Kể từ buổi viếng thăm hôm ấy, tôi chẳng còn trông gì vào việc trả thù phường say xỉn kia. Làng này ai chẳng biết cậu Ba Liêm nức tiếng, người đâu vừa hay chữ vừa hiền lành, cộng thêm mặt mũi sáng sủa biết chiều người thương dân, gặp ai cũng thương cũng quý. Số là tôi đây tự thấy bản thân chẳng thua ai bao giờ, tài ăn nói cũng có tiếng khắp vùng, ấy vậy mà vừa gặp cậu, bao nhiêu chữ nghĩa bay tuốt, chỉ còn mỗi nỗi oan là không sao đong đếm được. Sao tôi thấy hờn trời ghê gớm!
Kể cũng lạ, từ khi thầy mất, bao nhiêu điềm xui điềm lành cứ lũ lượt kéo về, hại tôi lo sợ nhà bị vong ám, cứ phải tốn tiền lên chùa nhờ sư ông về bày trận, mong thầy tôi có thể yên tâm đi đầu thai, đừng có suốt ngày cầm roi mây đứng trông tôi học bài. Tôi thương thầy bao nhiêu thì tôi càng sợ vong về bấy nhiêu, thế là chẳng dám lười biếng, tối nào cũng chong đèn học đến canh hai, canh ba mới ngủ. Nhưng tư chất tôi mọn, càng học càng quên, đôi lúc nằm trên chiếu đọc sách, tôi bỗng thấy nhớ thầy lắm!
Bình thường còn có đám trẻ ngồi nhoi nhoi trước nhà, nay chúng nó kéo tay nhau đi nơi khác học, chắc là do thế căn nhà hiu quạnh hẳn đi. Nhiều khi nhớ lại tôi mới ngỡ ra bản thân mình đã lỡ mất điều gì. Nhưng ông trời nào để tôi có thời gian buồn khổ quá lâu, chưa chi đã kéo thêm nợ đời đến tìm tôi. Thầy mất, trong nhà thiếu người đong gạo nuôi hai miệng ăn, tôi phải đến xin nhà bá hộ cày thuê. Ấy mà cả làng chẳng lấy một nhà thiếu người, thế là tôi đành phải qua làng bên xin việc.
Đường vắng, nghe đâu nay có hội đình nên dân chúng đổ về ấy chơi, nào có ai siêng năng chăm làm như tôi. Nhưng ông trời cứ thích trêu ngươi người tốt, nghĩ sao đường bắt sang làng bên tận hai ngõ, vậy mà trời cao cứ nhận định tôi làm cái gai trong mắt cậu Ba, đi thế nào cũng gặp cho bằng được.
“Người sang bắt võng nằm chơi, một tay cầm sách một tay nắm quyền. Ai ơi đi mấy ngõ đường, thấy quan thì né, thấy quyền thì xa.”
Ngẫm lại mới thấy ông bà xưa đã phán thì chỉ có trúng chứ chẳng trật đi đâu được. Thấy bóng cậu Ba nằm võng từ xa, tôi ba chân bốn cẳng chạy ngay vào bụi tre gần đấy để núp, mong cho mắt cậu để trên đầu đừng có nhìn ngó lung tung. Nhưng lòng tôi sao hèn quá, nhìn cậu thảnh thơi rung chân đọc sách, tôi thấy cay cú ghê hồn.
Ông trời giống như hiểu rõ oan lòng tôi chưa dứt, tốt bụng phái vài viên sỏi đá từ đâu bay xuống chân tôi, cốt chỉ muốn tôi vận dụng mười mấy năm đèn sách xóa sạch nợ oan cho mình.
Tôi nỡ nào phụ lòng ông thương, nhanh tay lẹ mắt nhắm ngay chân thằng hầu để ném. Cú vừa rồi tôi ném bừa mà lại chuẩn, gặp thêm thằng hầu hậu đậu, thế là cái võng nghiêng qua nghiêng lại, hất văng cậu Ba xuống sông. Tôi tặc lưỡi, trách sao mình ném giỏi phải biết.
Phải thú thật đời này tôi chưa thấy thằng hầu nào vô dụng như hai thằng hầu nhà họ Tô. Chủ ngã, chúng cứ trơ mắt đứng nhìn, chả ai chịu ra tay cứu giúp. Thân cậu càng lúc càng chìm, bí quá nên tôi đành xông ra cứu, còn không quên mắng hai thằng vô dụng kia một mẻ ra trò.
Tuy tôi sức trai tráng nhưng cậu Ba cũng không phải dạng liễu yếu đào tơ gì, cứu cậu lên bờ xong tôi thấy hồn mình xém lìa khỏi xác, thở hồng hộc như trâu cấy. Cậu Ba nom cảm động lắm, vỗ lưng tôi mấy cái, nhẹ nhàng nói.
- Khổ thân anh, cứ mặc xác tôi chết đi có phải tốt hơn không.
- Bẩm cậu, cậu khen thì tôi xin quỳ nhận, còn công thì tôi không dám. Thầy tôi dạy thân quân tử phải nắm rõ ngũ thường, nay thấy người chết không cứu, lỡ mai này gặp chuyện không may, tôi còn mặt mũi nào mà xưng danh với thầy.
Cậu vuốt tóc, điệu bộ nhàn nhã tựa công tử nhà quan, khác hẳn cái khí chất con nhà bá hộ chuyên bóc lột dân lành tôi thường gặp.
- Bẩm cậu, nếu hôm nay chẳng may tôi đi đường khác, sợ rằng cậu đã bán mạng mình vào tay Diêm Vương. Này cũng do tôi khoái lo chuyện bao đồng, nhưng tôi thấy hầu nhà cậu sao mà vô dụng phải biết. - Tôi hạ giọng, cố gắng để cho hai thằng kia không nghe được. Cậu ghé mặt lại gần, miệng cười đon đả.
- Ừ! Lỡ chẳng may anh đi đường khác, chắc tôi cũng không được dịp lội sông thế này. Tiếc là anh cứu tôi sớm quá, không là tôi được vài mẻ cá về nấu canh rồi.
Tôi bỗng nhiên nhận ra được điều gì đó, quay qua nhìn hai thằng hầu nãy giờ vẫn còn trợn mắt, lắp bắp hỏi.
- Cậu Ba nhà hai người biết bơi hở?
Hai thằng hầu đồng loạt gật đầu.
- Dạ, cậu Ba không chỉ biết bơi không đâu, bơi giỏi nữa là đằng khác. - Một trong hai thằng đáp.
Mồ hôi tôi lần thứ hai tuôn ra như suối, tiếc là lúc này người tôi ướt như chuột lột, nên cậu chẳng thể nhìn ra.
- Đường cũng vắng, mà hai thằng theo tôi đó giờ nào dám bén mảng run tay, nay tự dưng mất đà. Lạ quá ha anh Sỉ.
Trong tiếng gió còn nghe thấy tiếng lòng tôi tan nát, này quá là oan nghiệt mà.
- Chắc trời trở gió, hai anh nhà chọt bụng….
- Nên chẳng may bị sỏi ném vào chân, phải không anh?
Tôi mắng thầm. Đọc sách thì lo đọc sách đi, ngó ngang ngó dọc làm chi cho mau lé.
- Cậu cứ đùa… quanh đây làm gì có ai, mà sỏi đá thì bay thế nào được.
- Tôi nào dám đùa ai bao giờ, mà kể ra tính anh cũng lạ. Quanh đây người qua kẻ lại đông như hội chùa, có vắng vẻ như anh nói đâu. Anh có con mắt tinh tường quá, anh Sỉ ạ.
Nom điệu bộ cậu thành thật, hai mắt sáng như sao trời. Tôi sợ đến mức hồn bay phách tán, lắp ba lắp bắp hỏi lại.
- Quanh đây chỉ có tôi với cậu… làm gì có ai nữa?
Lần này đến cậu tỏ vẻ kinh ngạc.
- Giời ơi, người người nhà nhà ùa về đón hội, hầu tôi ngang qua còn phải né đây này. Không tin anh hỏi chúng nó thử xem.
Tôi lần nữa quay qua nhìn tụi nó, liền thấy hai cái đầu gật lia lịa như đang giã tỏi.
Mồ hôi mẹ mồ hôi con chảy dọc khắp người, sợ bản thân đã bị ma quỷ che mắt, tôi run run nắm lấy áo cậu van nài.
- Cậu đừng dọa tôi…tôi ngày xưa xem bói bị phán vía yếu, cậu cứ dọa vậy thì bay mất hồn tôi.
Cậu nhìn chằm chặp vào tay áo bị tôi níu, song cũng cười đáp lại.
- Tôi con nhà buôn, chữ tín phải đặt hàng đầu thì người ta mới tin.
Kể đến đây thì phải nhắc tới sự tận tụy của hai thằng hầu. Chúng còn không quên phụ họa chủ mình bằng cách tránh đường cho người đi qua, mặt ra vẻ như thể nó là một cái gì đó hiển nhiên lắm.
Lúc này đây hồn vía tôi bay mất sạch, mở miệng ra nói bạ gì nói đó, cũng chẳng rõ cậu nghe có hiểu không.
- Tôi nghe người xưa mách chỉ cần ngâm mình trong nước hai canh giờ thì ma vong gì theo đuôi cũng bị đuổi đi tuốt. Xưa chị tôi làm theo, tưởng lời đồn thất thiệt nhưng không ngờ lại hiệu nghiệm. Hay anh thử làm xem, coi có thấy khoan khoái hẳn không?
Tôi bán tín bán nghi, vặn hỏi lại.
- Bẩm cậu, tuổi tác tôi với cậu cũng ngang ngửa, thầy tôi lại học rộng hiểu nhiều. Cả đời tôi chưa từng nghe thầy dạy là có việc này bao giờ.
- Thầy tôi dân buôn, đi đây đi đó nhiều, tất nhiên là phải hơn thầy anh chỉ ở nhà chong đèn đọc sách chứ. Huống hồ chuyện lạ xưa nay nhân gian này không thiếu, tại anh không chịu tin thôi.
Trông cậu nghiêm túc lắm, đã thế hàng mày chau lại có vẻ còn lo lắng cho tôi hơn phần cậu nữa.
Thế là không biết tôi bị ma quỷ che mắt thật hay giỡn, đi tin lời cậu ngâm mình trong sông suốt hai canh giờ. Lúc về còn bị cảm mấy ngày trời mới khỏi. Sau này qua nhà dì Tám Tiền trông con giúp, mới được dì mách cho nghe nhà họ Tô ba đời sinh con gái đầu, đến đời thầy cậu chỉ được ba mụn con trai, vẫn đang cày cuốc kiếm thêm cô tiểu thư cho vui nhà vui cửa. Tôi lấy làm lạ, hỏi dì không phải nhà cậu Ba Liêm có một cô con gái hay sao, dì cười lớn vỗ vai tôi đen đét, nói nhà đấy lấy đâu ra con gái, bà Cả còn đang đi Chùa cầu con kia kìa.
Không cần nói cũng biết, tôi tức đến mức xém lên chùa mua ngải về ếm cậu. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, lỗi cũng bắt nguồn từ mình, thế là tôi chỉ có thể ngậm cục tức này trong lòng, mong cậu tối đi đường gặp ma, bị dọa cho biết mặt.
Đó cũng là lúc tôi biết được cậu Ba nhà họ Tô nào hiền lành như thiên hạ vẫn đồn.
Bình luận
Chưa có bình luận