“Phù Thuỷ, Phù Thuỷ
Thì thầm thủ thỉ
Về điều viển vông
Vốn là chẳng có.
Phù Thuỷ Phù Thuỷ
Khát vọng biết bao
Về ma thuật đen
Nuôi từ xương máu.
Phù Thuỷ, Phù Thuỷ
Tìm hoài, tìm hoài
Một ước vọng xưa
Trường sinh bất tử…”
*****
Một nàng công chúa bị nguyền rủa bởi tình yêu.
Thật đáng thương làm sao.
Mưa tạnh rồi. Những đám mây đen dần tan đi, nhường chỗ cho nắng vàng chiếu rọi từng tia xuống ngôi làng. Sương trắng sau cơn mưa lại dần đông kết, tràn lên làm mờ hết kính cửa sổ. Nếu không nhờ các cô lao công lau đi lớp nước mờ trên tấm kính, hẳn là tôi cũng chẳng biết mưa đã tạnh từ lúc nào.
Câu chuyện mà anh Thắng kể khiến đầu óc tôi râm ran cả lên. Thay vì cảm thấy thương xót cho Đoan Thục hay cảm thán trước sự bạc bẽo, ác độc của Hoài San, tôi lại cảm thấy sợ tác nhân gây ra sự việc ấy hơn.
Anh ta là ai?
Vốn chỉ người trần mắt thịt, chàng trai đó, con người đó tốt đẹp đến mức nào mà có thể chiếm được trái tim của vị công chúa tài sắc vẹn toàn bậc nhất Thuỷ tề? Qua câu chuyện, tôi biết rằng nàng ta vốn đã được nhắm làm trữ quân, người sẽ kế thừa cả vương quốc biển cả rộng lớn. Người như thế chắc chắn phải đủ trí tuệ, năng lực, và quan trọng nhất là tính quyết đoán để có được sự tín nhiệm của Hải Vương tại vị.
Một người như thế lại dễ dàng sa vào lưới tình sao? Lại còn bi lụy đến mức phản cha phản quốc? Thật sự khó tin.
Và kẻ nào đã hiện thực hoá chuyện khó tin ấy thì có lẽ lòng dạ kẻ đó còn thâm hiểm và đáng sợ hơn nhiều lần.
Hay là tôi chỉ đang suy diễn?
Quan trọng hơn…
“Em thắc mắc là khi thời hạn đã đến, tại sao chiếc đuôi của Đoan Thục không mọc trở lại? Và nếu đôi chân cô ấy thực sự đã biến mất và thay thế bằng đuôi cá, làm sao cô ấy có thể sống được chứ? Mùi của Tiên Cá vốn dĩ rất tanh và dễ nhận biết mà? Họ cũng cần cực kỳ nhiều nước nữa?”
Vy ngước lên nhìn tôi một cách khó hiểu. Tôi cũng cảm thấy tương tự. Chúng tôi nghiên cứu về văn hoá tổng thể chứ không chỉ về đúng cái truyền thuyết này, hơn nữa một câu chuyện giả tưởng thì không nên mổ xẻ nhiều đến thế, vì dẫu gì nó cũng chỉ là điều viển vông.
Cảm giác cứ như tôi là một đứa trẻ con mới lớn ấy nhỉ? Luôn tò mò về những thứ xung quanh.
Nhưng tôi lại cảm giác rằng tôi cần biết, chắc chắn là rất cần.
“Cũng thú vị nhỉ? Ý anh là cũng có nhiều lời đồn thổi xung quanh việc này. Có người bảo rằng Thục đã đi đến những bãi tắm hay bãi san hô để ngâm mình vào ban đêm, cũng có người bảo rằng cô ấy đã dùng cách gì đó để giấu chiếc đuôi cá của mình sau những lớp quần áo như trong phim Mỹ nhân ngư (2016) của Châu Tinh Trì. Nhưng mà anh có biết về một giả thuyết lạ hơn, nếu các em muốn nghe…”
À quên mất, tỉnh X này đâu chỉ có mỗi Tiên Cá?
“Đi về phía ngược lại của tỉnh X, nằm ở phía Bắc rừng Trắng là nơi tọa lạc của làng Mộc Thu. Nếu như làng Ngọc Biếc nổi tiếng với các câu chuyện về Tiên Cá, thì với làng Mộc Thu chính là Phù Thuỷ. Những Phù Thuỷ với sức mạnh ma thuật mạnh mẽ và trí thông minh tuyệt vời, có thể là bất kỳ ai trong số những người dân bình thường. Họ có thể được nhận diện bằng những chiếc áo choàng đối khâm tối màu khoác bên ngoài, cùng lệnh bài tạc ghi danh xưng bằng chữ cổ. Thông thường họ sẽ không mặc loại phục trang ấy với mục đích che giấu thân phận.”
“Lời đồn bảo rằng Thục đã đi đến làng Mộc Thu để mua bùa phép biến lại đôi chân. Anh chỉ biết được đến đó thôi.”
“Vậy chỗ nói về làng này nằm ở đâu trong bảo tàng vậy ạ? Tụi em muốn biết thêm.”
“Tiếc thật nhỉ? Vì những dạng về phù thuỷ với cả ma thuật kiểu này thường được xếp là “mê tín dị đoan” nên bảo tàng không có khu riêng. Cơ bản cũng vì không có truyền thuyết nào thực sự đặc sắc với cả nó cũng không liên quan đến biển nữa… Nhưng mà nếu các em thích thì như anh nói đấy, làng Mộc Thu nằm ở phía bắc rừng Trắng, cứ đi qua là được.”
“Cảm ơn anh.”
Tôi bấm thu ngòi bút, đóng cuốn sổ lại rồi nhét vào túi. Có vẻ Vy vẫn còn nhiều điều muốn xem ở bảo tàng nên đã nói chuyện rất nhiều với anh Thắng để hỏi về những địa điểm đáng ghé thăm.
“Đi!”
Tôi khoác cặp lên rồi bước thẳng ra sảnh lớn, nơi dẫn đến cửa chính. Vy vội vã đi theo tôi, tay còn cầm đống bút viết chưa kịp cất vào. Tôi trả lại mấy chiếc máy radio cầm tay cho chị lễ tân, không quên cảm ơn về sự nhiệt tình của chị cùng anh Thắng dù chúng tôi đến khá sớm. Trời cũng đã hửng nắng, có lẽ chúng tôi sẽ đi chơi một chút trước khi tiếp tục các bài phỏng vấn.
“Đi biển không mày? Nắng đẹp phết.”
“Được.” Đi cũng không xa lắm, tầm mười phút đi bộ thôi. Nếu chúng tôi nghỉ ngơi khoảng một hai tiếng thì chiều vẫn còn thời gian làm việc.
Đi biển à? Đã lâu lắm tôi không được trải qua cảm giác cơ thể “dập dềnh” khi có sóng vỗ rồi. Mùa đông chẳng hề thích hợp chút nào, nhưng có lẽ chỉ ngồi trên bờ hay đi dạo trên bãi cát thì không sao. Chắc tầm mười phút đi bộ thôi, bảo tàng này khá gần biển.
Chúng tôi bước xuống phần cầu thang đá dẫn từ cổng chính xuống mặt đất. Vy thỉnh thoảng còn dừng lại để mở ba-lô cất đồ do ban nãy đi quá vội, cầm hết đồ trên tay nên chậm hơn tôi một chút.
“Hửm…?”
“Thương?”
Hai chân tôi đứng không vững, đầu óc bắt đầu quay cuồng như chong chóng. Tôi cứ lảo đảo như thế, cảm giác mắt mình nhói lên, không thể mở mí mắt ra. Tôi cố gắng giữ cơ thể ổn định để không rơi xuống cầu thang, nhưng nỗ lực của tôi có vẻ không có ích lắm.
Thật quen thuộc.
Hình như cách đây hơn một tuần tôi cũng bị thế này.
Khoảng không đen trong mắt tôi như đang phát nổ. Cứ chớp chớp rồi lại loé sáng, chói mắt cho dù mắt tôi đang nhắm nghiền.
Dường như tôi lại rơi vào giấc ngủ trắng.
Cũng không hẳn là thế, vì tôi vẫn nhận thức rõ những gì xảy ra xung quanh. Tôi biết mình vẫn đang loạng choạng muốn ngã. Mắt tôi vẫn mở, đôi tai tôi vẫn nghe, chỉ có điều là hơi ù một chút. Mắt tôi bỗng như có một màng phim vàng đục che đi, mọi thứ thu vào tầm mắt của tôi hiện giờ chỉ như mấy cục pixel có màu.
Rồi trong phút chốc, mọi thứ tắt phụt đi.
Hình ảnh một người đang cười hiện ra.
Chiếc cằm vuông vức, có lẽ là thuộc về một người nam. Có vẻ anh ta đang mặc một chiếc áo xanh? Tôi thấp thoáng thấy màu xanh chàm biển lập lờ, phần cổ áo trông khá giống mấy bộ cổ phục. Nhưng từ sống mũi trở lên tôi không thấy gì nữa, chỉ có một màn đen tỏa ra như khói.
Rồi mọi thứ chợt rung lắc dữ dội.
Người đó đã cười.
Một nụ cười không hề bình thường, rất biến thái.
Rồi mọi thứ chợt tắt phụt đi.
Đầu tôi choáng váng, cảm giác như sắp ngã thì có một đôi tay đỡ lấy tôi.
“Ui! Chị gì ơi chị có sao không?!”
Hai tay đỡ lấy hai vai dựng người tôi lên. Cho đến khi đứng vững lại, tôi mới có thể nhìn thấy người đã giúp đỡ tôi.
Một cậu sinh viên trẻ.
Thứ đập vào mắt tôi đầu tiên là vẻ lo lắng có phần hơi thái quá của cậu bạn này. Cậu ta liên tục hỏi tôi rằng tôi có bị đau ở đâu không, có thấy đau đầu không, thậm chí còn đề xuất đưa tôi đi bệnh viện.
Có hơi sợ…
Thông thường nếu là tôi giúp, thì chỉ cần người suýt ngã đứng vững thì tôi sẽ đi ngay, hoặc lịch sự hơn thì hỏi thăm kiểu có lệ rồi cũng chẳng nấn ná lại lâu. Chắc có lẽ là tại tôi vô tâm thôi, nhưng tôi cũng chẳng quen với kiểu nhiệt tình này. Hơn nữa chúng tôi còn chẳng biết nhau.
Cậu bạn có mái tóc layer hơi xoăn nhẹ, khuôn mặt cũng ưa nhìn, đôi mắt lá răm có nốt ruồi dưới mí phải, có vẻ khá cao ráo. Chiếc áo màu trắng có mấy sọc đỏ xéo cùng logo đặc trưng cho tôi biết rằng cậu ta là sinh viên của đại học Mỹ Thuật tỉnh X. Có lẽ có một bài tập nào đấy yêu cầu thực hành điêu khắc hay vẽ tranh ở bảo tàng chăng?
Đôi mắt cậu ta như chứa lửa vậy, cảm giác như sự lo lắng của cậu ta dành cho tôi không phải thảo mai mà là cậu ta thực sự đang bồn chồn. Cổ họng tôi khô khốc, cảm giác choáng váng ban nãy vẫn chưa tiêu biến hết, mãi mới có thể nói được một câu:
“...Cảm ơn cậu, tôi ổn.”
Tủi hổ thay, thằng nhóc này vẫn nhìn tôi chằm chằm. Cảm giác ánh mắt nó như thể sắp xuyên thủng tôi vậy. Cố vượt qua sự bối rối, tôi lách người nhẹ sang để đến chỗ của Vy. Cơn gió lạnh thổi xộc qua chỗ tôi cũng khiến cảm giác bứt rứt dần biến mất.
“Phù…”
“Chị ơi! Nếu chị còn thấy choáng thì nhớ đến bệnh viện nhé! Bệnh viện Trung Ương cũng ở gần đây thôi! Mùa đông này gió nhiều lắm, lỡ mà trúng gió…”
Rồi cậu ta bắt đầu luyên thuyên thêm những thứ về sức khỏe, mùa đông mà một người dân tỉnh X như tôi rõ hơn ai hết.
Tôi vừa gặp gì thế này?
Ừ thì biết rằng hành xử như vậy là cực kỳ thô lỗ, nhưng cứ nhìn cậu ta và tôi xem, ai mới bất thường đây? Ôi trời, xin nhắc lại là tôi không hề quen cậu ta nhé! Người lỗ mãng phải là cậu ta!
“Mày… không cảm ơn cậu nhóc đó à? Cậu ta nhiệt tình phết, haha! Ê mà nhiều khi nó đúng gu mày nữa, đi xin thông tin đi!” Vy cười hềnh hệch, thúc vai tôi trêu ghẹo.
Ừ, lỗi tôi tất.
Trong một khoảnh khắc, tôi dường như cảm nhận một ánh mắt đang lườm mình, chằm chặp. Thế nhưng khi quay đầu lại, cậu sinh viên áo đỏ đó cũng vừa hay bước vào bảo tàng, đóng cửa sập lại, không nhìn tôi lấy một lần.
Sau này nhớ lại, nếu không nhờ cặp kính áp tròng màu đen của mình thì tôi đã sớm gặp rắc rối lớn rồi.
*****
Tôi thừa nhận là biển của làng mình đẹp thật.
Cảm giác mát mẻ mà gió biển tạo ra khác hẳn với gió điều hoà ở thành phố. Tôi có thể cảm nhận được cái sự khinh khoái dễ chịu khi dòng nước mặn trong vắt ấy chảy vào từng kẽ ngón chân. Từng hàng phi lao đung đưa trong gió, rì rào rì rào theo dòng chảy của biển. Tôi thấy mặt biển trong vắt, xa xa còn có mặt trời đang treo mình giữa những áng mây.
Hôm nay trời sương quá, nắng hơn một chút thì đẹp.
“Con Thương xuống đây coi!”
“Thôi tao ngồi trên này, mày chơi đi!”
Cũng chẳng biết là chơi cái gì nữa.
Tôi ngồi trên bờ nghịch cát. Lấy hai chân xoa xoa cát vào nhau, tận hưởng cảm giác tê tê rát rát châm chích trên da. Dù sương mù đang dày đặc, nắng vẫn chiếu rọi xuống, nóng và hơi rát, nhưng cũng không tệ lắm.
Chà, nói chung thì biển đẹp đấy, nhưng tôi lại không thích biển.
Nói sao bây giờ? Thông thường đi biển mọi người đâu có đi một mình? Phải có bạn có bè, ít nhất tầm ba người trở lên, cùng nhau nướng thịt, chơi bóng chuyền, nghịch nước hay làm gì đó vui vui thì mới đúng là chơi biển nhỉ?
Xui cho mày rồi Vy, mày đi với một đứa như tự kỷ…
Tôi sợ biển, nói thẳng ra là thế.
Khi còn nhỏ, tôi đã từng có lần suýt thì chết chìm. Hôm đó là một ngày trời quang mây tạnh, cách đây tầm mười mấy gần hai mươi năm. Lúc đó tôi còn học cấp một, và như bao đứa trẻ tinh nghịch khác, nằng nặc đòi bố cho đi chung thuyền ra khơi. Cảm giác cùng thuyền dong ra khơi như trong những bộ phim Hollywood của Mỹ thực sự là một cái gì đó khác lạ lắm, mà sao tôi lại ngần ngại không thử khi tôi đang sống ở biển cơ chứ?
Bố tôi miễn cưỡng đồng ý khi chuyến đánh cá ngày hôm ấy được định là sẽ kết thúc sớm khi thời tiết dần trở bão. Hồi ấy tôi cực kỳ quyết tâm, nói làm là làm, dậy từ lúc ánh trời còn chưa tỏ mà lên thuyền cùng bố và các chú. Tôi còn nghịch ngợm lấy chiếc khăn của mẹ buộc quanh mắt phải, giễu võ dương oai như mấy ông cướp biển trong phim.
Nói chung khi còn nhỏ thì tôi cũng chưa dị hợm lắm.
Nhưng cơn ác mộng hôm ấy cũng là lý do vì sao tôi lại sợ đại dương thăm thẳm cho đến tận bây giờ.
Còn nhớ khi ấy đã gần giữa trưa nhưng bầu trời lại ngày càng sương mù. Sương trắng như sữa, đặc như khói, phủ lên mọi thứ một màn nước ướt át, ẩm thấp. Mưa dông cũng kéo đến, gió cũng dần nổi lên. Là một người có kinh nghiệm, bác trưởng tàu lúc ấy đã nhận thấy điều bất thường mà yêu cầu mọi người thu lưới quay về bờ ngay lập tức.
Nhưng mọi thứ không suôn sẻ như thế, khi mà con gái của một thuyền viên vừa rơi xuống biển.
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác mà mũi mình ngập ngụa thứ nước mằn mặn nhớp nháp ấy, nó khiến phổi tôi rát bỏng, khiến cổ họng khô khốc. Sóng biển liên tục đánh tôi ra xa, khiến tôi chẳng tài nào bám được vào thành thuyền.
Cái hôm ấy ám ảnh tôi mãi.
Đại dương lạnh lẽo, đen kịt, sâu hun hút, cứ như muốn nuốt chửng tôi vậy, sương mù thì ngày càng dày đặc khiến tôi không thể nhìn thấy bố và mọi người. Cảm giác sợ hãi dần xâm chiếm, tôi khóc nấc lên, gào thét liên tục khiến bản thân mất sức nhiều hơn.
Khi tôi tỉnh lại thì bản thân đã đang trong khoa hồi sức.
Nhiều cô bác đùa là tổ tiên gánh tôi gãy cả lưng. Tôi được bố cứu lên trước khi lả đi hoàn toàn, cũng may là tôi chưa bị đánh trôi quá xa khỏi thuyền. Mọi người bảo các bác lúc ấy hoảng lắm, chẳng hiểu sao đang yên đang lành mà lại rớt xuống biển, dù trước đó mọi người còn thấy tôi chơi trong khoang.
Chỉ có tôi mới hiểu tại sao mình lại rơi xuống biển.
Nhưng cũng chẳng muốn nhớ lại lắm.
Mát quá, dễ chịu quá.
Đột nhiên tôi cảm thấy từ ngực trở xuống mát lạnh khôn tả. Cảm giác như đang tắm vậy, còn lơ lửng nữa chứ.
Nhưng sao lại vậy được, tôi đang ngồi trên bờ mà?
“Mày ra đây hồi nào vậy Thương?!” Vy kinh ngạc khi thấy tôi – một đứa còn đang mặc đủ quần áo thông thường, không phải đồ bơi hay đồ tắm biển bước xuống nước, mà còn là bước ra chỗ sâu ngay sát cột cờ mốc nữa chứ.
Không phải chỉ có mình nó bất ngờ.
Dù cho có cố gắng thế nào, chân tôi vẫn cứ bước ra ngoài biển. Tôi chẳng cách nào ngăn đôi chân mình lại, dù cho có dừng tay bấu chặt vào đùi đến rướm máu thì cơ thể vẫn không dừng bước. Tôi hoảng loạn với tay ra sau, cố ngửa người ra để làm chậm bước, nhưng có vẻ cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Cho đến khi tôi bước hụt chân, ngã úp mặt xuống nước, tôi vẫn cứ tiến ra ngoài biển. Tôi nghe được tiếng mọi người gào thét bảo tôi quay về, tôi cũng muốn làm thế chứ, nhưng chân tôi không dừng lại.
Cuối cùng chân tôi không chạm đất nữa rồi, cơ thể hoàn toàn lơ lửng giữa nước.
Tôi bỗng nghe được tiếng ai đó vọng lại từ giữa những cơn sóng:
“Mày chết đi, chết đi, mày chết đi!”
Bình luận
Chưa có bình luận