Vợ chồng tôi định cư ở nước ngoài cùng với hai bé gái 5 và 10 tuổi. Không có ông bà nội ngoại ở bên để sử dụng “quyền trợ giúp của người thân” mỗi khi cần, nên chúng tôi đã khá là quen việc tự xoay xở vào bất kỳ tình huống nào, cho dù là gặp chuyện khẩn cấp bất thường như phải vào viện cấp cứu hay là những việc nhỏ linh tinh vụn vặt hàng ngày như một chiếc quần bị rộng chun hoặc là một bé thú bông nhỏ xíu bị lạc mất đâu đó.
Mỗi lần tôi hay chồng tôi hay hai con của tôi tìm thấy một thứ gì đó thất lạc trong nhà, chúng tôi đều vui vẻ gọi người tìm ra thứ đó là “Siêu nhân”. Siêu nhân Mẹ, Siêu nhân Bố, Siêu nhân Con. Ngay cả mèo Nou trong nhà đôi khi cũng được gọi là Siêu mèo Nou khi làm một cái gì đó có ích.
Điều đó cho thấy, ai cũng có thể là một siêu anh hùng của ai đó. Trong gia đình, ở trường, ở công ty, ngoài xã hội. Chỉ cần là họ làm việc gì đó có ích, có ý nghĩa, hỗ trợ ai đó khi khó khăn mà thôi. Siêu năng lực đầu tiên của Siêu anh hùng, ấy là giúp đỡ người khác.
Thế nhưng, siêu anh hùng cũng có những mặt rất đỗi trái ngược, nói cách khác là rất bình thường. Siêu nhân Mẹ đọc sách cho con rất tuyệt, làm những con thú bông dễ thương của riêng các con, nhưng Mẹ lại dễ cáu hay căng thẳng. Siêu nhân Bố dạy các con đi xe đạp hai bánh, chơi đàn với các con, nấu ăn rất ngon hợp gu các con, nhưng Bố lại hay mắng ba mẹ con bày bừa lộn xộn ra khắp nhà với mớ thủ công lẫn sách của mình. Bởi vì trước khi là Siêu nhân, Bố và Mẹ là hai con người bình thường khác nhau, về sống chung với nhau, học làm vô vàn việc lớn nhỏ chưa bao giờ động tới, để cùng nhau xây dựng một gia đình. Và trước khi thành Bố, thành Mẹ, hai con người đó cũng có những Siêu nhân của riêng mình, là Ông, là Bà của Bố Mẹ, là Bố là Mẹ của Bố Mẹ…
Tuổi thơ là như thế, là trải qua những tháng ngày vô cùng kỳ diệu, cho dù bạn là một đứa trẻ bảy tuổi cư xử một cách lộn xộn bắng nhắng như bất kỳ một đứa trẻ bình thường nào khác, hay kể cả khi bạn là một đứa trẻ bảy tuổi già trước tuổi, đọc wikipedia và bách khoa toàn thư mỗi khi cần hiểu cái gì đó trong thế giới của người lớn, mà người lớn từ chối trả lời bạn hoặc nói tránh, nói lảng đi với lý do, bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ.
Nếu “Cây cam ngọt của tôi” diễn tả bi kịch của tuổi thơ bất hạnh, một bi kịch trong bi kịch với những bạo lực gia đình trong khung cảnh đói nghèo thất nghiệp đông con ở một đất nước xa xôi, văn hóa xa xôi đầu kia của thế giới; thì “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” lại chỉ đơn giản là miêu tả những con người trong cuộc sống hiện đại rất bình thường. Khung cảnh trong đó gần gũi tới mức hoàn toàn có thể tìm thấy những hình mẫu của bà Britt-Marie, ông Alf, bà Maud, ông Lennart đâu đó, một chung cư như tòa nhà của Elsa, một người mẹ như mẹ của Elsa, một người bố như bố của Elsa xung quanh mình. Thậm chí, là tìm thấy một góc tuổi thơ của mình trong chính những gì Elsa đã và đang trải qua, được miêu tả bằng đúng những giọng điệu vừa ngây thơ vừa già dặn của cô bé.
Nếu hỏi nội dung trong cuốn “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” phải tóm tắt là gì, tôi sẽ trả lời, ấy là hành trình của Elsa trong việc tìm kiếm những mặt cắt rất ‘đời thường’ của siêu anh hùng lớn nhất trong đời bé, Bà ngoại. Bà ngoại là một Siêu anh hùng của bé, của vô vàn những mảnh đời bất hạnh bà đã cứu vớt, từ thể chất tới tinh thần, trải khắp năm châu bốn bể. Nhưng chính bé phải thừa nhận Bà nói đúng, bé sẽ ghét bà khi biết về con người của bà trước khi làm bà ngoại. Và hành trình của Elsa trong cuốn sách, ấy cũng là hành trình để bé hiểu rằng, mỗi Siêu anh hùng không chỉ tồn tại trong những câu chuyện anh hùng vĩ đại cứu vớt thế giới, mà cũng tồn tại dưới những mặt cắt rất ‘đời thường’, có ưu có khuyết điểm, có sai lầm và có tổn thương, cứu vớt người khác, nhưng cũng cần được cứu vớt.
Hành trình ấy của Elsa được tác giả kể lại bằng những ngôn từ trong trẻo, gần gũi, như chính suy nghĩ của một cô bé. Không lên gân lên cốt, không quá nhiều mỹ từ hoa lệ hàn lâm văn vẻ. Ngôn ngữ trong cuốn sách hoàn toàn chỉ là một chất xúc tác tạo nên phản ứng của người đọc đối với từng bước, từng mẩu chuyện nhỏ trong hành trình của bé. Thế nên câu chuyện mới càng thêm dễ dàng đi vào lòng người đọc hơn, dù là những miêu tả về thế giới kỳ diệu ở Miamas hay là những lần tranh cãi giữa hai mẹ con Elsa.
Thế giới trong cuốn sách “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” thật ra cực kỳ rộng lớn, có thể vì nó được miêu tả dưới góc độ của một đứa trẻ bảy tuổi già dặn hơn lứa tuổi của mình. Ấy là thế giới cổ tích song song Vùng đất Mơ-màng-ngủ và thế giới hiện đại bình thường, với những đối trọng ẩn náu đằng sau từng chi tiết, từng con người của mỗi thế giới. Thế nên ta như hòa mình vào Elsa để nhìn xung quanh mình dưới cùng đôi mắt ấy, tự mình kiếm tìm những điểm tương đồng, những mối liên hệ giữa hai thế giới, để nhận ra những sự thật đôi khi quá nặng nề với một-đứa-trẻ-con-mang-hình-hài-người-lớn hay kể cả với một-người-trưởng-thành-trong-lốt-trẻ-con.
Từ những lời xin lỗi mà Bà ngoại Elsa gửi cho những người mà Bà nhờ Elsa gửi, thật ra ẩn sâu trong nó là lời xin lỗi cuối cùng của Bà ngoại dành cho cô hiệp sĩ quan trọng nhất cuộc đời Bà: Elsa. Nhưng bà gửi trong đó không chỉ có lời xin lỗi, mà còn là toàn bộ tình yêu thương chăm sóc bà đã từng nợ con gái của bà, cùng với toàn bộ di sản tuyệt vời nhất của một người Bà dành cho cháu gái của mình: một tình cảm trìu mến vô bờ với cuộc sống và những người quanh ta, cùng với niềm tin vào trí tưởng tượng vĩnh viễn tồn tại, không bao giờ bị bóng tối khuất phục. Và cùng với nó là khả năng tìm lại sự tự tin vào bản thân mình, cho dù người xung quanh có nhìn mình như quái vật. Bởi vì quái vật đôi khi không phải luôn luôn là quái vật như mọi người nhìn thấy, vì quái vật trước khi là quái vật có thể đã từng có một hình hài tốt đẹp khác, và rất nhiều khi, Siêu anh hùng cũng có thể là Quái vật, hay Quái vật cũng có thể trở thành Siêu anh hùng. Đó mới là bài học cuối cùng của “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” dành cho Elsa và cả người đọc nữa.
Tóm lại, tôi đã miệt mài đọc cuốn sách này một cách vô cùng tập trung trong vài ngày ngắn ngủi, bởi vì nó xứng đáng là một trong những cuốn sách tuyệt vời nhất mà tôi từng đọc. Bởi vậy, nếu bạn tin vào các Siêu anh hùng, nếu bạn đã từng hay đang có Siêu anh hùng trong cuộc đời của mình, như tôi đang là Siêu nhân Mẹ của các con gái, hãy đừng ngần ngại bắt đầu đọc cuốn sách này nhé.
Bởi vì, ai cũng có thể là Siêu anh hùng, của một cô bé bảy tuổi, hay là một người Mẹ ba mươi bảy tuổi, như tôi.
Bình luận
Chưa có bình luận