Để mà nói thứ gì không phải sở trường của Minh và Khánh thì văn sẽ nằm ở vị trí tốp đầu, không phải vì viết kém, mà là không đọc đủ nhiều. Dù trong bài có lấp ló vài ba con số thì cách mà bài thơ mã hóa dữ liệu chắc chắn không hề đơn giản là chỉ cần nhìn ở bề mặt.
Thực ra hai đứa có thể loáng thoáng nhìn ra chủ đề của cả bài, nhưng vì kiến thức nền không thực sự nhiều nên để chọn ra từ khóa thì vẫn rất khó. Nếu không chọn đúng thì từ con chữ nào cũng có thể bôi ra ti tỉ cách nghĩ. Ngày trước, nhà trường từng mời hẳn giáo viên và nghệ nhân đến dạy học sinh hát một bài Quan họ cơ bản, cũng coi như là giới thiệu và truyền bá, nhưng ấn tượng trong lòng đám học sinh thì không nhiều. Nếu có một điều mà nó thực sự nhớ, thì đó là chuyện người hát dường như cần có một chất giọng đủ dày và vang, chứ không phải cứ đúng cao độ là được.
Nghĩ đến đây, Minh ngồi xuống dưới lớp nền cứng ngắc dưới chân, bàn tay cầm bút gõ những nhịp dè dặt. Cậu nghe thấy rõ tiếng thở dài của người bên cạnh:
- Nếu sai thì sao? Có bị bắn như trong game không nhỉ?
Khánh thường vin vào lý do “luyện phản xạ” để dung túng cho bản thân mỗi lần dán mắt vào trò bắn súng mà với Minh thì nó quá ồn ào. Nhớ lại ngày trước Khánh hay ra quán net chơi, Minh chợt hỏi:
- Mẹ mày vẫn còn cho vào đó luôn hả?
Khánh cười:
- Có gì mà không cho?
Lời Minh nghe lùng bùng:
- Dễ tính thật đấy.
Khánh hiểu ý Minh, cũng thừa biết gia đình thằng bạn nghiêm khắc và kì vọng cao đến mức nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhà nó dễ dãi, Khánh muốn kể ra, nhưng phải đợi một lúc để tìm cách diễn đạt thật thích hợp.
- Cũng không hẳn. Quán net thì thời mẹ tao còn trẻ cũng ra vào chứ đâu riêng gì mình. Mẹ tao kể, hồi đó có một trò gọi là “cứu net”, nhưng chỉ phổ biến trong những đối tượng sa đà thôi.
- “Cứu net”?
Biết chắc Minh sẽ thắc mắc, Khánh gật đầu:
- Ừ, nghĩa là một ai đó, thường là nữ, nếu ngồi chơi net mà không đủ tiền thì sẽ gọi một bạn nam khác ra “cứu net”, tức là trả tiền cho. Xong sau đó…
Lời Khánh hơi ngập ngừng, Minh hơi tò mò:
- Sau đó thì sao?
- Thì bạn nữ sẽ “cho” lại người kia một cái gì khác.
- Là sao? Cho gì?
Nó không đáp, nhưng cái nhướn mày và nụ cười đủ để ẩn ý thông điệp giữa hai đứa con trai tuổi mười bảy đã đủ giúp Minh có câu trả lời. Khánh nói tiếp:
- Lúc mẹ tao kể thì tao cũng đần ra như mày vậy đó. Thực ra mẹ cũng muốn cho tao hiểu, có những thứ mà trước khi mình tiếp xúc thì mình phải đủ cảnh giác. Không cha mẹ nào có thể hoàn toàn bảo bọc con mình.
Thấy người bên cạnh trầm ngâm, nó cười:
- Sao thế, chưa hết sốc à?
- Không… - Minh quay sang Khánh. - Đấy là cách mẹ mày giải thích một vấn đề cho mày hả?
Khánh định gật đầu, nhưng thấy ánh mắt trầm tư của Minh, nó lại thấy trong lòng dậy lên một cảm xúc khó tả. Sự im lặng đến ngột ngạt giữa hai đứa khiến Minh phải đứng bật dậy, tiến đến nơi gõ đáp số. Thấy thế, Khánh ngạc nhiên:
- Ê mày nghĩ ra gì rồi à?
- Không, bấm đại thôi, đằng nào thì mình cũng không thể ngồi đây “tâm sự tuổi hồng” mãi được. Xem sai thì sao. Mày chọn số đi.
Giọng Minh không chút chần chừ. Sự bình tĩnh của nó khiến Khánh phát hoảng.
- Từ từ từ từ, cái này không làm bậy được đâu nhé.
Khánh đứng bật dậy, vội cản. Vốn biết Minh là đứa hay quyết định bất thình lình nhưng lần này, linh cảm của Khánh mách bảo rằng hai đứa vẫn còn hi vọng. Nó ngăn Minh lại rồi liếc qua bàn phím số, cảm thán:
- Trông giống bàn phím điện thoại nắp gập hồi xưa nhỉ?
- Ừ, nhưng sao lại cần cả mấy dấu linh tinh vậy?
- Ê biết đâu… - Khánh ngoảnh sang, trao đổi một cái nhìn mơ hồ. - Là gọi được thật?
Minh lắc đầu:
- Thần kinh. Không có chuyện cái trò này nhân đạo thế.
- Mày cứ thử đi. “Gọi điện thoại cho người thân” giống trong “Ai là triệu phú” ấy?
- Gọi điện thoại cho người yêu được không?
Minh cười, nhưng Khánh lại biết nói vậy cũng không hẳn là vô lý. Lam là một người đọc nhiều sách, giỏi cả Sử lẫn Văn, có thể sẽ giúp được gì đó. Khánh dí ngón tay Minh vào bàn phím:
- Này, bấm đi. Thử xem!
Minh biết là không được nên cứ bấm, không ngờ, chỉ vài giây sau khi chữ số cuối cùng có mặt trên màn hình, một giọng nói bất ngờ vang lên từ đầu dây bên kia:
“Alo, ai vậy ạ?”
Minh ngẩn ra, nhất thời không thể nói được gì. Khánh thấy thằng bạn ngơ ngác thì vội nhảy vào:
- Lam hả? Khánh đây! Cả thằng Minh cũng ở bên cạnh, bọn tớ đang gặp rắc rối với một câu đố.
Giọng nó vồ vập, vừa ngước lên đọc bài thơ, vừa giải thích vắn vắt:
- Tớ biết là nghe rất hoang đường, nhưng đại khái thế đấy.
“Ừ… tớ đang suy nghĩ. “Liền anh” và “áo kép”, “khăn vành”, “yếm lụa năm thân hai vạt” thì khả năng cao là Quan họ rồi. Số nguyên tố mà liên quan đến Quan họ thì không phải không có vì chỉ cần xem các thông tin về cột mốc là được, nhưng nếu có cả truyện Kiều thì có thể là…”
“Tút.”
Minh bấm nút “x”, thanh âm từ đầu dây bên kia tắt ngấm, cuộc gọi cứ thế bị ngắt. Khánh quay ngoắt sang:
- Mày làm gì thế, ơ kìa?
- Lúc mình gọi thì số trên đầu đếm ngược với tốc độ gấp ba lần. - Minh vừa nói, vừa chỉ lên trên đầu mình.
Khánh hốt hoảng nhìn lên, hai đứa còn đúng năm phút nữa. Nó nói với Minh:
- Thì kệ, đằng nào mình cũng không tìm ra, sao không nghe Lam nói nốt?
- Thôi bỏ đi.
Khánh bắt đầu khó chịu:
- Bỏ gì mà bỏ? Điên à? Bấm số lại đi!
- Tao không muốn nghe giọng Lam bây giờ.
Nó nhíu mày:
- Thế mắc gì nãy mày còn bấm số?
- Vì tao không tin là có thể nối máy!
Khánh sốt ruột, thời gian còn lại không nên dành ra cho chuyện cãi nhau. Thế nhưng, giọng nó nghe rõ mồn một sự mất kiên nhẫn:
- Giờ thì tin rồi đấy, gọi lại mau lên, có khi Lam đã tra được rồi!
- Không!
Minh nhất quyết lắc đầu. Những ngày gần đây, cứ nghe thấy giọng Lam là trong lòng cậu lại bải hoải. Khánh không hiểu, vì Minh là đứa mà thường sẽ phải cạy miệng bằng được mới chịu nói ra. Từ ngày Minh và Lam quyết định yêu xa khi người kia đi du học, Khánh bắt gặp ở Minh nhiều sự lơ đễnh hơn thường lệ. Dường như chỉ cần sơ hở một khoảnh khắc, cậu lại chìm vào dòng suy nghĩ miên man nào đó mà không ai có thể đọc được.
Ừ thì với tâm trạng của hai đứa sắp yêu xa, hiển nhiên sẽ là nhiều nỗi bất an. Nhưng thế thì sao? Khánh luôn cảm thấy, sự băn khoăn và khép kín thường trực của Minh dường như là một bức màn luôn giăng ra trước mặt nó để ngăn cách nó và những người muốn hiểu về con người Minh. Thậm chí, ngay cả khi Khánh nghe được ở Minh một vấn đề nào đó, nó vẫn phải mất một lúc để thực sự hình dung lý do mà Minh cảm thấy vướng mắc.
Nó kìm lại sự bực bội của mình:
- Mày không muốn thì thôi, giờ tao bấm đại, sai thì hai đứa chết chung.
Minh gật đầu máy móc và gọn ghẽ:
- Ừ.
- Đồ điên này! Có chuyện gì thì nói, mau lên, trước khi bay màu cùng nhau!
Giọng Minh nghe nhức nhối:
- Nếu định sẵn là chết thì mang chuyện xuống âm phủ luôn đi, nghe làm cái gì?
Khánh thực sự cảm thấy mệt mỏi:
- Vậy được rồi, tao cũng chán cái cảnh hỏi mười chuyện mới được mày trả lời một chuyện rồi. Mày muốn ra sao thì ra.
Minh không đáp. Khánh chọn lấy một số, rồi cứ thế nhập 43.
Nó nhắm chặt mắt để bao phủ ánh nhìn của chính mình bằng màu đêm đen, nhưng không thể cản nổi ánh sáng trắng lòa. Nó từ từ mở mắt, sự trống vắng khiến từng giác quan trong nó hụt hẫng. Cái cây đã biến mất, tiếng xào xạc cũng lặng bặt. Mọi màu sắc khác đều chìm khuất, chỉ còn sắc trắng vây lấy khung trời và mặt đất. Đồng phục trên người chúng nó là màu trắng, mọi cảm giác vật lý thất thoát dần.
Minh ngồi xuống, cố tìm kiếm một cảm giác nhỏ nhất dù chỉ là sự lạnh lẽo của mặt sàn trắng nhưng không. Chẳng nóng chẳng lạnh, chẳng cứng chẳng mềm. Cậu cầm chặt cây bút và tấm áo màu kem trên tay như một nỗ lực neo bám mong manh. Như thể, chỉ cần nơi lỏng một chút, chúng sẽ biến mất vào sắc trắng trước mặt rồi cứ thế trở thành thứ ý niệm mơ hồ lao vút vào thinh không.
- Hóa ra là thế…
Khánh quay sang, thắc mắc:
- Là sao?
Minh nhắc lại, bằng vốn liếng của một con nghiện truyện trinh thám:
- “Tra tấn trắng” mà tao từng nói với mày đó, nhớ không?
Khánh trầm ngâm. Cuối cùng nó cũng dần hiểu, nhưng những băn khoăn lại tràn vào trong giọng nói:
- Cơ mà… thế thì vẫn còn nhẹ đấy chứ?
Đúng. “Tra tấn trắng” vốn là thứ đáng sợ ở chỗ mọi giác quan sẽ bị “biệt giam”, đối tượng sẽ không thể tiếp nhận được màu sắc, âm thanh, cảm giác như bình thường, từ đó gây ra cảm giác bất an, thậm chí là không còn nhận thức hay kết nối với chính danh tính và ký ức của mình. Về lâu về dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh là hiển nhiên. Nhưng đấy là khi người bị tra tấn ở một mình. Đằng này, Khánh và Minh vẫn nhận thức được sự tồn tại của người kia, hẳn sẽ khác đi đáng kể.
- Chừng nào tao còn nghe được mày nói, chừng đó mình còn sống được.
Bình luận
Chưa có bình luận