4.
Con nhớ hồi mình còn học cấp ba, trước khi sang Canada hai năm, hôm con và bố đến bệnh viện để khám tổng quát cho mẹ, bố bảo con đi theo để xem bệnh viện, xem có thích bệnh viện không. Có thích bệnh viện không? Ai lại đi thích bệnh viện hở bố, ai lại đi thích cái nơi chỉ toàn tai ương với khổ hạnh? Bố lắc đầu, ý bố không phải vậy, ý bố là con có muốn trở thành bác sĩ để vào làm trong bệnh viện này không. Bố có người quen ở đây, miễn thích là lo được hết, không khó. Bố muốn cho con thấy người ta làm bác sĩ thế nào: quần áo sạch sẽ, áo choàng trắng tinh, vẻ mặt nghiêm cẩn, dụng cụ thiết bị hiện đại, phòng ốc tiện nghi. Làm bác sĩ là một nghề sạch sẽ vô cùng, không chỉ bởi vì yêu cầu phải giữ vệ sinh và tiệt trùng thường xuyên trong lúc làm việc, mà nó còn sạch theo nhiều nghĩa khác.
Nhưng khi thấy những người được chuyển đi trên băng ca, được đẩy trên giường bệnh hoặc ngồi xe lăn, con lại cảm thấy gai người. Toàn là những cỗ nghi trượng đáng sợ, ớn lạnh, đẩy người ta đến những căn phòng đóng kín, con không thích bộ kiệu ngồi của ông cụ, càng không thích những cái kiệu này nốt.
Mẹ được dẫn qua các căn phòng. Lấy máu, siêu âm, chụp X quang, kiểm tra nước tiểu, vào hết căn phòng này đến căn phòng khác. Đến lúc về con hỏi bố mẹ là kết quả thế nào, ai cũng bảo là bình thường, chỉ là cơ thể bị suy nhược, mãi sau này con mới biết mẹ khám ra một khối u trong phổi, song lúc đó cả hai lại chẳng nói gì. Nếu biết phổi mẹ có một vùng đen đúa, có khi con đã ở lại, chẳng xách vali đi sang trời Âu làm gì, cũng chẳng nói ra chuyện mình thích con trai làm gì. Nếu biết phổi của mẹ có một khối u, con sẽ ở lại Việt Nam cưới một cô vợ, sinh con đẻ cái và ở bên mẹ những phút cuối đời. Chẳng có du học, chẳng có sống thật, chẳng có ước mơ xa xôi. Chắc bố tiếc lắm, nếu ngày hôm đó cả hai nói sự thật với con thì bố đâu có bị mất thằng con trai duy nhất, bố mẹ hoàn toàn có thể giam chân con ở Việt Nam mãi mãi, làm “một người đàn ông” mãi mãi. Nhưng khi bố nhận ra bệnh tật là một món vũ khí thì đã quá muộn.
Nếu doạ trực tiếp, khi con còn là một học sinh cấp ba, còn bám víu lấy bố mẹ không buông thì vẫn có cơ may thành công. Nhưng khi con đã ở Canada rồi, đã đậu học bổng trường McGill rồi, thành một người lớn rồi, thì phương cách đó không hữu hiệu nữa.
Bố hét lên trong điện thoại, “Mày là đứa bất hiếu, bố mẹ đã khổ sở biết bao nhiêu, mẹ mày đã khổ sở biết bao nhiêu. Mày không hiểu cái khổ của mẹ mày, mày chỉ biết làm bà ấy thêm khổ!”
Rồi bố liệt kê ra mẹ đã khổ thế nào, bố đã khổ thế nào. Chúng ta đã khổ thế nào.
“Giờ còn lấy cái khổ ra doạ nhau nữa à? Hết cái để mang ra doạ nhau nên lấy cái khổ ra doạ nhau?” Con phản pháo. Người ta không chỉ doạ nhau bằng súng ống, bom đạn, bằng ma quỷ thánh thần, bằng những con rối vô tri hay những mặt nạ quỷ dữ tô màu vằn vện xanh xanh đỏ đỏ, người ta còn đem cái khổ của mình ra doạ nhau, như cái khổ tự nó có một thứ quyền uy khiến người khác phải tuân phục. Vì mình khổ nên mình là người bị hại, mình là giai cấp bần nông, bị ức hiếp bóc lột, người khác không khổ nên người khác phải sợ mình, phải nhường nhịn mình, phải thông cảm cho mình, rằng ai cũng phải biết sợ một người đang khổ đau, phải sợ thằng Chí Phèo. Thôi cái trò ấy đi!
Chính vì đã miễn nhiễm với cái khổ, không bị nó doạ nữa, nên khi Liam bắt đầu đem cái khổ ra doạ con, bảo rằng anh rất khổ sở, khổ tâm, khổ hạnh, khổ nạn, khổ căn khổ kiếp, con đã bảo đừng có nghĩ đem cái khổ ra doạ thì người khác sẽ e dè mình. Con đóng vali lại, chỉ có vài bộ đồ vì đã xác định mùa đông Canada đang giam cầm mình, mình sẽ không thể đi đâu xa. Ít nhất đêm nay mình sẽ ngủ ở chỗ khác rồi tính tiếp.
Con thuê phòng trong một nhà nghỉ, bang Newfoundland và Labrador là một bang rất bình thường, đơn điệu, kém sầm uất hơn so với các bang khác. Không khí bao trùm nơi đây là sự im lặng và tẻ nhạt. Một nhà nghỉ nhỏ lại càng buồn chán hơn. Con sẽ qua đêm trong đó, dù không phải lần đầu tiên nhưng cũng là lâu lắm rồi không qua đêm bên ngoài, con như đang trở lại những ngày đầu mình đến Canada, ở trong ký túc xá trường Đại học, bỡ ngỡ và trơ trọi, cảm giác cuộc đời mình vừa bước sang một trang mới chẳng biết là lành hay dữ, nhưng cảm giác “sống được” cực kỳ mãnh liệt. Có lẽ bởi khi đó con chỉ mới là một thanh niên mười chín tuổi, sao lại không “sống được” ở bất cứ đâu chứ, quăng bừa đến chỗ nào vẫn “sống được”, sẽ thất điên bát đảo đấy nhưng sống dễ lắm, không khó. Bây giờ, cảm giác của những ngày ấy lại quay trở về, trong căn nhà nghỉ không thể gọi là khang trang này, con thấy mình trơ trọi nhưng vẫn “sống được”, với một cái vali đựng vài món đồ vơ đại gọi là.
Con ngã xuống giường, mùi chăn nệm mới giặt và loại nước tẩy phổ thông thường dùng trong các nhà nghỉ khách sạn thoang thoảng trong không khí. Giấy dán tường hoa cỏ, màu sắc không tệ. Ngày hôm nay chỉ xảy ra hai sự việc đáng kể, vì thế để không nghĩ về chuyện của Liam thì con phải nghĩ về chuyện còn lại: vụ xả súng trong nhà ga. Con hơi tiếc nuối khi lúc ấy không nhìn cho rõ mặt kẻ sát nhân cầm súng. Dù trong thoáng rùng mình, con nghĩ có lẽ nếu giữa không khí hỗn loạn mà mình lại chạm mắt với hắn ta, bỗng nhiên xoay qua nhìn hắn, cả hai chạm mắt nhau, con sẽ chết không phải vì bị hắn bắn mà vì ám ảnh tất cả mọi thứ về hắn. Hoặc phải, con sẽ chết vì bị hắn bắt gặp và đưa súng lên bắn mình.
Như khi còn đi học, lúc giáo viên kiểm tra bài cũ hoặc hỏi lớp những câu hỏi khó, tất cả học sinh đều cụp mắt xuống, nhìn đi nơi khác, vì chạm mắt với giáo viên nghĩa là đang hét lên em ở đây, thầy cô có thấy em không, có biết em đang tồn tại hay không và chắc chắn sẽ bị gọi đến tên. Trường hợp này cũng vậy, con và hắn mà chạm mắt nhau, hắn sẽ biết là con đang tồn tại. Tốt nhất là không nên để hắn biết là con có tồn tại trên cuộc đời này, bằng mọi cách phải xoá bỏ sự tồn tại của mình, phải lầm lũi để chìm vào cảnh nền, để hoà tan vào những người khác, để kẻ cầm súng nhìn vào sẽ chỉ thấy một đám người chứ không phải một cậu con trai Việt Nam giữa đám người. Phải vô hình và tìm cách chứng minh mình không hề tồn tại, tồn tại là một hiểm hoạ, ít nhất là khi ở trước mặt một kẻ điên, trong tầm ngắm bắn của hắn.
Song, con vẫn tò mò là trông hắn ra sao, mình phải biết người suýt giết mình mặt ngang mũi dọc thế nào chứ, bố nhỉ? Con lên mạng tra thử, không khó để tìm ra ảnh của hung thủ, dù có nhiều dự luật hay chính sách ở Canada và các nước châu Âu, châu Mỹ đã bắt đầu nghĩ đến việc bảo toàn thông tin cá nhân của các tội phạm, nhưng với internet thì không có gì đủ khó để ngăn cản nó lại. Bài báo tường thuật các thông tin liên quan đến vụ việc, kèm rất nhiều ảnh cắt ra từ băng ghi hình, may mắn là không có tấm ảnh nào trúng khoảnh khắc con chui xuống băng ghế bên cạnh thùng rác. Ngoài chuỗi thông tin mà con đã biết, bài đăng còn có cả là ảnh chụp kẻ sát nhân.
Bố biết không, con đã hết sức bất ngờ bởi vì cái vẻ bình thường của hắn. Hắn trông bình thường đến mức con không biết tả thế nào cho bố dễ hình dung. Nếu chúng ta trông bình thường như hắn, có lẽ chúng ta sẽ phải đem theo súng ra đường thì người khác mới thấy chúng ta thật. Nếu không có khẩu súng, thì dù gặp hắn một trăm lần trên đường con cũng sẽ quên mất. Khuôn mặt đàn ông bình thường với ngũ quan bình thường, không hề có dấu hiệu nào cho thấy sự nanh nọc, nhẫn tâm, gian ác, thậm chí chính những đặc điểm hết sức cơ bản này mà người khác lại có chút hảo cảm với hắn hơn cũng nên. Cũng không có cảm giác của sát nhân, thành viên giáo phái, máu bạo lực, vẻ trầm cảm u uất, cực đoan yếm thế gì cả. Bên dưới bài viết, nhiều người đồng tình rằng chẳng hiểu sao một người đàn ông như thế lại đi làm một việc như vậy, không thể hiểu thế giới này ra làm sao nữa.
Sự bình thường của hắn làm tất cả mọi người sợ hãi, bởi vì tấm ảnh nhắc cho mọi người nhớ lại những bạn bè “bình thường”, những hàng xóm “bình thường”, những mối xã giao “bình thường” xung quanh mình. Và chính mọi người nữa, mọi người đa số cũng đều rất bình thường, chẳng nghiêng hẳn về bên tốt hay nghiêng hẳn về bên xấu. Ai trong chúng ta sẽ là hắn vào một ngày nào đó?
Con rùng mình, nếu lúc ở ga tàu mà mình xoay qua đối diện với khuôn mặt này, con sẽ nghĩ gì? Ít nhất thì hắn cũng tóc vàng, da trắng, mũi cao, không phải người Châu Á, con tránh được việc đồng nhất mình với hắn, giữa cả hai vẫn có một khoảng cách vô hình. Dù bây giờ thế giới kêu gọi phá bỏ các bức tường, phá bỏ khái niệm lãnh thổ và biên giới, song sự khác nhau quá rõ ràng và trực quan giữa người Âu và Á vẫn là thứ không thể chối cãi.
Con tắt máy, quay trở lại căn phòng có giấy dán tường in hoa cỏ. Ở mặt tường đối diện giường ngủ, bên dưới những bông hoa xinh xắn là một chiếc ghế tình yêu màu đỏ rượu. Lẽ ra người trực quầy phải tinh ý khi thấy khách đi một mình thì nên xếp họ vào một căn phòng không có cái ghế này, hay họ nghĩ là con đến đây lấy phòng trước rồi ai đó sẽ đến sau? Ai đó?
Sức lực trong người bị rút kiệt hoàn toàn, điện thoại cứ “ting ting” liên tục vì tràng tin nhắn mải miết của Liam. Con phải tắt thông báo mới có thể yên tĩnh được, dù biết cái thế giới trong điện thoại vẫn đang rất ồn ào với bao nhiêu lời xin lỗi van xin chen chúc. Con cắm sạc rồi nhìn lên trần nhà, thiêm thiếp ngủ.
Đột nhiên, cửa phòng nghỉ đánh rầm, con giật mình bật dậy. Ngoài cửa, một thân hình đen đúa đứng ngược sáng. Ánh đèn vàng của hành lang hắt vào, trải dài một bóng đen xiên thẳng đến giường ngủ con đang nằm. Thân hình ấy bước vào phòng, con nhận ra chính là hắn, tên đã xả súng giết ba người ở nhà ga, thậm chí trên tay hắn vẫn còn lăm lăm khẩu súng. Con thót tim, không thể hét được. Hắn không tiến chầm chậm lại chỗ con, hắn nhào đến, phóng lên giường, đệm lò xo lún xuống. Tên ấy dùng cả cơ thể đàn ông Tây phương to cao như một con bò mộng để đè con ngửa ra, chỉ dùng một bàn tay đã có thể siết cả hai cổ tay con, rồi hai chân đè nghiến hai chân con, dùng toàn bộ thân người áp chế không để con chống cự. Khẩu súng trên tay hắn rơi xuống bên cạnh.
Tên sát nhân cưỡng hôn con bằng khuôn mặt “bình thường” của hắn, thật ra miêu tả rằng hôn thì không đúng bản chất những gì đang diễn ra, phải nói là hắn liếm, ngấu nghiến, cắn xé miệng con. Con sợ quá, cố lồng lên nhưng sức con chẳng thấm tháp gì. Con cố xoay đi, né khuôn mặt hắn, mắt nhắm tịt như cách con nhắm tịt khi trốn dưới hàng ghế chờ tàu. Không có gì đủ khả năng gây trở ngại với hắn. Hắn vung tay tát con một phát, như cú tát của một con hổ làm lòi ruột người thợ săn xấu số, con xây xẩm mặt mày, hắn không cần nói gì mà chỉ cần tát thôi là đã đủ nói hết tất cả, rằng mọi vùng vẫy không có ý nghĩa gì hết. Hãy chịu đựng, hãy chịu đựng, rồi việc này sẽ xong nhanh, hãy chịu đựng.
Tên sát nhân lột áo, lột quần con thô bạo. Dương vật của hắn căng phồng khủng khiếp, đã bao lâu rồi con không nhìn thấy vùng kín của ai khác ngoài Liam? Hắn nhấn đầu con xuống, áp sát vào. Con mím môi mím lợi, dù hắn có tát thêm phát nữa thì cũng đành chịu. Nước mắt con chảy đầy mặt, bên má rát bỏng châm chích.
Con sực nhận ra khẩu súng đang nằm rất gần mình, tên ấy thì đã quên mất, nếu con có thể đánh lạc hướng hắn để với tay đến chỗ khẩu súng? Thế là con mở miệng ra, hắn nắm tóc và nhấn đầu con theo một nhịp điệu bí ẩn nào đó chỉ có mỗi hắn nghe thấy. Hắn ngửa đầu lên, bắt đầu rên gừ gừ. Con chộp ngay khẩu súng. Rồi đột nhiên, một dự cảm chẳng lành ùa đến, chẳng phải khẩu súng này đã hết đạn rồi hay sao, tên sát nhân đã dùng viên đạn cuối cùng để tự bắn vào đầu mình, khẩu súng đã hết đạn rồi.
Nhưng không đúng, hắn ta vẫn ở đây, vẫn còn sống, đầu không có vết đạn nào, không vương chút máu nào, nghĩa là viên cuối cùng vẫn đang nằm trong băng đạn. Con không biết. Không biết thì phải thử. Con chĩa súng vào hắn, bóp cò.
Con giật mình tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa, sống chết hớp không khí. Con đã thoát khỏi hắn ta rồi!
Bên ngoài, tuyết đang rơi. Chỉ hai tuần nữa là đến Giáng sinh. Khi ở nhà ga, không phải gã tâm thần đó đã chừa lại viên đạn cuối cùng để giết chính mình, mà chính con đã bóp cò giết hắn.
Bình luận
Chưa có bình luận