Núi non trập trùng, cây cối rậm rạp, rừng tre, trúc bao la. Không khéo thì chẳng biết đường về nhà. Nhưng đối với vài người H’Mông ở cái làng Thổ - đất rộng, người thưa - thì như "đi guốc trong bụng". Với họ - đá là nhà, cây là sự sống, đất là nơi nuôi dưỡng. Và không thứ gì đẹp đẽ hơn ngoài những cánh đồng ruộng bậc thang ở ngoài mảnh đất chẳng trù phú mấy, chỉ thích hợp trồng mấy cái cây dễ sống như khoai, ngô... Và cả những đoạn đường đèo, con dốc ngoằn ngoèo kéo chết người ấy, cái làng này ngót nghét cũng mấy chục mạng rơi xuống vực cũng chỉ tại sương mù. Mà cũng đành phải chịu, vì sương mù năm nào cũng bao phủ dày đặc. Điều đáng nói ở đây là chết rồi cũng chẳng yên. Kẻ thì bị mất xác hoặc xác bị phanh ra, lấy hết nội tạng rồi may bụng lại. Có lần, có một con bé chỉ mới mười tuổi bị chết dưới tình trạng bị xiên vào một cành cây, máu nhuộm đỏ đến che đi cả màu nâu của đất, phèo, ruột, gì cũng phòi ra bấy nhầy hết thảy. Trên lưng có dấu hiệu giống như bị dùng một vật kim loại rất sắt và nhọn xăm đầy ký tự kỳ quặc chẳng giống ai. Thật sự điều đó khiến bé gái nào cũng phải ám ảnh khi đi ra khỏi nhà. Thị Phuệ cũng thế. Là đứa con gái nhỏ tuổi nhất trong gia đình tám người. Nó là đứa khá giỏi khi hàng ngày phải nghe những câu lải nhải từ bà cô tên Thanh Khuê hết sức tọc mạch, thích bao đồng và vạ mồm mọi nơi mọi lúc. Và điều duy nhất để chặn họng bà cô ở giá này là "Ông Đỏ". Nghe thì buồn cười khi mà một bà cô ế chỏng ế chơ, ngót nghét đã gần bốn mươi tuổi, bao nhiêu chuyện đắng cay ngọt bùi trên đời đều nếm đủ, ấy vậy lại sợ một nhân vật được người làng nói ra để doạ con nít mà cũng chẳng biết rõ danh tính ra sao. Nhưng Phuệ thì biết rõ vì sao mà bà ta lại sợ...
Loay hoay cũng tới tháng năm, ngoài trời mưa tầm tã đến rầu rĩ cả đất, đường đất nhão nhoẹt cả ra khiến Thị Phuệ trông lo lắng. Nhà thì đang thiếu lương thực, mưa thế này thì đến mấy con gà còn chịu không nổi, nói chi hoa màu, rau cỏ. Đành uống nước qua ngày vậy! Nhà Phuệ ở trên một cái đồi gần với rừng Phỉ, phía sau cánh rừng có một con suối nước khá trong và ngọt, thích hợp để dùng cho việc sinh hoạt và giải toả cơn khát. Khổ nỗi, nhà thì có tám người, bà Thu - mẹ Phuệ lại đang bị trật cái chân cũng vì vật vã tìm thuốc trị cảm cho ông Viết Văn sau những trận nhậu say xỉn đến cả chẳng thấy đường mà vào phòng để ngủ. Ông ta thì suốt ngày say xỉn, sáng cũng rượu, tối cũng rượu, việc này diễn ra đã quá quen thuộc với gia đình Phuệ bao năm nay. Nhưng cứ cái đà này, bao tiền làm ra sẽ bị ông ta dồn vào mấy chai rượu hết mất, chẳng còn tiền mua ít thịt ăn nữa. Còn Thị Xuế - người chị cả - là trụ cột chính của gia đình. Năm nay cũng đã hai mươi mốt tuổi, ai kêu gì làm nấy. Mấy đầu ngón tay mềm mại ấy lẽ ra phải được nâng niu, chăm sóc và thuộc về một người đàn ông định mệnh đời cô. Nhưng đời nó trớ trêu thế, vừa tròn mười hai tuổi, cô đã phải đi đào khoai, bẻ bắp kiếm vài đồng lẻ phụ gia đình. Nghĩ mà chán, Phuệ định lấy cái thùng đi lấy nước thì chợt thấy chỗ chái bếp còn một miếng thịt trâu gác bếp, nó vội mừng rỡ như phần nào trút đi nỗi lo chết đói. Miếng thịt này chắc cũng hơn nửa năm được treo trên xà bếp.
Đợt đó, ông Quý - người ở làng Hậu, giết trâu ăn mừng vì nhà ông ta trúng vụ khoai rất lớn. Lần ấy phải gọi là nhộn nhịp, tin tức lan truyền khắp cả làng, đến làng Thổ còn biết. Và người cho cái ăn nhà Phuệ cũng là người cho nhà nó nỗi lo âu, nói đúng hơn là nỗi lo của Phuệ và Xuế. Riêng bà Thu và ông Viết Văn thì có vẻ vui lắm, nhất là ông Viết Văn. Ông ta lại có thêm tiền để bán mình cho con quỷ rượu nhưng lại chớ thèm quan tâm tới cảm giác con gái mình.
Chuyện là hồi tuần trước nhà ông Quý qua nhà Phuệ ngỏ ý muốn gả chị của Phuệ cho thằng con trai lớn của ông ta tên là Khường. Nhà ông ta nổi tiếng là giàu có, của cải thì không thiếu, cái ăn cái mặc thì không phải lo. Nhưng biết bao nhiêu cô gái trong chính làng của ông ta lại không chọn, mà lại chọn chị của Phuệ, một cô gái tận làng Thổ. Câu hỏi đó cứ đau đáu trong đầu Thị Phuệ mãi không dứt ra được.
“Két”
Tiếng cửa được làm bằng mấy tấm ván cũ thô sơ trước căn phòng Thị Xuế được Phuệ mở ra. Phuệ chậm chạp bước vào phòng Thị Xuế vẻ ủ rũ:
- Còn ba ngày nữa... chị qua nhà bên đó rồi... Em không biết vì sao, nhưng em thấy vừa lo, vừa buồn, – Thị Phuệ sướt mướt nói.
Xuế lau nước mắt trên đôi gò má ửng hồng cô em gái mình, khẽ an ủi:
- Chị sẽ ổn mà, không phải lo cho chị. Không được khóc, chị hứa sẽ cố gắng về thăm em và ông bà thường xuyên. Không được khóc nữa nhé!
Thị Phuệ đáp:
- Nhưng... nhưng...
Thị Xuế vội hỏi:
- Sao thế?
Phuệ vội nói:
- Lúc nãy em có nghe bố nói với mẹ là phải tống cổ chị qua đó sớm, chứ con gái như hũ mắm treo đầu giường. Lấy được chồng giàu nó còn sướng hơn cả mình, mà mình lại còn được tiền từ nhà chồng nó gửi về, đỡ phải đi làm cực khổ. Rồi...
Thị Xuế hỏi:
- Sao nữa?
Thị Phuệ ấp úng trả lời:
- Em nghe ba bảo sẽ đi mượn nợ nhà ông... Khiêm để làm một cái đám thật linh đình. Số nợ sẽ do chị trả. Đâu đó hai con bò và ba con lợn.
Thật sự, số tiền để mua hai con bò và ba con lợn vô cùng lớn đối với Xuế. Một cô gái mảnh mai phải gồng gánh hết số nợ như thế là một thử thách vô cùng lớn.
Ông Khiêm - nổi tiếng là người cho vay tiền bạo tàn. Có lần, nhà ông Phủ kế bên vì trễ ông ta một ngày tiền nợ mà cả căn nhà bị đốt, buộc cả gia đình phải qua nhà ông ta làm công trả nợ đến hết nợ thì thôi. Xuế cũng sợ một ngày như thế, cô tự nhủ rằng:
- Dù nhà chồng mình có giàu đến đâu thì họ sẽ không dễ dàng gì mà cho tiền để trả hết số nợ do nhà vợ gây ra. Chỉ có mình mới giúp được mình.
Cô chỉ biết cố gắng tự an ủi bản thân và xoa đầu đứa em mình cho qua nỗi lo này. Bởi cô biết, dù có nói với bố chuyện mình không thể trả nổi số nợ này thế nào đi nữa thì buộc cô phải tự làm trả. Ý ông từ trước tới giờ là ý trời, không ai được cãi, cố cãi cũng chẳng được gì ngoài những cái bạt tay và những cái đấm bầm dập hệt như mẹ cô.
Mọi thứ như một cục tạ đang đè lên đôi vai cô con gái lớn này, ngày một nặng hơn, vì cả gia đình chẳng ai còn khả năng kiếm tiền nữa sau khi Xuế làm dâu bên nhà chồng ngoài Phuệ - đứa con gái út trong nhà, năm nay vừa tròn mười hai tuổi. Tuy vậy, nó khá thông minh, lanh lợi và làm được việc. Ngày nó sinh ra, gia đình đều sợ nó mắc bệnh về thần kinh như Tỉnh Văn - anh ba nó. Đến nay cũng đã hơn hai mươi hai năm, mà bệnh tình vẫn thế, không có gì thay đổi. Bất cứ lúc nào Tỉnh Văn lên cơn điên là nó gào thét lên rồi lại đập nát mọi thứ xung quanh. Chỉ duy nhất Thị Xuế có thể vỗ về nó, còn bất cứ ai lại gần nó sẽ cào cấu người đó đến xước đã, chảy máu thì thôi. Lúc bình thường nó lại không như vậy, Tỉnh Văn lại khá hiểu chuyện và hành vi như bao cậu thanh niên khác. Nhưng cũng vì cơn điên lên bất thường mà ông Viết Văn không cho nó đi làm, rủi lên cơn điên thì lại gây hoạ như cái lần mà nhà bà Sứ thuê Tỉnh Văn đi làm cỏ. Đang làm thì Tỉnh Văn co giật, cào cấu nền đất rồi gào lên, chửi rủa bà ta trong khi tay đang cầm một con dao chặt cỏ bén lẹm. Tỉnh Văn còn đòi dùng dao đâm bà ta khiến bà ta xanh mặt mày. Bố mẹ thì cũng nhiều lần chạy chữa bằng thuốc thang cho Tỉnh Văn, từ trên núi xuống tới đồng bằng - bao nhiêu thầy, bao nhiêu tiền cũng không khỏi, thôi đành theo ý trời vậy, vì đã hết khả năng kinh tế. Có lẽ, đó cũng là một cái nghiệp...
Tiếng gọi yếu ớt của ông nội nằm ở chiếc giường đối diện phòng Xuế làm hai chị em thoát khỏi trầm tư. Ông ấy là Văn Kín. Năm nay gần tám mươi tuổi, bị bệnh tai biến và nằm liệt nay cũng đã hơn năm năm. Tuy vậy, đầu óc còn khá minh mẫn và thương con cháu. Luôn nói đỡ cho hai chị em khỏi những trận đòn roi của ông Viết Văn.
- Xuế ơi! Lấy cho ông nội một ít nước!
- Dạ, con lấy liền! – Xuế đáp.
Xuế vội vào bếp lấy cái cốc nhựa cũ đến vàng cả đáy rồi rót miếng nước đưa cho ông, nói:
- Cháu thấy ông dạo này ốm quá, nhà lại thiếu thức ăn. Vài hôm nữa cháu qua nhà chồng, không biết ai chăm sóc cho ông... – Thị Xuế rưng nước mắt nói.
Ông Văn Kín đáp:
- Sống chết có số, sức khoẻ yếu đi ắt quy luật của tự nhiên, ông không tài nào chống lại được!
Ông nói tiếp:
- Qua bên đó ráng làm vợ hiền dâu thảo, không cần lo cho ông. Ông cảm thấy làm phiền con cháu quá! Chỉ mong ông bà rước đi sớm cho khoẻ cái thân, chứ ngày nào cũng sống trong cảnh này cũng chẳng vui sướng gì!
Hai hàng lệ của Xuế trào ra, cô cảm thấy bất lực, tiến thoái lưỡng nan – ở cũng không xong mà đi cũng không xong. Cô đặt tay lên vai ông, mỉm cười cố tự an ủi trong lòng. Hai ông cháu nhìn nhau trong làn nước mắt, chỉ mong rằng mọi thứ sẽ ổn.
- V... vâng ạ! – Phuệ đáp.
Nói rồi, Xuế nhìn qua Phuệ, nói để cố xua đi nước mắt:
- Em cầm cái thùng gỗ đi lấy nước đi, để chút nữa bố tỉnh rượu không thấy có nước để dùng, bố lại đánh em đấy, nhà hết nước dùng rồi!
Phuệ vội đáp:
- Em đi ngay đây ạ! Thưa ông, cháu đi!
Ông Văn Kín - người ngoài thất tuần - chỉ biết nhìn cháu thương xót, nói với Xuế:
- Thương hai chị em, sinh ra trong gia đình khó khăn, hoàn cảnh éo le thế này mà còn có một người bố thật hổ thẹn. Chẳng có gì giỏi ngoài rượu chè và đánh đập.
Thị Xuế bất lực nhìn theo bóng dáng bé nhỏ của Phuệ dần xa...
Ngoài trời mưa bớt hẳn đi, nhưng với thân hình nhỏ bé này thì Phuệ vẫn sẽ bị ướt mình. Nhưng chịu cảm giác ướt mình vẫn tốt hơn cảm giác bị bố cho ăn roi. Phuệ cầm cái thùng gỗ với đôi chân trần đi ra trước nhà. Chuẩn bị đi thì gặp bà Thu đang đấm vai cho bà Hương. Dù nắng hay mưa thì cái vai bà Hương lúc nào cũng nhức mỏi do sự bào mòn của tuổi tác. Điều đó Phuệ đã quen.
- Đi lấy nước hả con? Cẩn thận nhé! Sẵn tiện nhặt một ít rêu để mẹ nấu với mấy miếng mỡ lợn! Hôm nay ráng ăn ít ít, mèn mén còn chưa đầy ba chén. Chắc chiều nay mẹ đi xin một ít mèn mén ở nhà ông trưởng làng xem thế nào! - Bà Thu nói.
Phuệ đáp:
- Thôi xa lắm ạ! Để con đi cho mẹ!
Bà Hương cất cái giọng trầm hơi khàn đặc của mình đáp:
- Đường mưa trơn trượt đấy, cháu ở nhà đi nấu một ít nước nóng với gừng và chanh giải rượu cho bố đi!
Phuệ đáp:
- Dạ vâng!
Bà Hương nói tiếp:
- Mùa mưa vắt, đĩa nhiều lắm! Lấy vôi với muối bôi ngoài đôi ủng xong mang vào rồi hãy đi, đi chân trần không khéo lại bị cắn đấy!
Phuệ đáp:
- Vâng ạ!
Phuệ bỏ lại chiếc thùng gỗ ngoài hiên rồi chạy vào góc bếp, nơi chất hỗn độn mớ gia vị. Lùng sục một hồi, Phuệ cũng thấy một ít muối nguyên hạt còn sót lại trong cái bịch màu trắng ngà đã đóng đầy bụi. Phuệ hoà muối với vôi rồi rắc vào một tấm vải thô, nhúng nước trong cái chậu rồi thoa lên đôi ủng và tưởng tượng về một đôi hài Lọ Lem thì một con quạ bay vào, ngậm một cục muối rồi bay đi làm Phuệ giật mình. Con quạ đó cứ đậu kế bên bịch muối mà đôi mắt đen sâu hoắm của nó cứ nhìn chằm chằm vào dáng người của cô, nó chẳng kêu, chẳng hót gì mà chỉ đợi Phuệ vừa bỏ tay ra khỏi bịch muối thì đút cái mỏ vào gắp một hạt muối rồi bay. Trong phút chốc, Phuệ lạnh sống lưng, da gà nó nổi lên với một ánh mắt lạ kì nhìn theo con quạ kia bay xa dần. Phuệ thầm trong bụng:
- Sao... sao lại là... là quạ thế này? Chẳng phải nó là điềm xấu... sao?
Phuệ nó sợ hãi, xém quên mất mình còn phải đi lấy nước. Vì chẳng biết viễn cảnh gì sẽ xảy ra vài ngày sau khi con quạ bay đi. Nỗi lo sợ cứ canh cánh trong lòng, nhưng chẳng dám nói ai vì sợ nói chuyện quở, người lớn không tin lại còn trách không hay. Nhất là đối với ông Viết Văn, vốn là kẻ không tin những chuyện mê tín đó. Nên nói với ông chả khác nào đi hỏi con quạ điềm báo gì sẽ đến với gia đình.
Phuệ vội dọn dẹp bịch muối và lọ vôi vào góc bếp rồi mang chiếc ủng vào, cầm cái thùng gỗ đi lên rừng Phỉ lấy nước.
Tiếng lao xao trên những tán lá sau trận mưa lớn giờ chỉ còn tiếng gió thổi rít lên từng đợt, đủ để làm người ta lạnh gáy nếu đi vào ban đêm. Tay Phuệ cầm cái thùng gỗ nặng hơn so với thân hình nhỏ bé của mình. Nhưng chuyện này diễn ra như ăn cơm bữa nên Phuệ đã quen với việc đi lấy nước như vậy. Trước mặt cô là những cái cây dương xỉ xanh rì dưới mấy tán cây cổ thụ cao, to, tán lá đủ để che cho mười người đứng thành một vòng tròn. Dưới chân Phuệ, những tảng đá mấp mô bám đầy rêu xanh trơn trượt, hắc lên một mùi ẩm mốc quen thuộc sau những đợt mưa tầm tã. Chưa đầy năm bước chân, phía trước mặt đã là con suối, nơi Phuệ sẽ lấy nước tại đây đem về dùng. Con suối này có thể nói là hơi thở của vài người Mông lưu lạc tại làng Thổ hơn mấy trăm năm qua. Con suối trong veo đến cả thấy được đáy, vẫn chảy đều không chút biến động gì sau trận mưa. Phuệ bỏ đôi ủng ra, dùng chân trần và tay để bám vào tảng đá dọc bờ suối để chồm tới múc nước. Tuy nhiên, với môi trường ẩm mốc thế này là một điều kiện rất tốt cho đĩa, vắt phát triển. Dĩ nhiên, chân của Phuệ là một miếng mồi hấp dẫn với chúng. Phuệ say sưa múc nước, nước cũng đã gần nửa thùng thì nó cảm thấy nhồn nhột ở bàn chân, một con đĩa béo ú đang hăng say hút máu làm nó giật mình. Vội gỡ con đĩa khỏi cái bàn chân của mình nhưng quên mất tay mình đang bám vào tảng đá khiến Phuệ trượt tay ngã nhào xuống con suối đang chảy xiết. Nước thì cứ chảy ngày một mạnh đến cả rát da mặt, mực nước đã lên quá phần ngực của Phuệ khiến nó sợ hãi và không thể nào dãy dụa hay cử động gì được. Hai chân nó đang buông xuôi với dòng nước, còn hai cái tay bé nhỏ yếu ớt đang cố vịn vào vách đá, chỉ cần cử động, dù chỉ là cử động nhỏ nhất cũng khiến nó chết bởi con suối này. Các đầu ngón tay mềm yếu của Phuệ như đang dùng hết những sức lực cuối cùng để trụ lại. Ranh giới giữa sống – chết lúc này mỏng manh vô cùng, con thác như một con sư tử, Phuệ chả khác nào một con chuột lột bé nhỏ đang cố dùng hết những sức lực để vùng vẫy thoát thân. Phuệ la lên khan cả cổ họng nhưng rừng không mông quạnh, chẳng ai có thể nghe thấy mà cứu Phuệ được. Cứ mỗi lần tay nó trượt một chút lại la lên nhưng vô ích, Phuệ tuyệt vọng đến mức gào khóc lên:
- Cứu... cứu tôi với... cứu tôi... với...!
Giọng nó ngày một yếu ớt, chỉ chưa đầy một hai xăng-ti-mét, tay nó sẽ trượt khỏi thành đá trong khi nước thì chảy ngày càng xiết, cảm giác như bị một cơn sóng thần tấn công liên tục ngày một mạnh. Phuệ đã lạnh cóng cả người, chỉ mong sao có người đi qua giúp đỡ. Nhưng đã hơn năm phút trôi qua, chỉ có Phuệ đang chiến đấu với con suối. Bây giờ khoảng cách giữa các đầu ngón tay và mép đá đã rút lại, chỉ còn chưa đầy sáu phân. Nước vẫn chảy mạnh đến độ phần vai áo đã bị rách. Phuệ đã lạnh cóng hết người và cạn kiệt sức lực, chẳng thể la cứu được nữa. Nó ngước mặt lên nhìn bầu trời xanh thẳm để tìm mình trong chính đó...
[........]
- Bà là... là ai vậy? – Phuệ hỏi một cách hoài nghi và hoang mang.
Bà kia đáp với vẻ mặt nghiêm nghị, với chất giọng hơi nhão:
- Không cần biết đâu! Chỉ cần cầm cái này bỏ kĩ vào túi. Nhớ giữ kĩ vào nhé! Cô không được quên nó bên mình!
Phuệ nhìn chằm chằm vào cái vật mà bà ta đưa cho Phuệ rồi hỏi:
- Nhưng bà là ai chứ? Tại sao lại đưa tôi thứ này? Nó dùng để làm... làm... làm gì vậy?
Bà ta lạnh lùng nhìn Phuệ, đáp:
- Rồi ngươi sẽ gọi ta là Bà Lùn Điên! – Bà ta nói rồi cười lên.
Phuệ hỏi tiếp:
- Bà đưa... đưa tôi thứ gì đây chứ?
Bà ta đáp:
- Đây là bình rượu. Cô hãy xem dưới đáy bình sẽ có dòng chữ, nó sẽ giúp cô vào lúc cô cần nó nhất, và nhớ khi dòng chữ đó ứng nghiệm hãy dùng một quả bầu khắc tên ta treo đầu giường hướng Bắc nhé! Ta không thể ở lại với cô quá lâu nên hãy nhớ những lời ta dặn!
Phuệ chăm chú lắng nghe bà ta nói gì đó:
- Nửa đêm canh ba... Đội trăng đạp ngói... Rù rì cười nói... Dắt hồn đi ăn... Thiên can quý hợp...
[........]
- Là... là trên bờ. Mình chưa chết nhưng...
Phuệ nhìn qua con suối, đúng thật là mảnh vải áo của nó đã bị rách và vẫn còn vướng vào tảng đá chưa trôi đi, nó hết sức ngạc nhiên:
- Không... không phải mình mơ mình té mà mình đã thấy... Bà Lùn Điên, một cái bình gì đó...
Phuệ vẫn còn chưa hiểu được sự việc. Chuyện nó té là chuyện thật, nhưng bà lão đó là thật hay mơ, Phuệ vẫn còn chưa rõ. Nó bàng hoàng nhìn xung quanh, cái thùng vẫn còn trên bờ và nước đã được nó múc tới nửa thùng. Nhớ lại lời bà ta dặn, Phuệ bèn kiểm tra cái túi áo:
- Là một cái bình...
Phuệ mở cái bần bằng giấy phía trên rồi ngửi ngửi:
- Là rượu! Tại sao bà ta lại đưa cho mình rượu... Rốt cuộc bà ta đã cứu mình sao?
Phuệ giật bắn mình, vội che mắt. Trên thân bình màu đỏ có hiện một dòng chữ chói loá như mạ vàng, Phuệ đọc nó một cách kinh ngạc:
- Mơ hoá thật, thật hoá mơ. Cứu cô là chuyện ta phải làm!
Dòng chữ đó bỗng chốc biến mất, chẳng để lại một dấu vết dù là mảy may. Phuệ ngắm nghía cái bình, mọi chi tiết không sót phần nào nhưng nó chỉ đơn thuần là cái bình rượu màu đỏ, rất nhỏ. Có thể đặt trên lòng bàn tay. Đột nhiên, Phuệ nghe bên lỗ tai. Không rõ ràng nhưng nó có thể hiểu ý người đó nói:
- Mở giấy ra... rồi xem đáy... bình...
Phuệ chợt nhận ra đó là giọng bà Lùn Điên, chất giọng khàn đặc, hơi nhão rất đặc trưng, chỉ có thể là bà ta. Phuệ làm theo lời bà ta bảo. Trước tiên, mở tờ giấy nhỏ được cuộn lại làm thành một cái nút bần. Trên đó có ghi dòng chữ gì đó rất kì lạ. Phuệ nó trợn mắt, bỗng thốt:
- Nó... nó được ghi bằng... bằng máu s... sao?
Phuệ nhìn vào tờ giấy một hồi mới nghiệm ra nội dung dòng chữ từ bà ta ghi:
- Là bài sấm bà ta vừa đọc! Còn dưới đít bình là... là chữ gì thế... nhỉ?
Phuệ cố nhìn một lần nữa rồi ngờ ngợ:
- Phong Tiên? Chẳng phải một cái tên nam... sao?
____ Hết chương một ____
Bình luận
Chưa có bình luận