Đã quá muộn để quay đầu, nhưng vẫn còn quá sớm để kết thúc. Ờ, anh nghĩ, ngoài kia trời vẫn đang mưa. Đó là cơn mưa đầu tiên kể từ khi mùa đông tràn về thủ đô tráng lệ, nhưng tháng Chạp ảm đạm, những ngả đường buồn bã, cao ốc mịt mờ… Và lạnh lẽo không thể tả, phổi như ứa máu, hơi thở ngùn ngụt, và da dẻ như bị cứa rách.
Ông chủ không còn trong quầy, mình anh ngồi trong quán café nhỏ, lạnh lẽo như bị bỏ quên, không ngừng những cơn thất vọng gặm nhấm hết cả tâm trí, mệt nhoài, ủ rũ. Bao nhiêu hi vọng giờ chạm đến là vỡ vụn. Người đàn ông đã hẹn anh đến dây dường như không bao giờ chịu xuất hiện.
Gió lùa vào người, đèn trần hắt hiu, dường như không thể chịu được nữa, anh liền đứng dậy, nốc sạch cốc café rẻ mạt rồi ra quầy tính tiền. Không có ai, đành phải để tiền dưới bể cá sáng đèn bên cạnh, một bể cá thủy sinh mọc chen chúc, la hán chằng chịt bóp nghẹt lấy một con cá nhỏ nhoi trong bể. Trông nó lờ đờ và yếu ớt, có lẽ đói ăn. Tiện tay, anh lấy lọ thức ăn bên cạnh và đổ vào bể, nhiều chút.
Có tiếng bước chân loẹt quẹt quen thuộc bước qua cửa, anh không ngẩng mặt. Diễm-bạn anh, tay cầm ô, nước rỏ xuống sàn, hất hàm nói:
“Ông ta không đến… Về thôi.”
Chà, anh nghĩ, giá như lúc đầu nghe Diễm thì đâu nhất thiết phải tốn công cả hai người thế này. Ông ta chỉ đang say, cái nhà phê bình âm nhạc ấy chỉ đang say, cơn say nổi hứng hẹn anh ra đây để làm một cuộc hẹn gặp. Và có lẽ giờ ông ta đang chìm trong giấc ngủ ngon, bên cạnh là vợ, dưới chân là con chó ngoan, nhạc Giáng sinh vang vọng… Còn anh thì chẳng là ai cả.
Cả hai đi về, tiếng mưa rắc nhẹ trên tán ô. Đường xá tối tăm, Diễm không rõ là vô tình hay cố ý cứ chân đạp qua những vũng nước bẩn, hai đôi giày nhem nhuốc lại càng thêm nhem nhuốc. Rồi nhem nhuốc cũng về được đến phòng, trên tầng năm trong một căn nhà chìm sâu trong ngõ, vang vọng hàng đêm những tiếng than khóc miên man của những tín đồ hỏa thần, nhưng không sợ, vì con ngõ nghèo không ai biết sợ.
Anh về phòng anh, cô về phòng cô. Hai căn phòng nằm sát bên nhau, vốn dĩ là một và được ngăn cách bằng một tấm gỗ mỏng, hai phòng cho thuê lãi gấp rưỡi một phòng. Vậy thôi, tấm gỗ mỏng manh, xô mạnh và vỡ vụn, đổ gục, nhưng không ai xô mạnh.
Diễm lục đục bên phòng. Cô đang chọn sách, tiếng sách xô vào nhau, đổ rạp, chạm vào vách ngăn, ồn ào chưa bao giờ hết lạ. Đó là phòng Diễm, chật chội, u ám và nồng nặc mùi sách cũ. Là một cái nhà kho chứa sách chứ không còn là một căn phòng để ở. Hơn năm mét vuông chứa đầy sách, chất kín mặt sàn, cao đến ngang hông, xếp thành từng chồng một và mỗi chồng cách nhau một khoảng nhỏ để tiện tay lấy sách, trông như mấy luống rau. Nhiều sách như vậy thành ra cái chỗ ngủ của Diễm lại nằm lọt thỏm giữa hai bức tường và hai chồng sách, sâu hoắm trông như một cái mồ nhưng ấm áp cho mùa đông. Anh sợ cái mồ đó, thậm chí còn sợ bước vào căn phòng như vậy. Còn Diễm thì không, bởi chính cô đã xây dựng lên cái mồ đó, hoặc chính cô không gọi đó là cái mồ nên cô không sợ, đó chỉ là một chỗ ngủ.
Diễm đã chọn xong sách và bước vào phòng anh, trước đó gõ cửa vài tiếng lấy lệ rồi đến ngồi vào cái ổ viết lách đặt ở góc phòng anh, nơi kê một chiếc bàn nhỏ, bên trên lộn xộn chiếc máy tính và đống sách báo, dưới trải thảm, có chăn gối đủ cả để ủ ấm đôi chân và kê chiếc lưng suốt ngày đau nhức của cô. Giống như anh, cô cũng đang chết chìm trong giấc mơ của riêng mình.
“Ước gì tớ đẹp như người mẫu để tớ có thể cho cậu ngắm cả ngày.” Diễm nói mà không ngẩng mặt. “Tiếc là tớ không.”
Anh quay mặt để Diễm tập trung viết lách, cái cô bạn luộm thuộm, tóc sơ rối ngắn ngang vai, quần áo rộng thùng thình, đôi mắt thâm cuồng lại vì thiếu ngủ… Dường như cái sự cố gắng ấy còn phá hủy cô nhiều hơn cả anh.
Sáng hôm sau, mưa vẫn rơi như thường, cửa kính thấm đẫm hơi sương, đọng lại thành giọt rồi chảy dài xuống. Không khí lạnh lẽo đặc quánh mùi ẩm ướt, không muốn ra khỏi chăn nhưng rồi cũng phải đứng dậy. Diễm đang nằm co ro ngủ gục ngay cái ổ viết lách của cô, lớp chăn mỏng không cứu nổi thân xác đang giảm sâu, da dẻ nhợt nhạt. Mới bảy giờ sáng, trời vẫn còn đang âm u, có lẽ cô chỉ vừa mới ngủ.
“Dậy đi Diễm.” Anh gọi cô trong khi chuẩn bị đồ để ra ngoài. “Lên chỗ tớ mà ngủ.”
Diễm không trả lời, cũng không phản ứng, có lẽ đêm qua mệt mỏi hơn những đêm khác. Anh liền tiến đến đưa cô lên giường của mình, đắp chăn ngay ngắn lại rồi cầm cây guitar rời đi.
Đến địa bàn của mình, một chân ga tàu đông người qua lại. Ngày mưa kéo dài, những chiếc ô rỏ nước xuống mặt sàn nhếch nhác. Dưới chân cột trụ dán chi chít những tờ quảng cáo, anh đặt hòm tiền trước mặt, không ngẩng mặt nhìn ai, và cũng không ai ngẩng mặt nhìn anh. Anh bắt đầu hát, chẳng đầu chẳng đuôi, một bài của The Beatles. Tiết trời lạnh lẽo, dòng người vội vã, cóng tiền lặng im…
Gần trưa, anh dừng hát, chán ngán khi đếm số tiền chỉ được bốn mươi tư nghìn, tất cả đều là tiền lẻ ngoại trừ một tờ mười nghìn, nhưng đó là tờ tiền anh tự bỏ vào cho đẹp chiếc cóng. Thất vọng nhưng nhạt nhẽo là phần nhiều, anh thu dọn và ra về, không muốn hát thêm buổi chiều hay tối, vì buổi sáng lúc nào cũng kiếm chác tốt nhất.
Tết cận kề, phố xá tấp nập, những màu buồn chìm ngỉm trong sắc đỏ. Anh rút điện thoại ra gọi về cho mẹ, nhiều cuộc gọi nhỡ. Và cho đến khi lên đến những bậc cầu thang cuối anh trai anh mới nghe máy.
Gọi gì? Anh ấy khó chịu đáp. Mẹ có nhà không anh? Không. Đi đâu rồi à? Anh ấy chép miệng. Vậy tí nữa mẹ về bảo mẹ gọi lại cho em được không? Bên kia chỉ im lặng. Vậy thôi, anh nói.
Cuộc gọi kết thúc, vô nghĩa, bực dọc, anh mở cửa bước vào phòng. Diễm vừa mới thấc giấc đang gấp chăn màn, hất hàm hỏi anh:
“Có gì thay đổi không?”
“Vẫn vậy.” Anh mang cây đàn treo lên tường.
“Vậy là Tết này cậu vẫn ở lại đây với tớ à?”
“Ừ.” Anh nhìn xuống chiếc đệm của mình và chần chừ. “Cậu gấp gọn thế này thì làm sao tớ dám nằm? Cái giường của tớ thì chỉ cần lộn xộn nhếch nhác thôi.”
“Ừ, giống cái ổ của tớ.”
Mưa kéo dài từ Giáng sinh cho đến tận gần Tết, lễ ông công ông táo nhưng trời vẫn mù mịt một màn sương, những tầng mây dày đặc sà xuống, biến ngày thành đêm. Anh không đi diễn vào ngày này, chỉ nằm dài trong phòng và cố hoàn thành những sáng tác còn dang dở, cho đến khi điện thoại có một cuộc gọi lại. Anh nghe máy.
“Tao với mẹ đang lạc ở cái chùa cạnh gốc đa.” Giọng một người phụ nữ vang lên, và phải mất vài giây anh mới nhận ra đó là giọng của chị cả trong gia đình anh, người đã suốt hai năm qua chưa từng nói chuyện với anh câu nào. “Mày chạy ra đón tao với mẹ.”
Ô, anh ngạc nhiên. “Mẹ lên nữa ạ? Sao không báo em trước?”
Chị chép miệng. “Ra đi.”
Anh liền bật dậy, vừa mặc áo vừa dặn Diễm: “Mẹ tớ lên. Cậu thu dọn mọi thứ rồi tạm lánh về phòng đi nhé. Họ hiểu nhầm thì lại rắc rối.”
Anh tìm được họ ngay khi vừa xuống phố được mười phút. Hai người phụ nữ nép mình bên cổng chùa để tránh mưa, mặt mũi ai nấy đều nhàu nhĩ chán đời. Mẹ anh nhỏ bé, quần vải áo hoa đúng chất thôn quê đứng cạnh chị anh, một người phụ nữ hai bảy tuổi chưa chồng, cao quá một mét bảy, mắc sắc lẹm như lúc nào cũng lườm nguýt. Trông hai người không giống mẹ con.
Anh liền chạy lại gọi mẹ. Hai bọn họ quay lại, mẹ anh rạng rỡ, còn người chị vừa nhìn đã quay đi.
“Mày dạo này gầy quá con.” Mẹ đưa tay nắn người anh.
Anh cười trừ, rồi đưa mẹ và chị về phòng trọ của mình. Cả ba đi vào sâu vào trong những con ngõ ngách tối tăm. Đường không xa nhưng cũng vắt kiệt sức lực của mẹ anh, bà than vãn cái chứng say xe kinh niên đã hành hạ bà. Khi vừa lên đến phòng mẹ anh đã lăn xuống đệm nằm ngay. Còn chị anh thì đứng ngoài, nhìn vào, chần chừ mãi mới bước vào, tay còn đưa lên mũi che, sàn hơi bẩn, chị lấy một bản nhạc anh đang sáng tác dang dở ra lót sàn. Phòng chật chội, chiếc đệm chiếm một nửa gian phòng, còn chị anh phải ngồi dựa vào tường co chân lại.
“Cố mà thuê lấy cái phòng rộng rãi hơn mà ở con ạ.” Mẹ anh nói sau khi nhìn quanh căn phòng một lượt.
“Mẹ hi vọng gì ở nó?” Chị anh nói. “Cái phòng này có khi cũng đã quá sức.”
“Nếu cố thì vẫn được.” Anh nói.
“Vậy sao mày không cố?” Chị đáp. “Mày bỏ học hai năm rồi, mày chơi chưa chán à?”
“Đâu có chơi.”
“Thế mày làm được gì rồi?”
“Nhưng đâu có chơi…”
Căn phòng dần im lặng. Anh ngồi ở cái ổ mà Diễm đã dọn sạch, chị anh ngồi góc bên cạnh. Mùi quần áo ngấm nước phảng phất trong phòng. Ngồi một lát anh quyết định đứng dậy, không chịu nổi cái cảm giác bí bách này. Vừa ra đứng dậy ra ngoài thì chị anh cũng đứng dậy theo.
“Ở đây có bếp không?” Chị nói.
“Trên cầu thang sân thượng.” Anh chỉ lên bên trên. “Vẫn còn gas.”
Chị liền đứng dậy. “Dẫn tao ra chợ mua đồ.”
Anh thấy mẹ bật dậy lo lắng nhìn ra trong khi chị lại thúc anh đi. Có điều gì đó bí mật giữa hai người bọn họ mà anh không hề hay biết, cũng không dám biết. Nhưng rồi đến khi gần đến cổng chợ, chị gọi anh lại để nói chuyện, đến lúc ấy anh biết mình sắp phải đối diện với một chuyện mờ ám và mọi chuyện sẽ rối tung lên từ đó.
“Mẹ bị ung thư rồi.” Chị lạnh lùng nói.
Anh ngơ người rồi chết lặng ngay tại chỗ.
“Chiều hôm qua mẹ ho ra máu, lại còn dấu. May tao nhìn thấy nên bắt mẹ đi khám, mới sáng nay thôi… Kết quả là ung thư gan, cuối giai đoạn hai. Bác sĩ bảo có thể nhập viện ngay để đều trị… Nhưng mẹ bảo không, chí ít phải ra Tết, tao cũng nghĩ vậy, cần phải có ít thời gian chuẩn bị tiền bạc với sắp xếp thời gian.”
Anh đứng đờ ra đó, mãi mới thốt lên: “Có chữa được không?”
Chị rít điếu thuốc nhìn anh. “Bác sĩ nói điều trị tốt thì được vài năm…”
Anh đứng chết lặng một lần nữa.
“Mấy nữa mày về quê đi.” Chị anh nói. “Đừng để mẹ phải lo thêm cho mày cái gì nữa.”
“Cha cho em về rồi à?” Anh ngớ ngẩn ngước mắt lên hỏi.
“Đấy là chuyện của mày, không liên quan đến tao nên đừng kể lể. Vấn đề duy nhất ở đây đó là mày phải về quê ăn Tết, chuyện kia mày giải quyết thế nào thì giải quyết, nhưng mày phải về quê. Tao không muốn thấy mẹ ngồi một chỗ khóc lóc vì mày một lần nào nữa.”
Anh không nói thêm được gì.
“Còn chuyện này nữa.” Chị phà khói thuốc. “Cái chuyện mẹ bị bệnh… liệu mà ngậm mồm vào, mẹ không muốn nói cho ai biết. Phải chờ ra Tết, mẹ bảo vậy.”
Chị vứt điếu thuốc chưa tàn xuống đất, lấy chân dập tắt rồi bước vào chợ, để lại anh một mình. Người nóng ran lên dù gió đang không ngừng phả vào mặt. Đầu óc hơi choáng váng liền ngồi xuống ven đường. Anh dùng điện thoại để tra cứu căn bệnh. Nhưng rồi lại không thể chịu đựng được mà tắt nó đi và cất vào túi. Đọc đến đâu cũng chỉ thấy tử vong, chết chóc, đau đớn, bệnh thật… và thời gian. Không thể nào tin được.
Anh gãi đầu, một cơn rùng mình chạy dọc cơ thể khiến chân tay bủn rủn cả ra. Mẹ anh, không biết vì lý do gì mà lại mắc căn bệnh hiểm nghèo như thế. Anh dường như không thể chấp nhận được, vì anh tin vào cái câu tục ngữ ở hiền gặp lành, tin như thể mẹ anh sẽ sống đến cả trăm tuổi. Bỗng nhiên anh cảm thấy cuộc đời bị xô mạnh đến nỗi chênh vênh, mất điểm tựa. Và điều đó khiến anh bối rối, mồ hôi dần ứa ra, người ngợm nóng ran… Anh gần như bật khóc bên lề đường, xe cộ vẫn đi lườm lượp rồi dần tắc cứng ở trước những ngã tư.
Mãi đến chập tối anh mới quay trở về phòng mình, rồi ngạc nhiên khi thấy mẹ anh và Diễm đang trò chuyện cùng nhau trong phòng anh. Vui vẻ, lạc quan, cả hai người bọn họ. Và khi chạm đến ánh mắt của mẹ, gần như không thể chịu được anh liền bỏ lên sân thượng.
Một lúc sau, Diễm cũng đi lên đứng cùng anh trước lan can lộng gió.
“Mẹ cậu dễ mến thật.” Cô nói. “Tớ không biết cậu có một người mẹ như vậy.”
“Hai người vừa nói chuyện gì với nhau đấy?”
“Mấy chuyện con gái.” Diễm kéo lõn tóc xơ xác ra trước mắt. “Mẹ cậu khuyên tớ nên chăm sóc bản thân nhiều hơn… Giỏi thật, tớ không để ý thấy bà ấy nhìn tớ bao giờ.”
Bữa tối, bốn con người ngồi quây quần quanh chiếc bàn nhỏ của Diễm. Những bát cơm nghi ngút khói giữa tiết trời càng lúc càng lạnh sâu, ánh đèn bàn vắt ngang căn phòng. Và Diễm nói nhiều, kể những câu chuyện không đầu không đuôi về thành thị cho mẹ anh. Chuyện phù phiếm nhưng cũng đủ để che lấp đi cái cảm xúc không mấy tốt đẹp của những con người trong gia đình anh, nên không ai chen ngang vào những lời của Diễm.
Tối hôm đó anh ngủ với mẹ, còn chị anh sang ngủ phòng Diễm. Hai người bọn họ dành nửa tiếng đồng hồ để dọn đống sách ra xa cái chỗ ngủ. Chị ấy không thể chịu được cái không gian bí bách, ngột ngạt ấy. Diễm thì ngược lại, cô không thấy thoải mái khi phải ngủ với người lại, chưa kể còn san bằng cái chỗ ngủ ấm áp của cô ấy đi. Và vì điều đó nên dù hai người có đang dốc hết sức chuyển đống sách đi thì cũng không ai nói chuyện với ai một câu nào, khiến cảnh tượng trở nên hơi kì lạ.
Khuya đến, hai căn phòng dần chìm ngỉm vào sự im lặng của màn đêm, trằn trọc rất lâu sau anh mới biết mình không thể ngủ. Và thế là thời gian cứ kéo dài ra mãi, dường như là vô tận. Không biết mẹ bên cạnh đã ngủ chưa, chỉ biết bà không cử động gì, những nhịp thở đều đều. Anh buột miệng hỏi mẹ rằng hôm nay mẹ đi khám bệnh à? Bà không trả lời, vẫn quay lưng về phía anh mà không động đậy. Anh mừng rằng mẹ đã ngủ.
Nhưng rồi một hơi thở dài não nề, mẹ hỏi nhỏ lại anh, một câu nhẹ như gió: “Con định theo đuổi cái nghề hát hò ấy đến bao giờ?”
Anh im lặng, đâm bối rối, rồi hoảng loạn… không biết phải trả lời ra sao cho một câu hỏi mà đáng lẽ ra anh phải khăng khăng rằng vâng, con sẽ theo đuổi hết mình, sẽ thế này thế kia. Nhưng anh chỉ câm lặng. Vì tương lai anh mù mịt, đáng xấu hổ, thậm chí phát sợ mỗi khi nghĩ về tương lai của mình. Nhưng anh không dám nói anh sẽ bỏ cuộc, anh sẽ chết đuối ngay giữa biển khơi ấy khi vứt bỏ chiếc phao duy nhất cứu cánh cho cuộc đời mình. Nỗi chênh vênh sẽ hủy hoại anh, nhấn chìm anh xuống đến nỗi không thể vực dậy được. Nhưng còn mẹ anh, căn bệnh của mẹ anh, anh không biết mình phải trả lời ra sao cho câu hỏi quá đỗi đơn giản này. Anh đã hi sinh quá nhiều cho cái nghiệp hát nhưng cho đến bây giờ anh vẫn chưa đạt được bất cứ thành quả nào. Và mẹ anh, căn bệnh của mẹ anh…
Mẹ bỗng đưa tay quẹt đi những giọt nước mắt trên khuôn mặt anh, và đến bây giờ anh mới nhận ra là mình đang khóc. Và thế là nước mắt được cơ hội mà trào ra nhiều hơn. Những nỗi tủi nhục, ê chề… Anh cố nín lại nhưng không được. Trước đây anh chưa bao giờ cho phép mình được khóc, vì anh không muốn chờ đợi sự công nhận của người khác về cảm xúc của mình. Nhưng mẹ anh là một điều hoàn toàn khác và anh không thể kìm được nước mắt, dù rằng anh biết đáng lẽ ra anh mới là người phải an ủi mẹ anh. Những nỗi nhục nhã lại không ngừng tuôn ra…
Sáng hôm sau, anh thức dậy khi mẹ và chị đã xuống phố, Diễm nói là đi sắm đồ Tết. Anh sửa soạn rồi ăn lại bữa sáng tối qua, Diễm ngồi đọc sách trong góc, không nói năng gì, mắt thâm cuồng và dại hơn, dường như suốt đêm qua không ngủ được với chị anh.
Điện thoại bỗng rung lên, anh ngạc nhiên, số điện thoại của nhà phê bình âm nhạc hôm nọ đã cho anh leo cây ở quán café. Vẫn còn chưa nguôi giận nhưng anh vẫn nghe máy. Đầu giây bên kia vang lên giọng người đàn ông đang say bí tỉ, nói vài câu mà thốt mãi chẳng xong.
“Đến quán café ngay nhé.” Lão cười hà hà. “Đến ngay thì tôi chờ… Nhanh nhé!”
Lão nói thế rồi tắt máy, không để anh nói câu gì.
“Lão lại say à?” Diễm hỏi.
“Ừ.”
“Như lần trước thôi, tớ khuyên cậu đừng đi.” Diễm đọc sách mà không ngẩng mặt.
Quán café chỉ vỏn vẹn hai người đàn ông trung niên đang nói chuyện rôm rả với nhau, nhưng xem chừng không được vui vẻ cho lắm. Ông chủ quán đứng trong quầy, vừa đáp lời vị khách to béo trước mặt, vừa lau những chiếc cốc trên mặt bàn. Người còn lại ấy chính là nhà phê bình âm nhạc đã hẹn anh đến đây, mặt mũi ông ta đỏ bừng như thể vừa nhậu suốt đêm qua.
Anh bước vào, ông chủ quán hất mặt bảo đến rồi kìa. Nhà phê bình quay mặt, cười khà khà và vẫy tay anh lại, vỗ vào vai mấy cái, đẩy anh ra trước mặt ông chủ quán: “Đấy, bọn trẻ thời nay nó sướng thật, vùng vẫy thoải mái. Đâu vất vả như tụi mình thời xưa. Cu cậu này là bạn của cô con gái ông bạn tôi mà tôi vừa kể cho ông đấy. Cái con bé đấy cũng vùng vẫy ghê lắm. Ngang bướng nói có nghe đâu.”
Anh chỉ biết cười trừ, nhẫn nhịn cho câu chuyện về hai thế thế hệ kết thúc. Rồi nhà phê bình cũng bảo anh biểu diễn. Anh tiện thể trao cho ông ấy năm bài nhạc anh sáng tác mà anh tâm đắc nhất. Ông ấy cầm trên tay rồi bảo anh hát đi, không liếc mắt xuống. Anh bảo anh sẽ hát một bài trong năm sáng tác đó, ông ấy không đáp lại. Và anh đàn, rồi hát, cố gắng không sai lấy một nốt để ông ấy có thể thẩm định được cái chất lượng sáng tác… Anh cố gắng, nhưng ông ấy đưa tay lên cho anh dừng lại, bài hát vẫn chưa đến đoạn điệp khúc.
“Chắc cậu chưa qua trường lớp bài bản nào.” Ông ấy nói, mắt liếc qua mấy sáng tác trên tay lấy lệ rồi lại ngẩng mặt nhìn anh. “Để xem nào, chất giọng cũng được, kĩ thuật tốt. Nói chung là cũng không tệ.”
“Thế thì làm ca sĩ được rồi.” Người chủ quán vừa lau cốc vừa nói.
“Đừng nghĩ đến cái nghiệp ấy.” Ông ấy nói. “Đi hát dạo thì tốt, còn hát chuyên nghiệp thì đừng.”
Mặt anh đứng im ôm cây đàn.
“Chất giọng phổ thông, ra đường vớ bừa cũng được cả đống. Sáng tác thì bình dân học vụ lắm, y hệt mấy bài sáng tác của học sinh cấp Hai bập bẹ làm nhạc…”
Nhà phê bình rời đi, còn anh thì ngồi nhâm nhi tách café trứng muối, một cách tiêu tiền hoang phí cho vơi đi cơn thất vọng, nhưng rồi cũng chẳng uống được gì, café trứng muối không ngon như anh tưởng.
Anh bỗng để ý đến bể cá trên quầy pha chế, ai đó đã đụng chạm khiến những cành la hán gãy rụng, bể cá bị khuấy động khiến đất nền bị văng tung tóe lên những nhành cây. Không thấy con cá đâu cả. Anh hỏi ông chủ quán, ông ấy bảo rằng không biết hôm nọ đã có ai đó cho nó ăn nhiều quá khiến nó vỡ bụng chết, đành phải vứt đi.
“Nhiều người thấy nó yếu là tưởng cho ăn nhiều sẽ tốt…” Ông chủ nói.
Hình như chính anh đã làm chết nó, anh nghĩ vậy và nhấp môi chút café. Nhưng suy cho cùng thì nó thà được giải thoát như thế còn hơn phải sống trong một cái bể cá nhỏ tí xíu và chằng chịt những cây thủy sinh như vậy.
“Cậu có vẻ tâm huyết với nghề hát hò nhỉ?” Người chủ quán bỗng hỏi anh.
“Vâng… cháu theo đuổi được hai năm rồi.”
Người chủ quán không ngừng lau chùi những chiếc cốc. “Tôi hỏi thế này, cậu có biết cái tụi Lucky Chop không? Cái ban nhạc toàn Tây ấy.”
Anh ngẩng mặt. “Cháu có, họ nổi tiếng một thời. Giờ thì ít thấy họ.”
“Chúng nó vẫn đang hoạt động. Và đang tìm người đấy. Nếu cậu muốn ứng cử thì tôi có thể liên lạc giúp, chúng nó hay đến đây uống café.”
Mắt anh sáng lên. “Thật ạ?”
“Ừ, chúng nó đang cần người gấp để đi biểu diễn trong Tết này… Mà phải biểu diễn xuyên Tết chúng nó mới nhận đấy. Cậu làm được không?”
Bình luận
Chưa có bình luận