“Chị Ngọc chưa về nữa sao? Chị ấy có thể đi đâu chứ? Sao chị ấy không gọi cho em?!”
“Bình tĩnh đi Duyên, em không phải đứa duy nhất lo đâu, nhưng cũng để cho anh tìm hiểu đã!”
“Hức… Hức….”
“Giờ phải làm sao đây…?”
“Nếu các anh không làm được thì để em, em đi tìm chị ấy!”
“Này! Chờ đã!”
*****
“Tù… Tù… Tù…”
Tôi giật mình, tỉnh dậy sau hơn nửa tiếng nằm nghỉ vì tiếng kèn lớn vang vọng khắp cả làng. Nhoài người ra cửa sổ, tôi phát hiện các ngư dân đang cầm lưới về trong một tâm trạng bực dọc. Có người còn vừa đi vừa chửi thề.
“Thương! Cái gì vậy mày!?”
“Còi cảnh báo sương mù đấy, có vẻ sáng nay mọi người không ra khơi được rồi.”
Quả không ngoa khi nói rằng thời tiết ở đây đang quá kỳ lạ. Sương mù không những không tan bớt đi vào buổi sáng mà còn dày đặc thêm, khiến cho tầm nhìn của chúng tôi bị hạn chế đi khá nhiều. Tôi chỉ đứng trên tầng hai mà đã không thể nhìn thấy bố mẹ mình đang làm việc ở bên dưới.
Lạnh quá.
“Xuống ăn sáng các con ơi!”
Mùi thơm của món cháo cá quen thuộc len lỏi qua từng khe cửa nhỏ nhất, đi vào đến phòng của tôi. Tôi có thể nghe thấy bụng mình đang sôi lên cồn cào từng tiếng, cũng phải thôi, bữa ăn tối đã cách gần mười ba tiếng rồi. Tôi bảo Vy xuống trước, bản thân ngồi trước gương chải lại mái tóc dài.
Răng lược gỗ đen nhánh lướt qua lớp tóc suôn mượt. Tôi ngồi trước chiếc gương nhỏ, cầm chiếc lược cẩn thận gỡ rối đống bù xù trên đầu sau hơn nửa tiếng lăn lộn trên giường. Rồi tôi chia tóc làm ba nửa, tết sơ lại với nhau rồi cột nhẹ ở phần đuôi như thường ngày. Thay ra một bộ đồ đỡ nhăn nhúm hơn, tôi ngắm nhìn bản thân lần cuối trước khi ra khỏi phòng.
“Ây!”
Tôi dùng tay dụi dụi bên mắt. Cảm giác giống như có một con kiến vừa chui vào đó để cắn vậy, bỏng rát vô cùng. Tôi luống cuống lục lọi tìm lọ thuốc mắt do bác sĩ kê đơn, nhỏ liền vài giọt vào, chớp mắt liên tục hòng lọc thứ đang ở trong mắt tôi ra ngoài. Cơn đau cũng dần giảm đi, từ đau rát xuống râm ran rồi chỉ còn chút xót do dụi mắt.
Chẳng có tí bụi hay lông mi nào lẫn vào mắt tôi cả.
Và biết gì không? Thậm chí các bác sĩ còn không khám ra bệnh cho tôi.
Tôi khó chịu cất lọ thuốc vào túi dụng cụ cá nhân, lấy cặp kính áp tròng màu đen ra sẵn, đứng lên nhìn vào gương xem mắt có bị sưng nhiều lắm không. Viền mắt đã ửng đỏ, bọng mắt hơi sưng lên, các mạch máu dần hiện rõ hơn bên ngoài giác mạc màu xanh lơ.
Lạ thật đúng không? Người Đông Nam Á sao lại có mắt màu xanh dương nếu không phải con lai?
Đôi mắt của tôi có một chút khác biệt.
Bên mắt trái của tôi, tròng đen có màu nâu đậm bình thường chuẩn người Việt, nhưng bên phải thì khác. Bên mắt phải của tôi có màu xanh lơ nhạt, màu giống như màu của nước biển khi về chiều, còn có những tia tím biếc ẩn trong đó, kết hợp lại trông hệt như dải ngân hà vậy. Đây cũng là lý do vì sao dù không có nhan sắc nổi bật, tôi vẫn thường được ví như “nàng tiên” khi còn đi học.
Các bác sĩ ở trạm xá cũng từng khám cho tôi. Mẹ tôi kể lại rằng tôi được chẩn đoán mắc chứng “Loạn sắc tố mống mắt". Mống mắt có thể hiểu chính là tròng đen của mắt. Thông thường, tròng đen ở khu vực Việt Nam nói riêng thường có màu nâu đậm, còn các chủng người khác trên thế giới sẽ có những màu sắc khác nhau. Đây chính là sự thú vị và đa dạng của gene và tự nhiên. Thế nhưng, ở một số trường hợp, thường là do các đột biến gene vô hại, do các chấn thương hay bệnh về mắt khiến cho màu giữa hai mắt có chút khác nhau hoặc màu bên mắt này sẽ khác hẳn bên kia. Đối với tôi là trường hợp một, bác sĩ bảo điều này hoàn toàn không nguy hiểm và thậm chí còn khá may mắn. Họ bảo tôi lớn lên ắt hẳn sẽ cực kỳ xinh đẹp.
Cảm ơn các bác sĩ, con vẫn chưa có người yêu đây.
Các cô dì ở quê cưng tôi như con, luôn khen đôi mắt tôi lung linh, xinh đẹp như hoàng hôn trên biển. Bố mẹ tôi còn bảo ấy là phép màu, cho dù tôi còn không bằng một nửa em gái mình khi so về sự hài hoà và thanh tú. Tuy thế, tôi vẫn khá thích những lời đồn thổi của các cao niên trong làng về đôi mắt này.
Họ bảo tôi có mắt của Tiên Cá.
*****
Tôi chầm chậm nuốt từng muỗng cháo cá mú, không biết nói gì khi mọi người đang trò chuyện. Chủ yếu là họ quan tâm đến cô bạn cùng nhà sắp tới sẽ trọ lại nhà họ. Bố mẹ tôi liên tục hỏi về gia đình cũng công việc của Vy, còn nó thì cũng vui vẻ trả lời hết, không một chút ngại ngùng. Dương có hỏi thăm tôi về công việc của đợt “công tác” này, thêm cả việc tôi bị đau mắt nữa.
“Chị định đi đâu? Sau khi ăn sáng xong á?”
“Đi bảo tàng, cái chỗ mà cơ quan tao hợp tác.”
Không biết nói gì nữa.
Thực sự là tôi không có gì để trò chuyện cả.
Cảm xúc tôi lúc này khá hỗn loạn.
Tôi thường xếp lịch để về nhà vào mỗi dịp hè và Tết. Đó là lúc thời tiết thoải mái nhất và cũng là lúc mọi người có nhiều thời gian nhất. Vào dịp này thì mọi người đang tất bật làm việc, thậm chí còn bận rộn hơn bình thường. Cuối năm mà, có ai nhàn rỗi đâu? Chính vì thế tôi chưa bao giờ chọn để về nhà vào lúc này cả, mặc dù thông thường tôi sẽ không nghĩ đến luôn.
Ơ? Về nhà mà cũng phải chọn hả…?
Vy bảo có lẽ tôi chỉ đột nhiên nhớ nhà, nhưng tôi nghĩ mọi việc không đơn giản như thế.
Bữa sáng cũng đã xong, mọi người bắt đầu dọn dẹp và bắt đầu công việc một ngày của mình. Con Dương chuồn nhanh nhất, nó cầm chiếc áo phao của mình rồi chạy ra khỏi nhà, miệng mấp máy câu chào rồi đi đến trường mẫu giáo, để lại đống bát đũa cho cô chị vì bố mẹ sẽ không bao giờ động tay vào mấy việc vặt này cả.
“Thế giờ đi đâu á? Tao không có rành chỗ này…”
Vy tranh thủ lúc vừa ăn xong thì phụ tôi dọn bát dĩa, rửa chén, tiện thể hỏi luôn về lịch trình trong ngày.
“Trước tiên thì mình sẽ đến bảo tàng trước để chào hỏi và bàn việc một chút với bên đại diện của họ, sau đó sẽ đi xung quanh bảo tàng để viết vài bài.”
“Xa không á? Chứ mà tao thì tao lười đi bộ…”
“Trong làng thôi, đi bộ chắc tầm 15 phút.”
Dọn dẹp xong thì cũng đã gần bảy giờ, tôi nhanh chóng chuẩn bị đồ đi đến bảo tàng. Tôi cẩn thận bỏ cuốn sổ tay vào cặp. Do không quen ghi chú bằng điện thoại, không có nó thì tôi sẽ cực kỳ khó chịu. Thế nhưng, khi tôi đang giúp Vy bỏ cái chân máy quay vào túi thì bỗng dưng trời nổi sấm chớp.
TÍ TÁCH… TÍ TÁCH…
Rồi từng giọt nước rơi xuống mái hiên nhà tôi, tạo nên những tiếng tí ta tí tách. Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra bầu trời đã đen kịt vì mây giông. Từng đám mây đen vần vũ kéo đến làng tôi, tạo ra một cơn mưa trái mùa quái dị. Dần dần, mưa càng nặng hạt hơn rồi trở thành một cơn mưa như trút nước. Tiếng mưa to đến mức chúng tôi đứng cách nhau có vài mét mà cũng không nghe rõ tiếng nói chuyện của đối phương.
Mưa vào mùa này sao? Mà còn là mưa lớn? Tôi thực sự sợ rồi đấy.
*****
Vì mưa nên tốc độ di chuyển của chúng tôi cũng chậm hơn đôi chút. Khi cánh cửa tòa chính mở ra, phần ống quần của tôi đã ướt nhẹp, phần chân váy của Vy cũng thế. Vì trời mưa quá lớn nên không có cuốc xe taxi nào nhận chở chúng tôi, tất cả đều huỷ chuyến vì thời tiết, hoặc là do đã có người đặt. Thế là chúng tôi vẫn phải làm như cũ, đi bộ suốt gần nửa tiếng dưới trời gió lạnh căm căm, mưa như trút nước.
Đợt này mà về không đứa nào ốm thì tôi không tin.
Chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo cho chị bán vé, do đã có hẹn từ trước nên cũng không mất quá nhiều thời gian. Chị ấy hướng dẫn chúng tôi gửi đồ rồi vào sảnh chính để đi tham quan, còn bản thân thì liên lạc thuyết minh viên.
Tôi khẽ nhìn lên chữ được ghi trên cổng thành, lòng chợt thấy hơi nhộn nhạo.
[BẢO TÀNG HOA LIÊN]
Bảo tàng Hoa Liên toạ lạc ở rìa của ngôi làng, là nơi khách du lịch đổ về mọi lúc. Nơi này được liệt vào danh sách những nơi “nhất định phải ghé thăm” mỗi khi du khách có dịp đến tỉnh X. Cũng nhờ thế mà dân làng Ngọc Biếc mới có thêm kế sinh nhai ngoài việc đánh bắt cá. Một bảo tàng - khu trưng bày lớn đã tồn tại được gần trăm năm.
Nghe qua tên thì tôi cũng đoán được đôi chút về chủ đề của nơi này, cho dù chưa lần nào ghé thăm do không có hứng thú. Bảo tàng Hoa Liên được xây dựng để trưng bày và lưu giữ những cổ vật, di vật văn hoá tâm linh – tín ngưỡng trên khắp tỉnh X. Nói là thế, nhưng thứ khách tham quan để tâm nhiều nhất lại là về các truyền thuyết Tiên Cá của làng Ngọc Biếc (theo tôi tìm hiểu), dẫu cho những câu chuyện kia cũng hấp dẫn không kém. Đối diện khu bảo tàng này là viện Hải Dương học Ngọc Biếc, nơi được công nhận là nơi lưu trữ mẫu vật – tiêu bản cùng các di tích sinh học biển lớn nhất khu vực miền Bắc.
Và bảo tàng Hoa Liên đây cũng sẽ là nơi bắt đầu bài viết đầu tiên của chúng tôi.
“Ừm… Chị xin lỗi hai em nhiều nha! Trời mưa lớn quá, bạn thuyết minh viên ca đầu đang trên đường đi. Nhà bạn hơi xa, chắc các em chờ tầm… hai mươi phút nữa được không?”
“Không sao, không sao ạ, bọn em đợi được.”
Hai mươi phút à? Chắc là tôi sẽ đi tham quan khu đầu tiên trước vậy.
Cung cấp thông tin liên lạc cho chị tiếp tân xong, chúng tôi nhanh chân đi đến khu trưng bày về Tiên Cá. Chiếc bản đồ giấy dẫn chúng tôi đến trước một cánh cửa gỗ lớn.
Thật sự cực kỳ ấn tượng.
Chỉ tính riêng thì cánh cửa ắt hẳn phải cao hơn ba mét, làm bằng gỗ lim đen dày, được thiết kế theo dạng cửa cổ điển với song gỗ so le như những tấm mành. Với tôi, thứ ấn tượng nhất là những hoạ tiết tinh xảo được điêu khắc tỉ mỉ trải dài trên mặt cửa. Những ngọn sóng xô ngang uốn lượn cùng bọt biển, những con thuồng luồng biển dữ tợn nhưng vẫn mềm dẻo, tôi thậm chí có thể hình dung ra sự nhớp nháp trên bề mặt da của nó.
Tôi nhẹ nhàng đẩy thanh nắm cửa rồi bước vào trong.
Bên trong căn phòng rộng thênh thang, tựa như một khuôn viên vậy. Những bản thông tin, di vật khảo cổ được đặt la liệt khắp nơi. Tuy vậy, thứ thu hút tôi nhất lại nằm ở giữa căn phòng.
Tượng đá.
Nhiều bức tượng đá được xếp bên cạnh nhau, tạo thành một cụm tác phẩm điêu khắc cực kỳ hoành tráng. Chúng có màu trắng xám, rất lớn, lớn hơn nhiều so với cánh cửa kia, tượng cao nhất chắc cũng phải gần năm mét. Thật đáng khâm phục làm sao khi đội ngũ bảo tàng Hoa Liên có thể bảo toàn chúng và mang về đây mà không có lấy một vết xước.
Có ba bức tượng lớn được đề tên. Lần lượt là “Hoài San công chúa” bên trái, “Hải Vương” ở giữa rồi đến “Đoan Thục công chúa” bên phải. Những cái tên nghe thật kiêu sa. Tay tôi khẽ vuốt ve chiếc bảng thông tin bằng kim loại, mắt đọc dòng tiêu đề lớn được viết trên đó.
“Truyền thuyết Thục – San…”
Tôi khẽ đánh mắt nhìn lại những bức tượng.
Ở chính giữa, trên cao nhất chắc hẳn là bức tượng phỏng lại Hải Vương. Tay Hải Vương cầm cây đinh ba, chiếc đuôi được chạm khắc sắc bén, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy đầy uy lực. Khuôn mặt Hải Vương, đặc biệt là đôi mắt được chạm khắc vô cùng tinh xảo, khiến tôi dường như cũng cảm nhận được sự uy nghiêm mẫu mực của một vị vua.
Bên trái của ngài – bức tượng phỏng dựng “công chúa Hoài San” có đôi chút kỳ lạ, thậm chí là gớm ghiếc. Tôi phân vân, không biết nên xem nó là gì, thuỷ quái chăng? Một thứ cũng có hình dáng của Tiên Cá, cũng có đuôi, nhưng nó gai góc và xấu xí hơn đuôi Hải Vương rất nhiều. Tay cô ả mọc móng duỗi dài, sắc lẹm. Mái tóc xù lên, sổ ra những lọn thô ráp như tia sét. Đôi mắt không tròng, được khắc họa trông thật dữ tợn. Khuôn miệng rộng toác đến mang tai, lộ ra những chiếc ra nanh và chiếc lưỡi thô dài. Da tượng nứt nẻ, rách toạc, hằn lên những đường vân lồi lõm, trông tởm đến lợm giọng.
Bên phải thì hoàn toàn khác biệt. “công chúa Đoan Thục” trên bảng thông tin được miêu tả là đẹp đến động lòng người. Nàng mang nét ngây thơ, trong trẻo của một vầng trăng tròn ban đêm, thể hiện qua sự mềm mại trong từng chi tiết trên bức tượng. Mái tóc xoăn dài phồng lên như những đám mây, xõa xuống che đi gần hết khuôn mặt. Chiếc đuôi uyển chuyển với những dải vây mượt như tơ, tôi còn thoáng thấy nét lấp lánh từ đó.
Tư thế của cô công chúa này có đôi chút kỳ lạ. Đôi tay cô chụm lại, chìa ra phía trước như cách mấy kẻ ăn xin hay làm, lại cúi đầu xuống bàn tay ấy như thể đang ôm một vật trong bàn tay. Tóc cô ấy vừa hay che khuất đi những cảm xúc trên gương mặt, khiến tôi không biết cô ấy đang buồn bã, vui vẻ hay tức giận.
Tôi cố gắng bước ra xa hơn, nheo mắt lại hòng nhìn rõ thứ đang được Đoan Thục nâng niu kia là gì. Nhưng rồi tôi lại thất vọng.
Bàn tay cô ấy trống rỗng.
Bình luận
Chưa có bình luận