“Mồi phú quý nhử làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh…”
– Ôn Như Hầu, Cung oán ngâm khúc.
PHẦN 1. KẺ XẢ SÚNG HÀNG LOẠT
1.
Con vẫn luôn nhớ về cỗ nghi trượng ấy, với bệ ngồi lót gối nhung, trên gối thêu viền vân mây, ngồi lên gối như ngồi trên Cân Đẩu Vân của ông Tề Thiên Đại Thánh, như thần tiên đi mây về gió, ngạo nghễ vô cùng. Trên đầu là hai tàn lọng, bung tròn rủ xuống như hai cây cột móc hai cái thùng phuy lủng lẳng, nhưng đẹp hơn, sang quý hơn, tất nhiên rồi, toàn những rồng những phụng, những lân những điểu, vải nhung đỏ thêu chỉ vàng chỉ bạc, sao lại không sang quý hơn hai cái thùng phuy?
Con nhớ hai đòn khiêng bọc vàng, chạm trổ đầu sư tử. Lớp gỗ bóng loáng, đỏ au. Thợ đóng kiệu rất vững. Khi đặt mông ngồi vào, dù được gánh trên vai phu khiêng, cảm giác cũng chẳng khác gì đang ngồi trên nền đất. Con nhớ thân kiệu được chạm trổ hình ảnh chìm nổi công phu, nạm đây đó hết viên ngọc này đến viên ngọc khác, tính toán làm sao để dù nhìn theo bất kỳ hướng nào thì cả cỗ nghi trượng cũng trông như đang phát sáng. Mỗi lần chiếc kiệu ấy xuất hiện ở đâu, đều như thần Phật toạ sen giáng thế.
Con nhớ cả hai cây quạt lông công hầu hai bên, người ngồi trên kiệu vừa di chuyển vừa có hai gia nhân hầu quạt. Quạt gắn lông công như những con mắt thần quỷ dị, lông mềm cứ phất phơ khi tay người phe phẩy. Con nhớ hai hình nộm do ông cố tự làm thay cho binh lính, mặc quần áo sặc sỡ, đầu đội mũ chóp, kiếm giắt bên hông chỗ đai quần. Rồi còn hai hình nộm khác, bên đây gõ chiêng, bên kia thổi kèn. Đám rước ấy hẳn là linh đình lắm, dù đó chỉ là một cỗ nghi trượng đón đưa một vị tham quan, chẳng khác nào chiếc xe máy, hay cùng lắm là xe hơi của chúng ta ngày nay. Nhưng hồi ấy, được như ông cố của ông cố thì oai phong lẫm liệt, tự hào biết bao nhiêu.
Con nhớ mình từng hỏi bố tại sao trong nhà mình lại thờ một cỗ nghi trượng lộng lẫy đến thế, bố trả lời đó là bảo vật từ thời ông cố của ông cố để lại. Gọi “ông cố của ông cố” thì hơi nhiêu khê, bố bảo con cứ gọi là ông cụ được rồi. Trong gia tộc mình, “ông cụ” là từ để chỉ một con người cụ thể, mọi người sẽ không bị nhầm lẫn ông cụ này với ông cụ khác, cứ bảo “ông cụ” là người ta tự khắc biết đang nhắc đến ông cố của ông cố.
Ông cụ và cỗ nghi trượng bề thế của ông tượng trưng cho một thời kỳ hưng thịnh nhất của gia tộc, mà gia tộc ấy đến nay đã cáo chung, mạt vận, thất thế lắm rồi. Nhưng cỗ nghi trượng vẫn được trưng ở đó, thứ gì cũng có thể vứt đi nhưng nó thì không. Nó không có ý nghĩa về mặt kinh tế mà có ý nghĩa về mặt tinh thần, nó nhắc mọi người rằng chúng ta đã có một thời “khi đi võng lọng, khi về kèn trống”. Chúng ta đã từng là những người chiến thắng.
Đã có một thời kỳ, con rất mê mẩn cái kiệu đó, cùng những đồ đạc bày trí xung quanh, tuy nhiên lại chưa bao giờ được chạm vào, dù chúng vẫn luôn luôn ở trước mắt. Cho đến khi bố kể thêm rằng ông cụ nhà ta là một tham quan thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, cả sự nghiệp tài tình nhất là bòn rút của nhân dân để làm giàu cho bản thân, khiến bao nhiêu gia đình khốn đốn, là một trong những tham quan bậc nhất vào thời kỳ của ông. Cũng chính vì vơ vét quá nhiệt tình, ông cụ và gia đình ông trở thành người giàu có nhất Đàng Trong, đi đến đâu cũng được dân chúng quy phục, kính nể, ghen tị. Nhờ cái tài vơ vét ấy, gia tộc chúng ta mới đạt đến đỉnh cao của tiền tài và địa vị trong xã hội.
Để rồi tiệc tàn, ông cụ bị hạch tội, cả gia môn bị đóng củi bêu riếu khắp phố phường, những người thân thích bị xử trảm thị chúng, chỉ còn một vài người thoát nạn. Riêng ông cụ thì mắc bệnh chết trên đường bị giải ra Thăng Long. Gia tộc ta từ đó lụn bại. Song, cỗ nghi trượng vẫn còn, nhờ công giữ gìn của con cháu đời đời mà không bị sứt mẻ. Dù tình cảnh có hiểm nghèo đến đâu, cơ cực đến đâu, suy tàn đến đâu, nghi trượng của ông cụ vẫn được giữ lại, trưng bày vĩnh viễn như một chiến công hiển hách xa xưa.
Nghe chuyện xong, con hoang mang bối rối vô cùng. Ra là nhà mình đang thờ một ông tham quan, một con sâu mọt của quốc gia, một tội thần thiên cổ đã hà hiếp bao nhiêu con người, đẩy bao nhiêu số phận vào đường chết. Tại sao ta còn thờ phụng ông ấy, còn dựng một cái lồng kính để trưng món đồ xấu xa này làm gì? Nó là đại diện cho chính quyền phong kiến hủ bại, được xây lên từ máu của những người vô tội. Nghi trượng càng lộng lẫy, người dân càng cùng quẫn. Ngọc ngà châu báu đắp lên mình nó là da thịt thối rữa của nhân dân, tiếng kèn tiếng trống rộn ràng của nó là tiếng kêu ai oán của những số phận cùng đinh, khốn khổ. Sao chúng ta có thể tôn thờ một thứ như thế? Sao ta có thể xem nó là báu vật, lại ra sức giữ gìn, thậm chí gọi nó là biểu tượng của dòng họ mình?
Chẳng lẽ suốt mấy đời nay, chẳng ai nghe thấy tiếng kêu than oai oán phát ra từ món đồ ấy hay sao? Sống chung với nó, không ai thấy lạnh gáy và sợ hãi hay sao?
Bố bật cười, gật đầu, không muốn đồng ý cũng không được. Rằng phải, đó là biểu tượng của thứ quyền lực tà ác, tàn nhẫn. Đáng lẽ nó phải là một món đồ nhục nhã, cần phải đập đi, phá đi, để răng đe con cháu đời sau không vướng vào những sai lầm ấy thêm lần nào nữa. Nó sẽ là tấm gương tày liếp để nhắc nhở chúng ta về sự tha hoá của đồng tiền và quyền lực.
Song, bố lại lắc đầu, nói thêm: “Dù vậy, dòng dõi chúng ta chưa bao giờ đạt đến đỉnh cao ấy thêm một lần nào nữa. Nghi trượng này là cái vạch để ta vượt qua nó, nếu chưa vượt qua được thì nó vẫn sẽ ở đây, khi nào vượt qua được, cái mới có đủ khả năng thay thế cái cũ, thì cái mới sẽ được mang lên tôn thờ. Tiếc rằng vẫn chưa có, nên nghi trượng của ông cụ vẫn giữ vững vị trí! Nếu con muốn đổi nó thành một thứ khác, con hãy tìm cách để đời của con được vinh quang tột bậc, vượt hơn những gì ông cụ đã làm. Tức khắc chiếc xe hơi của con sẽ được thay thế cho cỗ nghi trượng của ông cụ!”
Con suy nghĩ rất lung, rất lung. Suy nghĩ mãi, cho đến bây giờ, khi đang ở Canada giữa một mùa đông khắc nghiệt và buồn bã, bên trong vòng tay người tình dịu dàng của mình, con vẫn luôn nghĩ về nó. Con đã ở đây rồi, đã đến trời Âu, đã vào học một trong những ngôi trường hàng đầu Canada, được mệnh danh là “Harvard của Canada”, nhưng con vẫn có cảm giác mình vẫn chưa vượt qua được ông cụ. Có lẽ chúng ta đã thất bại rồi, và càng tiến đến thế hệ con cháu sau này, chúng ta sẽ càng khó để vượt qua ông cụ hơn. Cỗ nghi trượng lộng lẫy đã đưa ông đi quá xa chúng ta, bỏ lại chúng ta ở một khoảng cách tít mù không thể trông thấy, không thể rút ngắn, không thể đuổi kịp, huống chi là vượt qua. Đó là một ảo vọng không có thật, bởi vì chúng ta sẽ không giống ông cụ, chúng ta không phải là tham quan, chúng ta không đủ tàn nhẫn, không đủ tham vọng và không đủ điều kiện để thực hiện tham vọng ấy. Nhưng con tin không chỉ mỗi con nuôi dưỡng ý muốn vượt lên vinh quang xưa cũ, bố cũng vậy đúng không?
Con nhớ cái ngày kinh khủng ấy, khi chúng ta bị dắt đi bởi những mụ mị lầm lạc, bố trói con lại, biểu diễn một tiết mục dị thường. Nghi trượng cứ đi, con thì bị trói. Bây giờ con đã quên hết rồi, đầu óc bắt con phải quên đi để giữ bản thân không sụp đổ, nhưng cảm giác rờn rợn giữa buổi lễ diễu hành ma quái cứ quay lại rõ mồn một trên từng cái rùng mình da thịt.
Khi còn học cấp hai, con đã thử lên mạng tra tên ông cụ nhà mình xem thử. Kết quả trả về rất rõ ràng: một tham quan tiếng tăm thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Họ liệt kê đầy đủ từng tội trạng một, ông cụ đã làm khuynh đảo chính sự một thời, lôi kéo vua quan vào trò ăn chơi sa đoạ, vơ vét của cải của dân chúng và triều đình. Bao nhiêu là tội lỗi không thể kể hết. Không ngờ trong cuộc đời ngắn ngủi của một con người bình thường lại có thể gây ra vô số chuyện như vậy. Cuối cùng khi chúa Trịnh Sâm vào Đàng Trong bắt ông cụ, ông mới đưa đầu chịu tội. Một thời lẫy lừng kết thúc ở đó.
Đọc xong thông tin, con bất ngờ vì bản thân lại mang huyết mạch của một con người như thế, trong nhà có trưng kiệu ngồi của một con người như thế. Nhưng thôi, đó đã là chuyện xa xưa lắm rồi. Bây giờ con đang ở Canada, đã rời xa toàn bộ những câu chuyện ấy, có lúc còn ngỡ chúng là chuyện cổ tích không có thật.
Hôm qua, khi đang đợi tàu để đến trường Đại học, có một kẻ cuồng sát đã cầm súng nã lung tung trong nhà ga. Con phải hụp người như hồi xưa cùng đám bạn chơi trò trốn tìm dưới nước, rồi chui xuống một băng ghế. Dưới đó, con ôm đầu, cố co chân tay lại, cầu khấn kẻ gây bạo động không phát hiện ra và cho mình ăn đạn, chết bất đắc kỳ tử. Khi đó, con cảm thấy vô cùng kỳ lạ, tưởng tượng nếu mình chết ở đây, một người Việt Nam, đồng tính, chết ở Canada, giữa một mùa đông khắc nghiệt, trong một ga tàu điện ngầm, bên dưới một hàng ghế ngồi chờ, do ăn phải viên đạn từ một kẻ sát nhân điên loạn. Đó hẳn sẽ là một tít báo rất hấp dẫn ở quê nhà, và thân con sẽ về đâu, về đâu nhỉ? Ước mơ vượt qua ông cụ sẽ vỡ tan thành trăm nghìn mảnh như cảnh đạn bắn vào kính xe trong những thước phim điện ảnh hành động. Nhưng chẳng phải ngay bây giờ nó cũng đang tan vỡ từng chút một hay sao, vỡ tan đột ngột và vỡ vụn dần dần thì khác gì nhau?
Nhưng rồi sau một tiếng súng cuối cùng, thế giới trở về trạng thái im lặng cố hữu. Tên điên ấy đã chừa lại viên đạn cuối để tự bắn vào đầu mình. Rốt cuộc điều gì đã thúc một người hành động như vậy: cầm súng đi đến một ga tàu đông đúc, bóp cò lung tung muốn trúng ai thì trúng, rồi sau đó là tự kết liễu chính mình như một anh hùng. Không, sao con lại viết là “như một anh hùng” nhỉ? Như một kẻ bị ma nhập thì đúng hơn! Điều gì đã thúc đẩy hắn, có lý do sâu xa nào phía sau hay không?
Mọi thứ quay trở lại ổn định, chuyến tàu bị trễ hai tiếng và con mất hết một buổi lên lớp, điều này không thành vấn đề. Giáo sư đang dạy thì nhận được mail con gửi đến, bảo rằng con gặp phải “khủng bố” – đây là cách con nghĩ, con không chắc đó là khủng bố hay là một hành vi tâm thần của một cá nhân, nên con chỉ nói lấp lửng với giáo sư rằng mình đã gặp một kẻ cầm súng bắn loạn như trong một tựa game bắn gà hồi xưa hay chơi trên băng đĩa. Giáo sư hốt hoảng, cả lớp hốt hoảng, lẽ ra con không nên gửi một cái mail có nội dung như vậy vào giữa buổi trao đổi, nhưng sự hoảng loạn làm con không tính được xa đến thế. Cũng có người bán tín bán nghi: ở Canada cũng có chuyện xả súng hàng loạt cơ á?
Phải, con cũng chẳng tin được. Nhưng câu chuyện tạm thời kết thúc ở đó. Ba người trúng đạn nằm lặt lìa trên cáng được đẩy lên xe cấp cứu, năm người khác bị thương, kẻ làm loạn thì đã cầm chắc cái chết. Con quay về trọ ngay lập tức, trong lòng chưa ngớt sợ hãi, tim đập thình thịch và tay chân run rẩy. Con muốn quay về căn trọ thân quen, nơi thuộc về mình, ngay lập tức, để được người tình an ủi trong vòng tay ấm áp của anh. Con mở cửa nhà, hơi thở của con nghe nặng nề vì từ nãy đến giờ chỉ lo chạy. Ở đó, Liam đang ôm một người con trai lạ mặt trên ghế sô pha, vì tưởng con đang ở trường Đại học cùng với giáo sư của mình bàn về những Beethoven và những Mozart, với nhạc jazz hay nhạc cổ điển, với phong cách lễ hội Hawaii hay âm hưởng bản địa Mỹ-Latin.
Điều gì đã khiến cho một chàng trai trẻ cầm súng đi đến một ga tàu và bắn chết những người mình hoàn toàn không quen biết?
Bình luận
Cá Nằm Ngửa
Arasca