Hôm nay lại là chiều thứ hai. Đã ba tuần rồi gã Hoa Hòe không đến. Thường thì gã sẽ mặc áo vest, tóc vuốt keo, đi con xe bốn bánh màu đen, trên tay cầm bó hoa to đùng và đứng đợi ở cổng. Nhưng hôm nay gã vẫn không đến.
Thay vào đó là một tay mọt sách đeo cặp kính dày như cái đít chai, áo len kẻ ca rô, trên lưng là cái ba lô nặng trịch không khác gì lão rùa đang bơi tung tăng trong cái hồ thủy sinh. Tay này gạt chân chống con honda cũ rích rồi với tay bấm chuông cửa. Cô chủ nói vọng xuống từ ban công tầng 2 bảo rằng cô ấy sẽ xuống liền. Không thể để tay Rùa này gặp cô ấy dễ dàng như vậy, tôi phải phá mới được.
Cách một cánh cửa kính có khung sắt và một cái cổng cao, tôi đứng giữa nhà sủa um tỏi để tay Rùa Đít Chai đó sợ mà phắn đi. Đúng là tay Rùa sợ thật, trông đôi mắt hắn hoảng loạn chưa kìa. Cô chủ vuốt đầu tôi bảo tôi im lặng nào, nhưng tôi không muốn. Cô ấy vừa mở cổng là tôi lao ngay vào tay Rùa, vừa chồm lên bằng hai chân vừa sủa cho hắn biết tay. Hắn run rẩy thành con rùa rụt cổ nép sau cô chủ, nhưng cô chủ đã che chắn cho hắn và dẫn hắn lên lầu. Thật là mất vui!
Cũng như gã Hoa Hòe hồi trước và gã Hươu Cao Cổ vào thứ tư, tay Rùa này cũng theo cô chủ vào phòng ngủ rồi ở lì trong đó cả đêm không chịu về. Rạng sáng hôm sau, hắn bước ra khỏi nhà với cái đầu như tổ quạ khi mà ngoài trời vẫn còn tối mù tối mịt, trao cô chủ một nụ hôn rồi lại đội vào cái mũ bảo hiểm xấu đau xấu đớn.
- Cút! Cút! Cút! - Tôi nhe hàm răng sắc nhọn và trợn trừng đôi mắt về phía tay Rùa - Chưa đủ hay sao mà lại còn tiếp tục dành nữa? Cút đi! Cút ngay! Chỉ có tôi mới được liếm mặt cô ấy thôi!
Chắc do tôi làm quá nên cô chủ mắng tôi hơi nghiêm khắc hơn mọi lần. Kệ. Nhìn tay Rùa vắt giò lên cổ mà chạy như thế mới vui. Hắn phóng xe đi rồi mà tôi vẫn còn sủa theo:
- Đừng có mà quay lại nữa!
Cô chủ nhanh chóng bịt miệng tôi lại và kéo tôi vào nhà, đoạn mắng tôi bỗng dưng phiền phức thế, làm cả xóm thức dậy hết bây giờ. Ai bảo tay Rùa đến vào thứ hai làm gì.
Thứ hai, tôi ghét thứ hai. May là hôm nay đã qua thứ ba, vậy thì cô chủ sẽ không khóc nữa.
Cô chủ lại trở lên lầu, lần này cô ấy mở cửa phòng cho tôi vào chung. Tôi leo lên cái đệm của mình nằm cạnh cái sô pha đơn, vừa gặm con gà đồ chơi vừa nhìn cô chủ gấp chăn nệm. Cái thứ đồ hôi tanh vừa dài vừa nhớt vứt trong sọt rác làm tôi thấy ngứa mũi, nên sáng nào cô chủ cũng gom cái sọt rác đó cùng đống rác dưới nhà bếp và đem ra khu vứt rác trước hẻm. Rồi cô ấy về, đổ thức ăn dạng hạt từ cái túi thơm phức vào bát ăn cơm cho tôi. Tuyệt! Hôm nay là viên hạt có vị cá rán ngon hết sẩy!
Trong phòng ngủ có một cái ti vi. Trong lúc tôi ăn sáng thì cô chủ tập thể dục theo mấy cái người nhảy nhót trong ti vi. Phải đến khi mồ hôi nhễ nhại khắp người, cô ấy mới đi tắm rồi xuống bếp chuẩn bị đồ ăn sáng cho bản thân. Đối với lịch trình của một con chó thì tôi thấy cái việc sắp xếp như thế hơi kỳ lạ. Phải ăn trước mới có sức mà vận động chứ. Thật không thể hiểu nổi loài người!
Mà việc gây khó hiểu hơn là bỗng dưng chuông cửa lại reo. Tôi bỏ con gà đang nhai nhồm nhoàm trong mồm để tức tốc theo cô chủ chạy xuống nhà xem sao. Lại là tay Rùa. Trời đã sáng trưng rồi mà hắn còn quay lại làm gì? Nếu hàng xóm phàn nàn với cô chủ thì sao? Đúng là đầu bã đậu!
Tay Rùa đưa cái gì cho cô chủ mà mùi thơm lắm, đựng trong túi bóng và lõng bõng nước. Cô chủ bảo hắn vào nhà ăn cùng, nhưng hắn nhìn tôi trước rồi mới lắc đầu với cô ấy. Giờ thì khôn ra rồi đấy!
Sau khi ăn cái món lõng bõng nước mà tay Rùa đưa cho, cô chủ lại bắt đầu công việc hằng ngày là vùi đầu vào bảng vẽ. Cô ấy vẽ từ sáng đến chiều, dắt tôi đi dạo một chút, ăn qua loa ổ bánh mì mua ở con xe đẩy đầu hẻm, rồi lại vẽ từ chiều đến tối mới chịu đi ngủ. May cho cô ấy tôi là một con chó lười, nên tôi thích nằm ườn trên chiếc sofa đơn xem tivi hơn là bay nhảy ngoài đường với mấy con chó khác. Không thì cô ấy phải chạy theo hốt "kít" cho tôi bở hơi tay cho mà xem.
Vậy là hết ngày thứ ba. Sáng thứ tư vẫn như mọi ngày. Chiều thứ tư thì gã Hươu Cao Cổ đến. Gã này cao hơn những gã khác, thường mặc cái áo ba lỗ hôi rình và cầm quả bóng màu cam trên tay. Tôi thường hiếm khi sủa khi gã đến nhà, phần vì gã đã đến liên tục hơn một năm nay rồi, phần vì gã thường tắm cho cả gã và cả tôi ngay khi gã đến chơi. Ôi cái ấy của gã to gấp đôi của con Ngao Tây Tạng ở tiệm chó kiểng, mà đối với loài chó chúng tôi, của con nào to hơn thì con đó quyền lực hơn. Vậy nên tôi đành để yên cho gã muốn hoành hành trong nhà chúng tôi thế nào cũng được, không thì gã cắn tôi đứt mõm mất.
Nhà tắm trên lầu nằm cạnh phòng ngủ. Sáng thứ năm nào gã cũng bế cô chủ vào nhà tắm và tắm cho cô ấy hệt như cách gã tắm cho tôi. Lại thêm một điểm cộng nữa cho gã Hươu Cao Cổ. Giờ tôi chỉ mong gã làm ơn tắm trước khi đến chơi nhà và giúp cô chủ vứt rác vào buổi sáng là tôi sẵn sàng cho gã 100 điểm. Bởi vì tôi là một con chó sạch sẽ và nhạy cảm nên tôi không thích bất cứ mùi nào khác ngoài mùi của tôi và cô chủ tôi, hiểu không?
Cả ngày thứ năm và thứ sáu đều không có khách đến nhà. Thỉnh thoảng cô chủ lại chở tôi đi cà phê cà pháo với bạn bè của cô ấy, hoặc đi picnic cạnh bờ sông, và tôi sẽ nằm dài trên thảm nhìn cô ấy vẽ trên cái khung gỗ và mấy tấm vải canvas. Tôi thích những ngày picnic như thế, vì những vệt màu vương trên khuôn mặt và nụ cười trong veo của cô chủ khiến cô ấy trông tràn đầy sức sống hơn là khi vùi đầu vào máy tính và bảng vẽ trong căn phòng nhỏ hẹp trên lầu.
Tôi yêu những buổi sáng thứ bảy được ngắm nhìn cô chủ trang điểm và chải chuốt trong gương. Cô ấy thích uốn tóc gợn sóng, kẹp một bên để lộ vành tai phải và chiếc bông tai lấp lánh. Ngay khi cô ấy mở tủ là tôi biết ngay cô ấy sẽ lấy cái đầm ngắn màu trắng. Ừ thì, trong tủ đồ chỉ có mỗi mấy cái váy đầm đẹp là màu trắng thôi. Nhưng tôi cứ thích đoán thế đấy.
Chúng tôi đi taxi đến trước cửa khách sạn thì một ông trắng bóc có mái đầu như lũ Golden xuất hiện và lao vào xoa khắp người tôi. Trong số những người mà cô chủ đang gặp gỡ thì ông Trắng Bóc này thích tôi nhất. Lần nào ông ta cũng cho tôi đồ ăn ngon, cho cô chủ đồ ăn ngon, ôm hôn tôi như cách ông ta ôm hôn cô chủ. Vậy nên tôi sẵn sàng nhường mặt cô ấy cho ông Trắng Bóc, duy chỉ ngày thứ bảy thôi nhé!
Buổi chiều gió thổi hiu hiu, tôi dắt hai người đó đi dạo trong công viên với tâm trạng cực kỳ thoải mái. Đột nhiên có tiếng ai kêu tên cô chủ từ con đường cao bên rìa công viên. Tôi gầm gừ nhìn cho kỹ, thì ra là gã Hoa Hòe và con xe bóng loáng của gã. Gã nhảy qua hàng rào rồi lao xuống chỗ cô chủ tôi, nên tôi cũng sủa như một con chó điên mà lao vào gã:
- Cút! Cút ngay! Thằng chó này! Cút ngay hoặc tao táp cho cụt giò bây giờ!
Ông Trắng Bóc không dám giữ chặt cọng dây cổ nên đành phải chạy theo tôi. Nhưng đúng lúc tôi điên tiết định táp cho thằng chó kia một phát thì ông Trắng Bóc đã kéo tôi ra không để tôi lại gần gã. Vậy mà thằng chó đó không biết điều. Gã đấm vào mặt ông Trắng Bóc rồi kéo tay cô chủ tôi đi một mạch. Ông Trắng Bóc đâu có hiền. Ông ta cột tôi vào cái cột ở vọng lâu rồi chạy theo giải cứu cô chủ. Rồi ông ấy đấm cho gã kia ngã lăn quay. Hai bên bắt đầu cự cãi, còn tôi cứ đứng đó sủa ủng hộ cô chủ tôi đấm bầm mắt gã kia đi.
Cái gã Hoa Hòe đó, thứ hai nào gã ghé qua cũng khiến cô chủ khóc, khi thì mới đầu giờ chiều, khi thì giữa đêm, khi thì rạng sáng. Tôi không thích cái cảnh thứ hai tuần nào cô ấy cũng nằm chơ vơ trên cái giường rộng lớn, nước mắt rơi ướt cả gối mà trên người chẳng có mảnh vải nào che thân. Cô chủ không thích tôi trèo lên giường đâu. Nếu tôi làm thế thì cô ấy sẽ mắng nghiêm khắc lắm đấy. Nhưng cái việc thứ hai nào tôi cũng phải trèo lên giường kéo chăn cho cô ấy hình như là một ngoại lệ nên cô ấy chỉ ôm tôi khóc mà không mắng tôi một lời nào. Tôi không bị mắng vào thứ hai, nên tôi ghét, ghét thứ hai và ghét cả gã. Mà tôi đã kể chưa nhỉ, cái việc mà hắn vứt đống rác của hắn bên ngoài thùng rác phòng ngủ làm nước tràn ra và cái mùi tởm lợm bay đầy phòng khiến tôi như chết ngộp. Định mệnh thằng chó! Gã Hoa Hòe đúng là khốn nạn còn hơn một con chó!
Ồn ào như cái chợ một hồi thì gã Hoa Hòe cũng chịu câm mồm mà chui rúc về cái xe của gã, còn ông Trắng Bóc ra tháo dây cho tôi và bắt taxi cho chúng tôi về nhà. Ơ kìa, không phải theo lẽ thường thì tối thứ bảy tôi sẽ được ngủ ở cái khách sạn hạng sang này sao? Thế mà lại về nhà à?
Sáng chủ nhật, thay vì để tôi ở nhà một mình để đi siêu thị thì cô chủ lại dẫn tôi đi picnic. Lại một buổi picnic nữa trong tuần, chỉ cô ấy và tôi. Nhưng hôm nay trông cô ấy buồn quá. Vải đã căng vào khung gỗ, giá vẽ cũng đã được dựng lên, màu cũng đã chiết ra khay, nhưng cô ấy cứ ngồi thừ ra đó và nhìn vào tấm vải trống trơn.
Đã đến giữa trưa. Trời nắng và hơi nóng nên tôi chui rúc bên dưới tấm vải picnic cho đỡ nóng. Vậy mà cô chủ cứ ngồi mãi bên cái giá vẽ ấy.
Tầm chiều khi trời đã mát hơn, có mấy con bướm bay vập vờn trên bãi cỏ trước giá vẽ. Tôi lao theo chúng nó và làm cái trò vận động như gã Hươu Cao Cổ thường làm. Tôi còn vẫy đuôi và cười lè lưỡi nữa chứ. Những người đi dạo xung quanh đều khen tôi dễ thương, có người còn lôi điện thoại ra chụp hình tôi, có người còn ôm tôi và vuốt ve tôi nữa.
Nhưng cô chủ không nhìn tôi đến một lần.
Chắc là cô ấy thích tờ giấy ấy lắm nên mới không nỡ vẽ lên hay rời mắt khỏi nó.
Trời đã tối rồi mà cô ấy vẫn ngồi ở đó, còn tôi thì kiệt sức nằm dài đói meo vì cả ngày chẳng có gì trong bụng. Cho đến khi có người đi ngang nhắc nhở, cô chủ mới lật đật cất đồ rồi chở tôi về.
Về đến nhà, cô ấy không cho tôi ăn ngay mà lại nằm ra giường và nhắm chặt mắt. Vậy là tôi phải tự đổ đồ ăn trong cái túi hạt ra cho mình. Tôi đâu có biết mở thế nào, nên tôi cắn cái túi rách toang hoác và hạt thức ăn rơi vãi ra khắp sàn, nhưng cô chủ vẫn không có động thái gì. Ngay cả khi tôi buồn ị, tôi phải tự xuống lầu, tự mở cửa, tự đi ra vườn. Thường thì cô chủ sẽ hốt "kít" và chùi cho tôi. Nhưng hôm nay cô ấy cũng chẳng làm.
Tôi lại leo lên giường và vùi người vào lòng cô chủ. Thân nhiệt cô ấy cao quá nên tôi phải kéo chăn ra và bật quạt. Nhưng bằng giọng yếu ớt, cô ấy than lạnh và lại trùm mền kín cả đầu.
Trời sáng, mặt trời đã lên nóc nhà rồi mà cô chủ vẫn chưa dậy. Người cô ấy nóng rực như cái bếp lò, hình như cô ấy có chuyện rồi. Hôm nay là thứ mấy? Hôm nay là thứ mấy? Chủ nhật? Hay thứ hai? Thứ hai thì lát nữa tay Rùa sẽ ghé qua đúng không? Nhưng mà còn mấy tiếng nữa tay Rùa mới đến, mà cô chủ tôi thì nguy lắm rồi!
Tôi cuống quýt chạy ra sân sủa um tỏi cho đến khi nhà hàng xóm bên cạnh nghe thấy và qua nhà bấm chuông cửa. Nhưng tôi đâu có biết mở cổng. Nên tôi càng lúc càng sủa hăng khi mấy người đó nhăn mặt định rời đi. Chắc thấy tôi gào lên như con chó điên, họ mới bắt thang trèo qua hàng rào. Trước khi họ đánh tôi vì tôi điên quá thì tôi phải dẫn họ lên lầu mới được. Cô chủ tôi vẫn nằm trên giường bất động, bọn họ thì hô hoán nhau chở cô ấy đi cấp cứu.
Cả tuần đó tôi bị nhốt ở ngoài sân một mình, buổi tối không có chỗ ngủ đành chui rúc dưới cái hồ thủy sinh có con rùa bơi tung tăng trong đó. Mấy người hàng xóm thỉnh thoảng qua nhà cho tôi ăn cơm canh của họ, nhưng tôi quen ăn hạt rồi nên mấy thức ăn mềm này đối với tôi chẳng ngon lành gì. Gã Rùa đến rồi đứng đợi trước cửa rất lâu mới chịu đi. Gã Hươu Cao Cổ cũng vậy. Tôi cứ nằm dưới cái hồ mà chẳng thèm sủa gì nữa. Tôi hết hứng chơi với mấy người rồi. Tôi chỉ lo cho cô chủ của tôi thôi.
Ngày cô chủ trở về, mấy người hàng xóm cho cô ấy túi đồ ăn và bảo cô ấy là họ đã thay ổ khóa cổng do lúc sự cố xảy ra họ đã cắt ổ khóa bằng kìm cộng lực. Cô chủ tôi nói cảm ơn, rồi cô ấy dẫn tôi vào nhà, cho tôi ăn và cô ấy cũng tự ăn túi đồ ăn vừa được cho.
Hôm đó là thứ tư, và chiều hôm đó gã Hươu Cao Cổ lại ghé. Cuộc sống lại một lần nữa trở về bình thường, hoặc tôi đã tưởng như thế.
Cô chủ tôi không vẽ nữa.
Cô ấy bán thanh lý tất cả bảng vẽ và họa cụ của mình, thay vào đó là mua những bộ trang phục công sở vừa tối màu vừa già dặn. Sáng cô ấy để tôi ở nhà và đi làm, chiều về tự học nấu ăn vào những ngày chỉ có hai chúng tôi. Đời sống cá nhân của cô ấy vẫn thế, vẫn gặp gỡ người này người nọ, vẫn để họ vào nhà chơi. Nhưng cuộc sống ấy đã khác theo một cách nào đó, tôi không rõ. Chỉ là càng ngày càng có nhiều người bước vào đời cô ấy mà thôi.
Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. Chẳng còn lần nào chúng tôi đi picnic cùng nhau nữa.
Bình luận
Chưa có bình luận