Trần Duệ tỉnh dậy trong gian phòng xập xệ, cũ nát. Ánh sáng yếu ớt xuyên qua khe cửa sổ khép hờ chỉ đủ để anh lờ mờ thấy được cảnh vật xung quanh.
Trên chiếc giường gỗ đen mun là một tấm chăn bạc màu, chắp vá từ nhiều mảnh vải vụn vặt đắp trên người. Trần Duệ kéo chăn ra, anh vừa định chống tay ngồi dậy thì cơn đau khủng khiếp ập tới khiến anh khẽ rên lên rồi ngã lại xuống giường. Tay anh đưa lên sờ soạng thì phát hiện đầu mình được băng bó tạm bằng một tấm vải thô. Dường như vết thương rất nặng khiến cơ thể của anh suy yếu lạ thường.
Một lúc sau, cơn đau giảm bớt đi đôi chút, Trần Duệ mới chậm rãi ngồi dậy. Anh cũng dần nhớ lại những chuyện đã xảy ra trước khi mình hôn mê bất tỉnh.
Đêm đó, Trần Duệ lái xe gắn máy từ Sài Gòn về nhà ở Buôn Ma Thuột. Chẳng may bị vấp phải ổ gà trên đoạn đường đang sửa chữa mà chẳng có tấm bảng thông báo nào khiến anh ngã nhào trong vô vọng. Anh nhớ khi ngã, cả người mình văng khỏi xe, đầu va phải tảng đá rồi không còn biết trăng sao gì nữa. Lúc tỉnh lại thì anh đã xuất hiện ở nơi xa lạ này.
Bấy giờ, Trần Duệ mới quan sát kĩ càng cảnh vật xung quanh. Một gian nhà tranh với hai chiếc giường gỗ, một bộ bàn ghế và một ít quần áo đã cũ được treo trên vách tường. Dường như chúng thuộc về một đôi vợ chồng lớn tuổi.
Nhưng lạ thường thay, những trang phục này không phải trang phục hiện đại mà giống cổ phục thời phong kiến. Anh gắng gượng đứng dậy, sau đó chậm rãi đi về phía cửa chính.
Bên ngoài sân vắng vẻ đến rợn người, bầu trời rất âm u, mây đen đã che mờ hết thảy. Trần Duệ chẳng nghe thấy được âm thanh gì trừ tiếng hít thở và nhịp tim mình đang đập. Ngay cả một cơn gió nhẹ, một tiếng chim hay một chú côn trùng gọi nhau cũng không có.
Một bức tranh tĩnh lặng với những gam màu lạnh lẽo, chỉ mỗi anh còn đang hoạt động. Trần Duệ nuốt nước bọt, khẽ rùng mình, cảm giác có ai đó đang nhìn chằm chằm về phía bản thân. Anh lo lắng đưa mắt quan sát xung quanh nhưng không tài nào phát hiện được ai.
Chậm rãi bước ra khỏi nhà, Trần Duệ thấy trong sân có trồng rất nhiều loài cây lạ mà anh chưa thấy bao giờ. Một trong số chúng đã kết quả với đủ loại màu sắc và tỏa ra hương thơm thoang thoảng.
Bên cạnh căn nhà có một gian bếp nhỏ khiến Trần Duệ nhớ tới gian bếp nhà mình thuở xưa. Lúc ấy, chỉ mỗi anh cùng bà nội sống trong căn nhà nhỏ. Căn bếp đó là nơi bà nấu ăn cho cả hai cùng đàn heo sau nhà.
Anh vẫn còn nhớ như in, mỗi sáng tinh mơ, bà sẽ dậy sớm nấu một nồi cháo heo, và anh cũng được ăn ké một phần trong đó. Nghĩ tới đấy anh bất chợt mỉm cười khiến không khí u ám cũng được xua tan đi phần nào.
Trên đường mòn đầy cỏ dại trong thôn nhỏ, Trần Duệ phát hiện lác đác vài căn nhà gỗ mái tranh. Điểm chung của chúng là đều được dựng hàng rào tương đối cao bảo vệ xung quanh, và đặc biệt, anh chưa gặp bất kỳ người sống nào cả.
Trần Duệ cảm thấy lạnh lẽo chạy dọc sống lưng, anh thầm nghĩ: “Chắc không phải nơi này không có người sống nào khác ngoài mình chứ.”
Rất may, khi anh đến căn nhà đầu làng thì phát hiện ra ba đứa trẻ ngồi dưới gốc cây to khiến anh thở phào nhẹ nhõm. Anh thấy bọn nó đang cùng nhau vẽ vời gì đó ở dưới nền đất cát. Nhưng khi có người lạ, chúng lập tức xóa đi mọi dấu vết rồi đưa mắt nhìn anh chằm chằm.
Trần Duệ chưa kịp nói gì thì một cô bé trong số chúng đã cất lời.
“Anh thư sinh đã tỉnh rồi à? Sao không ở trong phòng nghỉ mà lại chạy đến đây?”
Giọng nói thanh thoát như chim hoàng oanh khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu vô cùng. Trần Duệ không quá bất ngờ về việc cô bé biết mình. Bởi có thể cô là một trong số những người đã cứu giúp anh ngày hôm ấy.
Trò chuyện vài câu, anh mới biết hóa ra căn nhà ban nãy đúng là của cô bé này và người nhà em ấy. Họ phát hiện anh trên đường đi thăm bẫy thú và hái rau dại về. Lúc đó, đầu anh chảy nhiều máu khiến họ rất hoảng. Cũng may, ông của cô bé biết được chút y thuật dân gian nên đã sơ cứu rồi đắp thuốc và băng bó cho anh.
Hôm nay, họ lại lên rừng từ sớm, nên cô bé sang đây giữ cửa làng cùng với vài đứa trẻ khác.
Cô bé trò chuyện cùng anh tên Hoài, chừng mười ba, mười bốn tuổi, dáng vẻ lanh lợi hoạt bát. Dù quần áo lam lũ cũng không che được vẻ đẹp duyên dáng qua từng đường nét trên người cô.
Đứa trẻ lớn khác tên Bảo, Hoài thua nó một tuổi nhưng nó cao to hơn cô bé rất nhiều. Còn đứa nhỏ nhất chỉ chừng bốn tuổi, tên Tí, nó còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, cứ đưa cặp mắt long lanh chớp chớp nhìn Trần Duệ.
Đang bị thương mà phải đi bộ một đoạn dài khiến Trần Duệ vừa mệt lại vừa đau. Thấy bộ dáng lung lay sắp đổ của anh thì Hoài giật mình đỡ lấy.
“Để em dìu anh thư sinh về phòng. Đợi khi nào khỏe hơn rồi ông nội em sẽ tìm cách đưa anh về nhà.”
Tuy vóc người Hoài nhỏ bé, nhưng lại rất khỏe. Trần Duệ cảm giác được khi cô bé đỡ lấy tay anh dìu đi.
Khi nãy, vì lo lắng khi tỉnh dậy ở nơi xa lạ nên anh mới phải tìm hiểu hoàn cảnh xung quanh. Nhưng khi gặp Hoài thì đã an tâm hơn. Nhìn cảnh vật hoang sơ quanh làng, anh hỏi:
“Nơi này là nơi nào vậy Hoài?”
“Đây là làng Chu. Anh thư sinh không phải người vùng này à?”
“Anh tên Duệ. Em đừng gọi là anh thư sinh, nghe kì lắm. Mà sao em lại gọi anh là anh thư sinh thế?”
Trần Duệ thấy cách gọi này của Hoài hơi lạ nên anh giới thiệu tên mình cho đỡ ngượng ngùng. Nhưng dường như cô bé không mấy để tâm, nghe anh hỏi thì gật đầu đáp:
“Ông nhìn anh giống những vị thư sinh trên trấn Hải Sơn nên bảo thế. Chứ em cũng không biết thư sinh là gì.”
“Trấn Hải Sơn sao? Nó thuộc tỉnh nào thế? Sao anh chưa nghe tới địa danh này bao giờ.”
Trần Duệ vô cùng ngạc nhiên. Trong đầu anh bây giờ xuất hiện một suy nghĩ vô cùng không thiết thực nhưng cần phải kiểm tra lại. Còn Hoài chỉ hồn nhiên đáp:
“Vậy chắc anh thư sinh phải ở nơi xa lắm. Vì vùng này ai cũng biết trấn Hải Sơn hết. Mà tỉnh là gì vậy? Em cũng không biết thứ đó.”
Ngay cả tỉnh cũng không biết, cộng thêm quần áo cổ phục phong kiến, có đơn vị hành chính là trấn. Tất cả những điều này tổng hợp lại khiến Trần Duệ hơi run rẩy trong lòng. Anh cố gắng trấn tĩnh hỏi Hoài:
“Vậy em biết tên nước mình là gì không?”
Với câu hỏi này thì Hoài chần chừ khá lâu, dường như đang cố nhớ ra nhưng cuối cùng vẫn bất đắc dĩ lắc đầu.
“Em từng nghe ông nói nhưng không để ý nên đã quên mất rồi. Mà sao anh thư sinh lại hỏi chuyện này? Đừng nói với em, anh là gián điệp nước khác phái đến đây nhé?”
Thấy Hoài liếc mắt nghi hoặc về phía mình, anh phì cười đáp:
“Em có thấy gián điệp nào mà ốm yếu, bệnh tật như anh không? Chẳng may bị bắt, chưa cần tra khảo thì anh cũng khai ra mất rồi.”
Hoài nghe vậy thì cũng bật cười:
“Anh thư sinh nói cũng đúng. Chẳng ai dại mà phái gián điệp yếu như anh đi thu thập thông tin cả…”
Nói tới đó, Hoài vội ngưng lại, bởi vì cô bé nghĩ lời này có vẻ đang xúc phạm đến anh. Thực ra, Trần Duệ không để tâm tới mấy chuyện này. Việc cơ thể gầy yếu đã là việc không thể tránh khỏi do cơ địa cùng bệnh tình thuở bé ảnh hưởng.
Thoáng chốc, hai người đã về đến nhà. Hoài đưa anh đến tận giường, để anh ngồi xuống cẩn thận rồi mới bảo:
“Chắc anh thư sinh cũng đói rồi nhỉ. Để em lấy chút trái cây cho anh lót dạ. Bữa trưa thì phải đợi ông em về mới có.”
“Không cần đâu. Anh cũng không thấy đói.”
Trần Duệ khách sáo đáp vì sợ phiền đến Hoài. Nhưng ai biết cái bụng nó không nghe lời anh mà lập tức biểu tình phản đối. Âm thanh reo vang của nó khiến anh cảm thấy xấu hổ vô cùng. Hoài hiểu ý, chỉ khẽ mỉm cười, rồi cô đi đến một thùng gỗ trong góc tường. Cô bé cẩn thận lấy vài thứ từ trong đó ra, mang đến cho anh.
Trần Duệ chưa từng thấy những loại trái cây này bao giờ. Nhưng mùi thơm của chúng khiến nước bọt của anh không chịu sai khiến mà tuôn ra. Cũng may, anh kịp thời kiểm soát nếu không chắc chẳng còn mặt mũi gặp người.
“Anh thư sinh ăn đi. Nhà quê, chỉ có những thứ này, anh đừng chê nhé.”
Giọng Hoài vẫn êm dịu và ngọt ngào như thế. Trần Duệ nhận lấy chúng rồi ăn thử một quả. Trái cây màu đỏ, to bằng quả trứng gà so, căng mọng nước, vỏ hơi cay the, chất thịt lại có vị ngọt thanh, mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng.
“Ngon quá! Đây là trái gì vậy Hoài?”
Hương vị tuyệt vời khiến Trần Duệ khen không dứt miệng. Nghe anh hỏi, Hoài hơi nghi hoặc vì loại trái cây này rất phổ thông, không ai không biết. Nhưng cô bé vẫn nhanh chóng trả lời anh.
“Đây là quả Thanh Dương. Nếu anh thư sinh thích thì lát nữa em đi hái thêm cho. Do đang vào mùa của nó, nên hiện tại trên rừng còn rất nhiều.”
“Vậy thì phiền em quá. Nhưng bây giờ thì không cần đâu, anh đã no rồi. Đợi khi nào khỏe lại, em chỉ chỗ cho anh tự hái nhé. Quả Thanh Dương này quả thực rất ngon đấy.”
“Không phiền đâu. Dù sao thì chiều nào em cũng phải lên rừng với ông.”
Hoài lắc đầu, đôi mắt trong sáng không chút tì vết nhìn Trần Duệ. Tiếc là anh không thấy được tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp này bởi còn đang si mê hương vị của quả Thanh Dương.
Hai người trò chuyện câu được câu không, nhưng lâu dần, Trần Duệ cũng đại khái đoán được nơi này không phải thế giới hiện đại. Còn việc anh đến dị giới hay quay về quá khứ thì còn phải tìm hiểu thêm.
Nơi này là làng Chu trên núi Thiên Nữ. Gọi núi Thiên Nữ hay Thần Nữ vì trên đỉnh núi có một tảng đá to có hình dáng như một tiên nữ đưa mắt nhìn về phương nam. Và có cả một truyền thuyết dài về chuyện ấy, nhưng Hoài bảo khi nào anh khỏe lại mới kể cho anh nghe. Thực ra là do cô bé không nhớ rõ, cần phải hỏi lại ông mình mới có thể nói.
Giữa trưa, khi Trần Duệ và Hoài đang vui đùa thì nghe thấy tiếng bước chân phía ngoài truyền đến. Hai người nhìn nhau rồi Hoài đứng dậy, nói khẽ:
“Chắc ông và bà của em về đấy. Để em đi ra ngoài xem.”
Ngoài sân, hai bóng người đang chậm rãi tiến vào nhà. Đi đầu là cụ ông cầm rựa trên tay, thân thể khỏe mạnh chẳng giống tuổi già sức yếu chút nào. Đôi mắt ông có thần, hiện ra chút vẻ đẹp trí tuệ cùng chính trực. Trên vai ông vác theo bó củi khô khá to, lại chẳng tốn chút sức nào mà vẫn bước đi nhẹ tênh. Có thể thấy, cụ ông vẫn còn rất khỏe mạnh, dẻo dai. Theo sau ông là cụ bà cầm gậy gỗ và vác theo gùi chứa thảo dược cùng rau dại cho bữa trưa. Nhìn thoáng qua thì giống Hoài phiên bản vài chục năm sau vậy, có nét đẹp tinh tế, hiền hòa cùng với chút thanh lịch qua từng cử chỉ, hành động, như lão phu nhân nhà quyền quý.
“Ông, bà! Anh thư sinh đã tỉnh lại rồi, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu lắm.”
Cụ ông vừa đặt củi khô vào trong gian bếp thì đã nghe cô cháu gái báo cáo. Ông quay sang nhìn cô, giọng đầy yêu chiều hỏi:
“Cậu ấy có nói mình là người ở đâu không?”
Hoài lắc đầu hồi đáp:
“Không có. Nhưng mà con đoán chắc rằng anh ấy đến từ một nơi rất xa.”
Cụ bà cũng đặt gùi thảo dược và rau dại lên bàn gỗ ở phía ngoài để phân loại. Nghe cháu gái cùng chồng trò chuyện thì hiếu kỳ hỏi:
“Sao con lại đoán được chuyện đó.”
Hoài mỉm cười, tinh nghịch:
“Bởi vì anh thư sinh không biết trấn Hải Sơn là nơi nào. Cả quả Thanh Dương cũng không biết đấy ạ.”
Hai vợ chồng nhìn nhau trao đổi, rồi cụ ông mới quay sang cháu gái bảo:
“Con ở đây phụ bà nội nấu ăn nha. Ông vào kiểm tra xem vết thương của cậu ấy thế nào rồi.”
Không đợi Hoài đáp ứng, cụ ông đã nhanh chân bước vào nhà.
Trần Duệ đang suy nghĩ về điện thoại và đồ dùng cá nhân của mình thì cụ ông đã tiến đến. Hai người nhìn nhau, anh khẽ cúi đầu, nhưng động đến vết thương khiến sắc mặt anh hơi nhíu chặt. Sau khi điều chỉnh lại vị trí an toàn, anh mới chân thành nói:
“Cám ơn ông đã giúp đỡ con mấy hôm nay.”
Đúng vậy, theo như Hoài nói thì anh đã hôn mê được hai ngày rồi. Cụ ông đến gần, giọng chậm rãi:
“Chuyện nhỏ thôi, cậu không cần để ý. Bây giờ cậu thấy thế nào rồi? Còn đau ở đâu không?”
“Lúc mới tỉnh dậy thì rất đau đầu, nhưng giờ đã ổn hơn rồi ạ.”
Cụ ông ngồi xuống bên cạnh Trần Duệ, ra hiệu cho anh đưa tay đến. Sau khi bắt mạch cùng quan sát lại vết thương trên đầu của anh xong thì ông nói:
“Vết thương của cậu khá lên nhanh hơn lão nghĩ rất nhiều. Đây là dấu hiệu tốt, chắc không lâu là có thể tự do đi lại. Tới lúc đó lão sẽ đưa cậu xuống núi để trở về nhà. Đúng rồi, nghe bé Hoài nói nhà cậu ở rất xa nơi này à?”
Trần Duệ định gật đầu, nhưng sợ động đến vết thương như ban nãy, thế là chỉ đáp:
“Vâng, nhà con ở Buôn Ma Thuột, cách nơi này rất xa. Sợ rằng không thể trở về được nữa.”
Ánh mắt sắc bén của cụ ông nhìn chằm chằm Trần Duệ như muốn xác nhận lời này của anh là thật hay giả. Đợi khi anh nói xong mới quay đầu sang hướng khác, lơ đễnh nói:
“Khi còn trẻ, ta cũng đi rất nhiều nơi, nghe được rất nhiều câu chuyện lạ nhưng chưa từng nghe thấy địa danh nào có cái tên kỳ lạ như thế. Có lẽ nơi đó còn xa hơn những vùng đất mà ta từng đặt chân đến. Không biết cậu tới nơi này bằng cách nào nữa.”
Được dịp nhắc tới phương tiện đi lại, Trần Duệ lập tức hỏi dò:
“Con đến bằng xe máy, một phương tiện đi lại ở quê con. Chính là cái thứ bằng kim loại, màu đỏ, đen và cao chừng này.” Trần Duệ đưa tay ước chừng ngang ngực mình rồi mới hỏi: “Không biết lúc cứu con, ông có thấy thứ nào như thế không?”
Cụ ông lắc đầu bảo:
“Lúc cứu cậu, trừ quần áo đã rách tươm ra thì bên người cậu chẳng có thứ gì khác nữa.”
Trần Duệ nghe vậy thì hơi thất vọng, nhưng cũng chỉ thế. Bởi dù có xe máy thì nơi này cũng chẳng có xăng cho anh bổ sung nhiên liệu mà chạy.
Thấy Trần Duệ có vẻ ảo não, cụ ông an ủi.
“Nơi này rất an toàn, nên cậu cứ an tâm nghỉ ngơi ở đây đi. Khi nào khỏe hơn rồi tính sau.”
“Vâng. Cám ơn ông.”
Trao đổi vài câu, cụ ông nhận thấy Trần Duệ thật thà, không giống phường gian trá cho nên ông quyết định cho anh ở lại đây dưỡng thương. Đừng xem những câu hỏi kia tầm thường, nhưng thực chất nó đã hỏi ra được những thông tin quan trọng. Từ xuất thân cho đến tính cách của Trần Duệ đều bị cụ ông hiểu rõ. Còn Trần Duệ, thì dù biết nợ nhân tình khó trả nhưng anh chẳng thể làm gì khác vào lúc này ngoài tiếp nhận nó.
Trần Duệ cùng cụ ông trò chuyện càng lâu thì ông càng nhận ra người trẻ tuổi này có những suy nghĩ khác thường và tân tiến. Vài thứ anh nói ra, ngay cả ông cũng cần phải lắng nghe và học hỏi. Trần Duệ cũng thế, anh hiểu thêm nhiều thứ ở thế giới này hơn.
“Cậu nói ở quê cậu người ta có thể cưỡi trên một thứ bằng kim loại à? Khôi lỗi thuật ở đó đã phát triển đến vậy rồi sao?”
(Khôi lỗi thuật là một nghề nghiệp ở thế giới này, họ chuyên nghiên cứu và chế tạo các loại máy móc, phục vụ cho chiến đấu và sinh hoạt.)
Nếu như Trần Duệ nói với ông cụ rằng họ chẳng những lái xe máy, xe ô tô mà còn có thể bay trên trời không biết ông sẽ có phản ứng gì nữa. Anh cười thầm trong bụng rồi gật đầu đáp:
“Vâng. Nhưng phải trải qua thời gian dài nghiên cứu cùng phát triển thì họ mới tạo ra được những thứ đó đấy ạ.”
“Thật đáng ngưỡng mộ. Nếu lão được gặp những người như vậy thì chết không hối tiếc.”
Cụ ông thở dài. Bởi ông biết Trần Duệ đã chẳng còn nhớ đường về nhà nên việc muốn gặp những khôi lỗi sư kia là điều không thể.
Lúc này, cụ bà cùng Hoài đã nấu xong bữa trưa nên cô bé đến gọi cụ ông và Trần Duệ.
“Con mang một phần đến cho cậu Duệ đi. Cơ thể cậu ấy còn yếu, không nên đi lại nhiều.”
Nghe cụ ông phân phó, Hoài gật đầu rồi nhanh chân ra ngoài. Cụ ông khẽ gật đầu chào anh rồi cũng bước theo sau.
Rất nhanh, bữa trưa được Hoài mang đến giường cho Trần Duệ. Anh nhận lấy nó từ tay cô bé rồi nói:
“Cám ơn em.”
“Ơn nghĩa gì, anh thư sinh ăn đi cho mau khỏe lại nha. Em cũng ra ngoài đây.”
Trước mặt Trần Duệ đặt hai cái bát, bát đầu là một loại củ nào đấy đã luộc chín, bát còn lại là rau dại cùng một miếng thịt kho không rõ là thịt gì. Anh gắp miếng thịt lên ngửi, mùi hương có chút giống thịt gà, ăn vào một miếng thì vị hơi khác, chất thịt mềm mà không xốp, rất khó tả lại rất ngon.
Chẳng biết do đói quá lâu hay sao mà ăn thứ gì ở đây Trần Duệ cũng thấy ngon miệng một cách kì lạ. Cả loại củ kia cũng thơm lừng, vị giống khoai lang mật mà anh thích nữa.
Dùng xong bữa trưa, cụ ông liền bày bàn trà rồi ngồi xuống, vừa nhấm nháp trà vừa dạy Hoài học chữ. Chẳng biết cụ bà lấy từ đâu ra một tấm lụa cùng kim chỉ và khung mà đã ngồi thêu say sưa ngon lành.
Trần Duệ ngồi ở một bên quan sát thì phát hiện tay nghề của cụ bà rất đỉnh. Anh đã mơ hồ thấy được một đôi chim đang quấn quýt lấy nhau trên một nhành hoa trông rất đẹp và sống động như thật.
Anh quay sang phía Hoài, thấy cô đang viết gì đó lên bảng gỗ. Nhìn kỹ lại, anh phát hiện mình không biết loại chữ viết này. Chúng có chút giống chữ tượng hình thuở xa xưa, nhưng có nét đặc trưng riêng không giống bất kỳ loại chữ nào khác.
Thấy anh cứ dõi theo những con chữ, cụ ông tưởng rằng anh đang kiểm tra trình độ của cháu gái mình nên tùy ý để anh xem. Cũng phải thôi, kiến thức mà anh có đã vượt quá những gì ông biết cơ mà.
“Cậu thư sinh chê cười rồi. Đứa cháu gái này của lão không quá ham học nên chữ viết không dễ nhìn.”
Trần Duệ cười khổ, anh không biết chữ của nơi này mà họ cứ gọi anh là thư sinh hoài.
“Có lẽ mọi người đã hiểu lầm gì đó rồi. Con thực sự không phải thư sinh, và cũng không biết những chữ viết này.”
Cụ ông quan sát biểu hiện trên gương mặt anh, rồi mới xác nhận lại lần nữa:
“Cậu thực sự không biết chữ sao?”
Thấy anh xác nhận, cụ ông hơi sững sờ. Một người hiểu biết như anh lại không biết chữ, đúng là khó mà tin được. Nhất thời, ông cũng không biết phải nói gì trong tình huống này nữa. Mặc dù cũng rất ngạc nhiên nhưng Hoài thì không nghĩ nhiều thế, cô bé quay sang nói:
“Vậy trong lúc dưỡng thương thì anh thư sinh cũng học chữ với em đi. Ông nội bảo, sống mà không biết chữ thì làm việc gì cũng khó.”
Thấy Trần Duệ do dự, cụ ông liền nói:
“Dạy một người cũng là dạy, hai người cũng là dạy, nếu không chê thì cậu Duệ học cùng bé Hoài đi.”
“Cám ơn ông.”
Hoài và cụ ông dời bàn đến gần chỗ giường anh ngồi để tiện việc dạy học. Do đã có kiến thức căn bản nên chỉ cần học một chút thời gian là Trần Duệ đã sơ bộ biết được quy luật chữ viết ở đây. Điều này khiến hai ông cháu Hoài vô cùng ngạc nhiên.
Trong một ngày, Trần Duệ đã khiến họ sửng sốt rất nhiều. Cụ bà nghe động tĩnh cũng đến xem qua vài lần. Bà cảm thán:
“Phải chi bé Hoài cũng học nhanh được như cậu thư sinh thì hay biết mấy.”
“Con đã rất cố gắng rồi. Cái này không thể trách con được, do anh thư sinh học quá nhanh thôi.”
Nghe thế, bà cùng ông mỉm cười. Họ chỉ vui đùa với Hoài chứ không hề có ý trách cứ gì cô cả. Người ngoài như Trần Duệ có thể dễ dàng nhìn thấy được điều này khiến anh không khỏi hâm mộ cô bé.
Học được một lúc thì họ dừng lại. Bởi lúc này, cụ ông phải dẫn Hoài theo lên rừng kiểm tra bẫy thú, hái quả Thanh Dương và một số trái cây khác. Lần này, cụ bà không đi theo mà ở nhà tiếp tục sự nghiệp thêu thùa của mình.
Trần Duệ thì tự mày mò cùng với mấy quyển sách mà cụ ông đưa. Anh dùng chữ viết hiện đại để ghi chú lại để tự học. Có lẽ chỉ cần vài ngày là sẽ hoàn thiện được chữ viết nơi đây.
Bình luận
Chưa có bình luận