Ngoại Truyện Hai: Hồng Thảo



Tiếng phát nhạc sôi động vang lên từ cái loa thông báo cũ được gắn ở trên tường. Những bệnh nhân trong bộ đồng phục xanh dương xếp ngay ngắn theo hàng lối, ai ai cũng náo nhiệt. Như thường lệ, cứ đúng vào khoảng sáu giờ ba mươi sáng hàng ngày, các y bác sĩ bắt đầu tổ chức buổi tập thể dục cho các bệnh nhân tâm thần ở đây.

Tôi lại bắt đầu công việc quen thuộc mỗi ngày, chuẩn bị thuốc cử sáng cho bệnh nhân.

Nghĩ về những ngày đã qua, tôi nhớ lại giấc mơ được khoác chiếc áo blouse trắng. Giấc mơ ấy không phải đến dễ dàng một sớm một chiều, và đường đến với nó cũng chẳng bằng phẳng chút nào. "Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa" là câu nói đùa mà tôi từng nghe đâu đó trong giảng đường, lại hóa thành hiện thực phũ phàng. Tỷ lệ chọi vào ngành này lúc nào cũng cao hơn so với các ngành khác. Những con số khắc nghiệt trên tờ giấy báo điểm đã đẩy tôi sang con đường khác – con đường mà tôi chưa từng nghĩ đến: một trường cao đẳng tư nhân.

Thời gian học ngắn hơn. Thay vì mất tận hơn 6 năm để hoàn thành, thì học cao đẳng chỉ mất gần một nửa thời gian đó. Sau khi học xong, trường hứa hẹn sinh viên sẽ tìm việc làm dễ dàng hơn. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ là lời nói gió bay.

Để có được công việc ở bệnh viện này, ba mẹ tôi đã phải chạy vay, gom góp từng đồng để nhờ cậy vào những mối quan hệ mờ ám mà người ta hay gọi là “cò”. Tôi biết điều đó chẳng phải đáng tự hào gì, nhưng trong mắt ba mẹ, sự hy sinh ấy là vì tương lai của tôi, và tôi không thể làm gì hơn ngoài việc cố gắng bước tiếp trên con đường họ đã vạch sẵn.

Làm y tá ở bệnh viện tâm thần, thật tình, không nằm trong bất kỳ viễn cảnh nào tôi từng mơ về.

Nếu bạn hỏi nơi này có giống địa ngục không, thì tôi xin thưa là: có.

Đúng rồi đấy, nó không khác địa ngục là mấy.

Dù chưa từng thấy địa ngục, nhưng qua những trang sách, tôi có thể hình dung nó là một nơi kinh khủng như thế nào: những linh hồn vất vưởng, tiếng la hét não nề, bầu không khí ngột ngạt không ánh sáng.

Và đôi lúc, nơi đây cũng không khác là bao.

* * *

"Thảo ơi, có bệnh nhân tên Lan ở giường số 5 đang la hét. Em mau lại giúp các y bác sĩ một tay nhé."

“Vâng, em tới liền đây!”

Tiếng gọi gấp gáp của đồng nghiệp khiến tôi vội buông đôi đũa, để lại hộp xôi đang ăn dở trên bàn. Tôi bước nhanh, chẳng nghĩ gì thêm mà chạy một mạch đến phòng bệnh nhân. Giờ trưa, hành lang bệnh viện vắng lặng. Phần lớn các bệnh nhân đều đã xuống căn tin, chỉ còn lại tiếng la hét của chị Lan, xé tan bầu không khí yên tĩnh.

Tôi vừa đến cửa phòng, ánh mắt thoáng lướt qua những vị bác sĩ. Trạng thái căng thẳng trên khuôn mặt họ cũng đủ để thấy họ khó xử như thế nào. Họ đứng quanh giường bệnh, đôi tay như muốn làm gì đó nhưng không dám manh động. Câu nói rời rạc của chị Lan vang lên, nhát gừng mà ai oán:

"Gặp con. Tôi muốn gặp con. Thằng Khánh đâu? Trả con lại cho tao. Tao muốn gặp con…"

Tôi hít một hơi thật sâu, cố giữ giọng mình dịu dàng và bình tĩnh:

"Chị Lan, chị nhớ em không? Thảo đây mà. Để em dẫn chị đi gặp con nhé."

Tôi bước lại gần, thật chậm rãi, ánh mắt cố gắng tìm lấy chút kết nối từ gương mặt đang hoảng loạn của chị. Và rồi, như một phép màu, khi chị nhận ra tôi, nét mặt cứng đờ bỗng mềm đi, chuyển thành một nụ cười hồn nhiên khó tin. Lợi dụng khoảnh khắc ấy, các y bác sĩ nhanh chóng tiến lại gần, nhẹ nhàng tiêm một mũi an thần. Chẳng mấy chốc, chị Lan chìm vào giấc ngủ, nét đau khổ dường như cũng tan vào cơn mơ.

Nếu nói về nguồn cơn bi kịch này là cả một câu chuyện dài.

Chị Lan từng có một cuộc sống ấm áp và giản dị. Tình yêu của chị bắt đầu từ một ngày rất đỗi bình thường. Trong một lần chiếc xe máy của chị cán phải đinh, một chàng trai xa lạ tên Khánh nở nụ cười hiền lành và ngỏ ý giúp đỡ. 

Như cái cách Eva bị mê hoặc bởi lời thì thầm ngọt ngào của trái cấm từ cây biết thiện ác.

Tình yêu của họ là những ngày tháng đẹp như cổ tích. Khánh luôn ân cần, nồng nhiệt, khiến chị cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời. Họ quyết định kết hôn, mang theo bao ước mơ về một tổ ấm tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Có điều sóng gió chẳng chờ ai.

Gia đình Khánh, với những định kiến cũ kĩ, bắt chị Lan phải sinh con trai để "nối dõi tông đường". Khi kết quả siêu âm cho thấy chị mang thai một bé gái, áp lực từ mẹ mình đã đè nặng lên vai anh. Không chịu nổi những lời thúc ép, Khánh dần thay đổi. Từ người đàn ông dịu dàng ngày nào, anh trở thành một kẻ cộc cằn, nóng nảy.

Chuyện gì tới cũng sẽ tới.

Đỉnh điểm là một ngày họ cãi nhau. Trong cơn giận, Khánh xô chị ngã vào cạnh bàn. Dòng máu đỏ từ đôi chân chị rỉ ra, nhỏ xuống nền nhà lạnh lẽo.

Sẩy thai.

Đó cũng là ngày mà chị Lan mất đi ý thức của việc làm mẹ. Cũng là đánh mất đi ý nghĩa của việc được sống.

* * *

Chuyện chị Lan chưa qua, chuyện khác lại ập tới. Trong cái rủi có cái xui. Và cái xui này vô tình lại vận vào người tôi một cách triền miên. 

Kể từ khi có bệnh nhân tên Công xuất hiện, mọi chuyện đều đảo lộn hết cái trật tự vốn có. Dù cho gương mặt hắn điển trai đến đâu, điều đó vẫn không thay đổi được sự thật hắn là bệnh nhân tâm thần. Nhưng với cách mà hắn ve vãn các y tá trong bệnh viện thật khiến tôi có cảm giác không dễ chịu.

Hôm lúc tôi đang đi dọc hành lang bệnh viện vào đầu giờ chiều với cái xe đẩy đầy ắp những dụng cụ y tế. Ánh nắng cuối ngày len lỏi qua các viên gạch, đổ bóng loang lổ thành các hoa văn sắp xếp đều trên sàn nhà, ánh lên màu xám lạnh của những bức tường thạch cao. Bất chợt, tôi thấy Công ngồi một mình ở bàn đá, tay nhẩn nha xếp các quân cờ trên bàn. Cái dáng vẻ ung dung và ánh mắt bình thản của anh ta, nếu đặt ở một công viên nào đó, chắc chẳng ai nghĩ rằng người ngồi ở đây là một bệnh nhân tâm thần.

Tò mò, tôi bước lại gần.

"Cậu chơi cờ một mình sao?” – Tôi hỏi, không che giấu sự bỡ ngỡ.

Ngước lên nhìn tôi, Công mỉm cười, nụ cười nhẹ nhàng nhưng pha chút gì đó khó đoán trong ánh mắt hắn.

"Trần Chí Lâm đang bận việc sổ sách rồi, ta buồn chán quá nên tự đánh cờ với chính bản thân.”

Cách xưng hô và giọng điệu của anh ta đôi lần khiến tôi thoáng giật mình, tuy rằng tôi biết Công mắc chứng hoang tưởng nặng.

"Cha ta dạy ta đánh cờ từ khi còn nhỏ. Ông thích cờ tướng lắm. Nàng có thích không? Nếu nàng muốn, ta sẽ dạy nàng."

"Thôi, cậu chơi đi. Tôi có việc đi trước.”

Tôi định bước đi thì bất ngờ, một bàn tay lạnh ngắt nắm lấy cổ tay tôi, kéo mạnh. Bất thình lình, tôi mất thăng bằng, ngã nhào vào người anh ta. Xấu hổ, tôi vội vàng đứng dậy, mặt nóng bừng, buột miệng:

"Cậu… cậu làm cái trò gì thế? Có tin tôi báo bác sĩ nhốt cậu vào buồng riêng không?"

Nhưng Công không tỏ vẻ sợ hãi, ánh mắt vẫn giữ nguyên vẻ bình thản khó chịu ấy:

"Ta… chỉ muốn… ngửi mùi thơm trên tóc nàng thôi.”

Lời nói của anh ta, bình thản mà lạ lùng, khiến một cơn lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi đẩy vội xe dụng cụ vào phòng, cố giữ bình tĩnh. Trong giây lát, với đôi chân run rẩy, tôi lao thẳng vào nhà vệ sinh, mở vòi nước, để dòng nước lạnh cuốn đi lớp trang điểm đã nhòe cùng những giọt nước mắt.

"Không sao đâu, Thảo. Mày làm được mà." – Tôi tự nhủ với chính mình qua hình ảnh mờ nhạt trong gương.

Đinh ninh trong lòng, tôi sẽ không bao giờ tiếp xúc gần người đàn ông lạ lùng này nữa.

Tình cờ một cánh cửa khác của số phận đã bật mở. Trớ trêu thay, tôi đã vô tình chạm vào thứ không nên động vào.

* * *

Vào một buổi tối khuya vắng, ánh trăng sáng vằng vặc, hắt vào từng góc tối của bệnh viện. Hôm nay là ngày rằm.

Tất thảy nhiều bệnh nhân đã chìm vào giấc ngủ. Không gian tĩnh lặng đến mức tôi có thể nghe rõ tiếng bút lạch cạch trên giấy. Đây là ca trực đêm tôi nhận thay cho cô bạn đồng nghiệp có việc phải về quê lo ma chay người thân. 

Ngồi trên bàn làm việc nhìn chăm chú vào đống giấy tờ, đôi mắt nheo lại vì mỏi mệt.

Bỗng có ai đó từ đằng sau vỗ vai. Tôi giật cả mình, quay người đằng sau. Hóa ra là cô y tá trưởng.

"Thảo, em nghỉ trước đi, để đấy cho chị."

“Dạ, em không sao đâu chị.”

"Chị thấy em trực mấy đêm liền rồi. Vào phòng nghỉ chút đi, mai còn sức làm việc.”

Tôi gật đầu, cảm ơn chị, rồi lê từng bước, lảo đảo vào phòng y tá. Nằm xuống chiếc ghế sofa, tôi chẳng kịp nghĩ ngợi gì thêm, cơn buồn ngủ ập đến nhanh chóng. Căn phòng này nằm ở cuối hành lang và cách khu bệnh nhân khá xa, nên tôi khá yên tâm phần nào.

Tuy nhiên giấc ngủ ấy không yên như tôi nghĩ.

Đang nằm chợp mắt, thì cơn ác mộng bắt đầu kéo đến. Một cảm giác lạnh buốt nơi má khiến tôi choàng tỉnh. Ánh sáng từ cửa sổ hắt lên gương mặt quen thuộc. Lại là Công, nhưng lần này thì ý đồ trên khuôn mặt hắn thay đổi rõ rệt.

Hắn nở nụ cười nham hiểm, miệng thì thầm:

“Ta nhớ nàng quá không ngủ được.”

Trước khi để tôi kịp phản ứng, hắn nhanh nhẹn trườn người về phía trước, cách mặt tôi chưa đầy một gang tay. Hơi thở lạnh lẽo phả vào gò má, bàn tay ghì chặt cổ tôi, đè sát lên ghế. Tôi dùng hết sức lực bình sinh mà hét lớn. Nào ngờ, hắn dùng tay kia bịt chặt miệng tôi, không để bất kỳ âm thanh nào lọt ra ngoài. 

Tôi cố gắng vùng vẫy, dùng chân đạp vào bụng hòng thoát khỏi vòng tay hắn. Cơ mà sức lực của nữ có hạn, làm sao so bì được, dẫu cho thể trạng hắn cũng không lực lưỡng gì. 

Hắn vẫn tiếp tục. Tôi không muốn ngừng dãy dụa bất kỳ phút giây nào. Tôi sợ nếu mình chỉ dừng một giây, có thể tâm trí sẽ buông xuôi mà mặc kệ việc đó xảy ra.

Nước mắt chảy ra thành dòng. Hơi thở dần yếu đi. Đôi tai tôi ù đi, không còn biết trời mây gì nữa. Hãy để cho nước mắt cuốn hết đi những gì xảy ra hiện tại. Đôi mắt từ từ nhắm nghiền lại.

Từ đâu đó tiếng đạp cửa thật mạnh. Tôi mơ hồ nhận ra tiếng hét của ai đó vang lên phía xa.

"Buông cô ấy ra!"

Cái bóng của người đàn ông đó nhanh chóng tiếp cận, mạnh mẽ kéo Công ra khỏi tôi. Với một chút hơi thở còn sót lại, tôi chỉ nhận thức được có ai bế tôi lên và chạy ra khỏi căn phòng chết tiệt đó.

* * *

Khi từ từ mở mắt, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là ánh sáng từ bóng đèn led trên đỉnh đầu. Nó chói đến mức khiến tôi phải nheo mắt lại, từng tia sáng như muốn xuyên thấu hàng mi mỏng manh. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, tất cả chỉ toàn là một màu trắng lạnh lẽo. Chiếc rèm dày kéo kín, che đi ánh nắng từ cửa sổ chiếu vào. Chỉ có tiếng nhịp tim đập đều đặn của tôi trong lồng ngực là bằng chứng duy nhất cho thấy rằng tôi vẫn còn sống.

Cổ tay phải của tôi nhói lên một chút đau buốt. Tôi giơ lên, thấy một ống dây trong suốt đang nối vào làn da mình. Tôi đang được truyền nước biển.

“Em tỉnh rồi sao?”

Một giọng nói quen thuộc vang lên, kéo tôi ra khỏi những ý nghĩ vô định.

“Chí Lâm?” Tôi nheo nheo mắt, nhìn thấy rõ khuôn mặt tùy tụy của anh, quầng thâm đen như mắt gấu trúc vậy. Có lẽ anh đã thức đêm để canh chừng tôi.

“Là anh… đưa em vô đây?” – Tôi thì thào, giọng mình yếu ớt đến mức chính tôi cũng phải ngạc nhiên.

"Đúng rồi," anh gật đầu, cố nặn ra một nụ cười. "May mà kịp, không thì chắc anh chỉ được gặp em mỗi năm hai lần mất."

Tôi đưa tay lên trán, cố xâu chuỗi những mảnh ký ức rời rạc còn sót lại. Rồi đột ngột, cảm giác bàn tay lạnh ngắt ghì chặt lấy cổ tôi hiện lên rõ mồn một trong đầu.

“Em bị bóp cổ,” anh ngập ngừng. "Lúc đó, anh không kiềm chế được... nên đã đánh cậu ta."

Tôi không trả lời, hướng mắt nhìn lơ đãng về phía rèm cửa vẫn đang buông thõng. Cuối cùng, tôi thì thầm:

"Cậu ta… giờ sao rồi anh?”

"Công được tiêm thuốc an thần rồi," anh đáp, giọng nhẹ nhàng nhưng không giấu được cái thở dài. "Trưởng khoa quyết định chuyển cậu ấy vào phòng cách ly đặc biệt."

Tôi đưa tay sờ lên cổ, cảm nhận rõ vết hằn còn in lại trên da. 

"Cảm ơn anh,” tôi khẽ nói, giọng nghẹn ngào.

Anh lắc đầu, ánh mắt dịu dàng hơn. "Không có gì. Em nghỉ ngơi đi, đừng nghĩ ngợi nhiều. Anh đã báo chị Liên rồi, em cứ yên tâm tịnh dưỡng.”

Nói rồi, anh đứng dậy, kéo nhẹ cánh cửa. Tiếng cửa đóng lại khẽ khàng, để lại căn phòng trở về với sự thanh bình vốn có. 

Tôi để mặc cơ thể rệu rã nằm lại trên chiếc giường trắng toát, mắt dần khép lại. Giấc ngủ đến, kéo tôi trở về, nơi mọi thứ chỉ còn là bóng tối. 

Giấc mơ kỳ lạ này lại đến.

Trong mơ, tôi thấy mình đứng giữa một căn phòng với những họa tiết kỳ lạ. Những bức rèm thêu hoa mềm mại buông nhẹ quanh căn phòng, ánh sáng từ ngọn nến hắt lên những vách gỗ. Tôi ngắm nhìn mình trong gương, cô gái trước mặt đang khoác trên người bộ y phục thời phong kiến. 

Nghe tiếng động lạ, tôi bật tung cánh cửa chạy theo. Tới giữa đại sảnh của tòa nhà to, tôi nhận ra người đang ở trước mặt mình là Chí Lâm, đang có vẻ hoảng hốt.

Và người truy đuổi anh không ai khác chính là tên khốn Thành Công kia.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, tôi chỉ biết làm theo bản năng của mình, lấy tấm thân ra che chắn cho anh.

Chí ít tôi không thấy sợ nữa. Vì lần này, tôi có anh ở bên cạnh.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout