Mười đồng (5): Tri kỷ


Thế là từ ngày khỏi bệnh, cậu Ba mỗi khi rảnh rỗi lại hay ghé sang nhà tôi chơi. Lúc thì mang cho tôi ít trà, lúc lại đèo thêm con gà mái tươi mơn mởn. Mỗi lần cậu sang đều mang cho tôi chút này chút nọ, duy có món nợ mười đồng thì vẫn chưa đả động gì đến. Có hôm đang ngồi học bài, tôi đọc sao cũng không hiểu, vậy mà cậu Ba vừa ghé mặt vào, ngẫm ngẫm một tí lại ra ngay câu đối. 

Lúc ấy tôi mới biết thì ra cậu trời sinh thông minh sáng dạ, học một hiểu mười, có bài nào khó đưa cậu là cậu giải ra ngay. Tuy tài hoa là thế nhưng cậu lại ghét chuyện triều chính đến lạ, mỗi khi thấy tôi đề cập đến việc mình muốn làm quan, cậu chỉ cười xởi lởi cho qua chuyện.

Năm ấy khi tôi một lòng muốn cưới vợ ở làng, thầy lại răn rằng thân làm trai phải lấy nghiệp dựng nước để đầu, đừng để cho chuyện tình trường nữ nhi vướng thân cho khổ. Tôi nghe lời thầy, quyết chí chong đèn giũa kinh thư để tiện bề giúp nước, nhưng mỗi khi thấy trai làng ngang qua, tay trái ôm eo vợ, tay phải cắp đứa con, tôi bỗng thấy mình cũng đã đến tuổi lấy vợ. Người ta bằng tuổi tôi đã con đàn cháu đống, còn tôi ở độ tuổi này vẫn cô đơn chiếc bóng, ngẫm mà thương phận mình.

Tôi không giống cậu Ba sinh ra trong gia đình quyền quý, dù đã đến hẹn lấy vợ nhưng vẫn còn lông bông nơi phường ca kỹ viện, trái một cô phải một nàng, thong dong hết biết. Nhưng cậu Ba này có phước mà không biết hưởng, dạo này lầu cao ả đào gì đều bỏ tuốt, ngày ngày chạy qua nhà tôi đọc sách uống chè, giờ mà còn chê chè đắng thì tôi cắt luôn, chứ chẳng cho uống nữa. 

- Cậu Ba ơi!

- Hửm, có việc gì không hở anh Sỉ? - Cậu đang xếp chân trên chõng đọc sách, nghe tôi gọi cũng chỉ nhướng mày, mắt chưa lúc nào rời khỏi sách.

- Con gà hôm nay cậu mang khó làm quá. Chi bằng cậu vào đây giúp tôi với. - Nhìn cậu là biết cậu ấm cô chiêu chưa đụng đến việc bếp núc bao giờ, song thấy cậu ngồi ngoài rung đùi đọc sách còn tôi đây phải chăm coi việc bếp núp, tôi thấy uất ức quá bèn giở giọng nhờ vả.

- Anh đợi chút, tôi đọc nốt đoạn này rồi tôi vào giúp anh. - Tiếng cậu từ ngoài vọng vào, tôi nghe sao lại thấy có chút bất lực khó nhận ra. Nghe cậu nói mà tôi cười thầm, có ngon thì vào đây xem, tôi cho cậu biết thế nào là khổ cực của dân chúng.

Ấy mà trời cao hình như thương cậu quá đỗi, tôi chỉ gì cậu cũng làm được, không hề lúng ta lúng túng như tôi thầm mong. Tính tôi vốn hóng hớt, thấy cậu chăm làm chẳng kém gì con nhà nông thì cũng tiện bề gặng hỏi. Ban đầu cậu còn đánh trống lảng cho qua, dần về sau thấy tôi thành tâm muốn biết thật, cậu đành miễn cưỡng kể lại đôi điều. Chẳng là khi xưa bà Cả trong nhà ghen ghét bu cậu xinh đẹp trẻ người, nên bày mưu lập kế cho hai mẹ con lưu lạc tứ phương. Bu cậu lúc đó bụng mang dạ chửa, may sao được thầy sư trên chùa cưu mang, thuận lợi sinh ra cậu. 

Hồi còn ở trên chùa, cậu việc gì cũng phải làm hết. Lên tám tuổi thì bắt gặp thầy trong một buổi viếng chùa, bu cậu khi ấy vẫn sắc nước hương trời, thầy vừa gặp đã nhận ra ngay thế là thầy dẫn hai mẹ con về nhà đoàn tụ với dòng họ, chẳng mấy chốc thời gian cũng thấm thoát trôi qua.

- Cậu ở chùa từ nhỏ, sao lại cứ thích chấp nhất với tiểu nhân như tôi thế? - Đó cũng là điều tôi tự hỏi bấy lâu nay, người gì đâu mà thù dai hết biết, tôi chọc cậu một cái, cậu trả tôi hai cái. Trả qua trả lại một hồi, vậy mà lại kết thân thành tri kỷ.

- Thế anh con thầy đồ mà sao cứ thích tìm tôi gây sự ý nhờ? 

- Là cậu đánh tôi trước.

- Vậy anh chấp nhất với người say làm gì?

Tôi thừa nhận, miệng lưỡi tôi còn lâu mới bằng cậu.

Thật ra, trừ cái nết hay trả đũa thì cậu Ba cũng là người hiền lành tốt tính, mặt mày nho nhã lại thương dân như con, đã thế văn thơ lai láng, vùng này sợ rằng chẳng ai bằng. Nhiều khi thấy cậu bỏ phí tài năng ở nơi ao làng nước ngọt này, tôi tiếc hùi hụi, phần vì nếu có cậu thi cùng thì tôi cũng đỡ phần nào buồn tủi. Lỡ có thi rớt thì hai người cùng về cũng vui hơn là một người chiếc bóng. 

- Bẩm cậu Ba, tôi thấy cậu văn chương đầy mình, sao cứ ở ao làng làm chi cho phí tài phí sức? - Vào một ngày trăng rằm nhiều gió, nhân dịp cậu Ba với tôi quen nhau được ít lâu , tôi mượn rượu giải bày tâm tư của mình.

- Kể cũng lạ, anh Sỉ đây cũng nhận mình tài học có hạn, sao lại cứ thích đâm đầu vào chốn quan trường đầy rẫy hiểm nguy làm gì? 

Bị cậu hỏi ngược, tôi chẳng lấy làm bất ngờ, chỉ với tay rót thêm rượu vào chén.

- Tôi có thích đâm đầu vào chốn hiểm nguy làm gì cho khổ mình đâu. Sức tôi tuy hèn nhưng lòng lại lớn, tôi thương thân mình một thì thương dân ngoài kia mười. Số họ chẳng khá hơn gì tôi, nay lại phải gánh thêm tô thuế tham quan, sao mà chịu cho nỗi?

Mượn đêm trăng sáng, cậu Ba quay sang nhìn tôi, mặt cậu ửng đỏ nhưng đôi mắt lại không lúc nào rời khỏi người tôi. Tôi nhìn cậu, lòng thấy bồi hồi đến lạ.

- Phận tôi hèn, nào có chí lớn như anh. Vua tôi ở xa, quan trường lại đầy rẫy hiểm nguy, một mình anh sao đấu lại họ?

Tôi nào không rõ từ “họ” trong câu nói của cậu là đang chỉ đến ai, chỉ là lòng tôi đã quyết, có nói sao cũng không xoay chuyển được.

- Cùng lắm thì chết thôi… Dù sao đối với tôi, con người sống chết có số, người người gặp nhau âu cũng là cái duyên trời định.

- Anh Sỉ này….

Trong cơn say, tôi thấy mắt cậu lóng lánh tựa hồ thu.

- Anh đừng chết nhé!

Tôi kinh ngạc nhìn cậu, tuy nhiên cậu đã quay mặt sang hướng khác, tiếp tục thưởng rượu.

- Nói thật, cậu không định tham dự hội thi thật à?

- Giời ạ, anh nghĩ tôi muốn tham dự lắm hả?

Cả hai nhìn nhau. bỗng nhiên bật cười. Đời người ngắn ngủi, tri kỷ khó tìm, tôi với cậu kiếp này coi như hợp ý, song cũng chỉ đến thế là cùng.

“Đời người tri kỷ khó tìm

Âu là cái số cũng là cái duyên.

Đôi ta chung chén chung đường

Vừa quay mất bóng, chỉ còn mình tôi.”




0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout