3.
Nhưng đây không phải là một câu chuyện về tình yêu, tan vỡ, mất mát và tìm lại. Còn lâu mới phải. Con muốn kể cho bố nghe câu chuyện về cỗ nghi trượng của một tham quan, một câu chuyện bố đã biết nhưng chưa biết hết.
Liam không nhớ số người qua lại với mình trong lúc đang có mối quan hệ nghiêm túc với con là bao nhiêu. Bởi vì tất cả đều là những người anh ấy quan hệ qua đường, chỉ gặp một lần, nhiều lắm là đôi ba lần, nên anh ấy không thống kê được. Đến lúc nhìn lại thì con số đã không thể ước lượng là bao nhiêu nữa. Sao con lại có nhiều ước mơ viển vông về một hạnh phúc chân thật vậy nhỉ? Liam bảo anh rất yêu con, không thể rời xa con được, anh ấy yêu con với tình yêu của một gia đình, của sự gắn bó, thân thiết và lấp đầy cho cuộc sống của nhau, để cuộc sống của nhau trở nên ý nghĩa. Những người anh ấy qua lại bên ngoài chỉ là giải quyết nhu cầu, bằng chứng là anh đâu giữ liên lạc với ai quá lâu, dù không phải là không có người muốn như vậy. Song, con không cần biết nhiều thông tin đến thế.
Hai năm trời, nghe qua chẳng đáng là bao, chẳng dài gì cả, chẳng ơn sâu nghĩa nặng hay không thể dứt bỏ. Song, hai năm đó lại là hai năm của một con người xa xứ. Với những con người xa xứ, hai năm không đơn giản chỉ là hai năm. Khi bảo “đã hai năm trôi qua” thì người nói không có hàm ý gì quá phức tạp, nhưng khi nói thêm “đó là hai năm ở xứ người” thì thời gian được nhắc đến đã bị kéo cho dài thật dài, phải dài lắm, dài lắm. Con ở Canada bốn năm mà ngỡ như mình đã mãi mãi không còn có thể về Việt Nam được nữa. Hai năm đó là hai năm chật vật với đời sống đã quen nhưng còn rất lạ, trong bốn năm con ở đây thì hai năm đầu vẫn tràn ngập khao khát và ước vọng, nhưng hai năm sau nếu không có Liam bên cạnh thì có lẽ con đã sụp đổ. Liam xuất hiện và khiến cho hai năm này có ý nghĩa, con tìm được cảm giác thuộc về, tìm được một người có thể tin tưởng rằng anh ta sẽ luôn ở bên cạnh mình, tìm được một nơi sẽ luôn nằm đó dang rộng cửa đợi con quay về. Con đã tìm được một ngôi nhà thuê mà nếu ra đường gặp xả súng thì có thể chạy về và lao vào vòng tay ai đó. Tuyệt đối an toàn, tuyệt đối hạnh phúc. Tuyệt đối hạnh phúc?
Hai năm. Sao có thể nói là không có nghĩa lý gì được chứ!
Liam lại tiếp tục cầu xin, “Darwin, làm ơn đi em, ít nhất phải đợi qua mùa đông đã. Em có thể dọn đi đâu vào thời điểm này trong năm được?”
Con khựng lại trước cái vali đồ. Đúng vậy, ngoài trời tuyết đang rơi, con chịu lạnh rất kém. Hơn hết, đây là xứ người. Bố đang ở Việt Nam, gia đình con đang ở Việt Nam, những người con có thể dựa dẫm đang ở Việt Nam. Con không có chốn về, không còn chốn về nữa. Con không còn thuộc về nơi nào nữa. Khi không còn thuộc về nơi nào thì ta thuộc về nơi nào? Không thể cứ nói bỏ đi là bỏ đi được. Nhưng nếu ở lại, con sợ mình rồi sẽ tha thứ.
Liam luôn có cách khiến con mủi lòng. Như câu chuyện anh kể vào lần gặp đầu tiên, trong nhóm cắm trại đường rừng, dưới những tán thông. Ngồi bên đống lửa, trưởng trò bảo mỗi người hãy lần lượt chia sẻ một câu chuyện về mình, đó là truyền thống của lửa trại: mọi người ngồi vòng quanh ánh lửa trại, bắt đầu ca hát và kể chuyện. Loài người là sinh vật kể chuyện. Hãy kể về mình, về chúng ta.
“Thật hay khi đoàn này có gần chục người mà mỗi người lại đến từ một quốc gia khác nhau, chúng ta sẽ có rất nhiều câu chuyện để kể.” Người trưởng trò gật gù, chống cây gậy đi đường của mình xuống đất. Con để ý là ông ta cố tình ăn gian để cây gậy ngã về phía con, cây gậy không được dựng thẳng mà nghiêng nghiêng xéo xéo về chỗ con ngồi, có lẽ ông ta nghĩ con là sinh viên Nghệ thuật của McGill thì sẽ giỏi kể chuyện lắm.
Con kể về cỗ nghi trượng của dòng họ mình, của một tham quan. Dù đều là những sinh viên và người có học thức tốt, nhưng không ai trong đoàn biết về Đàng Trong Đàng Ngoài thời Trịnh-Nguyễn của Việt Nam. Khi Liam bảo mình là người Đức, họ biết về Đông Đức và Tây Đức, về bức tường Berlin, nhưng Đàng Trong Đàng Ngoài và sông Gianh thì không ai biết. Con cũng không lấy làm phật ý (ai lại phật ý về chuyện này chứ?). Con phải bắt đầu kể từ việc tại sao nước mình có một thời kỳ bị chia trong-ngoài, “trong” có phải bên trong không và chẳng lẽ “ngoài” là bên ngoài (lẽ ra con nên gọi là “Quinam” hơn là phát âm thẳng hai chữ “Đàng Trong”, để người nào nếu có biết bập bẹ chút tiếng Việt thì sẽ không bị hiểu nhầm)? Tất nhiên không phải vậy, con tiếp tục giải thích, nhùng nhằng một lát mới trở về được với cỗ nghi trượng của ông cụ.
Con bảo mình là hậu duệ của một tham quan độc ác thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhà mình ở Việt Nam đến giờ vẫn còn trưng một cỗ nghi trượng của ông cụ kị đó. Con cho mọi người xem ảnh chụp. Ai cũng trầm trồ, bảo giống Trung Quốc quá, giống Trung Quốc quá. Nhưng rồi một người “suỵt” cả đám, nhắc rằng không phải Trung Quốc và không bao giờ là Trung Quốc, cô gái tinh ý nọ là người Mã Lai. Dù sao thì câu chuyện dừng lại ở chỗ con chia sẻ ước vọng của mình là muốn phá huỷ cỗ nghi trượng ấy, phá cho bằng được.
Cả đám trố mắt, chậc lưỡi tiếc rẻ, tại sao một món đồ đẹp như thế mà lại muốn phá bỏ, sao lại căm ghét một món đồ đẹp như thế được, chẳng lẽ muốn làm “Cách mạng Văn hoá” giống Mao hay sao? Con lắc đầu, bảo không có lý do nào cao siêu cả, con chỉ không thích nó, con không muốn định nghĩa mình bằng nó, có thể con sẽ định nghĩa mình bằng những thứ khác, nhưng không phải bằng nó.
Một ông trung niên người Pháp bảo rằng ở nước ông, người ta rất trân trọng những món đồ nghệ thuật, dù đó có là tội ác, là sai lầm, là thất bại thì người Pháp vẫn có thói quen bảo tồn tất tật. Họ tin rằng nếu dòng chảy văn hoá của một dân tộc được liền mạch, được giữ bền vững không sứt mẻ, thì dân tộc ấy mới có thể tự tin khi tiến ra thế giới. Và thực tế chứng minh người Pháp đã đúng. Con cũng đồng tình, bảo rằng mình sẽ nghĩ thêm về điều này.
Trò kể chuyện bên lửa trại rất vui, kiến thức về những thế giới khác mà con học được từ những câu chuyện của mọi người còn nhiều hơn bất kỳ cuốn sách cuốn vở nào. Đến lượt Liam, anh kể một câu chuyện rất bất ngờ, thậm chí là khó tin đến tàn nhẫn.
Câu chuyện của Liam kể về một bộ lốt hoá trang búp bê. Hồi còn nhỏ, khi còn ở Đức, anh rất ám ảnh với những nhân vật búp bê là linh vật của địa phương. Đó là những con rối búp bê khổng lồ, khuôn mặt được tạo hình cố để trông thật thân thiện, vui vẻ nhưng lại vô cảm đến đáng sợ. Bên trong, người đội lốt những con búp bê điều khiển chúng múa may quay cuồng, làm chúng trông kinh dị đến phát ớn lên được. Dù bây giờ khi đã lớn, thừa biết là có người nghệ nhân hoá trang bên trong, nhưng Liam vẫn sợ hãi mỗi khi nhìn thấy chúng. Đó là truyền thống ở vùng anh sống, hoá trang để đuổi tà ma quấy nhiễu gì đó không rõ, có lẽ là một cổ tục chẳng còn thịnh hành cũng nên.
Anh từng bị chúng rượt, trong khi người lớn đứng xung quanh thì cười lăn cười bò. Liam khi ấy chẳng hiểu có gì buồn cười, nhưng với nhiều người thì đó là một cảnh tượng rất vui mắt, không chỉ anh mà có nhiều đứa trẻ khác cũng bị doạ cho kinh hãi, chạy nháo nhào. Đến cả trong mơ chúng cũng xuất hiện, đứng trong góc tối và nhảy múa với khuôn mặt hình nộm vô cảm, câm lặng. Con nghĩ nếu anh ấy được tận mắt thấy đống hình nộm được bày xung quanh cỗ nghi trượng của nhà mình, chắc cũng sẽ không dám đến gần.
Nhưng chẳng ai nghĩ những cái lốt búp bê quái dị đó là vấn đề, nếu nó càng đáng sợ thì càng đúng tinh thần của một lễ hội dân gian hơn. Đã là lễ hội dân gian thì phải có đôi chút ma quái, quỷ dị và khó hiểu thì mới hay. Và bao nhiêu thế hệ con người đã bị doạ cho sợ són ra quần, cho đến khi họ lớn lên và không còn sợ nữa, hoặc nỗi sợ đã chuyển thành một cái gì đó lớn hơn, thành sự quy phục và tôn thờ.
Em gái của Liam thì lại chẳng sợ, dù hồi đấy anh tám tuổi và con bé mới năm tuổi, nhưng nó đủ khôn ngoan để thừa biết bên trong những hình nộm là những con người. Em gái Liam nhiều lần đòi được mặc những bộ đồ hoá trang kinh tởm để doạ anh trai mình, bởi vì con bé hiếm khi thấy anh trai sợ hãi chạy tán loạn như một con gà bị dí cắt tiết thế kia, nó cảm thấy một người lớn lúc nào cũng mạnh mẽ chững chạc bỗng nhiên oà khóc và sợ hãi là một điều gì rất buồn cười. Mỗi lần đến lễ hội, những hình nhân đó sẽ được gia chủ “mời” vào nhà để nhảy múa, họ nhảy khắp nhà xong rồi rời đi với bánh trái và chút tiền lễ. Gia đình Liam cũng theo tập tục cổ ấy, họ mời hai con rối nam nữ vào nhà. Vào ngày này trong năm, Liam sẽ trốn biệt ở đâu đó, trong phòng ngủ hoặc nhà vệ sinh, để không phải nhìn thấy chúng. Nếu ban ngày nhìn thấy chúng, ban đêm chắc chắn anh sẽ gặp ác mộng, giấc ngủ chập chờn và bị mớ rồi hú hét inh ỏi.
Con từng nghe rất nhiều về tục hoá trang múa hát trong các mùa lễ hội, tất cả mọi người trong đoàn chia sẻ rằng đây là tập tục mang tính phổ quát trên toàn thế giới, hầu như ở nền văn hoá nào cũng có. Sau này, con tra thông tin thì thấy người Khmer nước mình có tục múa Yak Rom, hay múa chằn, nghệ nhân cũng đeo mặt nạ quỷ dữ xanh đỏ, nhảy những điệu kỳ quái, nhưng cuốn hút. Song, những chiếc mặt nạ quỷ không đáng sợ, mà hai hình nhân nam nữ trong những bài múa ấy mới đáng sợ. Liam cũng bảo những con búp bê anh sợ hồi bé cũng tương tự như vậy.
Con nhìn chúng, tưởng tượng có hôm mình đang đi trong một con hẻm vắng, trời tối mịt, bỗng trong bóng tối có một hình nhân như thế vừa múa vừa tiến gần đến chỗ mình, chắc con sẽ chết ngay tại chỗ chứ không có sức đâu mà chạy thoát thân nữa. Từ đó con hiểu hơn về nỗi sợ trong quá khứ của Liam. Nhưng câu chuyện về một tập tục kỳ quái, ngộ nghĩnh, đáng sợ ở một vùng quê xa xôi nước Đức chưa kết thúc ở đó. Câu chuyện vẫn còn đoạn sau.
Bình luận
Mèo Mướp Thích Ăn Rau
Giai Du