Thăng Long cuối tiết vũ thủy(1), trời ẩm nồm chẳng dứt làm bệnh suyễn kinh niên của ta trở nặng, mấy đêm liền chỉ có thể ôm chăn gối nhắm hờ mắt, miệng ho khòng khọc nhịp cùng trống canh. Đến hôm nay được ngày mây tan nắng xuống, ta sai bọn trẻ con kê ra sân cái chõng tre nằm gà gật phơi nắng. Đất trời vẫn độ xuân thì, đã hết tháng giêng nhưng hơi Tết vẫn còn vương theo tiếng gọi nhau đi trẩy hội.
- Mẹ ơi.
Ta mở mắt nhìn thằng con lớn đứng đầu, sau lưng nó là mấy đứa nhỏ dúm dít lại phía sau. Trong lòng ta cười thầm. Mấy đứa nhà này ngoan ngoãn dạ vâng từ mấy hôm nay, tối qua còn bâu vào đấm bóp thùm thụp cho hai vợ chồng ta, hại thân suyễn dở này ho muốn đứt hơi. Ta thừa biết chúng nó muốn lấy lòng cha mẹ để hôm nay xin đi chơi hội. Nhưng ta vẫn tỏ ra là một người mẹ thiếu nhạy cảm mà hỏi chúng:
- Ừm… Sao mấy đứa lại xếp hàng ra đây hết thế này? Mới hết tháng giêng đã muốn lì xì tiếp sao?
Cả lũ vội vàng xua tay lắc đầu, em đẩy anh, anh đẩy em. Dùng dằng cấu chí nhau một hồi thằng lớn mới ngập ngừng thưa:
- Bẩm mẹ, hôm nay làng bên có hội, sân đã quét, gà lợn đã được ăn no, bài cụ đồ giao bọn con đều đã làm đủ, mẹ cho phép anh em chúng con đi chơi xuân một chốc ạ.
Ta cũng chỉ tủm tỉm móc ra mấy xu đưa cho thằng lớn rồi bảo:
- Mấy đứa ngoan, mẹ thưởng. Đi chơi cẩn thận, về trước giờ cơm tối là được.
Cả đám hò reo cuốn nhau đi. Nhìn chúng nó nô đùa làm ta nhớ đến những tháng ngày hồi nhỏ ở thôn Tức Mặc. Cha mẹ ta nhà nghèo, đông con không nuôi xuể nên khi bốn năm tuổi ta đã sang nhà ông Trần Lý ở đợ. Nhà ông Lý hồi đó giàu có đã mấy đời rồi, đâu có thiếu người làm mà phải mua đứa bé gái mới bốn năm tuổi như ta. Ta được mua chủ yếu để chơi cùng cô hai của nhà ông mà thôi. Hai anh lớn chê cô con gái đỏng đảnh không chịu chơi cùng, bọn trẻ cùng làng cũng ngại cô con nhà giàu khó chiều mà chẳng dám gần. Nên cô ngày khóc, đêm khóc đòi mẹ cha sinh thêm em gái, mà em gái đâu phải có sinh là sinh được vì thế ông Lý cũng tặc lưỡi mà mua về một đứa bé gái cùng lứa để chơi cùng cô. Lần đầu nhìn thấy ta, cô chê ta bẩn rồi lôi ra giếng kỳ cọ đến mức ta xước hết mình mẩy, lúc đó ta sợ lắm mà không dám khóc, chỉ dám đứng im cho cô lấy xơ mướp cọ xoèn xoẹt, chốc chốc cô lại giơ cổ tay trắng múp lên ngang mặt ta rồi lẩm bẩm “sao cọ mãi không sạch được vậy?”, mãi đến khi có người làm đi qua giải thích cho cô là ta đen như thế là do ta phơi nắng gió nhiều, ăn uống thiếu thốn nên không được hồng hào trắng trẻo như cô, cô mới à một tiếng rồi thôi cọ, rồi cô lẩm bẩm “ra là do thiếu ăn à?”. Sau cô kéo ta về phòng đem hết bánh trái cô có ra cho ta ăn. Vị thơm ngọt lần đầu được ăn thứ quà bánh nhà giàu đó đến bây giờ nhớ lại ta vẫn thấy như vương nơi đầu lưỡi. Dù cho sau này cũng từng ăn qua bánh trái nơi cung cấm nhưng lòng ta vẫn đánh giá chúng kém hơn thứ quà bánh ăn lần đầu.
Ai mà ngờ con người ngây thơ nhiệt tình đấy mười lăm tuổi làm Nguyên phi, rồi Ngự nữ, Phu nhân, Hoàng hậu, giờ là Quốc mẫu. Từ ngày người không làm Hoàng hậu Lý triều nữa, ta cũng thôi ở cạnh người. Hồi đó, tình hình rối ren, nàng sợ ta ở bên cạnh sẽ bị vạ lây, quyết gả ta đi. Cự cãi nhau mãi, dỗi cơm mất hai bữa ta mới đành chịu thua mà khăn gói về nhà chồng. Tuy rằng vẫn cùng nhau ở nơi kinh thành, nhưng thân phận hai bên khiến ta và nàng chẳng có dịp thường xuyên thăm nhau được. Không biết bây giờ cô hai sống ra sao. Cô hai số khổ không biết bây giờ đã lấy lại được nét cười như những năm ở Tức Mặc chưa. Hay là…
Cứ nằm ngẫm ngợi miên man như thế, đột nhiên gió đưa tới hương trầm quyện cùng hương nhài quen thuộc cùng lúc trán bị gõ mạnh một cái khiến ta mở choàng mắt vừa kịp nhìn rõ chiếc quạt đồi mồi khảm sen trăm cánh, bàn tay cầm quạt khẽ đưa làm vang lên tiếng leng keng kim xuyến va nhau. Người đến một thân lụa là thêu chỉ vàng đứng dưới ánh nắng giờ Thìn làm khoảnh sân con nhà ta sáng như giữa trưa giờ Ngọ. Thấy ta nghệt mặt như chưa tỉnh ngủ nàng phì cười lộ ra hạt huyền đều tăm tắp:
- Nhàn nhỉ? Chồng em từ sáng sớm nay đã đến cửa nhà ta khóc mếu báo em bệnh suyễn tái phát sắp chết tới nơi, hại y sư nhà ta cơm sớm chẳng kịp ăn, áo quần chẳng kịp mặc ấm mà bị lôi tới chờ ngoài cửa kia kìa.
Đến lúc này ta mới hoàn hồn mà lắp bắp:
- Cô hai… à Hoàng hậu… à không không… Quốc mẫu(2)…
Gọi đúng được tước vị người đến xong ta mới sực nhớ đến lệ bộ phép tắc mà vội vàng trở người xuống chõng tre để hành lễ. Nhưng mới nhỏm người dậy đã thấy vị Quốc mẫu kia xua tay:
- Không có người ngoài, miễn lễ. Ta nghe em gọi ta mà như đã muốn lên cơn suyễn rồi, giờ chờ bái lạy đủ lệ bộ nữa, ta chưa kịp thăm ốm thì đã phải làm ma cho nhà em rồi.
- Tạ ơn Hoàng ha… à… Quốc mẫu nhân từ!
Ta vội vàng ở trên sập rạp người tạ ơn. Nhưng cúi một hồi chẳng thấy đối phương ừ hử gì, lòng liền nhộn nhạo lo lắng quý nhân bực bội vì ta cứ gọi nhầm người là Hoàng hậu mãi hay không. Nào có phải ta cố ý trêu chọc gì nàng đâu mà đó là thói quen gọi bao năm đâu phải gọi một hai lần là sửa ngay được. Chẹp miệng rầu rĩ, ta chỉ có thể len lén trộm ngước thì thấy vị quý nhân kia đã ung dung xếp bằng bên chõng, đưa tay tự rót cho mình một chén nước vối, thấy ta ngẩng lên thì cũng thuận tay rót luôn cho ta một chén mới. Chủ để khách tự châm nước khi đến nhà đã là thiếu lẽ chu toàn rồi, mà đây lại là quý nhân cành vàng lá ngọc, ta chỉ có thể mếu máo thưa:
- Quốc mẫu à… người thương cái sĩ diện chủ nhà của em một chút, chờ em đổi ấm trà ngon hầu người được không ạ?
Đáp lại ta là một cái liếc xéo:
- Trà độc ta còn uống được, nước vối nhà ngươi làm sao mà phải đòi đổi với chác. Mới làm vợ của chức sắc vài năm mà đã học thói lệ bộ kiểu cách rồi. Ngươi mà còn ì xèo gì nữa, ta…
Quý nhân nói đến đó thì dừng chắc vì thấy mặt ta bắt đầu nhệch đi:
- Đầu xuân năm mới Quốc mẫu sao lại nói xui quẩy như thế… Trà độc gì chứ… Người không nhắc thì thôi, nhắc đến em lại… hu… hu…
- Ơ kìa con bé này…
Đến tuổi này rồi chắc chỉ còn có nàng gọi ta là “con bé” mà thôi. Tuy đối phương luôn luôn ở vị thế cao quý hơn ta từ nhỏ, nhưng nàng luôn phải đảm nhiệm vai trò dỗ ta nín. Quốc mẫu cũng đã nhiều lần phàn nàn về việc này. Ta chẳng khóc cho ta, ta khóc vì nàng là phần nhiều. Đặc biệt từ khi nàng bước vào cuộc hôn nhân với vị kia. Nhiều đắng cay trái ngang trút xuống người nàng, nhưng nàng chẳng mảy may rơi một giọt nước mắt, nàng chỉ mỉm cười mà nói “chuyện này có gì mà khóc. Có thể đoán được từ đầu mà”. Mỗi lần nhìn nàng như thế, ta lại càng khóc tợn. Vụ trà độc(3) nàng nhắc đến như chọc vào vết thương cũ trong tim ta. Ngày đó, nhìn trà vừa trôi qua môi mặt nàng đã tái đi, thân tín của nàng khi đó chỉ còn có mình ta, ta một bên hòa thuốc tả độc - trước ông Khánh đưa phòng hờ - cho nàng uống, một bên vội vã đi tìm vị đó. Một hồi thuốc thang chạy chữa cũng may nàng qua khỏi. Khi cô hai vẫn còn nằm thiêm thiếp trong phòng thì bên ngoài vị kia cùng mẹ ngài – thái hậu thời đó – kẻ chủ mưu đầu độc – đang tranh cãi gay gắt. Ta ngồi bên cô hai mà vẫn nghe rõ mồn một:
- Nhi thần đã nhiều lần nói với người rồi. Trần thị chưa thể chết lúc này! Thái hậu nghĩ vì sao Trần Tự Khánh vẫn chưa cho quân đánh thẳng vào đây lấy đầu ta? Thái hậu nghĩ hắn chỉ đánh phá loanh quanh vì e sợ triều đình ư?
Chưa thể chết lúc này… vậy vào thời điểm khác thì… có thể hay sao? Cơn gai lạnh theo câu nói kia lan khắp người ta râm ran.
- Đương nhiên là thế! Bọn phản tặc đấy nuôi được nhiêu binh nhiêu tốt, sao có gan lấn lướt triều đình được? Thằng Khánh đó nó cậy có em gái được ân sủng nên mới càn quấy như thế. Hồng nhan họa thủy. Nó là em gái của phường phản trắc thì cũng một giuộc phản trắc mà thôi. Nó đã thổi vào tai con những gì để con suốt ngày bảo vệ nó như thế?
Có vẻ lý lẽ của Thái hậu đã đốt nốt chút kiên nhẫn, ôn hòa của vị kia. Giọng vị kia vang lên đanh lạnh:
- Có vẻ như Thái hậu vẫn nghĩ tình hình hiện giờ vẫn như hồi phụ hoàng còn tại thế nhỉ? Lúc chúng ta phải chạy hết từ Lạng châu rồi Bình hợp chẳng lẽ Thái hậu thật sự nghĩ nhi thần bồi phụng người dạo chơi sao? Quốc khố khi về đến tay con đã cạn rồi. Quân sĩ tinh nhuệ khi xưa thì chia năm xẻ bảy theo các tướng mà cát cứ các vùng. Thái hậu thử nghĩ xem, nhi thần dùng cái gì để ra uy ra oai với kẻ dưới đây? Nhi thần không ngại mà thưa với người, tất cả là nhờ quân phản trắc trong miệng người nói đó.
Ngồi trong phòng ta vô thức bị uy áp mà rụt cổ, cúi đầu xuống. Đây là khí thế quân vương mà vị kia ngày ngày phải thu lại, giấu kỹ trước mặt những thế lực trong triều đó ư? Nói đến đó thì ngừng, có lẽ đến giờ người đó mới nhớ ra mình đang đứng ở đâu. Bối rối một lúc rồi nói lời cáo từ. Bên đó thái hậu kia dường như rơi vào trầm ngâm, ngồi lại một lát rồi cũng tuyên bãi giá. Còn ta bên này như có ai xô đổ một quả núi vào lòng. Vốn từ lâu ta biết cuộc hôn nhân này chỉ được vun bồi bằng riêng mỗi ruột gan của cô hai nhà ta mà thôi. Vừa gặp người ta đã ưng, lẽo đẽo theo người ta mà làm thân. Nàng khi đó bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn của dòng tộc “nhà Lý giờ như nỏ hết đà, con đâm đầu vào đó kém xa ở Tức Mặc làm tiểu thư nhà giàu”, “với tình hình hiện giờ, nhà ta có thể lấy cho cháu chức Thái tử phi, nhưng sau này Thái tử chạy loạn đông tây nam bắc cháu cũng phải ròng rã mà chạy cùng đó”, “gia đình mình đang yên ổn làm ăn, tự dưng mày muốn dính vào triều đình làm cái gì?”… Suốt những tháng cuối năm Canh Ngọ, đầu năm Tân Mùi đó ta ngày đêm phải đứng chặn ở cửa phòng ngăn mọi người vào làm phiền cô hai. Những lời họ muốn nói với nàng không được thì lại chuyển qua trút vào tai ta. Ta nghe mà cũng phát sốt với quyết định của nàng. Khi đó ta cũng chỉ có thể mếu máo van vỉ cô “Em xin cô, cả nhà xin cô đấy, cô nghĩ lại đi cô…” Nhưng nàng vẫn kiên quyết, nàng nói muốn giúp Thái tử, người đó là kẻ có dạ kinh bang tế thế, nhìn Thái tử như chúa sơn lâm bị nhốt trong cũi chẳng thể vẫy vùng thoả chí nàng đau lòng lắm. Nàng thương người đó, lòng nàng đã quyết rồi khó khăn chẳng ngại. Ta nghĩ ông Lý chắc khi đó hối hận vì đã nuôi dạy ra đứa con gái như nàng lắm lắm. Ngang ngược, bướng bỉnh, ngây thơ không hiểu sự đời – mọi phẩm tính của một cô con gái được cả nhà cưng chiều bao bọc đều hội tụ ở nàng. Ta còn nhớ ngày triều đình đến đón cô lần đầu(4), ngoài cổng làng ông Thừa, ông Khánh cùng tùy tùng đứng chặn lấy cớ thoái thác muốn hủy hôn, ở trong nhà cô hai đã nhảy giếng. Cả nhà trải một phen gà bay chó sủa. Đến khi cô hai thật sự được về kinh, cả nhà chỉ có mình cô cười, bà Lý còn khóc không thể dậy nổi. Cô hai nhà ta đã cố gắng vì cuộc hôn nhân này nhiều biết bao. Vị kia… thật sự nhìn nhận cô hai nhà ta như thế sao? Một tấm bùa toàn năng có thể chiêu tài, gọi quân, bảo vệ tính mạng, nếu khéo dùng còn có thể củng cố quyền lực nữa, rồi… khi dùng xong liền có thể đem… đốt? Quay lại ái ngại nhìn cô hai thì đã thấy nàng tỉnh lại từ bao giờ, hai mắt sáng long lanh trân trân nhìn lên trần nhà. Cả hai ta im lặng chẳng nói với nhau tiếng nào. Cứ thế nàng nhìn trần nhà còn ta nhìn nàng cho đến sáng hôm sau.
- Ta nhớ sau lần chết hụt đó, Tiên vương(5)ngày ngày xẻ đôi bữa ăn cho ta, quan tâm săn sóc cẩn thận hơn trước làm ta cảm động lắm.
Quốc mẫu vừa nói vừa quẹt vôi vào lá trầu, cẩn thận cuốn lại.
- Nhưng sau này ngẫm lại, hành động đó của Tiên vương cũng chẳng phải vì lòng thương yêu chồng vợ. Thái hậu khi đó cũng đủ thông minh để không tiếp tục dồn ta chết. Ông ấy ngày ngày kề cận chủ yếu là để giám sát xem ta có thông tin về cho Tức Mặc hay không mà thôi. Ông ý lo anh Khánh lại kéo quân đến như lần trước đó(6).
Quốc mẫu ngừng lại như để nhai miếng trầu, như để ngẫm ngợi về khoảng thời gian đó. Nét mặt người nhìn kém tươi hơn hẳn so với lúc mới tới. Ta nhìn Quốc mẫu thở dài, từ đó đến giờ, vị kia luôn là bóng mây giông làm mờ đi cuộc đời vốn đầy ánh nắng của nàng. Ta ngập ngừng hỏi:
- Dạo này, người còn thường nhớ về… vị đó không ạ?
Đáp lại ta là tiếng “hừ” không vừa ý của Quốc mẫu:
- Ngươi vẫn giữ thói quen không gọi Tiên vương đàng hoàng nhỉ? Bất mãn cái gì mà đến tận giờ chưa hết thế?
Ta len lén bĩu môi, đánh trống lảng bằng cách giở khay trầu cau ra xếp sắp lại. Nàng cũng lặng thinh, chuyển tay qua mấy quả cau chưa bổ bên khay. Nhìn mấy quả cau lần lượt bị chẻ ra làm sáu, ta chột dạ lén lút đưa tay xoa xoa cảm giác gai gai nơi cổ. Dù là thân thiết từ bé nhưng có vẻ chủ đề này ta không nên nhắc. Lo lắng làm cho ta bật cơn ho húng hắng. Quốc mẫu khi nãy còn đang chuyên tâm bổ cau liền đưa tay qua vỗ lưng cho ta vài cái. Đoạn nàng nhìn ta rồi chẹp miệng:
- Hễ nhắc lại thấy phiền lòng… Hồi mới nghe tin truyền về từ chùa Chân Giáo, ta mất ngủ gần năm trời. Trước đó, ta chỉ nghĩ rằng từ rày mỗi người một chốn, ai lo phận nấy, cứ thế mà sống, không nhìn nhau đến hết đời thôi. Ai ngờ…
Ai ngờ rằng vị Thái sư kia dọn dẹp quá gọn gàng. Rút kinh nghiệm lỡ lời vừa xong. Ta chỉ ngậm chặt miệng lắng nghe, kính cẩn tiếp thêm cho Quốc mẫu chén nước vối.
- Hồi đó ta nghĩ nhiều lắm, nếu hồi đó đi chơi chợ về, ta với ngươi không qua giếng làng rửa mặt, nếu khi ấy Tiên vương không tản bộ qua, nếu ta không nghịch ngợm mà ném cho người ta túi trầu, nếu… Tiên vương không chịu bắt lấy, không chịu cười với ta, nếu hôm đó mặt trời không làm cho người ấy rực rỡ nhường vậy…
Đôi lúc ta cũng ngẫm ngợi về chuyện giữa hai người bọn họ. Ta cũng thử tưởng tượng họ gặp nhau vào hoàn cảnh khác, nàng là tiểu thư nhà giàu, chàng là một thư sinh gia cảnh thanh bần, tà áo đôi bên không vướng mắc gì đến bánh xe chuyển mình của lịch sử, họ có thể có được hôn nhân viên mãn hay không? Họ có tránh được việc liên tục giằng xé lẫn nhau, rồi vắt kiệt lòng yêu thương đối phương của nhau? Hai tiếng thở dài song song vang lên. Ta ngẩng đầu nhìn Quốc mẫu, nàng cũng ngẩng đầu nhìn ta, môi son khẽ nhếch cho sự ăn ý vừa rồi, đoạn, người khẽ ngâm nga:
Phượng hoàng ở chốn cheo leo
Sa cơ lỡ vận phải theo đàn gà
Bao giờ gió thuận mưa hòa
Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng.
- Nếu hồi đó Tiên vương khéo chọn một chút, có lẽ sẽ chờ được đến lúc gió thuận mưa hòa… nhỉ? Đến tận bây giờ, nhìn cái mũ bình thiên, cái ghế vàng trong điện, ta vẫn tưởng thấy Tiên vương ôm chúng vừa cười vừa khóc trong điện cỏ năm xưa(7)… Ngài ấy nói anh em nhà ta ép người phát điên… Người thì hay rồi, có thể cắm cờ búi tóc, tự xưng thiên tướng(8) chỉ chó chửi mèo sảng khoái lắm, còn ta? Ai cho phép ta lúc đó phát điên? Ngày đó nếu nhà ta sảy chân một ly, ai sẽ vì nhà Trần ở Tức Mặc có vài kẻ điên mà được tha đây?
Sau bao nhiêu năm, cuối cùng ta cũng có thể nghe được tiếng nức nở của người trong cuộc. Nàng thuở ban sơ vốn thiện ý đưa tay dìu người qua giông gió, ai ngờ gió dập sóng vùi ngoảnh mặt hóa cừu nhân. Ta vẫn nhớ những ngày đầu họ bên nhau. Phu xướng phụ tùy vui vẻ biết bao nhiêu. Chàng toan tính kế sách thâu tóm lại quyền lực bị tuột khỏi tay. Nàng dốc lòng thuyết phục thân thích phò trợ đế nghiệp. Chàng một lòng hiếu kính Thái hậu. Nàng cũng thuận tòng nhất nhất chẳng dám sai. Dù cho hồi đó Thái hậu một mực chèn ép khó dễ, nàng cũng chỉ ngoan ngoãn cúi đầu. Nàng khi đó như bụi hoa đại đồng bị bứng vào trồng nơi xó nhà tăm tối. Vào cung mới được một năm mà ta nhiều lần giật mình xa lạ với người chủ mình đã theo hầu chục năm trời. Nhưng lòng trung, lòng thương của nàng lại bị gắn cho cái tiếng nhẫn nhục chờ thời, âm mưu phản loạn…
Lại một tiếng thở dài rơi xuống chén nước vối. Có vẻ như buổi thăm bệnh hôm nay của Quốc mẫu chẳng được vui vẻ như nguyện. Ta trong lòng lại tự trách bản thân không dưng làm lây cái sự yếm thế của kẻ bệnh tật sang cho quý nhân. Ta vội loanh quanh ngẫm nghĩ tìm chủ đề để xua đi nét sầu nơi chân mày Quốc mẫu, chén nước sắp cạn mà nghĩ chưa ra chuyện gì vui vẻ, ta quẫn quá mà buột miệng hỏi:
- Thái sư với người có được tốt không ạ?
Lời tuột ra miệng làm ta thảng thốt muốn lôi ngược trở lại. Hôm nay ta bị gì mà cứ hỏi han mấy thứ gây phiền muộn vậy chứ? Chỉ khi nhìn nét mày giãn ra của Quốc mẫu khi nhắc đến người chồng hiện tại, ta liền cảm thấy nhẹ nhõm. May quá, ta không chọn nhầm chủ đề nói chuyện nữa rồi. Nàng bĩu môi, hừ một tiếng bất mãn, giọng đột nhiên cao lên vài bậc:
- Tốt gì mà tốt. Chả làm được gì nên hồn cả. Ngươi có nhớ bà cô họ ở phía chéo cổng nhà mình ở Tức Mặc không? Người mà xưa suốt ngày cho mình kẹo sìu châu ấy. Hồi mới sinh ta, mẹ không đủ sữa, suốt ngày ta phải sang đó bú chực. Dạo nọ bà có lời gửi gắm thằng con trai cho ta. Ta nghĩ đến cái tình nghĩa đó nên nhận lời mà đánh tiếng qua cho lão Độ. Lão cũng ừ hử nhận lời. Thế mà vài hôm sau, bà cô nhà ta đến dập đầu van lạy với ta rằng thôi chẳng dám cậy nhờ đến cửa Quốc mẫu nữa, cứ để con bà làm thằng đi buôn thôi. Ta phải gặng hỏi mãi mới biết lão ấy đòi chặt ngón chân con bà rồi mới cho chức quan(9). Ngươi không biết lúc đấy ta vừa xấu hổ vừa tức như thế nào đâu… Đến giờ nhắc lại vẫn thấy sôi máu đây này.
Nhìn Quốc mẫu phùng mang trợn mắt kể tội Thái sư ta không nhịn được mà bật cười, chắc tại cười to quá mà cơn ho ập tới một tràng làm ta chảy hết nước mắt. Nhưng ta cứ vừa ho vừa cười như thế một chặp mà lòng hân hoan khó ngừng. Đúng rồi, chính là ánh sáng đó, cái ánh sáng tỏa ra từ đôi mắt cô hai nhà ông Lý đã lâu rồi ta chưa được thấy. Hồi còn bên vị đó, ta chưa từng thấy nàng cầu xin điều gì cho bản thân cũng như cho gia tộc mình, ta cũng chưa từng thấy nàng trực tiếp tỏ ra bất mãn hay kháng nghị gì với vị đó. Khi có chuyện gì xảy ra, nàng chỉ lặng im cúi đầu nhẫn nhục. Nàng làm gì cũng trăm e ngàn sợ. Nàng lo nếu không khéo cư xử nhịn nhục, sẽ buộc vào mình cái danh yêu cơ họa quốc, làm vạ cho gia tộc mình cái danh phản loạn. Nàng đem bản ngã của nàng cuốn kỹ, chôn sâu dưới những cái cúi đầu và tiếng thở dài. Dù cho về sau vật đổi sao rời, vị thế của nàng trong cung đã khác đi nhưng mỗi lần đối diện với người nhà họ Lý, nàng đều vô thức cúi đầu, thu mình lại như cũ. Những lúc thấy nàng như thế ta lại đau lòng tự hỏi “Bến cuối của yêu thương là thế này hay sao?” Bây giờ nhìn tốt hơn hẳn hồi đó. Sáng sủa vui vẻ biết bao nhiêu.
Tâm sự cười đùa một hồi, Quốc mẫu mới sực nhớ ra vị y sư “cơm sáng chưa được ăn, quần áo chưa đủ ấm” đang ngồi ròng rã chờ ngoài cửa. Lại qua một hồi vọng, văn, vấn, thiết, bốc thuốc, dặn dò nữa thoắt cái đã đến lúc Quốc mẫu có việc trở về. Ta vội vàng vơ vét đặc sản vùng miền, đồ tự chế biến khắp nẻo trong nhà đem dúi vào tay tùy tùng theo hầu Quốc mẫu. Nàng cố ngăn chặn khí thế muốn dỡ nhà đem cho của ta nhưng đành chịu bất lực đứng bên mà làu bàu:
- Nhà ta còn thiếu cái gì? Em nhìn thị nữ của ta đi, ai không biết còn tưởng Quốc mẫu ta đây đến nhà dân siết nợ.
Ta một bên giúp thị nữ sắp xếp đồ, một bên cười khì khì với nàng:
- Là chút quà quê gửi cho Thái sư. Quốc mẫu không nhận là chê đồ nhà chúng em không đủ quý giá rồi.
- Là ta đem y sư, thuốc thang tới. Cớ làm sao đến lúc nhận quà lại là lão ý được? – Ngoài miệng thì tỏ ý kháng nghị, nhưng ý cười từ khóe môi đã phủ tràn lên ánh mắt của Quốc mẫu. Cái ánh sáng nơi mắt nàng bắt đầu lấp lánh khi Quốc mẫu chuyển chủ đề qua kể tội Thái sư.
Ngắm Quốc mẫu cười mà ta bỗng có ảo giác mùa xuân bây giờ mới ghé cửa, lòng cũng không nhịn được mà rộn ràng lây. Tiễn quý nhân lên kiệu, ta nắm tay nàng cười:
- Quốc mẫu cho em gửi lời hỏi thăm Thái sư và tạ ơn Thái sư nhé. Em mang ơn Thái sư lắm ạ.
Đáp lại lời thân tình đấy là cán quạt gõ bộp vào mu bàn tay:
- Chỉ nhiễu việc! Thôi, ta về nhé. Giữ sức khỏe…
Kiệu của Quốc mẫu đi xa dần mà ta vẫn đứng đó tủm tỉm cười. Lời cám ơn Thái sư ta chẳng thể nói rõ thành lời nhưng vẫn râm ran trong lồng ngực. Tạ ơn ngài đã cứu được cô hai nhà ông Lý. Tạ ơn ngài đã trả lại cho cô hai nét cười năm xưa. Tạ ơn ngài đã đủ kiên nhẫn để xua tan mây giông đem nắng trở về cho cô hai ta theo hầu từ bé. Tạ ơn ngài…
Chú thích:
(1) Tiết vũ thủy: là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Ngày bắt đầu tiết Vũ thủy thường diễn ra vào khoảng ngày 18 hay 19 tháng 2 dương lịch, khi Mặt Trời ở xích kinh 330° (kinh độ Mặt Trời bằng 330°). Đây là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc cổ đại. Ý nghĩa của tiết khí này, đối với vùng Trung Hoa cổ đại, là Mưa ẩm. (Nguồn: wikipedia.org)
(2) Trần thị được gọi là quốc mẫu vì đó vốn là hiệu của Ngô phu nhân trước kia, tức là hoàng hậu Thái Tông thấy Linh Từ đã từng làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông, không nỡ gọi là công chúa, cho nên phong làm quốc mẫu, cũng là biệt danh của hoàng hậu. Xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển V – trang 175)
(3) Bính Tý, [Kiến Gia] năm thứ 6 [1216], (Tống gia Định năm thứ 9). Mùa xuân, sách phong ngự nữ làm Thuận Trinh phu nhân. Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua đuổi bỏ đi; lại sai người nói với phu nhân bảo phải tự sát. Vua biết mới ngăn lại. Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của phu nhân. Mỗi bữa ăn vua chia cho phu nhân một nữa và không lúc nào cho rời bên cạnh. Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải chết. Vua lại ngăn không cho, rồi đêm ấy cùng với phu nhân lẻn đi đến chổ quân của Tự Khánh; gặp khi trời đã sáng, phải nghĩ lại ở nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên, gặp tướng của Tự Khánh là Vương Lê đem binh thuyền đến đón. Vua mới đỗ lại ở bãi Cửu Liên. Truyền cho Tự Khánh đến chầu. ( Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư – Bản Kỷ - Quyển IV – Trang 155)
(4) Vào năm Trị Bình Long Ứng thứ 6 (năm Canh Ngọ- 1210- ND), tháng 10, ngài lên ngôi, trước linh cửu Cao Tông, quần thần dâng tôn hiệu là:
"Tự thiên thống ngự khâm nhân hoành hiếu hoàng đế".
Vua tôn mẹ là Đàm thị làm Thái hậu cùng được tham dự việc triều chính.
Tháng 11, liệm vua Cao Tông ở điện Sùng Dương. Vua và Thái hậu cùng quần thần đều trừ bỏ đồ tang phục.
(…)
Tháng đó, nhà vua sai đón người con gái thứ hai họ Trần, nhưng Trần Tự Khánh không cho. (Nguồn: Đại Việt Sử Lược – Quyển III – Trang 94)
(5) Tháng 6 vua nhường ngôi cho công chúa thứ hai là công chúa Chiêu Thánh, hiệu là Chiêu Vương ( Chiêu Hoàng), tôn vua là Thái Thượng Vương ( Thái Thượng Hoàng), cải nguyên là Thiên Chương Hữu Đạo" (Nguồn: Đại Việt Sử Lược – trang 199).
Vì trước đó Huệ Tông đã được tôn là Thái Thượng Vương, trong truyện - thời điểm ngài đã băng - tác giả chọn cách gọi “Tiên vương”.
(6) Quý Dậu, [Kiến Gia] năm thứ 3 [1213], (Tống Gia Định năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, Trần Tự Khánh đem quân xâm phạm cửa khuyết xin đón xa giá. Vua lấy làm ngờ, xuống chiếu lấy quân các đạo đi bắt Tự Khánh, giáng nguyên phi làm ngự nữ.
Giáp Tuất, [Kiến Gia] năm thứ 4 [1214], (Tống Gia Định năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, Trần Tự Khánh đem quân đến [bến] Triều Đông, tự vào quân môn tạ tội, lại xin đón xa giá. Vua càng ngờ, bèn cùng với thái hậu và ngự nữ chạy đến núi Trĩ Sơn ở châu Lạng. Tự Khánh nghe tin xa giá long đong mà ngự nữ thì lâu nay bị thái hậu làm khổ, lại đem quân đến xin đón xa giá như trước. Vua cũng chưa tin, lại cùng với thái hậu và ngự nữ chạy sang huyện Binh Hợp. (Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ - Quyển IV – Trang 155)
(7) Năm Ất Hợi là năm Kiến gia thứ 5 (năm 1215- ND)
(…)
Tháng 11, Trần Tự Khánh đưa trả cái mũ Bình Thiên.
Tháng chạp, dựng ngôi điện bằng cỏ ở khu vườn nhà của Đỗ An.
Năm Bính Tý (năm 1216- ND) là năm Kiến gia thứ 6:
Tháng giêng, nhà vua cùng với Thái Hậu ngự ở thảo điện (điện bằng cỏ-ND) để thị triều. Trần
Tự Khánh trả lại cái ghế bằng vàng. (Nguồn: Đại Việt Sử Lược – quyển III – trang 103)
Đây là giai đoạn Trần Tự Khánh đem quân đánh khắp nơi khiến vua phải rời cung điện.
(8) Đinh Sửu, [Kiến Gia] năm thứ 7 [1217], (Tống Gia Định năm thứ 10). Mùa xuân, tháng 3, vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Chính sự không quyết đoán, giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Quyền lớn trong nước dần dần về tay kẻ khác. (Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ - Quyển IV – Trang 155)
(9) Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ bảo hắn:
"Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác".
Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển V – trang 178)
Bình luận
Chưa có bình luận