Sáng hôm sau, khi tôi đang ngồi dựa vào tường, cố nhắm mắt để suy nghĩ thông suốt, thì bất chợt có tiếng cửa mở. Một tên thuộc hạ bước vào, giọng lạnh lùng ra lệnh:
“Tên quan kia, mau theo ta, đường chủ muốn gặp ngươi.”
Hắn dẫn tôi ra khỏi căn nhà kho tối tăm, hướng thẳng đến đại sảnh rộng lớn. Trước mắt tôi, người ngồi uy nghiêm trên chiếc ghế chính giữa không ai khác chính là cha của Thanh Uyển, Lê Gia Thành, vị đường chủ hội Thanh Long lừng lẫy. Ánh mắt lão đầy uy nghi, nhưng trong phong thái lại toát lên sự khó lường. Tôi thầm cảm tạ vì lão không giết tôi ngay khi biết tôi từng ở bên cạnh con gái mình.
Còn Thanh Uyển, nàng đứng bên cạnh cha, diện bộ áo giao lĩnh màu trắng ngà, mái tóc đen tuyền được cột gọn gàng. Khuôn mặt nàng vẫn mang vẻ điềm tĩnh nhưng ánh mắt có chút lo lắng thoáng hiện. Trước tình cảnh này, trong lòng tôi vừa cảm giác căng thẳng, vừa không biết sẽ đối mặt với họ ra sao.
Đứng ở giữa sảnh, tên thuộc hạ đi cùng tôi lập tức cúi đầu, ra lệnh giọng đầy kiêu ngạo:
“Gặp đường chủ còn không mau quỳ xuống!”
Tôi vẫn đứng thẳng, mảy may không động tay chân. Thân phận tôi dù sao cũng là quan lại triều đình, dù ở trong tình thế ngặt nghèo thế này cũng không thể đánh mất tự trọng. Lão thấy vậy, chỉ khẽ hất tay:
“Không cần! Ngươi lui ra đi.”
Hắn liền cúi đầu, vội vàng lui ra ngoài. Trong không gian im lặng, lão già đột ngột cười nhạt, giọng trầm đục vang lên:
“Ngươi có biết ta là ai không?”
Tôi trấn tĩnh tinh thần lại, chắp tay đáp:
“Lão là cha của Thanh Uyển, đồng thời cũng là đường chủ của hội Thanh Long, Lê Gia Thành.”
Lão nghe xong cười lớn, miệng bật ra một tiếng cười sảng khoái:
“Tốt! Ngươi không hổ danh là quan triều đình, biết nhiều thứ hơn ta tưởng. Ta sẽ tha chết cho ngươi, nhưng với một điều kiện.”
Tôi sửng sốt, làm ra vẻ mặt ngạc nhiên. Không lý nào, mấy tháng trước lão còn muốn nằng nặc đòi giết mình cho bằng được, mà bây giờ lại tha chết dễ dàng như vậy. Tôi không rõ âm mưu của lão, liền cảnh giác, cố giữ vẻ mặt bình thản, vội hỏi:
“Điều kiện gì?”
Lão vuốt chòm râu trắng muốt, điềm nhiên đáp:
“Điều kiện là ngươi phải cưới con gái ta và làm tay sai đắc lực cho hội Thanh Long.”
Vào thời bấy giờ, dân trong trấn Lạng Sơn có kể nhau nghe về một hội kín rất nổi tiếng. Hội này được thành lập với cái tên Thanh Long - có nghĩa là con rồng màu lục lam. Lê Gia Thành vốn là một vị quan võ trong triều. Nhưng vì bất mãn về vua nên hắn đã cáo lui, về ở ẩn. Sau này thấy dân tình ở trấn này chịu nhiều khổ cực, nên hắn đã tập hợp dân trong trấn, thành lập hội này. Nhiều vụ án đã xảy ra lúc dưới thời của Trần Phúc Hưng, giết hung quan có, cướp của người giàu chia cho người nghèo có, nhưng tên này chẳng mảy may quan tâm là mấy. Hắn chỉ đặt lợi nhuận của hắn lên hàng đầu. Nên hầu hết triều đình chẳng hề biết đến sự tồn tại của hội Thanh Long.
Nghe lão nói vậy, tôi lại lưỡng lự không biết làm như thế nào cho phải. Dù sao cũng là một vị quan cai quản trấn Lạng Sơn, làm việc cho triều đình là điều tiên quyết tôi phải làm. Nhưng có điều người mà tôi dành trọn tâm tư, ngày đêm thương nhớ lại đang đứng trước mặt tôi.
Bất giác tôi ngập ngừng trước câu hỏi tưởng chừng như đơn giản đó. Đây chắc hẳn là một cái bẫy tinh vi do định mệnh sắp đặt sẵn cho tôi, và tôi phải là người vượt qua được nó để có thể hái được quả ngọt.
Thanh Uyển vội kéo tay cha, giọng nài nỉ:
“Cha… cha đừng có ép chàng ấy. Con nguyện theo chàng đi đến cùng trời cuối đất.”
Lê Gia Thành quay sang con gái, ánh mắt lão ánh lên vẻ đau khổ:
“Con không nhớ sao? Mẹ con đã rời bỏ ta từ khi ta quyết định từ quan. Ta đã mất mẹ con, giờ không thể mất luôn cả con được.”
Nàng cúi đầu, giọng nghẹn lại:
“Nhưng con…”
“Lời ta đã quyết! Nếu hắn thật lòng yêu con, sẽ sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để ở bên con. Còn ngươi thì sao?” Lão nhìn thẳng vào tôi, sốt ruột chờ đợi câu trả lời.
Tôi cứ đứng đó như trời trồng, lòng bị giằng xé giữa hai lựa chọn. Trở thành một kẻ phản bội hay mất nàng mãi mãi. Tôi cảm thấy giống như mình bị kẹt giữa một câu hỏi không lời đáp. Tôi đành phải cược liều một phen vào ván bài này, cứng rắn đáp:
“Tại hạ không thể kháng lệnh được. Mong tiền bối thứ lỗi cho.”
Gương mặt Lê Gia Thành thoáng chốc chuyển từ ngạc nhiên sang tức giận, lão quát lớn:
“Ngươi chỉ có hai con đường: cưới con gái ta hoặc chết! Người đâu, lôi hắn ra nhốt vào nhà kho!”
Thanh Uyển lao tới, cố ngăn đám thị vệ, nhưng vô ích. Nàng khóc nức nở, giọng run rẩy:
“Chàng đừng lo, thiếp sẽ thuyết phục cha tha cho chàng.”
Tôi bị lôi đi, tay chân trói chặt, ném vào lại nhà kho tối tăm, không thể nhúc nhích. Lựa chọn này, có phải tôi đã đúng? Tình yêu tôi dành cho Thanh Uyển là chân thật, nhưng làm sao tôi có thể phản bội triều đình?
Chẳng có lựa chọn nào là tốt hơn lựa chọn nào. Mỗi lựa chọn đều sẽ phải trả một cái giá tương đương. Tôi thật lòng yêu Thanh Uyển. Nhưng tôi cũng không muốn phụ tình Hồng Thảo. Bài toán hóc búa này xem ra vẫn chưa có lời giải. Giống như việc ngồi bứt từng cánh hoa và miệng thì lẩm bẩm giữa “Thanh Uyển” hay “Hồng Thảo” vậy.
* * *
Giữa đêm khuya tĩnh mịch, như mọi lần quen thuộc, Thanh Uyển lại lén lút bưng cơm đến cho tôi ăn. Nàng vội cởi trói cho tôi, rồi thúc giục:
“Chàng mau ăn lẹ, rồi thiếp sẽ dẫn chàng ra khỏi đây.”
Tôi không giấu được cảm xúc vui mừng, háo hức hỏi:
“Nàng xin được cha rồi sao?”
Thanh Uyển lắc đầu, giọng buồn bã:
“Thiếp… lén thả chàng đi.”
Nghe vậy, tôi thoáng bàng hoàng. Làm sao nàng có thể liều lĩnh như vậy? Tôi hoảng hốt:
“Sao được, nàng vì ta mà làm chuyện này, lỡ như cha nàng trách phạt thì sao?”
“Thiếp không sao, cha thiếp sẽ không làm hại thiếp đâu.”
Tôi ôm chặt nàng vào lòng, cảm giác như đang ôm lấy tất cả sự ấm áp cuối cùng còn sót lại. Giọng tôi khẽ thì thầm bên tai nàng:
“Hay là… nàng cùng ta bỏ trốn đi.”
Nàng ngẩng đầu, đôi mắt long lanh, giọng nghẹn ngào:
“Thiếp không thể bỏ cha được, thiếp… còn trách nhiệm với gia đình.”
Tôi không nói thêm gì, chỉ muốn lưu giữ lấy hơi ấm của nàng lâu nhất có thể. Tôi sợ sau này không còn được thấy nàng cười, thấy nàng khóc nữa. Ông trời đã cho tôi một cơ hội thứ hai, nhưng giờ đây cũng tự tước đi nó khỏi tay tôi. Tôi buông nàng ra, bàn tay chạm vào má nàng, nhìn vào đôi mắt long lanh sáng như gương kia, chợt hỏi:
“Ta có thể hôn nàng lần nữa được không?”
Nàng chỉ khẽ gật đầu, tiến tới trao cho tôi nụ hôn nồng cháy đó. Nụ hôn lần này khác với lần trước, nó có vị mằn mặn của nước mắt. Có vẻ như lệ biết trước tôi sẽ buồn, nên chợt tuôn ra từ trong khóe mắt.
Hai chúng tôi lặng lẽ bước ra khỏi nhà kho, nàng ra trước cổng để đánh lạc hướng bọn thị vệ canh gác. Tôi lén đi theo cửa sau, rón rén thoát khỏi đây. Nàng hội ngộ cùng tôi ở cổng sau, chúng tôi rảo bước tới một chòi nhỏ cách đó vài dặm, có sẵn một con ngựa màu nâu.
Tôi quay người, lại ôm nàng một lần nữa, nước mắt tôi rơi xuống, hòa vào mưa. Nàng đưa tay lau giọt lệ trên má tôi, khẽ nói:
“Thiếp sẽ chờ chàng… dù có bao lâu.”
Tôi trèo lên ngựa, phóng đi thật nhanh trong màn mưa, sợ bản thân chỉ cần chậm trễ thêm một giây, sẽ suy nghĩ lại và phản bội triều đình.
Từng hạt mưa rơi nặng nề lên mặt, hòa lẫn với nước mắt. Cơn mưa này dường như muốn xóa sạch đi tất cả ký ức ngọt ngào về nàng. Hai bàn tay không còn cảm giác nữa, từ từ buông lỏng, cơ thể không giữ được thăng bằng, ngã xuống khỏi ngựa.
* * *
Chầm chậm mở mắt, tôi thấy ánh sáng hắt ra từ ngọn nến trong phòng. Trước mặt tôi là một cô nương lạ mặt, dáng vẻ dịu dàng, khuôn mặt thanh tú. Tôi giật mình, miệng lắp bắp:
“Thanh Uyển!”
Cô gái khẽ cười, đẩy tôi ra, ngượng ngùng nói:
“Ta không phải là Thanh Uyển của ngươi.”
Tôi nhìn kỹ lại, thì ra là một cô nương mặc áo giao lĩnh xanh lam. Tướng mạo cũng rất xinh đẹp, nhưng do không trang điểm gì nên da dẻ không được trắng trẻo. Nàng nói tiếp:
“Ta thấy ngươi nằm bất tỉnh trước nhà của ta.”
Tôi cười trừ đáp:
“Tại hạ làm phiền đến cô nương. Tại hạ có thể biết quý danh của cô nương được không?”
“Ngươi cứ gọi ta là Ngọc Vân,” trông thấy vẻ mặt u sầu của tôi, liền hỏi tiếp, “nhà ngươi có tâm sự gì sao?”
Tôi thở dài, kể lại đầu đuôi câu chuyện, từ khi được nàng cứu, tới lúc đem lòng yêu nàng, rồi phải chia ly như thế này. Nàng ta chỉ nói một câu như thế này.
“Ngươi cứ thế mà rời bỏ cô nương đó sao? Nếu ngươi yêu cô nương đó thật lòng, sao lại dễ dàng buông tay như vậy? Ta chưa yêu ai bao giờ, nhưng nếu có một người yêu ta như vậy, ta sẽ trân trọng người đó suốt đời.”
Những lời này như chà xát vào trái tim yếu ớt của tôi. Nếu không là kiếp này, thì tôi phải đợi bao lâu nữa để có thể được gặp nàng lần nữa?
* * *
Ánh nắng nhạt của buổi sớm chiếu qua khe cửa, tỏa ra ánh sáng ôn hòa. Tôi ngồi dậy, lòng vẫn trĩu nặng những suy tư, nhưng rồi lại thấy rõ một điều. Tôi không thể cứ thế mà luyến tiếc, rời bỏ cuộc sống thực tại để chìm trong quá khứ. Lần này, tôi phải trở về trấn Lạng Sơn.
Tôi ra khỏi phòng, thấy Ngọc Vân đang loay hoay chuẩn bị đồ ăn sáng. Nàng đặt một khay bánh bao vừa hấp xong lên bàn. Mùi thơm của bánh bao xộc lên mũi, tôi vội cắn nhẹ một cái, ngon miệng cực kỳ, vô thức khen:
“Bánh bao ngon lắm!”
Nàng mỉm cười, tiến lại ngồi bên cạnh tôi, đáp:
“Bà đã dạy ta món này lúc còn nhỏ.”
Tôi gật đầu, ngấu nghiến chiếc bánh bao ngon miệng, tiện quay sang hỏi tiếp:
“Xin hỏi cô nương có biết đường về trấn Lạng Sơn thế nào?”
Nàng nhẹ nhàng chỉ về phía bắc hướng ngoài cửa:
“Từ đây nhà ngươi hãy đi thẳng về phía dãy núi Tiên Du. Qua khỏi dãy núi, sẽ gặp một con sông nhỏ. Theo dòng sông mà đi, đến khi gặp một cây cầu đá cũ, băng qua đó là vào địa phận Lạng Sơn. Nếu ngươi đi nhanh, chỉ mất khoảng một ngày đường.”
Tôi cúi đầu cảm tạ nàng:
“Đa tạ cô nương đã chỉ đường.”
Nàng chỉ khẽ cúi đầu, đôi môi thoáng hiện nụ cười nhẹ. Chẳng muốn chần chừ thêm nữa, tôi nhanh chóng hoàn thành xong bữa ăn, rồi nhanh chóng lên đường. Vẫy tay từ biệt nàng, lòng tôi bồi hồi, có một chút vấn vương, nhưng rồi thúc ngựa tiến lên về phía trước.
Cưỡi ngựa theo hướng nàng chỉ, bước chân rảo qua dãy núi Tiên Du. Mặt trời đã dần lên cao, những tia nắng vàng xuyên qua các kẽ lá. Đường đi gập ghềnh, sỏi đá trải dài khắp lối đi. Mùi cỏ non thoang thoảng trong gió, lẫn vào tiếng chim hót líu lo. Mãi đến trưa, tôi đã đi ngang qua con sông nhỏ theo như lời Ngọc Vân. Dòng nước trong vắt, len lỏi qua các khe đá. Nước ở đây đủ để có thể uống, miệng tôi khát khô, nên xuống ngực tiện tay húp một ngụm nước nếm thử. Quả nhiên là nước sạch, tôi lấy cái bi đông để sẵn trong tay nải, múc vừa đủ một vại, tiếp tục lên đường.
Đúng như lời nàng nói, sau một ngày đường, tôi đã đến cây cầu đá cũ kỹ dẫn lối vào địa phận trấn Lạng Sơn. Qua khỏi cầu, tôi biết mình đã đến gần với trấn này, cảnh quan dần dần quen thuộc hơn.
Bánh mà Ngọc Vân đưa cho vẫn còn hơi ấm, hương thơm dịu nhẹ lan tỏa khi tôi mở gói ra. Đưa một chiếc bánh lên miệng, tôi cắn một miếng, vị ngọt của thịt bầm tan trong miệng. Tôi chợt nhận ra, mình đang đứng trước cổng chào quen thuộc. Cuối cùng, tôi đã trở về nơi gọi là nhà.
Bình luận
Chưa có bình luận