Tiếng ghi-ta hoà cùng giọng hát phiêu du, thấm đẫm vị đời vang vọng khắp căn nhà nhỏ giữa trưa hè nắng cháy. Bà nội tóc đã hoa râm nằm trên chiếc võng đung đưa trước sân nhà, tay vừa phe phẩy chiếc quạt mo miệng, vừa lẩm bẩm hát theo lời ca sâu thẳm phát ra từ chiếc radio cũ trên bàn trà bên cạnh.
“Hạt bụi nào, hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?
Ôi, cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi?”
Đứa nhỏ nằm lăn lóc trên sàn gạch mát lạnh cạnh bàn trà, nghe bà ngân nga hát đến đó liền rời mắt khỏi bộ trò chơi búp bê, ngước lên tò mò hỏi bà:
“Cát bụi là gì vậy nội? Sao cát bụi là con người mà con người lại là cát bụi?”
Bà nội nghe đứa cháu nhỏ hỏi thì bật cười: “Vì con người sinh ra từ cát bụi, khi chết đi cũng sẽ quay về với cát bụi.”
Con bé nghe có chỗ hiểu chỗ khờ, liền quẳng con búp bê sang một bên mà lon ton chạy tới ngồi xuống bên võng cạnh bà, quyết hỏi cho ra lẽ.
“Nhưng con được cha mẹ sinh ra mà?”
Bà nội hướng quạt về phía cô cháu gái đang nhễ nhại mồ hôi, rồi từ tốn giải thích:
“Con người khi chết đi, dù là chôn dưới đất hay hoả thiêu trong lò thì cơ thể cũng sẽ tan thành khói bụi. Người được chôn sẽ giúp đất đai phì nhiêu màu mỡ, người được thiêu sẽ hóa thành tro tàn đỡ cho con cháu tiền mồ mả đất đai.”
Thấy cô cháu gái vẫn còn ngô nghê chưa hiểu rõ, bà cũng chỉ đành gói gọn lại cho qua: “Chuyện nhân sinh con người, đứa con nít như bây chưa có hiểu được đâu.”
Con bé gối đầu lên tay nội, ngước đôi mắt tròn xoe nhìn người bà đôn hậu vẫn đang thản nhiên ngân nga giai điệu buồn bã ấy.
“Vậy còn nội? Nội muốn được chôn hay được thiêu?”
Con nhỏ không hiểu gì về sự sống hay cái chết, vậy nên nó cũng không biết được câu hỏi vô tư ấy là điều cấm kỵ đối với người già. May thay bà nội cũng chẳng trách hờn gì, chỉ dở khóc dở cười giơ cái quạt mo lên đánh khẽ vào đầu con bé.
“Tổ cha mày, cha mẹ mày mà nghe được là bây bị đòn nát đít đó.”
Rồi bà lại đung đưa cái võng, phe phẩy quạt mo mà rằng: “Tao hả? Sống làm khổ con cái đủ rồi nên cứ thiêu đi cho khoẻ.”
“Nhưng mà thiêu thì đau lắm đó nội.”
“Chết rồi thì còn biết đau đớn gì nữa bây?”
“Ờ ha…”
Bà nội bất lực trước cái sự khờ khạo của đứa cháu. Bà kéo con bé lên võng nằm cùng với mình, vừa đong đưa võng vừa quạt mát cho nó.
Đúng lúc này, dượng ba vừa đi bắt cá trở về, từ ngoài cổng bước vào trong nhà. Lúc đi qua bà nội nằm trên võng, ông khựng lại.
Nhác thấy rổ cá dượng ba đem về, con bé tức thì háo hức nhổm dậy. Nhưng khi trông thấy sắc mặt kỳ lạ của dượng, nó lại rụt rè chui rút vào lòng bà nội.
“Má có suy nghĩ lại chuyện con nói hôm qua chưa?” Dượng ba đứng bên cạnh võng, giọng khô khốc.
“Cháu nó đang ở đây, đừng nhắc tới mấy chuyện đó.” Bà nội không mở mắt lên nhìn dượng ba, tiếp tục đung đưa võng và quạt cho đứa cháu.
Dượng ba đưa tay vuốt mặt, thở hắt một hơi dài, rồi nhìn bà nội bằng ánh mắt vừa tuyệt vọng vừa bực dọc:
“Tụi nó sắp giết con tới nơi rồi mà má còn…”
Bà nội chợt mở mắt nhìn thẳng vào dượng ba, giọng bà lạnh hơn cả gió chướng ngoài sông cắt ngang lời ông ấy.
“Tao nói cháu nó đang ở đây.”
Dượng ba mím môi như đang nén xuống cơn bực bội. Ông siết chặt quai rổ cá đến độ nổi cả gân xanh. Cuối cùng ông nghiến răng, dậm bước đi thẳng vào trong nhà, bỏ lại một bầu không khí ngột ngạt sau lưng.
Sau khi dượng ba khuất bóng, con bé mới dám ngước lên. Nó thấy gương mặt của bà nhăn lại khó tả, khiến những vết chân chim càng thêm sâu hoắm. Nó bèn đưa tay lần mò theo từng dấu hằn của tháng năm trên khoé mắt của bà.
“Sao da nội nhăn vậy?”
Đôi chân mày của bà nội từ từ giãn ra, bà cười toét cái miệng đỏ trầu của mình mà rằng:
“Tao già rồi chứ còn trẻ trung gì đâu, già thì nhăn nheo xấu xí thôi.”
“Vậy để con làm đẹp cho nội nha.”
Nói rồi con bé nhảy xuống võng, lon ton chạy lại đống đồ chơi nằm lăn lóc dưới sàn, nhặt lên vài món đồ trang điểm của búp bê rồi lại tí tởn chạy ù về phía bà nội. Con bé vung vẩy mấy cái cọ đồ chơi bé tí lên gương mặt già nua của bà, khiến bà nhột nhưng vẫn ráng nhịn cười.
Sau một hồi hí hoáy, con bé lại hí hửng đi tìm gương đưa lên cho nội ngắm nghía gương mặt chẳng thay đổi gì của mình.
“Nội nhìn nè, đẹp không?”
“Đẹp! Đẹp quá trời quá đất luôn, cháu ai giỏi quá vậy ta?”
Mặc dù vậy, nội vẫn không ngớt lời ngợi khen cô cháu gái, khiến con bé hỉnh mũi lên tận trời.
“Cháu của nội mà.”
Bà nội bật cười khanh khách trước bộ dạng dương dương tự đắc của nó, không nhịn được ôm lấy con bé hôn mấy cái lên đôi má phúng phính như bánh bao.
“Tổ cha mày, đẹp để làm gì? Chết rồi cũng có ai dòm ngó đâu.” Bà lại ẵm đứa cháu lên võng, ôm nó trong lòng vừa vỗ về vừa phe phẩy chiếc quạt mo.
Nhưng con bé không cam chịu mà ngóc cái đầu lên, chu mỏ cãi lại bà:
“Sao lại không? Có cha mẹ, cô chú, dì dượng, với con nữa mà.”
Nội bất lực lắc đầu: “Trời, người chết có gì đâu mà nhìn, nhìn làm chi cho thêm buồn hả bây?”
“Bởi vậy nội mới càng phải đẹp đó! Nếu nội chết mà nội vẫn đẹp thì mọi người đâu còn thấy buồn nữa.”
Lời này thốt ra từ miệng của một đứa trẻ chỉ mới lên năm không khỏi làm cho bà nội sững sờ hồi lâu. Tưởng là câu nói ngô nghê nhưng nếu ngẫm lại thì cũng không hẳn là vô lý. Bởi trước giờ bà nội chỉ nghĩ đến việc mình nhắm mắt xuôi tay sẽ đỡ phiền con cháu, chẳng biết liệu con cháu ở lại sẽ đau buồn đến nhường nào. Nhưng nếu bản thân bà tươm tất, đẹp đẽ nằm trong quan tài, có lẽ chúng nó cũng sẽ vơi bớt đi phần nào đau thương.
Bà nội bật cười. Lần này tiếng cười của bà mang theo sự nhẹ nhõm. Bà vuốt ve mái tóc của đứa cháu nhỏ, cười hiền mà thỏ thẻ với nó rằng:
“Ừ, vậy sau này nội chết, bây làm đẹp cho nội nha.”
“Đương nhiên, con sẽ hô biến nội thành bà nội đẹp nhất thế gian luôn!”
Con bé hồ hởi reo lên, chẳng mảy may hay biết rằng, nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ buồn đến não ruột mất thôi.
Trẻ con mà, nào có tâm tư sâu xa đến vậy. Nên sau khi thốt ra những lời ngây ngô ấy rồi, nó lại chui rút vào lòng nội, hít hà mùi hương của người già từ bà, yên ả thả mình vào giấc ngủ trưa trên chiếc võng đung đưa, cùng hơi mát từ chiếc quạt mo của nội.
Vang vọng bên tai, tiếng ca da diết và giai điệu buồn bã vẫn không ngừng ngân vang, ca khúc của sự từ giã.
“Bao nhiêu năm, làm kiếp con người.
Chợt một chiều tóc trắng như vôi.
Lá úa, trên cao rụng đầy.
Cho trăm năm, vào chết một ngày.”
Tiếng hát đã từng ru ngủ đứa trẻ lên năm, chỉ vài ngày sau đó lại trở thành từng nhát dao cứa vào trái tim run rẩy trong đớn đau của con bé.
Ngón tay nhỏ xíu run rẩy đặt lên làn da bà lạnh ngắt. Không còn hơi ấm. Không còn tiếng cười khanh khách. Không còn những cái ôm đầy mùi trầu. Bà đã đi rồi. Mãi mãi.
Bất chợt, một dòng điện lạnh buốt chạy dọc sống lưng của con bé. Hai mắt nó mở to, tim đập nó dồn dập, hơi thở như bị nghẹn lại, và rồi…
Trước mắt nó tối sầm.
Nó thấy gương mặt dượng ba lạnh băng, không một chút do dự. Hai tay dượng siết chặt cái gối, dùng toàn bộ sức nặng cơ thể đè ghì xuống.
Bà nội giãy giụa, móng tay bấu vào tấm chiếu nhưng càng lúc càng yếu dần.
Với một hơi thở yếu ớt cuối cùng, bà buông xuôi.
Huyền mở bừng mắt. Cổ họng nó khô rát, khoé mắt nóng ran. Tim nó đập liên hồi như muốn nhảy khỏi lồng ngực.
Và rồi, nó gào lên, nhấn chìm mọi âm thanh ồn ào của tang lễ.
“Nội bị giết!”
Con bé nắm lấy tay cha, kéo áo mẹ, bằng đôi mắt đỏ hoe ứa lệ, nó gào khóc trước linh cữu của bà nội.
“Nội bị giết! Cha mẹ tin con đi! Bà nội bị giết đó!”
Nó gào đến rát cả cổ họng, nhưng chỉ nhận lại ánh mắt bất lực và ái ngại từ cha mẹ lẫn người thân. Ai cũng cho rằng nó đang quá tiếc thương người bà quá cố mà sinh ra hoang tưởng.
Duy chỉ có bản thân con bé biết rõ, rằng bà nội không qua đời một cách tự nhiên.
Bà bị giết.
Bị chính người con trai ruột bóp nghẹn đến từng hơi thở cuối cùng.
Dù vậy, nó lại không thể nào chứng minh được điều đó. Vì chỉ có một mình nó thấy, một mình nó hay. Mà nào có ai lại đi tin lời của một đứa con nít.
Không ai tin nó.
Không ai nghe nó.
Tiếng khóc của nó như một giấc mộng tan vào hư không, dần bị nuốt chửng bởi nhạc kèn.
Nó chỉ có thể bất lực nhìn dượng ba, đứa con trai đã nhẫn tâm ra tay sát hại mẹ ruột của mình, đang che giấu nụ cười khẩy đắc ý đằng sau dáng vẻ khóc lóc thảm thương, ngay trước linh cữu của bà.
Năm ấy, đứa trẻ chỉ vừa năm tuổi đã biết thế nào là bất công, là tàn khốc, là lòng người gian ác hiểm độc.
-HẾT CHƯƠNG-
Bình luận
Chưa có bình luận