VŨ KHÚC HOA GIÓ
Gửi: Mùa Hè của những trái tim non trẻ
GỬI BÀI KHIÊU VŨ VÀO LỌ THỦY TINH.
Hoa Chò Nâu hay Hoa Gió chúng ta hay quen gọi thực chất là Quả Chò Nâu, cuối kì sinh trưởng sẽ rụng rơi và bay lả tả theo gió, hoàn thành lần khiêu vũ cuối cùng của đời Hoa, mang theo một sứ mệnh mới. Chò Nâu như vũ công ba-lê thanh thoát, dùng đường cong mềm mại vẽ nên từng chuyển động xoay tròn, lướt theo gió rồi lại xoay tròn.
Yên gọi Chò Nâu là Vũ Công Mùa Gió, cậu thích ngắm cách chúng rụng rơi lả tả và chao nghiêng, mà với lòng mến thương cậu đặt tên Vũ Khúc Hoa Gió.
Yên vì sao lại mang một cái tên quá mềm mại với một cậu trai cao lớn, Mẹ cậu lại chỉ cười nói nghe dịu dàng nhẹ nhàng biết bao. Dịu dàng cũng tốt, nhưng dịu dàng quá lại hóa yếu mềm, đấy là điều Mẹ lại chưa kịp dạy Yên. Mẹ cậu ra đi vào một ngày cuối Thu lạnh bên ô cửa sổ đóng kín, nhẹ nhàng thanh thản như cái tên Mẹ gửi gắm lại cho cậu. Rồi cũng như bao câu chuyện tầm thường khác, Ba Yên đi bước nữa và Yên có thêm một cô em gái.
Chưa kịp trưởng thành cậu đã phải đón nhận khuyết thiếu, Yên tự tách mình ra khỏi sự vận hành của gia đình mới này. Dì đối xử với cậu chu toàn hơn xa “Mấy đời bánh đúc có xương”. Ba thì cũng cho cậu ăn cơm với cá chứ chẳng phải “Lót lá mà nằm” gì hết, chẳng phải vì mâu thuẫn gì đâu, chỉ là thiếu hụt về mặt cảm xúc cá nhân với những tình cảm xa lạ mà thôi. Yên vẫn nhỏ để thấy tổn thương muốn khóc, nhưng cũng đủ lớn để biết mỉm cười.
Tháng 3 chớm mưa chớm nắng, đưa thành phố nhỏ của cậu vào mùa khó chịu nhất trong năm, Chò Nâu cũng bắt đầu khởi động cho bài Khiêu Vũ của mình. Sáng Yên đã dậy thật sớm, bước nhanh ra đầu ngõ nhặt vài cánh Chò Nâu nguyên vẹn đẹp nhất và đặt vào lọ thủy tinh, vậy là gói hết mùa Hạ xứ nắng mưa hai mùa giữ lại bên mình. Giữa năm nay Yên sẽ bước vào một hành trình mới của cuộc đời, rời xa xứ sở của những Vũ Công Mùa Gió chất đầy kỉ niệm của cậu.
GỬI THANH XUÂN VÀO TRANG GIẤY.
Đối diện cửa lớp Yên là một khoảng hành lang trống trên lầu một, vươn mình nhìn thẳng ra tượng đài Thầy sáng lập và một tán Phượng già khô cằn, chỉ lác đác vài đóa hoa khi đến mùa. Những tiết học Thể Dục luôn diễn ra dưới tán Phượng già này, cậu và bạn bè cũng thích ngồi ở đây giờ ra chơi, cảm nhận mùi nhựa cây hăng hắc tỏa ra từ những vết khắc lén tinh nghịch của vài học trò cuối cấp muốn lưu lại chốn này chút vết tích cá nhân, nghe tiếng ồn ào cười nói sinh động của tuổi trẻ. Những lúc như thế bạn bè Yên thường chuyền tay nhau những quyển lưu bút viết mãi từ năm lớp mười một chưa xong, hối thúc nhau viết nốt cho kịp kì hạn Thanh Xuân. Trong thời điểm người và người kết nối hay cắt đứt dễ dàng như nút Hủy Kết Bạn hiện nay, Yên thấy việc viết lưu bút thực sự không cần thiết, nhưng vẫn thấy trân trọng.
Cuốn sổ Yên đang cầm trên tay lần này là của Nam, cậu bạn trong đội bóng chuyền trường, cao ráo học giỏi và hiển nhiên là đối tượng chính trong những lần buôn chuyện của những cô bạn trong lớp. Lúc nhận sổ đã chi chít là chữ gần như chỉ còn vài trang trống từ tay Nam, thú thực Yên hơi bất ngờ, càng bất ngờ hơn khi cậu bạn nói là tự tay trang trí. Bất ngờ chẳng phải vì đẹp, mà ngược lại cuốn sổ xấu tệ. Nền giấy nhám màu nâu xám mang đến xúc cảm vừa như xi măng vừa ram ráp như phần thạch cao trên chiếc chân gãy của Yên vài năm trước, mà theo lời Nam nói là dùng thạch cao nhúng nước đắp lên sau đó xịt màu giả nền xi măng. Theo lý thuyết hẳn là thành phẩm phải nghệ thuật lắm, nhưng thực tế nhìn nó lại như miếng giấy gói kẹo cao su màu bạc bị ướt nước và nhàu nhĩ vậy, dương vô cực sáng tạo và âm vô cực thẩm mĩ. Giấy bên trong là loại tốt, mướt và cứng chắc, nhưng lại được dán một trái tim to đùng làm bằng gạo mà theo lời cậu bạn là học theo trên mạng, sau đó quét lên màu vàng chói lọi và viết tên lớp. Công tâm mà nói Yên thấy trái tim này cũng không tệ, nhưng sau nhiều lần chúng bạn chuyền tay nhau gạo đã rơi rụng lớp ngoài, lộ ra màu nâu cũ của băng keo hai mặt, hạt gạo thì hạt bể hạt nát thành bụi mịn. Nam dường như cũng ý thức được tác phẩm của mình, nên đã hơi gãi nhẹ tai rồi cười lộ chiếc răng hổ tinh nghịch khi đưa Yên cuốn sổ, bao biện:
- Yên viết cho Nam vài dòng đi, hơi sến nhưng Nam thấy chị gái Nam hồi xưa cũng làm vậy, vui mà. Cuốn sổ này đẹp lắm mà tại chuyển qua lại, nên… hì hì.
Chị gái Nam tên là Tú Nữ còn Nam là Thanh Nam,cả hai cách nhau mười tuổi, thật không biết nên khen tên đẹp hay không nhưng riêng Yên thấy được sự yêu thương từ cách Ba Mẹ cậu bạn đặt tên. Từ lần đầu năm lớp Mười qua nhà Nam chơi, chị gái Nam thành “Chị Gái Nhà Bên” của tất cả tụi con trai lớp Yên, của cả Yên nữa. Nhưng sau này khi Yên lớn dần, cậu ý thức được phần ngưỡng mộ của cậu và các bạn lại mang tầng ý nghĩa rất khác nhau.
Yên vuốt nhẹ cuốn sổ trên tay, phần thạch cao hơi khô rụng ra đôi chút trên đầu ngón tay, cậu nhẹ chụm ngón cái và trỏ vân vê phần bụi rồi búng nhẹ cho rơi xuống đất.
- Năm nay chị Nữ có về nhà nghỉ Hè không? Yên có vài lọ Chò Nâu để dành cho chị đó.
Nam hơi nhăn mày, vuốt tay chà qua ống quần thể dục nửa xắn nửa thả, làu bàu.
- Ở Sài Gòn thiếu gì Chò Nâu mà Yên phải đưa, nói trước chị Nữ không thích tụi con nít hôi sữa đâu.
- Tui hôi sữa chắc anh thơm quá ha anh Nam – Yên cười nhướng mày, hơi thấy Nam giống trẻ con giữ kẹo. – Chị Nữ hay nhắc Yên nhặt cho chị mà, gọi là Chò Nâu thân thương đó.
- Có về, bả nói về nhà nghỉ ngơi chứ mấy năm nay mệt mỏi quá, lại vừa bệnh nặng xong.
- Vậy khi nào chị Nữ về nhớ nói Yên, sổ thì Yên cầm đây cuối tuần đưa lại Nam.
Phía sân bóng chuyền sau Thư Viện hơi ồn ào tiếng đồng đội gọi Nam qua tập cho xong phần phát bóng, giữa cái nắng chớm Hè và tiếng ồn ào, cậu bạn mười bảy tuổi đang rút dần đi nét trẻ con hơi vò tóc, nhăn mũi đáp vọng lại.
- Biết rồi tụi nít ranh, tao qua liền! Thôi Nam đi nha Yên, nhớ viết đó.
Gió thổi vù qua phần tóc mái cắt ngắn của Yên, làm lung lay những sợi lông mi dài trên đôi mắt hơi xếch của cậu, phủ một tầng bóng râm xuống đôi con ngươi nhạt màu. Cách xưng hô của Nam với tụi con trai chung trường và Yên rất khác nhau, cậu biết điều đó nhưng cũng chẳng thấy có gì không ổn cả, vì cậu biết rõ bản ngã của mình nhưng phần bản ngã đó không mở cửa cho Nam.
Mười bảy tuổi, tươi đẹp những mộng tưởng nhưng chưa đủ ánh sáng soi rọi con đường phía trước. Giữa những được mất mông lung, Yên thấy trân trọng phần tình cảm nhận được và vạch rõ những gì có thể hồi đáp.
GỬI ƯỚC MƠ VÀO CẦU VỒNG, GỬI GIỌT MƯA VÀO MI MẮT.
Thời gian cuối cấp luôn gấp rút lạ lùng, xoay vần giữa học hành nghỉ ngơi, đồng thời là thời điểm ngã ngũ cho những tranh chấp về tương lai giữa những thế hệ. Gia đình Yên thì chẳng có cuộc tranh cãi nào cả, Ba cậu thì không nói nhiều còn Dì thì không thể nói nhiều, riêng Yên có hướng đi rõ ràng từ đầu rồi, nên cậu tận hưởng chút thời gian yên lặng ôm em gái nhỏ đang tập nói.
Ngược lại với Yên, Vân - cô bạn thân từ nhỏ cùng xóm của cậu thì có một cuộc chiến đúng nghĩa với Ba Mẹ mình, cô bạn muốn theo Kinh tế trong một gia đình truyền thống theo nghề giáo. Nhiều đêm muộn cả hai đi học thêm về, chạy song song nhau trên chiếc xe đạp điện cũ mà sáng chạy điện chiều đạp chay hụt hơi, Vân hay im lặng rồi cắn môi gồng mình đạp những vòng xe đều như cách thay thế cho những mệt mỏi cố gắng xoay vần của lớp luyện Văn. Nhưng Vân không nói nhiều, cô mạnh mẽ kì lạ ẩn sau vẻ ngoài nhu mì thừa kế từ Mẹ mình, đôi lúc khiến Yên phải hốt hoảng ngăn lại phần bộc phát đột xuất như ý nghĩ bỏ nhà trốn đi theo đuổi đam mê của mình. Dù có phần hơi hiếu thắng, nhưng Vân có sự thông minh và tình cảm tốt đẹp thuộc riêng về phái nữ - một trái tim biết thổn thức trước tình thân. Sự thổn thức ấy hóa thành tiếng thở dài sau nhiều cãi vã không to tiếng nhưng đặt nặng sự tìm kiếm truyền thừa tiếp nối những tinh hoa truyền thống gia đình. Sau cùng, có lẽ người ta làm ra phim Thanh Xuân Vườn Trường người trẻ gặt hái thành công khi đuổi theo đam mê, để thỏa mãn thực tế trần trụi là thế giới vận hành không theo cách đó. Cuối tuần trước sau khi tan lớp học thêm thì mưa kéo đến, và bất chấp khuyến cáo không đi xe đạp điện dưới mưa, Vân và Yên vẫn rủ nhau lao vào lòng đường giữa cơm mưa tầm tã. Mà có lẽ một chàng trai thể chất yếu và một cô gái cận thị cũng không chống đối được cơn mưa này, thế là cả hai đành trú mưa dưới mái hiên một nhà sách.
- Vân sẽ học giáo viên rồi vào dạy ở một trường tư, sau đó lại mở một trường học cho riêng mình khi có tiền, thế rồi Vân sẽ kinh doanh ngành giáo dục Yên ha. Làm bà Giám đốc luôn!
Giọng cô bạn mang đậm sự ngọt ngào tươi mát của con gái miền Nam, thanh thanh như trái dừa ướp lạnh ngày nóng, nhưng hôm ấy lại xen chút run rẩy nho nhỏ, không biết là vì lạnh hay điều gì. Yên nhìn hàng mi rũ cong vút của cô bạn, lướt xuống bờ môi mím chặt và chiếc cằm đang đọng một giọt nước, thủ thỉ
- Vậy cũng tốt mà, sau này con của lớp mình lại phải nhờ vào "Giám Đốc Vân" nhe.
Giọt nước đọng ấy rớt nhẹ xuống nền gạch tổ ong dưới chân Vân, Yên bỗng dưng im lặng vì cậu biết giọt nước nhỏ ban đầu đọng trên cằm sẽ khô ngay thôi, ấy thế mà một giọt “nước mưa” ương bướng trên làn mi rũ lại lăn xuống rồi cả hai rủ nhau cùng khiêu vũ như Hoa Chò Nâu rơi mùa gió thổi…
Tự dưng Yên thấy ướt mưa cũng không tệ, người ta có cớ để yếu mềm công khai, để mọi thứ chỉ là nước mưa, nắng ló dạng lại khô ráo ngay thôi. Cậu thì thào giữa tiếng mưa ngày càng nặng hạt:
- Vân là mây, mây cũng có ngày trắng ngày xám mà.
- Ừ nhỉ- Vân khịt mũi – Yên lại là khói, khói thì khó nắm bắt như cậu vậy.
- Yên dễ hiểu thấy mồ!
- Chúng ta còn trẻ mà Yên.
- Nhưng chúng ta lại buồn nhiều hơn phần tuổi trẻ.
- Ừ nhỉ…
Yên không biết tiếng “ừ nhỉ” ấy dành cho ai, nhưng phần tương lai Vân vẽ ra trước đó có lẽ sẽ thành công hoặc không, vì Ba Mẹ cô bạn đã có một bản kế hoạch cho phần tương lai vô định phía trước, chỉ cần cô bạn gật đầu mà thôi. Nhưng Yên tin Vân, cô bạn cũng tin vào chính mình, có thể đường sẽ hơi gập ghềnh nhưng đường đi mãi thì mới thành lối mà. Quy trình mỗi đời người không giống nhau, nhưng kết quả cuối cùng đều giống nhau cả thôi. Thật tốt nếu tìm ra được điều mình muốn, đấy là điều tốt đẹp hệt như trúng độc đắc vậy, không hiếm nhưng cũng chẳng đại trà.
Yên tự dưng nhớ Mẹ, nếu Mẹ còn thì biết đâu Yên cũng giống Vân giờ này, cậu vươn nhẹ ngón trỏ qua sống mũi rồi quẹt qua gò má còn vương một giọt nóng hổi. Nước mưa vương mi phiền thật.
DÌU BƯỚC CÙNG KHIÊU VŨ NHÉ!
Tháng 4 chị Nữ về thật, ghé qua nhà Yên rồi leo lên sân thượng ngồi cùng cậu, đem theo ly cà phê sữa ít sữa cho Yên. Thứ thức uống đắng vương ngọt và thơm tho lạ lùng, thứ chất kích thích hợp pháp và gây phấn chấn cho sự trầm lặng của Yên.
- Chẳng hiểu mày thấy cà phê có gì ngon Yên ạ, uống trà sữa hút trân châu như chúng bạn có phải vui hơn không – Chị nữ càm ràm sau lớp khẩu trang kín bưng
- Trà sữa hay cà phê đều mang tính sở thích từ những trải nghiệm cá nhân rất khác mà chị. Có người chẳng thiếu nổi cà phê, có người thì lại là trà sữa, cũng có người không trà sữa cũng chẳng cà phê, họ uống nước lọc. – Yên nhấm nhẳng trả lời sau khi nhấp một hớp cà phê. Hết bệnh cũng hơn tháng rồi chị đeo khẩu trang chi nữa.
- Thà dương tính với FA còn hơn dương tính với F0 nha mày. Mà mày thì dương tính FA sẵn rồi ông cụ non nói đạo lý ạ.
Yên cười khà khà trước giọng điệu bất bình của chị Nữ, im lặng trong chốc lát chị lại ho rồi khàn giọng,
- Thế mày có muốn em trai chị giúp mày thoát kiếp dương tính không? Chị…
- Chị có biết lý thuyết các cực của nam châm và lực hút Trái Đất không? – Yên đột ngột cắt ngang lời chị Nữ.
- Ừ thì – Chị Nữ liếc sơ qua ánh mắt không có vẻ gì là giận của Yên. – Nam châm trái dấu hút nhau, cùng dấu đẩy nhau. Còn lực hút Trái Đất giữ con người đứng được trên mặt đất.
- Bản ngã của em bị thu hút bởi cực cùng dấu nhưng không phải với tất cả, đến ngay cả những tình yêu trái dấu còn như vậy thì em cũng thế thôi. Con người có tình yêu, tình yêu lại không phải lý thuyết tuyệt đối về nam châm - Yên hơi thoáng ngừng lại, dựa hẳn ra ghế nhìn bầu trời qua tán sơ ri đang ra hoa – Lực hút giữ con người tồn tại, nhưng con người lại muốn tìm hiểu cảm giác không bị ràng buộc bởi lực hút ngoài vũ trụ, mâu thuẫn thật.
- Quá bình tĩnh trầm lặng không tốt đâu Yên.
- Em chỉ là thấy chưa hứng thú quá nhiều với điều gì thôi chị ạ.
- Hứng thú quá nhiều thì đôi lúc lại tự làm mình thất vọng – thở hắt ra thật mạnh, chị Nữ nhìn mông lung ra chậu sen Nhật vừa ra lá non, thì thào – Thất vọng nhiều lại khiến người ta vô định.
Trong cả hai trạng thái của chị Nữ và Yên khó nói ai tệ hơn, chỉ là cả hai trạng thái này đều không tốt. Buổi chiều hôm ấy Yên ngồi nghe chị Nữ kể về những ngày rực rỡ có, đen tối có đã trải qua, rồi kể chị nghe về những gì mình sắp làm. Phần “Người Mẹ” thiếu hụt đôi khi được Yên cảm nhận qua sự lắng nghe từ chị, không trọn vẹn nhưng đáng trân quý, như cách chị nâng niu lọ Chò Nâu mà Yên dành phần cho mình, vừa hát vu vơ vừa ôm về nhà.
Yên nhắm mắt lại ngủ quên giữa tiếng lao xao cây lá, thấy lòng vẫn thiếu vắng gì đó.
Cuối Hè đầu Thu, Yên chính thức để lại cuộc đời cũ phía sau lưng, gói ghém trái tim lẫn khối óc vào chiếc va-li cho một hành trình dài phía trước.
Ngày Yên dọn dẹp kéo túi đồ lên xe, chuẩn bị đi một vùng trời mới, mũi cậu ngửi thấy mùi sả chanh vướng chút thuốc lá của Ba. Rất lâu rồi Ba chẳng hút thuốc, nhất là từ khi em gái cậu ra đời. Lần gần nhất Yên nghe mùi này là khoảng ngày Mẹ nằm trên giường bệnh xanh xao, Ba cũng hay đứng trước cổng bệnh viện hút thuốc, rồi rửa tay sát khuẩn vội bằng chai nước diệt khuẩn mùi sả chanh.Thứ hồi ức không mang hình hài, màu sắc, hay âm thanh đặc hữu nào, nó đi kèm kỉ niệm. Hồi ức như dữ liệu nén lại, mãi về sau khi bộ nhớ không đủ dung lượng có thứ sẽ quên hẳn, có thứ chỉ cần một cú nhấp chuột như mùi hương này, thế là mọi thứ lại hoàn nguyên như thuở ban sơ.
Mọi thứ dù buồn nhưng đều đẹp, và sẽ luôn đẹp, hồi ức duy trì tâm hồn ta sao lại không đẹp được.
Ba cậu đứng lặng sau lưng Yên hồi lâu, rồi tiến đến ôm cậu, đôi tay rắn chăn vỗ nhẹ lên lưng, hồi lâu Ba cậu quay đi trước khi đặt vào tay cậu một hộp nhỏ. Người hùng xưa kia của Yên bị đánh bại bởi thời gian rồi, tóc đã phai sương và mắt đã hơi mờ.
Trên chuyến xe hôm ấy có chở một ước mơ nhỏ, một trái tim vừa ấm lên, một đôi vai đang học cách vững chãi để hong khô vệt nước còn ướt vai áo, một đôi tay đang nâng niu chiếc hộp có chiếc hoa tai duy nhất. Chiếc hoa tai hình Chò Nâu đang khiêu vũ trong gió.
Yên gác đầu lên mặt kính, đưa tay vẫy nhẹ tạm biệt Nam, cậu bạn đang đứng nép bên góc trạm dừng, đôi tay nắm chặt cuốn sổ xấu xí nhưng ngập tràn hồi ức của cậu, bìa sổ có thêm một cánh Chò Nâu.
Có những lời tạm biệt người ta để bỏ ngõ, thời gian đã dạy Chò Nâu bay để duy trì sự sống, thời gian cũng sẽ dạy người ta biết bản ngã chân chính là ở đâu.
Hãy cùng nhau khiêu vũ nhé, Chò Nâu!
Bình luận
Chưa có bình luận