– Thế Lục Vân Tiên của các chị còn sống hay đã chết?
Tôi hỏi như trách để cắt ngang cuộc trò chuyện mà tôi cảm thấy “khó nuốt” của các chị đồng nghiệp sau khi thấy dòng chữ tiêu đề trên báo. Các chị chỉ cười, không đáp. Tôi cũng chẳng nói gì thêm, chỉ cẩn thận xếp lại từng nếp gấp của tờ báo, bỏ vào ba lô, tiện thể mang Lục Vân Tiên bỏ vào lòng mình. Chào các chị, tôi đi.
****
“Ai sống trên đời mà không có Lục Vân Tiên”, bác Tư Bị nói với tôi trong buổi gặp gỡ hai năm trước, tôi được dịp làm bài phóng sự với bác cho tờ báo của mình. Nhưng hôm nay thì bác mất, mang đi cả Lục Vân Tiên. Bác Tư Bị chân chất lắm, cả đời lên báo được hai lần. Một lần “sống”, một lần “chết”. Lục Vân Tiên của bác cũng sống trên báo, trên miệng của các chị đồng nghiệp tôi được một lần rồi cũng chết. Mới chết sáng nay thôi, khi các chị cười đùa kể về một ông già thích làm Lục Vân Tiên “sống” ngoài đời thật nhưng rồi cũng chết vì cái “Lục Vân Tiên” đó. Các chị nói thì vui miệng, chứ tôi nghe thì thấy thương. Mà thương quá cũng chẳng làm được gì, ngoài cái việc xách ba lô lên và đi, trôi về miền Tây – nơi có Lục Vân Tiên sống và chết. Tôi muốn thắp cho bác một nén nhang.
Thời tôi còn đi học, mỗi lần viết văn là cứ y như rằng mang cả nỗi ám ảnh trên vai. Nỗi ám ảnh mang tên: mẹ. Ba tôi mất sớm, nhà có hai mẹ con côi cút bên nhau nên mẹ luôn nghiêm khắc với tôi, đặc biệt nhất là trong chuyện chữ nghĩa. Mẹ hay xem văn tôi làm rồi mắng tôi viết văn cứ như hoa rải trên sông, bày ra cả tuồng chữ nghĩa mà chẳng cô đọng được gì. Văn chương là tình cảm ngôn ngữ, không yêu nó thì viết làm chi. Mỗi lần mẹ nói thế, tôi thường bĩu môi hứa hẹn sau này sẽ theo nghiệp viết, sẽ cầm bút vẽ những phận đời trôi cho mẹ biết con gái mẹ giỏi. Mẹ nghe tôi nói, chỉ gật gù rồi nói với tôi: “lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền. Ông Sóng Hồng dạy có cái lý của ổng hết. Bay muốn cầm bút thì cứ cầm. Làm nhà văn cũng được, nhà thơ cũng được hay muốn làm nhà báo cũng được hết. Nhưng phải viết cho ra hồn. Đừng có để người ta cười nhà văn nói quá, nhà báo nói thêm. Con chữ thấy vậy chứ kỳ diệu lắm bay, lúc bay vui hay buồn cứ giao hết cho nó. Nó “giùm giữ” cho bay hé, sau này bay nhìn lại bay tự biết bay nên sống thế nào. Như ông Nguyễn Đình Chiểu bị mù đấy, vậy mà vẫn viết ra Lục Vân Tiên… như vậy ngòi bút mới không chết, cuộc đời mới không chết. Mẹ bay nghèo, cho bay được cái gì ngoài con chữ thì ráng mà giữ cho thẳng thớm, đừng có để nghiêng à nhe”. Mẹ mất, tôi chẳng giữ được gì ngoài chữ mẹ cho; rồi cũng mang nó rong ruổi đi trăm nẻo đường chỉ để vẽ những phận đời trôi. Đời phóng viên thấy trăm ngàn mảnh đời, mỗi lần phóng bút chưa lần nào khiến tôi phải lăn tăn. Chỉ duy nhất lần gặp gỡ Lục Vân Tiên hai năm trước…
***
Lửa để tấm áo choàng của mình liếm lên cái mái ngói cao của căn nhà hai tầng. Nhà bác sĩ Khôi đẹp nhất, to nhất làng cứ vậy mà bị con rồng lửa nuốt gọn. Cả làng xúm lại, có người lo lắng giúp dập lửa, có người đứng xem, có người gào thét. Anh Gió đỏng đảnh cũng thổi phù phù cái miệng của mình như thể góp vui. Bà bác sĩ Khôi đứng ngoài gào khóc đến lạc giọng kêu tên cô con gái nhỏ. Kêu mãi chẳng thấy gì ngoài lửa là lửa, lòng bà cũng nóng hơn lửa trước mặt, cứ lao người tới như muốn nhảy vào lửa tìm con. Lửa cháy cao hơn căn nhà, khói bốc lên nhuộm xám cả mây xanh làm ai cũng khiếp sợ. Trong đám lửa cháy đỏ trời đó, người ta nhìn thấy một đứa trẻ mặt mũi lem nhem bụi khói, nằm ngất trong tay người đàn bà cũng nhem nhuốc khói, mặt bị lửa liếm đến bỏng hơn phân nửa. Một người lớn, một trẻ nhỏ cứ vậy rồi cũng sống. Riêng người đàn bà cứu người cũng được sống trên báo với cái tên Lục Vân Tiên.
– Ủa, rồi rốt cuộc cái chuyện nhà ông Khôi cháy có liên quan gì cái chuyện ông Tư Bị mà kể vậy thím? – Một bác già tuổi hơn năm mươi mặc áo thun quần cộc, nhăn nhúm mặt cắc cớ.
– Nhà ông Khôi cháy gần hai chục năm rồi, có chuyện gì lạ nữa. Nhưng bây giờ thấy ông Tư Bị được báo khen là Lục Vân Tiên gì gì đó, tự nhiên nhớ cái chuyện nhà ông Khôi nên “bưng” ra kể chơi. – Bác gái mái đầu ngả hoa râm, khoác trên người cái áo vải sờn cũ, ngồi vắt chân lên ghế đẩu đáp lại câu hỏi cắc cớ của bác trai.
– Tính ra cái xứ của mình có duyên với cái “nghề Lục Vân Tiên” ghê hé. Trước là bà vú nhà ông Khôi, giờ tới ông Tư Bị!
– Duyên gì mà duyên. Cứu người mà bỏ cả mạng mình. Xui thì có.
– Ai bỏ mạng, bác? Ông Tư Bị còn sống mà. – Chị gái tuổi trên ba mươi vừa đút cơm cho con ăn vừa hỏi chen vào.
– Thì sống. Có chết đâu. Cả cái bà vú em của ông Khôi cũng có chết đâu. Nhưng bả bị bỏng nặng lắm, gần hết khuôn mặt rồi cũng đi đâu mất tiêu. Ông Tư Bị thì bị thương đó, liệt toàn thân phải ngồi xe lăn chứ không chết mà vợ con chết. Chết đói đó. Chứ lấy ai đi làm nuôi?
Tôi bước vào quán “cóc” khi câu chuyện phiếm của họ đang bắt đầu sôi nổi. Bác Tư Bị mà họ nói là đối tượng tôi phải phỏng vấn làm bài phóng sự nên càng muốn nghe nhiều hơn về bác từ cái kênh thông tin “trong nhà ngoài phố” với các “đại biểu” cộm cán đang ngồi đối diện bàn tôi. Tôi dỏng tai lên nghe, siết chặt trong lòng nhiều cung bậc cảm xúc.
– Không ai nuôi thì Nhà nước nuôi. Nổi tiếng đầy các báo, nhà tài trợ nhóc. – Một cô mặc đồ công sở, chắc nịch khẳng định.
– Nhà nước nào nuôi. Bay ăn học cho nhiều mà nói chuyện không hiểu biết gì cả. Ổng cứu người ta rồi bị đâm cho một nhát vô sống lưng, liệt toàn thân. Nhà tới năm miệng ăn, bây giờ không ai gánh nổi nên người ta mới kêu gọi hỗ trợ… Mỗi người một ít, ai có lòng thì ra tay mà giúp thôi chứ ai nuôi ai được suốt đời mậy!?
– Xời, bác nói khéo dữ hén. Thế tháng nào bà Tư Bị cũng cắp cái nón lá dẫn ba đứa con lẽo đẽo đi lên phường lãnh tiền là cái tiền gì? Thế bác có ai cho lãnh tiền hàng tháng vậy không?
– Mày đấy… Ăn với nói. Bộ mày tưởng một nhà năm miệng ăn bao nhiêu tiền đó đủ chắc? Hỗ trợ phần nào thôi chứ của đâu hỗ trợ hoài.
– Cháu thì thấy… Ông Tư Bị vậy mà hay. – Chị gái đang đút cơm con cũng lên tiếng tranh phần. – Cứu người xong, vừa được tiếng thơm vừa nuôi được gia đình. Nghe đâu tiền hỗ trợ từ mấy quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo gì đó… nhiều lắm bác ơi. Thấy vậy không phải vậy đâu bác. Chuyến này gia đình ông Tư Bị trúng mánh.
– Mày đấy… Có con có cái thì ăn nói cho có đức tí. Cái chuyện sinh mạng mà mày nói trúng mánh. Trúng cái cửa nào. – Bác gái mái tóc hoa râm hình như cũng không chịu được cách nói chuyện của mấy cô với ông bác nên cũng buột miệng lên tiếng.
Bầu không khí quán “cóc” cũng trầm hẳn xuống một lúc. Ai nấy cũng không nói thêm gì. Bà chủ quán cóc cũng chêm vô vài câu:
– Nghĩ cũng sợ thiệt nhe. Thời buổi này đúng là chuyện gì cũng có. Bắt cóc hãm hiếp… kinh khủng vậy mà cũng làm. Con người ta bây giờ sao ác quá!
– Ác gì bà ơi, toàn tụi con nít không đó. Mới mười bảy mười tám tuổi. Ba bốn thằng… xăm mình, phê thuốc rồi… điên.
– Cũng may là không sao. Số con bé đó cũng còn may mắn có người cứu. Nếu không… thật không dám tưởng tượng hậu quả
– May cái nỗi gì. Được cứu rồi thì sao? Tủi nhục quá uống thuốc tự tử, lại làm khổ cha khổ mẹ. Dại gì mà dại quá
– Dại gì bác ơi. Con gái mà… trải qua chuyện kinh hãi vậy, mặc dù nói là không bị gì nhưng tin tức báo đài đưa lên cả, người thân quen đều biết, rồi áp lực cộng đồng mạng… nên nghĩ quẩn, bỏ cha bỏ mẹ.
– Bởi vậy nhe, không biết công nghệ như tao đây vậy mà hay. Bay coi, có cái điện thoại “cùi bắp” xài còn trầy trật bấm lộn hoài. Tụi trẻ bây giờ, văn minh quá suốt ngày dán mắt chơi mạng mẽo gì đó rồi áp lực… Ôi đủ thứ hết.
– Cũng không hẳn vậy đâu bác! Mạng xã hội đâu xấu, chỉ có con người dùng mạng theo cách xấu thôi. – Một cậu thanh niên đeo kính, tuổi chừng ba mươi lên tiếng phân trần.
– Cái thằng… biết nói chuyện dữ hé. Con người mới xấu chứ mạng mẽo có gì đâu xấu. Ngẫm lại chuyện này thấy ông Tư Bị mới là tội nghiệp nhất. Cứu người đến suýt mất mạng mà cuối cùng người ta cũng chết. Biết vậy khỏi cứu cho rồi.
Tôi ngồi bàn bên cạnh, nghe cuộc nói chuyện đến đây, bất giác đôi mày nhíu lại rồi đưa mắt sang nhìn từng gương mặt đang trò chuyện đó, cố tìm xem có ai phản bác lại gì hay còn ai tiếp tục tham gia cuộc trò chuyện không. Nhưng tất cả đều im lặng. Chỉ có anh thanh niên đeo kính đôi mày cũng nhíu lại như tôi, chẳng nói chẳng rằng đứng dậy rời đi. Tôi cũng thế.
Tôi đến nhà ông Tư Bị mà báo chí vẫn gọi là Lục Vân Tiên. Ngôi nhà cấp bốn đơn sơ nhưng mới, ba chữ “nhà tình nghĩa” cứ vậy đập thẳng vào mắt tôi làm tôi chợt nhớ đến cuộc nói chuyện ban nãy ở quán cóc, đôi chân cũng suýt chút nữa chùng lại. Một thằng nhóc khoảng độ bốn năm tuổi, ở truồng, mặt mày nhem nhuốc, mũi chảy tong tong đang ngồi mỏm trên đất vừa chơi vừa khóc. Trông thằng bé rách đến thương. Tôi mò mẫm trong ba lô được một gói bánh phục linh đưa cho thằng bé rồi hỏi về ông Tư Bị. Nó cầm gói bánh, dẫn tôi vào nhà, miệng cứ í ới gọi tôi là “cô phục linh” làm tôi có một cảm giác rất khác.
Bác già tuổi hơn năm mươi khệ nệ đẩy chiếc xe lăn cồng kềnh trườn về phía tôi cười niềm nở. Gương mặt đen săn sắc của bác còn ánh lên một nỗi chua xót kỳ lạ làm tôi cũng bối rối chân tay. Mới cách đây không lâu, bác còn là một bác chạy xe lôi khoẻ khoắn chở hàng thì hôm nay đã ngồi xe lăn. Đời người biến chuyển thật làm người ta nghẹn ngào. Bác mời tôi ngồi rồi từ trong vỏ dừa khô để trên bàn, lấy ra một bình trà ấm; bác rót cho tôi một tách trà rồi đẩy về phía tôi, bắt đầu trò chuyện. Cậu con trai nhỏ của bác thấy tôi với bác ngồi trò chuyện, cũng xoắn xuýt bên cạnh vừa ăn vừa mở to đôi mắt đen nhìn về phía tôi, cứ “cô phục linh” miết. Thiệt, con nít miền quê dạn dĩ đến lạ.
Trong ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, bác hồ hởi nói với tôi: “Nhà nước cất nhà tình nghĩa cho vợ chồng bác đấy. Chắc Nhà nước chê nhà bác xác xơ, lên hình không đẹp” rồi cứ thế bác ngặt nghẽo cười rung cả bờ vai, chiếc xe lăn cũng lắc lư theo giọng cười của bác. Người miền Tây mà, hào sảng lắm. Tôi nhìn ngôi nhà cấp bốn đơn sơ, nhìn chiếc xe lăn đang gồng mình chở bác, nhìn thằng nhóc nhỏ mũi chảy lòng thòng bên cạnh bác… nghĩ đến cuộc trò chuyện sáng nay ở quán cóc, tôi buột miệng hỏi bác nghĩ gì về cái tên Lục Vân Tiên, nghĩ gì về những bài ca tụng trên báo. Bác vẫn cười hì hì nói với tôi:
– Mấy cô cậu nhà báo chữ nghĩa nhiều quá đi nên nói chuyện cứ to tát. Tôi có biết Lục Vân Tiên là cái gì đâu. Thấy người ta gặp nạn, mình cứu thôi. Lương tâm mà cô, đâu có lựa chọn. Hồi đầu, nghe cái tên “ông già Lục Vân Tiên” ở trên báo, thấy xa lạ. Nghe riết cũng thành quen. Mà cô cũng đừng có kêu tôi kể lại cái hành trình cứu người đó nghe cô, tôi ngượng miệng lắm cô ơi.
Bác vừa nói, vừa hớp thêm một ngụm trà, gương mặt vẫn săn sắc, cơ cực như vậy. Tôi vẫn dán chặt đôi mắt mình lên chiếc xe lăn của bác, lòng ngập ngụa những suy tư. Tôi có định hỏi bác về hành trình cứu người đầy gian khổ đó đâu. Báo chí đưa tin đầy ra đó rồi. Tôi đến gặp bác, chẳng qua là muốn nhìn thấy những điều mà người ta không nhìn thấy thôi chứ chuyện ai cũng biết hết rồi thì tôi nói lại làm gì cho người ta nhàm tai.
Bác đúng là một con người kỳ lạ. Đời phóng viên, tôi đi cũng nhiều mà thấy cũng nhiều nhưng chưa gặp người nào như bác. Tôi hỏi bác cuộc sống thế nào sau khi làm Lục Vân Tiên, bác cười hì hì nói: “ngồi xe lăn rồi thì không giúp bà Hoa khiêng dừa nước được nữa. Cái lưng bả đau đấy, chồng mất con làm ăn xa, một mình mở quán cóc sống qua ngày. Tội lắm. Cô phóng viên lúc vào có ghé quán cóc đó không? Có thấy mấy quài dừa nước ngổn ngang trước cửa quán không? Có bị nó làm cho vấp không? Đấy, tại không có ai khiêng giúp bà ấy cất vào nhà cho gọn đó cô”. Mấy quài dừa nước bác nói, tôi có thấy. Tôi cũng bị nó làm cho vấp suýt té đấy thôi. Nhưng tôi có biết cái lý do ngổn ngang của quán cóc là vì không có bác khiêng giúp mấy quài dừa đâu.
Tôi rũ đôi mắt, nhìn xa xăm vào bức tường màu trắng ngà sáng loáng, nhìn thằng con trai bác đang trần truồng ngồi bên cạnh, tôi hỏi bác về khoản tiền hỗ trợ. Bác lại cười, nhưng lần này đôi mắt già không cười theo. Bác nói với tôi: “trăm năm nước chảy đá mòn, ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ… Ông bà mình dạy vậy đó cô. Có ai có miệng mà không thích nói bao giờ. Tôi cứu người ta, chuyện to tát gì mà lại lên báo, mấy cô cậu phóng viên khen chi mà khen quá trời. Cái ông Lục Vân Tiên gì gì đó, cứu người có nhận thù lao đâu. Có lão Tư Bị là nhận thù lao nè cô. Cái nhà này là thù lao, tiền Mạnh Thường Quân hỗ trợ cũng là thù lao. Tôi nhận rồi, người ta phải nói mà cô. Hơi đâu cô để bụng cái miệng người ta”. Bác đúng là kỳ lạ thật. Người ta nói bác, có nói tôi đâu. Tôi nẫu ruột cho bác, vậy mà bác còn khuyên tôi.
Bác khệ nệ nhích chiếc xe lăn tiến sâu vào bàn trà, vươn người qua mâm trà, lấy trên cái dĩa sứ trong mâm một miếng trầu, cứ ngồi cuốn cuốn giã giã rồi bỏ vô miệng nhai chóp chép. Mùi trầu bay từ trong miệng bác ra, hoà vô tách trà làm tôi có chút không quen, ơn ớn. Bác lại nhìn tôi, nhe hàm răng đỏ màu trầu cười hì hì rồi phóng mắt vào tầng không, trầm lặng chìm vào một miền ký ức thăm thẳm. Bác nói: “ngồi xe lăn rồi, không đi đâu được nữa nên nhiều lúc thèm cái mùi sông nước lắm. Người miền Tây mà cô, phải yêu sông nước. Cô phóng viên ở thành thị xuống có biết sông nước miền Tây đẹp cỡ nào không cô? Nhà tôi có cái võ lãi, để tôi nhờ đứa nào nó chở cô đi thăm thú một vòng hé! Đi đi cô, ngồi trên võ lãi nhìn lục bình trôi, chạy vô mấy rặng dừa nước, nhìn mấy quài dừa ngập xuống sông, nghe cái mùi hơi dừa là mê luôn đó cô. Ăn dừa nước mà không ngửi ra mùi dừa nước là không phải dân xứ này đó à nhe. Tại tôi ngồi xe lăn đó hé, không là chở cô đi một vòng sông nước, cho cô coi mấy hàng đước chạy dọc hai bên bờ. Sao mà nó cứ thẳng tắp vậy hé cô. Làm người mà như nó, người ta nhớ hoài. Chứ mà xiêu vẹo như ông Tư Bị người ta cũng nhắc hoài, mà nhắc theo cách khác. Khà khà. Ấy chết chưa, tôi nói nhiều quá, cô phóng viên có buồn trong bụng không cô?” Tôi lắc đầu, bác nói chuyện hay lắm, tôi không có buồn.
Bác kể tôi nghe cái lần đầu tiên bác gặp vợ, đàn bà con gái nhỏ thó con mà chèo hai mái, cứ khua khua hai mái chèo trên sông nước, dạt hết mấy “thảm” lục bình thả trên sông. Gió chiều thốc lên mái tóc dài làm hiện lên gương mặt nhỏ, tươi như hoa lục bình; cái vạt áo bà ba cũng nương theo gió bay phần phật làm bác yêu vợ từ đó. Dân thương hồ, mê sông mê cảnh, bác cứ mặc cái quần cộc rồi chạy dọc theo hai bên mép miền nhìn bóng lưng bác gái cho đến khi chiếc ghe nhỏ đậu ở bến nước. Đám cưới nghèo, trên cái ghe đi sông chỉ có một mâm cơm với tô canh chua bần, mấy con cá linh, chén muối ớt, dĩa lục bình xào, vậy mà sống tới có ba mặt con. Lênh đênh trên sông vậy, mà bác gái có trách tiếng nào đâu. Bây giờ sống trên bờ, đã nghèo còn túng. Ngặt cái nỗi bác trai còn đi làm Lục Vân Tiên… túng càng thêm túng. Không nhận tiền hỗ trợ thì bác gái và xấp nhỏ lại không có cái ăn. Bác kể đến đây, gương mặt lại rầu rầu nhưng miệng vẫn cứ cười hì hì “tuổi già hạt lệ như sương, hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan… Tôi học lỏm đó cô. Nhà có thằng con lớn học lớp tám, hay đọc thơ nên nghe rồi thích, học lỏm nó đó. Cái thằng nghỉ học rồi, đi theo mấy đứa nhỏ trong xóm bắt cá mà còn yêu chữ lắm nhe, cứ mở sách ra đọc ra rả làm tôi thuộc theo. Cô đừng có cười nghe. Mấy cô cậu phóng viên tới đây nè, nói chuyện hay quá nên mình cũng bắt chước. Bà nhà tôi ấy, già rồi nhưng vẫn còn khóc đó cô. Cứ nghe cô cậu nào lại phỏng vấn là cứ khóc thôi. Khóc rồi trách cái “nghề Lục Vân Tiên” làm khổ vợ con. Tôi thì thương bả, có nói lại tiếng nào đâu. Bả trách thì trách chứ lo cho tôi lắm à cô. Mà tôi có chọn cái nghề này đâu cô. Lương tâm mà, nằm sẵn trong người mình rồi làm gì có lựa chọn. Chuyện xui rủi, cũng có chọn được đâu cô”.
Bác nhai hết trầu, cũng kể hết chuyện. Tôi hỏi thăm về mấy đứa nhỏ nhà bác, ngoài cậu nhóc lớn đã nghỉ học thì còn cậu con trai thứ học lớp năm, hôm nay cũng nghỉ học vì không lo nổi tiền học phí. Tôi nghe vậy, lấy trong ba lô ra một ít tiền đưa bác mà trong bụng giận ghê gớm. Giận vì không hiểu sao một người “trúng mánh” lớn mà không có tiền đóng học phí cho con? Tôi đưa bao thư tiền cho bác, nói dối tiền hỗ trợ từ những người yêu cái nghề Lục Vân Tiên của bác. Bác từ chối. Bác nói có tiền hỗ trợ rồi, nhiêu đó đủ rồi. Bác bảo tôi giữ lại để cho những người khổ hơn bác. Bác chỉ xin tôi cái gói bánh phục linh trên tay thằng nhóc nhỏ là được rồi. “Cô phục linh cho tôi gói bánh nhe. Thằng nhỏ nó thích”, bác thuận miệng gọi tôi là cô phục linh, tôi cũng thuận tiện nhận luôn cái tên. Tiền hỗ trợ đủ rồi, mà con bác vẫn bỏ học? Con người bác có phải là quá kỳ lạ không?
Tôi với bác trò chuyện đến khi trời bắt đầu ngả về tây, chút ánh sáng ban chiều vàng vọt hun lên đường chân trời một màu vàng đồng như hổ phách. Tôi đã đủ tư liệu cho bài phóng sự về bác nên cũng không còn lý do để ở lại. Bác nghe tôi đi, khệ nệ lách chiếc xe lăn ra khỏi bàn trà, cứ chống tay đẩy tới, rà lên bánh xe, cố chạy theo tiễn chân tôi. Tôi thấy bác di chuyển khó nhọc nên cũng áy náy, nhanh tay nắm lấy tay cầm sau xe định đẩy bác đi. Bác vậy mà khua tay từ chối, bảo tôi “đừng khinh thường bác nhé. Bác khoẻ lắm”. Đi đến cửa rồi, bác còn không quên dặn tôi “ra đến quán cóc, nhờ bà Hoa tìm người chở đi tham quan sông nước một vòng, ngắm lục bình, ngắm hàng bần hàng đước… rồi hả dìa nghe cô phục linh”. Tôi chỉ gật đầu với bác, không đáp. Thằng con trai nhỏ của bác đưa lại cho tôi một cái bánh phục linh, mời tôi. Tôi cầm miếng bánh bỏ vào trong miệng, giòn tan. Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần viết văn vừa ý mẹ, bà hay cho tôi một cái bánh phục linh. Tôi trưởng thành cũng có thêm một thói quen: mang theo bánh phục linh mỗi khi bắt đầu hành trình cầm bút vẽ Lục Vân Tiên.
Tôi từ giã bác rồi băng mình đi ra khỏi làng, ngang quán cóc đầu làng vẫn còn nghe họ đang trò chuyện. Đôi chân tôi khựng lại, nhen một nhóm lửa trong lòng, tôi thả vào quán cóc một nỗi lòng sâu hun hút rồi thu toàn bộ ánh nhìn rải lên mấy quài dừa nước trước quán; tự nhiên như thế cũng bật lên hình ảnh bác Tư Bị chở hàng về ngang qua quán, miệng vẫn cười hì hì, tất tả khiêng mấy quài dừa nước cất vào trong nhà. Bác ngồi xe lăn rồi, mấy quài dừa nước không ai khiêng, quán cóc cũng vì vậy mà thiếu vắng một mùi vị – mùi Lục Vân Tiên. Mà thiếu cái mùi Lục Vân Tiên, quán cóc lại như dư ra mùi “tình người” của xã hội. Tôi nhìn cái bàn trà lúc sáng mình ngồi một lúc lâu rồi cũng rời đi. Đá ghì trong tim!
****
Hai năm qua rồi, đường xá vẫn chẳng có gì thay đổi. Cái quán “cóc” ọp ẹp đầu làng lắm người nhiều thị phi vẫn ra rả những câu chuyện bàn ra tán vào. Tôi đến nhà bác trong một buổi chiều lộng gió, đìu hiu. Cậu con trai lớn của bác bây giờ cao lớn hơn, nằm vắt vẻo trên võng miệng ra rả đọc mấy câu thơ Lục Vân Tiên nghe sao mà nẫu ruột. Hai đứa con trai kế của bác cũng lớn hơn rồi, không còn rách bươm như lần đầu tôi gặp, ngược lại trông tươm tất khoẻ mạnh hẳn ra. Bác gái đón tôi trong bộ quần áo đã ngả màu sờn cũ, chất liệu vải nhàu đến mức tưởng chừng như kéo nhẹ là có thể rách ra vài mảnh. Thời này đâu còn ai mặc áo vá nhưng vẫn còn những cái áo nhàu cũ kỹ đến dễ rách như thế. Tôi thắp cho bác Tư Bị – Lục Vân Tiên của đất nước tôi năm nào một nén nhang. Mùi nhang trầm toả ra ướp vào mũi tôi một cảm giác âm ấm mà trầm lặng. Bác gái đứng cạnh tôi, cứ dán mắt lên nụ cười người trong di ảnh mà rũ hai hàng nước mắt. Cậu con trai lớn của bác nhanh nhẹn pha ấm trà mời khách rồi cùng chúng tôi ngồi xuống. Tôi và mấy mẹ con bác gái ngồi đối nhau trên cái bàn tròn giữa nhà, đối diện bàn thờ bác trai, lòng rười rượi.
Trong gian nhà cũ kỹ, bác gái kể tôi nghe những truân chuyên mà mẹ con họ phải gánh gồng trong bao năm tháng, bác kể rồi bác khóc. Cậu con trai lớn của bác ngồi kế bên cũng rũ mắt rưng rưng. Tôi nhìn mái đầu người già thêm bạc, đôi mắt người trẻ thêm phần ướt nước mà lòng có chút dùng dằng. Cậu con trai út của bác, ngồi kế mẹ cứ trân trân mắt nhìn tôi vừa quen vừa lạ, hình như nó không còn nhớ tôi nữa. Tôi nhìn nó, lại đưa mắt lên bàn thờ nhìn người trong di ảnh mà tự nhiên thèm cái cảm giác “cô phục linh” khủng khiếp. Nhưng biết sao được, nó không nhớ tôi. Bác Tư Bị cũng mất rồi. Lục Vân Tiên cũng chết thì “cô phục linh” cũng chết rồi còn đâu.
Chiều hoàng hôn nổi lên từng hàng cây, kẽ lá. Con đường về cũng thênh thang, nặng trĩu. Từ biệt gia đình bác, tôi đi. Nắng chiều ngả lên những hàng cây tạo một mảng bóng đen to lớn lướt dưới đôi giày thể thao của tôi, tôi sóng bước bên những bóng cây len lỏi đi. Tiễn tôi ra cửa rồi, cậu con trai lớn của bác Tư Bị lại leo lên cái võng trước sân nằm vắt vẻo đọc thơ Lục Vân Tiên. Con nít miền quê, giọng cứ sang sảng cả. Hôm nay nó đọc đến đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga:
“Gặp đây đương lúc giữa đàng,
Của tiền không có, bạc vàng cũng không.
Ngẫm câu báo đức thù công,
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.
Vân Tiên nghe nói liền cười:
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn.
Này đà rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Tôi đi qua cửa vẫn ghì lại đôi chân nghe cái giọng lanh lảnh của nó một lát mới chùn vai đi tiếp. Ngang qua quán cóc đầu làng, tôi lại nhìn thấy những gương mặt quen thuộc đang bàn tán. Có lẽ hôm nay họ lại nói về một Lục Vân Tiên nào nữa. Tôi sững người trước quán một lúc lâu. Hai năm qua rồi, những quài dừa nước vẫn nằm ngổn ngang trước quán như vậy. Tôi bước vào quán, hỏi bà chủ quán tìm một người biết chạy võ lãi và rồi tôi đi.
Tôi ngồi trên võ lãi, phóng tầm mắt lên những thảm lục bình trôi, nhìn cái màu tím hoa lục bình ẩn hiện trong đám lục bình xanh, nghe gió sau gáy, mát rười rượi. Võ lãi của tôi lách mình qua những rặng dừa nước, chạy xăm xăm vào những hàng đước thẳng tắp miên man. Hình như tôi thấy bác Tư Bị đang chạy dọc hai bên mép miền sông, nhìn theo cô gái nhỏ thó đang khua mái chèo trên sông. Cảnh sông nước miền Tây tự nhiên cũng đẹp hơn hẳn. Năm đó, bác dặn tôi có “dìa” cũng phải đi cho biết sông nước mà tôi không có nói với bác, tôi có xa lạ gì cái cảnh sông nước miền Tây. Tôi cũng không có nói với bác, mẹ tôi là Lục Vân Tiên của nhà ông Khôi. Trên sông nước miền Tây này, cũng có một người mẹ làm Lục Vân Tiên rồi nhận thù lao của người ta, chỉ để cứu đứa con gái khỏi tay Thần Chết. Tiền bà nhận nhiều lắm, có thể mua cả căn nhà. Nhưng bà vẫn nghèo đến cuối đời. Vì bà mang nó đầu tư cho con gái bà rồi. Lục Vân Tiên của mẹ cũng vắt vẻo trên miệng người đời đến tận bây giờ. Lời “sống” lời “chết” gì cũng đủ cả…
Tôi lại phải đi rồi. Đi tìm một Lục Vân Tiên khác. Chị đồng nghiệp vừa điện thoại bảo tôi nhanh chóng trở về để tiếp tục công việc. Chị biết tôi không thích cái công việc phỏng vấn tâng bốc người khác nên cũng e dè hỏi tôi có nhận việc không. “Nhận chứ. Sao lại không nhận”. Tôi chắc nịch trả lời rồi lấy trong ba lô ra một gói bánh phục linh, bỏ một cái bánh vào trong miệng, giòn tan. Tôi chỉ là một người ngồi bên bàn trà, thắp một ngọn nến vẽ những phận đời trôi thì sao lại không đi. Đi để làm tiếp cái nghề vẽ Lục Vân Tiên – mẹ chọn cho tôi rồi...
Bình luận
Ong vận chuyển comment
Ong vận chuyển comment
Ong vận chuyển comment