Ngoại Truyện Một: Trần Chí Lâm





Trong không gian yên ắng của giảng đường Đại học Y Dược, Trần Chí Lâm ngồi lặng lẽ, chăm chú dõi theo từng cử động của vị giáo sư trên bục giảng. Người giáo sư ấy, mái tóc đã bạc cả đầu, dáng người mảnh khảnh và cao, nhưng lại toát lên một sự điềm đạm, hiền hòa. Ông nhìn các học trò của mình một lượt bằng đôi mắt sáng và sâu hoắm qua lớp kính lão dày cộm. Với giọng nói trầm ấm, ông khẽ cất lên:

“Vậy, chính xác thì rối loạn phân ly là gì?”

Sau câu hỏi ấy, ông dừng lại, im lặng hồi lâu. Ánh mắt ông đưa ngang khắp lớp học, rồi ông từ tốn nói tiếp:

“Nếu bình thường, tôi sẽ mở máy chiếu lên, cho các em xem những hình ảnh khô khan và lý thuyết dài dòng. Nhưng hôm nay, tôi muốn các em hiểu bằng cách đơn giản nhất. Rối loạn phân ly… có thể ví như một cơn gió lạ, thổi qua tâm trí chúng ta và để lại sự trống rỗng, tự nhiên mất đi sợi dây kết nối với thế giới quanh mình.”

Ông kể về cảm giác lạc lõng của người bệnh – rằng họ có thể đang đứng giữa căn phòng sáng đèn nhưng lại thấy mình như chìm trong bóng tối. Họ có thể nghe tiếng nói, thấy hình ảnh, nhưng tất cả chúng đối với họ dường như xa lạ, như một thế giới khác biệt, không ai có thể chạm vào hay kéo họ ra khỏi đó. Đôi khi, cả chính cơ thể mình, họ cũng thấy lạ lẫm, như thể đang nhìn từ ngoài cửa sổ vào, mà chẳng thể nào gắn bó hay liên kết lại.

“Cảm giác ấy giống như khi một người đi lạc trong sương mù,” ông nói tiếp, “và điều khó chịu nhất là… họ không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.” Nói rồi, vị giáo sư cầm viên phấn bắt đầu ghi chú trên bảng.

Trần Chí Lâm ngồi đó, tay cắm cúi vừa viết vừa nghe giảng. Trong ánh mắt của giáo sư ấy, anh có thể thấy sự cảm thông sâu sắc dành cho những người mắc kẹt trong thế giới mờ mịt đó. 

Cuối giờ giảng, anh đi lên trước bục của vị giáo sư, đặt một câu hỏi:

“Thưa giáo sư, cách tốt nhất để giúp người bị tâm thần phân liệt trở về thực tại là gì?”

Vị giáo sư ấy cau mày, suy nghĩ một lúc lâu, rồi điềm đạm trả lời:

“Thật ra chẳng có cách nào là tốt nhất. Chỉ có cách phù hợp nhất. Theo tôi, nên trò chuyện càng nhiều với bệnh nhân sẽ càng tốt hơn.”

Ông nói rồi quay người bỏ đi một mạch ra khỏi giảng đường. Chí Lâm đứng trầm ngâm nhìn dáng đi của giáo sư khuất dần rồi lẳng lặng nhìn ra cửa sổ. Chỉ là không ngờ sẽ có ngày anh phải đối mặt với ca bệnh nhân khiến tâm trí anh rối bời.

* * * 

Hôm nay là ngày giao ca thứ hai đầu tuần. Cũng được hơn một tháng kể từ khi tôi được giáo sư ở trường đại học giới thiệu vào khoa tâm thần học của bệnh viện Tâm Thần TPHCM. Những ca đầu tiên của tôi diễn ra thuận lợi. Giới trẻ ngày nay đều phải chịu những áp lực từ nhiều thứ. Điển hình có thể bị áp lực về kinh tế là chủ yếu. Đôi khi còn là về chuyện tình cảm cá nhân. Mạng xã hội phát triển quá nhanh dẫn đến khó có thể kiểm soát được tác động của chúng lên trẻ con bây giờ. Cơ bản chỉ cần áp dụng đúng phác đồ điều trị là có thể thuyên giảm sau một hai tháng điều trị.

Các bệnh nhân lần lượt khám như vậy, thấm thoát thời gian trôi qua nhanh như cái tích tắc của kim giây trên đồng hồ treo tường.

Đã gần 6 giờ tối.

Tôi vươn vai uể oải rõ dài, miệng ngáp một chút, định đứng dậy để pha một ly cà phê sữa. Con nghiện cà phê như tôi mỗi ngày phải tối thiểu hai tách. Nếu không có thức uống này, tôi sẽ không thể nào tập trung làm việc nổi với lịch dày đặc hàng tá bệnh nhân chờ khám như vậy.

Tay đang cầm cốc cà phê, khuấy điều điều cho tan bột cà phê sữa rẻ tiền. Thì đột nhiên có tiếng la âm ỉ ở phía ngoài bàn tiếp tân, giọng có vẻ là của người phụ nữ. Tôi uể oải bỏ lại cốc, lết cái thân lười ra ngoài phía quầy tiếp tân. Thấy bóng dáng người phụ nữ đang lời ra tiếng vào với chị thu ngân. Anh thanh niên đứng kế bên thì ngơ ngác, mặt mày không có vẻ gì là quan tâm sự đời, cứ đứng đực ra đấy mà nhìn chăm chú vào cái bảng số điện tử trên vách ngăn.

"Cô ơi, chúng cháu hết giờ làm việc rồi ạ, mong cô hãy quay lại vào ngày mai.”

Người phụ nữ khắc khổ, nài nỉ van xin:

“Hiện tại cô hết tiền để về nhà rồi, mà nhà cô cách bệnh viện rất xa. Con làm ơn làm phước hãy giúp đỡ cô lần này.”

Tôi thấy vậy liền nhanh chóng chạy lại đỡ người phụ nữ ấy đứng dậy, quay sang cô gái thu ngân, miệng làu bàu:

"Còn 2 phút nữa mới hết ca của tôi, cứ cho cô ấy vào khám.”

Vẻ mặt cô gái đó có vẻ không vui lắm, cam chịu in ra tờ hóa đơn biên lai khám bệnh rồi quăng ra trước mặt. Tôi cầm lấy, dìu người phụ nữ cùng với chàng thanh niên ở phía sau.

Chúng tôi vào phòng khám ngồi xuống, tôi từ tốn đưa ra hai cái ghế xếp xanh đối diện người phụ nữ bảo:

“Hai mẹ con cứ ngồi xuống đi.”

Tôi nhìn vào tờ khám bệnh rồi quay sang hỏi:

"Con bác đến đây khám bệnh?”

"Vâng, sao bác sĩ biết?”

"Cháu thấy con bác lúc đến đây mặt cứ ngơ ngác như chẳng biết gì, nên cháu đoán thế. Con bác bị vấn đề gì?”

Người phụ nữ chùng xuống, vẻ mặt không giấu được nỗi buồn khoắc khoải đã in sâu qua nhiều nếp nhăn.

"Thú thật với bác sĩ, con tôi từ sau cái lúc nhảy cầu bất thành là trông nó cứ ngờ ngợ như thế này đây.”

Tay người mẹ chạm nhẹ vào tóc đã rối khắp đầu của cậu thanh niên kia. Cậu ấy chỉ nhìn mẹ mình rồi cười hề hề như chưa có chuyện gì.

Tôi tập trung nhìn vào ánh mắt cậu thanh niên, thử hỏi:

"Cậu tên gì?”

“...”

"Cậu có nhớ mình là ai không?”

“...”

Sao bao nhiêu câu hỏi, chỉ có sự im lặng kéo dài làm mất đi sự kiên nhẫn vốn có của tôi. Thở dài, nhìn đồng hồ trên tay, quay sang người mẹ bảo:

"Thôi, bác cứ về trước đi, để anh ấy ở lại đây. Cháu sẽ viết tờ giấy nhập viện cho anh ấy.”

Nói rồi, tôi lấy trong túi ra tờ polyme màu xanh đậm, dúi vào tay người mẹ khốn khổ.

"Đây, bác cứ cầm lấy mà đón xe ôm về.”

Người phụ nữ mắt rưng rưng, cầm hai bàn tay tôi, xúc động nói:

"Cô có… một thỉnh cầu.”

"Cô cứ nói.”

"Cháu hãy chữa cho thằng con cô. Không có nó, cô không… sống nổi.”

"Cô cứ yên tâm tin tưởng vào tay nghề của cháu.” Nói rồi tôi ra hiệu cho cô y tá bên cạnh, ngụ ý rằng mau đưa người phụ nữ này đi làm thủ tục.

Đây là lần đầu tiên tôi biết nói dối.

Người phụ nữ nắm lấy tay của cậu thanh niên, dặn dò:

"Con… ráng chữa bệnh. Mẹ đi một lúc.”

Cậu thanh niên chả phản ứng gì, chỉ ngồi như trời trồng, miệng cười hì hì nhìn người mẹ, chưa biết rằng cậu sẽ phải xa mẹ mình một thời gian dài.

* * *

Ngày thứ nhất.

Tôi cố gắng đào sâu nhiều thông tin về cậu thanh niên đang ngồi ngay ngắn trước mặt, nhưng đáp lại chỉ là cái lặng im thin thít. Cậu chẳng nói chẳng rằng mà chỉ nhìn chăm chăm vào cái đồng hồ treo tường trong phòng làm việc của tôi.

Não bộ tôi lục lại các kiến thức của vị giáo sư kính mến đã giảng dạy trong trường đại học. Tôi nhớ rằng, tâm thần phân liệt được chia thành ba loại chính. Dạng đầu tiên là hỗn loạn, cũng là dạng khó hiểu nhất. Đây là dạng tâm thần phân liệt có những triệu chứng thường không rõ ràng qua các hành vi, lời nói và cảm xúc của người bệnh. Bệnh nhân khi mắc phải loại này thường sẽ tỏ ra lú lẫn, thiếu kiểm soát cảm xúc trong khi ứng xử, đôi khi có chút vụng về trong công việc. Nhiều khi họ cười vu vơ, có khi lại bật cười thành tiếng, tất cả đều không vì một lý do cụ thể nào.

Điều đó làm tôi băn khoăn hơn về loại tâm thần phân liệt khác mà tôi tin là cậu thanh niên này đang mắc phải. Y học gọi loại này là loại tâm thần phân liệt trương căn. Bệnh nhân thuộc loại này sẽ có nhiều loại trương căn khác nhau, thể hiện qua các tính như tính câm nín, tính cứng ngắt, tính bất động hay tính quá thụ động. Đôi khi một số trường hợp sẽ thuộc tính mềm nhão dễ uốn. Những triệu chứng dễ thấy nhất có thể là người bệnh sẽ đôi khi đứng yên hay ngồi một chỗ, nhìn chăm chăm vào một không gian bất định như một bức tượng. Thỉnh thoảng sẽ hay làm một vài động tác quá bất bình thường như vẫy tay ai đó hoặc là đứng nói luyên thuyên về một chủ đề không liên quan đến bối cảnh hiện tại.

Tìm ra được bệnh rồi thì sẽ suy xét xem cách chữa bệnh như thế nào cho phù hợp. Một trong những cách từ thời xa xưa được áp dụng khi chưa có thuốc trị liệu đặc hiệu với bệnh này là dược lý trị liệu. Nên việc để cậu thanh niên này ở lại bệnh viện cũng là điều tất yếu. Vừa để giúp việc chữa trị của tôi dễ dàng hơn, vừa để tránh cậu gây rối mất trật tự cho ngoài xã hội.

Tâm lý trị liệu cũng là cách sẽ được áp dụng trong quá trình chữa bệnh. Nhưng bởi vì tính cách của người bệnh khá xa rời so với thực tại nên tâm lý trị liệu có thể sẽ không hiệu quả với một số trường hợp đang trong thời kỳ bị cấp phát cao. Không có nghĩa là liệu pháp này hoàn toàn là không có hiệu quả. Có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng chỉ có cách tiếp cận ấy mới giúp tôi thấu hiểu được động cơ ẩn sâu trong lòng của cậu. Giống như để bắt được thủ phạm phải có được chứng cứ và biết động cơ gây án của hung thủ là gì.

Ngày thứ bảy.

Mọi việc dường như đang rơi vào ngõ cụt.

Tôi ngồi trầm ngâm, cố gắng tìm kiếm một lời giải đáp, nhưng dường như mọi thông tin đều vụt khỏi tầm tay, ngoại trừ chi tiết mẹ cậu ấy vẫn đều đặn ghé thăm mỗi sáng lúc 10 giờ, ngồi bên cạnh trên cái ghế đá đặt ở ngoài sân chốc lát rồi lặng lẽ rời đi.

Tiếng chuông điện thoại bàn bỗng vang lên, kéo tôi về thực tại.

"Ai đó?”

“Thưa bác sĩ Lâm, có người nhà bệnh nhân Công muốn vào thăm.”

"Được, cô cứ cho vào.”

Chỉ ít lâu sau, tiếng gõ cửa vang lên đều đặn. Một cô gái bước vào. Cô ăn mặc tinh tế, bên ngoài khoác chiếc áo măng tô dài qua đầu gối, cùng chiếc váy lụa đen sáng bóng. Cô ngồi xuống ghế đối diện, đôi môi khẽ cử động, như muốn tìm lời mở đầu.

"Cô là gì với bệnh nhân Công?”

“Tôi là Vy, bạn thân của anh ấy. Liệu tôi có thể biết tình hình của anh Công thế nào không, thưa bác sĩ?”

Tôi thở dài, nhẹ nhàng đáp, “Rất tiếc, nhưng quy định bệnh viện không cho phép tiết lộ bệnh án cho người ngoài.”

Sắc mặt cô thoáng đổi, nét thất vọng hiện lên nơi đôi mắt. Nhìn nét mặt của cô ấy, tôi cũng dần hiểu được danh tính của cô gái này là gì. Sau chút ngập ngừng, tôi bèn nói:

“Cô có thể đợi một chút. Mẹ của anh ấy sẽ đến sớm thôi.”

Thời gian trôi qua dài đằng đẵng, cuối cùng người mẹ cũng bước vào phòng. Tôi lịch sự kéo ghế và mời ngồi, miệng không quên bảo:

 “Thưa cô, vừa rồi có một cô gái đến hỏi thăm về tình trạng của anh Công.”

Người mẹ lặng đi một chút, tiếng thở dài trĩu nặng. Bà nhìn xa xăm rồi đáp:

“Cô gái đó... chính là người mà thằng Công từng đem lòng yêu sâu đậm. Thậm chí, nó từng có khoảng thời gian yêu điên cuồng đến mức đổ nợ để rồi rơi vào tình cảnh như ngày hôm nay.”

Đôi mắt bà ngấn lệ, nhìn lên tấm lịch trên tường có hình cánh phượng đỏ rực, ngập ngừng nói:

“Nếu bác sĩ có thể khuyên nhủ cô ấy, bảo cô ấy giúp thằng Công một lần nữa, thì may ra...”

Tôi ngần ngại, đáp:

“Nhưng cháu nghĩ tốt hơn là bác nên nói chuyện trực tiếp với cô ấy. Cháu, một bác sĩ, thật không nên can thiệp vào chuyện riêng của gia đình.”

Thật lòng tôi cũng rất muốn giúp, nhưng quyền và nghĩa vụ của bác sĩ là để chữa khỏi bệnh.

Ngay lúc đó, Vy quay lại. Vừa thấy khuôn mặt của người mẹ, cô toan quay lưng đi nhưng người mẹ đã kịp nhanh chân đứng dậy, níu kéo lấy tay của cô ấy, van nài:

“Xin con, hãy giúp nó. Xin đừng bỏ rơi nó trong lúc này.”

Cô gái khẽ rùng mình, nét mặt lạnh lùng. Cô nói khẽ: 

“Thưa cô, con không nghĩ mình còn liên quan gì đến anh ấy.”

Giọng người mẹ bỗng run rẩy, nước mắt rơi lặng lẽ, bà quỳ xuống, nghẹn ngào, “Xin con, hãy thương xót cho người mẹ khốn khổ này. Coi như một lần cuối cùng giúp nó, được không?”

Lặng lẽ nhìn vào đôi mắt đầy đau khổ của người mẹ, Vy không đáp lời. Tôi khẽ lên tiếng, “Tôi nghĩ rằng, có lẽ cách chữa trị tốt nhất là để cậu ấy cảm nhận lại những kết nối thật sự trong cuộc sống, để tâm trí cậu ấy thoát khỏi ảo tưởng.”

Vy thở dài, gật đầu và nói, “Được, để tôi thử nói chuyện với anh ấy.”

Chúng tôi cùng nhau ra khuôn viên bệnh viện. Thời điểm vào ban sáng nên đông nghịt bệnh nhân đang vui chơi ở ngoài. Chỉ có những bệnh nhân mắc bệnh nặng mới phải ở khu cách ly riêng. Giữa bóng cây đổ dài, Công ngồi lặng lẽ thu mình trên ghế đá, tay đang mân mê bốc từng cánh hoa, đôi mắt ngơ ngác không màng đến xung quanh.

Vy tiến lại gần, khẽ vẫy tay trước mặt, nhẹ nhàng hỏi, “Anh... anh có sao không?”

Cậu ngước mặt lên nhìn vào Vy một hồi lâu, cười hì hì, chỉ tay vào mặt cô ấy cười đùa:

“Thanh Uyển? Là em sao, Thanh Uyển?”

Vy sững người trước câu nói này của cậu. Tôi cũng vậy, mà là tâm trạng vui mừng. Bởi vì đây là lần đầu tôi được nghe thấy giọng nói của cậu cách đây một tuần rồi.

“Tôi thật không hiểu đây là tin tốt hay xấu, nhưng có vẻ anh Công nhận ra cô.”

Vy cười chua xót:

“Không… hẳn là nhận ra.”

Nói rồi, cô quay sang Công, thủ thỉ:

“Em không phải Thanh Uyển. Em là Vy.”

Công bất ngờ nắm chặt lấy tay cô, đôi mắt thiết tha, run rẩy, “Nàng vẫn giận ta sao? Đừng giận nữa mà…”

Tôi vội tiến lại, nhẹ nhàng kéo tay cậu ra, hỏi: 
“Cậu có nhớ mình là ai không?”

Lập tức, Công giật mình, lùi lại, ánh mắt lạc lối như đứa trẻ mới lên năm, trốn ngay sau lưng Vy, thì thầm, “Thanh Uyển, cứu ta... Tên này là ai vậy?”

Vy thấy bộ dạng như vậy của Công thì bất giác cũng động lòng, xoa đầu an ủi:

“Không sao, có em ở đây rồi.”

Sau một hồi Vy trò chuyện với Công thì cậu đã lim dim hai hàng mắt và bắt đầu nằm gối đầu tựa vào vai cô. Khi đã trấn tĩnh lại, tôi nhìn Vy, hỏi, “Rốt cuộc là chuyện thế nào? Cô có thể nói rõ không?”

Vy lặng lẽ gật đầu, đôi mắt nhìn xa xăm, bắt đầu kể:

“Thật ra… Thanh Uyển là nickname trong game của tôi.”

Tôi bần thần không hiểu, lặp lại câu hỏi:

“Nickname?”

“Đúng vậy. Tôi và anh ấy trước đây quen nhau qua game. Ngày ấy anh là người nhiệt tình và giúp đỡ tôi rất nhiều trong game. Khi hai chúng tôi thân nhau rồi, thì tiến hành kết hôn trong game, rồi tới việc hẹn hò nhau ngoài đời. Chỉ là, sau này mọi thứ thay đổi, anh đắm chìm trong game, ngày đêm lao vào thế giới ấy mà bỏ quên hiện thực. Đến lúc tôi nhận ra, thì cả tình yêu lẫn anh ấy đều chẳng còn như xưa nữa. Và rồi tôi rời đi.”

Cô ngừng một lúc, ánh mắt chất chứa nhiều tâm sự, “Tôi nghe nói, sau khi chia tay, anh ấy mất đi phương hướng, đã nhiều lần tìm đến những điều tiêu cực.”

Tôi lặng người. Câu chuyện của họ không còn là câu chuyện của một tình yêu bình thường, mà nó còn là sự mất mát, lạc lối giữa thực và ảo, thoát ra khỏi cái luân thường của đạo đức. Và tôi nghĩ Công, có lẽ vẫn đang mắc kẹt đâu đó trong những ngày tháng tươi đẹp ấy, trong một thế giới mà giờ đây, chẳng còn lối ra nào dành cho anh nữa.

Ngày thứ một trăm.

Cũng đã hơn ba tháng từ khi Thành Công nhập viện. Vy, bận rộn với gia đình và cuộc sống riêng, hầu như rất hiếm khi tới thăm. Cậu ấy, ngoài những phút giây ngơ ngác trong bệnh viện ra, lại là một người rất giỏi chơi cờ vây. Ngày nào tôi cũng thấy cậu ấy lặng lẽ bên bàn cờ, đôi mắt đăm chiêu, từng nước cờ đều tỉ mỉ. Cách cậu ấy học nhanh đến lạ, như thể trò chơi này đã thấm vào máu, thành thạo và nhuần nhuyễn chẳng khác gì một tay cờ chuyên nghiệp.

Ngoài cờ vây, tôi còn biết cậu ấy có niềm đam mê đặc biệt với lịch sử. Những trang sử thời nhà Trần đối với Thành Công dường như không chỉ là những câu chuyện quá khứ, mà là một phần của hiện tại, của cuộc sống. Cậu thường kể, với giọng điệu dứt khoát, những sự kiện xoay quanh thời kỳ trị vì của Trần Dụ Tông, rồi đôi lúc lại gọi mình là quan chức nhà Trần, giống như bản thân từng đứng trên triều đình hàng nhiều năm trước. Những khi như thế, tôi không biết đó là do cậu mất kiểm soát trong suy nghĩ, hay thực sự tin vào những gì mình đang nói.

Ngoài giờ công tác ở bệnh viện, tôi có thử đến thư viện vào cuối tuần, cố tìm hiểu thêm về những điều Thành Công nhắc đến. Đúng là thời ấy có một chức danh gọi là “An phủ chánh phó sứ”, nhưng chức này không hề cai quản trấn Lạng Sơn vào triều đại Trần Dụ Tông. Người duy nhất giữ chức Kinh lược sử, được vua giao trách nhiệm cai quản vùng đất ấy, là Nguyễn Trung Ngạn. Những tài liệu rõ ràng ấy như một lời khẳng định, rằng Thành Công có hiểu biết sâu sắc về sử, nhưng những ký ức vụn nhặt này đã lạc vào một thế giới lẫn lộn, chẳng còn phân định ranh giới, đâu là sự thật, đâu là giả dối.

Mỗi chiều, trong ánh nắng nhạt dần, tôi lại thấy cậu ấy đứng ở một góc sân, bắt đầu một chuỗi động tác múa võ dứt khoát. Từng cú xoay người, từng đường quyền đều chắc chắn, mạnh mẽ, khiến người xem dễ lầm tưởng đó là một diễn viên múa võ trên màn ảnh. Các bệnh nhân quanh đó đều bị thu hút, có người còn hào hứng gọi cậu là “Tế Công”. 

Dần dần Công trở thành một ngôi sao thực thụ trong bệnh viện, kể cả là lúc anh ta đang không ở trạng thái tỉnh táo nhất. Cách xưng hô phù phiếm giữa “ta” và “ngươi” đang làm tôi thực sự bị cuốn theo trò chơi mà Công tạo ra. Và cậu thấy tôi có vốn kiến thức hiểu biết nhiều, cũng tự tay phong cho tôi làm “học đồng” của cậu.

Tôi cũng lấy làm thích thú, nhưng đôi khi cũng cảm thấy bối rối.

Trong bệnh viện này không hiếm các y tá nữ làm việc. Dù cho công việc y tá ở bệnh viện tâm thần sẽ khó hơn gấp vạn lần so với các bệnh viện tư khác, nhưng nhiều người sẵn sàng chọn công việc này để lấy những đồng lương ít ỏi.

Và ở đó, Công gặp được một cô y tá trẻ.

Người làm anh chết mê chết mệt, khiến anh tạm thời quên đi hình bóng của Vy.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout