Tôi tên Sỉ, là một cậu học trò nghèo sống tại làng Mường cách kinh thành thành tầm chục dặm xe ngựa. Từ nhỏ tôi đã mồ côi cha mẹ, sống côi cút tại nhà người dì góa chồng đâu đó được mấy năm thì bị bán đi cho ông thầy đồ dạy trẻ đầu ngõ làm con nuôi. Tính tôi nghịch ngợm lại ghét học; mỗi lần thầy dạy chữ gì hay tôi đều giả bộ gật gù tán thưởng, song chữ này lọt tai kia, chữ kia chui tai nọ, riết rồi chữ nghĩa thì chẳng tiến bộ còn tài nịnh nọt thì khó ai sánh bằng.
Trời sinh tôi ngu dốt, học hành không nên thân, có mỗi việc quậy là giỏi. Những ngày tôi học không thuộc bài, thầy đều ra sau nhà lấy cây tầm vông quất mạnh vào mông, mỗi cây đánh xuống như muốn cho tôi đi đầu thai lại một lần. Mười cây của thầy là đủ để dọa tôi chết đi sống lại mười kiếp, từ đó cũng không dám lơ là việc học nữa. Có hôm thầy ghé mặt vào thấy tôi thức đêm học bài, thương tôi tuổi nhỏ lại có chí tiến thủ nên vào bếp luộc cho cái trứng kèm theo dĩa muối trắng, đem ra chõng vừa ăn vừa trông tôi. Tôi nhìn thầy ăn mà thèm thuồng phải biết, song cũng chẳng dám vòi thầy cho ăn.
Thầy nghiêm với tôi là thế, nhưng vào những ngày trái gió trở trời, thầy vẫn thường nhường tôi cái chăn duy nhất trong nhà còn mình thì mặc thêm hai ba lớp áo mỏng. Có những ngày nhà có đám có tiệc, thầy luôn dành tôi phần ngon nhất, còn mình thì chỉ ăn lấy bát cơm trộn miếng muối mè, vậy mà mỗi lần tôi hỏi thì cứ tấm tắc khen ngon, làm như mình đang ăn được mỹ thực cung đình vậy. Đêm nọ thầy ngồi chõng uống rượu, nom điệu bộ chắc có chuyện gì buồn, tôi thương thầy uất ức sinh bệnh nên miễn cưỡng bỏ học một hôm, ngồi bên tâm sự cùng thầy.
- Thầy ơi, vào nhà ngồi đi thầy. Ngoài kia lạnh lắm, thầy sao chịu cho nổi.
Thầy chẳng phản ứng lại, cứ chén này nối tiếp chén kia, tôi kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng cũng đợi được ngày thầy mở miệng đáp lại.
- Việc nước nhà thầy lo chưa tận, sao có thể yên tâm nghỉ ngơi.
Tôi không phục, nhất quyết đòi kéo thầy vào trong cho bằng được.
- Việc nước có vua lo, mình dân thường lo chi cho xa hở thầy.
Thầy cốc đầu tôi một cái rõ mạnh, nhưng thấy tôi ôm đầu rên rỉ thì đâm ra sốt xót ruột, vào nhà luộc trứng lăn cho tôi. Đêm trăng sáng, hai cha con ngồi trên cái chõng thầy thường dùng để dạy học, vừa lăn vết thương vừa trách móc:
- Trời sinh ta thân trai tráng để dựng nước, không sống vì nước thì biết làm gì cho qua ngày hở con? Làng mình có biết bao sĩ tử ngày đêm rèn kinh luyện sử, thầy có là gì so với họ. Đời thầy bạc lắm, phận trai trưởng lại chẳng thể mang công danh về cho dòng họ… Con ơi! Con thương thầy thì đừng sống dật dờ nữa, kẻo lại bạc hết thân mình.
Đêm nay thầy lạ lắm, bình thường đánh tôi xém đầu thai mấy kiếp cũng chẳng sao, nay mới đánh có một cái lại lấy trứng lăn cho. Lòng tôi lạnh toát, tưởng thầy bị vong nhập nên sợ lắm.
- Thầy ơi…
Tôi run rẩy kêu lên, sợ hồn thầy bị ma kéo đi nên cứ nằng nằng níu tay thầy, làm cho thầy phải bật cười gõ thêm mấy cái lên đầu tôi.
- Thằng này, giọng bây sao thế? Bây chưa thấy thầy rượu vào lời ra bao giờ à? Có gì mà bây khúm núm sợ sệt như gặp ma vậy?
Không dám nói sợ thầy bị vong nhập nên tôi chỉ đành giả bộ gật gù, ra vẻ ta đây hiểu biết lắm. Lăn một lúc, tới khi thấy cái u trên đầu tôi xẹp xuống, thầy mới để trứng gà qua một bên, thở dài nói:
- Giời ơi, con tư chất thông minh lại chẳng chịu học hành tử tế. Mai này lỡ thất học phải đi cày bừa cuốc mướn cho nhà địa chủ thì lại than đau than khổ, rồi trách thầy sao không dưỡng được con. Thầy nói thật con nghe, thời này loạn lắm, anh tài bao phương vì chán ghét cảnh vua tôi đạm bạc nên từ quan về quê. Người này kéo theo người kia, người kia kéo theo người nọ, chẳng mấy chốc thiên hạ mất đi người tài, dân chúng cũng vì vậy mà lầm than.
Thấy mắt thầy ươn ướt, tôi cũng không đành lòng đả kích, chỉ có thể gật đầu nghe thầy giải bày. Số thầy rõ khổ, tư chất hơn người rành rành ra đấy lại chẳng một lần đỗ đạt. Người ta áo gấm về làng, còn thầy tôi mỗi lần về lại đơn côi lẻ bóng, may sao dân thương thầy học rộng biết nhiều, góp sức mở cho thầy cái lớp, mong thầy lấy nghiệp gõ đầu trẻ làm niềm vui qua ngày. Nay thấy tâm tư thầy vẫn một lòng vì dân vì nước, phận làm con lại chẳng thể giúp gì, tôi đành vỗ ngực, bịa đại một lời hứa hẹn nào đó.
- Con hứa với thầy, con sẽ thay thầy mang công danh về cho làng mình. Thầy cứ tin tưởng ở con.
Ngờ đâu tôi vừa nói xong câu đó, hai ngày sau thầy liền lâm bệnh nặng. Mời thầy lang về chạy chữa thế nào cũng không khỏi, được độ chục con trăng thì thầy lìa đời vì bạo bệnh. Ngày chôn cất, tôi ngồi bên mộ thầy khóc rống đến nửa đêm, vậy mà lại vô tình lọt vào tai kẻ đang say sưa chè chén ở phương nào chẳng biết. Gã quay qua nạt tôi:
- Khóc cái gì mà khóc. Làm như ai vừa giết chết ba đời dòng họ nhà mày vậy! Câm họng ngay cho tao!
Chẳng là đang phải chịu ma thầy, lại gặp phải phường lưu manh say xỉn, máu tôi vốn nóng hơn lửa, nghe mấy lời xỉ vả kia liền không quản ba đời tên kia có là gì. Tôi giống như con trâu nước bị cắt mất sừng xông vào gã ta đấm liên hồi, đấm tới khi khớp xương mỏi nhừ vẫn chưa đã cái nư.
- Tiên sư nhà mày. Tao khóc thì có liên quan gì đến tổ tông nhà mày mà ý kiến ý cò?
Tên kia cũng chẳng vừa, lấy chai rượu đập thẳng lên đầu tôi.
- Bố tổ sư, đã làm phiền tao uống rượu còn dám già mồm hử? Khóc tang thì cút chỗ khác mà khóc, chỗ tao đang uống rượu ngon lành thì mày hè vào mày khóc, rồi mốt tao xui thấy mẹ ra thì mày đền nổi không?
Đầu bị đập, tôi choáng váng hồi lâu. Nhưng cái điên thì chẳng thể kiềm nỗi, tôi liên tục giáng những cú trời đánh vào mặt gã, trước khi đi còn không quên bồi đạp một phát vào ngay giữa quần. Gã ta rú lên, ôm lấy quần lăn qua lộn lại. Tôi thích thú cười to, vác cái đầu chảy máu quay về nhà.
- Nhớ cho rõ mặt tao này, tao là cậu ba Liêm nhà họ Tô. Coi chừng tao đó, ngày mai tao đem người qua đốt sạch nhà mày, đốt hết sạch cả cái xóm mày, đừng có tưởng thế là xong chuyện.
Giữa đêm đen không lấy một bóng người, lời gã ta chấn động đến mức không khác gì oan hồn đòi mạng, dọa tôi sợ đến mức phải cười vào mặt gã thêm mấy cái nữa mới hả dạ rời đi.
Đó cũng là ngày đầu tiên tôi quen được cậu ba Liêm, người sau này sẽ trở thành tri kỷ của mình.
Bình luận
Chưa có bình luận