Nguyên thất thểu bước ra khỏi quầy đóng tiền của nhà thuốc bệnh viện. Ví của y rỗng không, còn đúng 5 ngàn để lát trả tiền gửi xe dưới hầm. 


"Mẹ kiếp, thuốc đếch gì mà mắc..." 


Y lầm bầm, cả trong miệng lẫn trong bộ óc đã chẳng mấy khoẻ mạnh. Nhưng rồi Nguyên chợt nhớ, thực ra số thuốc này mua hết bằng đấy tiền đã là rẻ, nếu không mua ở bệnh viện mà mua ở hiệu thuốc tư bên ngoài, dễ phải mắc gấp rưỡi. Thế là y không chê thuốc mắc nữa, Nguyên chuyển sang nguyền rủa bản thân: "Bệnh cái đếch gì mà bệnh hoài." 


Ánh nắng bên ngoài vàng và gay gắt đến độ khiến Nguyên có cảm giác châm chích trên da. Y vội chạy ngay đến sảnh chờ phát thuốc mà ngồi, ít nhất thì sẽ không bị nắng hun cho nổ đầu. 


Sảnh bệnh viện là một nơi kỳ lạ. Dẫu cho bên ngoài có nắng cháy da thì nơi đây vẫn luôn lạnh. Chẳng biết lạnh vì quạt, vì khuất nắng, hay lạnh vì tử khí phát ra từ những người bệnh hom hem. 


Nguyên cũng chẳng muốn nhìn quanh. Thật là ngại ngùng khi lỡ chạm mắt với một ông bà già nào đó, như thể người đó đang nói với y rằng: “Sao cháu còn trẻ mà lại ở đây?” Ôi dào, trẻ có bệnh của trẻ, mà chính xác hơn, bệnh của Nguyên là nghèo. Căn nguyên mọi thứ đều do một chữ “nghèo”. 


Ngày nhỏ gia đình Nguyên cũng khá, bố y là một công chức nhà nước, mẹ là giáo viên, về căn bản thì gia đình cũng đủ ăn đủ mặc. Nhưng năm y 10 tuổi, tình cảnh gia đình sa sút hẳn. Ngôi trường mà mẹ Nguyên dạy bỗng nhiên bị giải thể, vì chỉ là giáo viên hợp đồng nên bà bị cho thôi việc, không có sắp xếp thuyên chuyển sang chỗ làm mới. Thế là kinh tế gia đình do một mình bố y gánh vác. Mẹ Nguyên cũng cố kiếm lấy một công việc, nhưng ở cái vùng chỉ được xem là thị xã này thì không có quá nhiều con trẻ, nên cũng không có nhiều công việc mà một giáo viên có thể làm, mẹ Nguyên đành phải đổi sang nhận nón về nhà may. Vốn đã quen sống đủ đầy nên khi gia cảnh sa sút, mọi người trong gia đình đều không thích nghi được. Bố Nguyên vốn nóng tính nay lại càng cáu bẳn nhiều hơn, mẹ thì biết thân biết phận đang phải dựa dẫm vào chồng nên cũng không dám nhiều lời, chỉ im lặng cam chịu, nhưng mẹ càng cam chịu bố lại càng được nước lấn tới. Trên cơ quan có chuyện gì không vui bố liền về nhà “xả” lên người mẹ con Nguyên, như một cách bù đắp cho những tổn thương khi ông bị xã hội hành hạ. 


Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi bố Nguyên nghe theo lời xúi giục của mấy lão trong công ty đầu tư chứng khoán, bảo hiểm. Thời ấy chứng khoán có thể được xem là “mốt”, người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán. Nhưng chứng khoán là cái dòng vốn 10 mới lời được 1, càng đặt nhiều mới lại càng lãi nhiều. Bố Nguyên bị người ta dụ dỗ mua cổ phiếu của một công ty ma rồi mất trắng số tài sản lớn. Để có được mấy chục triệu tiền chơi chứng khoán đó, bố đã phải vay mượn khắp nơi, giờ mất trắng, gia cảnh lại chồng chất thêm nợ. Thế nên ông quyết định bỏ trốn…


Để lại người vợ cùng đứa con thơ, bố Nguyên bỏ đi biệt xứ trong đêm. Mẹ Nguyên, người phụ nữ tưởng chừng như yếu đuối đã đưa ra một quyết định liều lĩnh, ấy là dắt díu đứa con nhỏ lên Sài Gòn. Dù sao thì bà cũng chẳng nhìn thấy tương lai của mình ở cái vùng quê nghèo này, khi mà chồng đã biệt tăm biệt tích, con còn thơ dại và món nợ khổng lồ, bản thân thì không có nghề nghiệp tử tế. 


Nguyên còn nhớ nơi đầu tiên hai mẹ con trọ lại Sài gòn là một cái nhà tôn dưới chân cầu. Nguyên không biết nó là cầu gì, chỉ nhớ có một xóm nghèo dưới chân cầu xi măng ấy. Những “ngôi nhà” tạm bợ bằng tôn, có cái phải dựng cao lên như nhà sàn để tránh mưa lụt. Bờ sông chỗ ấy đen ngòm, nước quắn lại, mỗi khi nắng lên lại bốc mùi nồng nặc, và tất nhiên toàn những rác là rác. Nguyên chẳng thích ở chỗ này chút nào, nó khác xa với ngôi nhà gạch y từng sống, ngôi nhà với hướng đón nắng, luôn sáng sủa, thơm tho dưới bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhưng biết sao được, Nguyên của năm 10 tuổi đưa mắt nhìn những ngôi nhà khang trang phía trên cầu. Như một giấc mộng xa vời, Nguyên bắt đầu nghĩ sẽ ra sao nếu y có thể sống ở một trong những ngôi nhà khang trang ấy, sẽ vẫn có mùi xà phòng lau nhà thơm ngát như nhà cũ chứ? Vẫn sẽ có cái giếng trời ngập nắng chứ? Sẽ có riêng một phòng ngủ cho Nguyên chứ?


Những câu hỏi không ai trả lời được, kể cả Nguyên hay mẹ. Ấy là lần đầu tiên y hiểu được khái niệm của chữ “nghèo”.


Hai mẹ con cố gắng đùm bọc nhau qua ngày, dù có khó khăn thế nào mẹ vẫn cố cho Nguyên đi học, dù chỉ là học nửa buổi ở một trường không mấy tiếng tăm. Buổi sáng đi học, buổi chiều Nguyên ra phụ việc cho những quán ăn gần đó kiếm thêm chút đỉnh, mẹ ở nhà không chỉ làm may mà còn cố nhận thêm những công việc có thể gia công tại nhà. Không phải mẹ Nguyên không muốn quay lại giảng đường, chỉ là với bằng cấp và kinh nghiệm làm việc khiêm tốn của mẹ thì rất khó xin được việc làm tại các trường trong thành phố. 


Thời gian cứ thế thấm thoắt trôi, chẳng ai tìm ra được mẹ con Nguyên, mà hai người cũng không chủ động về lại quê cũ. Có nhiều lần Nguyên từng đề cập với mẹ chuyện y sẽ nghỉ học để đi làm, nhưng tất cả đều bị mẹ gạt phắt đi. Có những khi hai mẹ con cãi nhau, Nguyên nói, học nhiều như mẹ với bố rồi cũng để làm gì? chẳng phải đều đổ nợ và nghèo khổ hay sao? Nguyên vừa dứt câu đã thấy một bên má bỏng rát. Mẹ chưa từng đánh y bao giờ, ngay cả khi y ngang bướng trốn học, chơi bời lêu lổng theo những thằng bất hảo. Duy chỉ có lần đó, mẹ vung tay tát Nguyên.


Mẹ nói dù có phải vắt kiệt từng đồng xu cắc bạc trong nhà cũng sẽ lo cho y học đại học, thế nên việc của y là học cho tốt vào, đừng để những gì cả hai mẹ con đã trải qua phải đổ sông đổ bể.


Nguyên không phải là một đứa trẻ có sức khỏe tốt. Đã nhiều lần y ốm dặt dẹo, mẹ phải vay tiền đưa y đi cấp cứu lúc nửa đêm. Thậm chí có những lần y lên cơn sốt tím tái, khó thở, mẹ phải chạy vạy khắp nơi mới chỉ đủ cho y ở bệnh viện một ngày, sau đó mẹ con về nhà tự chăm nhau. Nghèo cũng đi liền với đói. Vốn đã không khỏe mạnh mà giờ còn thiếu ăn nên Nguyên cứ gầy còm như một cành cây khô, sự khắc khổ khảm sâu trong từng đường nét khuôn mặt. Thế nên phần nào Nguyên cũng hiểu, mình sẽ chẳng thể làm nổi những công việc tay chân về lâu dài. 


Rồi như bao gia đình khác, Nguyên cứ thế học hết cấp hai, cấp ba, sáng đi học, chiều đi làm, tối có thể dạy thêm một tiếng rưỡi cho những đứa trẻ trong xóm lao động nghèo, những đứa không được đến trường, để kiếm thêm chút đỉnh.  Rồi y vào đại học, từng năm, từng năm trôi qua, Nguyên không thể nhớ nổi mình đã làm qua bao nhiêu loại công việc, từ bưng bê phục vụ hồi năm nhất, đến xách vữa, phụ hồ, rồi công việc văn phòng khi đã cứng cáp hơn, những công việc freelance y nhận thêm để kiếm tiền trả góp chiếc laptop cũ. 


Đến giờ thì mẹ và Nguyên vẫn vậy, vẫn thiếu thốn, vẫn nghèo, cù bất cù bơ không nơi nương tựa. Nguyên đã học tới năm cuối đại học, đang vừa đi làm vừa thực hiện luận văn tốt nghiệp. May mắn cho y là có một tòa soạn đã tuyển Nguyên vào thử việc, nếu làm tốt có thể lên nhân viên chính thức. Tuy lương lậu không cao nhưng ít nhất nó phù hợp với tình hình sức khỏe của một gã trai hom hem như y. Nếu tiền bạc không đủ xoay sở y sẽ đi làm thêm, nhận viết bài, dịch sách, báo hay gia sư. Dù sao thì đồng thời làm hai, ba công việc đã không còn quá xa lạ với y nữa, tuy rằng tháng nào y cũng phải chi tiền triệu cho những viên thuốc nhức đầu, huyết áp, tim mạch, và cả tỷ thứ bệnh linh tinh khác. 


Nói về bệnh, Nguyên có cảm giác cuộc đời mình là một thứ vòng lặp chết tiệt, y lao động cật lực bất chấp những kêu gào inh ỏi của cơ thể để đổi lấy những tờ giấy bạc, hòng cho cuộc sống của mẹ con y khá khẩm hơn. Nhưng rồi cũng chính những tờ giấy bạc ấy, y phải dùng nó để mua thuốc. Cuộc sống mưu sinh khiến cơ thể Nguyên lão hóa như một lão già 70 tuổi, với những suy nhược thần kinh, cao huyết áp, mất ngủ… Y càng làm nhiều thì uống thuốc càng nhiều, nhưng không làm thì không có đồng ra đồng vào phụ đỡ mẹ. 


Nguyên chấp nhận cái vòng lặp ấy. Có đôi lúc y cầu mình chết quách đi. À phải đấy, hay Nguyên chết quách đi, sống khổ sở quá, như ngọn đèn lay lắt trong gió, tắt không tắt, nhưng sáng cũng chẳng sáng. Có những khi ngồi ở cái bờ sông hôi rình kia Nguyên lại nghĩ, hay mình nhảy phứt xuống cho rồi. Nhưng bóng hình y in trên mặt nước đen ngòm. Đôi mắt y giống mẹ như lột. Nguyên giống mẹ, cực kỳ giống mẹ với gương mặt tròn và đôi mắt khiến người khác có thiện cảm. Nhìn hình bóng ấy khiến Nguyên nghĩ đến mẹ. Mẹ vẫn thường nói với y rằng: Y là tất cả của mẹ. Nếu y nhảy xuống thì cũng chính là ôm cả mẹ theo cùng. Nguyên nghĩ, Nguyên không muốn mẹ chết một cách lạnh lẽo nơi đáy sông như thế, cho dù là cùng với y. 


Thế là Nguyên vẫn sống, sau hàng trăm lần muốn chết đi cho rồi. Y vẫn tốt nghiệp đại học, sau hàng trăm lần muốn nghỉ quách đi cho xong. Cuộc đời Nguyên nói hạnh phúc thì chả phải hạnh phúc đủ đầy, chả ai gọi một thằng nghèo không cha là hạnh phúc, Nguyên cũng chẳng nghĩ hai mẹ con đến cả cơm cũng phải ăn với muối là hạnh phúc. Nhưng nếu nói là bất hạnh? Nguyên không biết, lạc quan mà nói thì ít nhất y còn mẹ, còn sức lao động, còn học vấn. Chỉ là… cuộc sống sao mà quanh quẩn quá. 


Ấy là những quanh quẩn của các kiếp người dưới chân cầu. Nguyên muốn vùng chạy, muốn thoát ra. Nhưng để thoát khỏi một nhà tù thì ít nhất anh cũng phải có dụng cụ phá khóa. Có lẽ dụng cụ của Nguyên chưa đủ sắc bén để phá tan cánh cửa lồng đang giam nhốt y cùng mẹ…


Y nhìn cái màn hình hiển thị số thứ tự phát thuốc đến thất thần. Những cái tên xếp hàng trên đó, có ai giống Nguyên không nhỉ? Có ai cũng đã chết dù thân xác chỉ mới 22? Đang ngồi nghĩ vu vơ ở sảnh chờ thuốc thì bỗng điện thoại Nguyên rung lên, có âm báo tin nhắn. Y mở ra xem, là mẹ. 


[Con còn tiền không, về nhớ ghé qua chỗ chủ trọ đóng tiền nhà hộ mẹ với, tháng này mẹ chỉ kiếm đủ tiền chợ thôi.]


Nguyên đọc tin nhắn mà thấy mình như già đi cả chục tuổi, hai đầu mày y vô thức cau lại, y nín thở, rồi lại giật mình thở dài ra. Một cỗ uất nghẹn dâng lên cùng với sự bất lực dần xâm chiếm y. Nguyên nhắn lại mẹ rồi tắt điện thoại đi, đột nhiên y chẳng muốn nhìn thấy tin nhắn của ai nữa. Nguyên kiểm tra tài khoản, còn vừa đúng 200 ngàn. Hôm nay là ngày mấy nhỉ? Mới có ngày 20, đến tận ngày 5 tháng sau mới tới lượt lãnh lương tiếp, y chỉ còn vỏn vẹn đúng 200 ngàn để sống trong hai tuần. Và, tất nhiên, 200 ngàn của y cũng chẳng đủ đóng trọ. Nguyên nắm chặt cái điện thoại trong tay, trán rịn mồ hôi khi cố lục lại trí nhớ xem còn ai mà y có thể mượn tiền không. Đáng tiếc là chẳng có ai cả. 


Nguyên thở dài tới lần thứ mấy trong ngày y chẳng còn đếm được nữa. Có lẽ y phải xin bà chủ trọ cho khất đến đầu tháng vậy. 


“Lại để đến mùng 5 à, sao chả có tháng nào mẹ con bây đúng hạn hết vậy?”


Cá bao nhiêu Nguyên cũng cá rắng bà ấy sẽ càu nhàu thế, nhưng thôi, ít ra bà ấy cho mình khất, ăn chửi vài câu cũng đáng. Từ lâu Nguyên đã chẳng còn để bụng việc mình bị người ta mắng chửi. Nói y tự trọng thấp cũng được, nhưng cuộc sống thiếu thốn đã rèn cho Nguyên khả năng chịu đựng phi thường. Miễn là được việc thì y chẳng hề để tâm nếu người ta có chửi bới “chút đỉnh”, như bà chủ trọ chẳng hạn. 


Đang lúc còn mải suy nghĩ thì có giọng nói cất lên bên cạnh Nguyên, kéo y về thực tại từ trong dòng suy nghĩ.


“Em ơi, cho chị xin vài chục được không? Không thì cho chị vay cũng được, con chị ốm nặng quá mà chị không còn tiền mua thuốc cho nó…”


Người phụ nữ trước mặt Nguyên nói mà gần như khóc, hai vành mắt chị đỏ lên, rơm rớm nước. Giọng chị nghẹn lại. Người phụ nữ trông cũng gầy còm và đen đúa như Nguyên, cũng lay lắt như Nguyên. Đứa trẻ chị bế trong tay nom nhỏ xíu như một con mèo con, xanh xao, nhợt nhạt và im lìm trong vòng tay mẹ. 


Cõi lòng Nguyên run lên, có thứ gì đó muốn trào ra, nhưng rồi nghẹn lại, tô đậm sự bất lực của y. Nguyên nuốt thứ cảm xúc ấy như nuốt chửng một cục đá lạnh, nó khiến y rùng mình. Nguyên nghĩ y vừa “thương cảm” cho người phụ nữ và đứa trẻ trước mặt. Y chợt nghĩ đến y, đến mẹ, đến những đêm mẹ cũng ngồi ôm y ở sảnh bệnh viện thế này. Lúc ấy mẹ nghĩ gì? Có phải mẹ cũng tuyệt vọng, bất lực, cầu xin sự giúp đỡ giống người phụ nữ này không?  


“Chị nói thật, chị không phải lừa đảo đâu, nếu không phải hết cách thì chị cũng không muốn đi ‘ăn xin’ thế này.”


Người phụ nữ vẫn khẩn khoản nói với Nguyên. Nguyên không biết phải đối mặt với chị thế nào. Chị có phải lừa đảo hay không, nói thật, chuyện đó cũng không có ý nghĩa gì, vì trong túi Nguyên cũng hết sạch tiền và y chỉ còn đúng 5 ngàn gửi xe. Nên dù người phụ nữ có không phải là lừa đảo đi nữa thì Nguyên cũng lực bất tòng tâm.


“Em…em xin lỗi…em cũng không còn tiền…”


Nguyên tránh nhìn vào người phụ nữ kia, y cảm thấy ngại, cảm giác ngại ngùng xấu hổ khi bản thân không thể làm gì hơn cho người cần đến mình. Nguyên có cảm giác mọi thứ đều ngừng lại, thời gian ngừng trôi, không khí ngừng lưu thông, người ta ngừng nói chuyện, những ánh mắt như muốn đóng băng trên người y. Nguyên như một con robot gượng gạo trước mặt người phụ nữ trẻ. 


“Chị cảm ơn…” 


Người phụ nữ nghe thế cũng không còn van nài hay cố gắng níu kéo. Có lẽ chị cũng thấy người trước mặt này trông có vẻ thực sự không có tiền, hoặc do cảm giác bị từ chối đã hút sạch dũng khí trong chị. Đứa trẻ trong tay chị vẫn nằm im và xanh xao đến khó tả, chỉ có tiếng ho “khục khục” báo cho người khác biết nó vẫn còn sống. Chị ôm đứa bé trong tay, lại tiếp tục lững thững bước đi, Nguyên không biết chị đi đâu, hay sẽ xin ai tiếp, y không biết, nhưng y cũng chẳng thể làm gì hơn. 


Bóng người phụ nữ hòa vào đám đông người bệnh ở sảnh bệnh viện. Nơi này vẫn lạnh như vậy, vẫn đầy những con người hom hem ốm yếu, những con người như Nguyên, như chị, như đứa bé con im lìm trong vòng tay mẹ…



Bình luận

  • avatar
    Uyển Nghi
    Lời đầu tiên, xin phép cảm ơn bạn đã viết ra câu chuyện này. Đọc những lời văn ấy, mình cảm nhận thật rõ ràng sự đồng cảm của bản thân với nhân vật, với câu chuyện ấy. Cảm giác như bản thân đã được bóc trần và hiển hiện chớp nhoáng, thấp thoáng trên những câu chữ ấy. Truyện rất thật và rất giống mình, mình quả là đã "lay lắt" qua những ngày này và vẫn vô định với chính tương lai. Nhưng đọc được bộ truyện này, mình thấy có một số thứ gì đó đã chắc chắn và rõ nét hơn. Cảm ơn bạn đã viết rất thực, rất đời và dùng những con chữ rất tuyệt!
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}