Mấy hôm trước gặp anh Phu nói ảnh qua nhà nấu bánh vậy mà ảnh qua thật còn đem năm con cá lóc bắt được ngày hôm trước qua nướng tại chỗ cho anh em tụi con ăn, ngon hết sảy luôn. Rồi đến hôm nay thì ảnh với tụi con lại sang thăm nhà ông Hai.
Thường ngày ông hay lên huyện họp mặt giao lưu với hội cựu chiến binh của ông ở trên đó, ông từng đi bộ đội, có nhiều chiến công hiển hách lắm, trước đó tụi con nghe ba Lâm kể mà cứ há hốc miệng ngạc nhiên. Vậy mà bữa nay may quá, ông Hai lại ở nhà.
Nhà ông nằm giữa mảnh vườn um tùm cây trái đa số là quýt với bưởi của anh Tùng (con ông) trồng nên, cổng tre cũ kỹ có cái bảng gỗ ghi chữ “Nhà ông Bảy Hai” treo nghiêng nghiêng, gió thổi kêu cọt kẹt vui tai hết sức. Sở dĩ ông tên thật là Huỳnh Minh Phước nhưng người làng này hay gọi là ông Bảy Hai cũng là bí danh thứ hai hoạt động kháng chiến của ông, bí danh trước của ông là Hai Phú cũng có số hai, con nghe ông từng bảo bí danh thứ hai này xuất hiện từ năm 1972, năm đó ông bị giặc bắt khi tham gia chiến trận trên Tây Nguyên may mà ông thoát được khỏi vòng vây địch mà chỉ bị thương nhẹ ở bụng, để kỷ niệm ngày may mắn thoát khỏi vòng tử địa của giặc nên mới lấy cái tên là Bảy Hai như thế. Nhưng anh em con quen gọi tắt là ông Hai hơn, vì vừa ngắn gọn vừa gần gũi.
Tới nơi, anh Phu là người lên tiếng trước:
“Con chào ông Hai! Nay tụi con ghé chơi với ông một chút nghen!”
Ông Hai từ trong nhà bước ra, tóc bạc trắng, mặt hiền như bụt, tay chống gậy tre mà vẫn nhanh nhẹn lắm. Ông cười khà khà, nói cái giọng miền Tây đặc trưng:
“Ừ, tới chơi là tao mừng rồi! Lâu rồi mới thấy mày với tụi nhỏ rộn ràng ghé thăm nhà tao.”
Ảnh với tụi con vô nhà, ngồi quanh bộ bàn gỗ cũ nơi gian giữa, ông Hai đem ra bình trà nóng với mấy cái bánh ích bà Sáu hàng xóm mới cho. Con nhìn quanh, vẫn như một sự bất ngờ từ trước, xung quanh toàn bằng khen và huân huy chương cao quý treo kín tường nhà ông, gian giữa có bàn thờ gia tiên và bàn thờ các vị anh hùng Tổ Quốc có cả di ảnh Bác Hồ kính yêu nữa, tất cả trông rất trang trọng và tôn nghiêm, bên kia là một cái tủ kính với những kỷ vật thời chiến của ông, đa số là những đồ dùng cá nhân khi ông đi lính mang theo như bao tay, đồng hồ, bút viết hay lượt chải tóc,... Nay được cất trong tủ kính rất ngăn nắp cùng với những bức hình ông chụp với đồng đội năm xưa.
Ông rót trà xong mời anh Phu với anh em con uống, trà sen của ông rất ngon, quả không hổ danh là sen Đồng Tháp Mười, ông có mấy người bạn trồng sen trên khu vực đó nên cứ mỗi tuần họ lại đem lên nhà ông một mớ để ông dùng ướp trà. Với anh em tụi con, ông tỏ vẻ rất đôn hậu và yêu thương tất cả như một người ông trong nhà chứ không hề xa lạ, trong trí nhớ của anh em con, ông vốn là một ông cụ hiền lành chân chất, với cái giọng kể chuyện hào sảng vô cùng, bởi thế từ lâu anh em chúng con rất thích nghe những câu chuyện của ông kể, những câu chuyện về thời chiến, thời ông đối đầu với địch, thời ông với bà gặp nhau rồi đám cưới lặng lẽ trong rừng, cả hai cùng hoạt động bí mật trong lòng địch, đó là bà Liên mà anh em con hay quen gọi là bà Hai nay đã mất.
Mục đích hôm nay cũng thế, chủ yếu qua thăm ông để chúng con được lắng nghe ông kể chuyện, chỉ có vậy. Thế là một đứa trong bốn đứa nhanh nhảu nói:
“Ông Hai ơi! Hay là ông kể chuyện cho chúng con nghe đi.”
Nghe xong ông vuốt râu gật đầu nói giọng khoái chí:
“Được, tao sẽ kể, tụi bây im lặng nghe tao kể nhé.”
“Dạ.”
Anh Phu cũng ngồi lặng im nghe ông kể. Rồi ông bắt đầu kể chuyện, cái giọng ông trầm trầm, có đoạn thì hùng hồn, đoạn thì rưng rưng. Ông kể hồi đi lính, phải hành quân qua mấy cánh rừng già, mưa dầm dề suốt cả hơn chục tuần, cơm không có mà ăn, toàn phải ăn khoai sắn, dép rách bươm nhưng vẫn không bỏ cuộc. Có bữa suýt hy sinh nếu không nhờ người bạn đồng đội kéo kịp xuống hầm... Ông kể tụi con nghe mà ngồi im re, đứa nào đứa nấy nuốt nước miếng ừng ực.
Lúc ông kể tới đoạn chiến thắng, tụi con vỗ tay reo hò như vừa nghe kể chuyện cổ tích. Ông Hai chỉ cười, xua tay nói:
“Chiến công đó là của bao nhiêu người, tao chỉ là một phần nhỏ thôi.”
Anh Phu thì bảo:
“Nhỏ thì nhỏ chứ riêng tụi con thì phục ông lắm rồi.”
Buổi trò chuyện với ông coi vậy mà nhanh, những câu chuyện ông kể làm cho anh em tụi con như không dứt ra được thế là quên mất luôn đã tới giờ về ăn cơm.
“Thôi về mấy đứa để ông nghỉ ngơi nữa, có gì hôm khác qua thăm ông sau.”
Thế là tụi con mặt đứa nào đứa nấy bí xị như mới bị điểm kém, có đứa còn giữ tay anh Phu lại mà bảo:
“Hay mình ngồi nghe ông kể chuyện một lát nữa rồi về cũng được anh, mình ăn cơm trễ cũng được.”
Anh Phu lúc đó tỏ ra không hài lòng, anh giục anh em tụi con phải về ngay đó mấy cô chú, thấy ảnh kiên quyết lắm. Thế là ông Hai cũng đứng dậy bảo thế này:
“Thôi tụi bây về đi kẻo ba mẹ ở nhà lo, có gì khi nào tao có chuyện mới thì tao cho thằng Tùng gọi tụi bây qua chơi tiếp, tụi bây chịu hông?”
Nghe xong thì mấy đứa anh em con mới dần chấp nhận rồi cùng anh Phu ra về, dù gì tụi con cũng biết ông Hai tuổi cao sức yếu nên ngồi tiếp tụi con lâu cũng không tiện, ở tuổi đó con nghe ba mẹ kể dễ bị mệt lắm, ngồi một chút đã thở không ra hơi rồi huống hồ gì ngồi hơn cả hơn ba giờ từ sáng tới trưa, nên tụi con về lúc này là đúng để ông còn vào trong nghỉ ngơi.
Trước khi ra về, ông còn tặng cho anh Phu một cây đàn cò cũ ông để trong nhà đã lâu, bảo rằng:
“Đàn này hồi xưa tao mang từ chiến trường về đấy, nhìn nó cũ chứ xài còn tốt lắm, giờ tao già rồi, tiếng đàn không còn vang, cho người trẻ như mày, biết đâu mày làm nó mới lại.”
Anh Phu nhận cây đàn mà cứ im lặng một hồi, ánh mắt ảnh nhìn ông Hai có cái gì đó vừa biết ơn, vừa xúc động. Còn tụi con thì hí hửng kéo nhau ra ngoài sân đợi, vừa đi vừa ríu rít kể chuyện ông Hai đánh giặc tơi bời như mới coi một cuốn phim hay kịch tính.
Cái hôm đó, chắc con sẽ nhớ hoài không quên được.
Bình luận
Chưa có bình luận