2024
Tôi mang theo những hình ảnh hư ảo, kiếm tìm một gốc mộc miên
Tôi đến thị trấn nhỏ này đúng lúc tà dương vừa buông xuống.
Đó là một ngày cuối tháng Tư, thời tiết oi bức. Không biết gió đã trốn hết ở nơi đâu, để những hàng cây ven đường cũng trở nên thinh lặng. Mặt trời đỏ rực nhích xuống sau mái nhà cao tầng, những vệt sáng xuyên qua tán lá, rọi lên tấm biển quảng cáo với màu sắc sặc sỡ, rồi rơi trên con đường trải nhựa thênh thang.
Tôi đứng bên ngã ba đường, nhìn dòng người tấp nập qua lại. Thị trấn rất nhỏ, dân số cũng không quá nhiều, nhưng có lẽ bởi đang trong đợt nghỉ lễ dài, những người xa xứ trở về, nên đường sá dường như đông đúc hơn bình thường. Ô tô, xe máy qua lại liên tục, nhưng vẫn khiến người ta cảm thấy cuộc sống ở nơi đây không quá vội vã. Có người dẫn chó đi dạo ngang qua, gót chân đạp lên ánh hoàng hôn, rồi lướt qua mấy tán lá gạo rơi trên nền đất tạo thành những âm thanh lạo xạo.
Cây hoa gạo bên góc đường chẳng rõ đã bao nhiêu tuổi, nhưng hẳn cũng là một chứng nhân của biết bao thăng trầm trong lịch sử thị trấn này. Thân cây rất lớn, thời gian đi qua để lại trên đó từng vết nứt sâu hoắm, tựa như những nếp nhăn trên khóe mắt của ông cụ nơi cửa hàng ven đường. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy những tán cây đan xen trên nền trời đỏ thẫm. Có cánh chim ở đâu vụt ngang qua rồi đậu lại trên cành cây, chẳng rõ vì tổ của nó ở đó, hay cũng chỉ là một lữ khách dừng bước nghỉ ngơi.
Tôi ngẩng đầu, xuyên qua những tán lá rợp bóng, bất giác nhìn thấy một giấc mộng dài.
Không biết từ bao giờ, tôi vẫn thường nằm mơ. Những giấc mơ đó ngắt quãng và mờ nhạt, giống như bức ảnh cũ bị hỏng bởi kỹ thuật rửa thô sơ, chỉ còn lại mấy vệt đen loang lổ. Tôi cố gắng chắp vá những mảnh vỡ vụn nát, để rồi tìm thấy một gốc gạo đã cùng tôi đi qua tất cả những giấc mơ ấy.
Cây hoa gạo luôn xuất hiện trong những thời điểm khác nhau. Có khi là một ngày cuối xuân, hoa đỏ rực phủ rợp một khoảnh trời nhỏ. Có lúc lại là một ngày mưa bão, gió giật từng cuống lá quẳng vào không trung, chỉ có gốc cây trơ trọi vẫn kiên cường đứng vững. Thu qua đông tới, gió đã thổi bao đợt, nắng cũng lên bao mùa. Tổ chim bị mưa thấm ướt, nặng nề rơi xuống, rồi đàn chim từ đâu về lại bắt đầu xây một chiếc tổ mới.
Chẳng nhớ tổ chim cũ đổi chủ bao lần, từng đàn chim non trưởng thành rời đi, con đường đất lầy lội chuyển thành đường trải nhựa, mấy chiếc xe đạp thô sơ cũng dần trở thành ô tô hiện đại. Nhưng cây gạo đó vẫn đứng yên nơi ấy, lẳng lặng nhìn thời gian trôi.
Tôi không nhớ rõ nội dung giấc mơ, cũng chẳng thể nhớ nổi cảm xúc trong những giấc ngủ chập chờn mơ màng đó. Chỉ là mỗi khi tỉnh dậy, trái tim đều trĩu nặng, tựa như muốn xác nhận, lại như muốn nắm giữ một thứ gì.
Bởi vậy, tôi bắt đầu đi tìm.
Tôi đã đi rất lâu, từ nam ra bắc, từ thành trấn đến làng quê, mang theo những hình ảnh hư ảo trong mộng, chỉ để kiếm tìm một gốc mộc miên.
Mãi khi đến thị trấn này, cuối cùng trái tim vẫn luôn xao động cũng bình tĩnh trở lại.
Tôi biết, mình đã tìm thấy rồi.
“Chàng trai, cháu muốn tìm thứ gì?”
Giọng nói đột ngột vang lên bên cạnh khiến tôi giật mình.
Tôi quay đầu nhìn, thấy ông cụ lúc nãy vẫn ngồi ở cửa hàng bên đường đã đứng bên cạnh từ lúc nào. Ông mặc một chiếc áo xanh hơi bạc màu, quần đùi ngắn đến đầu gối, mái tóc hơi hói cũng đã chuyển thành màu trắng. Ông thấy tôi nhìn sang, liền nở nụ cười hiền lành, những nếp nhăn trên gương mặt hằn sâu thêm dấu vết của thời gian.
Có lẽ ông cũng đã ngoài tám mươi rồi, tôi nghĩ, giống như bà nội tôi. Cuộc đời ông bà mang theo đau thương của cả một thời đại, rồi chắp vá lại thành từng mảnh tình thương. Những mảnh vá ấy dần được chữa lành qua thời gian, để đến khi đã liền, ông bà lại gánh đến trao cho thế hệ của tôi qua những cánh cò trong lời ru thuở nhỏ.
Rồi đến một ngày, ông bà theo cánh cò đi mất, còn chúng tôi cũng dần quên đi, những mảnh tình thương ấy đã từng được vá bằng máu và nước mắt.
Tôi cúi đầu nhìn chiếc lá gạo rơi dưới chân, bất giác lẩm bẩm:
“Cháu… Cũng không biết.”
Tôi không biết lý do, không rõ mục đích, cũng chẳng thể đoán được, số phận đưa tôi đến đây để làm gì.
Tôi chỉ biết rằng, cây hoa gạo này giống như một sợi chỉ, một đầu tôi giữ trong tay, còn một đầu đang quấn chặt những giấc mơ kia.
Ông cụ im lặng chốc lát, rồi đột nhiên chuyển đề tài:
“Cây hoa gạo này ở đây lâu lắm rồi, từ khi ông còn bé thì nó đã cao như vậy.” Ông dừng lại một chút, cúi người nhặt chiếc lá gạo dưới mặt đất, xoay xoay trong lòng bàn tay thô ráp, “Nó thấy nhiều thứ, cũng biết nhiều chuyện hơn chúng ta.”
Tôi nghiêng đầu nhìn ông. Mặt trời đã khuất bóng, chỉ còn sót lại mấy tia nắng quạnh hiu. Đèn đường hai bên bật lên từ khi nào, ánh sáng vàng vọt rọi xuống mặt đường, rồi hắt lên đôi mắt đục ngầu do thời gian trên khuôn mặt nhăn nheo của ông.
Giọng ông hơi khàn, âm thanh rung rung trong cuống họng bởi tuổi tác:
“Vậy nên… cháu thử hỏi nó xem.”
Tôi vô thức vươn tay, nhận lấy chiếc lá từ tay ông.
Cây hoa gạo trước mắt bỗng cũng trở nên mơ hồ, chồng lên tầng tầng lớp lớp hình ảnh cây gạo ở các khoảng thời gian khác nhau, từng nhánh cây đan xen chằng chịt, bao vây lấy những giấc mộng xưa cũ, cuối cùng hóa thành một mảng trời đỏ rực.
1945
Hoa gạo đỏ như máu, rực như lửa
Lúc tôi tỉnh lại, trước mắt đã là một mảnh hoang vắng.
Không biết thời gian đã trôi đến năm nào, con đường trải nhựa đã biến thành đường đất, không còn tiếng xe cộ qua lại, ngay cả hơi nóng hầm hập của mùa hè cũng đổi thành cảm giác lành lạnh vương vấn trên da. Hẳn đang là mùa xuân, bởi từ chỗ tôi nhìn lên, là có thể thấy những tán hoa gạo đỏ rực trải rộng trên nền trời xanh trong vắt. Có bông hoa theo gió rời cành, xoay tròn vài vòng trên không trung rồi rơi xuống, đáp bên cạnh bàn tay đang buông lơi trên mặt đất.
Trên cành hoa gạo có mấy con chim toàn thân đen kịt, đôi mắt sáng quắc nhìn xuống phía tôi. Khi thấy tôi nhìn lại, chúng kêu lên một tiếng the thé, rồi vỗ cánh bay lên một cành cao hơn. Nghiêng tai một chút, lẫn trong tiếng quạ kêu còn nghe thấy tiếng gió thổi trên đầu ngọn cỏ, xao xác, nhưng lại không nghe được bất kỳ tiếng côn trùng nào.
Hệt như một vùng đất chết.
Dường như tôi đang nằm dưới nền đất, cả người đau nhức, bên mũi thoang thoảng một thứ mùi ngai ngái như mùi máu, chẳng rõ là từ người tôi hay từ nơi nào khác. Cơn đau khiến đầu óc trở nên mơ hồ, ngay cả chiếc lông quạ đang rơi xuống cũng chỉ còn là một hình ảnh hư ảo.
Rất đau, và đói.
Trong ký ức, tôi chưa bao giờ đói như vậy, cho dù trong mấy năm sinh viên tự nuôi sống bản thân bằng những đồng tiền gia sư nay có mai không, hay là những ngày quên ăn để làm việc. Cơn đói khiến dạ dày co rút đến mức đau thắt, tạo ra những tiếng kêu vô vọng thê lương, tựa như tiếng kêu cứu không một lời hồi đáp.
Tôi nhớ đến chiếc bánh mì mua vội ở trạm dừng nghỉ trên chuyến xe đường dài đi về thị trấn. Vỏ bánh hơi cứng, lại nhiều vụn, mùi vị nhạt nhẽo, không chút hấp dẫn nào. Có lẽ tôi đã cắn được mấy miếng, tôi cũng không nhớ nữa, nhưng bởi quá khô mà không ăn tiếp. Lúc ấy vốn muốn bỏ đi, chỉ vì không tìm thấy thùng rác nên đành ném vào balo. Đến bây giờ đột nhiên lại khao khát được nhìn thấy nó.
Giữa cơn đói giằng xé, mọi nỗi đau có lẽ đều trở nên nhỏ nhoi, mãi đến khi bàn chân đang đặt trên ngực tôi di mạnh một cái, mới kéo tôi ra khỏi nỗi nhớ thương chiếc bánh mì khô. Tiếng phụ nữ khóc như xé đứt ruột gan, tiếng xì xào, tiếng mắng chửi,... tất cả đồng thời chui vào màng nhĩ, nhộn nhạo và ồn ã. Tôi muốn ngồi dậy nhìn thử, lại nhận ra mình không thể cử động, cũng không thể mở miệng nói chuyện. Giống như tôi đang sử dụng cơ thể của một người khác, có thể cảm nhận tất cả đau đớn, nhưng lại không thể biết được suy nghĩ, cũng không điều khiển được cơ thể.
Cơ thể này hẳn đang yếu lắm, bởi “tôi” chỉ có thể nằm yên lặng, chịu đựng nỗi đau do bị dẫm lên, chẳng thể phản kháng. Có ai đó cố gắng nâng bàn chân trên ngực “tôi” ra, giọng nghẹn ngào:
“Xin ông tha cho nó, nó chỉ là một đứa trẻ thôi!”
Người phía trên cười cợt và nói gì đó bằng tiếng Nhật. Tôi không hiểu tiếng Nhật, chỉ cảm thấy bàn chân trên ngực dường như ấn chặt xuống thêm một chút. “Tôi” hẳn không sống được bao lâu nữa, hai mắt mở to đối diện với những ánh nhìn thèm thuồng chờ đợi của đàn quạ trên cao, hơi thở đứt quãng yếu dần. Thì ra đây là cảm giác của người sắp chết: đau đớn, khó chịu, và không cam lòng.
Vào khoảnh khắc hơi thở của “tôi” sắp dừng lại, thì đột nhiên có bóng người lao vào kẻ bên trên. Là một người phụ nữ, giọng người đó khản đặc, hét lên bằng một âm vực the thé:
“Cút đi, quân giết người!”
Cú va chạm của người phụ nữ đó không làm kẻ bên trên ngã xuống, nhưng lại khiến gã bị phân tâm. Gã buông chân khỏi người “tôi”, quay sang đá vào người đã ngăn cản gã. Tôi nghe thấy tiếng chửi, tiếng khóc, và cả tiếng la hét, nhưng chỉ trong chốc lát, rồi tất cả lại chìm vào yên lặng.
“Bọn nó đi rồi.” Có người nói, “Xem cô ấy và đứa bé có sao không?”
Người vẫn luôn ngồi bên cạnh “tôi” vội vã nâng “tôi” lên. Tôi dựa vào sự nâng đỡ của người kia, đưa mắt nhìn xung quanh.
Một lần liếc mắt này, khiến tôi nhớ suốt nửa đời về sau. Giống như một chiếc kim đâm sâu vào ký ức, rồi bị vùi lấp trong tầng tầng lớp lớp thời gian, đau đớn nhưng không thể rút ra.
Nơi này vẫn là ngã ba đường với gốc gạo đứng chắn ngang tầm mắt, nhưng thị trấn đã không còn là thị trấn nhỏ yên bình kia nữa. Không có ánh đèn vàng trên những tấm biển quảng cáo cỡ lớn, không có xe cộ qua lại, cũng chẳng có dòng người áo quần là lượt thong thả đi ngang qua vỉa hè, mà chỉ còn một mảnh hoang vắng hiu quạnh. Mấy cọng cỏ dại mọc lan bên vệ đường, bị bánh xe thồ lăn qua lăn lại nhiều quá mà rũ xuống. Xác lá rụng không người để ý, rữa nát dưới gốc cây cùng những chiếc lông quạ.
Còn con người, có lẽ đã sắp không còn hình dáng của con người nữa rồi.
Có người đang đứng, có người đang ngồi, cũng có người đang gục trên mặt đất, chẳng rõ còn sống hay đã chết. Tất cả đều gầy gò đến trơ xương, không thể phân biệt nổi nam hay nữ. Quần áo của họ đã nát bươm hết cả, chỉ còn lại mấy mảnh vải rách rưới dính lỏng lẻo trên lớp da đen sạm bám sát khung xương nhô ra ngoài. Phía xa có người đang đẩy xe bò, đi một quãng lại dừng lại, lật người dưới đất lên xem còn sống hay đã chết. Có người mở mắt ngồi dựa vào bức vách đổ nát của căn nhà gần đó, xung quanh từng đàn ruồi nhặng bâu kín. Có lẽ người kia vẫn còn sống bởi ngực vẫn phập phồng lên xuống, nhưng khi chiếc xe bò dừng lại, người kéo xe cũng chẳng có thời gian xem xét, cứ thế kéo người kia quẳng lên xe.
Ánh mặt trời xuyên qua từng tầng mây trắng, rọi lên lớp đất ẩm ướt, nhưng lại chẳng thể xua được sự tăm tối nơi đây.
Gần chỗ “tôi” có một người phụ nữ đang nằm co quắp, chiếc khăn mỏ quạ bạc phếch rách tươm không thể chịu đựng nổi nữa mà rơi ra, để lộ mấy sợi tóc xác xơ thưa thớt trên đầu cô. Bên cạnh có một đứa bé chẳng rõ bao nhiêu tuổi, nhưng cơ thể nó bé xíu chỉ bằng một đứa trẻ hai, ba tuổi. Nó ngồi bên cạnh người phụ nữ, hai bàn tay nho nhỏ toàn xương nắm chặt vạt áo đang chìa ra ngoài của cô, ánh mắt ngơ ngác nhìn về phía “tôi”. Nó không khóc, cũng không kêu gào, chỉ có đôi mắt đen nhánh thinh lặng, phản chiếu ánh đỏ rực của bông hoa gạo vừa rơi ngang qua.
Người kéo xe bò đi ngang qua, chỉ vào người phụ nữ, hỏi:
“Còn sống không?”
Có bà cụ ngồi gần đấy lắc đầu nói:
“Không. Tội nghiệp, chắc đói quá rồi, nãy còn bị bọn giặc đá một phát nữa, không chịu nổi. Đứa con còn nhỏ thế kia!”
Tôi bất giác nhớ đến bóng người lao vào gã người Nhật, và giọng nói the thé căm phẫn của cô. Hình như người đang ôm “tôi” hơi siết tay, khiến “tôi” kêu lên một tiếng nho nhỏ:
“U ơi…”
Mẹ “tôi” không nói gì, chỉ nắm lấy bàn tay đang vươn ra của “tôi”. Người thu xác cúi xuống muốn kéo người phụ nữ lên xe, nhưng đứa trẻ bên cạnh vẫn nắm chặt vạt áo của cô không buông, vừa nhấc người phụ nữ lên thì nó cũng bị kéo lên theo. Mẹ buông “tôi” ra, bước lại gần, nhỏ giọng nói gì đó, rồi gỡ những ngón tay của đứa bé ra, ôm nó vào lòng.
Mẹ ôm đứa bé lại, đặt trước mặt “tôi”. Đôi mắt nó đen kịt, lặng lẽ nhìn chiếc xe bò từ từ đi xa.
Đôi mắt vẩn đục của bà cụ nheo lại nhìn chúng tôi:
“Chị muốn nuôi đứa bé này à?”
“Cũng đâu thể để mặc nó được, dù sao u nó cũng cứu con cháu một mạng mà cụ.” Mẹ loạng choạng đứng thẳng người lên, giọng khản đặc nói với “tôi”, “Con dắt em đi, chúng ta về nhà.”
“Tôi” nắm tay đứa bé, nhỏ giọng gọi một tiếng “em trai”.
Từ khoảnh khắc ấy, “tôi” có thêm một người em, còn đứa bé ấy lại có người thân trên đời.
Đi được mấy bước, chợt nghe tiếng than nặng nề của bà cụ. “Tôi” quay đầu nhìn, thấy bà ngửa mặt lên trời, khóe môi hơi mấp máy. Giọng bà thều thào, theo tiếng quạ kêu vọng đến tận tai tôi.
“Sắp chết đói hết rồi, ốc còn không mang nổi mình ốc, đèo bòng thêm làm gì không biết?”
Mẹ thoáng dừng chân, nhưng không nói gì, có lẽ cũng đã chẳng còn sức mà nói nữa.
***
Nhà “tôi” ở cách trung tâm gốc gạo rất xa. Chúng tôi đi xuyên qua một con đường đất nhỏ, hai bên là cánh đồng trồng đầy đay. Những cây đay cao vút, tựa như những mũi tên nhọn hoắt, đâm thẳng vào cuộc sống của những người dân nơi đây, rồi từ từ rút cạn máu thịt của họ.
Những con người đói đến kiệt quệ, đi chân trần trên đoạn đường đầy sỏi, để mặc những viên đá sắc cạnh đâm vào lòng bàn chân, từng vệt máu thấm lên những vết chân nhỏ xíu. Có người nằm giữa đống chất thải, đôi mắt trừng lớn nhìn dòng người qua lại, chỉ chờ có ai ngã xuống là lao ra tìm kiếm một thứ có thể ăn được, rồi lại thất thểu ngồi bệt xuống vệ đường. Trẻ con khóc không thành tiếng, khò khè như tiếng mèo kêu, rồi từ từ lả đi, chẳng rõ còn sống hay đã chết.
Suốt dọc đường đi mẹ đều chỉ nhìn thẳng, một tay nắm chặt tay “tôi”, một tay kéo chiếc khăn mỏ quạ xuống che trước mũi. Có lẽ trước khi thảm họa này ập xuống, gia đình “tôi” cũng là một gia đình tương đối khá giả, quần áo trên người dù rách rưới nhưng vẫn còn nguyên hình dạng, đủ che kín cơ thể. Nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi trở thành tâm điểm trong những ánh mắt vô hồn khao khát của những nạn dân trên đường. Họ không làm gì, chỉ lẳng lặng ngồi đó, dõi ánh mắt theo từng bước chân của chúng tôi, hệt như những con quạ trên cành cây gạo kia.
Tôi theo mẹ dừng lại trước một căn nhà đất lợp mái rơm, bức tường nứt toang xiêu vẹo như có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Cánh cổng làm bằng tre mở toang, bên cạnh có một chum nước vỡ đầy bọ gậy và mấy thân chuối lăn lóc. Có con cóc với lớp da xù xì núp sau những cây cỏ dại mọc nương theo mấy vết nứt trên tường, nhìn thấy có người vào liền vội vàng nhảy ra, chui tọt xuống dưới chiếc hố nông gần đó.
Giữa sân đặt một chiếc chõng tre cũ nát, thân tre mốc đen, có mấy nan đã rơi xuống, để lại một chiếc lỗ đen ngòm. Có người đàn ông gục đầu ngồi trên chõng, hai tay buông thõng bên đùi, mái tóc xác xơ rủ xuống che khuất khuôn mặt. Mẹ buông tay “tôi”, vội vàng chạy đến, giọng nói có chút hốt hoảng:
“Thầy nó sao vậy?”
Người đàn ông dường như vừa được lay tỉnh. Ông ngẩng đầu lên, đôi mắt hõm sâu, gò má nhô cao, khiến tôi bỗng liên tưởng đến mấy bộ đầu lâu thường được vẽ minh họa trong sách vở.
“U nó về à?” Ông nhìn đứa trẻ đang đi cùng “tôi”, giọng nói khàn khàn, “Ai đấy?”
“Nhặt được đấy. Cu Tứ dùng đá ném mấy thằng Nhật nên bị chúng đánh, u đứa bé này đẩy thằng Nhật ra mà chết, cũng coi như ân nhân cứu mạng cu Tứ.”
Bố nhìn đứa bé đứng nấp sau lưng “tôi”, mở miệng định nói gì đó, cuối cùng chỉ thở dài một tiếng:
“Thôi… Tôi mót được mấy hạt gạo, u nó cho bọn nó ăn đi.”
Mẹ lê chân vào bếp, bê ra một chiếc nồi nhỏ phủ kín nhọ nồi đặt trên chiếc rá tre cũng rách tươm, để lên chõng rồi dùng thìa khuấy thứ nước màu nhờ nhờ bên trong. Gọi là cháo, nhưng khuấy mãi chẳng nhìn thấy hạt gạo nào, chỉ có cám nổi lềnh bềnh thành một lớp màng mỏng bên trên.
Mẹ múc ra bốn chiếc bát sành mẻ, đưa cho mỗi người một bát chỉ toàn nước và ít vụn cám dính dưới đáy. Em trai rất ngoan, không khóc không quấy, một đứa trẻ còn nhỏ xíu đã biết tự mình ôm chiếc bát to hơn cả mặt nó để ăn. Tôi cảm nhận được cơn đói quằn quại của “tôi”, tất cả các giác quan có lẽ đều bị cơn đói chi phối, hai tai ù đi, chỉ còn lại tiếng kêu gào của dạ dày. “Tôi” vội vàng uống hết thứ nước trộn cám trong bát, cẩn thận không để rơi một giọt nào. Một chút nước ấy không giúp tôi hết đói, nhưng dường như lại đủ khiến tâm lý của một đứa trẻ như “tôi” được xoa dịu.
Bàn tay run run của bố cầm chiếc bát nhưng không uống, hai chân buông dưới đất, gót chân lấm lem nứt ra những đường đen chằng chịt kéo dài lên tận bắp. Hôm nay mặt trời không mọc, bóng tối dường như cũng đến nhanh hơn. Chẳng mấy chốc mà vầng trăng khuyết đã ló dạng sau những rặng tre, vẽ thành một vệt mờ mờ trên nền trời. Không ai nói chuyện, mấy căn nhà bên cạnh cũng không có ánh sáng, cả một không gian rộng lớn trở nên tĩnh lặng đến nặng nề.
Bố thở hắt ra một tiếng, khuấy chiếc bát trên tay, rồi chia ra bát của “tôi” và em trai. Mẹ gạn đáy nồi, ngước mắt như dò hỏi. Bố lắc đầu, nhìn lên trời:
“Tôi ăn mấy củ chuối rồi, không đói, để bọn trẻ ăn đi.”
Em trai nép sau người “tôi”, rụt rè nhìn xuống bát. Ngay cả “tôi” cũng chần chờ nói:
“Thầy lớn hơn con, thầy không ăn thì làm gì có sức?”
Bố cúi đầu, dùng bàn tay khẳng khiu vỗ vỗ lên đầu “tôi”, nhưng không nói gì. Nhà bên vang lên tiếng rên xiết não nề, đâu đó có tiếng trẻ con khóc đứt quãng như hết hơi. Mẹ nghe một hồi, có lẽ nhớ đến những người đã mất, kéo vạt áo bẩn lên lau mắt, rồi giục:
“Hai đứa ăn rồi đi ngủ cho đỡ đói.”
Tôi nhìn vụn cám trong bát, lại nhớ đến chiếc bánh mì ăn dở trong ba lô.
Em trai cẩn thận uống hết cháo trong bát, nhút nhát gục đầu vào lưng “tôi”. Từ lúc gặp đến giờ, tôi chưa nghe thấy nó nói chuyện, nhưng dường như nó rất tin tưởng “tôi”. “Tôi” giúp mẹ dọn nồi, rồi kéo em trai vào giường trong, vừa kéo chiếu ra vừa nói:
“Anh chị anh đều mất hết rồi, chỉ có chúng ta ngủ ở đây thôi, em đừng sợ!”
Đứa bé gật đầu, nắm lấy ống tay áo của “tôi”.
Giọng bố khàn khàn vang lên bên ngoài:
“U nó vào nghỉ đi, để tôi canh đêm.”
“Nhà còn gì nữa đâu mà phải canh với gác, không ăn không ngủ thế thì sức đâu chịu được.”
“Không trông tôi không yên tâm.” Bố ho khù khụ mấy tiếng, dừng lại một lát rồi nói, “Tôi đàn ông sức dài, không chết được.”
Giọng bố yếu ớt trong tiếng thở dài của mẹ.
Thế nhưng, bố cũng đi mất.
Bố ra đi trong cái đêm tĩnh lặng như tờ ấy, trên chiếc chõng tre cũ nát mà bố vẫn nằm mỗi ngày. Không phải bởi trộm cắp, cũng chẳng phải do bệnh tật, chỉ là, bố hết sức rồi.
Cơn đói và chiếc bụng rỗng đã rút cạn chút sức lực cuối cùng của bố.
“Tôi” và em trai dùng chiếc chiếu cuối cùng trong nhà bọc bố lại, sau đó giúp mẹ đẩy cả bố cùng chiếc chõng tre cũ ra nghĩa trang làng. Mẹ đào một chiếc hố nông, đặt bố xuống. Chúng tôi dùng tay lấp hố, những ngón tay vốn đã đen sạm bây giờ cũng chuyển thành màu đất.
Mẹ ngồi bệt trên nền đất, ngẩng đầu nhìn lên trời, không rơi một giọt nước mắt nào.
Chúng tôi đốt chiếc chõng ngay bên ngôi mộ sơ sài của bố, ngọn lửa liếm qua lớp tre, vang lên những tiếng lách tách. Lửa đỏ rực, phản chiếu trong đôi mắt đục ngầu của mẹ, và của cả em trai.
***
Trong làng không còn lại mấy người, có nhà đã chết hết, có người dắt díu nhau đi tìm một con đường sống, ngay cả nhà lý trưởng cũng chỉ còn một đống hoang tàn. Mẹ để chúng tôi ở nhà, lê chút sức tàn sang làng bên kiếm việc, kiếm ăn. Tối mẹ trở về, mang theo mấy củ khoai đã hà đến rỗng ruột, hoặc chiếc bánh trộn từ cám, cùng một cơ thể ngày một suy sụp.
“Tôi” dẫn em trai ra con sông gần nhà, lội nước tìm những con cá, con ốc còn sót lại. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy “tôi” qua hình ảnh mơ hồ phản chiếu dưới nước: một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, hốc mắt lồi ra, tóc lưa thưa xơ xác, cả người xám ngoét. Tôi giật mình nhớ đến những bộ phim viễn tưởng về thây ma vẫn thường xem. Nhưng trong những bộ phim đó, thây ma không bị đói.
Chúng tôi lay lắt sống qua ngày. Chiếc áo bà ba nâu của mẹ đã chẳng thể che kín cơ thể nữa, chỉ còn mấy mảnh rách tươm bám trên bộ ngực phẳng lì. Em trai không còn bám được vào ống tay áo “tôi”. Một tay em nắm ngón tay “tôi”, một tay cho vào miệng mà mút, chiếc bụng phình to cứ phập phồng lên xuống theo tiếng nuốt nước bọt của em.
Tôi cứ lịm đi rồi lại tỉnh, tiếp tục những tháng ngày tựa như địa ngục ấy.
Cho đến một ngày, mẹ cũng không trở về nữa.
“Tôi” dắt theo em trai, xuyên qua con đường đất trống trải không còn sự sống, đạp trên những ngọn cỏ đã bị vặt trụi, tìm kiếm bóng hình của mẹ giữa những người không rõ sống chết nằm la liệt khắp nơi.
Mãi đến khi, “tôi” suy sụp quỵ xuống.
“Tôi” đã không thể nhận ra mẹ nữa!
Người còn sống ngồi ngả nghiêng giương đôi mắt đục ngầu nhìn về phía “tôi”, hay người đã chết la liệt trên khắp các nẻo đường, tất cả đều có chung một dáng vẻ, giống như “thây ma” vậy.
Tôi cảm nhận rõ sự sụp đổ trong lý trí của “tôi”, sự trống rỗng bào mòn từng tế bào còn sót lại trên người. “Tôi” nhìn em trai, rồi nhìn bàn tay mình. Tất cả chúng tôi đều đã mất đi hình dáng vốn có. Rồi một khi chết đi, ngay cả người thân thiết nhất cũng không thể nhận ra nhau nữa.
“Tôi” ngồi trên nền đất, đờ đẫn nhìn xung quanh. Có đứa bé nhỏ xíu, đang nằm bò bên xác mẹ nó, cố gắng ngậm bầu ngực đã chỉ còn như hai viên bi lồi lên trên cơ thể không một mảnh vải che thân. Có người đang nằm đột ngột đứng lên, đi vài bước rồi lại gục xuống, chờ mãi cũng chẳng còn dậy nữa.
Chiếc xe bò nặng nề lăn bánh trên đường, bên trên đã đặt mấy người như mới được vớt ra từ đống chất thải. Có lẽ bởi đã dừng một chỗ lúc lâu, mặt xe phủ kín những cánh hoa gạo đỏ. Cánh hoa thấm nước, khiến màu đỏ cũng trở lên ướt sũng.
Giống như màu máu!
Nhưng có lẽ em trai đang ngồi bên cạnh không nghĩ vậy. Em vẫn nắm ngón tay tôi bằng chút sức yếu ớt còn sót lại, giọng non nớt:
“Anh, nhìn thật giống lửa.”
“Tôi” ngẩng đầu nhìn lại cánh hoa vương trên xe bò, nhớ đến ngọn lửa liếm qua từng nan chõng tre bên ngôi mộ của bố.
Là lửa được tưới bằng máu!
“Tôi” đi theo chiếc xe bò, nhìn người ta đẩy hết người trên xe vào một hố chôn chung. Có lẽ mẹ cũng đang nằm đâu đó trong những chiếc hố chật cứng kia, không cam tâm mà nhắm mắt, giống như “tôi” khi gần chết do bị giẫm lên ngực.
Dù nơi đây là địa ngục, nhưng tất cả chúng tôi đều đã dùng mọi khả năng của mình để sống sót, cho đến khi không còn sức chống đỡ nữa.
Bởi chúng tôi muốn nhìn thấy ngọn lửa được đốt lên bằng chính máu của mình.
Tôi không biết bây giờ là ngày nào, nhưng hoa gạo đã rụng, hẳn xuân đã sắp đi qua. Ngày mà lửa cháy cũng không còn lâu nữa!
***
“Tôi” dắt tay em trai, cùng nhau đi nốt những ngày cuối cùng của mùa xuân.
Chúng tôi không trở về làng, mà lang thang trên những con đường lớn, dựa vào những bát cháo loãng của người hảo tâm đến cứu đói để vượt qua một đoạn thời gian. Nhưng cháo không có nhiều, người đói lại quá đông, lòng tốt của người hảo tâm cũng chẳng đủ cứu sống cả một vùng đất chết.
“Tôi” và em trai ăn tất cả những gì chúng tôi tìm được. Thỉnh thoảng trong bụi cỏ còn sót lại mấy con châu chấu, cào cào, và cả gián, “tôi” bắt đem nướng cho em trai ăn, nhưng cũng chẳng đủ xoa dịu cơn đói quằn quại. Đến những ngày về sau, ngay cả thân chuối cũng không còn, em trai nuốt tạm mấy cọng rau dại ven đường, “tôi” nhai vỏ cây, đến khi cả người nhộn nhạo buồn nôn mới dừng lại. Mỗi đêm, “tôi” ôm chặt em trai, rúc người vào góc tường, mắt mở trừng trừng nhìn bóng đêm bất tận bên ngoài, mãi cho đến khi lịm đi.
Tôi nghĩ, chút sức lực còn lại của chúng tôi sẽ chẳng thể chống chọi nổi đến ngày lửa cháy.
Bởi vì, em trai đã không thể đứng lên được nữa.
Tôi đặt em trai lên đống lá khô dưới gốc cây, một mình đi xin đồ ăn.
Có người nơi xa đến phát cháo. Những người nửa sống nửa chết giống như được tiếp thêm sức mạnh mà bật dậy, lao lên tranh nhau đến mức cháo rơi xuống đất. Người khỏe hơn chút thì nhận được trước, đến lượt người yếu hơn thì cháo cũng đã hết. “Tôi” lợi dụng cơ thể nhỏ bé, len lỏi qua nhóm người đang xô đẩy nhau, nằm rạp xuống vốc chút cháo bị đổ trộn với bùn đất vào chiếc bát mẻ lem nhem của mình.
Thật ra cũng chẳng được bao nhiêu, mấy hạt gạo trắng dính bết dưới đáy, còn lại đều là đất cát hoặc mấy chiếc lá cây. “Tôi” khều mấy hạt gạo trắng cho em trai ăn, còn mình nhai lá cây lạo xạo trong miệng. Có cụ già khập khiễng mang chiếc bát lại chỗ chúng tôi ngồi. Cụ ngẩn người nhìn cháo lõng bõng trong bát một lúc, vừa ngẩng đầu lên lại chạm phải ánh mắt thèm thuồng của chúng tôi.
Cụ nhìn chiếc bát toàn đất trên tay “tôi”, chẳng hiểu sao lại cười khan một tiếng, đưa chiếc bát về phía em trai:
“Ăn đi!”
Em trai rụt người lại, nép vào người “tôi”, đôi mắt vẫn không dời bát cháo trên tay cụ. Cụ nói với “tôi”, giọng khàn khàn, nhưng vẫn nghe ra là của một bà cụ:
“Hai đứa ăn đi, em cháu sắp không chịu nổi nữa rồi.”
“Còn bà thì sao?”
“Bà già rồi, còn sao gì nữa? Ăn xem sống được hôm nào nữa thì cố mà sống.” Bà đặt chiếc bát vào tay “tôi”, khóe môi động đậy, rồi nửa đùa nửa thật nói, “Cố mà sống lâu hơn bà, giúp bà đào một chiếc hố sâu sâu chút, bà sợ bị quạ rỉa lắm.”
“Tôi” nghiêm túc gật đầu, cùng em trai chia nhau ăn chút cháo trắng. Không nhớ đã bao lâu rồi mới có một chút gạo, tôi cảm thấy từng hạt đều như ngọc ngà châu báu, trôi qua cổ họng, để lại một vị ngọt lịm.
Bà cụ nhìn đoàn nấu cháo đã rời đi, thở dài nói với “tôi”:
“Nghe nói huyện trên có phát cháo, sang đó có khi sống được. Nhưng xa lắm, phải đến hai mươi cây số, bà không đi nổi. Nếu cháu còn đủ sức thì đi tìm đường mà sống.”
“Tôi” ôm em trai dựa vào mình, ngay cả sức để ngồi em cũng không còn. Bà cụ có lẽ cũng nhận ra, than nhẹ một tiếng:
“Ở lại đây sớm muộn cũng chết hết thôi.”
“Tôi” ôm siết em trai, không nói gì.
Đêm ấy “tôi” không ngủ. “Tôi” ôm em trai, lẳng lặng nhìn xác hoa đỏ rơi thành từng đống lớn, cùng đôi mắt sáng quắc của đàn quạ đen.
Ngày hôm sau, “tôi” gom tất cả những gì còn ăn được, đặt dưới đống lá khô em trai nằm, dặn nó nhớ ăn. Có lẽ chút cháo hôm qua đã giúp đứa bé khôi phục chút sức lực, có thể tự dựa vào tường ngồi dậy. Nó giương mắt nhìn “tôi” cầm bát xoay người đi, như cảm nhận được điều gì, đột nhiên nắm lấy cánh tay “tôi”:
“Anh ơi, em đi với! Anh đừng bỏ em!”
“Tôi” cúi đầu nhìn những ngón tay bé xíu đen thẫm nắm lấy cổ tay khẳng khiu của mình, cắn chặt môi:
“Anh chỉ đi xin đồ ăn thôi, tối anh sẽ mang cơm về cho em, giống như u ấy…”
Đứa bé mếu máo:
“Anh nói dối. U có về đâu.”
“Tôi” nhớ đến bố, đến mẹ, đến anh chị của mình, và cả mẹ của em trai.
Tất cả đều không trở về!
Có giọt nước mắt, thấm đẫm gò má hốc hác, rồi rơi xuống nơi hai bàn tay đang nắm chặt lấy nhau.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy hai đứa trẻ ấy khóc. Những giọt nước mắt bỏng rát, tích lũy tất cả đau đớn và đói khổ, lại chỉ có thể trào ra khi hốc mắt không đủ sức để níu giữ nữa. Chúng không đủ sức phát ra tiếng, chỉ có những âm thanh khò khè như tiếng mèo hoang, chìm nghỉm trong tiếng vỗ cánh của đàn quạ.
“Em là đứa bé ngoan, phải không?”
“Tôi” lau nước mắt trên mặt, thì thầm hỏi. Có lẽ bởi thấy “tôi” khóc, em trai cũng không còn ương bướng, sụt sịt nói:
“Dạ.”
“Anh đi kiếm đồ ăn, rồi sẽ trở về, em ở đây đợi anh nhé!”
Em trai thút thít hai tiếng, gật gật đầu, rồi lại níu lấy tay “tôi” dặn:
“Anh nhất định phải tìm em đấy!”
“Tôi” nhìn dáng vẻ của chúng tôi, lại nhìn những “thây ma” khắp nơi, sau đó tháo sợi dây vẫn luôn đeo trên cổ xuống. Đó là một chú chim nhỏ làm bằng gỗ, không phải thứ quá tinh xảo, nhưng hình như đã nằm trên cổ “tôi” rất lâu rồi. Dù đi qua những ngày chênh vênh giữa ranh giới sống và chết, “tôi” dường như vẫn luôn gìn giữ chú chim nhỏ bằng gỗ ấy, giống như gìn giữ một niềm hy vọng.
Đến bây giờ, “tôi” tháo xuống, trao niềm hy vọng cuối cùng của mình cho em trai.
“Đây là hồi xưa thầy anh làm cho anh.” “Tôi” vừa buộc dây lên cổ em trai vừa nói, “Thầy bảo nó sẽ bảo vệ anh, giờ anh để nó bảo vệ em, chờ đến khi anh quay về tìm em.”
Em trai nắm chú chim trong tay, lau nước mắt gật đầu.
Cứ như thế, lần đầu tiên, “tôi” để em trai một mình, lê từng bước chân rệu rã theo đoàn người đi nơi khác xin ăn.
Đi được một đoạn, “tôi” đột nhiên quay đầu. Không biết em trai lấy sức mạnh từ đâu, đã lê chân rời khỏi đám cỏ khô, dựa lưng đứng dưới gốc cây gạo, dõi mắt nhìn theo. Thấy tôi nhìn lại, nó nâng chú chim gỗ trước ngực, giơ bàn tay nhỏ xíu lên vẫy. Hoa gạo rơi xuống, đỏ rực một góc trời, vùi lấp cả bóng dáng nho nhỏ của đứa bé ấy.
“Tôi” không định đi đến tận huyện trên, nơi ấy xa quá, “tôi” sợ không kịp trở về. “Tôi” chỉ muốn tìm được một điểm cứu đói, ăn đầy bụng, rồi mang về cho em trai. Chỉ là, không biết “tôi” còn có thể chống đỡ đến bao lâu nữa.
Đoàn người đi thành từng hàng, đạp lên vũng nước đọng lại sau cơn mưa vội vàng, bước ngang qua cả những người đã ngã xuống. Có người dừng lại vuốt mắt cho một ai đó vừa gục ngã, rồi lại gắng gượng đi tiếp. Họ cố gắng đến được nơi mà họ nghĩ là “có sự sống”, dù chính họ cũng không biết nơi đó ở đâu.
Trên chặng đường dài ấy “tôi” lịm đi mấy lần vì kiệt sức, tỉnh lại rồi tiếp tục lê lết bước đi. Từ sáng sớm đi đến khi mặt trời lên cao, rồi từ từ kiệt quệ trong ráng chiều đỏ thẫm.
Khi chuẩn bị lịm đi lần nữa, cuối cùng “tôi” cũng đến được một nơi rất nhiều người tụ tập. Có tiếng nói, tiếng hô, tiếng mắng chửi,... Tất cả trộn lẫn với nhau, khi vào đến tai “tôi” thì chỉ còn là những âm thanh không rõ nghĩa. “Tôi” lê lết lại gần, nghe thấy một giọng sang sảng:
“Cướp cũng chết, mà đói cũng chết. Nhưng đói như bây giờ chúng ta chắc chắn chết, cướp kho thóc của bọn chúng còn có cơ may sống. Chúng ta đông người thế này, chúng giết cũng không hết được. Còn nếu thất bại thì cũng chỉ như đổi một kiểu chết khác thôi. Bà con ăn bát cháo, rồi chúng ta cùng nhau cướp kho thóc!”
Việt Minh cướp kho thóc, tôi nghĩ, họ sẽ thành công, và những tháng ngày đói mòn mỏi này đã sắp đến thời khắc kết thúc.
Nhưng dường như, “tôi” đã không thể cử động được nữa!
Có anh lính Việt Minh nhìn thấy “tôi”, kêu lên một tiếng, sau đó vội vàng mang một bát cháo lại gần. Mùi gạo phả vào cánh mũi, khiến “tôi” bừng tỉnh. Nhưng tất cả chỉ trong thoáng chốc, rồi từ từ lụi tắt. Tất cả âm thanh dần trở lên xa xăm, trước mắt tôi chỉ còn lại một mảng đen vô tận.
“Tôi” đã dùng toàn bộ sức lực của mình cho một thoáng “bừng tỉnh” kia.
Trong khoảnh khắc ấy, “tôi” nhớ đến một bóng dáng nho nhỏ chìm trong màu hoa gạo đỏ rực, và lời hứa, anh nhất định sẽ trở về.
Những bông hoa gạo vẫn cuộn xoáy như dòng chảy bất tận của thời gian, nhấn chìm đứa bé ấy, và cũng cuốn tôi đi.
2024
Chú chim nhỏ đợi chờ một lời hứa
Tôi tỉnh lại trong tiếng còi xe réo liên tục và tiếng nhạc chào mời của cửa hàng điện thoại ven đường. Ánh đèn đường sáng rực rọi vào hơi chói, khiến tôi phải nheo mắt lại. Tôi đờ đẫn nhìn lên những tán cây gạo khẳng khiu phủ kín cả mảnh trời, mãi không thể tỉnh lại khỏi những đau thương dường như đã ngấm vào tận tủy sống ấy.
Mảnh đất chết năm đó, vượt qua thời gian, qua lòng trắc ẩn của những con người đói nghèo, dần dần hồi sinh từ địa ngục.
Tôi nghiêng đầu nhìn con đường tấp nập xe cộ, nhắm mắt nhớ đến những xác chết nghiêng ngả trên chiếc xe bò nặng nề. Mọi thứ đều đã đi qua, nhưng trong ký ức của những người trải qua năm tháng đó có lẽ vĩnh viễn sẽ để lại một vết thương hoen rỉ mưng mủ, chẳng thể nào xóa nhòa.
Tôi nhớ đến đứa bé nho nhỏ nắm chặt cổ tay “tôi”, đôi mắt tĩnh lặng nhìn cái chết ở khắp nơi, tựa như nó vốn dĩ đã bình thản đón nhận cái chết của chính mình. “Tôi” không trở về, liệu rằng nó sẽ đợi đến bao giờ? Hoặc có lẽ, cái đói cái rét khiến nó cũng chẳng thể giữ được lời hứa nữa.
Nó đợi mẹ nó, đợi mẹ “tôi”, rồi đợi cả “tôi”. Cuối cùng thì, tất cả đều thất hứa với đứa trẻ ấy!
“Tỉnh rồi à?”
Có giọng nói vang lên bên tai tôi. Tôi quay lại nhìn, là ông cụ lúc trước. Ông cười hiền lành:
“Tự dưng cháu ngất đi nên ông đưa vào đây, cậu bác sĩ ở bên cạnh bảo cháu tụt huyết áp. Chắc lại không ăn đúng không, thấy lúc nãy cháu cứ luôn miệng kêu đói. Đám trẻ bây giờ không biết quý trọng sức khỏe gì hết!”
Ông cụ cúi người, đưa cho tôi chiếc bánh mì ngọt trên tay. Bàn tay ông nhăn nheo, ngón trỏ dường như hơi ngắn hơn các ngón tay khác một chút. Lúc cúi người, cổ áo ông hơi trùng xuống, khiến sợi dây bên trong rơi ra.
Trên đó là một con chim gỗ thô sơ, cũ kỹ.
Tôi ngẩn người, ngơ ngác.
Nước mắt trào qua khóe mắt, nhỏ xuống mu bàn tay, nóng rát.
Hết
Bình luận
Chưa có bình luận