Trong số các cuốn tiểu thuyết tôi đọc từ nhỏ tới giờ, có những cuốn đọc một lần rồi để đó, có những cuốn đọc đi đọc lại, thậm chí gần 20 năm không đọc lại vẫn có thể nhớ như in. “Cô gái và Hoa cẩm chướng” là một trong số đó, một cuốn mà tôi đọc lần đầu cách đây hai mươi năm có lẻ và bây giờ vẫn nhung nhớ khôn nguôi.
“Cô gái và Hoa cẩm chướng” phác họa trước mặt người đọc qua những câu chữ dung dị của mình một Luân Đôn thập kỷ 30 tấp nập, rộn rã. Catherine là một cô gái đẹp có đôi mắt buồn rười rượi như mặt hồ thu làm trong một công ty buôn bán đồ mỹ thuật. Trong mắt cô, Luân Đôn như một chuỗi hình ảnh xam xám lần lượt trôi nhanh theo những tháng ngày cô miệt mài làm việc để nuôi bản thân lẫn cô cháu gái chỉ kém cô vài tuổi, Nancy. Có thể nói, màu sắc duy nhất trong cuộc đời bấy nay của Catherine là Nancy, “cô bé con” có tính cách phóng khoáng, cởi mở, tân thời, theo đuổi đam mê biểu diễn trên sân khấu lớn đầy rực rỡ.
Câu chuyện với tôi như một “cuộc giải phẫu” tâm hồn của Catherine (tác giả A.J.Cronin vốn là một bác sĩ giải phẫu xuất sắc của nước Anh trước khi viết tiểu thuyết), từ khi cô đờ đẫn mê mang trên những con phố Luân Đôn, tới khi cô gặp Nancy và chồng sắp cưới, một anh chàng Mỹ chính hiệu, ở bên kia Đại Tây Dương. Những sắc màu lấp lánh của nước Mỹ, những hơi thở bình dị của gia đình Mỹ, những cơn gió ẩm thấp của vùng đồng bằng sông Hudson, cái hồ đóng băng, ly rượu vang nóng… Tất cả như làm ấm nóng lại lồng ngực cô gái trẻ tưởng như đã chai lỳ với cuộc sống.
Trước sự lựa chọn lớn nhất của đời mình, cô chọn cách lùi lại và hi sinh. Tiếp tục hi sinh, như lý trí cô mách bảo. Quay lại với cuộc sống xám xịt như những cột khói của khu công nghiệp Luân Đôn, sau những tháng ngày đắm mình trong thiên nhiên lạnh lẽo nhưng trong lành vùng nông thôn nước Mỹ.
Bức họa Cô gái và hoa cẩm chướng đi theo Catherine từ Luân Đôn sang Mỹ, như chứng nhân cho cuộc phẫu thuật tâm hồn ấy, chứng kiến sự đâm chồi của tâm hồn tưởng như già cỗi, chứng kiến những bông hoa tươi sáng của tình yêu, yêu đời, yêu người, vị tha, vị kỷ. Và kết thúc truyện, bức họa ở đó, mỉm cười với Catherine như chúc mừng cô tìm được lẽ sống thật sự của cuộc đời mình.Câu chuyện không dài, nhân vật cũng không nhiều, nhưng ai đã đọc khó có thể quên những hình ảnh hiện ra trong óc khi lướt mắt trên từng câu chữ tinh tế. Bầu không khí mờ mịt của Luân Đôn, những cơn gió mát lạnh mang theo hương rượu vang bên bờ sông Hudson, cuộc chơi trượt băng với những bàn tay đeo găng dày dắt lấy nhau trong tiếng cười rộn rã…
Hãy đọc Cô gái và hoa cẩm chướng một lần, để thử như tôi, chìm vào trong cái khung cảnh tuyệt vời ấy, đặc biệt nên kèm theo một tách trà chanh nóng hôi hổi, vào một ngày mưa gió ngoài trời…
Bình luận
Chưa có bình luận