Giữa cái trưa hè oi bức, người ta ra đường chỉ muốn tìm một hàng nước nhỏ để tấp vào uống cho đỡ khát. Ấy vậy mà ngoài đồng xa, những người nông dân vẫn cần cù lao động phơi thân mình dưới ánh nắng chói chang. Bà Tư Béo đang ngồi phe phẩy cái quạt mo cũ, chốc lát lại chắp tay sau lưng đi ra nhìn trời. Bà năm nay đã hơn thất tuần, dáng vẻ mập mạp hay được gọi là tướng phúc hậu, ngày nào bà cũng têm trầu rồi nhai đến tận cữ trưa mới dứt. Độ vài năm lại đây sức khỏe sa sút, bà về quê nhà mở hàng nước nhỏ dưới gốc đa đầu làng. Trước bà sống cùng gia đình anh con cả ở thành phố, cuộc sống tiện nghi chẳng có gì thiếu thốn; chỉ ngặt là cô con dâu hay bày vẽ này kia nào là mình phải tân tiến để không thua kém ai, cái nết của cô ấy khiến mẹ chồng nàng dâu không thuận hòa vì tư duy cũ mới. Sợ con trai đứng cửa giữa thì khó lòng, bà nén uất ức mà về quê cho yên thân già. Nước chè bà nấu không quá chát, bà bảo tự tay mình lựa ra những lá tươi nhất nên ai uống cũng gật gù khen ngon. Người làng đi làm đồng hay kéo ra quán bà ngồi hàn huyên cả buổi, hay có mấy chị đi chợ về cũng tạt ngang xúm nhau mà bàn tán chuyện nhà cửa hay chuyện nọ họ gặp trên đường. Bà tuy là lâu lắm rồi không ở quê nhưng chuyện ở đây chẳng có chuyện nào mà bà không nghe biết, thậm chí rành rẽ hơn cả người trong cuộc. Mỗi khi có dịp đi công cán, thì nên ghé lại quán của bà để nghe kể chuyện, dù đôi khi nó chỉ là chuyện phiếm nhưng chất giọng của bà thì hiếm ai có, chuyện bi thì giọng trầm nghe thấy xót còn chuyện vui thì sang sảng cười tới đau bụng. Và có lẽ chuyện mà bà hay kể nhất, đó là về cây gạo già ở mô đất gần bến sông. Bà bảo rằng cây gạo như có linh thiêng, bao đời nay che nắng che mưa cho mảnh đất này...


Thấy nắng đã lên đến đỉnh đầu, bà Tư Béo cầm quạt đi ra trước quán rồi gọi lớn mấy người đang làm:


_ Này cô bác anh chị ạ, nghỉ tay vào làm cốc nước rồi ăn cơm hay ra tiếp!


_ Vâng, bác đợi cháu cuốc xong chỗ này rồi vào ạ!


Đó là giọng của anh Dần xóm trên, tháng này nhà đang kẹt nên anh đi cuốc thuê cho người ta để thêm thu nhập. Mấy người kia đã vác cuốc vác cày để vào trong mát, tuy mồ hôi lấm tấm nhưng ai cũng phấn khởi đi về quán bà Tư Béo. Họ ngồi phịch xuống ghế rồi thở hắt thật mạnh như muốn tống hết cái mệt mỏi trong người. Bà Tư Béo đã bưng sẵn một khay toàn chè mới pha còn nóng hôi hổi, bà có bán thêm đá nhưng làm cật lực thế này mà uống đá vào ngay thì bà bảo kẻo có cảm thì khổ. Bà còn chu đáo cầm quạt đi quạt hết người này người nọ, hỏi thăm xem hôm nay lúa đến đâu rồi.


_ Này cô Chút, sao ruộng nhà cô hôm nay tôi thấy khô héo vậy? Có chăm kĩ không đấy?


_ Ôi cô ạ, cháu bảo thật cô. Nhà cháu sáng tối không dám nghỉ ngơi, chỉ trông chờ vào mấy mẫu ruộng để con cái đi học. Ấy vậy mà qua giờ chúng nó cứ rũ rượi chả thấy sức sống, khéo nó bị bệnh hay gì cô ạ, rầu hết sức!


_ Hay mai cô lên xã báo với mấy anh phòng nông nghiệp để họ xuống kiểm tra. Mùa này không có sâu bệnh mà lúa thế này, chậc, chết phải biết!


_ Cháu cũng tính thế đấy, chứ kiểu này thì cháo không có mà ăn mất!


Bà Tư Béo nhìn người phụ nữ lam lũ trước mặt mà chạnh lòng, hồi cô ta mới cưới thì ôi thôi xinh đẹp như hoa mùa xuân mới nở. Chẳng qua năm ấy mẹ chồng cô ta đổ bệnh nặng liệt giường, một mình chồng cáng đáng không nổi nên cô ấy phải đi bươn chải, bây giờ nhìn cũng chẳng khác cây lúa ruộng nhà là bao. Bà con xung quanh nghe sự tình cũng thương cảm, họ khuyên bảo cô cố gắng vì chồng vì con chứ thời buổi kinh tế mà vật giá leo thang từng ngày thế này, không làm có mà chết đói. Ông Càn kế bên rít một hơi thuốc lào rồi nói vui là ông sắp bỏ thuốc, vì…không đủ tiền mua nữa?!


Lúc người ta còn đương cười nói rôm rả thì anh Chấn - người chuyên đi bốc vác thuê ngoài bến sông hí hửng đi tới. Anh khoe rằng anh mới được chủ cho thêm chút tiền công vì làm việc siêng năng, hôm nay nhà anh lại có thêm mớ rau con cá cho lũ trẻ nó ăn. Uống một ngụm nước chè, anh "khà" một tiếng rõ dài như mấy ông bác lớn tuổi trong làng rồi bảo rằng:


_ Chè nóng mà uống vào cứ sảng khoái cả người ra. Đúng là cô Tư có khác, thảo nào quán đông phết!


_ À mà lúc nãy cháu nghe loáng thoáng là anh Nậm về công tác tại thôn mình luôn đấy. Cây gạo đầu bến cũng bắt đầu ra lá non rồi, chỉ còn vài bông trụ lại cành thôi!


Nghe anh Chấn nhắc tới cây gạo, mặt ai cũng trầm ngâm nghĩ suy, cây gạo mà họ ngỡ đã chết khô từ lâu nay sống lại như một kỳ tích. Nhưng kỳ tích này lại đến từ một câu chuyện của người trong làng, chốc lát đã hơn một năm từ ngày ấy. Bà Tư Béo nhìn về hướng bến sông, bồi hồi nhớ lại câu chuyện xưa…


Một năm về trước…


Bác Ba Thăng là một cán bộ về hưu, nhà ở giữa làng, bác sống cùng vợ và cậu con trai tên Nậm. Bác là một người dân gương mẫu cho già trẻ noi theo, mỗi khi thôn làng có phát động chiến dịch gì là bác đều xung phong đi đầu rồi tuyên truyền khích lệ bà con theo chân. Bác tuy đã có tuổi nhưng nhìn vẫn khỏe khoắn và nhanh nhẹn, mỗi sáng bác hay cùng các bạn trong câu lạc bộ người lớn tuổi chạy thể dục. Tính bác hòa nhã, gặp ai cũng cười chào hỏi thăm nên được nhiều người quý mến hay tới lui nhà bác chơi. Vợ bác làm công tác hậu phương ở trên tỉnh, hai người gặp nhau qua mai mối và nên nghĩa vợ chồng. Lập gia đình thời giao tranh, bác gạt buồn vui từ biệt gia đình để ra chiến trận khi xong đám cưới được ba ngày. Giặc đánh ác liệt, bác ngày đêm xông pha không mệt mỏi để bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Vợ bác nhiều lần gửi thư xin lên thăm chồng nhưng bác cản vì sợ đường bom bay đạn lạc, ngày phép bác cũng không dám về vì sợ địch biết trong làng có người theo Cách mạng. Đến khi hòa bình, bác đoàn tụ gia đình thì nhìn lại hai vợ chồng đã gần tứ tuần mà vẫn chưa có mụn con. Bác nói thì thôi vợ chồng già ở vậy, mai mốt mất đi thì nhà nước cũng lo chu đáo cho mình. Rồi bỗng đâu một ngày trời xuân rét, tay bác ẵm một đứa trẻ đỏ hỏn còn chưa dứt sữa mẹ về nhà, vợ bác tuy bất ngờ nhưng vẫn lấy làm vui vì nhà có trẻ con. Chẳng ai biết từ đâu bác có đứa trẻ đó nhưng hai vợ chồng thống nhất từ nay nó là con trong nhà, những chuyện khác thì cứ để thời gian sau rồi tính. Bác đặt tên nó là Nậm, vì lúc đem về thì trên người nó còn quấn mấy cái bánh nậm. Từ ngày có con, trong nhà ríu rít hẳn vì tiếng cười đùa của trẻ thơ. Bác không còn đi sớm về tối cùng công việc nữa mà ở nhà nhiều hơn, vợ bác cũng xin không đi công tác xa để ở bên gia đình. Nhiều người nghe tin thì chúc phúc cho bác vì nhà nay đã có con lại còn là một thằng cu nữa. Nhưng miệng đời cũng lắm chua cay, người tâm địa thì ác miệng bảo bác đi kiếm con rơi rồi về bắt vợ nuôi kẻ lại bảo có chắc là con mình không mà cưng như trứng mỏng thế. Bác nghe thấy hết nhưng bỏ ngoài tai, xưa nay lắm lời nhất là thiên hạ, phải đâu quan tâm kể từng người.


Rồi thời gian dần trôi mau, Nậm ngày nào đã trở thành một cậu thanh niên cao lớn và đầy hoài bão của tuổi trẻ. Bác Ba Thăng đi đâu cũng khoe cậu con trai mình với mọi người, bác nói với giọng tự hào vì trong làng có con bác là được ăn học đầy đủ và sắp tới sẽ lên tận thủ đô để học đại học. Thuở ấy nước ta mới bắt đầu hồi phục kinh tế nên người dân chưa dư dả nhiều, nhà bác may mắn hơn là có chút tiền cho con đi học vì bác quan niệm có biết chữ mới xây dựng đất nước đi lên rồi biết chữ mới nuôi được bản thân mình. Vì lẽ ấy mà khi Nậm nhận tin đỗ đại học, bác Ba Thăng chạy từ làng trên xóm dưới báo tin mừng. Người làng kéo tới chúc mừng ùn ùn và ăn tiệc mấy ngày liền bởi ở đây có mấy người được như Nậm, lại còn đỗ cả đại học ở thủ đô cơ!


Nậm chọn theo học kiến trúc vì anh mong muốn tiếp cận những cái mới, những cái văn minh để đổi đời cũng như cải tiến quê hương. Nậm tuy ở trong gia đình gia giáo nhưng tính cách lại khá ương bướng và đôi khi cố chấp cãi lời người lớn. Bác Ba buồn lắm, nhiều lần khuyên nhủ con đổi tính để sống hòa hợp với mọi người, những khi ấy thì Nậm lại gạt ngang bảo rằng bố lo xa. Ngày tiễn anh ra bến đò đi học, bác Ba cùng vợ rơm rớm nước mắt ngắn dài, nuôi con bao nhiêu năm chưa từng nghĩ sẽ xa cách thế này. Làng xóm cùng bạn bè căn dặn anh đủ điều, người ta sợ anh như những trai làng khác, dễ bị xao lòng trước những thứ phù hoa. Nậm đi tìm khung trời riêng đằng sau lũy tre làng, anh mang theo hy vọng và gửi gắm của người dân về cuộc sống khá khẩm hơn cũng như đem tri thức về cho lớp trẻ sau này. Bến đò hôm ấy mưa phất phơ, mưa rơi trên mặt những con người chẳng bao giờ bước ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn, họ cứ nhìn mãi cho tới khi con đò chở anh khuất bờ bên kia. Vợ bác Ba cùng người làng quay về nhà trước, chỉ còn bác lặng lẽ đứng dưới gốc gạo già, từng cành cây xòe ra tán lá như đang che chở bác khỏi cơn mưa ngày một nặng hạt. Và từ ngày Nậm đi khỏi làng, gia đình bác Ba vắng vẻ tiếng nói hơn, đi ra đi vào chỉ hai người già neo đơn nhìn nhau. Người làng thì cũng tới lui thăm viếng nhưng được ít lâu họ lại về nhà, rồi thì những đêm dài trằn trọc lo lắng con ở xa khiến hai vợ chồng bác Ba ốm đi hẳn.


Từng ngày trông ngóng tin tức về con đã được đáp đền, cầm trên tay lá thư còn xanh màu mực mới, bác Ba xúc động đến dâng trào. Bác chạy một mạch về nhà khoe với vợ, tuy đang dỡ tay nấu nướng nhưng nghe bác báo tin mừng thì bà ấy cũng vội vàng gác lại tất cả. Cầm lá thư trong tay, bác nâng niu như đứa trẻ có được món đồ chơi yêu thích, vợ bác ngồi cạnh cứ hối thúc mau mau mở ra để xem bên trong viết gì.


Bác lấy hơi dài rồi hắng giọng đọc to rõ từng chữ một trong bức thư. Đôi mắt không còn tinh anh khiến bác gặp khó khăn khi liên tục đọc vấp, đọc thiếu chữ, thậm chí có chỗ Nậm viết không rõ làm bác rặn mãi mới đọc ra. Được phân nửa thì vợ bác đưa cho cốc nước uống thấm giọng mới đọc tiếp, bác lại ho khan một tiếng rồi tiếp tục phần dang dở. Xuyên suốt hai trang giấy là lời của Nậm kể về cuộc sống ở thành phố những ngày qua, Nậm ghi chi tiết từng nơi Nậm tới và những gì Nậm thấy, mô tả rõ nét tất cả mọi thứ mà mình đã học được ở nơi hiện đại đèn hoa này, anh khen tấm tắc rằng thành phố văn minh gấp mấy lần dưới quê và người ta ở ngoài đường nhiều không kể xiết,... Bác Ba gái ngồi cạnh cũng phải trầm trồ bởi mỗi khi đi công tác trên thị xã thì bà ngỡ chỗ đó đã tiến bộ lắm rồi, không ngờ qua lời của Nậm thì mới ngộ ra vùng mình sống chỉ bằng một phần mười!


Đặt bức thư đã tới dòng cuối xuống bàn, bác Ba lặng lẽ ngoảnh mặt nhìn ra khoảng sân vắng, cái sân mà ngày bé Nậm hay chơi cùng lũ trẻ trong làng, nay chỉ còn là gió lạnh đìu hiu. Vợ bác nghe xong cũng trở lại vào bếp, hiên nhà vắng còn mình bác Ba ngồi trăn trở. Ông bỗng nghĩ về những ngày tháng Nậm còn ở đây, nghĩ về những kỉ niệm cha con vui buồn, nghĩ về những mùa hoa gạo gia đình cùng đón xuân về, sao nay có gì đó thiếu thốn. Lá thư Nậm gửi có bao dòng đâu, đọc loáng thoáng chưa đầy nửa tiếng đã xuôi hết rồi, nhưng có mấy dòng trong đó là hỏi thăm mẹ cha quê nhà. Câu trước khen thành phố thì câu sau đã chê bai nơi mình lớn lên, câu giữa bảo rằng nơi đó đáng sống hơn thì câu cuối đã vội kết luận quê nhà nghèo nàn, lạc hậu. Tới cuối thư mới thấy Nậm ghi mấy dòng hỏi thăm nhà. Đấy, vỏn vẹn có bấy nhiêu thôi, nghĩ cũng chạnh lòng…


Phải chăng con người ta dễ quên đi những điều mộc mạc, giản dị mà chạy theo cái thời thế rồi "nửa mùa" quay lại bảo người này người nọ lạc hậu nếu họ không bắt kịp nhịp điệu. Người xưa hay bảo "có mới nới cũ", đời trước vì tình yêu đất nước mà xung phong ra trận giữ cho quê hương yên bình, đời này hiện đại thì sinh ra nhiều người có tư duy "nửa mùa" không trân trọng giá trị truyền thống.


Bác Ba thầm thì trong lòng là thằng con mới đi có gần tháng mà đã như dân thành thị rồi, chưa gì đã quay ngoắt nói xấu cố hương. Ở nhà lo lắng cho nó đủ điều thì ở phương trời xa nó đã bay nhảy khắp nơi, thư này mà tới tay người khác trong làng họ đọc được thì khéo chửi tới ba đời chưa dứt. Chán nản, ông chắp tay sau lưng đi lững thững từng bước ra đầu ngõ kiếm xem có ai bắt chuyện. Bóng chiều vàng dần tàn, mọi người ai về nhà nấy sau một ngày vất vả, đường làng vắng hoe chỉ thưa thớt tiếng gió lùa ngoài đồng. Bác Ba cứ thế đi mãi, đi đến tận đầu làng, thấy đằng xa kia ở bến sông là những người bốc vác thuê đang làm nốt chuyến hàng cuối ngày. Bà Tư Béo đang dọn hàng thì trông dáng ai quen quen đứng bần thần dưới gốc đa. Bà nheo mắt dưới ánh sáng chập choạng tối, gương mặt bác Ba đầy vẻ âu sầu đang nhìn xa xăm dịu vợi. Bà bèn cất tiếng gọi:


_ Này chú Ba, muộn rồi sao không về nhà? Giờ này hay sương xuống, về đi kẻo cô nhà trông.


Nhưng sau tiếng gọi, bác Ba vẫn đứng bất động ra như trời trồng, khoảng cách không quá xa đến nỗi bác không thể nghe được bà Tư Béo. Thấy bác Ba không hồi đáp, bà dùng cái chày gõ liên hồi lên chiếc chuông treo ở cửa, chuông này để khi khách đến mà bà ở sau hè thì đánh vào để bà hay có người. Bác Ba như trở về từ cõi mộng, giật mình nhìn quanh rồi thở phào khi thấy bà Tư Béo vẫy vẫy tay bảo lại đây. Bác bước đi mà như cây khô thiếu nước, ngồi phịch xuống phản tre với đại ấm chè đã lạnh tanh đổ thẳng vào miệng. Bà Tư Béo cũng tới ngồi đối diện, xếp bằng hai chân rồi chống cằm nhíu mày nhìn người trước mặt. Bà thầm nghĩ chắc lại có chuyện phiền não mới bước lê lết như thế.


Bác uống cạn cả ấm chè, sau đó kể tường tận sự tình, vừa kể vừa miêu tả bằng hành động rất chi tiết. Bà Tư Béo nghe nhập tâm đến nỗi nhai hết cả cơi trầu mà quên luôn nhả bã. Kết thúc câu chuyện, bác Ba như trút được gánh nặng, tinh thần giờ đây đã phấn chấn hơn. Riêng bà Tư Béo đã lên tiếng bức xúc:


_ Ôi thì thằng Nậm cũng như cô con dâu nhà tôi, nó cũng chỉ là đứa con gái nông thôn được "thành thị hóa". Lúc nào cũng muốn mình phải hơn người, phải sống tân tiến để không thua kém ai, thế là sinh ra thói đua đòi và a dua!


Bác Ba nghe thế chống cằm ngồi ngẫm, suy ra thì Nậm ở trong thời bình lại đang lúc người ta cởi mở nhiều cái mới. Thành thử ra lớp trẻ không còn quan tâm mấy đến truyền thống đạo đức, thậm chí đặt nó bên lề cuộc sống. Nhưng ông vẫn thấy lấn cấn lắm, nhỡ nó ở lâu quá trên ấy mai này không chịu về thăm nhà thì sao!


_ Nó cũng chỉ là đứa con nít mới lớn chưa trải sự đời, lại chưa từng bước qua khỏi lũy tre làng. Thôi thì mình cứ một lần buông để nó được va vấp với đời. Chú về nhà đi, sương sắp xuống rồi, kẻo lại đau cái chân!


Dưới hiên nhà gió đã thổi lành lạnh, tiếng ếch nhái ồ ồ nghe rợn gáy vang văng vẳng, tiếp ấy là tiếng những con dế đang cất lên trong bụi rậm hay trên đầu ngọn cỏ dại; làng quê nghèo chỉ có những điều ấy làm vui, và cũng là nơi dành cho những ai muốn xa lánh thị thành để giữ cho mình một cái hồn sạch trong.


Bác Ba khó khăn đứng dậy, ông phải chống một tay vào phản và tay kia đặt lên đầu gối phải, cứ hễ ra gió lạnh là chân ông lại đau nhức nhối và tê rần cả đi. Cơn đau ấy là minh chứng cho một thời oanh liệt của dân tộc, ngày ấy mỗi lần ra trận thì bác đều xông pha mở đường, rồi thì lần ấy chẳng may bị tập kích khiến bác bị thương rất nặng ở chân. Dù được cứu chữa tận tình nhưng phải chịu biến chứng suốt đời, đó là bác sẽ không thể đi lại bình thường như người khác và cơn đau dai dẳng mỗi khi trái gió trở trời. Khoảng vài năm trước bác được mấy anh trên thị xã hỗ trợ trị liệu nên đôi chân đi lại dễ dàng hơn một chút, chỉ có bệnh đau khớp là chịu tới chết mới hết thôi. Giờ đây con đường về nhà tuy ngắn nhưng cơn đau làm bác đi mãi chẳng thấy đến nơi, nhưng bác phải cắn răng mà lê từng bước nhọc nhằn.


Chuyện cũ dần vơi, chuyện lá thư đã nguôi ngoai phần nào, bác cất gọn nó vào ngăn tủ giữ gìn. Cứ đều đặn ngày thứ bảy hằng tháng, Nậm lại gửi tin về nhà một lần, nội dung cũng xoay quanh cuộc sống sinh viên mà thôi, thi thoảng là nhờ nhà gửi học phí để thanh toán cho trường. Tuy quyết định cho con học lên cao biết là tốn kém nhưng nhìn số tiền Nậm ghi thì bác không khỏi choáng váng, đoạn này phải chi tiêu dè xẻng mới đủ cho nó tới khi ra trường. Bác Ba rút trong túi áo ra cuốn sổ ghi chép các tiền từ lúc thằng con đi học đến giờ, tốn kha khá chứ chẳng vừa gì. Đương lúc ông còn đang bấm ngón tay tính toán, thì bà vợ bảo rằng hay là mình gửi đồ ăn ở nhà lên trên ấy để đỡ tiền sinh hoạt lại chẳng lo vấn đề vệ sinh. Bác Ba nghe thế chống cằm suy niệm, kể ra ở nhà rau cá chất đầy nhưng ăn uống chẳng bao nhiêu, chi bằng làm theo cách ấy để giảm gánh nặng cho đôi bên. Thấy chồng gật đầu, bác Ba gái tất bật vào việc, trong nhà có thức gì ngon là bác gom góp lại thành một bao to gửi cho thằng con. Lương hưu của hai vợ chồng cũng khá nên ráng nhịn chút là đủ sống qua ngày, lại sẵn nắm rau mớ cá thì không lo không có cái ăn, chỉ là muốn sắm sửa thì phải đắn đo mãi. Số tiền được bác Ba gái dùng dây buộc chặt rồi gói trong phong bì, lại buộc thêm mấy vòng vì sợ rơi rớt, cả đời bà chưa bao giờ tiêu số tiền lớn thế này nhưng vì con nên ráng cắn răng.


Sớm mai khi đường làng còn thưa thớt, bác Ba đã tay xách nách mang khệ nệ lên ủy ban xã nhờ thằng cháu họ bên ngoại chở ra bến xe. Anh Long - một cán bộ trẻ tuổi, cũng đi học xa như Nậm nhưng lại từ bỏ công việc nhiều người ước ao để về lại đây, anh luôn vận động các hộ gia đình trong làng cho con cái đi học và sẵn sàng giúp đỡ những hộ nghèo về vật chất lẫn tinh thần. Bác Ba quý anh Long lắm, bác thường kể những việc tốt anh làm cho Nậm nghe như một tấm gương sáng mà noi theo học tập, bác mong ngày nào đó Nậm học xong rồi về đây, để anh em nó cùng nhau xây dựng bản làng đi lên.


Hai bác cháu chạy bon bon ra tới bến đò, gặp anh chủ đò đang đứng chỉ đạo mấy người nhân công, anh Long cất tiếng hỏi:


_ Xe này chở qua đò được không ông chủ?


_ Qua tất nhé!


Lúc chạy ngang qua mặt, bác Ba cúi đầu cảm ơn với ông chủ đò, trước người này được bác giúp đỡ số vốn làm ăn khi nhà kẹt. Sau khi đã yên ổn thì anh ta gom góp trả nhưng bác Ba từ chối nhận, bác bảo dùng tiền đó góp vào quỹ chung của làng, để ai có khó khăn thì lại giúp đỡ tiếp. Vừa nãy anh nhìn đã nhận ra người ơn, nhưng nếu không lấy tiền công thì bác Ba dứt khoát không đi bởi ông chuyện nào ra chuyện nấy, nên lấy giá bằng luôn với người ta nhưng lúc trả thì kéo anh Long ra góc khuất và giả bộ móc túi xem như đã trả rồi.


Đi khoảng mấy cây số đã ra tới đường lớn, chỗ này người ta tráng nhựa đẹp hơn đất bằng trong làng, ngồi cũng êm êm cả người. Ra bến xe thấy người ta qua lại tấp nập, nào là gà vịt rồi hàng hóa đủ kiểu chất đầy trên đất, tiếng la ó inh ỏi của mấy anh chở hàng hay tài xế đang hô hào mọi người nhanh chân kịp chuyến. Đó giờ sống ở làng quê yên tĩnh quen rồi, mới ngồi đây chút mà ngỡ đi xem hội xuân khiến bác cứ thấy ngợp lòng; thấy người ta đông nên bác ôm khư khư giỏ tiền không dám buông, ngày xưa thì giữ súng như vàng còn ngày nay mất tiền coi như vàng hóa đổ ra sông.


Bác Ba cảm thán ra mặt, sao người ta thích bon chen đông đúc như vậy, rồi thì đã có xích mích xảy ra giữa những người dân với nhau, ôi thôi hỗn tạp quá không thấu nổi!


Rồi thì năm hết tết đến, người người nhà nhà sửa soạn đủ lễ cho ba mùng quan trọng đầu năm, vật phẩm nhà quê đơn sơ mộc mạc nhưng thấm vị tình thâm. Ai có dư thì nhường người chưa có, ai có nhiều thì chia người có ít, cứ vậy mà san sẻ cho nhau đù đầy. Trẻ con mong chờ đêm giao thừa, người lớn mong bánh chưng mau chín, người già lại mong con cháu về đoàn viên!


Gió xuân mang theo hương thơm nồng của lúa mới, thổi mơn man trên từng mái nhà trong làng, những nhành đào cũng đang chờ đến lúc bung nở khoe sắc. Gần tết nên bà Tư Béo mời mọi người thứ trà bà ủ đã lâu, chỉ mang ra những dịp quan trọng để đãi khách; hương vị bình dân nhưng có thể sánh ngang các thứ trà trứ danh khác.


Tết đầu tiên Nậm xa nhà trở về, vợ chồng bác Ba sắm sửa nhiều hơn năm ngoái để tẩm bổ cho thằng con. Bà con trong làng ai cũng ngóng theo Nậm về, họ muốn được nghe kể về nơi thị thành mà cả đời chưa một lần đặt chân đến, họ hy vọng Nậm sẽ đem chút quà bánh ở trên ấy về đây cho mọi người mở mang tầm mắt. Đếm ngược từng ngày, bác Ba giết thời gian bằng cách ngày nào cũng ra trông dưới gốc gạo, khi nào mặt trời đứng bóng mới chịu về thôi. Mà hình như cây gạo cũng đang mong chờ cố nhân về...


Đêm hai mươi nhăm, khi chuyến đò cuối cùng đã cập bến, bác Ba hồ hởi chạy ra xách đỡ phụ thằng con. Vợ bác gặp con thì lòng vui như trẩy hội, cứ ôm hôn không buông khiến Nậm phải nhăn nhó bảo mẹ đừng làm quá. Làng xóm nghe tin cũng kháo nhau kéo qua chào hỏi, nhưng không ngồi lâu mà đợi sáng mai cho đông đủ rồi hàn huyên. Bác Ba thấy con mình được yêu thương như thế cũng lấy làm vinh hạnh, hẹn mọi người ngày mai trà bánh đúng lễ. Nậm lâu lắm mới ngồi đò nên anh mệt rũ rượi ra, soạn ra ít đồ đưa bố mẹ rồi quay vào buồng cũ để ngủ. Bác Ba lựa ra cái áo đẹp nhất Nậm tặng để mặc đi chúc tết họ hàng, những cái khác bác cất đi mặc dần độ thêm chục năm nữa cũng mới toanh.


Mấy ngày đầu, Nậm còn ra vào nhà này nhà kia hỏi thăm biếu quà, tuy không niềm nở lắm nhưng cũng ráng nặn ra nụ cười. Những ngày sau anh hầu như quanh quẩn trong nhà hay ra vườn ngắm nghía cây trái, dường như Nậm không mặn mà lắm với tết quê nhà như mọi năm. Trong nhà có ba người mà chỉ có Nậm với mẹ là trò chuyện rôm rả với nhau, mỗi lần mẹ hỏi về thành phố là anh nói như bắt đúng đài còn chuyện trong nhà thì anh chỉ qua loa cho xong. Bác Ba muốn dẫn con đi chỗ này chỗ kia như hồi lúc trước nhưng thằng con hẹn lay lắt mãi chẳng làm, bác nghĩ nó xa nhà lâu nên có chút lạ lẫm.


Qua mấy ngày tết thảnh thơi ngồi chơi xơi nước, thì cũng là lúc cái cuốc cái cày lại nằm trên đồng cùng người nông dân. Hôm nay trong làng tổ chức lễ gieo mạ cho vụ mùa mới, những bậc cao niên đi đầu rồi đến những trai tráng theo sau, họ cầu mong cây lúa sinh hoa trổ trái để họ có những hạt gạo no đầy cuộc sống. Bác Ba bảo Nậm ra tham gia theo mấy anh mấy bác để giữ gìn truyền thống, sẵn cho anh vận động thân thể, nhưng anh bĩu môi phán câu này:


_ Bố với người làng tin mê tín quá! Cây cỏ sống được là nhờ thời tiết thuận hòa, sao phải khấn vái rồi lễ lạt cho nhọc công!


Trong giây phút nghe câu ấy mà bác Ba đứng hình, hỡi ôi thằng con nó phê phán cả văn hóa bao đời nay của làng. Nếu là lúc trước thì nó hăng hái lắm, sao giờ thay đổi xoành xoạch thế này!


_ Con không đi thì thôi, đây là truyền thống làng ta, đừng nói thế mọi người quở phạt. Bố thấy vậy là không được, con phải tự xem lại mình đi!


Nậm nghe vậy thì quay phắt nhanh vào buồng đóng sầm cửa, bác Ba ngồi bệt xuống ghế mà lòng thất vọng tràn trề. Giờ đây quyết định để nó lên thành phố học làm bác phải nghi ngờ là đúng hay sai?!


Sáng ngày tiễn ra bến đò, Nậm bảo bố mẹ cứ ở nhà không cần ra tận ấy cho xa. Anh bảo mình lớn rồi, đồ đạc chẳng mấy là nặng nề, bố mẹ ra ấy lại khóc lóc níu kéo làm lòng anh dùng dằng. Bác Ba nghĩ chắc anh còn giận mình nên ừ ừ nói sẽ không ra, nhưng Nậm vừa đi một đoạn thì ông lại lủi thủi theo sau. Nậm đi một đường thẳng ra tới đò, chẳng bao giờ anh quay đầu nhìn lại xem có ai dõi theo. Khi tiếng đò thông báo chuẩn bị chạy, bác Ba nấp sau cây gạo để chắc rằng anh đã bình an lên đò, lúc ấy bác mới thở phào. Chợt nhìn lên cao, cây gạo xơ xác khô cằn không giống như sắp ra hoa, lòng bác linh cảm điều gì đó bất thường. Đêm về bác nghĩ ngợi, cây gạo tuy già nhưng sức sống mãnh liệt, chưa bao giờ cây có dấu hiệu ùa tàn như bây giờ. Mùa xuân này nếu cây gạo không ra hoa, chim chóc chẳng kéo về làm tổ, thì còn ý nghĩa gì nữa của năm mới; huống chi cây lại là thần của làng, cây có bề gì thì làng cũng lo theo.


Quả đúng như dự cảm, một nụ hoa nhỏ cũng không mọc ra trên cành, mọi năm chim chóc kéo về rợp trời thì nay vắng lặng như tờ. Thậm chí cây gạo còn gãy mất những nhánh to càng khiến người làng một phen sốt vó, các bậc cao niên cúng đình thì cho rằng thần linh quở trách rằng có ai làm quấy nên làng bị vạ. Người lớn cấm trẻ con không được lãng vãng hay trèo lên cây gạo chơi nữa, vì sợ nguy hiểm. Những người hiểu biết hơn thì đi tìm cán bộ nông nghiệp để biết câu trả lời, ai ai cũng tìm cách để cứu lấy cây gạo duy nhất này. Cây gạo ở trong tiềm thức người dân bấy lâu nay, gắn bó như xương máu với làng, là một thời tuổi thơ khó quên của nhiều lớp người, mà giờ đây nó đang dần rời xa trong ký ức…


Tiết tháng ba, những cây giống hay mạ non do tay người vun trồng đang dần trổ sinh sức sống, vườn nhà ai cũng xanh một màu lá mới bao trùm cả ngôi làng nhỏ. Từ sáng tinh mơ, bác Ba đã chuẩn bị bánh trái và hoa cúng đề huề, chờ tới khắc là mang ra cúng tế. Cứ mỗi năm đến tháng ba, hai vợ chồng lại sửa soạn mâm lễ ra cúng trả cho cây gạo. Lúc còn trẻ, bác chẳng tin vào thần linh hay ma quỷ, chỉ tin những gì xảy ra trước mắt mới là thật. Khi con người ta tuyệt vọng đến đường cùng thì niềm tin tâm linh sẽ cứu vớt cho họ. Ngày qua tháng lại, bác liền thử một phen đánh cược, mong muốn duy nhất là được có một đứa con. Trước nay mọi chuyện cúng bái đều do vợ bác lo liệu thay, nhưng sau đó thì do đích thân bác chọn lựa và khấn đầu. Bền bỉ nhiều năm trời, bác cũng được đáp lời như ước nguyện, tuy Nậm tính tình ương ngạnh nhưng cũng gọi là phúc trời ban cho nên bác không dám kể khó chi. Dù thỏa lòng mong ước, bác cũng không quên thông lệ hằng năm của gia đình, vẫn đều đặn trả lễ đến bây giờ. Năm nay cũng vậy, bác vẫn một lòng tin rằng cây gạo vẫn còn trụ được.


Đúng khắc, mặc cho nắng dọi đỉnh đầu, hai vợ chồng thắp nén hương cắm vào bát hương đặt dưới gốc gạo, hai chân quỳ xuống thành tâm vái lạy. Sau khi ba lạy đã xong, bác niệm riêng trong miệng những điều mình khấn nguyện, rồi chắp tay lên đầu cúi người cảm tạ. Vậy là hết những việc quan trọng đầu năm, xem như cũng nhẹ lòng.


Gồng gánh qua bốn năm dài đằng đẵng, Nậm ra trường với tấm bằng loại giỏi. Anh xin về trên tỉnh làm ở phòng quy hoạch, công việc là vẽ bản thảo những hạn mục xây dựng. Ngày anh về nhà báo tin mừng, người làng ra đón tận cổng như trạng nguyên vinh quy bái tổ. Cả làng vui như mở hội, làm tiệc lớn hơn cả ngày anh đỗ đại học. Thế là từ giờ làng cũng được thơm lây khi có người tài, bố mẹ cũng lấy làm hãnh diện về anh, quanh Nậm đều là những câu khen ngợi và nể phục.


Hằng ngày, người ta thấy anh quần là áo lượt chạy trên con xe đời mới được bố thưởng cho. Mặt anh kênh kiệu hẳn ra khi được bổ nhiệm về tỉnh, chức chưa to nhưng với người dân đã là oách lắm rồi. Trong công việc, anh hăng say và luôn tỏ mình là người hiểu biết sâu rộng, dự án nào anh cũng muốn được tham gia để đề xuất ý kiến. Thời tới như trúng mùa, chẳng là địa phương anh sinh sống đang có một số quy hoạch để nâng cao đời sống người dân. Anh liền ứng cử và được cấp trên gật đầu. Bắt tay vào việc và hoàn thiện sơ lược bước đầu, anh khoe với bố mẹ về thành quả. Trong bữa cơm đang diễn ra êm đềm, sau khi nghe anh trình bày xong thì bác Ba đặt mạnh bát xuống bàn, chỉ tay quát lớn:


_ Bến sống ấy là kế sinh nhai của bao người, phá bỏ đi thì người ta lấy gì mà ăn hở con? Còn cây gạo, bao đời nay là thần là ma của làng, con nghĩ con động tới cây mà được à? Bố cấm tiệt con làm chuyện quấy ấy, nghĩ cách khác đi!


_ Bố à, con là nghĩ cho làng ta. Bố thấy đó, người dân mình cực khổ mãi chẳng khá lên, cả năm cắm mặt dưới đất mà ba cọc ba đồng. Nay ở tỉnh đang lên kế hoạch xây cầu bắc ngang qua sông cho người dân tiện đi lại, rồi thì còn kéo điện về làng, xây trường học, bệnh viện đủ tiện nghi. Bố nghĩ xem, lúc đó lại có ối việc cần đến mình, cấp trên cũng đã hứa rằng họ sẽ đưa ra biện pháp bồi thường thỏa đáng kia mà!


_ Còn cây gạo, cây có cản trở gì công trình mà con đòi đốn hạ?


_ Con chịu bố luôn đấy, cái cây khô quắt thì phải bỏ đi. Mùa mưa bão kéo về lại gây nguy hiểm thì sao. Hơn nữa, không có cây gạo thì đường vào làng được rộng mở. Có xây dựng cũng không sợ vướng víu này nọ, làng ta còn cả cây đa to ấy, thờ cúng thế là được rồi!


Bác Ba thật là cạn lời với thằng con, tức đến nổi mà cổ họng nghẹn ứ không thốt ra lời nào. Bữa cơm dang dở khi bác Ba buông đũa, để lên trên bàn là gương mặt ngơ ngác của bà vợ và ngạc nhiên của đứa con. Nậm nhìn qua mẹ thì thấy bà đang nhìn mình với ánh mắt kỳ lạ, rồi bà lắc đầu đi ra sau theo bác Ba. Nậm lần đầu tiên thấy bố mẹ tức giận đến cả bỏ cơm, anh vẫn chưa hiểu tại sao một sáng kiến tuyệt vời lại bị phản bác dữ dội đến thế!?


Những ngày sau, bác Ba và Nậm như hai đầu chiến tuyến, cãi nhau nảy lửa đến nỗi bà vợ phải bất lực chào thua. Chuyện trong nhà chưa tỏ mà đầu ngõ đã hay, người làng bàn tán xôn xao về cái dự án cải tiến nông thôn mới của tỉnh, nó trở thành chủ đề chính trong mọi cuộc họp mặt lớn nhỏ. Đến lúc nãy, mọi dùi khoan đều chĩa vào gia đình bác Ba, xung quanh râm ran xì xào về cách dạy con và nhân cách của Nậm. Xem chừng qua chuyện này thì người ta lại đào bới luôn cả chuyện cũ!


Hôm ấy là ngày họp mặt hội cựu chiến binh, bác Ba tranh thủ từ sớm đi thăm các chiến hữu cũ, ông cố vui để không mang bộ mặt ưu phiền ra đường. Bác Mai - người đồng đội lâu năm nhất hồ hởi vẫy tay với bác Ba từ xa, ông bị nặng hơn bác Ba khi mất cả cánh tay trái. Suốt nhiều ngày nay nghe đồn đoán, chỉ riêng ông vẫn tin bạn mình là người chính trực, ông cũng là số ít người biết tường tận thân thế của Nậm.


_ Mới ít lâu không gặp, nay ông gầy rộp đi thế? Đau ốm gì à?


_ Không, chuyện trong nhà thôi. Ông cũng nghe nhỏ to rồi mà. Tôi đang là chịu với thằng con, nó cãi cố quá!


Bác Mai và những người khác nghe vậy chỉ biết an ủi, bản thân họ cũng mong con cháu đời sau được sống sung túc nên nghe sáng kiến của Nậm gọi là nửa buồn nửa vui. Nếu bến sông cũ không còn, nhiều người lại thất nghiệp, việc đó địa phương còn lo liệu được. Cây gạo không còn, khác chi là chết đi một nửa linh hồn của làng, nhân thế có mấy ai là hiểu về mặt tâm linh, huống chi cây lại là mối liên kết long mạch làng. Bác Mai như ngộ ra, ông nói nghiêm túc với bác Ba:


_ Nậm nó lớn rồi, chuyện cũ chẳng thể giấu mãi. Đến nước này ông cứ nói thẳng, rồi nó sẽ suy nghĩ lại mà từ bỏ ý định thôi!


Câu nói âm vang trong đầu bác Ba suốt nhiều đêm trở mình, bác muốn cả nhà này luôn êm ấm chứ không chịu được một sự xáo trộn nào. Nhưng nghĩ hoài chẳng thấy phương án nào hữu hiệu, ngày thi công lại đến gần, hi vọng đang rất mong manh.


Đến ngày kia khi tức nước vỡ bờ, anh Long vô tình tiết lộ cho bác Ba là ngày thi công sẽ tiến hành sớm hơn dự định. Nậm cũng chính miệng xác nhận, và khoảnh khắc đó anh đã nghe người mình gọi là bố bao lâu nay nói câu này: "Đúng là nuôi ong tay áo!". Câu nói ấy nhất thời anh chưa thẩm thấu hết, nó âm ỉ trong lòng thôi thúc anh đi tìm định nghĩa. Anh hiểu rõ nghĩa câu ấy nhưng sao bố lại dùng nó đối với anh, lẽ nào có chuyện gì bí mật mà anh chưa được biết?


Anh bắt đầu hỏi mẹ vì bà đã chứng kiến cuộc to tiếng ấy, nhưng bà lảng tránh và bảo rằng do bố tức giận nên nói thế. Nhưng anh tin mình chưa bao giờ nghĩ sai chuyện gì, anh chợt nhớ đến bà Tư Béo bán chè. Bà ấy rất thân với gia đình anh, theo lời kể thì bà là chị họ bên ngoại của bố, từ nhỏ hai người đã chơi chung nên có thể chuyện này bà ấy sẽ biết. Mặc dù lúc nhỏ hay ra quán nước chơi nhưng bây giờ trở lại thì cảm giác rất khó tả. Bà Tư Béo thấy anh ngồi thu lu trước quán thì ra chào đon đả, không quên châm chọc mấy câu:


_ Nay rồng lại ghé nhà tôm đấy à? Bác có ấm chè đương pha dở, cháu chờ nhớ!


_ Bác đừng nói thế, không cần nước nôi gì đâu ạ. Bác không phiền thì cho cháu hỏi thăm chút chuyện, có được không?


Bà Tư Béo nhíu mày nghĩ xem giữa hai người có gì để, bà tò mò ngồi xuống tỏ ý đang lắng nghe. Nậm nói về câu nói ẩn ý của bố cũng như vì sao bố nhất định không cho Nậm theo đuổi công trình, Nậm hỏi dồn dập khiến bà Tư Béo bối rối một hồi. Chuyện này bà đã hứa không kể, nhưng đối mặt với gương mặt mong mỏi của Nậm thì bà đành xuôi tai. Bà chỉ ra cây gạo rồi bảo:


_ Con bị bỏ dưới gốc cây gạo, bố con đã thấy và đưa con về. Đây là sự thật mà bấy lâu nay con chẳng hề biết!


Nậm như thất kinh, anh như không tin vào tai mình, anh chỉ là đứa bé được lượm về chứ không hề có máu mủ với bất kì ai!?


_ Bác nói đùa cháu phải không? Sao bố cháu chẳng nói gì cả? - Nậm cố gắng để chứng minh đây là bịa đặt.


_ Vì bác đã thấy bố ẵm con đi từ cây gạo vào trong làng. Bố con là người chính trực, ông không bao giờ có chuyện con ngoài giá thú!


Thấy bà Tư Béo nói rõ lời mồn một, đất trời quanh Nậm như sụp đổ, bởi vì từ nhỏ đến lớn bố mẹ đều thương yêu và lo lắng cho anh, sao người ta có thể làm thế với một người không cùng dòng máu chứ!


_ Bố con mỗi năm đều mang lễ ra cúng ma cây gạo, với mục đích là cầu có một đứa trẻ. Xuân năm ấy thật vô tình, ông ấy thấy con nằm lăn lóc dưới gốc gạo, con khóc ngặt nghẽo nghe nhói lòng. Tên con là Nậm, bởi vì lúc đó cạnh con là mấy xâu bánh nậm hãy còn mới. Bố con không muốn đốn hạ cây gạo, vì ông ấy tin rằng mình đã thỏa ước nguyện nên làm thế sẽ là thất tín. Bến sông kia cũng vậy, bố sợ phá bỏ đi thì người thân bỏ con ngày ấy sẽ không tìm được nơi cũ. Con về nhà ăn tết đúng một lần rồi đi mãi, từ đó trở đi cây gạo chẳng còn nở hoa lần nào nữa, lòng bố con vì thế mà bất an. Nậm à, con suy nghĩ lại đi, những điều bố con làm trước đến nay, đều là vì lo nghĩ cho con thôi.


Anh đứng lên loạng choạng, hai tay ôm đầu kêu lên khổ đau, rồi anh bỏ chạy thục mạng trong tiếng gọi ngỡ ngàng của bà Tư Béo. Chạy tới cây gạo, anh liền vấp chân mà ngã nhào, anh lê toàn thân lại gốc cây mà ngồi thở dốc. Chẳng biết là vì đâu, trời đổ cơn mưa rào như trút nước, đôi mắt anh mờ dần sau những giọt nước hắt vô tình trên mặt. Trong cơn mơ hồ, anh thấy thấp thoáng hình bóng một người đàn ông tứ tuần đang quỳ lạy trước mình và một tiếng khóc trẻ vang đâu đây. Bỗng trong bụi cỏ cao, một con rắn dài ngoẵng thè chiếc lưỡi đầy nọc tiến gần tới đứa trẻ, anh muốn đứng dậy xua đuổi nó nhưng không thể. Trong khoảnh khắc hiểm nguy, người đàn ông phát hiện ra con rắn, ông cầm khúc gỗ quơ quơ hòng đuổi nó đi. Lúc này trên cao, một cành gạo rơi ạch xuống đất chặn ngay trước con rắn, họ khè lưỡi rồi lủi đi mất, thật may mắn vì cành gạo rơi chếch sang một bên và không trúng đứa bé. Người đàn ông thở phào ẵm vội đứa bé trên tay, để chắc chắn hơn, người ấy vẫn thủ cây gỗ đập vài phát nữa xuống đất để đánh động cho nó đi.


Người đàn ông ẵm đứa bé rồi ngó xung quanh, hình như là con ai bị bỏ rơi. Nậm vẫn quan sát người đàn ông nhưng dường như người đó không thấy anh, anh muốn vươn tay để nắm lấy hình bóng trước mặt nhưng vẫn là không thể. Sau một hồi, người đàn ông đã thấy thấp thoáng dáng ai đang nấp không xa gần đó, là một người đàn bà quấn khăn che kín mặt. Cô ta biết mình đã bị nhìn ra, vội vàng chạy nhanh về bến sông. Người đàn ông cũng ôm đứa trẻ theo đằng sau, những tiếng gọi hòa với tiếng khóc chẳng làm lay động người đàn bà. Khi người đàn ông chỉ còn cách chục bước thì người kia đã lên kịp đò, dù kêu khản cổ họng thì đò vẫn cứ chạy không dừng. Phút chốc ở bờ sông chỉ còn lẻ loi bóng người đàn ông đứng trông theo sững sờ, gió xuân se lạnh thổi từng đợt khiến người đàn ông phải ẵm đứa trẻ quay về đường cũ. Người đàn ông vừa đi vừa vỗ về đứa trẻ rất hạnh phúc, Nậm mơ màng nhớ về gương mặt của bố mỗi khi chơi đùa cùng anh lúc xưa.


Mở mắt một lần nữa, anh thấy nhiều đứa trẻ độ bảy tám tuổi đang tụ họp dưới cây gạo. Anh nhận ra dáng dấp quen thuộc của một đứa trong số đó, nó đang thi trèo lên cây xem ai nhanh nhất. Anh lại nhớ về tuổi thơ đã xa của mình, đó là những trưa hè trốn nhà ra cây gạo chơi cùng tụi trong xóm, là những chiều trèo lên các nhánh cây để ngắm phía xa chân trời, hay những lúc bị điểm kém thì anh sẽ ngồi dưới cây gạo đến tối mịt để tránh bị bố mắng, những mùa xuân nhìn từng đàn chim kéo làm tổ mà cứ đứng nhìn mãi không chán, là khi nhặt bông hoa đỏ trên nền đất rồi đưa lên mũi hít hà hương thơm… Những điều ngỡ chôn vùi giờ đây như sống lại!


Nậm cuối cùng hiểu ra, người đàn ông lúc đầu chính là bố anh hiện tại, bố đã già đi quá nhiều theo thời gian. Anh đã gặp ảo ảnh, đưa anh quay ngược về quá khứ để hiểu rõ câu chuyện bản thân mình. Trên gương mặt ướt mưa, từng giọt dài lăn trên má đó có phải lệ rơi từ khóe mi?


Anh thấy mình sai lắm, sai với những người có công nuôi dưỡng bao ngày, sai với những truyền thống văn hóa mà cha ông gầy dựng, và sai với cả những tư tưởng mà anh luôn mặc định là đúng. Anh ước gì thời gian quay trở lại lần nữa, anh sẽ không xử sự sai lầm như thế đâu!


Sau đó, người ta đi ngang đưa Nậm vào trạm xá khi anh ngất bên vệ đường. Anh tỉnh lại và nhận ra mình đã mơ một giấc dài, anh thay đổi và nộp đơn xin nghỉ việc ở chỗ làm. Anh xin về công tác cùng anh Long, chăm lo phát triển làng xóm, không chạy theo những danh vọng ảo tưởng nữa. Dù sau khi biết được sự thật, hai vợ chồng bác Ba vẫn dang rộng vòng tay đón anh về nhà, trong lòng họ anh mãi là đứa con trai duy nhất không gì sánh bằng!


Thực tại tốt đẹp hơn rất nhiều, những chuyện xảy ra trong một năm vừa rồi như câu chuyện cổ tích đầy tính hư ảo. Nậm không còn mong ước đi đâu xa nữa, anh chỉ muốn sớm mai thức dậy, được ngửi cái mùi lúa thơm trên đồng và nhìn xem mái ngói đỏ đầy rêu của những ngôi nhà trong làng. Bác Ba có gợi ý rằng nếu anh muốn đi tìm người thân ruột thịt thì ông sẽ không phản đối, nhưng Nậm biết chắc rằng người đó sẽ không trở lại đâu, bởi chuyến đò hôm ấy là lần cuối bố anh thấy người đã bỏ rơi anh. Mỗi chiều khi tan ca, anh lại đứng dưới cây gạo mà ngước nhìn lên trên, anh nhận ra mình chưa bao giờ muốn cây biến mất trong ký ức hay là hiện tại. Anh trông cho nhanh đến mùa xuân, anh muốn được một lần nhìn lại cây gạo nở hoa đỏ bung trời như thuở nào!


Mùa xuân rất nhanh đã đến, người ta không khỏi ngạc nhiên khi một sáng nọ, cây gạo già bỗng trổ sắc đỏ như cháy cả một vùng. Trên các cành cao là chim chóc đậu rợp cả, tiếng líu lo vang xa như khúc ca của tình yêu thương, mang đến cảm giác hạnh phúc và bay bổng lâng lâng. Nậm cùng gia đình và những người làng đứng dưới gốc gạo ngắm nhìn cảnh xuân bao năm chờ đợi, dù những cành khô cũ chưa mọc ra lại nhưng như thế đối với Nậm đã là một đặc ân.


Cây gạo đã hồi sinh, mùa xuân dù có qua bao lần đi chăng nữa, chỉ cần lòng người mãi nhớ về nguồn cội và giữ gìn những văn hóa tốt đẹp thì cuộc sống sẽ luôn đong đầy ý nghĩa!



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}