Còn vài ngày nữa là đến Tết Thượng Nguyên, khắp các phủ trấn đều nô nức chuẩn bị đêm hội hoa đăng. Người người túa ra đường, tràn đầy sức sống như thể mình mẩy vừa được tu sửa lại sau non nửa cái tháng Giêng chìm trong rượu thịt. Trên đường lớn, xe ngựa xe bò ngược xuôi qua lại, đông vui đến độ người lẫn gia súc kéo xe phải chen chúc với nhau.
Tên ăn mày rách rưới cùng hành trang chỉ có độc một cái bát sứt miệng mới đến Phủ Ninh Ba không lâu, cũng từ chỗ ngồi đắc địa dưới chân quán cơm ngon nhất Trấn Gia Lộc, cứ thế bị đẩy vào tận gần chuồng ngựa mé trái lối đi. Mà chỗ ấy ngoài mấy anh phu dắt ngựa ra còn ai lai vãng đâu, nên mặc dù “đi làm” từ sáng sớm tinh mơ mà đã gần giờ Tị cái bát trước mặt hắn vẫn trống trơn.
Thế nhưng, hắn không để ý cái bát, cũng không để ý đoàn người. Đôi mắt khép hờ cách rất lâu mới mở ra một lần, đảo qua hai đầu phố - chẳng nhìn cái gì, lại như đã thấy tất cả. Lồng ngực hắn phập phồng cực khẽ, hô hấp mong manh bị tiếng hò hét cự cãi, anh này va vào anh kia, chị này giẫm gót giày chị kia nuốt trọn.
Kẻ có khả năng chết đói nhất trong số người có mặt trên phố hôm nay, trông lại thảnh thơi, nhàn nhã nhất, như thể không phải hắn đang ngồi xin ăn, mà đang đợi mọi người đến mời hắn ăn vậy. Kể cũng lạ.
Anh phu ngựa dắt con tuấn mã lông màu nâu đồng đi ngang qua, nhìn hắn nằm không ra nằm, ngồi không ra ngồi, vật vờ như ma đói, ngứa mắt quá, bèn nâng mũi chân đá vào bắp đùi hắn một cái, hất cằm nói:
- Đi chỗ khác kiếm ăn, chỗ buôn bán của người ta chứ chỗ cho nhà mày nằm dãi thai à?
Lúc này hắn mới uể oải vặn mình ngồi dậy, quệt mũi cười, mát tính đáp:
- Thế tôi không nằm, tôi ngồi, được chửa?
Anh chàng hừ lạnh một tiếng rồi quày quả bỏ đi, trước khi đi còn cố ý mắng đủ to cho hắn nghe thấy:
- Không cút nhanh ông chủ ghé qua bắt được thì no đòn!
Hắn không nói gì, nhìn theo bóng lưng anh phu ngựa. Sau mái tóc rối như tổ quạ loà xoà hai bên mặt, khoé miệng gã vẫn cong cong một góc khéo như đo.
Lúc này, từ tiệm kim hoàn đối diện quán cơm, có một cô gái phục sức hoa quý, khí chất hơn người bước ra, đi về phía gã. Mà không, là đi về phía cỗ xe ba ngựa kéo, đóng bằng gỗ sưa đỏ, mắc rèm the, treo lục lạc bạc đỗ ở ngay trước chuồng ngựa gần chỗ tên ăn mày ngồi.
Thiếu nữ xách vạt váy màu trúc xanh, né né tránh tránh lách qua dòng người chật như nêm, mãi mới sang được bên đường. Phu xe của cô từ nhà xí phía sau chạy lại, í ới gọi “họ đã, tiểu thư, họ đã!”, tay này bận buộc dải quần, tay kia lấy dưới gầm ra cái bục kê chân để cô trèo lên.
Từ trong xe vọng ra một giọng nữ khàn khàn không rõ độ tuổi, trách mắng kèm tiếng ho đứt quãng:
- Mày dám để cô đi chợ... sắm... khụ khụ... sắm đồ một mình à! Muốn... muốn... khụ... chết hay gì? Lỡ đứa nào nó thó đồ, nó bắt chẹt cô... mày... mày...
Phu xe đã rối rít khom lưng nhận lỗi, thế mà người kia còn chửi dai như đỉa, không khỏi có phần chua ngoa.
Phải đến lúc cô gái mặc váy xanh bất đắc dĩ lên tiếng hoà giải, người ngồi bên trong xe ngựa mới chịu thôi, chỉ là cơn ho càng lúc càng nặng, ho như muốn mửa ra cả hai cánh phổi. Tên ăn mày ngồi ở đó nghe cũng thấy phiền lòng, vô ý liếc qua tấm rèm the nhiều hơn mấy lần - chẳng may lại đụng phải ánh mắt của cô tiểu thư đang nhón chân chuẩn bị bước lên xe.
Tên ăn mày không vì thế mà xun xoe hay sợ hãi, chỉ thản nhiên quay đầu đi. Nào ngờ, tiểu thư lại vụng về vịn thành xe trèo xuống, chậm rãi bước đến chỗ hắn.
Mũi hài trắng thêu hoa năm cánh xanh, đường chỉ đều, khít, trăm mũi như một, tinh xảo vô ngần rất nhanh đã xuất hiện bên cái bát mẻ của gã ăn mày. Không để cho gã kịp nói gì, tiểu thư đã khom người bỏ mấy đồng hào sắm vòng xuyến còn thừa ban nãy vào bát, vội vàng lại êm ái, dặn:
- Không đáng bao nhiêu, anh cầm đi mà kiếm thứ gì lót dạ.
Thiếu nữ chưa dứt câu, một bàn tay gầy gò đã vươn ra vén rèm cửa, la lên:
- Khụ, khụ, khụ! Chợ ngày lễ, tạp người, cô chớ chạy Đông chạy Tây mà rước chuyện.
Tiểu thư lập tức đứng dậy, vừa chạy bước nhỏ quay về xe vừa đáp:
- Ta ở đây, em đừng ra ngoài khéo trúng gió.
Hắn thấy bàn tay nắm rèm chậm rãi buông xuống. Bóng váy xanh vừa lọt qua khe cửa, phu xe cũng bắt đầu quất ngựa, dong cỗ xe rời đi.
Bấy giờ tên ăn mày mới cúi đầu nhìn những đồng hào sáng loáng nằm im lìm trong bát, quanh đây dường như vẫn còn phảng phất mùi dầu thơm ngòn ngọt, lành lạnh toát ra từ tay áo của tiểu thư. Không hiểu sao, hắn vô thức dõi tai nghe hai người nọ nói chuyện đến tận khi cỗ xe ngựa khuất sau ngã rẽ.
- Ta nghe họ nói ngày kia có thuyền hàng vải vóc đẹp cập bến, em qua bên đó giành cho ta mấy xấp lụa trơn, màu sắc... tùy em ưng.
- Cô ơi, khăn tay, túi tiền, quần quần áo áo em đủ hết cả rồi! Khụ... khụ, cô đừng bận thêu thùa may vá nữa, hại tay, hại mắt lắm!
- Được rồi, dù sao ý ta đã quyết. Mà em đấy, càng ngày càng ho, hay là lén đổ thuốc đi không uống?
Người kia lập tức im lặng.
Tên ăn mày định thần, không để ý nữa, chỉ là thoáng nghĩ, đôi chủ tớ này cũng thật thú vị, không biết ai mới là chủ, ai mới là tớ?
Lại ngồi nửa ngày, có lẽ do vía mở hàng không tệ nên hắn lại kiếm được thêm một ít. Thấy chợ đã dần vãn khách, tên ăn mày chuẩn bị thu dọn ra về. Hắn chần chừ, sau đó từ cái bát mẻ, nhón lấy một trong số những đồng hào sạch sẽ tiểu thư bố thí ban nãy, bỏ vào ngực áo rồi quay gót rời đi, không để ý đến cái bát vẫn còn lớn lớn nhỏ nhỏ cả dăm đồng xu để trên mặt đất nữa.
Bóng lưng rách rưới rất nhanh đã biến mất sau những con ngõ dọc ngang chằng chịt của Trấn Gia Lộc.
Không phụ lòng trông mong của bách tính, Tết Thượng Nguyên cuối cùng cũng đến. Hai bên đường lớn, đèn lồng muôn màu muôn vẻ được giăng lên cột nêu, cách quãng đều tăm tắp. Đứng gần còn ngửi thấy mùi hồ quết giấy thơm phức, nồng nồng, âm ấm. Đám trẻ con, nhà giàu thì được sắm cho, nhà nghèo thì người lớn trong nhà tự làm đèn lồng để bọn nó cầm đi dung dăng dung dẻ. Lồng đèn mua thì nan tre chuốt đẹp, gọn, giấy căng phẳng, tinh xảo lại còn có nhiều hình thù nhưng phải nỗi người ta làm theo tá, bán nhan nhản trên phố nên thành ra không đặc sắc mấy. Ngược lại, đèn lồng tự làm tuy có hơi thô sơ, chắp vá, nhưng không cái nào giống cái nào, mỗi cái đều là độc nhất vô nhị. Vậy nên lũ trẻ đều tự hào về cái đèn của mình, kéo nhau nô đùa, la hét dậy cả một vùng trời.
Mọi người đã đổ hết lên trấn xem hội cho nên ngoại ô chập tối vốn đã vắng vẻ lại càng thêm vắng vẻ. Giữa màn đêm mênh mang nơi thôn xóm thưa thớt, chỉ có căn biệt phủ nguy nga quý phái của gia đình ông Cả là còn đèn đuốc sáng trưng. Những người có tuổi trong vùng này luôn luôn nhắc nhở con cháu cẩn thận đừng dây vào nhà bọn họ, không chỉ vì họ giàu, mà còn là vì thân thế của ông Cả... không tầm thường.
Thời xưa, khi triều đình vẫn chưa kiến thiết xong quan đạo, hàng hóa thông thương khó khăn, đội buôn băng qua đường rừng thường thất thoát cả tiền của lẫn nhân mạng vì nạn phỉ. Ông Cả, tên cúng cơm gọi Dương Chí Nghĩa vốn cũng là một thương buôn, từ trong khó khăn nhìn ra sinh cơ, bèn dốc hết vốn liếng chiêu mộ, bồi dưỡng những người có tài võ nghệ về lập thành đoàn bảo vệ đội buôn, tổ chức ấy gọi là “tiêu cục”. Đương nhiên mỗi lần đồng hành, bên thuê cũng phải bỏ ra không ít, nhưng so với mất hết vào tay thổ phỉ thì có đáng là bao.
Gặp thời, lại có đầu óc kinh thương, việc làm ăn của Dương Chí Nghĩa lên như diều gặp gió, chẳng mấy chốc ông ta đã từ một thằng buôn đồ sành sứ nhà quê trở thành tay cự phú nức tiếng cả vùng Xứ Đông, thê thiếp thành đàn, dưới trướng có trăm ngàn thuộc hạ. Ấy thế mà đang lúc đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, Dương Chí Nghĩa lại đột ngột rút khỏi giới, giải tán tiêu cục, trở về quê cũ làm một phú ông nhàn tản ở độ tráng niên khiến cả giang hồ xôn xao bàn tán.
Đã mười lăm năm trôi qua, rất ít người còn nhớ ông chủ tiêu cục Chí Nghĩa năm xưa. Hiện tại chỉ có phú hộ Cả cùng gia đình họ Dương sống trong tòa Dương Trạch tường kín cổng cao, bao quanh bởi những nóc nhà tranh ọp ẹp ở ngoại ô Trấn Gia Lộc.
Lúc này, ngoài cửa lớn, một người đàn ông thoáng liếc tấm hoành phi ghi hai chữ “Dương Trạch” rồng bay phượng múa trên cao, chậm rãi đi qua hai con chó đá bệ vệ ngồi trên bục, đến trước mặt tay gia đinh gác cổng đang ngáp ngắn ngáp dài, chán nản vì không được đi trảy hội. Gia đinh còn chẳng thèm nhìn khách, uể oải khép miệng, đứng dậy hỏi:
- Ông là ai? Muốn tìm ai?
- Ta cần gặp chủ nhà này.
Tay gác cổng không nhìn rõ gương mặt của người đến vì hắn đội nón lá lụp xụp, chỉ biết hắn mặc đồ đen, nai nịt gọn gàng, lại khoác trên vai một cuộn vải sờn rách dài cỡ chín tấc, rộng cỡ một gang, không biết bên trong bọc lấy thứ gì. Giọng nói của hắn trầm đục, đều đều như tiếng cối xay, thái độ kì lạ khiến gia đinh không khỏi có phần dè chừng. Anh ta cau mày, đuổi khéo:
- Ông Cả đang bận tiếp khách, có chuyện gì ngày mai anh hãy quay lại.
Đối phương im lặng một lát, đoạn lắc đầu:
- Không được, nhất định phải là hôm nay.
- Ơ cái anh này hay nhỉ? Đợi đến mai thì anh chết hay sao? – Gia đinh bắt đầu mất kiên nhẫn, bực dọc mắng.
Người đàn ông nghe vậy, khẽ bật cười, đáp:
- Ta sợ đợi đến mai thì ông Cả chết mất rồi.
Người gác cổng trợn mắt, nhận ra là tên này cố tình đến gây chuyện, bèn hùng hùng hổ hổ, quay qua quay lại vớ được cây gậy bọc sắt gác ở bên cạnh lên, xỉa vào ngực hắn, đe:
- Cái mồm, cái mồm nói xằng nói xiên gì đấy? Ông lại cho mày một gậy hộc tiết ra bây giờ! Có cút ngay không thì bảo?
Người đàn ông cúi đầu nhìn gậy gỗ ép sát ngực mình, vẫn không nói gì. Khi gia đinh tưởng là hắn đã biết sợ, chuẩn bị cúp đít chạy mất như tất cả những thằng lưu manh khác thì nhanh như chớp, hắn vươn tay nắm đầu gậy giật mạnh. Gia đinh mất đà ngã về phía trước, hắn nghiêng người tránh đi, từ trong ống áo trượt ra một con dao găm, thuận thế đâm vào cổ anh ta.
Cây gậy gỗ rơi xuống đất, lăn khỏi thềm, dừng lại bên chân chó đá.
Gia đinh vùng vẫy muốn tránh khỏi tay hắn nhưng bàn tay như gọng kìm đã xiết vỡ khớp vai, dễ dàng xách cơ thể cường tráng vạm vỡ hơn cả mình đứng thẳng dậy. Anh ta muốn gào lên báo cho đồng bạn vừa tuần qua không lâu, nhưng lưỡi dao sắc bén cắt đứt khí quản khiến tiếng hét vỡ vụn thành tiếng sặc máu òng ọc, máu loãng cùng nước bọt túa ra, ướt đẫm cổ áo. Chẳng mấy chốc, thấy đối phương không còn giãy giụa nữa, chỉ có tiếng khò khè thoát ra từ vết đâm chí mạng, người đàn ông kéo theo cái xác, đường hoàng bước vào Dương Trạch.
Đêm Thượng Nguyên, trên trấn sớm thì giăng đèn kết hoa, muộn thì sênh ca múa hát, ai còn tâm trạng mà làm việc? Ông Cả dứt khoát cho lũ gia nô nghỉ vợi đi xem hội, chỉ để lại mấy đứa khỏe mạnh trông nhà, mấy đứa ở nhà cũng được thưởng to, chả đi đâu mà thua thiệt.
Nào ngờ sự hào phóng và tốt bụng của ông lại khiến cho cả nhà họ Dương chịu họa sát thân.
Người đàn ông quỳ một gối xuống đất, lau lưỡi kiếm vào vạt áo của cái xác nữ nằm úp trên ngạch cửa, cái mà hắn đoán chừng là của bà Cả. Hắn từ tốn, tỉ mỉ lại chăm chú, lau hết lưỡi kiếm lại lau đến chuôi kiếm bằng đồng thô to như một thân rắn độc với lớp vảy dày đen chũi, không hề để ý đến ông Cả - người hắn nói muốn gặp đang ở ngay trước mặt.
Ngài phú hộ ngồi trên sập gỗ khảm trai, tư thế từ đầu đến cuối không hề thay đổi, kể cả khi chứng kiến ba bà vợ, hai đứa con trai và bảy thằng gia đinh của mình bị chém chết tươi. Trên mặt sập cao phủ nhiễu điều quết đất là bữa cơm cúng Rằm thịnh soạn vẫn còn bốc khói nhẹ. Nếu mấy bát canh chân giò nấu măng không váng lên một lớp mỡ lẫn máu tươi thì cỗ hôm nay còn ngon mắt hơn nữa.
Thấy kẻ sát nhân vẫn điềm nhiên lau kiếm, chẳng hé một lời, ông Cả thức thời hạ giọng:
- Mặc xác mày là ai, chỉ cần mày để tao sống, của cải trong nhà này mày cứ mặc sức lấy...
Người đàn ông cười khẽ:
- Chà, cũng biết điều đấy, quả là có một vật đủ để đổi mạng mày. – Hắn dừng tay, đôi mắt lạnh lùng khuất sau vành nón dõi về phía lão. - Côn Sơn Thần Phù thì sao?
Bình luận
Chưa có bình luận