NĂM NGHÌN MỘT TIẾNG THỞ DÀI

“Tin nóng hổi đây! Chúng mày biết gì chưa? Có đứa nhé, mặt mũi sáng sủa, tối cũng sủa luôn, thế mà lại là con ăn trộm đấy. Tổ sư cha nó chứ!” Giọng nói choe chóe chói tai của Thanh vang lên thu hút sự chú ý của rất nhiều học sinh đang ngồi trong phòng học của lớp 7C3, tiện thể thu hút thêm sự chú ý của các bạn học sinh ở mấy lớp khác đang đứng chơi trên đoạn hành lang bên ngoài lớp học.

“Con ăn trộm há? Con nào đấy?” Huyền tò mò hỏi.

“Lớp mình hay lớp nào?” Thảo cũng tạm bỏ sợi ô mai táo mèo chua chua ngọt ngọt sang một bên mà sà vào hóng chuyện.

“Con nào mặt mũi sáng sủa? Chúng mày đoán thử xem nào!” Thanh nói lấp lửng đồng thời ném một ánh mắt sắc lẻm về khoảng giữa lớp học khiến rất nhiều người vô thức nhìn theo.

Khoảng giữa lớp học có một đám con trai đang đứng, ngồi lố nhố, túm tụm với nhau chơi đánh bài tệt mũi, vừa chơi vừa cười hô hố, chửi rủa nhau, thậm chí còn giơ tay đập vào đầu hay co chân đạp vào mông nhau nữa.

Ngay khi mấy người tò mò đang định quay lại nhìn Thanh để xác nhận xem ánh mắt như có giấu dao, ám chỉ một cách lộ liễu vừa rồi có nhầm lẫn gì hay không thì một bạn nam to cao tên Thuấn đang ngồi hóng người ta chơi bài bỗng co chân đạp một phát rõ mạnh vào cái ghế của bàn bên dưới khiến một bạn nam tròn xoay tên An đang ngồi khoanh chân trên ghế ngã lăn ra đất. An lồm cồm bò dậy rồi vừa gào vừa đuổi theo Thuấn. Đám con trai đang mê mải chơi bài cũng bị trò đuổi bắt ấy thu hút nên chỉ nháy mắt đã kéo nhau đứng hết dậy, vừa cười vừa chạy theo.

Đám con trai chạy đi hết để lộ ra dáng người nho nhỏ đang ngồi so vai ủ rũ của Nhàn. Có vẻ Nhàn đang tập trung đọc lại bài cũ cho tiết Lịch sử sắp tới nên không hề thấy những ánh mắt có tò mò, có chế giễu đang nhìn về phía mình.

Hoặc cũng có thể Nhàn đã cảm nhận được nhưng lại vờ như không hay biết để đỡ bận lòng. Bằng chứng là đôi bờ vai gầy gò của cô bé đang khe khẽ run lên.

“Mẹ cha nó chứ! Đúng là đừng có trông mặt mà bắt hình dong!” Giọng nói the thé như tiếng chiếc thìa sắt cạo trên mặt sân xi măng của Thanh tiếp tục rót vào tai người ta. “Nhìn mặt thì rõ ngoan hiền mà lại đi ăn trộm. Mà ăn trộm nhiều nhặn, to tát gì thì đã đành. Đây ăn trộm độc có năm nghìn. Nghĩ nó nhục!”

Mỗi một câu đều cay nghiệt, không hề nể nang. Mỗi một câu đều như con dao cùn cứa vào lòng người ta, khiến người ta chỉ nghe đã thấy nhức nhối, khó chịu.

Lúc này, Nhàn không thể không nghe thấy, hoặc nói đúng hơn là không thể vờ như không nghe thấy được nữa. Những câu nói châm chọc, những ánh mắt tò mò, những lời thì thào bàn tán đã quá rõ ràng. Mọi thứ trước mặt Nhàn thoáng chốc mờ đi vì có một màng nước mỏng dâng đầy trong hốc mắt. Những con chữ nằm im trên giấy bỗng bị những giọt nước trong veo nối đuôi nhau rơi xuống thấm ướt. Nhàn gục đầu xuống bàn nức nở. Điều mà cô bé vẫn luôn canh cánh trong lòng đã đến. 

“Biết bà Dung trông coi kho đồ dùng học tập trường mình không? Hàng xóm sát vách nhà nó đấy. Nó ăn trộm tiền nhà bà ấy đấy.”

“Biết cái Hiền lớp 6C1 không? Là con bà Dung đấy. Nó chơi thân với con em tao nên mới kể cho em tao biết.”

“Thấy bảo bà Dung để dành tiền trong cái phong bì, con kia sang chơi, thấy tiền là sáng mắt nên mới bóc phong bì ra, lấy trộm một tờ năm nghìn xong còn ngu, đi lấy keo con voi dán lại.”

“Tổ sư! Có năm nghìn bạc. Nhà nó lại nát đến nỗi không có nổi năm nghìn nữa.”

Mỗi câu nói của Thanh đều như gai nhọn, như dao sắc, đâm vào tai, đâm cả vào tim cô bé Nhàn đáng thương khiến đôi vai nhỏ nhắn đã run rẩy lại càng run rẩy trong những cơn nức nở.

“Ngồi cùng bàn với con ăn cắp vặt sợ ghê!”

“Đứa nào làm ơn làm phúc đổi chỗ cho tao với!”

“Con dở! Nó ăn trộm nó chả sợ thì thôi, mày sợ quái gì?”

“Ê, chúng mày ơi, đừng nói nó thế vội. Nhỡ đâu con bé con bà trông kho đồ kia nói dối thì sao?”

“Mày bênh nó thì đổi chỗ cho tao nhá? Mày ra mà ngồi cùng bàn với nó.”

“Không phải tao bênh nó. Chỉ là mình phải nghe chuyện từ hai phía chứ. Nhỡ không phải nó ăn trộm mà mình nói thế thì phải tội ra.”

“Gớm, nhà người ta là người làm trong trường học, lại đổ oan cho nó chắc?”

“Đâu phải cứ làm trong trường học nghĩa là nhân phẩm sẽ tốt đâu?”

“Thôi thôi, mày không phải nói nhiều. Mày tin thì tin không tin thì thôi. Chúng tao cứ phòng trước cho chắc. Các cụ dạy rồi, quân tử phòng thân.”

Những tiếng tranh cãi cứ vang lên không ngớt khiến tai Nhàn ong ong mãi. Cô bé bịt tai lại, không muốn nghe nữa nhưng âm thanh cứ như những dòng nước độc, liên tục len lỏi qua từng kẽ ngón tay, chui tọt vào tai, không làm sao ngăn chặn được. Nhàn không còn phân biệt được giọng nói của ai với ai bởi mỗi câu nói lúc này, dù là bênh vực hay là chỉ trích cũng đều giống như xoáy nước ào ạt quấn quanh người khiến cô bé hoảng hốt vì bị cô lập, bị đá cho rơi tõm vào nơi tăm tối, đáng sợ ấy.

“Tớ không ăn cắp mà. Bà ấy đã lôi tớ ra chùa thề rồi còn gì? Tớ đã thề là nếu tớ lấy tiền của nhà bà ấy thì sét đánh chết tớ luôn rồi còn gì?” Không thể chịu đựng nổi lời ong tiếng ve nữa, Nhàn đứng bật dậy, nghẹn ngào nói từng câu trong khi nước mắt vẫn rơi lã chã trên gương mặt nhỏ nhắn tái nhợt.

“Đã ai nhắc đích danh tên mày chưa mà mày gào lên?” Thanh đanh đá lườm Nhàn rồi mỉa mai bằng giọng nói chua loét. “Hay là mày có tật giật mình thế?”

Nhàn mấp máy môi nhưng cổ họng lại như thể bị ai bóp nghẹt, mãi chẳng nói được câu nào. Đứng giữa đủ loại ánh nhìn nào khinh bỉ, nào dò xét, nào cảm thông, đứng giữa đủ thứ âm thanh nào châm chọc, nào cạnh khoé, nào bênh vực, cô bé uất ức đến nỗi gương mặt đầm đìa nước mắt từ tái nhợt chuyển thành đỏ bừng sau đó lại từ đỏ bừng chuyển thành tái nhợt lần nữa. Cuối cùng, Nhàn loạng choạng xô bàn ghế chạy vọt ra ngoài.

“Năm nghìn với ai đó là to thật nhưng với tao thì chẳng là gì đâu. Nếu ai đó thèm khát thì cứ nói với tao một câu, tao bố thí cho chứ đừng có làm cái trò trộm cắp, tao khinh.” Thanh nói với theo. Mấy lời chối tai ấy cộng thêm một tràng tiếng cười chê, dè bỉu khiến bước chân Nhàn thoáng lung lay.

Nhàn nép mình trốn vào khe hở nho nhỏ giữa bức tường nhà xe và bức tường vây xung quanh trường học, không thèm để ý đến việc những mảng rêu xanh, những lớp bụi bặm đã bám lên chiếc áo trắng học sinh mà mình luôn hết mực giữ gìn. Cô bé cố gắng co hết tay chân thật sát vào người đồng thời cúi đầu thật thấp để cơ thể mình nhỏ bé nhất có thể như thể làm thế thì những tiếng cười nhạo mỉa mai, những lời bênh vực yếu ớt và cả những câu buộc tội bén nhọn như mũi dao của Thanh sẽ không tìm được tới chỗ mình.

Cô bé ngồi bó gối trong khe tường sụt sịt khóc mãi, khóc từ giờ ra chơi tiết hai đến tận khi tiếng trống báo hết tiết năm và cũng là lúc tan học vang lên.

Đến tận lúc chập choạng tối, lúc trong lòng tin chắc là đã không còn bạn học sinh nào còn ở lại trường nữa, Nhàn mới rón rén bò ra khỏi khe tường chật hẹp, định bụng quay lại lớp học lấy sách vở rồi về. Toà nhà hai tầng cũ kỹ đã vắng hoe, ngoài mấy chậu cây bày dọc hành lang và vài con muỗi vo ve bay ra kiếm ăn sớm thì không còn sự sống nào khác. 

Nhàn lần mò đi vào trong phòng học. Sau khi thu dọn sách vở trong ngăn bàn xếp gọn gàng vào cặp, cô bé bỗng sững người khi vô tình phát hiện ra mấy mẩu giấy con con giống kiểu lén lút xé giấy truyền tin cho nhau trong giờ học rơi đầy trên sàn nhà, trên những mẩu giấy ghi chi chít chữ nào như “Cảnh giác”, “Trong lớp có trộm”, “Năm nghìn cũng trộm” hay “Cất đồ cho kỹ”... 

Dòng nước mắt mới vừa mới ngừng rơi lại từ hốc mắt trào ra. Hai vết nước mắt dài còn chưa kịp khô trên má lại bị nước làm ướt nhẹp. Nhàn tủi thân, tức tưởi khóc oà lên. Khóc chán, cô bé đứng dậy cầm lấy chiếc chổi ở góc lớp cắm cúi quét sạch từng mẩu giấy, đổ vào túi rác, buộc lại thật chặt rồi xách cả cặp sách và túi rác ra về.

Mùa hè trăng lên sớm. Đứng từ hành lang lớp học, Nhàn nhìn thấy rõ mảnh trăng non lơ lửng giữa trời. Nhàn bỗng có cảm giác mảnh trăng kia cô đơn quá, cô đơn như chính bản thân cô bé vậy. Giữa một bầu trời sao lấp lánh, mảnh trăng treo lặng lẽ một mình, không bày tỏ được với ai, không ai biết trăng buồn vui ra sao. Giữa một lớp học rộn ràng người cười người nói, Nhàn không chia sẻ, không trò chuyện được với ai, rõ ràng là oan ức nhưng rồi cũng chỉ có thể tủi thân khóc nghẹn một mình. Nhàn thở dài thườn thượt rồi lủi thủi đi bộ về nhà.

“Mày lu đi đâu mà giờ mới vác mặt về? Tan học từ bao giờ rồi, con nhà người ta nó biết về nấu cơm nấu nước, đây thì lu đi để tao làm hùng hục như trâu như chó cả ngày rồi còn phải về hầu.”

Vừa về đến ngõ, tràng chửi rủa như súng liên thanh của bà Chúc đã sa sả sổ ra làm Nhàn vuốt mặt không kịp. Cô bé vội ém nhẹm nỗi tủi thân, ấm ức vào lòng, rồi nhanh chân chạy ngay vào bếp xem cơm nước.

Suốt buổi tối, cô bé lầm lũi ăn uống, dọn dẹp, lầm lũi bật bóng điện con con làm bài tập sau đó lầm lũi nằm xuống giường khi đêm đã ngủ say. Vốn tưởng sẽ trằn trọc khó ngủ vì nỗi buồn tủi ban ngày nhưng không ngờ mới nằm xuống chưa bao lâu, Nhàn đã ngủ thiếp đi.

Có điều, giấc ngủ của Nhàn không hề yên tĩnh mà liên tục bị quấy rối bởi những giấc mơ, hay nói đúng hơn là những mẩu ký ức vụn vặt.

***

“Mày bảo nó sang nhà nói rõ ràng đi, bảo nó có lỗi thì nhận lỗi, không là mẹ nói với cô giáo nó để cô giáo nó xử lý đấy. Lớn hết rồi, để cô giáo biết, các bạn biết thì có mà ê mặt.”

Nhàn đang cố gắng rút từng nắm rơm khô từ đống rơm cao ngất chất ở sau bếp, ngay bên cạnh bức tường lửng giữa hai nhà thì nghe thấy tiếng bà Dung nói với Hiền, con gái bà ấy. Bản tính tò mò của một đứa trẻ nổi lên, Nhàn gần như nín thở, cố rút rơm thật chậm và dỏng tai lên nghe ngóng.

“Thì con bảo nó rồi thây.” Hiền đành hanh gắt gỏng.

“Thế nó bảo mày làm sao?” Bà Dung hỏi lại.

“Nó chả bảo làm sao cả.” Hiền càu nhàu, một lúc sau lại bổ sung thêm câu nữa. “Nó bảo mẹ muốn làm sao thì làm, muốn nói với ai thì nói.”

“Được rồi, thế tối tao gọi mẹ nó sang.” Bà Dung vừa nói vừa vứt tạch cái chổi xuống sân.

Chỉ nghe được có mấy câu nên Nhàn không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Có điều, cũng không phải là việc của mình nên cô bé quên sạch sẽ ngay sau khi ôm được đống rơm khô vào bếp, nấu xong bữa tối nóng hổi, ngon lành.

Ăn xong bữa tối thì đã gần chín giờ. Lúc Nhàn đang vừa rửa bát vừa ngâm nga hát, bà Chúc đi từ ngoài ngõ vào với vẻ mặt hằm hằm, vung tay quát tháo: “Mày rửa nhanh cái tay lên rồi sang nhà bà Dung với tao.”

Nhàn nghệt mặt, chẳng hiểu mô tê gì nhưng thấy vẻ mặt mẹ nghiêm trọng nên vẫn nhanh tay rửa bát, tráng bát, úp gọn gàng lên rổ rồi cuống quýt chạy theo mẹ sang nhà hàng xóm.

“Đấy, mày kể đầu đuôi lại cho chị Chúc với cái Nhàn nghe đi.” Vừa thấy mẹ con Nhàn sang, bà Dung đã cất giọng nói lanh lảnh bảo Hiền sau đó lạnh lùng ngồi xuống chiếc ghế kê giữa nhà.

Nhàn không hiểu có chuyện gì xảy ra mà bà Dung lại cần cái Hiền kể đầu đuôi cho mẹ con mình nghe. Cô bé ngơ ngác nhìn mẹ mình nhưng không thấy mẹ nhìn lại nên nhẫn nhịn đứng yên, nhìn sang phía cái Hiền chờ nó kể.

“Sáng hôm thứ Sáu con gọi nó sang nhà mình, con hỏi là Nhàn ơi, có phải mày lấy tiền của mẹ tao không, nếu trót lấy thì trả lại đi không mẹ tao nói với bố mẹ mày đấy. Nó bảo là cháu có lấy nhưng cháu mua bánh kẹo hết mất rồi, cô đừng nói với bà Dung nhá, đừng bảo bố mẹ cháu không bố mẹ cháu đánh cháu chết mất.” Hiền liếc mắt nhìn mẹ mình, liếc nhìn mẹ con Nhàn rồi cúi đầu nói liền một mạch.

“Con khốn nạn này! Có đúng là mày lấy trộm tiền của bà Dung không?” Nghe Hiền nói xong, bà Chúc không thèm hỏi cho ra đầu ra đũa gì đã trợn mắt, xách ngược cánh tay Nhàn lên chuẩn bị chửi mắng.

“Con lấy trộm cái gì của ai?” Nhàn hỏi với vẻ mặt ngu ngơ tột cùng. Cô bé hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra, hết nhìn mẹ mình lại nhìn sang mẹ con bà Dung tìm câu trả lời.

“Mày lu sang đây chơi, thấy bà Dung cất tiền trong phong bì thì xé ra móc trộm năm nghìn đi ăn hàng ăn quà. Mày còn giả vờ giả vịt nữa à? Hả?” Cứ nói xong một câu, bà Chúc lại tát Nhàn một phát.

“Cái gì? Con lấy trộm lúc nào?” Nhàn bị ép ăn mấy phát tát nên cũng tỉnh táo ra đôi chút.

Cô bé nhặt nhạnh, chắp vá nội dung từ những câu chửi mắng của mẹ và câu chuyện trước đó của Hiền thì mới phát hiện ra mình bị người ta kết tội ăn trộm, cuộc gặp tối nay là để vạch mặt cái đứa đã ăn trộm còn xúi con của người bị trộm đừng nói với người lớn. Cô bé cũng nhận ra cuộc trò chuyện mà mình vô tình nghe được của mẹ con bà Dung lúc chiều tối thực ra không phải là “vô tình” mà là họ cố ý nói cho mình nghe thấy.

“Nói phải có sách, mách phải có chứng. Chứng cứ đâu mà cô bảo cháu ăn trộm tiền của nhà cô?” Nhàn giãy ra khỏi bàn tay ngăm đen, chai sạn của mẹ rồi đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu hỏi Hiền.

“Thì hôm thứ Bảy chính mồm mày thừa nhận còn gì?” Hiền liếc nhìn thật nhanh rồi cũng nói thật nhanh. “Tao hỏi có phải mày lấy không, chính mồm mày bảo có còn gì nữa.”

“Vừa nãy thì bảo sáng thứ Sáu, giờ thì bảo sáng thứ Bảy. Cháu sang nhà cô những hai ngày hay cô nhớ nhầm thế?” Nhàn tiếp tục hỏi vặn.

“Thì là thứ Sáu, tao nói nhầm thôi.” Hiền nói rồi nhìn sang phía mẹ mình.

Lúc này, bà Dung mới từ từ đứng dậy, dõng dạc kể lại đầu đuôi câu chuyện một lần nữa cho mẹ con Nhàn nghe. Bà Dung nói bà ấy gom góp được một triệu, đủ loại mệnh giá tiền, để trong cái phong bì dán kín, cất trong tủ quần áo chuẩn bị cuối tuần mang lên huyện gửi vào ngân hàng. Tối thứ Năm tuần trước, lúc mở tủ lấy quần áo đi tắm thì thấy phong bì để không đúng vị trí ban đầu. Bà ấy cầm lên xem thử thì phát hiện phong bì đã bị bóc ra rồi dán lại bằng keo con voi, mở ra đếm thì thấy thiếu mất năm nghìn. Hỏi cái Hiền xem ban ngày có những ai đến nhà chơi thì nhận được câu trả lời là cả ngày chỉ có mỗi Nhàn sang chơi thôi. Bà ấy lại hỏi thế cái Nhàn có đi gần vào khu vực để tủ quần áo không thì câu trả lời là có. Thế nên, bà ấy nghi ngờ Nhàn trót dại, thấy có nhiều tiền thì nảy lòng tham nhưng vẫn sợ, không dám lấy hết mà chỉ dám rút một tờ năm nghìn. Bà Dung nói, mấy ngày gần đấy còn cứ thấy Nhàn tránh mặt bà ấy, đi học về gặp bà ấy mà không vồn vã chào như mọi khi. Bà ấy mới bảo cái Hiền hỏi khéo thì Nhàn thừa nhận là đã lấy tiền. Bà ấy cũng không muốn đòi lại hay gì mà chỉ muốn nhắc nhở để Nhàn bỏ cái thói ấy đi thôi.

“Hàng xóm với nhau thì tớ nhắc nó thế chứ để lớn lên thành thói ăn cắp vặt, ra đời người ta lại chả đánh cho, người ta bắt vào tù chứ chả đùa.” Kết thúc câu chuyện, bà Dung quay sang phía mẹ Nhàn nói một câu chắc nịch, khẳng định Nhàn chính là đứa ăn cắp, trước mặt trẻ con đã nhận mà có người lớn lại già mồm cãi chày cãi cối.

“Cháu không ăn trộm cái gì của nhà bà hết.” Nhàn cãi. “Bà có tận mắt nhìn thấy cháu lấy không mà nói cháu ăn cắp thành thói?”

“Mày còn cãi nữa hả?” Nhàn còn chưa kịp nói hết câu thì đã bị bà Chúc túm tóc tát cho một phát nữa.

Nhàn sững người sau cái tát của mẹ. Cô bé tròn mắt nhìn mẹ mình, trong đôi mắt đỏ hoe là sự ngang ngạnh, cứng cỏi, không chịu cúi đầu.

Có lẽ khi thấy cảnh bà Chúc cứ đánh con liên tục mà Nhàn lại cứ gân cổ cãi, mãi không chịu nhận sai thì bà Dung cũng thấy ái ngại. Bà ấy chuyển sang giọng điệu nhẹ nhàng hơn, hỏi Nhàn từng câu như thể dỗ dành.

“Thế bà hỏi cháu, hôm thứ Năm tuần trước cháu có sang nhà bà không?” Bà Dung hỏi.

“Cháu có sang.” Nhàn đáp. Sau đó không đợi bà Dung hỏi tiếp, cô bé đã nói thêm. “Cháu sang lần nào cũng mượn truyện của cô Hiền đọc, không phải bà không biết. Lần nào cô Hiền cũng bảo cháu tự lấy truyện, đọc xong tự cất. Tủ truyện thì để ngay trên bàn học, bàn học thì kê cạnh tủ quần áo nhà bà nên nếu bà hỏi cháu có đến gần khu vực này hay không thì cháu thừa nhận là có. Nhưng bảo cháu ăn trộm tiền thì không đời nào cháu nhận việc cháu không làm.”

“Thế sao hôm thứ Sáu cô Hiền hỏi thì cháu lại nhận là cháu lấy?” Bà Dung tiếp tục hỏi sau khi nghe Nhàn nói một hơi dài.

“Cháu chưa bao giờ nhận là cháu lấy. Cô Hiền cũng chưa bao giờ hỏi cháu như thế cả.” Nhàn nói. “Hôm nay là lần đầu tiên cháu biết đến chuyện này.”

Sau một vài câu hỏi, bầu không khí từ giương cung bạt kiếm chuyển thành lúng túng, ngượng nghịu. Một đứa trẻ cứ khăng khăng nói có, một đứa khác lại cứ khăng khăng nói không.

“Thế sao dạo này cháu lại tránh mặt bà?” Bà Dung hỏi Nhàn.

“Tại bọn trong làng bảo cháu được học sinh giỏi là vì nhà cháu thân với nhà bà nên bà xin cho.” Nhàn nói. “Cháu không muốn bọn nó nghĩ như thế nên cố ý tránh thân thiết với bà.”

“Thế sáng hôm thứ Sáu tuần trước cháu làm gì?” Bà Dung hơi sững người khi nghe thấy câu trả lời của Nhàn nhưng rất nhanh sau đó đã lại bình tĩnh hỏi tiếp.

Lúc này, đến lượt Nhàn ngớ người vì trong thoáng chốc, cô bé như thể bị mất trí nhớ, không thể nào nhớ được mình đã làm gì vào buổi sáng thứ Sáu tuần trước trong khi mới có năm, sáu ngày trôi qua. Nhàn chắc chắn mình chưa bao giờ nghe Hiền hỏi có phải mình đã lấy tiền không, chưa bao giờ thừa nhận là có, chưa bao giờ xin Hiền đừng mách người lớn, càng chưa bao giờ trộm cắp thứ gì, dù chỉ là trong ý nghĩ.

Thế nhưng, ngay lúc ấy cô bé lại không nhớ nổi việc mình đã làm vào buổi sáng oan nghiệt kia là gì. Sự lúng túng của Nhàn khiến cả mẹ cô bé và bà Dung đều có thêm niềm tin rằng Hiền không nói dối.

“Bà vừa bảo phong bì được dán lại bằng keo con voi đúng không ạ?” Một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu Nhàn khiến cô bé bỗng chốc mừng rơn. Cô bé vội nói: “Dán phong bì bằng keo con voi thì tại sao tay cháu không dính keo mà tay cô Hiền lại bị dính keo?”

Nghe thấy câu này, mặt Hiền tái đi trông thấy. Nhìn dáng vẻ đó của Hiền, Nhàn tin là nỗi oan của mình được hóa giải rồi. Thế nhưng, cô bé đã vui mừng quá sớm. Bà Dung thản nhiên hỏi vặn lại câu hỏi mà trước đó Nhàn không trả lời được.

“Bà chưa nói đến vấn đề dính keo vào tay. Bà đang hỏi cháu sáng thứ Sáu tuần trước không sang đây nói chuyện với cô Hiền thì cháu làm gì cơ mà.”

Mặt Nhàn lại nghệt ra. Bà Chúc đứng bên cạnh không biết là vì ngại va chạm với hàng xóm hay vì xấu hổ khi đã cột chặt cái tội ăn trộm cho con mình hay vì vô tâm không thèm để ý mà không hề lên tiếng, để mặc Nhàn bối rối đứng dưới ánh mắt phán xét của mẹ con bà Dung.

“Cháu không nhớ sáng hôm thứ Sáu cháu làm gì nhưng cháu chắc chắn là chưa bao giờ nhận tội ăn trộm với cô Hiền.” Nhàn nói bằng giọng run run, nghèn nghẹn. “Tay cháu không dính tí keo nào trong khi tay cô Hiền có dính mà bà vẫn đổ vạ cho cháu ăn trộm được hay sao?”

“Đấy, mày trả lời đi! Sao tay mày lại dính keo con voi?” Bà Dung giận dữ quay sang quát Hiền.

“Thì con lấy keo con voi dính cái cặp.” Hiền yếu ớt đáp lại.

Trận khẩu chiến của hai đứa trẻ con, màn tra hỏi của người lớn vẫn cứ tiếp tục khiến ai cũng thấy phiền. Hiền cứ khăng khăng nói Nhàn có thừa nhận ăn trộm. Bà Dung cứ căn vặn mãi câu hỏi thứ Sáu tuần trước Nhàn làm gì. Bà Chúc thì cứ mắng Nhàn khốn nạn, hỏi thầy giáo cô giáo nào dạy ra cái thói bố láo ăn cắp.

Bị xúm vào nói đến hoa mắt, chóng mặt, Nhàn uất ức, từ bỏ chống cự.

“Một cái mồm không cãi lại được ba cái mồm. Mấy người muốn nói cái gì thì nói. Nhưng con không ăn trộm thì không đời nào con nhận đâu.”

Nói xong, Nhàn định quay người bỏ về nhà nhưng chưa kịp bước đi thì đã bị bà Chúc nhanh tay túm tóc lôi lại.

“Mày ăn trộm ăn cắp, người ta nói cho sáng mắt ra mà mày còn bố láo à?” Vừa nói, bà Chúc vừa giơ tay vả tới tấp vào mặt Nhàn khiến cô bé xây xẩm mặt mày.

“Không đứa nào nhận mình nói dối thì ra chùa thề cho tao.” Bà Dung cũng điên tiết đánh cho Hiền một phát rõ mạnh rồi bắt Hiền và Nhàn cùng đi.

Bà Chúc không hề phản đối, lôi Nhàn đi xềnh xệch, vừa lôi còn vừa luôn miệng chửi bới. Lúc gặp một người đàn ông trong làng đi soi ếch, bà Chúc còn không ngần ngại kể lại đầu đuôi việc Nhàn dám bóc phong bì tiền trong tủ quần áo nhà bà Dung, rút trộm năm nghìn rồi dán lại bằng keo con voi khi được người ấy hỏi có chuyện gì mà mẹ con dắt díu nhau đi đêm tăm thế này. Nhàn tủi thân bật khóc hu hu tức tưởi. 

Trong thoáng chốc đó, Nhàn cảm thấy vô cùng, vô cùng thất vọng. Ý nghĩ ngây ngô “chết quách đi cho xong chuyện, chết quách đi cho người lớn phải ân hận cả đời vì đã đổ tiếng oan cho mình” cũng bỗng dưng nảy lên trong đầu cô bé.

Nhàn và Hiền bị đẩy ra chùa giữa đêm khuya thanh vắng. Bà Dung bảo đứa nào cũng khẳng định mình không nói dối thì thắp hương thề trước mặt Phật đi.

“Tên cháu là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cháu xin thề cháu không ăn trộm. Nếu cháu nói sai thì sẽ bị sét đánh chết ngay tại đây.” Không đợi bà Dung nói xong phải thề như thế nào, Nhàn đã bước lên trước, thắp ba nén hương, quỳ ngay ngắn trước bức tượng Phật, lưng thẳng tắp nói ra lời thề độc địa.

Mẹ con bà Dung đều hơi sững lại trong khi bà Chúc vẫn chẳng thèm nói năng gì. Có lẽ bà ấy nghĩ mấy lời thề trẻ con vớ vẩn sẽ không thiêng nên chẳng thèm để tâm đến lời thề độc của Nhàn.

“Đến lượt mày.” Bà Dung đẩy lưng Hiền.

Nó run rẩy bước đến châm hương. Mấy que hương trên tay nó cũng run lên bần bật đến nỗi suýt chọc tắt ngọn đèn dầu.

“Cháu xin thề cháu không ăn trộm. Nếu không… Nếu không cháu cũng chết.” Hiền cố nói lời mạnh miệng bởi đã trót đâm lao rồi nên đành phải theo lao.

Không đợi mẹ con bà Dung chí chóe cãi nhau trước điện Tam Bảo xong, Nhàn đã đứng dậy bỏ về nhà trước. Chuyện rõ rành rành như thế rồi, chỉ có ngu hoặc cố tình giả ngu mới tin rằng Nhàn là đứa ăn trộm nữa thôi. Có điều, lúc đó cô bé đã chẳng thèm quan tâm nữa. Nỗi tủi thân, thất vọng đã choán hết tâm trí cô bé rồi.

Về đến nhà, Nhàn chán nản ngồi thụp xuống bên bàn học, nước mắt lại lã chã rơi. Nhìn hai đứa em đang nằm co ro ngủ bên cạnh nhau, tiếng khóc thút thít của Nhàn bỗng vỡ òa thành tiếng nấc nghẹn ngào.

“Chị ơi, chị với mẹ đi đâu mà lâu về thế?” Đứa em gái bỗng giật mình thức giấc, thấy Nhàn ngồi dưới đất thì nhỏ giọng hỏi.

“Ừ, ngủ tiếp đi. Tí chị lên ngủ cùng nhé.” Nhàn hít mũi, dỗ dành em gái ngủ tiếp rồi lại ngồi bên giường thẫn thờ.

Một lúc lâu sau bà Chúc mới về. Thấy Nhàn còn ngồi bên giường, bà Chúc lườm cô bé rồi nghiến răng nói: “Mày không soạn sách vở mai đi học đi còn định ở đấy làm trò ngất xỉu cho ai xem?”

“Rốt cuộc con có phải là con đẻ của mẹ không vậy?” Nhàn rầu rĩ nói. “Lẽ ra, dù cả thế giới không tin con thì cũng còn có mẹ tin con mới đúng chứ?”

“Cha tổ mày. Mày bôi gio trát trấu vào mặt tao rồi còn tin mày cái gì?” Bà Chúc chửi bới. “Mày làm cho mẹ con người ta đêm hôm cãi nhau ầm ĩ, để mẹ cái Hiền trói nó vào cột điện đánh mà mày còn định giở trò à?”

Nhàn nhìn mẹ mình trân trân. Cô bé cảm thấy nực cười và thất vọng đến vô cùng vô tận. Nào có người mẹ nào lại đi chửi con mình vì nó không chịu nhận tội ăn trộm để hai mẹ con nhà hàng xóm phải cãi nhau, để bà hàng xóm đánh con bà ấy cơ chứ?

Nhàn không hiểu nổi rốt cuộc mình đã làm cái gì để mẹ mình tin chắc rằng mình đã ăn trộm. Vì cô bé thích đọc sách, đọc truyện mà nhà lại chẳng dư dả gì nên cô bé chưa bao giờ có quyển sách nào khác ngoài bộ sách giáo khoa xin được mỗi năm, để rồi mỗi lần thấy Hiền được ông ngoại, được chú dì mua cho sách, truyện mới là ánh mắt thèm thuồng của cô bé lại sáng rực lên ư? Hay vì Nhàn tỏ ra thích thú, nâng niu, dè dặt để dành với mấy thứ bánh kẹo, chè kem mà thỉnh thoảng mẹ mang về cho, những thứ mà với con nhà khác là quà vặt tầm thường trong khi với mấy chị em Nhàn lại là thứ quà xa xỉ?

Từ lúc còn bé Nhàn đã được chính bố mẹ dạy rằng đói cho sạch, rách cho thơm, không bao giờ được làm những việc trộm cắp cơ mà. Nhàn vẫn luôn nhớ mà tại sao bà Chúc lại quên? Tại sao lại không tin cô bé? Nhàn cứ miên man nghĩ rồi ngủ quên cạnh chân giường lúc nào không hay.

Mấy ngày sau, không khí trong nhà Nhàn rất nặng nề, nói chính xác là Nhàn cảm thấy rất nặng nề. Bà Chúc chẳng thèm đả động gì đến Nhàn trong khi vẫn ngọt nhạt với nhà hàng xóm.

Cuối tuần đó, bố Nhàn về. Nhàn vốn mong bố về để giãi bày với bố vì bình thường bố hay chiều chuộng chị em Nhàn hơn. Thế nhưng chẳng biết mẹ Nhàn đã nói gì trước đó mà bố Nhàn chỉ nói với cô bé vài câu bâng quơ vô thưởng vô phạt rồi thôi. Hai đứa em còn nhỏ, còn ngây ngô nên chẳng chia sẻ được gì. Nhàn cảm thấy lạc lõng, cô đơn trong chính cái nơi được gọi là mái ấm của mình.

Một buổi tối hơn một tuần sau đó, không biết là vì muốn hàn gắn, muốn bù đắp hay là muốn đày đọa Nhàn mà bà Chúc vốn đang xem phim bên nhà bà Dung lại bỗng chạy về nhà lúc tivi chiếu chương trình quảng cáo rồi lôi bằng được Nhàn sang bên ấy ngồi xem phim cùng. Không ai nhắc gì đến chuyện đã qua nhưng cũng không ai để ý đến việc Nhàn không thấy thoải mái khi phải ngẩn người ở đó. Sau hôm ấy, Nhàn đều lấy cớ bận học bài để không bị mẹ kéo sang nhà bà Dung xem phim lần nào nữa.

Thêm mấy tuần sau đó, khi mọi chuyện có vẻ như đang dần bình thường trở lại, khi Nhàn đã lại vui vẻ nói chuyện với mẹ mình về mấy trò đùa nghịch trên lớp, cô bé nhận được lời tuyên bố ác độc từ Hiền.

“Tao không để yên cho mày đâu. Tao sẽ kể chuyện mày ăn trộm cho tất cả mọi người để người ta không thèm chơi với mày nữa.” Hiền nói.

“Ai ăn trộm thì người đấy tự biết. Đây không làm gì sai thì chẳng việc gì phải sợ.” Nhàn đốp lại.

“Đến bố mẹ mày còn không tin là mày bị oan đấy.” Hiền nở nụ cười hả hê. “Mày nghĩ mọi người có ai tin mày không?”

Câu nói ấy đã chạm trúng nỗi khắc khoải, day dứt trong lòng Nhàn. Bố mẹ Nhàn thực sự không tin cô bé. Mẹ Nhàn thì không phải nói, ngay từ đầu đã chụp cho cô bé cái mũ ăn cắp vặt rồi. Bố Nhàn cũng chỉ ậm ừ nói rằng chuyện đã qua rồi thì thôi, không nhắc lại nữa chứ không hề có ý định động viên, an ủi Nhàn, chuyện yêu cầu mẹ con bà Dung làm rõ thì càng không cần nhắc tới. Đến hai người thân nhất còn không tin thì đâu còn có người dưng nào sẵn lòng tin tưởng Nhàn nữa?

Câu dọa nạt của Hiền khiến một đứa trẻ vốn hiền lành và có phần nhút nhát là Nhàn trở nên tự ti hơn, lo lắng hơn hẳn. Bất cứ khi nào có người nhắc đến hai chữ “năm nghìn” là Nhàn lại giật mình thon thót, sợ đến câu tiếp theo người ta chế giễu mình dù bản thân cô bé biết mình chẳng làm gì sai cả. Vào giờ học, khi thầy giáo dạy môn Địa lý bảo Nhàn xuống mượn bản đồ, cô bé cũng hốt hoảng, bồn chồn, nghĩ liệu có phải thầy nghe được chuyện gì nên cố ý bảo Nhàn đi để chạm mặt bà Dung hay không? Thậm chí, có nhiều lúc chỉ nghe thấy mấy cái tên Hiền, Dung thôi là Nhàn đã thấy khó chịu rồi.

Và rồi, điều hành hạ Nhàn, khiến Nhàn lo sợ, bất an cũng đến. Hiền thêm mắm dặm muối, kể với bạn bè về câu chuyện dối trá kia và quả đúng như nó dự đoán, người ta tin người làm việc trong trường học chứ không tin một đứa con gái học lớp bảy, nhà đông con lại nghèo xác nghèo xơ.

***

Những tiếng mắng chửi, dằn vặt của bà Chúc khiến Nhàn nằm mơ cũng thấy bất lực và thất vọng. Những lời buộc tội dối trá, vô căn cứ của Hiền khiến Nhàn giật mình thức dậy giữa đêm vì giận dữ. Những câu tra hỏi tới tấp của bà Dung khiến Nhàn lúng túng và bực bội đến trằn trọc. Những câu cạnh khoé, dè bỉu của Thanh, những tiếng cười châm chọc, mỉa mai của các bạn cùng lớp khiến Nhàn hoảng hốt giữa những cơn mơ vụn vỡ. Đến gần sáng, Nhàn thức dậy với hai bàn tay lạnh ngắt, vầng trán lấm tấm mồ hôi và gương mặt ướt đẫm nước mắt. Cô bé ngồi thu lu giữa giường, hai tay ôm đầu gối vì không ngủ lại được nữa.

Dù con người có khóc đến cạn khô nước mắt thì vẫn không thể nào khiến nước mắt biến được thành sương để giữ đêm ở lại, không thể nào dội ướt được mặt trời để nắng không lên. Một ngày mới sẽ không vì một ai đó buồn đau mà không đến nữa. Mỗi lúc sang canh, gà khắp làng vẫn cứ thi nhau gáy. Và cứ đến đúng giờ là tiếng trống trường được đánh giục học sinh nhanh chân bước vào lớp học.

Nhàn không hề muốn đến lớp, không hề muốn đối mặt với sự châm chọc, mỉa mai của bạn bè. Cô bé tự động viên mình rằng mình không làm gì sai, phải mạnh mẽ đối mặt, chỉ kẻ làm việc xấu mới phải lo âu, sợ sệt mà thôi.

Lòng nghĩ như thế, Nhàn hiên ngang ngẩng cao đầu đi vào lớp học, phớt lờ mọi ánh nhìn hoặc săm soi chòng chọc hoặc lén lút đánh giá, bỏ ngoài tai những tiếng bàn tán xì xèo hoặc yếu ớt bênh vực hoặc mạnh mẽ chỉ trích. Cần nhẩm lại bài cho thuộc thì Nhàn nhẩm bài, cần làm bài tập thì Nhàn làm bài tập. Cô bé cố gắng thể hiện mọi thứ đều bình thường.

Nhàn cố gắng bắt chuyện với các bạn vào những lúc ra chơi như trước nhưng chỉ có một số ít người vui vẻ đáp lời. Rất nhiều người trả lời e dè, giật cục cho qua chuyện như thể chỉ cần nói với Nhàn nhiều thêm một câu thôi thì câu chuyện “năm nghìn” sẽ nhảy từ Nhàn sang mình, sự soi mói, châm chọc của mọi người xung quanh cũng sẽ chuyển sang mình vậy. Phần lớn bạn bè khác đề cố tình lảng tránh, vờ như không nghe thấy Nhàn gọi, vờ như không nhìn thấy Nhàn, cố ý phớt lờ, cố ý tránh Nhàn như tránh bệnh truyền nhiễm.

Dù có kiên cường đến đâu, dù có tự gieo cho mình nhiều hạt giống tâm hồn đến đâu thì suy cho cùng, Nhàn cũng vẫn chỉ là một cô bé chưa kịp lớn. Bị bạn bè xa lánh, Nhàn thấy vô cùng tủi thân, vô cùng buồn bã và sau đó là bối rối, là hoang mang.

Đã nhiều hơn một lần, vào ban đêm yên tĩnh trước khi đi ngủ, Nhàn thử tâm sự với mẹ mình lúc cô bé cảm thấy tâm trạng của mẹ đang rất tốt. Có điều, lần thì chưa đợi Nhàn ấp úng kể xong, bà Chúc đã lăn ra ngủ, lần thì miễn cưỡng nghe được đến đoạn “dạo này các bạn con không chơi với con” của Nhàn, bà Chúc vừa ngáp vừa nói “chắc tại mày không chịu hoà đồng với các bạn chứ gì”. Sau vài lần như thế, Nhàn không thử kể chuyện với mẹ nữa.

Nhàn muốn đợi bố về thử trò chuyện với bố nhưng mỗi lần bố về nhà, thứ mà mấy chị em Nhàn được nghe đều là mấy câu khen ngợi sáo rỗng, mấy câu quở mắng như không, mấy lời khuyên nhủ, răn dạy mà Nhàn đã thuộc lòng từ bao giở bao giờ. Thấy vậy, cô bé cũng không còn muốn kể nữa.

Nhàn cứ âm thầm chịu đựng sự cô lập, xa lánh của bạn bè, mỗi ngày đều cầu mong cho câu chuyện phiền não ấy chóng qua. Bình thường, mỗi một câu chuyện dù có lớn đến đâu thì ở nơi làng quê mộc mạc này, nó cũng chỉ lên men, chỉ bùng nổ nhiều lắm được vài tuần là sẽ hết bởi người ta còn phải làm ăn, còn phải học hành, còn phải tham gia vào đủ thứ chuyện khác chứ nào ai hơi đâu mà nhớ mãi một chuyện chẳng liên quan gì đến mình.

Thế nhưng không hiểu tại sao, câu chuyện bịa đặt về Nhàn cứ mỗi ngày đều như thể được đổ thêm men cho nở ra, mỗi ngày đều như được bỏ thêm vài cành củi để giữ ngọn lửa âm ỉ cháy. Dù không nở bung ngay lập tức nhưng lúc nào cũng như vết sưng phồng mưng mủ, đau nhức nhối dưới da. Dù không cháy bùng lên để mọi thứ biến thành tàn tro nhưng lúc nào cũng nóng rẫy, chạm vào là bỏng rát.

Bạn cùng lớp xa lánh, cô lập Nhàn ra mặt. Có bạn quên bút, thiếu giấy kiểm tra, quay trái quay phải xin xỏ, vay mượn nhưng Nhàn đưa cho thì lại nói không cần. Lúc phân công trực nhật lớp, các bạn quét sạch xung quanh, chỉ bỏ lại khu vực Nhàn ngồi. Lúc thu bài kiểm tra, bạn lớp phó cố ý lờ Nhàn đi như thể chạm vào đồ đạc của Nhàn là chạm vào thứ gì bẩn thỉu để rồi sau đó, Nhàn phải tự mang bài đến bàn giáo viên nộp riêng. Lúc phải bắt cặp hoặc ghép nhóm để làm hoạt động gì đó, người nào phải ghép cặp, ghép nhóm với Nhàn chính là người kém may mắn nhất, là trâu chậm uống nước đục, bị cả lớp trêu chọc. Lúc bàn bạc đến thăm nhà cô giáo, cả lớp đã quyết định một ngày sau đó lại lặng lẽ viết giấy truyền tin cho nhau đổi sang ngày khác mà không thông báo gì cho Nhàn khiến Nhàn đi đến nơi hẹn, đứng đợi một mình cả nửa buổi chiều rồi lủi thủi ra về.

Ngoài mấy chuyện lớn lớn này ra, những chuyện nhỏ nhặt như bạn cùng bàn “vô tình” tạt nước bẩn vào áo Nhàn, bạn cùng lớp “vô tình” vung chổi vào chân Nhàn, bạn cùng khối “vô tình” ném giẻ lau bảng dính đầy bụi phấn vào đầu Nhàn, bạn cùng trường “vô tình” nhổ nước bọt phì phì, “vô tình” nói mấy câu dè bỉu, đay nghiến khi thấy Nhàn đi qua thì gần như không buổi nào không có.

Nhàn thấy sợ hãi, thấy ngột ngạt nhưng cũng không dám trốn thêm học buổi nào ngoài hôm đầu tiên Thanh mang câu chuyện bịa đặt lên lớp nói. Thế nên mỗi ngày đến trường là một ngày cô bé phải chịu đựng. Mỗi buổi học Nhàn đều chỉ cầu mong chóng hết giờ để nhanh chân chạy về nhà, trốn khỏi những ánh mắt, những âm thanh, những thứ xì xèo khiến lòng người ta căm ghét, muộn phiền. Mỗi một ngày, cô bé đều mong đến nghỉ hè để có thể được giải thoát một thời gian. Cũng có nhiều lần khi nỗi uất ức, tủi nhục, hoảng loạn lên tới đỉnh điểm, ý nghĩ dại khờ “mình chết quách đi cho chúng nó phải ân hận cả đời” lại xuất hiện trong đầu cô bé.

Đến khi kết học kỳ một, được nghỉ Tết gần chục ngày, Nhàn gần như mừng đến run lên vì sẽ có gần chục ngày không phải đến trường, không phải đối mặt với sự kỳ thị, chê bai của bạn bè.

Đáng tiếc, Tết năm ấy cũng không hề yên ổn với Nhàn.

Bởi đã phải chịu bạo lực lạnh trong suốt một thời gian dài nên nét mặt Nhàn cũng trở nên ủ rũ, héo hon, gần như lúc nào cũng buồn rười rượi.

“Ngày Tết ngày tư mà cái mặt mày cứ như đưa đám thế à?” Bà Chúc xách từng túi quà Tết từ trong nhà ra bày lên thềm cửa rồi vừa lẩm nhẩm kiểm đếm vừa nói với Nhàn. “Đi đến nhà người ta mà cái mặt khó đăm đăm, người ta cũng thấy xúi quẩy.”

“Thế… Hay con ở nhà trông nhà nhé?” Nhàn dè dặt hỏi.

“Ở cái gì mà ở. Ngày Tết thì phải đi chúc Tết hết. Nào, mấy mẹ con nhanh tay nhanh chân lên!” Không đợi mẹ Nhàn kịp nói được hay không, bố Nhàn đã lên tiếng giục giã.

“Đến nhà ai thì tươi tỉnh, mồm mép lên một tí. Con gái con đứa lớn bằng đây mà cái mặt cứ héo như rau dưa.” Bà Chúc chép miệng nói sau khi kiểm đếm chỗ quà Tết xong. “Đi thôi, bố nó xách mấy túi rượu, cái Nhã dắt em, cái Nhàn khoá cổng rồi xách đỡ mẹ hai túi bánh đây.”

Cả nhà xúng xính dắt nhau đi bộ trên con đường làng gạch đỏ lởm chởm. Hai đứa em Nhàn cười đùa tíu tít. Nhìn chúng nó, Nhàn cũng thấy vui.

Lúc đến nhà bác cả, Nhàn cũng cố gắng cười tươi, chào to dõng dạc trước ánh mắt nhắc nhở sắc bén của mẹ. Thấy thế, mặt bà Chúc cũng có vẻ giãn ra bởi hài lòng.

“Năm nay con Nhàn lớp Bảy rồi nhỉ? Chẳng mấy mà cho các bác ăn cỗ được rồi.” Bác cả cười khà khà, mùi rượu và thuốc lào hôi rình theo hơi thở xộc thẳng vào mặt Nhàn. “Vẫn học sinh giỏi chứ con?”

“Vâng ạ.” Nhàn lễ phép đáp lời.

“Năm nay bác mùng tuổi mày hẳn năm nghìn.” Bác cả lôi cục tiền lẻ trong túi quần ra, rút tờ tiền màu xanh biển mới cứng đưa cho Nhàn. “Hai đứa kia còn bé, chưa biết tiêu tiền, mỗi được một nghìn thôi nhá.”

“Cháu… Xin bác.” Nhàn vừa nói ngắt quãng vừa đưa tay ra, run rẩy đón lấy tờ tiền. Hai chữ “năm nghìn” giống như chốt bấm ngắt điện vậy, vừa nghe thấy là cả người Nhàn như bị nhấn nút tạm dừng, chân tay cứng đờ, đầu óc chậm chạp.

Thấy Nhàn nhận tiền mừng tuổi xong rồi mà vẫn đứng đờ ra, bà Chúc đẩy Nhàn, bảo xuống bếp xem các chị có việc gì thì hộ một chân một tay. Cô bé luống cuống nhét tiền vào túi áo rồi thẫn thờ đi xuống bếp.

Chưa đến nơi, Nhàn đã nghe thấy tiếng mấy chị con bác cả rì rầm nói chuyện Nhàn ngoan ngoãn, học giỏi. Lòng cô bé thoáng chốc vui lên. Cô bé hơi kéo khoé miệng, cố gắng sửa gương mặt ủ dột thành gương mặt tươi cười trước khi bước vào.

“Năm nay cũng được học sinh giỏi thì nó giỏi thật còn gì. Chứ sau chuyện nó ăn trộm tiền nhà bà Dung thì đời nào bà ấy còn xin cho nữa.” Giọng nói đành hanh, chua loét như nước chanh nguyên chất của Nhiên, con gái út của bác cả, bỗng vang lên khiến nụ cười vừa mới cố nặn ra cứng đờ trên gương mặt Nhàn.

Nhiên học trên Nhàn một lớp, cùng trường với Nhàn. Từ trước đến giờ, Nhiên đều không ưa Nhàn bởi hay bị lôi ra so sánh với cô bé. Thế nên, khi câu chuyện bịa đặt về Nhàn nổ ra, Nhiên hóng hớt, đưa chuyện nhanh hơn bất cứ ai. Nhiều lần thấy Nhàn bị bắt nạt, Nhiên không những chẳng bênh vực mà còn hùa vào, ném thêm cho Nhàn vài ánh mắt khinh bỉ hoặc nếu không hùa vào thì cũng lờ đi như thể người dưng.

“Mày… Mày đứng đây làm gì đấy?” Lúc nhìn thấy Nhàn đứng sững bên ngoài, Nhiên hơi giật mình vì nói xấu sau lưng người ta lại bị người ta bắt gặp. Con dao phay đặt hớ hênh trên cái thớt gỗ nặng trịch cũng rung lên, suýt thì rơi xuống sân.

“Em không ăn trộm cái gì cả.” Nhàn nói rành rọt từng chữ sau một lúc ú ớ nghẹn lời vì quá bất ngờ. “Sao chị lại nói em như thế?”

“Tao nói đấy, thì làm sao?” Sau một thoáng bối rối, Nhiên cáu kỉnh trở lại.

“Chị chỉ nghe chuyện đơm đặt một chiều, không có chứng cứ gì cả, chị nói em thế mà nghe được à?” Nhàn giận đến run lên, nói mỗi chữ cổ họng lại như bị nghẹn thêm một chút.

 “Gớm nữa. Chẳng nhẽ người ta lại đổ oan cho mày?” Nhiên vứt bịch cái thớt xuống sân giếng rồi kỳ cạch bơm nước giếng khoan ra rửa. “Không có lửa thì làm sao có khói?”

“Đổ amoniac với axit clohidric vào nhau là không cần lửa cũng có khói. Chị học thì dốt mà sao đơm đặt, đưa chuyện thì giỏi thế?” Nhàn giận dữ, nói năng không thèm kiêng nể gì nữa. Mặt cô bé đỏ bừng, mắt cũng trợn trừng lên.

“Mày… Con điên. Ai thèm đưa chuyện của cái loại trộm cắp nhà mày?” Nhiên hậm hực  gào lên.

“Mày nói ai ăn trộm? Con mắt nào của mày nhìn thấy tao ăn trộm? Đặt điều, bịa chuyện, ăn nói bậy bạ như thế, chúng mày không sợ trời đánh méo mồm à?” Nhàn cũng lớn tiếng gào lại.

Nỗi uất ức, tủi nhục bị đè nén thật chặt, thật sâu trong tận đáy lòng bao nhiêu ngày qua lúc này ồ ạt tràn ra như nước lũ tràn vào đồng khi con đê bị sóng đánh vỡ tan. Nhàn gân cổ nói hết những ấm ức trong lòng, nói đến mức giọng cũng khàn đi, trên gương mặt toàn là nước mắt lã chã.

Cuộc cãi vã của hai đứa trẻ thu hút sự chú ý của người lớn. Bố mẹ Nhàn, vợ chồng bác cả, vợ chồng chị Nhâm, con gái lớn nhà bác cả, đều chạy ra. Chồng chị Nhâm nhanh nhẹn giữ lấy Nhiên, bố Nhàn thì kéo tay Nhàn lại để ngăn hai đứa trẻ lao vào đánh nhau.

“Nó là cái con ăn cắp. Thấy nhà bà Dung có tiền thì tối mắt vào, ăn trộm năm nghìn. Cái Hiền con bà Dung kể hết rồi. Giờ ở trường chẳng ai thèm chơi với nó. Không ai thèm chơi với cái loại ăn trộm ăn cắp đâu mà.” Nhiên vẫn tức tối, bô bô nói cho mọi người về câu chuyện bịa đặt mà mình nghe nói và cũng vô tình tiết lộ luôn về tình trạng bị xa lánh của Nhàn ở trường.

Thêm một lần nghe những lời bịa đặt ác ý đó, Nhàn cực kỳ uất ức. Cô bé muốn cãi lại nhưng không hiểu sao khi đứng trước ánh mắt của mọi người, cô bé lại nghẹn ngào không nói lên lời. Tất cả dũng khí khi nói thẳng vào mặt Nhiên trước đó đã bay đi bằng hết.

Người lớn đứng xung quanh không ai nói câu gì, có lẽ vì quá bất ngờ. Bố mẹ Nhàn cũng chẳng nói gì bênh vực cô bé. Bố Nhàn khẽ thở dài còn mẹ Nhàn nguýt cô bé một cái rồi đi vào trong bếp, vừa đi còn vừa nói gì đó với vợ và con gái bác cả. Nhàn nức nở khóc, giãy ra khỏi tay bố, nhìn bố rồi nhìn mẹ bằng ánh mắt thất vọng và bất lực sau đó chạy thật nhanh về nhà.

“Chú thím dạy con lại đi chứ thế này thì mang tiếng chết.” Bác cả chép miệng nói với bố mẹ Nhàn rồi chắp tay sau lưng đi vào.

Suốt dọc đường chạy về, Nhàn không ngừng khóc. Ý nghĩ quẩn quanh, dại dột mỗi ngày đều nhen nhóm như đốm lửa leo lét trong đầu Nhàn lúc này đây bùng lên dữ dội. Nó thôi thúc Nhàn làm việc gì đó khiến người lớn phải sống trong ân hận suốt quãng đời còn lại đi. Nó dụ dỗ Nhàn tự giải thoát mình khỏi thế giới tối tăm, lạnh lẽo này đi. Nó xúi bẩy Nhàn làm chuyện động trời để đám bạn xấu tính, đám họ hàng, làng xóm tọc mạch sợ hãi đi. Nó gạ gẫm Nhàn đi đến thế giới mới tốt đẹp hơn đi. Nó giục giã Nhàn phải hành động nhanh đi kẻo ăn xong bữa cơm trưa ở nhà bác cả, đi chúc Tết xong mấy nhà họ hàng là bố mẹ Nhàn về rồi.

Cô bé đáng thương ngây ngốc ngồi vào bàn viết một lá thư tuyệt mệnh. Bởi những lời lẽ trong bức thư cuối cùng gửi lại trần gian chính là những điều mà Nhàn vẫn luôn canh cánh trong lòng nên vừa cầm bút trong tay là cô bé viết ra được ngay, gần như không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Và chỉ mất mấy phút, cô bé đã viết xong. Trang giấy học trò bị nước mắt chảy ra lã chã thấm ướt. Những giọt nước rơi xuống, vỡ tan trên mặt giấy khiến những hàng chữ cũng bị nhoè bớt đi.

Viết thư xong, Nhàn sắp xếp sách vở, bàn ghế gọn gàng. Sau đó, Nhàn quét dọn lại sàn nhà vốn không có bao nhiêu bụi bặm bởi cũng mới dọn dẹp xong để đón Tết. Nhàn gấp lại chăn gối, gấp gọn gàng quần áo của cả nhà. Cuối cùng, khi không còn việc gì để làm nữa, Nhàn bình thản đi xuống nhà kho, bình thản cầm cái chai màu nâu đậm lên, bình thản nuốt xuống, bình thản chờ đợi giây phút được giải thoát.

“Mẹ!

Lúc bố mẹ đọc được những dòng này, chắc chắn con đã ở một thế giới khác rồi. Con cũng không biết là ở thế giới đó người ta có máu lạnh, có ác độc như ở thế giới này hay không nhưng con vẫn sẽ đi. Ít ra thì con còn có hy vọng là thế giới ấy tốt hơn. Còn nơi này, đã chẳng còn gì khiến con nuối tiếc nữa rồi. Con chán lắm!

Mẹ. Con vẫn luôn tự hỏi con đã làm gì sai mà niềm tin của mẹ đối với con lại ít đến thế? Lẽ ra, khi cả thế giới đều nghi ngờ con thì ít nhất vẫn phải còn có mẹ tin con chứ? Sao mẹ lại không tin con? Sao mẹ lại chửi mắng con vì con không nhận tội ăn trộm? Con có trộm cắp gì đâu, chưa bao giờ, không bao giờ. Sao con phải nhận?

Con nhớ ra con đã làm gì vào buổi sáng thứ Sáu rồi. Ngày hôm đó, bà Dung hỏi dồn dập quá nên con mới không nhớ ra còn bây giờ con nhớ ra rồi. Hôm đó, con với mẹ đi tát nước ở đồng Thung, con còn rủ được cái Hạ nhà bác Tới đi tát nước hộ để mẹ xuống làm cỏ. Mẹ cứ hỏi nó là nó nhớ đấy. Vì hôm ấy về, nó bị mẹ nó đánh, chửi là ngu, việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng, còn không cho nó ăn cơm. Hôm đấy con kể cho nó điều mà con đọc được trên báo là ở Tây người ta ghét thứ Sáu ngày mười ba vì ngày này là ngày của quỷ Sa tăng. Nó còn bảo thế hôm nay đúng thứ Sáu ngày mười ba, liệu chúng mình có bị quỷ bắt đi không? Con bảo chỉ người nào làm việc xấu thì mới bị ma quỷ bắt thôi.

Nhưng mà đầy người xấu xa vẫn đang sống nhởn nhơ, không bị ai bắt đi cả.

Thế giới này là ma quỷ. Còn ác độc hơn ma quỷ! Con có ăn trộm của ai đâu mà người ta đổ tội cho con? Bạn bè xa lánh con, chê cười con, hắt nước vào con. Bố mẹ thì không tin con. 

Bố ơi. Mẹ ơi. Nhã ơi. Nhẫn ơi…

Con buồn lắm!”

Bà Chúc tìm được bức thư tuyệt mệnh của Nhàn lúc lễ cúng tuần đầu của cô bé đã xong. Mỗi ngày, bà Chúc đều hối hận đến đứt ruột, mỗi ngày, bà ấy đều đọc đi đọc lại những dòng chữ nức nở, đau thương ấy như thể đang trừng phạt chính mình. Tờ giấy mỏng manh vốn đã phồng rộp, nhoè nhẹt vì thấm đẫm nước mắt của Nhàn lúc này lại càng cong queo, nhăn nhúm vi phải thấm thêm nước mắt của bà Chúc. Có điều, luôn có những chuyện mà dù có hối hận đến nhường nào thì suốt một kiếp này, người ta vẫn không thể nào thay đổi được.

Khắp ngôi nhà đều bị bầu không khí tang thương, u ám bao trùm. Hai đứa trẻ con nhớ chị, cứ lâu lâu lại nhìn lên tấm ảnh thờ phủ một lớp khăn kim tuyến mỏng của Nhàn khóc ầm lên. Bố Nhàn mỗi ngày đều ra ngồi ngẩn người bên ngôi mộ mới đắp, phủ đầy những vòng hoa màu trắng, mỗi đêm đều thức trắng ngồi hút thuốc đến mức giọng khản đặc như thể cổ họng bị giấy giáp mài lên. Chỉ qua mấy ngày mà bố mẹ Nhàn đều tiều tuỵ như thể đã già đi cả chục tuổi.

Khi nghe tin Nhàn tự sát, đám bạn cùng lớp, cùng trường, đám trẻ xấu tính trong làng, đám họ hàng thích đưa chuyện của Nhàn cũng sợ sệt, hoang mang một thời gian nhưng rồi câu chuyện đau xót ấy cũng chỉ như hàng trăm câu chuyện khác ở quê Nhàn, chẳng nóng được mấy hồi.

Sau này, mỗi khi nhắc đến cái chết tức tưởi, xót xa của Nhàn, người ta đều chép miệng thở dài. Không ai hiểu được nỗi bất lực và tuyệt vọng của một cô bé đang ở độ tuổi nhạy cảm nhất nên người ta đều thương cảm nói Nhàn nông nổi, dại dột quá!

Một buổi sáng sớm nọ, trong lúc đang cặm cụi cầm cái rễ cau quét lá cây rơi đầy ngoài ngõ, bà Chúc nhặt được một tờ năm nghìn màu xanh nước biển mới cứng của ai đó đánh rơi. Đúng lúc cầm tờ tiền lên tay, bà Chúc nghe thấy có tiếng gió luồn qua tán lá cây lào xào. Cũng đúng lúc ấy, trên cành cây có con chim dậy sớm bị gió thổi dậy mình, vỗ cánh bay vút lên, cất tiếng kêu thảng thốt như tiếng thở than.

“Nhàn ơi! Con vẫn còn trách mẹ phải không?” Bà Chúc lẩm bẩm dù biết sẽ không có ai trả lời. Loáng cái, nước mắt đã từ hai hốc mắt già nua chảy ra giàn giụa trên gương mặt nhăn nheo.

Gió ngừng thổi, con chim dậy sớm lại đậu xuống đầu cành. Nó nghiêng đầu, giương đôi mắt tròn xoe nhìn bà Chúc một lát rồi lại lích rích vạch lá tìm sâu.

Nó chẳng để ý gì đến đôi mắt mờ đục cứ đau đáu nhìn theo mình mãi, chẳng để ý gì đến tờ tiền năm nghìn mới cứng bị bà Chúc nắm chặt đến rúm ró trong tay và càng chẳng để ý gì đến tiếng thở dài tiếc nuối bị cuốn tan đi trong tiếng gió rì rào.




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}