Anh còn nhớ rất rõ em à. Ngày mà anh có quyết định ra Bắc học tập theo chủ trương của Đảng, em cứ đứng trước mặt anh quyến luyến mãi. Nét buồn buồn hiện rõ trên khuôn mặt, em bặm môi, vừa như giận dỗi, vừa như chẳng nỡ để anh đi. Chàng trai của anh cứng cỏi là vậy, tới bây giờ lại ầng ậng nước đọng ở nơi khóe mắt, cúi đầu chẳng buông lấy một câu "tạm biệt".

Anh ôm em, xoa nhẹ mái đầu em. Ba mẹ anh đi kháng chiến lâu rồi, gửi anh cho hàng xóm chăm sóc, cũng là gia đình em. Anh và em đã bên nhau thành một cặp như thế từ ngày tấm bé, nên bây giờ kẻ ở người đi, em chẳng muốn chút nào. Có lẽ không phải em không hiểu chuyện hay cố chấp. Chỉ là khi em bỗng tưởng tới bao buổi chiều sẽ không còn anh bên cạnh dẫn đi bắt cá, hái dừa, tưởng tới những tối lén ba mẹ ra rạch ngắm trăng dưới tán sú sau này cũng vắng bóng anh lại làm em tủi thân tới phát khóc.

- Thôi nào, anh thương, anh đi rồi về mà.

Em bặm môi, cao giọng đành hanh:

- Bao giờ mới về??

- Thì bao giờ thống nhất…

Anh giơ tay thành chữ V:

- … khoảng hai năm, Việt Nam và Chiến thắng (Victory).

Cuối cùng em cũng chịu cười rồi. Từ nhỏ em đã thích được đặt chân tới miền Bắc. Em đọc nhiều, nghe nhiều người kể về văn hóa ở đó độc đáo chẳng kém gì quê mình. Nhưng em thừa hiểu anh không giỏi chịu lạnh, em sợ xa anh, sợ rằng anh có bánh chưng, đào thắm phương xa rồi quên mất mai vàng và bánh tét nơi đây ấy mà.

- Lần này anh ra Bắc học tập cũng là góp sức vào kháng chiến, để mọi người được sống trong hòa bình, không phải lo chạy trốn cơn mưa bom của thằng Mỹ Ngụy, không còn nỗi sợ hãi trước tiếng đạn vang khắp miền Nam nữa. Hiểu cho anh nhé?

Em nhìn anh, đôi mắt đã dịu đi phần tủi thân, nhưng sự lo lắng vẫn cứ bủa vây nơi đáy mắt. Anh cúi người, hôn nhẹ lên má em. Khuôn mặt em liền đỏ ửng, hai gò má anh cũng chợt nóng bừng. Anh nói nhỏ, vừa để thổ lộ cùng em, cũng là tự nhủ với chính mình, rằng:

- Thì… bây giờ trên người anh chẳng có gì cả. Anh đưa em trái tim anh làm tín vật, khi nào độc lập anh tới lấy, được không?

Em vội gật đầu. Có đôi mắt láo liên đảo tứ hướng mà hơi nóng trên mặt cứ tăng dần lên, cuối cùng cắm đầu chạy thẳng.

Ngày hôm đó anh ra Bắc, mang cả hình bóng em, niềm tin chiến thắng và hy vọng về ngày giải phóng được gặp lại trong tim.

Và… hai năm. Đó là lời anh hứa với em. Cơ mà anh lại thất hứa mất rồi. Anh chẳng nhớ đã bao nhiêu lần mình tìm ra cầu Hiền Lương, trông mãi về miền Nam có em chờ. Chắc hẳn tình yêu nước sẽ thôi thúc em nhập ngũ. Còn anh, mỗi lần đứng nhìn khoảng sông nước mênh mông trước mắt, cổ họng anh chợt nghẹn ắng lại vì chợt nhớ tới những cuộc thảm sát, những buổi hành hình dân lành và cán bộ, chiến sĩ cách mạng được gửi về trong báo cáo. Anh thấy tim thắt lại. Em sẽ không sao, không sao…

Chiến tranh mà, cái cảnh tình trớ trêu lại day dứt này đâu phải của riêng cho anh và em? Có những người đồng đội của anh từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Khi hiệp định Genève đặt dấu chấm hết cho quãng thời gian "Chín năm làm một Điện Biên" là lúc họ được gặp lại gia đình. Cuộc đời vô thường, chẳng ngờ lại chia xa thêm lần nữa. Lại là hậu phương ngày đêm chờ tin nơi tiền tuyến, lại là người ra lính canh cánh mãi nỗi lo quê nhà, tự hỏi nhau: liệu còn cơ hội để trở về không. Chiến tranh cứ tàn nhẫn như thế, khiến hàng vạn mái nhà âm dương cách biệt, khiến bao đứa trẻ lớn lên trong sự ám ảnh của tiếng bom đạn. Có lẽ cả đất nước Việt Nam mình cũng đang nhói đau. Đó là dòng Bến Hải bên đục bên trong, hay là hai dòng lệ của đất nước? Kia là tiếng nước Thạch Hãn cuồn cuộn, hay tiếng nức nở ngàn năm của non sông cho một dân tộc, vì cớ gì lại nhiều đau thương đến thế… ?

Ngày 30/4, bản hiệp định của sự độc lập, tự do đã được ký kết, anh được cùng mọi người vào Nam. Anh tìm mãi hình bóng cậu trai năm ấy anh từng yêu thương. Anh và em đã bao nhiêu năm không gặp, dáng người loắt choắt đó hẳn là không còn, khuôn mặt trong trí nhớ của anh hẳn cũng đã phủ bụi thời gian.

Chỉ có nụ cười, chắc chắn sẽ khiến tim anh như rung lên như ban đầu thôi. Anh chẳng thể gọi tên cảm xúc này là gì nữa, một chút sợ hãi, sợ rằng em không còn nữa, một chút háo hức, mong được ngắm nhìn những thay đổi của em. Anh thấy rồi, dù nét ngây thơ đã biến mất nhưng em vẫn thật trẻ, chẳng giống như đã 30. Em nhìn thấy anh, khẽ gật đầu và mỉm cười chào anh...

... Như đối với một người lạ.

Anh bật cười. Anh biết bây giờ nụ cười của anh méo mó lắm. Hình như anh coi thường cái tàn nhẫn của thời gian quá rồi. Có lẽ chỉ anh còn chờ đợi, còn thương nhớ, em thì đã quên từ lâu lời hứa trẻ con ngày đó, biết đâu tới nay đã có vợ, có con, có một mái ấm để chăm lo, còn đâu nữa ký ức về anh? Anh lầm lũi, cố gắng kết thúc mọi việc thật sớm, rồi nhanh chóng ra khỏi Dinh Độc lập. Chiều tà, sắc nắng ấm áp thân quen của quê hương làm lòng anh dịu đi.

Đột nhiên, một bàn tay nhỏ nhỏ kéo anh chạy đi. Là bóng lưng nho nhỏ với màu xanh của quân phục anh mong nhớ đến phát khóc. Em kéo anh lại một góc khuất, ôm anh thật chặt. Giọng em nghẹn ngào như khóc, gục đầu vào vai anh mà mếu máo:

- Biết ngay mà, quên em rồi đúng không?

Vẫn cái điệu hờn giận ấy, khiến lòng anh an ổn. Anh bật cười, nhưng nước mắt giàn ra:

- Nào dám, anh tưởng ngược lại chứ.

Anh hôn lên giọt nước còn đọng trên khóe mắt em, hôn cả lên bờ môi mọng. Hai mươi mốt năm xa cách đợi ngày quê hương thống nhất, và ta bên nhau dưới ngọn cờ hòa bình, thật xứng đáng!

Gọi em là Sài Gòn năm 1975, vì nụ cười của em đẹp như ngày Giải phóng!


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}