[Review] Tôi và Paris - Câu chuyện một dòng sông - Hoàng Long


Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn -Chế Lan Viên-

Trong tiếng Việt, ngoài cuộc đời, cuộc sống, ta còn hay nghe đến hai chữ “dòng đời”. Quả thật, không ít nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… đã bao lần ví von đời người như một dòng sông, mải miết trôi hướng về biển rộng. Cuộc đời là một dòng chảy, nhiều cuộc đời là vô vàn dòng chảy, khi mạnh khi yếu, khi hiền hòa lúc lại ào ào thác lũ, có khúc hòa trộn vào nhau nhưng có lúc lại rẽ nhánh càng ngày càng xa. Dọc theo dòng nước luôn luôn chuyển động ấy, có thể có những chiếc cầu bắc ngang nối liền đôi bờ, có thể có những bến tàu, có thể có những bãi bồi bãi lở, hay là bờ cỏ xanh um hay là những kè đá cao chống lũ tràn bờ…

Cuốn sách “Tôi và Paris – Câu chuyện một dòng sông”, đúng như của tên của nó, kể về một dòng sông, với những khúc thăng trầm, những chia ly rẽ nhánh, những cuộc gặp mặt nối liền nhiều vùng đất, nhiều văn hóa. Một “dòng sông” của tác giả Hoàng Long, xen kẽ vô vàn kỷ niệm, câu chuyện về dòng sông Hồng quê hương và dòng sông Seine nơi anh đã chọn làm nơi sinh sống hiện thời.

Trong cuốn sách ấy, ẩn sau từng câu chữ, là những tình cảm như muốn tràn ra từng dòng từng trang giấy. Ấy là nỗi niềm nhớ thương của người con trai khắc khoải với bố mẹ, chị gái ở quê nhà, là thứ tình yêu Hà Nội tới mức có thể văng tục với ‘Nó’ như thể ‘Nó’ là một ông bạn thân chí cốt ngồi trà đá phì phèo điếu thuốc với mùi khói xen lẫn cùng mùi hoa sữa nồng nàn. Đó cũng có thể là niềm tự hào của một người đàn ông chân chính đã trải qua vô vàn nốt nhạc thăng trầm cho từng bản hòa tấu của đời mình, để có thể ung dung mỉm cười nhớ lại tuổi Hai Mươi tràn đầy nhiệt huyết, đêm chỉ ngủ hai tiếng đồng hồ và ngày thì quần quật đi làm đi học ở cái xứ người không như là mơ. Nhưng đó cũng là sự thăng hoa và chín muồi của tâm hồn một chàng trai lãng mạn không quên làm thơ, viết nhạc ngay cả trong những tháng ngày tưởng như cùng cực nhất.

Nhưng điều mà tôi thấy nổi bật nhất, cuốn hút tôi nhất, điểm chung với những con người rời khỏi mảnh đất quê hương chôn rau cắt rốn ra vẫy vùng nơi xứ lạ như chúng tôi, ấy là thứ niềm tin luôn ẩn náu trong đáy lòng. Rằng dù cho hôm nay có là mưa giông bão tố, dù cho đêm tối đen như mực dường như chẳng thấy ngày mai, nhưng chỉ cần ta giữ vững được niềm tin, biết được điều mình muốn làm là không ngại ngần bước về phía trước, thì rồi ta sẽ tới được ngày mai, một ngày mai sẽ khác của hôm nay, một ngày mai mà ta đã đạt được như một thành quả của phấn đấu của hôm nay. Rằng “Quy luật của hạnh phúc, là khi ta có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương, và có điều gì đó để hi vọng”― Immanuel Kant.

Đương nhiên, tác giả cũng không quên gài vào những lời khuyên thiết thực dành cho các bạn trẻ sắp và đang đi du học, về việc chuẩn bị trước khi đi, khi mới sang, khi gặp khó khăn, hay là khi thất bại. Nhiều phần có thể trình bày hơi cứng nhắc một chút khi chuyển từ câu chuyện thành công/vất vả/thất bại của cá nhân tác giả sang lời khuyên cho thế hệ sau. Và đương nhiên, thời những năm 90 của cuối thế kỷ trước, khi tác giả nằm trong những con người xuất sắc hiếm hoi được nhận học bổng sang nước ngoài, tình huống sẽ rất khác với thời kỳ hiện tại sau thập niên 10 của thế kỷ 21. Thật lòng, những câu chuyện như “chàng” và “nàng” giờ không còn hiếm hoi, những nàng công chúa tháp ngà được gửi ra nước ngoài học những ngôi trường tư đắt đỏ để có tấm bằng đẹp đẽ lấy le về khoe quê nhà cũng không ít. Và xã hội cũng đã thay đổi rất nhiều khi những sinh viên muốn sang Paris ngày đầu cũng đã lận lưng đầy đủ điện thoại thông minh đời mới để dịch hội thoại tức thời nhờ Google Translate hay là Google Maps tìm kiếm đường đi.

Có thể nói, khoảng cách hơn chục ngàn cây số giữa Hà Nội và Paris giờ đã không còn nằm trong những lá thư tay viết nắn nót phải mất cả mươi ngày mới đến tay người nhận, thậm chí những câu chat vội trên Yahoo Messenger năm nào giờ cũng đã thay thế bằng Whatsapp, Zalo, Viber hay Facebook; thèm ăn nem tôm cua bằng vỏ ram Hà Tĩnh cũng chỉ cần a lô ới một câu là ship tận nhà dù là ngoại ô Paris. Nhờ có vô vàn những người đi trước như tác giả, như những đàn anh đàn chị thế hệ 7x, 8x đã đi trước ‘dò đường’, cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng người Việt của dân trí thức Việt Nam tại Pháp nói chung và tại Paris nói riêng có thể nói đã hoàn toàn khác. Do đó, cuốn sách “Tôi và Paris” này, với tôi mang tính hoài niệm, gợi nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên đất nước vừa quen thuộc vừa xa lạ này, hơn là mang tính cung cấp thông tin bổ sung.

Về điều khiến tôi vừa thích vừa không thích trong cuốn sách là tác giả dùng thể ‘hứng’ hay gặp trong ca dao, nhắc tới những địa điểm, công trình nổi tiếng xa gần ở Paris để gợi cảm xúc bản thân về những kỷ niệm, những trải nghiệm, và những kinh nghiệm của mình, nhưng đôi khi hơi quá đà gây gượng gạo. Kết cấu các phần đều giống nhau: đi từ một địa danh của Paris, nhớ tới kinh nghiệm/kỷ niệm, rồi tổng kết lại và đưa ra lời khuyên cho thế hệ sau. Đa số các phần đều khá hợp lý, cảm động như phần đầu về Khải Hoàn Môn và Tháp Eiffel, hay là Sông Seine và câu chuyện những bến bờ, Các nhà ga và nơi bắt đầu hay kết thúc, thậm chí những đoạn khiến tôi hứng thú nhất khi đọc là hai chương về Bảo tàng và Ẩm thực, có thể nói là đỉnh điểm cảm xúc trong tôi. Thế nhưng phần về sân vận động Công viên Các hoàng tử lại khiến tôi hơi hụt hẫng (có thể vì tôi không mê bóng đá lẫn câu chuyện tình ủy mị không hồi kết của “chàng” và “nàng” chăng?). Cả phần về Nhà hát Quốc gia Opéra de Paris và bài hùng biện cũng không hấp dẫn tôi cho lắm. Nhưng thôi, nó là những phần tối nho nhỏ trong một cuốn sách tràn ngập năng lượng tích cực và sức sống mãnh liệt này.

Phần cuối sách khi ta quay trở lại Khải Hoàn Môn, nơi kết thúc đại lộ Champs Elysées, giao nhau với 6 con đường khác, thành một giao lộ có mười hai ngã rẽ, nơi khởi đầu cuộc sống mới của chàng thanh niên tuổi hai mươi ba nơi xứ người, và nhiều năm sau, cũng là nơi khởi đầu cuộc sống mới của người đàn ông thành đạt, đặt dấu chấm hết cuốn sách về thời sinh viên của mình để mở sang những trang sách tiếp theo, tìm những bến bờ tiếp theo của dòng đời. Tôi gấp cuốn sách điện tử của mình lại, thoáng mỉm cười. Nơi khởi đầu của tôi không nằm ở Paris hoa lệ với vô vàn công trình nổi tiếng, nhưng không vì thế mà nó ít đáng nhớ, ít kỷ niệm, ít vấn vương hơn. Cũng như anh Hoàng Long mỗi lần đi qua Khải Hoàn Môn và nhớ về cậu chàng lúng túng với tám mươi cân hành lý, tỏ tình bên dòng sông Seine thơ mộng, các cựu du học sinh và công dân đa quốc tịch như chúng tôi ai cũng có những “Khải Hoàn Môn” của mình, những giấc mơ của mình, những dòng sông của mình, những chặng đường của mình.

Đời người như một dòng sông

Chảy quanh, uốn khúc,

Và biết đâu đấy, một ngày nào đó không xa, những dòng sông sẽ chạm khẽ vào nhau.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}