“Ê thằng Tí kìa tụi bay, lêu lêu cái đồ không có cha, lêu lêu..!”

Cu Tí lầm lầm lì lì, chạy ào ra khỏi lớp thật nhanh ngay khi tiếng trống tan học vang lên. Lưng nó đeo cái cặp to chà bảng, như đeo nguyên cái gùi lúa mà cậu nó hay vác ngoài đồng về tận nhà mỗi buổi trưa. Có lẽ vì vậy mà chân nó chạy như muốn xoắn tít vào nhau, xém té mấy lần.

Ấy thế mà xui thay, cái đám bạn của thằng Tí nay lại trốn tiết, đã chực sẵn ngoài cửa như để chờ cái mặt nó ló ra một cái là chộp ngay để chọc. Mới lớp 6 lớp 7, mà đứa nào đứa nấy mặt cũng choai choai, cái cằm hất tận trời xanh.

“Tao thấy má mày đang đi gom hụi ngoài xóm chỗ nhà bà Bảy kìa haha.” Một đứa nhóc trong đám lại tiếp tục.

Mặt thằng Tí xám xịt lại, má nó nhăn đến nỗi hai cái gò hai bên cứ lõm lên lõm xuống thấy thương. Riết cũng quen, nó mặc kệ, liền chạy vòng qua đám bạn, hậm hực lội bộ một mạch về nhà.

“Ngoại ơi, trưa nay mình ăn gì hả ngoại?” Tí ngô nghê hỏi.

“Dìa rồi hả bay, chèn ơi nóng không con, ra rửa mặt đi, ngoại múc sẵn mấy cái gáo nước rồi đó, xong vô ăn cơm nghe con.” Ngoại mặt hiền hiền, đáp gọn lơ.

Ngoại nay cũng ngoài 70, sống cả đời gần như chỉ với mấy đám ruộng. Mấy dạo sức khỏe đi xuống, có cậu Tư phụ giúp nên đỡ đần được phần nào. Mấy bận đến mùa đơm quả, Ngoại cũng hay lom dom đi lụm thêm mấy trái mận, ổi chín, chùm ruột trong cái vườn nhỏ sau rào, đem ra chợ bán. Gom một hồi cũng được ba giỏ đầy vung, trái nào cũng tươi mơn mởn.

Ngoại luôn có một niềm tin rất lớn rằng dù có già hơn đi chăng nữa, chăm lo được cho mấy đứa cháu ở nhà đang tuổi ăn tuổi học nói riêng và gia đình mình nói chung vẫn luôn là điều tự hào và hạnh phúc nhất. Nhìn thằng cháu ăn ngấu nghiến chén cơm, ngoại liền bảo:

“Ăn cá vô nghe con, cá này cậu Tư sáng mới đặt đâu cái nơm bắt được nguyên lứa, ngon à. Nào rảnh rảnh kể ngoại nghe chuyện trường chuyện lớp nghen, chớ đừng ôm cái bụng rầu vô mình, không tập trung học hành được.”

Thằng Tí nghe xong cứ vừa ăn vừa sụt sịt mũi, hai hàng nước cứ chảy ròng ròng, nó quệt qua quệt lại miết, tèm lem luôn nguyên cái mặt. Nhiều lúc nó ước, mẹ nó cũng thương nó, cũng chăm sóc lo lắng nó như bà Ngoại, thì chắc nó hạnh phúc lắm.

Nhìn đứa con trai đang ngủ say sưa trên chiếc võng mắc chỏng chơ ngay dưới bụi chuối, dì Hai Cúc thấy mà thương. Dì mới tạt ngang nhà bà Bảy đầu xóm lấy hụi, rồi vòng qua cái sạp tạp hóa kế chợ Đò mua cho thằng Tí chai tương cà, định chiều về chiên chả cá cho nó chấm ăn cơm.

“Ngon bá cháy bù chét cho coi.” Dì Hai vui thầm trong bụng.

Lủi thủi đi vào nhà, thấy má đang ngồi đan lại mấy cái áo bà ba cho mình, dì Hai rầu rầu, chả nói chả rằng đi một mạch ra sau bếp. Từ cái ngày hôm đó, mấy năm nay bà Lành (má dì Hai Cúc, cũng là ngoại thằng Tí) luôn âm thầm, tỉ mẩn, từng chút một chăm sóc và quan tâm đứa con gái chịu nhiều tổn thương này. Trong xóm người ta cũng hay kháo nhau cái sự tích năm ấy về dì Hai Cúc.

Chồng dì Hai cặp kè với thằng hớt tóc làng bên.

Ai nấy nghe chuyện cũng đều sửng sốt, không thể tin nổi. Bà Bảy cũng suýt hỏi lại muốn tám chục lần là “thằng hớt tóc hay con hớt tóc vậy bay?” Không ai dám trả lời lại cái lần thứ tám chục ấy. Dạo trước cũng bên đó qua dạm hỏi làm sui, thấy mối cũng ngon, vợ chồng bà Lành ưng quá chừng, thế là lên lịch ngày lành tháng tốt. Ngót nghét cũng 10 năm trời, ra được một thằng nhóc tì rồi chứ ít ỏi gì, ai mà dè hàng xóm phát hiện, “bị cáo” không cần tra khảo cũng thừa nhận luôn. Vậy là kết thúc.

Dì Hai Cúc từ đó cũng trầm lặng hơn trước, không còn là cô gái đôi mươi với sự lạc quan yêu đời, lúc nào cũng được bà con xóm giềng khen nức nở nữa, nào là con gái nhà bà Lành xinh đẹp dễ thương gì đâu, nào là con nhỏ ngoan hiền lắm, ai cưới được nó là phước đức dữ lắm à. Dì mặc kệ những tiếng xì xầm từ đầu thôn tới cuối xóm, dì bắt đầu sống cho bản thân, theo một cách tiêu cực nhất.

Dì không còn quan tâm đến bất cứ ai, kể cả con trai mình và… bà Lành. Dì vẫn có những cảm xúc thật sự khi gặp tác động của một điều gì đó mãnh liệt, song đối với dì Hai, những cảm xúc ấy dường như không phải của mình, là một điều gì đó, của một ai đó rất xa, rất xa. Có đợt dì bị trầm cảm, gặp ai cũng chửi bới, bà Lành mỗi ngày đều kiên nhẫn lắng nghe con gái mình dù lời nào thốt ra cũng chướng hết lỗ tai, nghe xong thì nấu cơm nấu nước, tâm sự, và… dẫn con gái đi sắm đồ đẹp dìa bận. Tới sạp là bà bán quần áo nhường hết “sân khấu” cho hai má con, muốn lựa gì lựa, muốn chửi gì chửi, bả ra hàng nước mía kế bên ngồi uống cho đỡ khô họng, miễn xong xuôi trả đủ tiền quần áo là được.

Dì Hai lúc nhỏ vậy mà mê áo bà ba lắm, không mê loại lụa là lòe loẹt, chỉ mê cái loại cổ điển, truyền thống ngày xưa. Bà Lành hiểu nên cứ được dịp là nếu không mua áo bà ba về cho con gái bận, thì cũng tự đi lựa vải về may. Bà thương dì Hai theo một cái cách dịu dàng, nhẹ nhàng và thấu cảm nhất. Bà không đi tìm những thứ đao to búa lớn để dỗ dành con, bà hiểu con gái mình, và bà đã dùng chính tình thương yêu để cố gắng cảm hóa phần nào đứa con gái ngỗ nghịch để khiến nó đằm tính trở lại như xưa.

Vết thương lòng vẫn còn đó. Sự thất vọng, xấu hổ, chối bỏ, phản bội luôn là những thứ cảm xúc đè nén hết thảy những điều đẹp đẽ mà dì Hai có thể thấy được trước mắt. Những năm nay, cái dì Hai thấy là một màu xám cùng những vệt mực đen, ở đâu đó thật sâu trong tầm hồn dì luôn cố gắng để làm mờ nó đi nhưng bôi hoài không tài nào xóa được. Cuối cùng nội tâm chỉ có thể gào thét trongg sự im lặng và bức bối, dù bà Lành đã rất cố gắng chữa lành cho con.

“Má dìa rồi hả má? Má nhớ ăn cơm rồi hãy đi gom hụi tiếp nha.” Thằng Tí lờ đờ bước vào bếp, tay dụi dụi mắt chưa tỉnh ngủ.

Thấy thằng con mình, nhớ lại cảnh lúc trưa nó đi học về bị đám bạn ăn hiếp, tự nhiên như bị mắc nghẹn, hai dòng nước mắt lăn xuống mà chả thốt ra được lời nào. Dì Hai Cúc đang đấu tranh tư tưởng dữ dội, không biết có nên ôm nó vào lòng không, hay có nên hỏi thăm nó chuyện lúc trưa không, v..v..

“Má sao vậy má, con thương má lắm, mà đừng khóc nhè nha, xấu lắm á.” Thằng Tí thấy má nó khóc, lật đật chạy ù tới ôm má nó liền.

Dì Hai Cúc không còn chút phòng bị nào, vứt bỏ hết thảy mọi thứ, quàng tay ra ôm con trai mình vào lòng, tiếp tục nức nở. Cứ như thế một lúc sau, bà Lành bước vào, ngơ ra không biết mới xảy ra chuyện gì, nhưng nhìn khung cảnh này, bà nở một nụ cười thân thương đến lạ, ánh mắt sáng lên, hai đôi vai thả nhẹ xuống như vừa trút được một gánh nặng to lớn trong lòng.

Dì Hai Cúc đã tìm lại được dòng cảm xúc của riêng mình sau ngần ấy năm.

----

Có những điều ta rất muốn cất lên thành lời, những cảm xúc muốn được bày tỏ, nhưng qua rất nhiều bước của quá trình tự cắt bỏ và sàng lọc, thì đã không còn chỗ cho ngôn từ và xúc cảm có cơ hội được thoát ra.

Cũng có những điều tưởng chừng như rất phức tạp, nhưng ta có thể học cách giao tiếp của trẻ con để chữa lành được mọi vết thương tận sâu trong lòng.

Và cũng có những thứ tưởng chừng là sự trừng phạt, là trung tâm của mọi rắc rối, nhưng đi mãi đi mãi, sẽ chợt nhận ra đó thực sự là một món quà. Tùy vào cách lựa chọn của mỗi người mà thôi.

----

Chúc bạn sẽ tìm được món quà thực sự trong cuộc sống của mình, bạn nhé!


Thương,

Hà Hạ.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}