tới. Rồi đến cuối ngày, nó lại ùa ra, sà vào lòng tôi, bảo rằng mình không hề khóc như các bạn khác, bảo rằng mình là một chiến binh và đã vô cùng can đảm. Và tôi đã xoa đầu thằng bé, bật cười nhưng không thể kìm lại được những giọt nước mắt xúc động. Phải, con là chàng chiến binh dũng cảm của mẹ, là người hùng của mẹ. Tôi cứ tưởng mình sẽ mãi mãi hạnh phúc như vậy, Liam sẽ mãi mãi là một thiên thần, cuộc sống sẽ cứ vậy mà tiến về phía trước.
Tôi không muốn mình là người duy nhất phải chịu cái tình cảnh khó xử này, tôi phải trả đũa. Vì thế, tôi hỏi ngược lại Phúc Quý:
“Thế cậu là gì của Liam con tôi?”
Màn trả đũa thành công, con trai anh còn bối rối gấp trăm lần tôi vừa bối rối. Hoan hô, phải vậy chứ! Danh xưng “mẹ”, dù là một người mẹ thất bại hay hoàn thành nhiệm vụ của mình (làm mẹ không có “thành công”, chỉ có “hoàn thành” hoặc “thất bại”), thì cũng dễ giới thiệu hơn cái danh xưng mà tôi đoán mò là Phúc Quý đang giữ.
Phúc Quý bối rối, lúng túng trước những câu từ, ra vẻ như mình chưa thạo tiếng Anh lắm nên cần chọn từ ngữ một chút và bắt tôi đợi trong lúc bản thân ậm ờ. Nhưng tất nhiên mục đích chính của tôi khi đặt câu hỏi là để hỏi, tôi tò mò về chàng trai trẻ này thật, thằng bé có thể là ai của Liam nhỉ?
“Tôi là…” Thằng bé thở dài, “Tôi là Darwin.”
Được rồi, lần này thì cậu may mắn xoay sở được, chẳng có cách trả lời nào tốt hơn thế nữa.
Phúc Quý mở cửa, mời tôi vào nhà. Tôi bước vào ngôi nhà từng là của con trai mình. Phúc Quý kể lại, cảnh sát đã đến phong toả và khám xét vài lần, chủ nhà cũng làm ầm ĩ một phen, nhưng bây giờ thì mọi thứ đã tạm thời ổn định. Nơi này lại trở về trạng thái một ngôi nhà bình thường.
Tôi biết anh có rất ít cơ hội có thể đặt chân lên Canada và tận mắt ngắm nhìn ngôi nhà ấy, giờ đây việc này càng khó hơn nữa, nên tôi sẽ miêu tả đôi chút cho anh biết. Đó là một ngôi nhà nhỏ, gọn gàng xinh xắn. Liam đi làm bảo vệ cho một tụ điểm giao lưu ăn chơi của thanh niên trong bang, tiền lương cũng rất khá, Phúc Quý chạy việc nhà hàng mỗi tối. Cả hai đứa góp chung tiền thuê nhà.
Một ngôi nhà thật ấm cúng làm sao, bước vào như quên mất bên ngoài đang là mùa đông. Không gian bày trí mang gam màu gỗ thông chủ đạo. Anh tưởng tượng được đất nước Canada như thế nào không, một đất nước nâu đỏ, vàng sẫm, hiền hoà. Ngôi nhà của tụi nó là điển hình của đất nước Canada. Dù hai người đàn ông sống chung nhưng không hề bừa bộn chút nào. Mọi thứ đều gọn gàng, sạch sẽ, đâu ra đó. Thậm chí tôi tin nếu nói trong ngôi nhà này không hề có bàn tay phụ nữ thì sẽ chẳng ai tin. Mọi thứ đều ngăn nắp và đáng yêu, được chăm sóc kỹ lưỡng như một tổ ấm thật sự chứ không phải chỉ là một chỗ thuê tạm bợ. Phúc Quý bảo chủ nhà cho thuê để có người chăm sóc nhà cửa giúp, nên ông ta lấy giá không đắt, chưa kể cũng khá ưng ý khi hai đứa sống chung lại giữ gìn căn nhà ông tốt đến mức đó, có lẽ vì vậy mà sau vụ của Liam, Phúc Quý vẫn được ông ta cho thuê tiếp ở đây, và ngay từ đầu thấy hai thằng con trai sống chung ông ta cũng không để ý gì.
Chắc chắn không phải nhờ Liam. Tôi vẫn là một người mẹ, vẫn rất hiểu con trai mình, Liam không phải là một người sẽ có một ngôi nhà trông như thế này. Nghĩ vậy, cách nhìn của tôi về Phúc Quý có khác đôi chút. Đúng không, Phúc Quý còn thực hiện vai trò một người chăm sóc Liam tốt hơn cả mẹ ruột nó? Không chỉ căn nhà, mà đến cả thảm trải sàn, hoa văn trên tường, đồ trang trí, tất cả mọi thứ đều toát lên một cảm giác hạnh phúc. Phúc Quý là sinh viên Nghệ thuật, thằng bé rất có gu. Đó là những ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi nhà. Khi ấy, tôi chưa biết mình đang ngồi trên chiếc sô pha mà mới mấy hôm trước con trai tôi đã…
Tôi nhìn thấy hai hộp giấy mở hoác nằm ở góc nhà, bên trong chứa đầy những món đồ trang trí Giáng sinh. Tất cả đều còn mới tinh, có thứ còn chưa được gỡ bao bì. Hai cái hộp cát-tông nằm đó, đầy những màu xanh xanh đỏ đỏ trắng trắng. Một thùng đựng đầy hình dán cây thông, kẹo ngọt, những chiếc tất, những quả châu trang trí. Tôi nhìn thấy một cái chân nến lấp lánh ánh vàng. Một quả cầu tuyết, bên trong là căn nhà nhỏ, khi lắc lên chắc hẳn tuyết sẽ rơi phủ xuống ngôi nhà nhỏ ấy, trong ngôi nhà hẳn có một gia đình đang quây quần bên bàn ăn. Hai cái cốc đôi, một cái cốc hình Ông già Noel, một cái cốc hình Tinh Linh giúp việc cho Ông già Noel. Chiếc thùng còn lại đựng giấy gói quà, bưu thiếp, thảm in hình bông tuyết lấp lánh. Một con gấu bông hình tuần lộc, nở nụ cười ngốc nghếch, ló đầu ra khỏi thùng giấy, cố rướn lên như kẻ đang bị chìm trong đống đồ đạc, cầu cứu tôi giúp nó thoát khỏi nơi ấy, nó như đang bị kẹt trong đống dây nhợ rối rắm của bộ đèn trang trí. Với hai người đàn ông trẻ chưa có sự nghiệp tiền bạc rủng rỉnh gì, lại đi mua bao nhiêu thứ nho nhỏ đáng yêu chỉ để chơi Giáng sinh, để sau khi ngày lễ qua đi thì lại cất vào cho năm tới. Năm tới? Hai đứa bọn chúng đã ước ao là sẽ có năm tới và nhiều năm tới nữa đấy, ông anh, bọn chúng đã ước ao điều đó!
Người ta không bỏ nhiều công sức chỉ để cho một hạnh phúc ngắn ngủi. Khi đã tốn công nhiều như thế kia, người ta phải có một ước mơ nào đó lớn hơn, về nhiều năm tới, về một thứ gọi là mãi mãi. Có lẽ nếu biến cố không xảy ra. căn nhà này sẽ không ảm đạm như lúc tôi ngồi đấy.
Còn một tuần nữa là đến Giáng sinh, đáng lẽ vào thời điểm này, những món đồ nằm trong hai thùng giấy phải được đem ra sử dụng cả rồi, căn nhà này phải có thêm nhiều màu sắc. Ở những đất nước “bên đây” của chúng tôi, chúng tôi tin vào phép màu của Giáng sinh, mùa lễ Giáng sinh là mùa lễ của những phép màu, của sự cho đi và nhận lại. Đáng lẽ những món đồ trang trí kia không nên nằm lộn xộn trong góc nhà, kêu gào tôi cứu lấy chúng nó, giải thoát cho chúng nó. Lẽ ra căn nhà này còn có thể đẹp hơn nữa, tuyệt vời hơn nữa.
Như thể chính tôi mới là kẻ bị nhốt trong những thùng giấy, chứ không phải là đống đồ trang trí. Tôi bị kẹt ở đó, mãi mãi bị lãng quên. Tại sao chỉ có mấy cái thùng và mấy món đồ nho nhỏ mà lại làm tôi suy sụp đến vậy? Tôi cũng không biết. Tôi gục đầu xuống, lấy hai tay bưng mặt. Chúa ơi, Giáng sinh sắp đến rồi, làm ơn hãy tha thứ cho con! Chúa ơi, xin Người đừng bỏ rơi chúng con ở đây, trong những thùng giấy này!
Bình luận
Chưa có bình luận