Khung nhớ của tôi những ngày ở khu cách ly, nó đã vượt ra ngoài biên độ, nó trượt qua những mốc thời gian và có một điểm rơi vào thời cũ mèm hai mươi năm mấy tháng hơn thì phải!? Nó được khơi lên bởi một dáng người…


Trước khi con sông Bồ hòa vào Ngã Ba Sình hợp với Sông Hương đổ ra phá rồi tìm cửa Thuận An để “tình tự” với biển thì cách chừng một dặm ở ngã ba đó có một nhánh sông nhỏ đi tắt đổ ra trước, đoạn sông dài chừng ba dặm. Con sông nhỏ này vẽ một ranh giới của nhiều khác biệt. Khác những tập tính, khác xã, khác huyện và… khác cả bờ sông: Bắc – Nam. Phía Nam nhánh sông có ngôi trường cấp hai, giờ là “khu cách ly” trong mùa dịch Covid của xã nhà. Tuy là xã nhưng đã thuộc thành phố từ đầu tháng vừa rồi.


Cuộc “hồi hương” trong mùa đại dịch quả thật rất nhiều cảnh khác nhau. Người được hoan hỉ với chuyến bay nhẹ tênh. Kẻ nặng nề với những vòng xe cà tàng vạn dặm, gặm ổ bánh mì đêm ngủ sương, ngày nướng nắng. Anh đi bộ kẹt ở chốt không giấy thông hành; chị nước mắt rơi khi con chờ mẹ, em bé chín ngày tuổi cũng rong ruổi ngày đêm… Người ta về, về như sự hồi hương thương mến, tìm lại bình yên, tránh những “giông bão” đang rình rập đến với họ. Những người sớm là được vào những khu cách ly tập trung, còn sau ni là cách ly tại nhà; nhỉ nhiên cuối tháng đó thì không được về với “lệnh”: “ai ở đâu yên ở đó”.


Một chiều ở bãi biển Hà Úc, tôi và em ngồi dưới bóng hàng dương. Nắng vàng như muốn nhuộm cả không gian. Nắng còn muốn gieo ấm nồng cho mùa xuân. Nhưng gió từ khơi thổi vào, gió mang theo hơi biển, gió làm không gian em và tôi se se lạnh. Em gọi đó là “chiều nắng lạnh”. Em còn ví là cuộc tình chúng tôi… Tôi thì cười nhìn em. Em nhìn xa xôi và có điều gì rất khó hiểu. Tôi cố hỏi thì em chỉ cười. Nụ cười răng khểnh của nàng làm tôi xốn xang. Cái lúm đồng tiền bên má trái thật duyên.


– Anh có nghe tiếng chuông không?


– Anh không nghe, anh chỉ nghe lời em nói thôi!…


– Xạo hoài!… Em lớn lên nơi quê hương mà tiếng chuông nhà thờ hằng ngày hằng giờ vang vọng. Nơi mà chủ nhật mọi người đều đi lễ. Tuổi thơ em cũng vậy, em từng đeo khăn quàng xanh trong suốt tuổi thơ vào ngày cuối tuần.


Em đã có những suy nghĩ ngoài tầm của tôi. Tuổi mười chín “tôi yêu là bởi tôi yêu”. Tôi chưa kịp nghĩ về cuộc sống sau này, nghĩ về sự khác biệt tôn giáo còn em thì đã khác. Em nói yêu tôi nhưng lúc nào cũng ngập ngừng tiếng “nhưng” thì thầm. Đến lúc hiểu ra tiếng thì thầm trong lòng em ngày đó thì cuộc sống đã “trôi xa”.


Qua khung cửa kính nhìn xuống sân trường, tôi bắt gặp dáng hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn của nữ y tá trong trang phục chống Covid từ mấy hôm nay. Cái nắng miền trung luôn gắt. Các y bác sĩ “được bó” trong bộ áo quần ni lông, khẩu trang và mũ nhựa thật là một thử thách về nhiệt độ chứ chưa nói đến thử thách “nguy hiểm và áp lực”.


Độ nguy hiểm bởi con virus này quả thật là đáng sợ. Trong một thời gian hơn một năm rưỡi mà đã khiến hơn 200 triệu người mắc phải, hơn nửa triệu người phải từ biệt trần gian. Chúng được mệnh danh là “thiên nga đen” hay là loài “vương miện”. Nếu xếp bảng có lẽ Corona này đã đứng số một trong lịch sử về dịch bệnh mà loài người phải đối diện.


Áp lực về tinh thần và cả áp lực vào công việc.


Cánh thiên thần áo trắng vẫn luôn linh hoạt và bước đi như con chim bồ câu nhỏ. Mỗi chiều, thấy được hình bóng ấy trong tôi cảm thấy bình an và gợi lên niềm nhớ miên man. Có khi là chiều lang thang mang “bị đệm” theo em. Em nhặt từng nhánh hạt dương. Tôi nhặt vu vơ “cái thẩn thờ đâu đâu”. Không biết trong bị đệm đó đựng bao nhiêu tiếng cười em, tiếng nói em. Tiếng cười giòn tan. Tiếng nói mênh mang và riêng một miền quê cát mịn. Có khi là ánh trăng đêm trung thu năm ấy hiện về. Có khi là bãi bờ xào xạc thơm nhiều tóc thương…


Khu cách ly với nhiều nội quy nghiêm. Người với người “sống không được gần nhau”.


Rồi một chiều, tôi được “tự do” – nghĩa là tôi được về nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Hình như tôi rơm rớm nước mắt. Bạn đừng cho tôi là nước mắt cá sấu! Cũng đừng cho tôi gã đàn ông yếu hèn. Trong cảm xúc vui, buồn quá đỗi con người thường như vậy. Có vài trường hợp phải rời khu cách ly sớm. Họ được chuyển đi nơi khác cách ly hay là họ phải vào bệnh viện. Tôi ngoái tìm “cánh thiên thần” khiến tôi vợi nhớ miên man thêm lần nữa nhưng không có tăm tích. Cánh bồ câu đã bay khắp năm châu làm nhiệm vụ “hòa bình”, rồi chăng?


Chiếc xe trả người cách ly về nhà sắp rời bánh, một mảnh giấy xếp tư được vội đưa qua khung cửa tài xế, chuyền cho tôi. “ Hãy liên lạc với em nếu có thể qua số này nhé! 090xxxxxx5. Sơ Mari…”. Tôi cầm mảnh giấy nhìn rất lâu, nhìn từng nét chữ, con số. Nhìn vào đâu đó, nhìn trong ký ức, trong chiêm bao; nhìn thấy gì đó trong tương lai và quá khứ. Giá mà tôi không “nam tiến”, không theo cuộc mưu sinh, không để người chờ bao mùa trăng.


Hiện tại là một chiều tháng tám, chớm thu. Chiếc xe qua đường làng. Tôi đã nhận thấy làng xóm thân quen và nhiều người biết mặt, biết tên. Tôi đã trở về. Trở về đất mẹ.


Trở về nơi bình yên nhưng người có dáng hình nhỏ nhắn, người đưa cho tôi mảnh giấy đó đang lao vào “tâm bão”. Nàng đang tuyến đầu chống dịch. Tôi trở về hay tôi trốn chạy!? Sao thấy mình có lỗi; thấy mình nhỏ bé quá; thấy mình còn mắc nợ…


Và, tôi sẽ gọi… hãy bắt máy em nhé!


Bình luận

  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn SanMoon (10/12/2022): Đọc xong tác phẩm mình cảm thấy thật biết ơn. Biết ơn vì trong mùa đại dịch mình đã không phải mất đi bất cứ người thân yêu nào, cũng không phải hòa vào cuộc “hồi hương” đầy khó khăn. Và hơn hết mình biết ơn những thiên thần áo trắng đã dốc hết sức mình để bảo vệ mình và mọi người xung quanh. Những mối tình đẹp trong khu cách ly, mình hy vọng sẽ có kết thúc thật đẹp như cách nó đã bắt đầu. Tôi nhặt vu vơ “cái thẩn thờ đâu đâu”. Không biết trong bị đệm đó đựng bao nhiêu tiếng cười em, tiếng nói em. Tiếng cười giòn tan. Tiếng nói mênh mang và riêng một miền quê cát mịn.
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}