Năm giờ sáng, một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi đang ngồi trong căn phòng tranh tối tranh sáng của mình, ông nhấc một ngụm trà nóng rồi đưa mắt nhìn một lượt căn phòng của mình, căn phòng mà ông đã ở từ nhỏ đến lớn. Trên kệ, trên bàn… đầy những khung ảnh của gia đình gồm ba người: ba, mẹ và ông, một gia đình hạnh phúc. Nhưng đến năm hai mươi bảy tuổi thì những bức ảnh chỉ còn lại một mình ông, ba mẹ của ông đã qua đời vì một tai nạn, hai người vì bảo vệ ông mà bị thương nặng, đến cuối cùng chỉ mình ông sống sót.
Từ nhỏ mẹ đã hay nói với ông rằng ông được hình thành và được sinh ra từ tim của mẹ, lúc đó ông vẫn chưa hiểu gì, đến mãi sau này ông mới vô tình biết được rằng mình là con nuôi, được ba mẹ nhận nuôi từ một trại mồ côi. Tuy vậy ông vẫn không nói ra, một phần vì sợ ba mẹ sẽ buồn, một phần vì sợ rằng mình là đứa bị bỏ rơi.
Cho đến lúc hấp hối trên giường bệnh, ba mẹ của ông đã để lại di thư nói ra sự thật và muốn ông tự quyết định việc có tìm lại ba mẹ ruột hay không. Ông đã không gặp được họ lần cuối, vì lúc đó ông vẫn còn đang bất tỉnh sau tai nạn. Đến lúc tỉnh dậy, khi biết được tất cả, ông như người mất hồn suốt mấy tháng liền, tuyệt nhiên không có một chút biểu hiện cảm xúc nào.
Và ông đã quyết định không tìm lại ba mẹ ruột, ông dành thời gian của mình để chiến đấu trên thương trường, cũng đã mười ba năm như thế, bây giờ ông có trong tay tất cả tiền bạc, một ký ức hạnh phúc và một băn khoăn chưa thể buông bỏ.
Người đàn ông chậm rãi cầm ly trà bước ra ban công, ông đón những tia nắng đầu tiên của ngày, đón thêm một cơn gió thoảng mang theo mùi hương của cánh đồng cỏ trước mặt.
Một ngày nọ ông cảm thấy trong người khác lạ, ông đến bệnh viện làm kiểm tra và kết quả là căn bệnh ung thư giai đoạn ba. Kỳ lạ thay, ông tuyệt nhiên không có một chút biểu hiện cảm xúc nào, bác sỹ hỏi ông về việc tiếp nhận điều trị, ông ngồi trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi lắc đầu từ chối và cứ thế đứng dậy đi về. Bác sĩ vẫn ngồi im nhìn theo bóng lưng của ông, bác sĩ đã biết ông từ vụ tai nạn năm đó, có lẽ ông ấy hiểu được những gì đang diễn ra trong nội tâm của người đàn ông vừa rời đi, người đàn ông ấy luôn cho rằng cái chết của ba mẹ là do lỗi của mình, tại sao ba mẹ lại che chắn cho ông, một đứa con nuôi, ông không xứng đáng nhận được nhiều sự yêu thương và hy sinh đến như vậy, người đàn ông ấy cảm thấy rằng trên cuộc đời này không còn ai yêu thương ông nữa, không còn gì phải luyến tiếc, ra đi một cách tự nhiên, như vậy cũng tốt. Ông ấy đã sống như thể đang mong chờ ngày rời đi của chính mình.
Đã hai tuần trôi qua kể từ ngày ông nhận được kết quả kiểm tra, ông vẫn cứ như ngày thường, lao mình vào công việc rồi lại về nhà, căn nhà tối om, lạnh lẽo.
Một buổi sáng như ngày thường, ông đang nhấp ngụm trà thì bỗng nhiên xuất hiện một cơn động đất nhỏ kéo dài vài phút rồi ngưng, tuy vậy đồ đạc trong nhà cũng đã không còn ở vị trí cũ của chúng. Ông bình tĩnh đứng dậy sắp xếp lại những thứ đồ linh tinh đang nằm ngổn ngang, rồi chợt ông dừng lại ở một phong thư đã ngã màu, đó chính là bức di thư mà ba mẹ đã để lại và ông đã cất nó sau bức tranh gia đình khổ lớn treo trên tường. Ông đã để nó ở đó lâu đến nỗi dường như bản thân ông cũng đã quên mất.
Ông đọc bức thư ấy một lần nữa, trầm ngâm nhìn từng chữ trong thư, rồi ông ngước lên nhìn bức tranh treo trên tường đã bị nghiêng một bên, ông cẩn thận gấp bức thư cho vào túi áo rồi cẩn thận treo lại bức tranh. Có lẽ đây là sự sắp đặt của ông trời, hoặc là ý nguyện của ba mẹ nuôi, ông thở nhẹ rõ dài, có lẽ cũng đã đến lúc ông nên đi tìm câu trả lời cho cuộc đời sắp kết thúc của mình.
Như thường lệ, người đàn ông bước ra ban công và đón những tia nắng đầu tiên của ngày.
Ông tìm đến thám tử điều tra, lần này ông đã thay đổi quyết định, ông muốn tìm lại ba mẹ ruột của mình, vì là sắp rời khỏi thế gian này nên ông muốn biết câu trả lời cho băn khoăn của mình bấy lâu nay, dù kết quả thế nào thì ông cũng sẽ chấp nhận.
Một thời gian trôi qua vẫn không có tin tức gì, thật ra ông cũng không nôn nóng hay đặt bất cứ kỳ vọng gì, chỉ là muốn thử một lần vậy thôi.
Mãi cho đến một ngày ông đang trong cuộc họp với nhân sự ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có cuộc gọi đến của thám tử, thám tử yêu cầu ông gấp rút đến một địa chỉ vì đã không còn thời gian nữa rồi, thám tử vẫn chưa điều tra được gì nhiều nên chưa có gì để cung cấp thêm cho ông, chỉ biết là có người đang chờ ông đến, giờ phút họ biết đến người đó thì người đó chỉ còn là sợi tơ trước gió.
Ông theo chỉ dẫn nhanh chóng có mặt tại một viện dưỡng lão cũ kỹ, Viện trưởng và thám tử đã đứng đợi ông trước cổng, họ cũng nhanh chóng đưa ông đến một căn phòng nhỏ nhưng tràn đầy ánh sáng.
Trước khi bước vào thám tử đã nói với ông rằng người nằm đó có thể chính là mẹ ruột của ông, ông bình tĩnh bước vào bên trong, tiếng bước chân từng bước từng bước ngày càng gần làm bà cụ nằm trên giường khó nhọc mở mắt ra.
Cánh cửa từ từ mở ra, dáng dấp người đàn ông cao lớn xuất hiện sau cánh cửa ấy lúc mờ lúc tỏ, bà đã nhìn thấy rồi, nhìn thấy con trai của bà rồi, khóe mắt khẽ rơi một giọt nước mắt, tay bà nặng nhọc giơ lên không trung nhưng chỉ được vài giây rồi buông xuôi, bà ấy đi rồi.
Người đàn ông vẫn đứng tần ngần ở đó, cách giường bệnh một khoảng, bước chân của ông như muốn tiến thêm vài bước về phía trước nhưng lại không đủ can đảm, tâm trạng khá rối bời nhưng tuyệt nhiên không có một chút biểu hiện cảm xúc nào, thậm chí ngay cả lúc bà ấy trút hơi thở cuối cùng.
Trong phòng làm việc, Viện trưởng mang toàn bộ những di vật của bà ấy để lại đưa cho người đàn ông xem.
- Cậu có muốn nghe tôi kể lại câu chuyện của bà ấy không? – Viện trưởng nhẹ giọng hỏi khẽ.
Người đàn ông im lặng nhìn vào đống di vật.
- Câu chuyện mà bà ấy đã kể cho tôi và những người trong viện này nghe rất nhiều lần… câu chuyện về con trai của bà ấy.
Người đàn ông vẫn giữ im lặng, rồi chợt ông gật đầu đồng ý.
Câu chuyện về một cô gái trẻ lên thành phố tìm kiếm cơ hội làm việc, và rồi lại rơi vào lưới tình với một thanh niên trẻ Sài thành. Cứ tưởng đó là hạnh phúc nhưng cuối cùng lại là bi kịch, người thanh niên ấy vì hoàn cảnh gia đình mà buông tay để cưới con gái của một gia đình giàu có, đến lúc anh ta làm đám cưới thì cô gái phát hiện mình đã mang thai.
Tuy rất đau khổ, rất hoang mang, và mọi người xung quanh đều khuyên cô bỏ đứa bé đi nhưng cô chưa bao giờ có ý định đó.
Vì là sợ làm ảnh hưởng đến ba mẹ dưới quê nên cô đã tìm cớ ở lại Sài thành để sinh đứa bé ra, cô đã phải làm nhiều việc để có thể trang trải cuộc sống, cô phải tự mình chăm sóc mình.
Vì là nhìn thấy con nhà người ta trắng trẻo đáng yêu, sợ rằng nhỡ đâu con mình là con gái lại giống mình mà đen nhem nhẻm, tội nghiệp nó, nên cô đã nghe theo lời đồn mà ăn uống không đúng cách, dẫn đến lúc sinh thì cô bị băng huyết, suýt nữa thì mất mạng.
Khi đứa bé được ba tháng tuổi thì ông bà ngoại phát hiện, cô được đưa về nhà. Ba của cô đã đón cô bằng một trận roi vụt thẳng lên người con gái, ông nhục nhã, nhưng vì thương con nên ông đã đồng ý để cô ở lại nhà mặc cho những gièm pha từ bên ngoài.
Ngày qua tháng lại, cậu bé nay đã được bốn tuổi, tuổi thơ của cậu rất đẹp, có ông bà yêu thương, có mẹ bên cạnh. Nhưng rồi năm đó mùa màng thất bát, gia cảnh đã nghèo càng nghèo hơn, thêm vào đó là vì bảo vệ cho con trước gièm pha của người ngoài mà ông ngoại đã ẩu đả với người ta làm bản thân bị thương phải nhập viện. Thấy vậy, cô gái xin phép đưa con trai lên lại Sài thành để tìm kiếm việc làm.
Một cô gái trẻ mang theo một đứa bé thì rất khó tìm việc, vì vậy cô đã phải làm nhiều công việc không tên để trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. Thậm chí có người xúi cô làm những nghề bậy bạ nhưng vì nghĩ rằng con trai mình còn có tương lại, nếu nó biết mẹ nó làm những công việc không đàng hoàng thì nó sẽ rất đáng thương, cô từ chối.
Vất vả là thế nhưng cô chưa bao giờ nghĩ cho mình điều gì, nhìn con nhà người ta được học hành, được vui chơi, cô chạnh lòng vì con mình sẽ không có tương lai gì hết, bản thân còn lo không xong thì làm sao có thể cho con một tương lai, thậm chí chỉ là một tương lai bình thường cũng không thể. Cô suy nghĩ nhiều đêm rồi quyết định ngậm đắng nuốt cay đưa con đến nhà cha của nó.
Cô lọ dọ từng bước trước cổng nhà nhưng khi thấy cả gia đình họ xuất hiện cô vội trốn vào một góc, anh giờ đã có con, gia đình họ ba người đang cười đùa vui vẻ bên nhau. Cô chợt nghĩ đến nhỡ đâu con mình bị người ta gièm pha là con riêng, bị người ta đối xử tệ bạc thì sao, nghĩ đến đó cô chực trào nước mắt, khóc không dám thành tiếng. Từ đó cô không bao giờ quay lại căn nhà đó nữa.
Rồi bi kịch xảy đến, lúc cô để con trai ở bên cạnh, còn mình thì rửa chén cho một nhà hàng khá lớn thì hỏa hoạn xảy ra, cô ẵm con chạy đông chạy tây nhưng tất cả đều bị lửa bao quanh. Cô kêu gào trong biển lửa nhưng tuyệt nhiên không có một phản hồi nào, khi thấy có một khe nhỏ khá an toàn nên đã để con vào đó còn mình dùng thân che chắn bên ngoài. Lửa bao trùm, đồ đạc từ trên cao rơi xuống thân hình người phụ nữ bé nhỏ ấy cho đến khi đội cứu hỏa tới và cứu được hai mẹ con.
Tuy nhiên, vì vết thương quá nặng mà người phụ nữ bị cho là đã tử vong, cho đến khi người ta sắp đem cô cho vào quan tài thì bỗng nhiên cô xuất hiện sự sống, cô nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Sau vài tuần bất tỉnh nằm viện, cô dần phục hồi sức khỏe nhưng vì vết thương ở đầu nên cô đã mất trí nhớ một thời gian dài, và cả con trai cô ấy cũng vì sang chấn tâm lý mà mất trí nhớ, cậu bé được đưa đến viện mồ côi, rồi được người ta nhận nuôi. Kể từ đó, hai người lạc mất nhau.
Cho đến vài năm sau, bỗng nhiên cô từ từ phục hồi lại trí nhớ, cô đau đớn đi tìm con, hỏi hết bao nhiêu người thì câu trả lời vẫn là không biết, vì lúc đó quá hỗn loạn, lửa bao trùm, bao nhiêu người thương vong, thậm chí có những người đến giờ vẫn chưa xác định được danh tính, và thậm chí có những chiến sỹ cứu hỏa vì làm nhiệm vụ mà đã hy sinh.
Cứ như thế, người phụ nữ ấy tìm con trong vô vọng, cô đã ở lại Sài thành để biết đâu có một ngày vô tình nhìn thấy con ở trên đường. Cô xin vào làm việc cho viện dưỡng lão và ở đấy cho đến bây giờ.
Viện trưởng khẽ quan sát sự tĩnh lặng trên gương mặt người đàn ông.
- Tôi xin lỗi, vì nếu như câu chuyện mà tôi kể không mang lại đúng cảm xúc vốn có của nó, nếu như cậu chính tai nghe bà ấy kể thì cậu sẽ biết được bà ấy yêu thương cậu như thế nào.
Viện trưởng đưa cho người đàn ông xem một túi vải được bọc trong nhiều lớp vải khác, bên trong có một số tiền nhìn rất mới.
- Bà ấy còn rất tích cực làm việc, tích cực dành dụm, cứ như là cậu vẫn ở bên cạnh bà ấy. Bà ấy nói rằng số tiền này là để dành cho cậu, nhỡ đâu một ngày nào đó bà tìm được cậu thì tuổi này chắc là cậu cần làm ăn gì đấy, hoặc cần cưới vợ rồi, số tiền này bà sẽ cho cậu một phần để làm ăn, phần còn lại sẽ là cho con dâu, còn nếu cậu có vợ có con rồi thì số tiền này bà sẽ cho cháu nội. Mỗi năm bà ấy đều đổi nó thành tiền mới, sợ rằng bị cậu chê vì tiền cũ.
Người đàn ông cầm lấy sấp tiền nhìn một hồi rồi để ý thấy một mẩu giấy có nhiều dòng chữ xiên xẹo.
- Đây là công thức làm món cá rô kho khế mà lúc nhỏ cậu đã được bà ngoại nấu cho ăn, cậu rất thích món này nên bà ấy đã xin học lại, rồi dạo gần đây bà ấy cảm thấy chắc có lẽ mình không còn chờ được nữa nên đã cẩn thận ghi chép lại công thức để nếu cậu có tìm được di vật của bà thì sẽ biết cách nấu món này như thế nào.
Người đàn ông vẫn là không có chút ký ức nào về khoảng thời gian tươi đẹp ấy, chỉ là có cảm giác đúng là mình thích món này.
Viện trưởng đi đến tủ hồ sơ lục tìm và đưa cho người đàn ông một vài tờ giấy chứng nhận. Ông cầm lấy đọc vài dòng thông tin trên đó, tên của bà, một cái tên xa lạ nhưng sao lại có cảm giác thân quen.
- Bà ấy đã ký giấy hiến nội tạng… và hiến tặng tất cả những gì trên cơ thể của bà ấy, vì bà ấy sợ rằng, ở một nơi nào đó trên thế giời này, nhỡ đâu cậu bị bệnh cần được cấy ghép thì nhỡ đâu một phần cơ thể của bà ấy vô tình lại được chuyển đến chỗ cậu, như vậy cơ hội cứu sống của cậu sẽ cao hơn, vì hai người là mẹ con, tỷ lệ thích hợp sẽ cao hơn, cậu sẽ được cứu sống.
Một niềm xúc động chực dâng trào, hai mắt đỏ hoe, những tấm giấy trên tay ông run lên, thì ra trên đời này vẫn còn có thứ làm ông xúc động đến như vậy.
Bỗng nhiên chuông điện thoại vang lên, là cuộc gọi từ công ty bảo ông về gấp vì có cuộc họp quan trọng, cuộc trò chuyện với Viện trưởng phải kết thúc.
Lúc người đàn ông đưa giấy tờ tùy thân ra để làm thủ tục tại viện dưỡng lão, Viện trưởng nhìn thấy tên trên đó là Daniel. Viện trưởng mỉm cười nhìn ông rồi nói.
- Thật ra cậu còn có một cái tên khác nữa, cái tên đầu tiên của cậu.
Viện trưởng lấy chiếc hộp gỗ ra, người đàn ông nhìn theo, bên trong có một tấm hình, ông sửng sốt, lúc này đây ông có thể chắc chắn người phụ nữa kia chính là mẹ ruột của mình vì đứa bé trong hình chính là ông khi còn nhỏ. Cùng lúc đó, Viện trưởng lấy trong chiếc hộp đó ra một tờ giấy đặt trên bàn, trước mặt ông, rồi Viện trưởng bước ra ngoài.
Đó là giấy khai sinh đầu tiên của ông với cái tên “BÌNH AN”, nhìn thật kỹ hai chữ bình an, sống mũi ông bỗng nhiên cay cay, nước mắt lặng lẽ rơi xuống mặt bàn.
Dường như đâu đó ông có thể nghe thấy giọng của bà: “Mẹ chỉ mong con có được một cuộc đời bình an”. Lúc này đây ông mới hiểu được thì ra sự tồn tại của ông quan trọng đến như vậy, trên đời này lại có thêm một người yêu thương ông vô điều kiện, ông không phải là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Người đàn ông nấc lên từng hồi rồi bật khóc thành tiếng giống như một đứa trẻ, một đứa trẻ vừa mất mẹ.
Ông dường như đang thấy lại khung cảnh bà ấy trên giường bệnh, bà đang chìa tay ra với mình, lần này ông vội chạy đến nắm lấy tay bà mà gục mặt khóc, nước mắt ấy là sự dồn nén của bao nhiêu năm trời, là lời cảm ơn những yêu thương vô điều kiện, là sự công nhận tồn tại của bản thân, cũng là sự buông bỏ dằn vặt trong lòng.
Màn hình điện thoại ông sáng lên một dòng tin nhắn của bác sĩ: “Tôi vẫn muốn khuyên ông tiếp nhận điều trị”.
Bình luận
klyn
Nguyễn Nhất
Nguyễn Nhất