Nhắc tới tâm linh ắt hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến những loài ma quỷ có bộ dáng gớm ghiếc và đáng sợ, hay hiện tượng siêu nhiên vô hình. Nói nôm na là những thứ mà mắt người trần không thể nhìn thấy được, giống như hồn ma của người đã khuất, hay những câu chuyện truyền miệng do các cụ nhà ta kể lại.Tôi là mẫu người đứng giữa khoa học và tâm linh nên không có việc bị mê tín hoá hay khinh thường tín ngưỡng. Ở đây tôi không ép ai phải tin cả vì tôi viết ra nhằm muốn gửi tới mọi người về một thế giới tâm linh "có thật" mà tôi được nghe và đã từng chứng kiến.
Xin giới thiệu một chút thì tôi là Vân, sinh viên năm nhất của một trường đại học trong tỉnh. Vì trường khá là xa nhà nên tôi quyết định ở lại trọ để tiện cho việc học tập và đi lại. Ở dãy trọ cùng tôi có mấy bác là dân ở vùng khác tới, các bác ấy vui tính, dễ gần thế nên mọi người thường hay mở các buổi nhậu lai rai những hôm thứ bảy, chủ nhật với nhau. Vì nhậu không thì nhạt nên chúng tôi lại nảy ra một cái ý tưởng đó là để các bác ấy kể lại những câu chuyện ma có thật mà các bác ấy từng chứng kiến. Lúc đầu các bác cũng cười đùa, bảo ma mảnh cái gì toàn bọn nói nhăng nói cuội các thứ linh tinh. Tưởng chừng cái ý kiến của chúng tôi sẽ bị bỏ qua thì bác Hùng, người đang ngồi ở góc chiếu trong lằng hắng một tiếng, bác hút một hơi thuốc, từ từ nhả khói rồi bảo:
“Thực ra các chú chưa gặp chứ không phải không có, dân miền Tây bọn tôi sống ở các vùng sông nước lớn gặp ma da đầy đấy thôi.”
Nói tới bác Hùng, bác ấy dân gốc rễ ở tận An Giang, vào Thanh Hoá sinh sống từ những năm 98 hay 99 gì đó. Bác vừa nói xong chú Hồng chiếu bên cười hề hề, nói lại luôn:
“Gớm, bác không nói thì bọn em cũng thừa biết mấy cái khúc sông chỗ bác ma đầy ra. Nói không phải nhát gan chứ cho tiền em cũng chẳng dám ra đó ở.”
Mấy đứa sinh viên bọn tôi làm gì có đứa nào đã chứng kiến cảnh ma có thật nên cũng nửa tin nửa ngờ, cả đám cười phá lên. Tôi cũng chỉ nghĩ là chắc hồi xưa lúc mới chiến tranh xong, chưa nhiều thầy pháp nên có ma quỷ xuất hiện là đúng. Vì là dân viết truyện và hay nghe live của các anh các chị, cũng thường săn bản audio thu âm của bác Ngạn nên chỉ cần qua mấy cái chi tiết sương sương đó thì tôi đã có thể tự phác hoạ ra cảnh tượng từ dưới nước một cái đầu nhớp nháp trồi lên của mấy con ma ghê rợn tới mức nào.
“Bác đã đụng phải con ma da nào chưa?”
Bà chủ trọ cũng thuộc dạng mê tín nên nghe tới ma tà phát là bà ấy tin ngay. Cả hội quay qua nhìn bác Hùng, chỉ thấy đằng sau làn khói thuốc lượn lờ là khuôn mặt đã qua cái tuổi ngũ tuần, với làn da sạm đen phủ đầy sương gió, bác khẽ gật đầu ngầm trả lời lại là có. Cái cảm giác lúc này của tôi là hào hứng vô cùng, chỉ muốn lao nhanh vào phòng lôi giấy bút ra để ghi chép lại. Lúc này cả bàn nhậu im thin thít, hít thở nhỏ nhẹ để chờ bác Hùng kể chuyện.
…
Hùng khi ấy vẫn còn nhỏ, phải sống ở quê cùng với bà nội, còn ba má thì ra Bắc đi làm ăn thuê cho cái xưởng may gì đấy, lâu quá nên Hùng cũng không nhớ rõ cái tên của nó nữa. Cái tuổi mười hai, mười ba thời đó thì lấy đâu ra mà biết cái gì là chát chít hay mạng mẽo như đám thanh niên bây giờ, lúc ấy con nít như Hùng hay kéo nhau ra sông Hậu tắm. Đám nhỏ nhoi nhoi hay đùa bảo với nhau là dân sông nước mà không bơi lội giỏi thì nên xem lại cái gốc gác của mình, thế nên cả đám hay tổ chức mấy cuộc thi xem đứa nào bơi nhanh nhất. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho tới cái hôm mùng một tháng Bảy âm ấy. Hùng vẫn không tài nào quên được, vì nó làm hắn ám ảnh tới tận bây giờ.
Buổi chiều hôm mùng một âm ấy, cả đám mấy đứa trong xóm rủ nhau ra sông câu cá tiện thể thi bơi, cầm đầu là người bạn thân tên Quyền của Hùng. Nói qua về Quyền, cậu ta là người to cao và bơi khoẻ nhất. Mình Quyền có thể cân cả hội bơi tiếp sức. Cũng giống như mọi hôm, Quyền qua rủ Hùng đi bơi, việc này hết sức bình thường, ấy thế mà vừa nghe Quyền bảo ra sông thì bà nội Hùng lại tỏ vẻ rất không hài lòng, bà xua tay đuổi Hùng vào nhà. Lúc sau thấy bà còn nạt luôn cả Quyền. Hùng chẳng hiểu gì chỉ huých vào tay bạn ám chỉ “Về đi, hẹn hôm khác chúng ta tái đấu.”. Cái tuổi con nít thời ấy biết quái gì về mấy cái ngày kiêng kỵ này đâu. Thấy Quyền vâng vâng dạ dạ rồi chạy đi, Hùng cũng không suy nghĩ gì thêm nữa. Khi ấy không có đồng hồ chỉ nhìn sắc trời để đoán thời gian, mặt trời đã sắp lặn mất xem chừng đã qua 5 giờ. Nhà nào nhà nấy bắt đầu lục đục nấu cơm tối, dáng chiều ngã xuống trải dài xuôi theo mặt nước, phủ một màu đỏ cam mơ màng trên con rạch chảy qua nhà Hùng.
Sau buổi cơm tối, Hùng phụ bà nội làm mấy việc vặt trong nhà, đang xếp gọn lại mấy cái thúng thì nghe tiếng gọi tên ai đó rõ to ở ngoài đường. Hùng cùng bà nội buông đồ trên tay rồi chạy vội ra xem. Thấy bóng ông Đức ở phía xa đang hớt ha hớt hải cầm cái đèn dầu vừa chạy vừa gọi tên con, ông thấy Hùng thì vội chạy lại hỏi:
“Hùng, con có thấy thằng Quyền đâu không?”
Hùng ngơ ra nhìn ông Đức, còn chưa kịp hiểu tình hình gì thì bà nội đã nhanh ý hiểu ra ngay, bà nhăn mày lại, nói:
“Hồi chiều nó qua rủ thằng Hùng đi tắm sông, tôi đã bảo nó về nhà đi mà tới tận giờ nó vẫn chưa về hả chú?”
Ông Đức nghe bà Hùng bảo vậy thì như nghe thấy tin dữ, ông vội vội vàng vàng quay đầu chạy ngược về nhà. Bà nội Hùng quay qua, mặt tái mét, vội bảo Hùng về nhà khóa cửa lại rồi theo nội qua nhà ông Đức xem thế nào. Hùng tuy chưa hiểu gì nhưng vẫn đi vào khoá cửa rồi ba chân bốn cẳng chạy theo. Qua tới nhà ông Đức thì đã thấy rất nhiều người ở đấy, còn có cả Nam - bạn trong nhóm chơi thân, đang đứng sau lưng mẹ ngơ ngác nhìn qua. Đứng một lúc thì thấy chú Long từ ngoài cổng lôi vào một con chó mực to, đen tuyền từ đầu tới chân, chú nói với mọi người cái gì đó rồi lôi ngược con chó ra ngoài phía bờ sông. Ra tới nơi chú cho nó ngửi mùi áo Quyền rồi vỗ vỗ lưng nó, mọi người chỉ kịp thấy con chó hít hít mấy cái rồi nó y như định vị được chủ của cái mùi này, nó giật mạnh xích phi nhanh về phía trước. Cái hướng đó đích thị là cái bến bọn trẻ hay lấy làm vạch xuất phát của các cuộc thi bơi, bên cạnh cái bến nước còn có một bụi tre to. Bụi tre này hay được dùng để treo quần áo mỗi khi thi bơi, lúc con chó lao tới nơi thì quần đùi và cái áo ba lỗ của Quyền đang được treo lơ lửng trên đó, phía dưới còn có cả đôi dép bọt mà nó hay đem theo. Con chó thì cứ hướng ra phía sông mà sủa inh ỏi, tất cả mọi người như đã thấy điềm xấu liền gọi ông Đức nhanh đi mời thầy tới. Ông thầy tới nơi thì lúc này cũng vào độ 8, 9 giờ tối rồi, sương rơi xuống lạnh hết cả người, ông thầy lập bàn lễ cúng kiếng các thứ rồi quay qua nói với ông Đức..
Bình luận
Chưa có bình luận