Chú tiểu dậy sớm mở cửa chùa. Cánh cổng lớn nặng nề với bản lề đã hoen rỉ muốn đẩy bật chú ra sau. Các sư huynh nếu nhìn thấy chú chật vật với cái cổng, thế nào cũng sẽ cười.


“Họ có phải mở cổng bao giờ đâu.”


Chú xách cái chổi tre bước ra sân trước. Bên khoảng sân rộng trước chùa, hình như đã có bóng khách vãng lai. Vạt áo trắng thêu hoa đỏ của người phụ nữ trước sân như tan vào sương lạnh. Người phụ nữ ngước nhìn chú, cất giọng nói thật dịu dàng:


“Sớm quá, chào chú tiểu.”


Người phụ nữ nghiêng đầu mỉm cười chào. Đôi môi hơi nhợt nhạt khi khép mở lại tựa như vì một lời nói mà thoáng ửng hồng. Nàng rất đẹp, trong sướng sớm mai, nhìn có chút yểu điệu, mong manh. Chú tiểu nhìn bộ quần áo tuy chẳng thêu nhiều hoa rực rỡ nhưng nhìn kiểu dáng và chất liệu cũng biết nàng ắt chẳng lớn lên nhờ làm nông đầu tắt mặt tối. Búi tóc được vấn lại gọn gàng, để lộ gương mặt nhìn có vẻ ngây thơ và hơi tiều tụy. Với những người có vẻ sang quý như thế, bất giác chú tiểu cảm thấy e ngại, chỉ lặng lẽ chào rồi bắt chước sư phụ, ra vẻ thâm sâu đáp lại:


“Thí chủ còn đến sớm hơn.”


Ngôi chùa được xây dựng ở lưng chừng núi, đi hết một trăm linh tám bậc thang đá mới lên được đến đây. Người phụ nữ này chắc chắn là từ dưới thị trấn ở chân núi đi lên, ấy vậy mà còn đến sớm như vậy. Chú tiểu lễ phép chắp tay.


“Bản tự hãy còn chưa mở cửa…”


Người phụ nữ vội khẽ lắc đầu:


“Chú tiểu đừng để ý, tôi chỉ muốn đứng ở đây một lát thôi.”


Bên ngoài cổng chùa ngoài cây cối và núi non cũng chẳng có nhiều điều đặc biệt. Cảnh nhộn nhịp dưới chân núi chắc hẳn còn rực rỡ muôn màu hơn nơi này. Chú tiểu vừa quét một góc, vừa kín đáo liếc nhìn người phụ nữ đứng trước gốc cây phía trước cổng chùa. Nàng nhìn ngắm cái cây, như muốn khảm cả hình dáng từng chiếc lá vào tay áo, để lâu lâu lại cúi nhìn trong những ngày mưa buồn bã.


Chẳng hiểu sao chú tiểu lại nghĩ vậy. Những ngày mưa dưới núi có giống những ngày mưa trên đỉnh núi này chăng. Đến khi cái khoảnh sân đã quét đã sắp đến chỗ nàng, chú tiểu chợt nói:


“Cái cây ấy chưa bao giờ ra hoa cả.”


Người phụ nữ giật mình. Trong một thoáng, chú tiểu nhìn thấy hai vạt hồng nhẹ lướt qua gò má không điểm trang ấy. Nàng cúi gằm mặt thì thầm:


“Nghe nói hoa Vô Ưu đẹp lắm, vậy mà chưa có duyên được thưởng thức.”


“Tiểu tăng cũng chưa may mắn có được cái duyên ấy.”


Nàng quay lại cười với chú tiểu. Làn môi có chút nhợt nhạt. Dù nàng chẳng điểm trang, chú tiểu vẫn ngửi thấy mùi son phấn phảng phất trong không khí. Có lẽ phụ nữ dưới chân núi đều vậy.



Từ đó, ngày nào nàng cũng đến. Chú tiểu luôn đợi người phụ nữ đi rồi mới quét cổng. Thỉnh thoảng mấy vị sư phụ lại trách chú ham chơi, làm biếng dậy muộn. Chú tiểu chỉ mân mê vạt áo.


Ngày hôm nay, người phụ nữ ấy lại đến. Chú tiểu cầm cái chổi, nhìn dáng lưng cô độc trong sương sớm lại chẳng nỡ quay đi quét đám lá vàng dưới chân. Các vị đại sư cũng từng dặn quét lá dưới chân là ý đuổi khách. Dù khách chỉ thăm đến ngoài sân cũng chẳng thể vô cớ đuổi đi. Chú tần ngần nắm cây chổi, lại loáng thoáng nhớ tới cái nhíu mày của đại sư, buột miệng quay sang hỏi người phụ nữ:


“Vì sao thí chủ chẳng bao giờ vào chùa?”


Thực có người lặn lội đi một trăm linh tám bậc thang chỉ để thăm một cái cây? Người phụ nữ cúi gằm mặt, nụ cười có chút chua chát trên môi:


“Vì tôi có tội nghiệt quá sâu, sợ làm ô uế chốn thanh tịnh.”


Chú tiểu bắt chước dáng vẻ sư phụ lúc giảng đạo, đôi mắt hơi lim dim, một tay đặt sau lưng giữ lấy câu chổi cao gần bằng mình, một tay bắt quyết, ra vẻ cao thâm, giọng nói trầm xuống:


“Trước mặt Phật tổ, chúng sinh đều bình đẳng.”


Chú vừa nói xong thì liền lập tức mở to mắt, lấy lại dáng vẻ lanh lợi, khiến nàng bật cười. Chú tiểu cũng nhoẻn cười. Ấy vậy mà nàng vẫn chẳng dám bước qua cánh cửa chùa.



Dưới chân núi là một thị trấn nhỏ. Kế bên thị trấn có một dòng sông xanh rất đẹp. Quanh năm bên bờ sông không thiếu hoa thơm cỏ lạ. Xuân có mai vàng, hạ có sen trắng, thu có cúc tím, đông có lan xanh. Bốn mùa hương sắc tựa như mùa xuân vĩnh hằng. Vậy mà trăm hoa đua sắc cũng ủ rũ trước một bóng hồng.


Người ta nói rằng ngày nào cô nương Mẫu Đơn của Liên Các còn chải tóc bên cửa sổ, ngày ấy hoa bên bờ sông còn nở. Chẳng ai biết nàng đã bao nhiêu tuổi, cứ như thể thời gian đã bỏ quên nàng bên ngoài những vòng quay vội vã. Tóc xanh buông dài như liễu rủ, mắt ướt đa tình. Bao nhiêu danh môn công tử ngày đêm si mê đợi bên chân cầu. Khóe mắt buồn liếc ngang cũng làm gió xuân sững sờ. Người ta ngợi ca vẻ đẹp của nàng là sinh khí của vùng đất này.


Tiếc là vẻ đẹp ấy cũng chỉ để người giẫm đạp. Nàng là kỹ nữ, dù được trăm hoa ái mộ, vẫn không tránh được ngàn người khinh bỉ, uổng cho bông hoa đẹp rơi vào chốn bùn nhơ.


Mẫu Đơn, tên loài hoa đẹp cũng bị vấy bẩn bên nàng. Mỗi khi mama xướng cái tên ấy lên, nàng lại cúi mặt bước đi. Người ta cũng nói kỹ nữ Mẫu Đơn dưới chân núi chưa bao giờ cười.



Ngày nào chú tiểu cũng cố dậy thật sớm, nhưng người phụ nữ ấy hình như luôn đến trước cả chú, trước cả bình minh. Một trăm linh tám bậc thang chẳng là gì so với thân hình mỏng manh ấy. Họ luôn chào nhau trước cổng chùa, thỉnh thoảng là vài câu chuyện vội vã, người ấy luôn bỏ đi trước khi các sư huynh thức dậy.


Một ngày, người phụ nữ bảo chú tiểu:


“Đừng gọi tôi là thí chủ nữa, tôi không xứng có tâm hướng Phật.”


Gương mặt non nớt bảy tuổi lại muốn buông một tiếng thở dài. Người phụ nữ này luôn cố chấp mình là kẻ không xứng để được tha thứ. Chẳng lẽ nàng đã vướng phải tội nghiệt gì nặng lắm sao? Chú tiểu gãi đầu:


“Vậy đừng gọi tôi là chú tiểu nữa, tôi sắp được luyện võ rồi. Từ giờ tôi sẽ gọi thí chủ là chị nhé.”


Hai gò má nàng ửng hồng, phơn phớt như ánh nắng chiều muộn. Nàng cúi đầu:


“Chú tiểu không sợ bị trách phạt sao?”


“Ngoài chị ra, còn ai biết nữa đâu.”


“Vậy cứ thế đi.”


“Còn tên chị là gì?”


Nàng chần chừ một chút, nghĩ ngợi một chút rồi mới đáp lời:


“Nguyệt, gọi tôi là Nguyệt.”


Đã từ lâu lắm rồi, chẳng ai gọi nàng bằng cái tên ấy.


Chú tiểu nhoẻn miệng cười gọi thử một tiếng:


“Chị Nguyệt.”


Hai tiếng đơn giản mà như thể có ánh mặt trời bừng sáng từ tận đáy lòng. Nàng cúi đầu, vờ vuốt tóc, ngón tay lướt qua khóe mắt,ưu nhã lau vội một giọt nước.


Chú tiểu chống cằm hỏi thắc mắc bấy lâu:


“Vì sao lúc nào chị cũng chỉ nhìn mỗi gốc cây đó thôi?”


Nàng lại nhìn cái cây:


“Vì nó chưa bao giờ ra hoa cả.”


Những bông hoa quan trọng đến vậy sao?


Chiều hôm ấy chú tiểu đi hỏi trụ trì về gốc cây vô ưu trước cổng chùa. Trụ trì chắp tay khẽ niệm:


“Chưa dứt bỏ mọi ưu sầu nên vẫn chưa thể ra hoa.”


Ưu sầu của cây hoa hay của Nguyệt? Những triết lý này đối với chú tiểu vẫn còn xa vời quá. Chú tiểu bối rối khẽ vò vạt áo, nhỏ giọng hỏi trụ trì:


“Có rất nhiều khách vãng lai muốn nhìn thấy loài hoa này. Con cũng tò mò.”


Trụ trì thở dài:


“Khi xưa, thân mẫu của Đức Phật Thích Ca vịn lấy một cành vô ưu, sinh ra Người dưới gốc hoa. Hoa rất nhạy cảm với phụ nữ. Biết đâu nữ khách từ phương xa có lòng chạm đến, cây vô ưu sẽ nở hoa.”


Chú tiểu cúi đầu, môi cong lên một nụ cười nhẹ nhõm, cảm ơn trụ trì:


“Cảm ơn trụ trì. Con xin phép đi quét sân sau ạ.”


Trụ trì khẽ gật đầu, mắt dõi theo bóng lưng nhỏ bé mà thở dài, khẽ nói một chữ:


“Duyên, có tránh cũng không được.”


Tối hôm ấy, chú tiểu đã háo hức đi ngủ. Sáng sớm mai, chú sẽ gặp Nguyệt, sẽ nói với nàng cách để cái cây nở hoa.


Sương lạnh giăng đầy trên núi, chú tiểu vừa mở cửa đã thấy Nguyệt đứng đó. Nhiều lúc chú tự hỏi có phải khi đèn dưới chân núi vừa tắt, Nguyệt đã đến đây. Nhẹ nhàng như một kẻ ăn trộm, kiên nhẫn đi hết một trăm linh tám bậc thang, lặng yên đứng ngắm gốc cây trơ trọi chỉ toàn lá, mòn mỏi đợi chờ một sắc hoa. Nguyệt kiên nhẫn là thế.


Tiếng bản lề sắt nghiến lên nhau làm Nguyệt giật mình. Nàng quay lại thấy chú tiểu rụt rè ló đầu ra khỏi cửa. Nàng vẫy tay như gọi một đứa trẻ. Mà chú tiểu cũng chỉ là một đứa trẻ thật, bởi vì chú chạy về phía nàng.


“Chị đến sớm vậy.”


Một câu hỏi thân thiết như người ở nhà ngóng đợi kẻ mới từ xa trở về. Nàng khẽ quàng tay qua vai chú tiểu. Cái đầu nhỏ trụi tóc mới chỉ cao quá hông nàng, cả người tỏa ra mùi nắng thơm. Chợt nàng nghĩ đến mùi phấn son của mình, lúng túng chẳng dám kéo hẳn chú vào lòng. Nàng cúi đầu, nho nhỏ nói:


“Em cũng dậy sớm vậy. Trẻ con phải ngủ nhiều mới lớn được chứ.”


Chú tiểu khẽ giãy ra khỏi cái quàng vai, giận hờn kêu:


“Em sắp được luyện võ rồi, có phải trẻ con nữa đâu.”


Nàng gật gù. Những chú tiểu đến khi được luyện võ thì sẽ được công nhận là người lớn sao? Một đứa trẻ bảy, tám tuổi dù có thành cao thủ võ lâm cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ. Cứ vô tư mà sống không phải tốt hơn sao. Ngón tay nàng lơ đãng vuốt qua sau ót chú tiểu rồi buông xuống.


Chú tiểu ngước nhìn Nguyệt, như nhớ ra điều gì liền hào hứng nói:


“Chị Nguyệt, em biết làm thế nào để cái cây ra hoa rồi.”


Đôi lông mày nàng khẽ giãn ra, chú tiểu nhìn thấy chút ánh sáng nhóm lên trong đôi mắt đen lấp lánh nước ấy, tựa như mặt hồ phản chiếu những tia sáng mặt trời rạng rỡ. Chú phấn khởi kể:


“Hôm qua em đã hỏi trụ trì rồi. Người bảo rằng vô ưu rất thích phụ nữ. Nếu chị chạm vào nó, biết đâu nó sẽ chóng nở hoa.”


Không như chú nghĩ, chút ánh sáng nhỏ xíu kia lại vụt tắt. Nàng cúi đầu:


“Chị không dám.”


“Sao thế? Ngày nào chị cũng đến đây ngắm cái cây, lẽ nào chị lại không mong nó ra hoa?”


“Có chứ.” Nàng khẽ liếc mắt về phía gốc cây, đôi mắt buồn như sắp khóc.


“Nếu chị chạm vào, làm cái cây nở hoa thì càng vui chứ sao.”


Nàng chỉ một mực lắc đầu. Chú tiểu tức giận, bắt chước giọng chế giễu của các sư huynh trong chùa:


“Chạm vào có đau đâu cơ chứ.”


Nàng cúi đầu càng thấp, giọng run run như nghẹt thở:


“Nhất định là sẽ đau. Cái cây sẽ đau đến chết mất.”


Chú tiểu thẫn thờ. Cái cây cũng đau được sao.


Đối với cái cây hoa ấy, Nguyệt gần như vừa thành kính vừa e sợ, giống như dưới gốc cây che giấu điều bí mật khủng khiếp của cả cuộc đời nàng.



Đêm hôm ấy chú tiểu nằm mơ. Trong giấc mơ chập chờn, cái cây oằn mình kêu răng rắc. Tiếng ai khóc nỉ non.


Ngày hôm sau, toàn chân chú tiểu đau nhức, lúc thức dậy cũng uể oải, đầu như thể sắp nứt ra làm hai. Cơn mơ chập chờn mộng mị đã dần dần tan đi hết, chỉ còn vương lại chút ánh sáng nhợt nhạt vương lại trong trí nhớ.


Nguyệt đã đứng chờ trước cửa. Không phải chờ chú tiểu, mà là chờ cái cây nở hoa. Bỗng nhiên chú tiểu thấy lo lắng. Nếu cái cây ra hoa, liệu Nguyệt có còn đến đây nữa chăng? Đến khi sự tò mò, mong ngóng đã cạn, còn gì có thể níu kéo nàng nữa.


Vừa mong chờ, vừa sợ hãi, chú tiểu thấy giận mình vô cớ. Nguyệt vẫy tay với chú nhưng chú chỉ lờ đi. Bàn tay đưa ra lại ngại ngùng thu về. Nàng bối rối đứng đó, vừa muốn vươn tay chạm vào thân cây xù xì trước mặt, lại vừa sợ hãi đến muốn bỏ chạy. Chú tiểu hướng ra góc sân xa nhất quét lá vàng. Những nhát quét ngắn, rối bời xô cả lên nhau.


Sương sớm lạnh quá. Nàng run lên rồi nhỏ giọng nói:


“Tạm biệt chú tiểu.”


Nàng bước đi, vai khẽ run.


Chú tiểu ngước mắt nhìn. Nguyệt đi rồi. Nàng lại gọi chú là “chú tiểu”. Cái chổi trong tay bị quăng xuống, văng đi một đoạn, chú ngồi phịch xuống đất, lên đám lá vàng, nghe tiếng xương lá nhẹ vỡ ra.


Hẳn là nàng sẽ không đến nữa.


Nguyệt vẫn đến. Nàng vẫn kiên nhẫn muốn bắt chuyện nhưng chú tiểu lại dậy muộn hơn. Có khi chú chỉ còn kịp thấy vạt áo mềm mại khuất trên con đường xuống núi.


Vì sao lại phải giận nàng? Chú tiểu cũng không biết. Vì nỗi sợ hãi khó hiểu hay vì sự lo lắng đến khi nàng ra đi? Chú ngắt một chiếc lá vô ưu, thấy lòng mình rối bời. Nếu chú tiểu là một cô gái nhỏ, liệu cây vô ưu có vì chú mà ra hoa không.


Vô ưu, vô ưu ơi, vì sao vô ưu mà lại mang đến bao ưu phiền?


Cơn mưa chiều dai dẳng đến tận đêm. Những ngày mưa, chú tiểu không phải dậy sớm, có thể co mình trong chăn lâu hơn một chút. Trong đêm, tiếng mưa rơi trên mái nhà, tiếng gió vặn lá cây bị đẩy lùi ra ngoài khung cửa, trong phòng chỉ còn tiếng ngáy hòa cùng với tiếng thở đều đều của các sư huynh. Chú tiểu khẽ cựa mình trong chiếc chăn đơn.


Ngày mai thức dậy, Nguyệt có còn đến nữa chăng? Nếu cơn mưa này còn dai dẳng đến sáng, đàn chim trên núi còn lười bay khỏi tổ, cũng không thể trách Nguyệt thơ ơ một bận. Dù sao cái cây cũng chẳng thể nở hoa nhờ một cơn mưa.


Bỗng lòng chú tiểu thấy chùng xuống, bất an.


Sáng hôm sau, chú tiểu vẫn dậy sớm, nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng. Cơn mưa đêm đã dứt, để lại những vũng nước to nhỏ đọng lại trên sân, ảm đạm hắt lên màu xám. Chú tiểu kéo lại vạt áo, lo sợ bước qua hành lang dài yên ắng, lén lút như một tên trộm.


Càng lại gần cổng chùa, chú càng lo lắng. Nguyệt có đến không? Trời mưa, đường núi dốc và trơn, cũng chẳng mấy cô nương dưới chân núi chịu được khổ này. Nhưng nếu Nguyệt không đến, quyết tâm bao ngày chờ đợi của nàng phải chăng cũng chỉ như bong bóng trong mưa, dai dẳng một hồi rồi cũng tan biến. Lưỡng lự rất lâu, chú tiểu đẩy cửa, thấy tim mình đập thật mạnh.


“Sớm quá, chào chú tiểu.”


Nguyệt vẫn đứng đó. Chiếc ô giấy vẫn được mở ra, ngăn những giọt mưa rơi xuống từ trên lá. Vạt áo dài đã lấm lem bùn đất. Giọng nàng thật trầm. Không có tiếng đàn chim sớm ríu rít phụ họa, tiếng chào chìm trong âm thanh buồn bã của rừng núi. Mặt trời vẫn chưa lên, khung cảnh chìm trong màu xám xanh lạnh lẽo.


Chú tiểu bỗng thấy sợ hãi. Có bao nhiêu người kiên nhẫn được đến vậy?


Thỉnh thoảng các sư huynh hay trêu chọc chú tiểu, kể vài chuyện liêu trai ma quỷ. Nào là ma nữ thường lang thang tìm gọi con ở rừng trúc sau chùa. Nào là quỷ dưới giếng sâu, nửa đêm trăng sáng, ai vô tình nhìn xuống sẽ bị kéo xuống cùng ả. Những chuyện quỷ ma kỳ quái giữa ngôi chùa trăm tuổi xây trên núi lại càng đáng tin, đáng sợ. Chú tiểu đã từng sợ tới chẳng dám ngủ mỗi khi nghe tiếng gió rít sau khi tắt đèn.


Sư phụ biết được từng quở trách các sư huynh, dỗ dành chú, bảo rằng thế gian ma quỷ đều từ tâm người mà ra, nơi cửa Phật thanh tịnh sao có thể vấn vương âm khí. Chú tiểu dần cũng không còn nhớ nữa nhưng hôm nay lòng lại âm thầm sợ hãi.


Nguyệt chưa bao giờ bước chân vào cổng chùa, lại sợ một cái cây đến mức chẳng dám chạm vào. Sự kiên nhẫn của nàng như thể một linh hồn khổ sở đợi chờ siêu thoát. Vạt áo mỏng manh của nàng mềm mại lay nhẹ trong gió tựa như sắp hóa thành đôi cánh, cùng nàng tan cả vào hư vô. Phải chăng nàng chỉ là một cô hồn còn vấn vương nhân thế?


Chú tiểu rụt rè lại gần. Nàng hơi ngạc nhiên nhưng cũng không nói gì. Chú nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay nàng, hơi ấm chậm rãi lan tỏa. Lòng bàn tay nàng rất mềm, dù đi trong mưa lạnh cũng vẫn ấm áp như thế. Chú tiểu lén thở một hơi an tâm. Nàng chắc không phải quỷ ma. Chỉ có người sống mới có một bàn tay ấm như vậy.


Nguyệt khẽ siết lấy bàn tay bé nhỏ trong tay mình. Chú tiểu lí nhí gọi hai tiếng:


“Chị Nguyệt.”


Tay nàng khẽ run lên. Chú tiểu khe khẽ hỏi:


“Vì sao chị lại không thể bước vào chùa? Phật tổ rộng lòng phổ độ chúng sinh, lẽ nào không thể dung thứ cho tội lỗi của chị?”


Chỉ có nàng hẹp hòi chẳng thể tự tha thứ cho mình thôi. Nguyệt thở dài. Lòng nàng cũng nặng trĩu như bầu trời ầm ì đang chuyển mùa này. Trời có thể đổ mưa, cuốn trôi tất cả. Nàng đổ bao nhiêu lệ mà lòng vẫn đau đớn khôn nguôi. Nàng nhìn đôi mắt trẻ thơ đang chăm chú nhìn mình. Chú có đủ rộng lòng để tha thứ cho tội lỗi của nàng không. Nguyệt kéo chú tiểu ngồi sát trước cổng chùa, nép dưới mái ngói, tránh cái lạnh ẩm ướt sau cơn mưa.


Nàng vuốt nhẹ lên cái đầu tròn tròn của chú tiểu, thấy tóc mới đã nhú lên, cọ vào ngón tay nàng. Vừa buồn buồn lại có chút nhói đau. Nguyệt đặt cái ô sát bên cánh cửa chùa, khẽ xoa xoa sau ót chú tiểu, thủ thỉ rằng:


“Chị đã từng có một đứa con.”


“Đã từng”, ấy là một đứa con nằm trong dĩ vãng. “Đã từng” nghĩa là bây giờ đã không còn. Chỉ một câu nói đơn giản vậy thôi, nỗi đau của nàng đã tràn ra khỏi mắt. Chú tiểu không dám nhìn thẳng Nguyệt. Đôi mắt ướt của nàng lấp lánh một giọt buồn:


“Chị nhìn thấy nó, đỏ hỏn, hãy còn dính máu của chị. Cái chân đạp loạn xạ. Nó khóc thật là to. Đó là một đứa trẻ khỏe mạnh.” Một giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống tan vào đất. “Thóp trên đỉnh đầu còn chưa kín, đôi tay còn chưa nắm chặt lấy được tay chị. Chị đã run lên khi ôm nó vào lòng. Nó là máu thịt của chị.”


Nàng xấu hổ dùng tay áo lau đi những giọt nước mắt, thở dài một hơi kể tiếp:


“Đầu phố nơi chị sống có một cửa hàng bán đậu phụ. Cô chủ cửa hàng có một đứa con nhỏ. Có lần chị đi ngang qua, nghe tiếng nàng hát ru con. Giọng nàng không trong trẻo bằng giọng Vũ Ca, không vút cao luyến láy như giọng của Kim Tước, ấy vậy mà lại hát ru hay đến thế. Tiếng ngân ấy thật đẹp, ấm áp như nắng mai, tràn đầy cảm giác yêu thương và bảo vệ. Chị đã luôn muốn hát cho đứa con của riêng mình nghe bài hát ru kỳ diệu như thế ấy. Nhưng lúc ấy chị yếu lắm, cử động một ngón tay cũng đau đớn, nói chi đến hát lên vài lời. Vậy mà nó chỉ ở lại với chị có ba ngày, chẳng kịp chờ chị cất lên một lời.”


Chú tiểu bối rối chẳng biết phải làm sao. Những khoảng trống im lặng dần bị nước mắt của nàng lấp đầy. Cảm giác hổ thẹn vì chẳng thể làm gì dâng lên, chú tiểu nhẹ nắm lấy tay nàng khẽ siết chặt. Những ngón tay nàng run run, truyền cả nỗi buồn sang bàn tay nhỏ bé. Lần đầu tiên thấy nước mắt của người khác, thì ra chính mình cũng lại thấy buồn đến thế. Nguyệt không khóc náo ầm ĩ, cũng chẳng sụt sùi như trời đổ mưa. Nước mắt nàng lặng lẽ rơi và thân hình chỉ thoáng run rẩy. Nàng nhìn gốc vô ưu cao lớn bên cổng, giọng hơi lạc đi mà kể:


“Vô ưu, không ưu tư, phiền muộn. Thân mẫu của Phật tổ vịn một cành vô ưu để hạ sinh Người. Vô ưu là mẫu tử. Đứa trẻ của chị có oán chị không? Bảy năm qua nó có ngủ ngon chăng? Chị chỉ mong được nhìn thấy một đóa vô ưu để cầu xin giấc ngủ bình yên cho đứa con đáng thương ấy.”


Nước mắt nàng lặng lẽ rơi, không ồn ào thổn thức. Chú tiểu chẳng biết nói gì. Giữa cái im lặng ấy, mọi lời nói đều là thừa thãi.


Nắng buổi sớm dần lên, chiếu lên những tán lá xanh mới được gột rửa, đọng lại dưới chân là những vũng nước to nhỏ, ánh lên màu xám ảm đạm. Nàng lại nhẹ nhàng rời đi trước khi các sư huynh dậy luyện võ. Trong không khí chỉ còn vương lại chút vị phấn son nhàn nhạt.


Chú tiểu là một cô nhi. Đúng hơn thì tất cả mọi sư huynh đệ trong chùa cũng đều là cô nhi. Các đời trụ trì đã thu nhận tất cả những đứa trẻ được bỏ lại trước cổng chùa. Từ đại sư huynh lớn tuổi nhất đến thằng nhóc năm sau sẽ phải thay chú quét sân cũng cùng chung một cảnh ngộ. Trụ trì có lần vừa nhìn các sư huynh luyện võ, vừa khẽ niệm:


“Đến bao giờ chùa ta mới ngừng nhận đệ tử đây.”


Bị bỏ rơi từ quá sớm đã khiến cho khát khao tình mẫu tử đã sớm bị lãng quên. Những đứa trẻ trong chùa nhìn những đứa trẻ dưới núi theo chân cha mẹ lên chùa nhưng chẳng mấy ai gợn lòng. Chưa từng nắm được trong tay, dĩ nhiên sẽ chẳng tiếc nuối.


Vậy còn những người mẹ từng có con, từng mất đi hay từng phải bỏ lại chúng trước cổng chùa này, có bao nhiêu người dằn vặt thương nhớ như Nguyệt?


Một trăm linh tám bậc thang, mỗi lần đi có biết bao cực nhọc? Nguyệt vẫn đến cùng với mùa mưa. Thay cho sương sớm là những cơn mưa lạnh buốt, dai dẳng từ sáng đến tận khuya.


Sau lần nói chuyện ấy, chú tiểu lại sợ hãi mỗi khi nhìn thấy Nguyệt trước cổng chùa. Con người nhỏ bé ấy bất cứ lúc nào cũng có thể bị cuốn xuống chân núi, vùi trong những quãng hồi ức đau thương nhất.


Hoa vô ưu có nở hay chăng cũng đã không còn quan trọng.


Chú tiểu không phải đi quét chùa những sớm ngày mưa nữa nhưng vẫn thức dậy thật sớm. Chú nhẹ nhàng bước qua các sư huynh đang quấn chăn ngủ say, cầm ô đi ra đến trước cổng chùa, trong lòng thầm hy vọng Nguyệt không đến.


Chiếc ô giấy cô đơn trước cây hoa vô ưu. Nguyệt vẫn đứng đó, như hôm qua, như bao hôm trước. Chú tiểu không dám bước ra, chỉ dám nhòm qua khe cửa. Gió sớm mai lạnh buốt.


Nàng có phải đang cầu nguyện với niềm tin rằng chỉ cần một đóa hoa nở ra thì đứa trẻ của nàng sẽ được ngủ yên? Người đã mất đi, sao còn khiến người ở lại vấn vương đến vậy. Chú tiểu kéo chặt tà áo quanh mình, lòng âm thầm ghen tị với đứa con của nàng. Nếu có người vì mình kiên trì cầu nguyện đến vậy cũng là một điều hạnh phúc.


Rồi Nguyệt cũng ra về, lặng lẽ và cô đơn.


Bốn ngày tiếp theo, mưa vẫn chưa hề có ý định ngớt. Chú tiểu vẫn thức dậy thật sớm nhưng chỉ nhìn nàng qua khe cửa. Hình như dáng đi của nàng hơi bị nghiêng về bên trái. Chú tiểu muốn bước ra nhưng rồi lại rụt rè không dám. Cả ngày hôm ấy chú đều lo lắng không nguôi.


Buổi chiều, gặp trụ trì trên hành lang, người gọi chú lại hỏi:


“Dạo này con có điều gì phiền muộn sao? Tuổi còn nhỏ mà nếp nhăn giữa hai chân mày đã sâu như vậy thì sẽ không lớn được nữa đâu.”


Chú tiểu cúi mặt, chẳng biết đáp làm sao. Trụ trì xoa nhẹ lên đầu chú rồi mỉm cười hiền từ:


“Nếu có có tâm sự thì không nên giữ mãi trong lòng.”


Chú ngẩng đầu, chợt hỏi:


“Người đã từng gặp mẹ con chưa ạ?”


Lần đầu tiên nghe chú tiểu hỏi đến mẹ, trụ trì chầm chậm xoa nhẹ lên đầu chú, từ tốn hỏi:


“Vì sao con lại hỏi vậy?”


“Con đã gặp người kiên nhẫn cầu nguyện cho giấc ngủ bình an của một đứa con. Con đã rất ghen tị. Liệu mẹ con có còn nhớ đến con không?”


“Ta cũng không biết nữa. Không thể trách mẹ con, chỉ có thể trách con và mẹ thiếu đi một đoạn duyên. Nếu cứ mãi nhớ về nó sẽ chỉ càng đau lòng thêm thôi.”


Chú tiểu mân mê vạt áo rồi đến phật đường quỳ xuống trước mặt Phật tổ. Người hiền từ cười, nhìn chú nhắm mắt thành khẩn nguyện cầu.


Lần đầu tiên, chú tưởng tượng đến mẹ. Một buổi sớm mai sương trắng giăng đầy núi, một người đàn bà đặt chú trước bậc tam cấp hướng lên chùa. Nàng cũng vượt qua một trăm linh tám bậc thang, khi đi ngàng qua gốc vô ưu, bởi mới sinh nên nàng có lẽ còn yếu lắm. Nàng vịn một cành vô ưu để thở dài, vô tình gửi vào một nỗi ưu phiền. Nàng cẩn thận đặt chú nép dưới mái hiên kín gió trước cổng. Nàng đã sinh ra chú nhưng lại không có duyên nuôi chú lớn khôn. Nàng không dìm chú xuống đáy nước, để chú được sống tiếp.


Một giọt nước mắt rơi xuống, chú tiểu nhắm mắt thấy sống mũi mình cay xè. Thực ra người phụ nữ nào vượt qua một trăm linh tám bậc thang dốc đứng để đặt đứa con của mình lên bậc cửa đã là ban ơn huệ cuối cùng cho đứa bé, dù đó cũng chính là cái ơn cắt đứt đoạn nghĩa tình mẫu tử. Công sinh thành, cho nó được sống, có lẽ chỉ vậy đã đủ để thứ tha cho họ. Còn Nguyệt, nàng đã đếm bao nhiêu lần một trăm lẻ tám, tại sao vẫn chưa thể tha thứ cho mình?


Ngày hôm sau, chú tiểu quyết định không ngủ nữa. Chú muốn đuổi Nguyệt đi, dọa chặt gốc vô ưu đi chẳng hạn. Có lẽ người phụ nữ ấy sẽ không còn cố chấp như vậy nữa.


Sau khi mọi người đã ngủ say, chú tiểu liền trốn đi, chui vào góc kín gió trước cánh cổng chùa mà đợi chờ. Trời vẫn chưa khi nào ngớt mưa, cơn mưa càng ngày càng nặng hạt. Mái hiên thật lớn cũng chẳng che hết nổi những cơn gió đêm lạnh buốt. Chú co mình ngủ ở cái góc dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi.


Tay chân chú ngày một lạnh buốt. Chú co ro cuộn chặt mình trong tấm chăn đơn. Trong cơn mơ màng, mẹ dịu dàng vuốt má chú. Tay mẹ mới thật ấm áp làm sao. Mẹ ôm chú vào lòng, y như một đứa trẻ sơ sinh, ủ ấm hai tai cho chú, khe khẽ mắng:


“Thằng nhỏ khờ.”


Chú mỉm cười, cố gắng nhìn cho rõ mặt mẹ nhưng người mẹ thật ấm quá. Trong mơ có tiếng hát nho nhỏ. Giọng hát không chau chuốt như hạt ngọc, mộc mạc như cỏ lá. Chú tiểu chưa từng nghe thấy bài hát này bao giờ nhưng lại cảm thấy vô cùng thân quen. Tiếng hát nho nhỏ kéo đến cơn buồn ngủ không sao cưỡng lại, chú tiểu ngủ thiếp đi.


Một tiếng sét rất lớn xé toang bầu trời cùng với tiếng đổ ngã rung chuyển mặt đất như sát bên tai. Chú tiểu bật dậy sợ hãi, một tấm áo lớn cùng với chiếc chăn đơn trượt ra khỏi người. Ai đó đã cuốn cho chú thật kỹ, y như bọc một đứa trẻ sơ sinh. Nguyệt vẫn chưa đến nhưng cái gốc cây trước cửa đã đổ rồi.


Cây vô ưu bị sét đánh trúng. Thân cây cháy sém, đổ xuống, bật tung cả rễ. Một cái sọ lộ ra. Cái đầu nhỏ bé, thóp còn chưa kín. Đứa bé lẽ ra sẽ được nghe hát ru ấy đang nằm ngủ dưới gốc cây vô ưu.


Chú tiểu ôm lấy chiếc áo hãy còn phảng phất mùi son phấn rất nhạt, nước mắt mặn chát hòa tan cả thân thể. Chú thấy mình mục rữa nằm dưới gốc cây, đau đớn như lần thứ hai mất đi mẹ.


Cũng sáng hôm ấy, dưới chân núi nở rộ một đoá hoa mẫu đơn đỏ tươi. Đóa hoa đẹp đẽ và cô đơn nằm lặng yên trên bậc thang cuối cùng. Mưa vẫn chưa ngớt. Một trăm linh tám bậc thang đá trơn tuột.


Hết.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}